Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần [2.8i]

18/04/201318:07(Xem: 8070)
Phần [2.8i]

Tạng Luật
Vinayapitaka

Phân Tích Giới Tỷ-Kheo - II
(Bhikkhuvibhanga II)

Tỳ kheo Indacanda Nguyệt Thiêndịch
---o0o---

VIII. CHƯƠNG ƯNG ĐỐI TRỊ (PĀCITTIYAKAṆḌAṂ)
(tiếp theo)

PHẦN BÁU VẬT - ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT:

[731] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã ra lệnh cho người giữ công viên rằng:

- Này khanh, hãy đi và làm sạch sẽ công viên. Ta sẽ đi đến công viên.

- Tâu đại vương, xin vâng.

Rồi người giữ công viên nghe lệnh đức vua Pasenadi xứ Kosala, trong lúc làm sạch sẽ công viên đã thấy đức Thế Tôn đang ngồi ở gốc cây nọ, sau khi thấy đã đi đến gặp đức vua Pasenadi xứ Kosala, sau khi đến đã tâu với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này:

- Tâu bệ hạ, công viên đã được sạch sẽ. Tuy nhiên, đức Thế Tôn đang ngồi ở đó.

- Này khanh, hãy vậy đi. Chúng ta sẽ thăm viếng đức Thế Tôn.

Sau đó, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến công viên rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Vào lúc bấy giờ, có người nam cư sĩ nọ đang ngồi thăm viếng đức Thế Tôn. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã thấy người nam cư sĩ ấy đang ngồi thăm viếng đức Thế Tôn, sau khi thấy đã hoảng sợ đứng lại. Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Theo như việc người đàn ông này thăm viếng đức Thế Tôn thì không phải là kẻ ác” nên đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, người nam cư sĩ ấy do sự tôn kính đức Thế Tôn đã không cúi lạy đức vua Pasenadi xứ Kosala cũng không đứng dậy chào. Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã không được hài lòng (nghĩ rằng): “Tại sao người đàn ông này khi ta đi đến lại không cúi lạy cũng không đứng dậy chào?” Khi ấy, đức Thế Tôn nhận biết sự không hài lòng của đức vua Pasenadi xứ Kosala nên đã nói với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này:

- Tâu đại vương, vị nam cư sĩ này là vị nghe nhiều, có lời giáo huấn đã được truyền thừa, và tham ái trong các dục đã được đoạn tận.

Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Người nam cư sĩ này không phải là thấp thỏi. Đức Thế Tôn cũng còn khen ngợi người này”nên đã nói với người nam cư sĩ ấy điều này:

- Này người nam cư sĩ, ngươi có thể nói lên vì việc ấy có lợi ích.

- Tâu bệ hạ, rất đúng.

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Pasenadi xứ Kosala bằng bài Pháp thoại. Rồi sau khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[732] Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala đang ngự ở tầng trên của tòa lâu đài. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy người nam cư sĩ ấy tay cầm dù đang đi ở trên đường, sau khi thấy đã ra lệnh mời đến rồi đã nói điều này:

- Này người nam cư sĩ, nghe nói ngươi nghe nhiều, có lời giáo huấn đã được truyền thừa. Này người nam cư sĩ, tốt thay ngươi hãy nói Pháp cho các cung nữ của trẫm.

- Tâu bệ hạ, điều thần biết được là nhờ vào các ngài đại đức. Chính các ngài đại đức sẽ nói Pháp cho các cung nữ của bệ hạ.

Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala (nghĩ rằng): “Người nam cư sĩ đã nói sự thật” nên đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt thay xin đức Thế Tôn hãy chỉ thị một vị tỷ-kheo là vị sẽ nói Pháp cho các cung nữ của trẫm.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Pasenadi xứ Kosala bằng bài Pháp thoại. Rồi sau khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, như thế thì ngươi hãy nói Pháp cho các cung nữ của đức vua.

- Bạch ngài, xin vâng.

Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi vào lần này lần khác và đã nói Pháp cho các cung nữ của đức vua.

Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Ānanda đã mặc y cầm y bát đi đến tư dinh của đức vua Pasenadi xứ Kosala. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala đang nằm cùng với hoàng hậu Mallikā. Hoàng hậu Mallikā đã nhìn thấy đại đức Ānanda đang đi lại từ đàng xa, sau khi thấy đã bất thần chồm dậy. Tấm hoàng bào sáng chói đã rơi xuống. Khi ấy, đại đức Ānanda ngay tại chỗ đó đã quay trở về lại tu viện và kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Ānanda khi chưa báo tin trước lại đi vào hậu cung của đức vua?

…(như trên)…

- Này Ānanda, nghe nói ngươi khi chưa báo tin trước lại đi vào hậu cung của đức vua, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này Ānanda, vì sao ngươi khi chưa báo tin trước lại đi vào hậu cung của đức vua vậy? Này Ānanda, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

[733] Này các tỷ-kheo, đây là mười điều nguy hiểm trong việc đi vào hậu cung của đức vua. Thế nào là mười?

Này các tỷ-kheo, trường hợp đức vua đang ngồi với hoàng hậu. Vị tỷ-kheo đi vào nơi ấy. Hoặc là khi thấy vị tỷ-kheo hoàng hậu nở nụ cười, hoặc là khi thấy hoàng hậu vị tỷ-kheo nở nụ cười. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Rõ ràng giữa những người này đã xảy ra chuyện, hoặc họ sẽ làm ra chuyện.” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ nhất trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa đức vua có nhiều phận sự có nhiều công việc cần phải làm, sau khi đi đến với người đàn bà nào đó rồi không nhớ. Do việc ấy, cô ấy mang thai. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ hai trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa trong hậu cung của đức vua có vật báu nào đó bị mất trộm. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ ba trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa trong hậu cung của đức vua các chuyện nội vụ đang được giữ kín lại bị tiết lộ ra bên ngoài. Trong trường hợp ấy, đức vua khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ tư trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa trong hậu cung của đức vua hoặc là con muốn giết cha hoặc là cha muốn giết con. Họ khởi ý như vầy: “Ở đây, không có người nào khác đi vào ngoại trừ vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ năm trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa đức vua đưa người có địa vị thấp lên địa vị cao. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua gần gũi với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ sáu trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa đức vua đưa người có địa vị cao xuống địa vị thấp. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua thân cận với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ bảy trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa đức vua điều động quân đội không đúng thời. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua thân cận với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ tám trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa đức vua điều động quân đội đúng thời, giữa đường lại quay trở về. Những người không hài lòng với điều ấy khởi ý như vầy: “Đức vua thân cận với vị xuất gia; có thể là việc làm của vị xuất gia?” Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ chín trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, hơn nữa hậu cung của đức vua là đông đúc với những voi, đông đúc với những ngựa, đông đúc với những xe, các sắc thinh hương vị xúc đều gợi lên sự đắm nhiễm không thích hợp cho vị xuất gia. Này các tỷ-kheo, đây là điều nguy hiểm thứ mười trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

Này các tỷ-kheo, đây là mười điều nguy hiểm trong việc đi vào hậu cung của đức vua.

[734] Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách đại đức Ānanda bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, về sự khó khăn trong việc ăn uống, ...(như trên)... Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào khi chưa báo tin trước mà vượt qua ngưỡng cửa(phòng ngủ) của đức vua dòng Sát-đế-lỵ đã được đội lên vương miện lúc đức vua chưa đi khỏi lúc báu vật (hoàng hậu) chưa lui ra thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).

[735] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỷ-kheo: ...(như trên)... Vị này là “vị tỷ-kheo” được đề cập trong ý nghĩa này.

Dòng Sát-đế-lỵnghĩa là hậu duệ thuần khiết được khéo sanh ra từ cả hai bên là từ dòng bên mẹ và từ dòng bên cha cho đến bảy thế hệ tổ tiên, không bị gièm pha, không bị chỉ trích khi nói về nguồn gốc.

Đã được đội lên vương miện: đã được đăng quang với lễ phong vương của dòng Sát-đế-lỵ.

Lúc đức vua chưa đi khỏi: đức vua chưa ra khỏi phòng ngủ

Lúc báu vật (hoàng hậu) chưa lui ra: hoàng hậu chưa ra khỏi phòng ngủ hoặc cả hai đã ra khỏi.

Chưa báo tin trước: chưa được thỉnh mời (đi vào).

Ngưỡng cửanghĩa là ngạch cửa của phòng ngủ được đề cập đến.

Phòng ngủnghĩa là bất cứ nơi nào đã được quy định là chỗ nằm của đức vua, thậm chí chỉ được bao quanh bằng khung màn che.

Vượt qua ngưỡng cửa: vị vượt qua ngạch cửa bước thứ nhất thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị vượt qua bước thứ nhì thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

[736] Khi chưa báo tin, nhận biết là chưa báo tin, vị vượt qua ngưỡng cửa thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Khi chưa báo tin, có sự hoài nghi, vị vượt qua ngưỡng cửa thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Khi chưa báo tin, (lầm) tưởng là đã báo tin, vị vượt qua ngưỡng cửa thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Khi đã báo tin, (lầm) tưởng là chưa báo tin, phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Khi đã báo tin, có sự hoài nghi, phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Khi đã báo tin, nhận biết là đã báo tin, thì vô tội.

[737] Khi đã báo tin, đức vua không phải là dòng Sát-đế-lỵ, chưa được đăng quang với lễ phong vương của dòng Sát-đế-lỵ, đức vua đã ra khỏi ph��ng ngủ, hoàng hậu đã ra khỏi phòng ngủ, hoặc cả hai đã ra khỏi phòng ngủ, không phải ở trong phòng ngủ, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ nhất.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NHÌ:

[738] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo nọ tắm ở giòng sông Aciravatī. Có người Bà-la-môn nọ sau khi bỏ xuống trên bờ túi xách có năm trăm (đồng tiền) rồi tắm ở giòng sông Aciravatī, sau đó đã quên lửng và ra đi. Khi ấy, vị tỷ-kheo ấy (nghĩ rằng): “Đây là túi xách của người Bà-la-môn ấy, chớ để bị mất cắp” rồi đã giữ lấy. Sau đó, người Bà-la-môn ấy khi nhớ ra đã vội vã chạy lui lại và đã nói với vị tỷ-kheo ấy điều này:

- Này ông, vậy ông có nhìn thấy túi xách của tôi không?

- Này Bà-la-môn, đây này. Rồi đã trao cho.

Khi ấy, người Bà-la-môn ấy đã khởi ý rằng: “Bằng phương kế gì để ta khỏi phải biếu vị tỷ-kheo này một bình bát đầy?” (nên đã nói rằng):

- Này ông, của tôi không phải là năm trăm, của tôi là một ngàn.

Rồi đã giữ lại rồi thả cho đi. Sau đó, vị tỷ-kheo ấy đã đi đến tu viện và kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỷ-kheo lại nhặt lấy vật quý giá?

…(như trên)…

- Này tỷ-kheo, nghe nói ngươi nhặt lấy vật quý giá, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại nhặt lấy vật quý giá vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỷ-kheo như thế.

[739] Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi có lễ hội. Dân chúng chưng diện trang điểm đi đến công viên. Bà Visākhā mẹ của Migāra cũng chưng diện trang điểm (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến công viên.” Sau khi đi ra khỏi làng (nghĩ rằng): “Ta sẽ làm gì sau khi đi đến công viên, hay là ta nên đi thăm viếng đức Thế Tôn?” rồi đã tháo ra đồ trang sức, dùng thượng y buộc lại thành gói rồi trao cho người tớ gái (nói rằng):

- Này em, hãy giữ lấy gói đồ này.

Sau đó, bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Rồi đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Visākhā mẹ của Migāra đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Visākhā mẹ của Migāra đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Khi ấy, cô tớ gái ấy đã quên lửng gói đồ ấy và ra đi. Các tỷ-kheo đã nhìn thấy và đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỷ-kheo, như thế thì các ngươi hãy nhặt lấy và để riêng ra.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá ở trong khuôn viên tu viện rồi để riêng ra (nghĩ rằng): “Là của ai, người ấy sẽ đem đi.” Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ) ngoại trừ ở trong khuôn viên tu viện.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỷ-kheo như thế.

[740] Vào lúc bấy giờ, trong xứ Kāsī có ngôi làng là nơi thương mãi của gia chủ Anāthapiṇḍika. Và vị gia chủ đã dặn dò người nhân công rằng: “Nếu các ngài đại đức đi đến, ngươi nên dọn bữa ăn.” Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỷ-kheo trong lúc đi du hành trong xứ Kāsī đã đi đến ngôi làng là nơi thương mãi của gia chủ Anāthapiṇḍika. Người đàn ông ấy đã nhìn thấy các vị tỷ-kheo ấy đang từ đàng xa đi lại, sau khi thấy đã đi đến gặp các vị tỷ-kheo ấy, sau khi đến đã đảnh lễ các vị tỷ-kheo ấy và đã nói điều này:

- Thưa các ngài, xin các ngài đại đức hãy nhận lời bữa ăn của gia chủ vào ngày mai.

Các vị tỷ-kheo ấy đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Sau khi trải qua đêm ấy, người đàn ông ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ. Vị ấy sau khi tháo ra chiếc nhẫn ở ngón tay rồi đã dâng bữa ăn đến các vị tỷ-kheo ấy (nói rằng): “Các ngài đại đức sau khi thọ thực xin cứ việc đi. Tôi cũng sẽ đi làm công việc” rồi quên lửng chiếc nhẫn ở ngón tay và đã đi.

Các vị tỷ-kheo sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Nếu chúng ta sẽ đi, chiếc nhẫn ở ngón tay này sẽ bị mất trộm” nên đã ngồi ngay tại chỗ ấy. Sau đó, người đàn ông ấy xong công việc quay trở lại nhìn thấy các vị tỷ-kheo ấy nên đã nói điều này:

- Thưa các ngài, tại sao các ngài đại đức lại ngồi ngay tại chỗ này.

Khi ấy, các vị tỷ-kheo ấy đã kể lại sự việc ấy cho người đàn ông ấy rồi sau khi đi đến thành Sāvatthi đã kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá ở trong khuôn viên tu viện hoặc ở trong khuôn viên chỗ ngụ rồi để riêng ra (nghĩ rằng): “Là của ai, người ấy sẽ đem đi.” Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ) ngoại trừ trong khuôn viên tu viện hoặc trong khuôn viên chỗ ngụ. Vị tỷ-kheo sau khi nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá ở trong khuôn viên tu viện hoặc ở trong khuôn viên chỗ ngụ nên để riêng ra (nghĩ rằng): ‘Là của ai, người ấy sẽ đem đi.’ Đây là điều đúng đắn trong trường hợp ấy.

[741] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỷ-kheo: ...(như trên)... Vị này là “vị tỷ-kheo” được đề cập trong ý nghĩa này.

Vật quý giánghĩa là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc pha lê, ngọc xa-cừ, đá quý, ngọc san hô, vàng, bạc, hồng ngọc, ngọc mắt mèo; vật ấy gọi là vật quý giá.

Vật được xem là quý giánghĩa là vật gì được dân chúng ưa chuộng và bảo quản,vật ấy gọi là vật được xem là quý giá.

Ngoại trừ trong khuôn viên tu viện hoặc trong khuôn viên chỗ ngụ: trừ ra khuôn viên tu viện (và) khuôn viên chỗ ngụ.

Khuôn viên tu việnnghĩa là bên trong tu viện đối với tu viện đã được rào lại, là vùng phụ cận đối với tu viện không được rào lại.

Khuôn viên chỗ ngụnghĩa là bên trong chỗ ngụ đối với chỗ ngụ đã được rào lại, là vùng phụ cận đối với chỗ ngụ không được rào lại.

Nhặt lấy: tự mình nhặt lấy thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Bảo nhặt lấy: bảo người khác nhặt lấy thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

[742] Vị tỷ-kheo sau khi nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá ở trong khuôn viên tu viện hoặc ở trong khuôn viên chỗ ngụ nên để riêng ra: sau khi ghi nhận hình dáng hoặc đặc điểm rồi để riêng ra và nên thông báo rằng: “Ai có vật bị mất, người ấy hãy đi đến.” Trong trường hợp ấy nếu có người đi đến, nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, vật của đạo hữu như thế nào?” Nếu mô tả đúng hình dáng hoặc đặc điểm thì nên cho lại. Nếu không mô tả đúng thì nên nói rằng: “Này đạo hữu, hãy tìm kiếm.” Vị sắp sửa rời khỏi trú xứ ấy, nên trao lại tận tay của những vị tỷ-kheo thích hợp ở tại nơi ấy rồi nên đi. Nếu không có những vị tỷ-kheo thích hợp, nên trao lại tận tay của những vị gia chủ thích hợp ở tại nơi ấy rồi nên đi.

Đây là điều đúng đắn trong trường hợp ấy: đây là sự hợp lý trong trường hợp ấy.

[743] Sau khi nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy vật quý giá hoặc vật được xem là quý giá ở trong khuôn viên tu viện hoặc ở trong khuôn viên chỗ ngụ vị để riêng ra (nghĩ rằng): “Là của ai, người ấy sẽ đem đi,”vị lấy vật được xem là quý giá theo lối thân thiết, vị lấy trong một thời hạn, vị nghĩ là vật quăng bỏ, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ nhì.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BA:

[744] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo nhóm Lục Sư đi vào làng lúc sái thời rồi ngồi ở đám đông nói chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, chuyện quan đại thần, chuyện binh lính, chuyện ghê rợn, chuyện vũ khí, chuyện thức ăn, chuyện nước uống, chuyện vải vóc, chuyện giường nằm, chuyện vòng hoa, chuyện hương thơm, chuyện thân quyến, chuyện xe cộ, chuyện làng xóm, chuyện thị trấn, chuyện thành thị, chuyện quốc gia, chuyện đàn bà, chuyện người hùng, chuyện đường xá, chuyện về chỗ có hũ (của cải chôn giấu), chuyện ma quỷ, chuyện linh tinh, chuyện tiên đoán về thế gian, chuyện tiên đoán về đại dương, chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi vào làng lúc sái thời rồi ngồi ở đám đông nói chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, chuyện quan đại thần, chuyện binh lính, chuyện ghê rợn, chuyện vũ khí, chuyện thức ăn, chuyện nước uống, chuyện vải vóc, chuyện giường nằm, chuyện vòng hoa, chuyện hương thơm, chuyện thân quyến, chuyện xe cộ, chuyện làng xóm, chuyện thị trấn, chuyện thành thị, chuyện quốc gia, chuyện đàn bà, chuyện người hùng, chuyện đường xá, chuyện về chỗ có hũ (của cải chôn giấu), chuyện ma quỷ, chuyện linh tinh, chuyện tiên đoán về thế gian, chuyện tiên đoán về đại dương, chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy giống như các người tại gia hưởng dục vậy?

Các tỷ-kheo đã nghe những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, ...(như trên)... Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo nhóm Lục Sư lại đi vào làng lúc sái thời rồi ngồi ở đám đông nói chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, ...(như trên)... chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy?

…(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, nghe nói các ngươi đi vào làng lúc sái thời rồi ngồi ở đám đông nói chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, ...(như trên)... chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại đi vào làng lúc sái thời rồi ngồi ở đám đông nói chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, ...(như trên)... chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào đi vào làng lúc sái thời thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỷ-kheo như thế.

[745] Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỷ-kheo trong lúc đi đến thành Sāvatthi thuộc xứ Kosala đã đi đến gần ngôi làng nọ vào lúc chiều tối. Dân chúng sau khi nhìn thấy các vị tỷ-kheo ấy đã nói điều này:

- Thưa các ngài, xin hãy vào.

Khi ấy, các vị tỷ-kheo ấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đi vào làng lúc sái thời” rồi trong lúc ngần ngại đã không đi vào. Bọn đạo tặc đã cướp đoạt các vị tỷ-kheo ấy. Sau đó, các vị tỷ-kheo ấy đã đi đến thành Sāvatthi và đã kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép đi vào làng lúc sái thời khi đã thông báo. Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào đi vào làng lúc sái thời không thông báo thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỷ-kheo như thế.

[746] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo nọ trong lúc đi đến thành Sāvatthi thuộc xứ Kosala đã đi đến gần ngôi làng nọ vào lúc chiều tối. Dân chúng sau khi nhìn thấy vị tỷ-kheo ấy đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin hãy vào.

Khi ấy, vị tỷ-kheo ấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đi vào làng lúc sái thời không thông báo” rồi trong lúc ngần ngại đã không đi vào. Bọn đạo tặc đã cướp đoạt vị tỷ-kheo ấy. Sau đó, vị tỷ-kheo ấy đã đi đến thành Sāvatthi và đã kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép đi vào làng lúc sái thời khi đã thông báo vị tỷ-kheo hiện diện. Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào đi vào làng lúc sái thời không thông báo vị tỷ-kheo hiện diện thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỷ-kheo như thế.

[747] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo nọ bị rắn cắn. Vị tỷ-kheo khác (nghĩ rằng): “Ta sẽ mang lại lửa” rồi đi đến làng. Khi ấy, vị tỷ-kheo ấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đi vào làng không thông báo vị tỷ-kheo hiện diện” rồi trong lúc ngần ngại đã không đi vào. Vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, trong trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế ta cho phép đi vào làng lúc sái thời không thông báo vị tỷ-kheo hiện diện. Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào đi vào làng lúc sái thời không thông báo vị tỷ-kheo hiện diện thì phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ) ngoại trừ trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế.

[748] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỷ-kheo: ...(như trên)... Vị này là “vị tỷ-kheo” được đề cập trong ý nghĩa này.

Vị tỷ-kheo hiện diệnnghĩa là có thể có sự thông báo để đi vào (làng).

Vị tỷ-kheo không hiện diệnnghĩa là không thể có sự thông báo để đi vào (làng).

Lúc sái thờinghĩa là từ lúc đã quá nửa ngày cho đến rạng đông (ngày hôm sau).

Đi vào làng: vị vượt qua hàng rào của ngôi làng được rào lại thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya). Vị đi vào vùng phụ cận của ngôi làng không được rào lại thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Ngoại trừ trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế: trừ ra trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế.

[749] Vào lúc sái thời, nhận biết là vào lúc sái thời, vị đi vào làng không thông báo vị tỷ-kheo hiện diện thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya) ngoại trừ trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế.

Vào lúc sái thời, có sự hoài nghi, vị đi vào làng không thông báo vị tỷ-kheo hiện diện thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya) ngoại trừ trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế.

Vào lúc sái thời, (lầm) tưởng là vào lúc đúng thời, vị đi vào làng không thông báo vị tỷ-kheo hiện diện thì phạm tội ưng đối trị (pācittiya) ngoại trừ trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế.

Vào lúc đúng thời, (lầm) tưởng là lúc sái thời, phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Vào lúc đúng thời, có sự hoài nghi, phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Vào lúc đúng thời, nhận biết là lúc đúng thời, thì vô tội.

[750] Trong trường hợp có việc cần làm khẩn cấp như thế, có sự thông báo với vị tỷ-kheo hiện diện rồi đi vào (làng), không có vị tỷ-kheo hiện diện rồi đi vào (làng) không có sự thông báo, vị đi đến tu viện ở giữa làng, vị đi đến tu viện của các tỷ-kheo ni, vị đi đến chỗ ngụ của các tu sĩ ngoại đạo, vị đi trở về, con đường đi ngang qua ngôi làng, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ ba.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TƯ:

[751] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sākya, trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo đã được người thợ làm đồ sừng nọ thỉnh cầu rằng : “Các ngài đại đức nào có nhu cầu về ống đựng kim, tôi sẽ dâng ống đựng kim.” Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo đã yêu cầu nhiều ống đựng kim. Những vị có các ống đựng kim nhỏ thì yêu cầu các ống đựng kim lớn. Những vị có các ống đựng kim lớn thì yêu cầu các ống đựng kim nhỏ. Khi ấy, trong lúc làm nhiều ống đựng kim cho các tỷ-kheo, người thợ làm đồ sừng ấy không thể làm hàng khác để bán nên không nuôi nổi bản thân, khiến vợ con phải chịu khổ sở. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại không biết chừng mực và yêu cầu nhiều ống đựng kim? Người này trong lúc làm nhiều ống đựng kim cho các vị này không thể làm hàng khác để bán nên không nuôi nổi bản thân, khiến vợ con phải chịu khổ sở.

Các tỷ-kheo đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo lại không biết chừng mực và yêu cầu nhiều ống đựng kim?

…(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, nghe nói các ngươi không biết chừng mực và yêu cầu nhiều ống đựng kim, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỷ-kheo, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại không biết chừng mực và yêu cầu nhiều ống đựng kim vậy? Này các tỷ-kheo, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào bảo làm ống đựng kim bằng xương, hoặc bằng ngà, hoặc bằng sừng thì (ống đựng kim ấy) nên được đập vỡ và phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).

[752] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỷ-kheo: ...(như trên)... Vị này là “vị tỷ-kheo” được đề cập trong ý nghĩa này.

Xươngnghĩa là bất cứ loại xương gì.

Ngànghĩa là ngà voi được đề cập đến.

Sừngnghĩa là bất cứ loại sừng gì.

Bảo làm: Vị tự làm hoặc bảo làm. Trong lúc thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Do sự đạt được thì nên đập vỡ rồi nên sám hối tội ưng đối trị (pācittiya).

[753] Vị ấy tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị ấy tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị tự làm hoặc bảo làm vì nhu cầu của vị khác thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Được làm bởi người khác, vị có được rồi sử dụng thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[754] Trong trường hợp hột nút, đồ đánh lửa, cái khoá thắt lưng,[1]hộp đựng thuốc cao, que bôi thuốc cao, [2]cán dao cạo, đồ gạt nước, [3]vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tư.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NĂM:

[755] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya nằm giường cao. Khi ấy, đức Thế Tôn trong lúc đi dạo quanh các chỗ trú ngụ cùng với nhiều vị tỷ-kheo đã đi đến trú xá của đại đức Upananda con trai dòng Sākya. Đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã thấy đức Thế Tôn đang từ đàng xa đi lại, sau khi thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin hãy đi đến. Xin đức Thế Tôn hãy nhìn xem cái giường của con.

Khi ấy, từ chính chỗ ấy đức Thế Tôn đã quay trở lui và bảo các vị tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, kẻ rồ dại cần được chỉ bảo về chỗ ngụ.

Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách đại đức Upananda con trai dòng Sākya bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, ...(như trên)... Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong lúc cho thực hiện giường hoặc ghế mới, vị tỷ-kheo nên bảo làm chân cao tám ngón tay theo ngón tay của đức Thiện Thệ[4]ngoại trừ phần khung giường ở bên dưới. Nếu vượt quá mức ấy thì nên cắt bớt và phạm tội ưngđối trị (pācittiyaṃ).

[756] Mớinghĩa là có liên quan đến việc làm (giường hoặc ghế) được đề cập.

Giườngnghĩa là có bốn loại giường: giường lắp ráp (masārako), giường xếp (bundikābaddho), giường chân cong (kulirapādako), giường có chân tháo rời được (āhaccapādako).

Ghế nghĩa là có bốn loại ghế: ghế lắp ráp, ghế xếp, ghế chân cong, ghế có chân tháo rời được.

Trong lúc cho thực hiện: trong khi (tự) làm hoặc trong khi bảo làm.

Nên bảo làm chân cao tám ngón tay theo ngón tay của đức Thiện Thệ ngoại trừ phần khung giường ở bên dưới: trừ ra phần khung giường ở bên dưới. (Nếu) vị tự làm hoặc bảo làm vượt quá mức ấy, trong lúc thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Do sự đạt được thì nên cắt bớt rồi nên sám hối tội ưng đối trị (pācittiya).

[757] Vị ấy tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị ấy tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị tự làm hoặc bảo làm vì nhu cầu của vị khác thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Được làm bởi người khác, vị có được rồi sử dụng thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[758] Vị làm theo kích thước, vị làm thấp hơn, do người khác làm quá kích thước sau khi có được thì cắt bớt rồi sử dụng, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ năm.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ SÁU:

[759] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo nhóm Lục Sư cho thực hiện giường ghế độn bông gòn. Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa-môn Thích tử lại cho thực hiện giường ghế độn bông gòn giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỷ-kheo đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo nhóm Lục Sư lại cho thực hiện giường ghế độn bông gòn?

…(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, nghe nói các ngươi cho thực hiện giường ghế độn bông gòn, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại cho thực hiện giường ghế độn bông gòn vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào bảo thực hiện giường ghế độn bông gòn thì (bông gòn) nên được móc ra và phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).

[760] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỷ-kheo: ...(như trên)... Vị này là “vị tỷ-kheo” được đề cập trong ý nghĩa này.

Giườngnghĩa là có bốn loại giường: giường lắp ráp, giường xếp, giường chân cong, giường có chân tháo rời được.

Ghế nghĩa là có bốn loại ghế: ghế lắp ráp, ghế xếp, ghế chân cong, ghế có chân tháo rời được.

Bông gònnghĩa là có ba loại bông gòn: bông gòn từ cây, bông gòn từ dây leo, bông gòn từ cỏ.

Bảo thực hiện: vị (tự) làm hoặc bảo làm. Trong lúc thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Do sự đạt được thì nên móc ra rồi nên sám hối tội ưng đối trị (pācittiya).

[761] Vị ấy tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị ấy tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị tự làm hoặc bảo làm vị nhu cầu của vị khác thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Được làm bởi người khác, vị có được rồi sử dụng thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[762] Trong trường hợp vị làm đồ băng bó, dây buộc lưng, dây đeo vai, túi đựng bát, đồ lọc nước, gối kê; sau khi có được (giường ghế) do người khác làm thì móc ra rồi sử dụng; vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ sáu.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BẢY:

[763] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, tọa cụ đã được đức Thế Tôn cho phép đến các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Tọa cụ đã được đức Thế Tôn cho phép” nên đã sử dụng các tọa cụ không theo kích thước. Các vị treo ở phía trước và phía sau của giường và của ghế. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo nhóm Lục Sư lại sử dụng các tọa cụ không theo kích thước?

…(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, nghe nói các ngươi sử dụng các tọa cụ không theo kích thước, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại sử dụng các tọa cụ không theo kích thước vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong lúc cho thực hiện tọa cụ, vị tỷ-kheo nên bảo làm theo kích thước. Ở đây, kích thước này là chiều dài hai gang tay, chiều rộng một gang rưỡi theo gang tay của đức Thiện Thệ. Nếu vượt quá mức ấy thì (tọa cụ) nên được cắt bớt và phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỷ-kheo như thế.

[764] Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi có thân hình to lớn. Vị ấy khi sắp đặt tọa cụ ở phía trước đức Thế Tôn cứ kéo căng ra khắp các phía rồi mới ngồi xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Udāyi điều này:

- Này Udāyi, vì sao sau khi sắp đặt tọa cụ ngươi cứ kéo căng ra khắp các phía giống như là căng ra tấm da bị nhăn vậy?

- Bạch ngài, bởi vì theo như tấm tọa cụ đã được đức Thế Tôn cho phép đến các tỷ-kheo là quá nhỏ.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, ta cho phép đường viền của tọa cụ là một gang. Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong lúc cho thực hiện tọa cụ, vị tỷ-kheo nên bảo làm theo kích thước. Ở đây, kích thước này là chiều dài hai gang tay chiều rộng một gang rưỡi, đường viền một gang theo gang tay của đức Thiện Thệ. Nếu vượt quá mức ấy thì (tọa cụ) nên được cắt bớt và phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).

[765] Tọa cụnghĩa là có đường viền được nói đến.

Trong lúc cho thực hiện: trong khi (tự) làm hoặc trong khi bảo làm.

Nên bảo làm theo kích thước: Ở đây, kích thước này là chiều dài hai gang tay chiều rộng một gang rưỡi, đường viền một gang theo gang tay của đức Thiện Thệ.[5](Nếu) vị (tự) làm hoặc bảo làm vượt quá mức ấy, trong lúc thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Do sự đạt được thì nên cắt bớt rồi nên sám hối tội ưng đối trị (pācittiya).

[766] Vị ấy tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị ấy tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (v��� ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị tự làm hoặc bảo làm vị nhu cầu của vị khác thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Được làm bởi người khác, vị có được rồi sử dụng thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[767] Vị làm theo kích thước, vị làm nhỏ hơn, sau khi có được (tọa cụ) do người khác làm quá kích thước thì cắt bớt rồi sử dụng, vị làm mái che hoặc tấm lót nền hoặc khung màn chắn xung quanh hoặc nệm hoặc gối kê, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ bảy.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TÁM:

[768] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, y đắp ghẻ đã được đức Thế Tôn cho phép đến các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Y đắp ghẻ đã được đức Thế Tôn cho phép” nên đã sử dụng các y đắp ghẻ không theo kích thước. Các vị trong lúc để lòng thòng ở phía trước và phía sau rồi đi đó đây. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo nhóm Lục Sư lại sử dụng các y đắp ghẻ không theo kích thước?

…(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, nghe nói các ngươi sử dụng các y đắp ghẻ không theo kích thước, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại sử dụng các y đắp ghẻ không theo kích thước vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong lúc cho thực hiện y đắp ghẻ, vị tỷ-kheo nên bảo làm theo kích thước. Ở đây, kích thước này là chiều dài bốn gang tay, chiều rộng hai gang theo gang tay của đức Thiện Thệ. Nếu vượt quá mức ấy thì (y đắp ghẻ) nên được cắt bớt và phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).

[769] Y đắp ghẻnghĩa là nhằm mục đích băng bó cho vị có ghẻ hoặc mụt nhọt hoặc vết thương hoặc bệnh lở loét ở phía dưới lỗ rún và ở phía trên đầu gối.

Trong lúc cho thực hiện: trong khi (tự) làm hoặc trong khi bảo làm.

Nên bảo làm theo kích thước: Ở đây, kích thước này là chiều dài bốn gang tay chiều rộng hai gang theo gang tay của đức Thiện Thệ (1m x 0,5 m). (Nếu) vị (tự) làm hoặc bảo làm vượt quá mức ấy, trong lúc thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Do sự đạt được thì nên cắt bớt rồi nên sám hối tội ưng đối trị (pācittiya).

[770] Vị ấy tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị ấy tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị tự làm hoặc bảo làm vị nhu cầu của vị khác thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Được làm bởi người khác, vị có được rồi sử dụng thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[771] Vị làm theo kích thước, vị làm nhỏ hơn, sau khi có được (y đắp ghẻ) do người khác làm quá kích thước thì cắt bớt rồi sử dụng, vị làm mái che hoặc tấm lót nền hoặc khung màn chắn xung quanh hoặc nệm hoặc gối kê, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tám.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN:

[772] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, vải choàng tắm mưa đã được đức Thế Tôn cho phép đến các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Vải choàng tắm mưa đã được đức Thế Tôn cho phép” nên đã sử dụng các vải choàng tắm mưa không theo kích thước. Các vị trong lúc để lòng thòng ở phía trước và phía sau rồi đi đó đây. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỷ-kheo nhóm Lục Sư lại sử dụng các vải choàng tắm mưa không theo kích thước?

…(như trên)…

- Này các tỷ-kheo, nghe nói các ngươi sử dụng các vải choàng tắm mưa không theo kích thước, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại sử dụng các vải choàng tắm mưa không theo kích thước vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong lúc cho thực hiện vải choàng tắm mưa, vị tỷ-kheo nên bảo làm theo kích thước. Ở đây, kích thước này là chiều dài sáu gang tay, chiều rộng hai gang rưỡi theo gang tay của đức Thiện Thệ. Nếu vượt quá mức ấy thì (vải choàng tắm mưa) nên được cắt bớt và phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ).

[773] Vải choàng tắm mưanghĩa là nhằm nhu cầu của bốn tháng mùa mưa.

Trong lúc cho thực hiện: trong khi (tự) làm hoặc trong khi bảo làm.

Nên bảo làm theo kích thước: Ở đây, kích thước này là chiều dài sáu gang tay chiều rộng hai gang rưỡi theo gang tay của đức Thiện Thệ (1,50 m x 0,625 m). (Nếu) vị (tự) làm hoặc bảo làm vượt quá mức ấy, trong lúc thực hiện thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Do sự đạt được thì nên cắt bớt rồi nên sám hối tội ưng đối trị (pācittiya).

[774] Vị ấy tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị ấy tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị tự làm hoặc bảo làm vị nhu cầu của vị khác thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Được làm bởi người khác, vị có được rồi sử dụng thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[775] Vị làm theo kích thước, vị làm nhỏ hơn, sau khi có được (vải choàng tắm mưa) do người khác làm quá kích thước thì cắt bớt rồi sử dụng, vị làm mái che hoặc tấm lót nền hoặc khung màn chắn xung quanh hoặc nệm hoặc gối kê, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ chín.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI:

[776] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Nanda con trai người dì của đức Thế Tôn là đẹp dáng, đáng nhìn, lịch thiệp, và thấp hơn đức Thế Tôn bốn ngón tay. Vị ấy mặc y có kích thước y của đức Thiện Thệ. Các tỷ-kheo trưởng lão đã nhìn thấy đại đức Nanda đang từ đàng xa đi lại, sau khi thấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đi đến” rồi đã rời chỗ ngồi đứng dậy. Các vị ấy sau khi nhận ra người đang đi đến liền phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Nanda lại mặc y có kích thước y của đức Thiện Thệ?

…(như trên)…

- Này Nanda, nghe nói ngươi mặc y có kích thước y của đức Thiện Thệ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này Nanda, vì sao ngươi lại mặc y có kích thước y của đức Thiện Thệ vậy? Này Nanda, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. … (như trên)… Và này các tỷ-kheo, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo nào cho thực hiện y có kích thước y của đức Thiện Thệ hoặc rộng hơn thì (y ấy) nên được cắt bớt và phạm tội ưng đối trị (pācittiyaṃ). Trong trường hợp này, kích thước y của đức Thiện Thệ dành cho đức Thiện Thệ là chiều dài chín gang tay, chi���u rộng sáu gang theo gang tay của đức Thiện Thệ. Đây là kích thước y của đức Thiện Thệ dành cho đức Thiện Thệ.

[777] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỷ-kheo: ...(như trên)... Vị này là “vị tỷ-kheo” được đề cập trong ý nghĩa này.

Kích thước y của đức Thiện Thệnghĩa là chiều dài chín gang tay, chiều rộng sáu gang theo gang tay của đức Thiện Thệ (2,25 m x 1,50 m, lớn hơn y nội nhưng nhỏ hơn y vai trái đang sử dụng hiện nay).

Cho thực hiện: vị (tự) làm hoặc bảo làm. Trong lúc thực hiện phạm tội tác ác (dukkaṭa). Do sự đạt được thì nên cắt bớt rồi nên sám hối tội ưng đối trị (pācittiya).

[778] Vị ấy tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị ấy tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì (vị ấy) phạm tội ưng đối trị (pācittiya).

Vị tự làm hoặc bảo làm vị nhu cầu của vị khác thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

Được làm bởi người khác, vị có được rồi sử dụng thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

[779] Vị làm nhỏ hơn, sau khi có được (y) do người khác làm quá kích thước thì cắt bớt rồi sử dụng, vị làm mái che hoặc tấm lót nền hoặc khung màn chắn xung quanh hoặc nệm hoặc gối kê, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ mười.

Phần Báu Vật là phần thứ chín.

*******

Tóm lược phần này:

Của vua, vật quý giá,
vị hiện diện, kim may,
(chân) giường, độn bông gòn,
tọa cụ, và ghẻ lở,
(choàng tắm) thuộc mùa mưa,
và bởi đức Thiện Thệ.

*******

[780] Bạch chư đại đức, chín mươi hai điều ưng đối trị (pācittiya)đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Các đại đức được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Dứt Chương Ưng Đối Trị (Pācittiyakaṇḍaṃ Niṭṭhitaṃ).

*******


[1]Vidha được đề cập ở Tiểu Phẩm - Cullavagga, V, [165].

[2]Añjanī, añjanīsalākā được đề cập ở Tiểu Phẩm - Cullavagga, V, [160].

[3]Udakapuñchanī được đề cập ở Tiểu Phẩm - Cullavagga, V, [100].

[4]Sugataṅgulena: theo ngón tay của đức Thiện Thệ. Theo từ điển của Childers, aṅgula là bề rộng của ngón tay, tương dương 1 inch =2,54 cm; vậy 8 aṅgula = 2,54 x 8 = 20,32 cm. Tài liệu The Buddhist Monsatic Codecho biết chiều dài của 8 aṅgula vào khoảng 16,6 cm; đó là nói về chân giường (pādakaṃ). Tuy nhiên, do câu sau: “ngoại trừ phần khung giường ở bên dưới” nên chân giường được tính từ dưới đất lên phần bên dưới mối nối của thanh ngang và chân giường, hay nói cách khác 8 aṅgula chính là khoảng hở giữa mặt đất và thanh ngang của khung giường. Hiểu theo cách này thì chỗ nằm cách mặt đất bao nhiêu cũng không được xác định rõ, có thể là 40 cm hoặc 50 cm tùy theo bề rộng của thanh ngang (độ cao như vậy xét ra cũng hợp lý). Nếu tính ngón tay của đức Thiện Thệ có chiều dài gấp ba lần ngón tay của người bình thường thì giường nằm có vẻ hơi cao (tối thiểu là 70 cm nếu tính thanh ngang của giường có bề rộng là 20 cm).

[5]Với những kích thước của tọa cụ, y đắp ghẻ, và y tắm mưa, độ dài gang tay của đức Thiện Thệ nên lấy số đo là 25 cm tức là độ dài gang tay của người nam bậc trung thay vì gấp ba lần (xem thêm phần Tăng Tàng thứ 6 về làm cốc liêu). Như thế, kích thước tọa cụ căn bản không đường viền: 50 cm x 37,5 cm. Đức Phật cho phép đường viền là 25 cm, chúng tôi nghĩ là viền cả bốn cạnh; nhưng khi đọc lời trình bày có hình vẽ của ngài Mahā Samaṇa Chao trong tài liệu Vinayamukhavấn đề xem ra phức tạp hơn nhiều, quý vị nên tìm đọc để suy nghiệm.

---o0o---

Nguồn: www.budsas.org

Trình bày: Linh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567