Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một vài nét xưa và nay của Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh

23/04/201317:47(Xem: 11907)
Một vài nét xưa và nay của Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Một Vài Nét Xưa Và Nay Của Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh

Sơn Nam
Nguồn: Sơn Nam


Trước Nguyễn Hữu Cảnh, nghĩa là hơn 300 năm về trước, ở Sài Gòn và phía đồng bằng, dân số khoảng 4 vạn hộ, đã có chợ Cù lao Phố ở Biên Hòa và chợ Mỹ Tho, ở Huế ngân nga tiếng chuông chùa Thiên Mụ, ở Hội An hải cảng đã mở ra, đón nhận tàu nước ngoài đến mua bán. Nhưng nói chung, dân số còn ít, dân nghèo từ miền Trung kéo vào tự lực phá rừng, làm ruộng, chống thú dữ. Đại Nam nhất thống chí ghi chép về tỉnh Gia Định đã nhắc đến ngày Tết năm Canh Dần (1770), ở chợ Tân Kiểng (ngay bên đường Trần Hưng Đạo, quận 5), cọp dữ đến khuấy rối, quân đội ở gần không can thiệp được, may thay có ông Tăng Ân đi ngang qua, ra sức dùng côn đánh cọp, cọp chui vào bụi tre. Ông bị thương, đồ đệ là Trí Năng giết được cọp, ông Tăng Ân bị tử thương, bấy giờ đã xây ngôi tháp lưu niệm. Lại chép truyện ông Viên Ngộ ở Cần Giuộc, đầu năm Gia Long đã quy y. Với quyết tâm lớn, ông tích cực khẩn hoang tại vùng Thanh Ba (quê vợ ông Đồ Chiểu), cọp chặn đường, nhưng ông và dân trong xóm vẫn bình tĩnh mở được hai con lộ giúp dân tới lui buôn bán.

Ông lập chùa Tôn Thạnh, đúc tượng Địa Tạng cầm kinh mật niệm giúp đồng bào thoát cơn bệnh dịch, rồi ông nguyện suốt đời tịch cốc. Pháp đến, nghĩa quân Cần Giuộc dấy lên, đánh đồn Tây. Giặc trả thù, ông Đồ Chiểu làm văn tế: “Ôi thôi, chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấc lòng son gửi lại với trăng rằm. Đồn Tây dương một phút đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ?”. Theo cái nhìn của Đồ Chiểu, chùa Tôn Thạnh đối chọi với đồn Tây dương. Chùa Tôn Thạnh là biểu tượng của Tổ quốc, với sự công bình, lòng nhân ái và chính nghĩa.

Trong buổi đầu mở nước, người lưu dân vào Nam mang theo mấy chữ “từ bi bác ái”, “trọng nghĩa khinh tài”, “phổ độ chúng sanh”, “thiên đường địa ngục” và những Tăng sĩ rành kinh kệ ở tận Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định. Đại Nam nhất thống chí dùng chữ: “Nhà sư Trí Năng đi vân du” và đến như ngôi chùa nổi danh Sài Gòn là Kim Chương, còn gọi chùa Thiên Trường (ở vùng cao, đường Nguyễn Trãi ngày nay, khuôn viên Bộ Nội vụ) do Đạt Bản Hòa thượng từ Qui Nhơn đến lập, sử gọi ông là nhà sư “du phương”. Tôi hiểu “vân du”, “du phương” là nhập vào cuộc đời, theo trào lưu vào Nam để trực tiếp giúp đồng bào đang bỏ quê quán đi làm ăn nơi xa, phá rừng, sống chung với thú dữ và lũ lụt, với nắng lửa mưa dầu. Chết giữa rừng hoang thì vui vẻ chấp nhận nhưng với điều kiện là có nhà sư tụng kinh cầu siêu. Tìm đâu ra nhà sư đúng nghĩa? Tôi hình dung thuở ấy phần lớn là dạng mà nay ta gọi bôi bác là “thầy cúng”. Miễn là khi động quan, khi hạ huyệt, có tiếng chuông, tiếng mõ thì được “Tây phương tiếp dẫn” với tiếng Nam mô A Di Đà
Phật mà ý nghĩa chẳng ai hiểu rõ. Chết mà được Phật chiếu cố đã là mãn nguyện đối với thân nhân. Thiếu nghi thức ấy là vô phước, trở thành cô hồn, “thập loại chúng sanh” mà thi hào Nguyễn Du đã nhắc nhở, nhờ đức Phật cứu rỗi. Ngày lễ Vu Lan, đối với dân khẩn hoang dường như nhẹ về phần “báo hiếu” mà nặng về phần “cúng cô hồn”. Chùa nào cũng có bàn thờ nhỏ thờ “cô hồn”. Người xưa tin vào đạo Phật nhưng vẫn “sát sinh”. Cọp và sấu, rắn độc - giống mà nếu ta không giết nó thì nó giết ta. Ta giết ở mức độ cần thiết. Giết một con sấu để cảnh cáo, nhưng tha cho mấy con còn lại để nó “đi tu”, sau đó cất miễu thờ cái đầu sấu... Thiếu khí giới, thiếu can đảm thì rình những hang ổ, lén bắt mấy con cọp con cho giống cọp lần hồi tuyệt chủng.

Một chi tiết đáng lưu ý đối với người nghiên cứu sử học, Nguyễn Ánh là người mưu trí về chính trị, đã biết bám vào các chùa Phật mà ẩn thân. Về sau này, vua nhà Nguyễn ban cho chùa xưa ở Nam Bộ hai chữ “Sắc tứ” mà người địa phương lấy làm hãnh diện.

Sài Gòn là hải cảng lớn ở Đông Nam Á với kinh tế thị trường. Chùa Giác Lâm, như sử đã ghi, do người Minh Hương là Lý Thụy Long đứng ra đỡ đầu, sáng lập. Người Hoa khá giả ở Chợ Lớn, nhất là người Hoa có vợ Việt thường ủng hộ xây dựng một số chùa chiền. Với kinh tế thị trường, tuy chạy theo đồng tiền lợi nhuận, nhưng con người rất cần có sự thư giãn. Chùa Giác Lâm là nơi thư giãn của người Sài Gòn xưa, cũng như chùa Cây Mai với ao sen, với đồng lúa, là nơi giới bình dân và kẻ sĩ đến tìm môi trường sống hồn nhiên, vì thời xưa không có công viên.

Thời Pháp cai trị và khống chế, đạo Phật vẫn phát triển và tồn tại, chú trọng việc đổi mới, “tùy duyên bất biến”. Lưỡng Xuyên Phật học thành hình ở đồng bằng sông Cửu Long. Sư Thiện Chiếu ở Sài Gòn, Hòa thượng Nguyễn Văn Đồng ở Rạch Giá tích cực ủng hộ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 40, hy sinh ở Côn Đảo. Báo chí chuyên về đạo Phật đã góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc. Thời kháng Pháp rồi chống Mỹ, vai trò của Phật giáo (PG) rất lớn, tôi không có thẩm quyền bàn bạc đến. Xin nhắc lại vài sự kiện lớn, mà người bàng quan phải nhìn nhận. Nhiều chùa bị lục soát, nhiều nhà sư, Phật tử bị bắt bớ, tù đày. Trong Mặt trận Liên hiệp Quốc dân luôn có mặt các nhà sư. Lắm khi chùa là nơi chứa chấp cán bộ, tư liệu, thậm chí là võ khí. Việc ấy được đồng bào xem như là công tác chính đáng, không trái với đạo pháp và dân tộc. Thời chống Mỹ, lý thuyết PG dường như phức tạp hơn, nhưng nổi bật nhất vẫn là vai trò của sinh viên Đại học Vạn Hạnh, thêm sự in ấn phổ biến nhiều kinh sách để độc giả tự do chọn lựa. Thích Quảng Đức tự thiêu, ai không xúc động? Ni sư Huỳnh Liên tích cực tranh đấu công khai, xuống đường, giới trí thức và phụ nữ ủng hộ công khai, bất chấp sự đàn áp...

Với độc lập, thống nhất đất nước, ta nghĩ đến văn hóa dân tộc, một vấn đề trừu tượng nhưng phải thể hiện ra cụ thể.

Theo tôi, nói đến văn hóa thì nên lấy 3 tiêu chuẩn:
1- Văn hóa phải sống động. Quả là đạo Phật còn sống động, với chùa chiền, sách báo, lễ hội.
2- Văn hóa phải là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
3- Văn hóa phải đem lại sự lạc quan, yêu đời.

Hiện tượng mà ai cũng thấy: bạn hàng chợ, giới tiểu tư sản ngày càng ủng hộ PG. Ngày Rằm tháng Giêng, ngày Phật Đản mỗi năm thêm tấp nập, đa dạng, tùy địa phương. Thêm những dịp hành hương.

Ngày mùng Một, ngày Rằm, bông tươi bán đầy chợ, nhiều nhất là bông vạn thọ, hợp với túi tiền của giới bình dân.

Tiệm cơm chay mở ra khá nhiều, ở nhiều phường dường như không tiệm nào phá sản.

Người lớn tuổi, không còn hoạt động, ưa nghiên cứu đạo Phật là chuyện tốt, “có còn hơn không”, để thư giãn, để sám hối âm thầm, tìm lại tâm linh.

Giới bạn hàng chợ, từng ngày từng tháng, chịu ảnh hưởng trực tiếp của kinh tế thị trường, theo ý tôi, là tầng lớp đáng lưu tâm. Lời hay lỗ, mặt hàng lên hoặc xuống giá bất thường, lề đường có khi giải tỏa, vật giá leo thang, thuế chợ làm sao giảm được. Máy vi tính, thị trường chứng khoán, dự báo... vẫn không cứu vãn vài “con rồng” ở Đông Nam Á đang suy sụp, chưa nói đến thiên tai hạn hán, thời tiết thay đổi bất thường... đều là những việc xảy ra ngoài tầm tay của nhiều giới. Bởi vậy, dựa vào Trời Phật để giữ vững niềm tin, nhưng lắm khi sự cầu nguyện lại là tham lam, ích kỷ. Nhưng “có còn hơn không”, ít ra trong giây phút ấy, con người trở lại khiêm tốn, hiểu mình chỉ là một chúng sanh nhỏ bé, nên giữ lòng bác ái. Ai cũng có lúc thịnh, lúc suy ; khi cần lạc quyên ủng hộ gia đình neo đơn, hỏa hoạn, lũ lụt thì sẵn sàng chẳng cần biết rõ nơi xảy ra thiên tai là hướng nào. Người làm phước là người có cái tâm. Cái tâm tức là lòng vị tha. Hành hương, cùng đi với bạn bè là dịp thư giãn. Ta chợt hiểu rằng ở thời đại có phòng gắn máy lạnh, đi máy bay, chạy xe gắn máy nhưng con người cần đi bộ, cần ngắm nhìn con trâu, đồng lúa, dòng sông đầy phù sa hơn bao giờ hết. Và khi quá tham lam thì lúc chết chưa ắt mang theo được món gì để lo hối lộ với quỷ sứ ở âm phủ, nếu chốn âm phủ là có thật.

Còn nhiều việc cần làm, trước tiền đồ đang rạng rỡ. Theo tôi, chùa chiền phải giữ sạch sẽ về hình thức, để bảo đảm nội dung. Tăng Ni một khi mặc màu áo của Phật thì nên giữ gìn lời nói, cử chỉ. Lứa tuổi Tăng Ni trẻ không nên thối chí, thắc mắc trước lời khen chê. Đạo Phật phải có hạ tầng cơ sở tốt mới hoạt động được. Tư liệu in ấn đẹp hơn. Chùa nên có điện thoại, thậm chí nếu hoàn cảnh cho phép nên có điện thoại cầm tay, có ô-tô. Học thêm chữ Hán, chữ Việt, chữ Anh. Khiêm tốn, nhưng có cái bản lĩnh của người tu hành. Ai khen thì mừng. Ai chê thì không giận. Tiếp cận với cuộc sống. Ngày nay, ta gặp rất nhiều Ni cô trẻ âm thầm dạy dỗ trẻ em bụi đời, trẻ em khuyết tật để chống nạn mù chữ. Đạo Phật là đạo của sự khiêm tốn. Người Phật tử luôn nhẫn nhịn để cầu mong cho Tổ quốc yên vui, thế giới hòa bình, giữa con người không còn phân cách, bất công.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com