Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ Đình Huê Nghiêm (Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) Và Tổ Sư Tế Giác-Quảng Châu

23/04/201317:46(Xem: 13351)
Tổ Đình Huê Nghiêm (Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) Và Tổ Sư Tế Giác-Quảng Châu

hoasen-quangduc_tg
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Tổ Đình Huê Nghiêm (Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) Và Tổ Sư Tế Giác-Quảng Châu

Hòa Thượng Thích Trí Quảng
Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Tổ đình Huê Nghiêm là ngôi chùa cổ có nhiều bậc danh tăng xuất thân từ đây. Không biết rõ chùa được xây dựng từ năm nào, nhưng theo lịch sử truyền thừa các vị Tổ sư của chùa, thì ngài Thiệt Thụy-Tánh Tường là Tổ khai sơn. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được chùa Huê Nghiêm cũng đã có khoảng 300 năm.
Tổ khai sơn nổi tiếng là một vị chân tu đức hạnh, cảm hóa được nhiều đệ tử, trong đó nổi bật nhất có ngài Tế Giác-Quảng Châu được coi như là vị Tổ quan trọng nhất ở miền Nam vào thế kỷ XIX.

Ngài Tế Giác cảm đức của Tổ Thiệt Thụy-Tánh Tường nên xuất gia với Tổ, học được nhiều đức tánh quý báu với bậc thầy đắc đạo. Tuy nhiên, muốn tiến tu, phát huy trí tuệ, ngoài phần sở đắc nội chứng cần thiết phải có, còn phải kết hợp thêm phần sở học. Vì vậy, ngài Tế Giác đã đến tham vấn học đạo với Tổ Phật Ý-Linh Nhạc.

Sau khi dạy ngài Tế Giác, Tổ Phật Ý-Linh Nhạc quán thấy ngài có nhân duyên với Tổ Tông-Viên Quang nên đã bảo ngài đến cầu học với vị này. Trên bước đường hành đạo, nhân duyên rất quan trọng, vì có duyên thì nương theo thầy mới phát triển được.

Mặc dù Tổ Tông-Viên Quang là đệ tử của Tổ Phật Ý, tức đồng huynh đệ với ngài Tế Giác, nhưng vì vâng lời dạy bảo của Tổ, cũng như không tự ái, chấp ngã, chỉ quyết tâm học đạo nên ngài Tế Giác đã hết lòng cầu pháp với Tổ Tông-Viên Quang, nhận vị này làm thầy. Vì vậy, ngài Tế Giác còn có tên là Tiên Giác-Hải Tịnh, theo dòng truyền thừa của hệ Lâm Tế Gia Phổ (Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên. Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên).

Trong thời gian học đạo với Tổ Tông-Viên Quang, ngài Tiên Giác-Hải Tịnh - tức Tế Giác-Quảng Châu, có cơ hội tiếp xúc với quan Tổng trấn Gia Định thành là Trịnh Hoài Đức. Cảm mến tài đức của ngài Tế Giác vượt trội hơn người, có thể Trịnh Hoài Đức đã giới thiệu Ngài với triều đình Huế.

Năm 1825, vua Minh Mạng sắc phong chức Tăng cang cho ngài Tế Giác và bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Mụ ở Huế. Việc Ngài được cử làm đại diện chư Tăng miền Nam ra đất thần kinh làm thầy là điều rất hiếm, vì lúc ấy Huế là kinh đô, có nhiều nhân tài thường vô miền Nam truyền đạo.

Năm 1833, con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm thành Phiên An (Saigon), chống lại triều đình Huế. Ngài Tăng cang Tế Giác là người ở Gia Định nên bị nghi ngờ có liên hệ với loạn quân; vì vậy, triều đình đã cách chức ngài.

Nhưng đứng trước sự đổi thay vinh nhục của trần thế, tâm hồn ngài vẫn thanh thản, chẳng cần minh oan, vẫn giữ một lòng lo cho đạo pháp. Tâm hồn trong sáng của Tổ Tế Giác đã làm Tăng chúng cảm kích và khiến triều đình phải suy nghĩ, điều tra lại. Sau cùng, vua Thiệu Trị đã phục hồi chức Tăng cang cho ngài và cử làm trụ trì chùa Giác Hoàng.

Trải qua thời gian hành đạo nơi cố đô, Tổ Tế Giác đã độ được một số cao tăng nổi tiếng. Tiêu biểu như Hòa thượng khai sơn chùa Tường Vân cảm mến đức hạnh của Tổ, nên đã xin cầu pháp và được Tổ cho pháp hiệu là Liễu Tánh-Huệ Cảnh (thuộc đời thứ 37, tính theo dòng pháp của Lâm Tế Chánh Tông: Tổ Đạo Giới Định Tông. Phương Quảng Chánh Viên Thông. Hành Siêu Minh Thiệt Tế. Liễu Đạt Ngộ Chơn Không). Vị này còn có tên là Tánh Khoát-Đức Giác (thuộc đời thứ 39 của tông Tế Thượng Thiệt Diệu Liễu Quán: Thiệt Tế Đại Đạo. Tánh Hải Thanh Trừng. Tâm Nguyên Quảng Nhuận. Đức Bổn Từ Phong).

Với trí tuệ của bậc ngộ đạo, đến đâu, làm việc gì đều có mục tiêu, nên khi hoàn thành xong những việc đáng làm, Tổ Tế Giác đã xin từ chức Tăng cang, trở về miền Nam hành đạo.

Điều này cho thấy nơi ngài tỏa sáng nét đẹp giải thoát của vị chân tu, không màng phú quý lợi danh. Người tầm thường khi được địa vị như vậy thì họ cố bám giữ để tận hưởng, không thể dễ dàng từ bỏ, hoặc khi thấy chỗ cực khổ thì liền tìm cách lẩn tránh.

Tổ Tế Giác-Quảng Châu, một bậc long tượng trong đạo pháp, tất nhiên có tư cách phi phàm, bỏ chốn kinh kỳ, về vùng đất còn hoang vu để giáo hóa độ sanh, thành tựu những việc lợi ích cho đời, rạng danh cho đạo.

Thật vậy, bằng tầm nhìn xa thấy rộng, ngài quán thấy nên trở lại miền Nam truyền giáo, phát triển đạo pháp lợi lạc hơn, vì nơi đó hội đủ duyên lành; nói cách khác, miền Nam hiện hữu những mầm non có căn lành đang cần ngài giáo dưỡng.

Về miền Nam, ngài cố tìm những người có căn tánh sáng suốt để khai ngộ. Trên bước đường giáo hóa, Tổ Tế Giác gặp một thanh niên bẩm chất thông minh, căn tánh hiền lành, phát tâm xin xuất gia. Độ được đệ tử có căn lành như vậy, nên Ngài đặt pháp hiệu cho vị này là Đại Cơ-Đức Huân (thuộc Lâm Tế dòng Thiệt Diệu Liễu Quán đời thứ 37).

Sau đó, trong hàng pháp tôn của Tổ Tế Giác có ngài Đạo Trung-Thiện Hiếu, thường nổi danh là Tổ Đỉa. Vị này truyền bá Phật pháp cả vùng Biên Hòa, Sông Bé, Tây Ninh, khai sơn nhiều chùa như Linh Sơn ở núi Bà Đen, Long Hưng hay thường gọi là chùa Tổ ở Bưng Đỉa (Sông Bé), chùa Hội Lâm (xã An Nhơn Tây, Củ Chi)...

Và các chùa nổi tiếng ở miền Nam bắt đầu bằng chữ Hội như: Hội Khánh, Hội Sơn, Hội Lâm, v.v... hay chùa Linh Sơn, đều là căn cứ của Thiên địa hội hoạt động cách mạng cứu nước. Những ng��i chùa này cũng do các pháp tử, pháp tôn của Tổ Tế Giác khai sơn là ngài Đại Ngạn -Từ Tấn (chùa Hội Khánh), ngài Đạo Trung-Thiện Hiếu (chùa Hội Lâm, Linh Sơn), ngài Đạo Thành-Khánh Long (chùa Hội Sơn).

Tìm người để tiếp độ theo tầm nhìn sáng suốt như thế, Tổ Tế Giác- Quảng Châu đã đào tạo cho đạo pháp biết bao nhân tài.

Ngoài ra, khi hành đạo ở vùng Gia Định, Tổ Tế Giác-Quảng Châu hay Tiên Giác-Hải Tịnh đã độ được rất nhiều đệ tử, phát triển mạnh dòng Lâm Tế Gia Phổ. Trong đó, nổi bật nhất là ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân trụ trì tổ đình Giác Viên (nếu tính theo dòng truyền pháp của Lâm Tế Gia Phổ), hay Ngài còn có tên là Liễu Khiêm-Chí Thành (nếu tính theo truyền pháp của Lâm Tế Chánh Tông).

Tổ Tế Giác đã cùng đệ tử Minh Khiêm-Hoằng Ân xuống vùng Châu Đốc hành đạo vì nhận thấy vùng này có nhiều người nhiệt tâm tu hành, nhưng không hiểu biết giáo lý đạo Phật. Họ chỉ chuyên luyện bùa phép, tu các pháp thuật của ngoại đạo. Ngài quán thấy nhân duyên Phật giáo (PG) có thể phát triển ở đây, nếu được hướng dẫn đúng chánh pháp.

Quả thật, trí tuệ và đức độ của Tổ Tế Giác đã cảm hóa được nhiều người ở vùng này, đặc biệt có Phật Thầy Tây An quy y với Tổ, được pháp hiệu là Minh Huyên. Đó là người khai sáng ra phái Bửu Sơn Kỳ Hương, một phái tu chuyên chữa bệnh bằng nước lạnh hoặc phù chú. Từ đó, rất nhiều ông đạo của phái này cũng theo chân Phật Thầy Tây An, quy y Tam bảo, trở thành đệ tử của Tổ và đóng góp được nhiều công sức, tiền của cho việc phát triển đạo pháp ở vùng này.

Ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân là bậc long tượng, đã phát huy được sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh. Thật vậy, ngài Minh Khiêm một mình, một y, một bát vân du hành đạo khắp miền Tây Nam Bộ. Ngài cũng hoằng hóa một thời gian rất lâu ở núi Sam, nên thường được gọi là Tổ núi Sam. Có thể nói PG miền Tây phát triển được là nhờ công lao rất lớn của ngài Minh Khiêm.

Trong hàng hậu học nối tiếp dòng Lâm Tế Chánh Tông của Tổ Tế Giác, còn có một vị danh tăng của miền Nam, đó là Tổ Đạt Lý-Huệ Lưu, cũng xuất thân tu học từ Tổ đình Huê Nghiêm. Ngài còn nổi tiếng là ông vãi bán khoai. Trên bước đường hành đạo, Tổ Huệ Lưu đã góp phần giáo hóa dân chúng miền Tây bằng lối thơ mộc mạc. Bộ Trường Hàng luật ra đời cũng do công đức của Tổ Huệ Lưu sao chép.

Trong thời cận đại, hàng pháp tôn của Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đã tiếp nối được sự nghiệp hoằng pháp độ sanh. Nổi tiếng có Hòa thượng (HT) Như Hiền-Chí Thiền hay Tổ Phi Lai; HT Như Nhãn-Từ Phong, Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học; HT Như Trí-Khánh Hòa, sáng lập Lưỡng Xuyên Phật học.

Tóm lại, với căn lành sâu dày trong Phật pháp và được gặp vị thầy đắc đạo khai ngộ, Tổ Tế Giác-Quảng Châu đã phát huy trí tuệ, đạo đức và dùng phước trí ấy làm hành trang đi hoằng hóa khắp mọi nơi. Từ đó, nơi nào có duyên, ngài đến hóa độ; mãn duyên, ngài nhẹ nhàng rời gót, chẳng màng phú quý, chẳng bận lợi danh.

Hành đạo trên chơn tánh, nên không có gì làm vướng bận bước chân du hóa của Tổ. Thật vậy, với trí tuệ trong sáng và đức hạnh vô ngã vị tha của một bậc chân tu đắc đạo, Tổ Tế Giác thong dong tự tại trên đường truyền pháp. Từ Gia Định ngược dòng ra Huế hoằng hóa, từ Huế lặn lội về vùng hoang vu sơn dã của các tỉnh miền Tây Nam Bộ để độ sanh, đồng thời chấn chỉnh việc tu học, mở các trường hương, tổ chức các lớp nội điển cho chư Tăng tại Tổ đình Giác Lâm, Giác Viên, tu bổ, xây dựng chùa chiền ở Gia Định và các tỉnh miền Nam, v.v...

Tổ Tế Giác đã giáo dưỡng, un đúc biết bao vị danh tăng làm nên đạo cả, giữ gìn mạng mạch Phật pháp trường tồn. Ngài gánh vác công việc hoằng dương đạo pháp chẳng ngại gian lao, chẳng biết mỏi mệt, được Tăng chúng, tín đồ hết lòng kính ngưỡng.

Với công đức ấy, ngài Tế Giác-Quảng Châu hay Tiên Giác-Hải Tịnh đã trở thành Tổ sư của cả 3 tông: Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ và Tế Thượng Chánh Tông. Phải nói đó là một điều hiếm có trong PG vậy.

Và vị đệ tử nổi bật nhất của ngài Tế Giác là danh tăng Minh Khiêm-Hoằng Ân cũng nối chí ngài, trở thành Tổ sư kế thừa được hai dòng Thiền: Lâm Tế Chánh Tông và Lâm Tế Gia Phổ.

Có thể khẳng định Tổ Tế Giác-Quảng Châu hay Tiên Giác-Hải Tịnh đã đóng vai trò rất quan trọng đối với PG miền Nam vào thế kỷ XIX. Ngài đã đưa PG miền Nam vào tổ chức hệ thống chặt chẽ, đào tạo rất nhiều nhân tài cho đạo pháp, chấn chỉnh lại khoa ứng phú theo đúng hướng Phật dạy.

Riêng bản thân tôi, cũng may mắn được xuất thân tu học từ Tổ đình Huê Nghiêm, một Tổ đình tiêu biểu sản sanh ra nhiều vị danh tăng thạc đức đã thể hiện tinh ba của đạo Phật, làm lợi ích cho đời, rạng danh cho đạo, mà ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến Tổ sư Tế Giác-Quảng Châu hay Tiên Giác-Hải Tịnh với vài nét sơ lược.

Thừa kế được công đức của chư vị Tổ sư tiền bối thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ và Tế Thượng Chánh Tông, thừa kế chân tinh thần vô ngã vị tha của các Ngài, tôi cũng vững bước tiến trên đường phát huy sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, nỗ lực thắp sáng ngọn đèn từ bi, trí tuệ của Đức Từ Tôn, làm lợi lạc chúng hữu tình.

Xin cám ơn quý liệt vị đã lắng nghe, và cầu nguyện tất cả được an vui trong hào quang của chư Phật.
Ý kiến bạn đọc
20/08/201915:02
Khách
Kính thưa quý Thầy,
Con xin được chú thích thêm về sự kiện Tổ Tế Giác bị cách chức Tăng cang không phải liên quan đến sự kiện Lê Văn Khôi mà do bị lỗi liên đới ạ.
Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhị kỷ, Quyển CCVII, tháng 10 và 11 cho biết : “Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 (1839), mùa đông, tháng 10... Sư chùa Thiên Mụ có tên Nguyễn Văn Huấn vì ghen nên giết người. Bộ Hình và Viện Đô Sát xét hỏi qua một năm không khám phá ra manh mối. Đến nay Khoa Đạo là Nguyễn Sĩ Đăng, Lê Tập bí mật đi dò xét tìm được tình trạng, đều thưởng cho mỗi người 10 lạng bạc và gia một cấp. Khi án giao xuống đình thần xét, Huấn bị xử trảm hậu; Sư trưởng Nguyễn Tâm Đoan, cách bỏ chức Trụ trì, chuẩn bắt phải làm việc nặng nhọc tại chùa ấy”.
Con đã mạo muội chỉnh sửa trên trang "vi.wikipedia" vì nghĩ tác giả quyển Lịch sử Phật giáo Đang trong là Nguyễn Hiền Đức có chút nhầm lẫn có thể làm sai lệch lịch sử đạo và cách nghĩ về Vua Minh Mạng.
Con chỉ có chút ý kiến trên, con chân thành cảm ơn quý Thầy đã xem.

Phật tử pháp danh Thiện Luận (Phạm Tấn Toàn) kính lễ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]