Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Kinh Hoa Nghiêm với Thiền

02/04/201320:14(Xem: 7470)
16. Kinh Hoa Nghiêm với Thiền
Ý Nghĩa Vía Phật - Bồ Tát Trong Năm

16. Kinh Hoa Nghiêm Với Thiền
Thích Trí Hiếu
Nguồn: Nhiều tác giả

Trong cuộc sống nhân sanh, nếu không có sự định tỉnh sáng suốt trước mọi giông tố của cuộc đời thì không thể vượt qua mọi bão táp phong ba. Không có sự định tỉnh thì không có trí tuệ để thành tựu sự nghiệp. Trong đạo Phật, Thiền định là cốt lõi hay tinh ba của Phật pháp. Vì thế, Kinh Pháp Cú nói: "Tu thiền trí tuệ sanh, bỏ thiền trí tuệ diệt. Người có thiền có huệ, nhất định có niết bàn". Dù là đại thừa hay tiểu thừa, căn bản hay phát triển, đều lấy thiền định làm căn bản để thành tựu trí huệ giải thoát giác ngộ. Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh thuộc về nhất thừa viên giáo cũng lấy thiền làm nền tảng cho người tu tập để thành tựu Bồ Tát đạo.

Tuy nhiên, quan niệm về Thiền định của Hoa Nghiêm lại khác biệt hơn so với các tư tưởng khác, nếu Thiền định được gọi là tư duy tu hay tịnh lư hoặc "đối cảnh không động gọi là thiền, trong tâm không loạn gọi là định". Hay ngoại dứt cảnh duyên, tâm không loạn động là thiền định, thì Kinh Hoa Nghiêm cho Thiền là trí ứng dụng vào cuộc đời làm an lạc chúng sanh. Như vậy, Hoa Nghiêm đứng về qủa đức hay dụng mà nhìn thiền định. Bởi vì, tư duy tu hay Tịnh lự thuộc về Thế gian thiền, các nhà Bác học, Học giả nghiên cứu tư duy bằng thức đạt kết qủa thành tựu nghiên cứu đều do thức tâm định tỉnh ứng dụng pháp mà thành. Đây là diệu dụng của thức.

Hàng ngoại đạo tu Thế gian thiền chứng qủa Tứ Không cho đến Phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Không diệu dụng được trí, chấp ngoan không là cảnh giới Niết bàn nên trú trong vọng thức chấp thủ.

Thành Nhị thừa chứng thiền định của mình, nhưng còn thấy có pháp, còn xuất trụ nhập, nên khi xã định nhập thế độ sanh bị phiền não bức bách. Vì còn thấy phiền não là thật, không rõ tự tánh như không hoa, nên lo sợ bị trần cảnh làm thối thất quả chứng. Do đó, thường trú Niết bàn chẳng vào thế gian làm lợi lạc chúng sanh nên Trí Bát Nhã chẳng sanh, ổn định trong bạch tịnh thức, vì không rõ nguồn tâm nên chẳng phát đại nguyện độ sanh, viên thành Phật trí, chỉ có những ai rõ suốt nguồn tâm xưa nay hằng thanh tịnh: "Sanh tử Niết bàn như giấc mộng đêm qua", mới dám dõng mãnh phát nguyện: "Đời ác năm trược con nguyền vào trước, như còn một chúng sanh chưa thành Phật, con nguyện chẳng riêng Thủ Niết bàn" như ngài A Nan.

Theo Đại thừa, thiền của chư Phật là lấy tâm truyền tâm không cần đến ngữ ngôn văn tự để giải phóng con người ra khỏi phiền não thể nhập thực tại tuyệt đối siêu việt. Mục đích của thiền là dẫn hành giả đến trực ngộ giải thoát, đề cao nếp sống phóng khoáng, bình đẳng, yêu thiên nhiên với phong thái tự tại do trực giác tâm linh bén nhạy. Người tu thiền chỉ ngồi yên lặng, gạt bỏ ra ngoài mọi tư tưởng và hình ảnh tốt xấu nhờ đó gạn lọc tâm hồn trở nên thanh tịnh. Đó là phương pháp tập trung tinh thần để đạt tới trạng thái ý thức hoàn toàn sáng suốt trong sạch, tức nhận được Phật tánh ở ngay trong bản tâm của chính mình.

Kinh Hoa Nghiêm trình bày cho Ta con đường tu Bồ tát đạo phải trải qua Pháp định, Tánh định và Trí định mới có thể vào đời nhập thế độ sanh không bị trở ngại. Không có định thì không có thể làm được bất cứ việc gì.

Pháp định tức nương pháp vào định như nương Quán hơi thở, Tứ niệm xứ hoặc Lục diệu pháp môn hay niệm Phật, Trì chú để vào định v.v… Trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp giới, ngài Thiện Tài đồng tử được Tỳ Kheo Đức Vân dạy nương pháp "Ức niệm nhất thiết cảnh giới chư Phật" thành tựu Pháp định.

Trí định tức đắc Pháp định và rõ suốt tánh không bát nhã an trú vào tự thể không sanh, không diệt, không thường, không đoạn, không đến, đi qua lại vô sở trụ mà an lập; ngộ rõ nguồn tâm ngắm sóng biển ba đào của thức tâm sanh diệt. Thiện Tài đồng tử được ngài Hải Vân dạy pháp Phổ nhãn quán chiếu biển tâm hằng thanh tịnh. Thành tựu Trí định làm lợi lạc chúng sanh.

Tánh định tức chơn tánh hay tự thể xưa nay hằng thanh tịnh do phân biệt chấp trước nên sanh mê lầm. Nhìn thẳng thấy ngay bổn tâm không qua phân biệt suy nghĩ. Đây là chổ ngài Lục Tổ Huệ Năng chỉ cho Huệ Minh: "Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bổn lai diện mục của Thượng Tọa Minh ? Niệm đầu không phân biệt. Nhờ thế, khi ta nhập Pháp giới, thấy cảnh, thấy sắc, tâm không động, không vướng mắc các pháp, chẳng có pháp nào ngăn ngại được, thấy biết bằng tâm thanh tịnh thường hằng tương ứng Căn bản trí và Sai biệt trí diệu dụng trùm khắp pháp giới. Đây là thiền định của Phật và chư Tổ.

Theo kinh Hoa Nghiêm, Thiền định Ba la mật là hạnh tu của Bồ tát Ngũ địa (Nan Thắng Địa). Khi mãn Thập địa, Bồ tát phải tu Thập thiền định để cho thiền định của mình tự tại vô ngại, diệu dụng trùm khắp tất cả pháp giới làm lợi lạc chúng sanh vô quái ngại.

Như vậy, Kinh Hoa Nghiêm trình bày cho chúng ta thấy Thiền định của chư Phật, Bồ tát có diệu dụng vô biên trên tinh thần Thiền trí không hai. Ở các bậc thánh thế gian và Nhị Thừa còn có nhập – trụ – xuất. Cho nên, không được tự tại. Chư Phật thì thường an trú trong Trí định, Bồ tát hằng trụ trong Tánh định, nên việc làm vô ngại. Con đường thiền định không hai nẻo. Như chúng ta thấy Đức thích Ca Mâu Ni cũng phải trải qua từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, Diệt thọ tưởng định mới vào đại thiền định của Chư Phật làm lợi lạc chúng sanh. Điểm khác biệt của Ngài và thường nhơn là không an trú và chấp thủ Thiền định. Cho nên, thẳng tiến trên con đường thiền định không ngừng lại. Nếu sau khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ định và Diệt tận định. Ngài thỏa mãn với thiền định mình sở đắc, không tu tập thêm sáu năm khổ hạnh thì không thể có 49 ngày thiền định dưới cội bồ đề và nếu sau khi thành đạo dưới cội bồ đề Ngài nhập Niết bàn không Chuyển pháp luân hóa độ chúng sanh thì ai gọi Ngài là Phật hay Thế Tôn ? Mà có chăng thế gian sẽ thêm một vị Độc Giác Phật ra đời. Không vào đời hóa độ thì làm sao hiện thực được Trí định và Tánh định đạt đến Thiền trí không hai, diệu dụng trùm khắp pháp giới. Hoa Nghiêm kinh tuy chỉ rõ Thiền giáo, nhưng đây chính là Tối thượng thừa thiền hay Niết bàn Diệu Tâm. Chư Phật tuy chứng giải thoát Niết bàn nhưng không lìa pháp giới chúng sanh tế độ quần mê, trang nghiêm Phật độ, vào thế độ đời mà Trí định hàm tàng nhiếp khắp tất cả chúng. Như vậy, thiền định trong kinh Hoa Nghiêm trình bày là thiền định của chư Phật và Đại Bồ tát chứ không phải là Thiền định của thế gian hay Thanh Văn, Duyên Giác. Đây là thiền trong cuộc sống nhật dụng thường hằng chứ không phải kéo chân ngồi lại hành thiền định trong am cốc hay núi rừng hoặc vào thiền viện hành đạo. Đây là pháp hành mà tất cả sứ giả của Như Lai hay người Hoằng pháp độ sanh phải có trong cuộc sống tu hành và giáo hóa nhân sanh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]