Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10

18/04/201317:21(Xem: 7919)
Phần 10

NHỮNG TRUYỆN DUYÊN KHỞI

TRONG LUT NGŨPHN

Lược thuật:Phước Thắng

Hiệu đính:Thích Đỗng Minh

Chú thích:Tâm Nhãn

--- o0o ---

Phần 10

Duyên khởi của tám kỉnh Pháp

Ngũ bách kiết tập Pháp tạng

Thất bách kiết tập Pháp tạng

DUYÊN KHỞI CỦA TÁM KỈNH PHÁP1^

Bấy giờ, đức Thế Tôn trở về Xá-di, chưa đến thành Ca-duy-la-vệ thì dừng lại. Ngài và chúng Tăng nghỉ dưới cây Ni-câu-loại2.

Vua Tịnh-phạn hay tin, đưa đoàn tùy tùng ra nghinh đón. Cuộc gặp gỡ diễn ra đúng phong cách của người học trò đến cầu đạo. Nhà vua nghe pháp, đắc quả, thọ Tam quy, Ngũ giới rồi về lại bản vị.

Ðứng trước sân hoàng cung, vua Tịnh-phạn ba lần tuyên lệnh: “Ai muốn xuất gia trong chánh pháp luật của Như Lai thì tùy nguyện”.

Ngày ấy, bà Cù Ðàm di Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng 500 Thích nữ, kẻ trước người sau vây quanh đi đến chỗ Phật. Họ mang theo hai chiếc y, tự tay họ dệt. Khi đến nơi, họ kính lễ sát chân Phật, rồi dâng cúng y nhưng Phật từ chối, Ngài bảo bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề cúng cho Tăng. Sau ba lần một mực cúng cho Phật, đức Phật vì bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề nhận một y và một y cúng cho Tăng.

Sau khi cúng y, bà Cù-đàm di bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, xin cho người nữ xuất gia thọ Cụ túc giới trong chánh pháp của Như Lai.

Ðức Phật dạy:

- Thôi, thôi! Ðừng nên đề cập đến chuyện ấy. Tại sao vậy? Vì xưa kia các đức Phật đều không có người nữ xuất gia. Các người nữ tự mình nương nơi Phật, tại gia cạo đầu, mặc áo ca-sa, siêng năng tu hành thì cũng đắc đạo quả. Các đức Phật vị lai cũng như v��y. Nay Ta cho phép người nữ thực hiện con đường tu hành tại gia của mình.

Ðến ba lần thưa thỉnh xin, đức Phật đều không chấp nhận. Bà Cù-đàm di khóc nứt nở, đảnh lễ lui ra.

Từ Ca-duy-la-vệ, đức Phật cùng đại Tỳ-kheo Tăng đông đủ 1.250 vị du hành nhân gian. Bà Cù Ðàm di cùng 500 Thích nữ tự động cạo đầu cho nhau rồi mặc ca-sa, khóc kể, đi theo sau. Nơi nào đức Thế Tôn tá túc, họ cũng tá túc cạnh nơi đó.

Tuần tự du hành, đức Phật đến thành Xá-vệ trú ngụ trong tinh xá Kỳ-hoàn. Bà Cù Ðàm di cùng 500 Thích nữ đứng khóc bên ngoài cổng tinh xá. Sáng sớm, tôn giả A-nan đã thấy họ rồi. A-nan hỏi:

- Tại sao quý vị khóc?

- Bạch Ðại đức, đức Thế Tôn không cho người nữ xuất gia thọ Cụ túc giới, nên chúng tôi buồn tủi khóc. Bây giờ xin tôn giả vì chúng tôi bạch đức Thế Tôn cho chúng tôi được toại nguyện. - Cù-đàm di thưa.

A-nan im lặng trở vào trong, đến chỗ Phật. Sau khi đảnh lễ, A-nan trình bày lên Phật lời thiết tha của Cù Ðàm di. Ðức Phật giảng giải lý do như trước và từ chối. Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Khi đức Thế Tôn sinh ra được mấy ngày thì thân mẫu Ngài mạng chung. Cù-đàm di nuôi nấng Thế Tôn cho đến lớn khôn, cái ân như thế đâu phải nhỏ, tại sao Thế Tôn không báo đền?

Ðức Phật nói:

- Cù Ðàm di đối với Ta cũng có cái ân lớn. Bà nhờ Ta mà biết được Phật, Pháp, Tăng, lòng sanh chánh tín. Người nào nhờ Thiện tri thức, biết được Phật, Pháp, Tăng mà sanh lòng tin kính thì dù cho người ấy có đem y, thực, thuốc thang cúng dường trọn đời cho Thiện tri thức cũng không thể báo ân ấy được.

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

- Người nữ xuất gia thọ Cụ túc giới có thể đắc bốn quả Sa-môn hay không, thưa Ngài?

- Có thể đắc chứng. - Ðức Phật dạy.

- Nếu có thể đắc bốn đạo quả thì đâu có lý do gì Thế Tôn không cho họ xuất gia thọ Cụ túc giới? - A-nan thưa.

Ðức Phật bảo:

- Thôi thì nay Ta cho phép Cù-đàm di thọ tám pháp “không được vượt quá”. Nếu được vậy thì xuất gia đắc giới Cụ túc. Tám pháp ấy là gì?

1- Tỳ-kheo ni nửa tháng phải đến chúng Tỳ-kheo cầu người giáo thọ.

1-Tỳ-kheo ni không nên an cư nơi không có Tỳ-kheo.

2-Khi Tự tứ, Tỳ-kheo ni phải đến chúng Tỳ-kheo thỉnh ba việc: Kiến, Văn, Nghi tội.

3-Thức-xoa-ma-na học giới 2 năm rồi, phải đến trước hai bộ Tăng thọ giới Cụ túc.

4-Tỳ-kheo ni không được mắng Tỳ-kheo, không được nói Tỳ-kheo phá giới, phá oai nghi, phá kiến.

5-Tỳ-kheo ni không được cử tội Tỳ-kheo, nhưng Tỳ-kheo được chê trách Tỳ-kheo ni.

6-Tỳ-kheo ni phạm tội thô ác phải đến trước hai bộ Tăng hành Ma-na-đỏa nửa tháng. Hành Ma-na-đỏa nửa tháng rồi, phải đối trước hai bộ Tăng gồm 40 vị để cầu xuất tội.

7-Tỳ-kheo ni tuy thọ giới đã 100 năm vẫn phải đứng dậy nghinh đón Tỳ-kheo mới thọ giới.

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, trở ra ngõ nói với Cù Ðàm di:

- Bà hãy lắng nghe! Tôi nói lại lời đức Phật dạy.

Bà Cù Ðàm di sửa lại y phục, từ xa vọng bái lễ đức Phật, quỳ gối chấp tay một lòng lắng nghe. Tôn giả nói lại tám pháp Phật dạy xong, Cù-đàm di nói:

- Cũng như thiếu niên nam nữ trong trắng, tự thỏa mãn vui sướng với tấm thân được tắm rửa sạch thơm, mặc áo mới; lại có người ân huệ đem đến trao cho tràng hoa Chiêm-bà3, tràng hoa Bà-sư 4, tràng hoa Ưu-bát-la 5, tràng hoa A-đề-mục-đa-già 6. Những kẻ trai trẻ xinh đẹp kia vui mừng, hai tay đón nhận, rồi đội lên đầu. Nay tôi đón nhận giáo pháp của Thế Tôn đặt lên đỉnh đầu, nó cũng giống như vậy.

Cù-đàm di lại bạch với tôn giả A-nan:

- Xin tôn giả hãy vì tôi bạch lên đức Thế Tôn rằng: Tôi đã thọ nhận giáo pháp và đội lên đầu, nhưng tôi muốn xin một điều trong tám pháp là cho phép Tỳ-kheo ni, tùy theo lớn nhỏ mà kính lễ Tỳ-kheo, chứ tại sao Tỳ-kheo ni 100 tuổi lại kính lễ Tỳ-kheo mới thọ giới?!

Tôn giả ghi nhận và bạch lên Thế Tôn ý kiến này. Ðức Phật bảo A-nan:

- Nếu Ta cho phép Tỳ-kheo ni, tùy theo lớn nhỏ kính lễ Tỳ-kheo thì điều này không thể xảy ra, bởi người nữ có năm điều trở ngại là: không làm Thiên Ðế Thích, Ma Thiên Vương, Phạm Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, Tam Giới Pháp Vương. Phải biết rằng: nếu không cho người nữ xuất gia thọ Cụ túc giới thì chánh pháp của Phật trụ thế 1.000 năm, nay cho họ xuất gia thì chỉ còn 500 năm. Cũng giống như nhà người nào đó, con gái nhiều, con trai ít thì biết nhà đó không bao lâu sẽ bị suy tàn.

Ðức Phật bảo A-nan:

- Nếu người nữ không xuất gia thọ Cụ túc giới trong giáo pháp của Ta thì sau khi Ta Nê-hoàn, các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di sẽ đem bốn món cúng dường đi theo sau Tỳ-kheo, thưa: “Ðại đức lân mẫn nhận sự cúng dường của con”. Nếu họ ra ngoài cửa ngõ gặp Tỳ-kheo thì mời vào nhà và thưa: “Ðại đức đối với con có ân, xin mời Ðại đức vào nhà con ngồi tạm để con được an lành”. Nếu họ gặp Tỳ-kheo trên lộ trình nào đó thì họ sẵn sàng xổ đầu tóc xuống lau chân Tỳ-kheo, trải tóc ra mời Tỳ-kheo bước lên tóc mà đi. Nay cho người nữ xuất gia, các điều đó hầu như không còn nữa.

Tôn giả lắng nghe như thế, buồn đến rơi lệ, bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trước đây con không nghe, không biết chuyện như vậy, nên mới cần cầu xin cho người nữ xuất gia thọ giới Cụ túc. Nếu trước đây con được biết rõ vấn đề như thế thì đâu có ba phen cầu xin.

Ðức Phật bảo tôn giả A-nan:

- Chớ nên khóc lóc làm chi. Ma che lấp sự sáng suốt của ông nên mới như thế! Nay Ta đã cho người nữ xuất gia thọ giới Cụ túc rồi, thì điều cần thiết là phải tùy thuận những điều chế cấm của Ta, không nên đi nghịch lại. Những gì Ta không chế cấm thì không được vọng chế.

Tôn giả A-nan lui ra, đến chỗ Cù-đàm di thuật lại đầy đủ lời đức Phật dạy. Bà Cù-đàm di lắng lòng nghe, rồi hoan hỷ phụng hành. Kể từ thời điểm ấy, bà trở thành người xuất gia thọ Tám Kỉnh Pháp, là thành giới Cụ túc.

Cù-đàm di lại thưa với A-nan:

- Năm trăm Thích nữ này, bây giờ phải giải quyết như thế nào để thọ giới Cụ túc? Nhờ tôn giả thưa hỏi giùm cho vấn đề này.

A-nan lại bạch Phật, Phật dạy:

- Cho phép Tỳ-kheo ni Ba-xà-ba-đề làm Hòa thượng, đối trước chúng Tỳ-kheo 10 vị, bạch Tứ Yết-ma cho họ thọ giới Cụ túc và mỗi lần Yết-ma chỉ cho ba người, không được quá.

Sau khi thực hiện việc thọ giới xong, Tỳ-kheo ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đưa 500 Tỳ-kheo ni đến đảnh lễ tạ ơn đức Phật. Ðức Phật lại dạy cặn kẽ hơn về mọi sinh hoạt tu học, giống như đời sống tu hành của Tỳ-kheo và luôn luôn tuân thủ Tám Kỉnh Pháp.

NGŨ BÁCH KIẾT TẬP PHÁP TẠNG1^

Không lâu sau, khi đức Thế Tôn Nê-hoàn thì tại lầu các giảng đường, bên bờ sông Di Hầu, thuộc thành Tỳ-xá-ly, Ðại Ca-diếp trước 500 Tỳ-kheo Tăng đều là bậc A-la-hán (chỉ trừ A-nan), nói:

- Trước đây tôi từ nước Ba-tuần2đến thành Câu-di 3, khoảng chừng giữa hai nước, tôi nghe Phật Thế Tôn đã vào Niết-bàn, khi ấy lòng tôi mê loạn, không thể tự nhiếp phục được mình. Trong các xóm làng gần đấy, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di... có người quýnh quáng cả hai chân, có người nhảy khóc té nhào xuống đất. Không ai là không buồn rầu than khóc:

“Mau quá! Vội quá! Thế gian còn gì nữa?! Con mắt thế gian bị mất rồi!”.

Trong thời điểm ấy, Bạt-nan-đà4cũng có mặt nơi này, nói với mọi người rằng:

“Lão già ấy (đức Phật) thường nói:‘Nên làm thế này, không nên làm thế kia’. Kể từ nay chúng ta mới thoát khỏi cái khổ đó, được làm theo ý muốn của mình, không bị ràng buộc. Tại sao các người lại cùng nhau khóc kể?”.

Tôi nghe lời nói ấy càng thêm ưu não cho sự cay độc này. Ðức Phật tuy Nê-hoàn, nhưng Tỳ-ni còn đó, chúng ta nên cùng nhau ra sức kết tập lại, đừng để cho bọn Bạt-nan-đà biệt lập bè đảng phá hoại chánh pháp.

Các Tỳ-kheo đều cho đó là việc làm hay, bạch Ca-diếp:

- A-nan thường hầu Thế Tôn, là người thông tuệ, đa văn, thọ trì đầy đủ pháp tạng, nay nên cho phép A-nan tham dự hội kiết tập này.

Ca-diếp nói:

- A-nan còn ở trong học địa5, hoặc tùy ái, nhuế, bố, si, úy... Không nên dung nạp ông ta kết tập chung với chư vị A-la-hán.

Bấy giờ, A-nan ở tại Tỳ-xá-ly ngày đêm thường thuyết pháp trước bốn chúng. Người lui tới thật rộn rịp như ngày còn Phật.

Trong lúc ấy, Tỳ-kheo Bạt-kỳ tọa thiền trên gác thượng, cũng bị náo loạn bởi kẻ tới người lui kia, nên không thể tu hành các Tam muội giải thoát, lại có suy nghĩ: “A-nan này ở trong học địa, có việc cần làm thì lại không làm, nói nhiều quá rơi vào nếp sống ồn ào, thật vô ích!”. Bạt-kỳ trong định lại nhìn thấy việc cần làm kia, bèn khởi lên suy niệm: “Nay ta nên nói pháp yểm ly, khiến cho A-nan nhân đó mà ngộ đắc”.

Bạt-kỳ liền đến chỗ A-nan nói kệ:

Ngồi chỗ vắng dưới cây

Tâm hướng cõi Nê-hoàn

Nên thiền, đừng buông lung

Nói nhiều để làm gì?!

Các Tỳ-kheo cũng nói với A-nan rằng:

- Ông nên tu gấp đi! Ðại Ca-diếp nay muốn kết tập pháp Tỳ-ni, nhưng không cho ông tham dự.

A-nan nghe Tỳ-kheo Bạt-kỳ nói kệ, lại nghe tin Ca-diếp không cho ở trong túc số kết tập Tỳ-ni, A-nan như bừng tỉnh, bèn tập trung tu tập. Ðầu đêm, giữa đêm, cuối đêm siêng năng kinh hành, tư duy vọng cầu giải thoát, song vẫn chưa đạt sự chứng đắc. Ðêm gần tàn, sau nhiều cố gắng, muốn nằm nghỉ một chút. Khi ngã lưng, đầu vừa chạm gối, A-nan hốt nhiên dứt sạch các lậu hoặc. A-nan cảm nhận được sự thực chứng của mình.

Biết được việc này, các Tỳ-kheo bạch lên Ca-diếp và có lẽ Ca-diếp cũng nhìn thấy sự chứng quả A-la-hán của A-nan. Ca-diếp chấp thuận lời đề nghị của các Tỳ-kheo nên A-nan được đưa vào túc số 500 vị A-la-hán kết tập Tỳ-ni.

Ðối với Ca-diếp suy nghĩ nhiều hơn: “Nơi nào có đủ đồ ăn, thức uống, giường nằm, cũng như các phương tiện khác đủ để cung cấp cho việc kết tập Tỳ-ni này? - Thành Vương-xá, chỉ có nơi này mới đủ cung cấp mọi thứ”.

Ca-diếp liền tuyên cáo giữa Tăng:

- Năm trăm vị A-la-hán ở nơi đây nên đến thành Vương-xá an cư, ngoài ra không một người nào được đi theo.

Tuân thủ sự chỉ đạo này, 500 vị A-la-hán đến thành Vương-xá. Tháng đầu mùa Hạ, sửa chữa phòng xá và mọi tiện nghi khác. Tháng thứ hai du hý trong các thiền giải thoát. Tháng thứ ba, tập trung lại một chỗ thực hiện việc kết tập. Ngày ấy, trước Tăng Ca-diếp bạch:

- Ðại đức Tăng xin lắng nghe. Nay tôi trước Tăng hỏi Ưu-ba-ly về nghĩa Tỳ-ni. Nếu bây giờ việc làm này là thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận thì đây là lời thưa của tôi trước Tăng.

Khi ấy, Ưu-ba-ly tác pháp bạch Tăng:

- Ðại đức Tăng xin lắng nghe. Nay tôi sẽ đáp lời Ca-diếp về nghĩa Tỳ-ni. Nếu bây giờ việc này đối với Tăng là thích hợp, Tăng chấp thuận thì đây là lời thưa.

Ca-diếp hỏi Ưu-ba-ly:

- Ðức Phật chế giới đầu tiên ở tại chỗ nào?

Ưu-ba-ly đáp:

- Tại Tỳ-xá-ly.

- Vì ai chế giới?

- Vì Tu-đề-na, con của Ca-lan-đà.

- Vì sao chế?

- Cùng người vợ cũ hành dâm.

- Có chế lần thứ hai không?

- Có, vì có Tỳ-kheo cùng với con khỉ cái hành dâm.

- Chế giới thứ hai ở chỗ nào?

- Tại thành Vương-xá.

- Vì ai chế giới này?

- Vì Ðạt-ni-ca.

- Vì sao chế?

- Vì trộm gỗ của vua Bình-sa.

Ca-diếp lại hỏi

- Chế giới thứ ba ở chỗ nào?

Ưu-ba-ly đáp:

- Tại Tỳ-xá-ly.

- Vì sao chế?

- Vì số đông Tỳ-kheo.

- Vì việc gì chế?

- Vì tự cùng nhau hại mạng.

- Giới thứ tư chế tại chỗ nào?

- Tại Tỳ-xá-ly.

- Vì ai chế?

- Vì các Tỳ-kheo ở sông Bà-cầu-ma.

- Vì việc gì chế?

- Dối xưng được pháp hơn người.

Ca-diếp lần lượt hỏi tất cả các vấn đề Tỳ-ni như vậy rồi, ở giữa Tăng xướng:

- Ðây là Tỳ-ni của Tỳ-kheo. Ðây là Tỳ-ni của Tỳ-kheo ni. Hợp chung lại gọi là Tạng Tỳ-ni.

Ca-diếp lại bạch Tăng:

- Ðại đức Tăng xin lắng nghe. Nay tôi trước Tăng muốn hỏi A-nan về nghĩa Tu-đa-la6. Nếu bây giờ việc làm này là thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận thì đây là lời thưa.

A-nan cũng bạch Tăng:

- Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Nay tôi sẽ đáp lời Ca-diếp về nghĩa Tu-đa-la. Nếu bây giờ việc trả lời là thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận thì đây là lời thưa.

Ca-diếp hỏi A-nan:

- Ðức Phật nói kinh Tăng Nhất ở chỗ nào? Ngài nói kinh Tăng Thập7ở chỗ nào? Kinh Ðại nhân duyên 8, kinh Tăng Kỳ-đà 9, kinh Sa-môn Quả 10, kinh Phạm động 11, những kinh nào Ngài vì Tỳ-kheo nói? Những kinh nào Ngài vì Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các Thiên tử, Thiên nữ nói?

A-nan đều tùy theo xuất xứ Phật nói kinh, trả lời không một sai sót. Ca-diếp hỏi như vậy đối với tất cả Tu-đa-la rồi, giữa Tăng công bố:

- Ðây là kinh dài, nay tập hợp làm một bộ, gọi là Trường A-hàm.

- Ðây là kinh không dài, không ngắn, nay tập hợp lại thành một bộ, gọi là Trung A-hàm.

- Ðây là kinh thuộc về những việc linh tinh, nhiều chủ đề, vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên tử, Thiên nữ nói, nay tập hợp lại thành một bộ, gọi là Tạp A-hàm.

- Ðây là từ một pháp, tăng lên đến 11 pháp, tập hợp lại thành một bộ, gọi là Tăng nhất A-hàm.

- Ngoài ra, từ nhiều vấn đề được đề cập đến, nay tập hợp thành một bộ, gọi là Tạp tạng.

Gom chung lại tất cả gọi là Tạng Tu-đa-la.

Chúng ta đã kiết tập xong Pháp tạng. Từ nay về sau, những gì Phật không chế cấm thì không vọng chế, những gì Phật đã chế cấm thì không được trái phạm. Như lời đức Phật dạy, nên kính cẩn học tập.

A-nan lại bạch Ca-diếp:

- Tôi thân cận, nghe từ Phật nói: “Sau khi Ta Nê-hoàn, nếu muốn bỏ bớt những giới nho nhỏ thì cho phép bỏ”.

Ca-diếp liền hỏi:

- Ông muốn nói giới nào là giới nho nhỏ?

- Không biết. - A-nan đáp.

- Tại sao không biết? - Ca-diếp hỏi.

- Vì không hỏi đức Thế Tôn. - A-nan đáp.

- Tại sao không hỏi? - Ca-diếp nhấn mạnh.

- Khi ấy đức Phật mệt, nên tôi không dám phiền Ngài. - A-nan đáp.

Ca-diếp kết tội A-nan:

- Ông không hỏi nghĩa này, phạm tội Ðột-kiết-la. Nên thấy tội mà tự sám hối.

A-nan thưa:

- Thưa Ðại đức, không phải tôi không kính giới mà không hỏi nghĩa này. Chỉ vì sợ não động đức Thế Tôn nên không dám hỏi. Trong vấn đề này tôi không thấy tội tướng, nhưng vì kính tín Ðại đức nên nay tôi xin sám hối.

Ca-diếp lại kết tội A-nan:

- Ông vá áo Tăng-già-lê cho đức Thế Tôn, lấy ngón chân đạp lên áo, phạm Ðột-kiết-la. Ông nên thấy tội và sám hối.

A-nan thưa:

- Không phải tôi không kính Phật, song vì không có ai cầm giúp, nên tôi phải dùng ngón chân kẹp lại. Trong vấn đề này, tôi không thấy tội tướng, nhưng vì kính tín Ðại đức nên nay tôi xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi A-nan:

- Ông ba phen cầu thỉnh đức Thế Tôn cho người nữ xuất gia trong chánh pháp, phạm tội Ðột-kiết-la. Nên thấy tội và sám hối.

A-nan thưa:

- Chẳng phải tôi không kính pháp, chỉ vì Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cù Ðàm di là người nuôi dưỡng đức Thế Tôn cho đến lớn xuất gia, đến thành đại đạo, công đức này phải báo đáp, nên tôi mới thỉnh cầu ba lần như vậy. Trong vấn đề này tôi không thấy tội tướng, nhưng vì kính tín Ðại đức nên nay tôi xin sám hối.

Ca-diếp lại hỏi A-nan:

- Ðức Phật khi gần Nê-hoàn, hiện tướng nói với ông rằng: “Người có được bốn thứ thần túc, muốn sống ở đời một kiếp, hay hơn một kiếp đều có thể được.” Như Lai thành tựu vô lượng định pháp, Ngài hiện tướng nói với ông như vậy ba lần, ông không thỉnh Phật trụ thế một kiếp hay hơn một kiếp, phạm Ðột-kiết-la. Ông nên thấy tội và sám hối.

A-nan thưa:

- Không phải tôi không muốn thỉnh Phật cửu trụ tại thế gian, mà vì ma Ba-tuần che đậy lòng tôi, cho nên mới như vậy. Trong vấn đề này, tôi cũng không thấy tội tướng, nhưng vì kính tín Ðại đức nên nay xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi A-nan:

- Trước đây, đức Phật ba lần bảo ông đưa nước, ông không dâng nước cho Ngài, phạm Ðột-kiết-la; cũng nên thấy tội mà sám hối.

A-nan thưa:

- Chẳng phải tôi không muốn dâng nước lên Phật. Do bởi khi ấy có 500 cỗ xe đi qua phía trên dòng nước, nước bị đục, chưa kịp lắng trong, tôi sợ Ngài uống vào không tốt nên không dâng. Ðối với tôi việc này cũng không thấy tội tướng, nhưng vì kính tín Ðại đức, nay xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi:

- Ông cho phép người nữ kính lễ Xá-lợi12trước, phạm Ðột-kiết-la, cũng nên thấy tội và sám hối.

A-nan thưa:

- Chẳng phải tôi muốn người nữ kính lễ Xá-lợi trước, mà sợ chiều tối vào thành không kịp. Do vậy, tôi cho phép họ kính lễ trước. Trong vấn đề này tôi không thấy tội tướng, nhưng vì kính tín Ðại đức, nay tôi xin sám hối.

A-nan vì kính tín Ðại Ca-diếp nên trước chúng Tăng tác pháp sám hối sáu tội Ðột-kiết-la.

Ca-diếp lại nói với A-nan:

- Nếu chúng ta cho Chúng học pháp là giới nho nhỏ, thì Tỳ-kheo khác lại nói Ba-la-đề đề-xá-ni cũng là giới nho nhỏ. Nếu chúng ta nói bốn pháp Ba-la-đề đề-xá-ni là giới nho nhỏ, thì Tỳ-kheo khác cũng nói Ba-dật-đề là giới nho nhỏ. Nếu chúng ta nói Ba-dật-đề là giới nho nhỏ, thì Tỳ-kheo khác cũng nói Ni-tát-kỳ ba-dật-đề là giới nho nhỏ. Như vậy thành bốn ý kiến, làm sao quyết định được vấn đề?

Ca-diếp lại hỏi:

- Nếu chúng ta không biết giới tướng nào là nho nhỏ mà vọng tưởng loại bỏ thì các ngoại đạo sẽ nói: “Sa-môn Thích tử, pháp của họ như khói mây. Khi thầy còn tại thế, những điều chế cấm đều phụng hành, nhưng khi thầy Nê-hoàn lại không chịu học tập gìn giữ”.

Ca-diếp giữa Tăng đọc tuyên ngôn:

- Chúng ta đã kết tập pháp xong, nếu những điều gì không được Phật chế cấm, không nên vọng chế; những điều đã chế cấm thì không được trái phạm. Như lời Phật dạy, nên kính cẩn học tập.

Bấy giờ, tận phương Nam, trưởng lão Phú-lan-na cùng đệ tử dùng thần lực về thành Vương-xá, đến trước Ca-diếp, hỏi:

- Tôi nghe đức Phật Nê-hoàn, Tỳ-kheo Thượng tọa đều về đây thảo luận kết tập pháp Tỳ-ni, có thật như vậy không?

Ca-diếp trả lời:

- Có thật như vậy, thưa Ðại đức.

- Ðại đức có thể nói lại các vấn đề đã thảo luận được không? - Trưởng lão Phú-lan-na hỏi.

Ca-diếp liền trình bày lại các vấn đề đã kết tập. Và như để làm rõ hơn những nghi vấn, Phú-lan-na nói với Ca-diếp:

- Chính tôi nghe từ Phật dạy: “Ðược ngủ với thức ăn, nấu trong phòng, tự nấu, tự mang thức ăn đến người thọ, tự lấy trái cây để ăn, đến nơi ao nước lấy thức ăn, không có tịnh nhơn tác tịnh trái cây, loại bỏ hột để ăn”.

Ca-diếp trả lời:

- Thưa Ðại đức, bảy điều đó là khi đức Phật ở Tỳ-xá-ly, gặp lúc mất mùa đói khát, khất thực khó được, nên đức Phật quyền biến cho phép như vậy. Sau đó, cũng tại nơi đây lại chế cấm bốn điều, rồi đến Xá-vệ chế cấm ba điều nữa.

Phú-lan-na nói:

- Ðức Thế Tôn không làm cái việc chế cấm rồi lại cho phép, cho phép rồi lại chế cấm!

Ca-diếp nói:

- Ðức Phật là đấng Pháp vương, đối với pháp tự tại, chế cấm rồi lại cho phép, cho phép rồi lại chế cấm, đâu có lỗi gì?!

Phú-lan-na nói:

- Những điều khác, tôi chấp nhận. Còn đối với bảy điều này không thể thi hành.

Ca-diếp lại ở giữa Tăng đọc tuyên ngôn:

- Những gì Phật không chế cấm thì không nên vọng chế. Những gì Phật đã chế cấm, không nên trái phạm. Như lời Phật dạy, nên kính cẩn học tập.

Lúc bấy giờ, tại Câu-xá-di, Tỳ-kheo Xiển-đà xúc não chúng Tăng, không cùng hòa hợp. Có một Tỳ-kheo an cư rồi, đến chỗ Ca-diếp trình bày lại sự việc kia. Ca-diếp nói với A-nan:

- Thầy đến Câu-xá-di, dùng lời Phật, dùng lời Tăng tác pháp Phạm-đàn13trị phạt Xiển-đà.

A-nan làm theo lời sai, cùng 500 Tỳ-kheo đến Câu-xá-di. Ngày đến, Xiển-đà ra nghinh đón, hỏi A-nan:

- Ðến đây có việc gì? Chẳng lẽ muốn gây sự vô ích cho tôi ư?

A-nan nói:

- Vì muốn đem lại sự hữu ích cho thầy.

- Có ích cho tôi là thế nào? - Xiển-đà hỏi.

- Nay tôi sẽ dùng lời Phật, lời Tăng tác pháp Phạm-đàn trị phạt thầy. - A-nan đáp.

- Thế nào gọi là pháp Phạm-đàn? - Xiển-đà hỏi.

- Pháp Phạm-đàn là pháp mà các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di sẽ không tiếp xúc, qua lại, nói năng với thầy. - A-nan nói.

Nghe rõ ý nghĩa pháp Phạm-đàn này, Xiển-đà ngất xỉu, giây lát tỉnh lại nói với A-nan:

- Ðây chính là hình thức giết tôi vậy!

A-nan nói:

- Chính tôi nghe từ đức Phật: thầy sẽ từ tôi mà đắc đạo. Thầy hãy đứng dậy, tôi sẽ vì thầy nói pháp.

Sau khi lắng lòng nghe pháp, Xiển-đà từ đó đắc pháp, chứng quả.

Khi vân tập kết pháp Tỳ-ni, Trưởng lão A-Nhã Kiều-trần-như ngôi vị đệ nhất Thượng tọa. Trưởng lão Phú-lan-na đệ nhị Thượng tọa. Cù Ðàm di đệ tam Thượng tọa. Ðà-bà Ca-diếp đệ tứ Thượng tọa. Bạt-đà Ca-diếp đệ ngũ Thượng tọa. Ðại Ca-diếp đệ lục Thượng tọa. Ưu-ba-ly đệ thất Thượng tọa. A-na-luật đệ bát Thượng tọa.

Vì con số tròn 500 vị A-la-hán tham dự kết tập, nên gọi là Ngũ Bách Kiết Tập Pháp Tạng.

THẤT BÁCH KIẾT TẬP PHÁP TẠNG1^

Một trăm năm sau khi đức Phật Niết-bàn, tại thành Tỳ-xá-ly, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ dựng nên 10 phi pháp:

1-Muối với gừng hợp chung lại để cách đêm, được phép ăn 2.

2-Lấy hai ngón tay xúc thức ăn, được phép ăn 3.

3-(Ăn rồi) ngồi trở lại, được phép ăn 4.

4-Hướng đến xóm làng, được phép ăn 5.

5-Tô(bơ), du(dầu), mật, thạch mật(đường phèn) hòa với lạc(cao sữa), được phép uống 6.

6-Rượu Các-lâu-già được phép uống 7.

7-Làm tọa cụ lớn, nhỏ theo ý mình, được phép ngồi 8.

8-Quen theo nếp sống cũ là tịnh 9.

9-Cầu thính là tịnh 10.

10- Nhận cất vàng, bạc, tiền là tịnh11.

Với chủ trương như thế, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ dùng bình bát đựng đầy nước, vào những ngày mồng tám, mười bốn, rằm trong tháng, tập hợp ngồi chỗ đông người, để bình bát trước mặt, cho đây là điềm lành, với mục đích xin người bố thí. Bấy giờ, già, trẻ, lớn, bé... người qua kẻ lại đều dừng xem. Các thầy chỉ vào bát, nói:

- Trong đây là điềm lành, có thể đặt vào đó: y, bát, giày, dép, thuốc thang...

Người muốn cho, bỏ vào đó rồi đi. Kẻ không muốn cho thì lại mỉa mai, chê trách:

- Sa-môn Thích tử không nhận cất giữ vàng, bạc và tiền; dù có người cho cũng không ghé mắt nhìn đến. Tại sao nay lại làm việc này để cầu xin sự bố thí?

Khi ấy, Trưởng lão Da-xá - con của Ca-lan-đà - trú ngụ tại lầu các giảng đường, bên sông Di Hầu, nói với các Tỳ-kheo rằng:

- Các thầy không nên cầu xin sự bố thí như vậy. Chính tôi nghe đức Phật dạy: “Nếu có người phi pháp cầu thí, và người thí cho kẻ cầu phi pháp, cả hai đều có tội”.

Trưởng lão Da-xá lại nói với các bạch-y nam, nữ, lớn, nhỏ:

- Các người đừng nên bố thí như thế! Chính tôi nghe từ đức Phật, Ngài dạy: “Nếu phi pháp cầu thí, hoặc thí cho người cầu phi pháp, cả hai đều có tội”.

Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ nhận được vàng, bạc, tiền rồi, họ nói với Da-xá rằng:

- Ðại đức có thể nhận lấy phần này.

- Tôi không nhận phần do sự phi pháp cầu mà được. - Da-xá nói.

- Nếu không nhận cho mình thì ngài nhận cúng cho Tăng. - Các Tỳ-kheo bảo.

- Tôi đã không nhận, tại sao lại bảo tôi nhận cúng cho Tăng?

Thế rồi, các Tỳ-kheo đem việc Da-xá đã dạy bạch y lời như vậy là sự mạ nhục bạch y. Ðể kết tội xúc phạm này, các Tỳ-kheo trao cho Da-xá pháp Yết-ma Hạ Ý và yêu cầu Da-xá đến xin lỗi bạch y. Da-xá nói:

- Chính tôi nghe đức Phật dạy: Nếu Tăng trao cho pháp Yết-ma Hạ Ý thì nên sai một Tỳ-kheo cùng đi với tôi đến xin lỗi bạch y.

Các Tỳ-kheo liền bạch nhị Yết-ma, sai một Tỳ-kheo làm bạn đi với Da-xá. Vừa lúc đến thì cũng nhằm ngày 500 Ưu-bà-tắc tập trung lại sinh hoạt. Da-xá nói trước số đông này:

- Quý vị nên biết, đúng pháp tôi nói là đúng pháp, phi pháp tôi nói là phi pháp. Tỳ-ni tôi nói là Tỳ-ni, phi Tỳ-ni tôi nói là phi Tỳ-ni. Lời Phật dạy tôi nói là lời Phật dạy, chẳng phải lời Phật dạy, tôi nói chẳng phải lời Phật dạy. Trước đây, những gì tôi nói khiến Ưu-bà-tắc giận, nay tôi xin lỗi.

Các Ưu-bà-tắc rất ngạc nhiên trước lời xin lỗi này, đều thưa:

- Thưa Ðại đức, lúc nào Ðại đức cũng vì chúng con nói đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy, làm sao chúng con lại có sự giận trách, phật lòng, mà nay Ðại đức lại đi xin lỗi chúng con?! Tội chết!!

Da-xá nói với mọi người rằng:

- Thuở ấy, đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, nơi vườn Kỳ-vức Am-la12. Bấy giờ, vua Bình-sa và các đại thần cùng tập hợp tại vương môn để thảo luận vấn đề như thế này: “Sa-môn Thích tử có nên nhận cất giữ vàng bạc, châu báu và sử dụng để mua bán?”.

Lúc ấy, trong số đông này, có đại thần Châu Kế, nói với mọi người rằng: “Ðừng nên đề cập đến vấn đề này. Sa-môn Thích tử không nên nhận và cất giữ vàng bạc, châu báu hay sử dụng để mua bán”.

Sau đó, Châu Kế vội đến chỗ đức Phật vấn ý về điều đã nói trước đám đông: “Bạch Thế Tôn, ý kiến của con nêu ra như thế có đưa đến sự sai lầm nào không?”.

Ðức Phật dạy: “Ðiều ông nói lên như vậy là đúng chánh pháp. Tại sao? Như Lai thường nói rõ vấn đề này rằng: Sa-môn Thích tử không nhận cất giữ vàng bạc, châu báu và sử dụng để mua bán”.

Vị đại thần Châu Kế bạch Phật: “Cúi xin đức Thế Tôn nên phổ biến cho mọi người biết rằng ý kiến của con là không nhầm lẫn”.

Ðức Phật bảo: “Hay lắm!”.

Ngài lại dạy: “Giống như mặt trăng, mặt trời bị khói, mây, bụi trần, A-tu-la, bốn thứ này che khuất, nên không trong suốt sáng ngời; Sa-môn, Bà-la-môn cũng bị bốn thứ như vậy, nghĩa là: không đoạn ái dục, hành pháp dâm, hoặc đam mê ăn uống, không thể đoạn trừ, hoặc chuyên làm tà mạng để nuôi sống, hoặc nhận cất giữ vàng bạc, châu báu và sử dụng để mua bán. Nếu người nào cho ngũ dục là tịnh thì người ấy mới cho việc nhận cất giữ vàng bạc, châu báu và sử dụng mua bán là tịnh. Nếu người nào cho việc nhận cất giữ vàng bạc, châu báu và sử dụng mua bán là tịnh thì người ấy cho ngũ dục là tịnh. Nếu người nào nương theo Ta xuất gia thọ Cụ túc giới mà cho việc nhận cất giữ vàng bạc, châu báu và sử dụng vào việc mua bán là tịnh thì Ta cả quyết rằng: Người ấy không tin vào pháp, luật của Ta. Tuy Ta thường nói cần xe thì dùng xe, cần người thì dùng người, tùy theo sự nhu cầu đều cho phép dùng, nhưng hoàn toàn không được phép nhận cất giữ vàng bạc, châu báu và sử dụng nó để mua bán”.

Da-xá nói như vậy rồi, lại nói:

- Trước đây tôi nói đúng pháp chứ không phải phi pháp, đúng luật chứ không phải phi luật, đúng lời Phật dạy chứ chẳng phải phi lời Phật dạy, là lời Phật nói chứ không phải phi lời Phật nói.

Các Ưu-bà-tắc thưa:

- Chúng con đối với lời thầy dạy, nào đâu không tin tưởng, kính trọng? Hiện nay, nơi Tỳ-xá-ly này chỉ có Ðại đức là Sa-môn Thích tử, cúi xin Ðại đức nhận lời mời của chúng con ở lại đây để trọn đời chúng con được cúng dường tứ sự.

Da-xá xin lỗi các Ưu-bà-tắc, rồi cùng Tỳ-kheo sứ giả của Tăng trở về Tăng phường. Tỳ-kheo Bạt-kỳ hỏi Tỳ-kheo sứ giả:

- Tỳ-kheo Da-xá đã xin lỗi các Ưu-bà-tắc chưa?

- Bạch Ðại đức, đã xin lỗi rồi, nhưng có điều là các bạch y đều tin theo lời nói của Tỳ-kheo Da-xá, họ cảm động nói rằng: “Hiện nay nơi Tỳ-xá-ly này chỉ có Ðại đức là Sa-môn Thích tử”. Họ mời ở lại để trọn đời cúng dường tứ sự. Ðối với chúng ta chẳng được lợi ích gì.

Tỳ-kheo Bạt-kỳ lại đem vấn đề trước đây Da-xá khuyên bảo các Tỳ-kheo là hình thức mạ nhục Tăng là phạm Ba-dật-đề. Họ nói:

- Thầy phải thấy tội để sám hối.

Tỳ-kheo Da-xá trả lời:

- Tôi không có tội, làm sao có thể thấy tội để sám hối.

Tỳ-kheo Bạt-kỳ liền tập hợp Tăng để trao cho Yết-ma không thấy tội. Thế là Da-xá liền dùng thần túc bay đến nước Ba-tuần13. Khi ấy, ở ấp Ba-lợi 14có sáu mươi Tỳ-kheo đều ở A-lan-nhã, đời sống với ba y và khất thực, thường mặc y phấn tảo, ngồi nơi đất trống, đầy đủ Tam minh, Lục thông. Tất cả là đệ tử của A-nan, đồng loạt bay đến Tỳ-xá-ly. Gặp nhau trên không, Da-xá để y bát nơi hư không như để trên đất, chào hỏi sáu mươi Tỳ-kheo kia, trình bày rõ ràng mời điều phi pháp của Tỳ-kheo Bạt-kỳ và đề nghị:

- Thưa các Ðại đức, chúng ta nên bàn thảo pháp Tỳ-ni với nhau để chấm dứt việc phi pháp kia, đừng để Tỳ-kheo Bạt-kỳ phá hoại chánh pháp.

Số đông Tỳ-kheo ấp Ba-lợi nhất trí muốn cùng nhau chấp dứt.

Lại có ba mươi Tỳ-kheo Tăng nơi ấp Ba-lợi cũng nhất trí như vậy và các vị cũng là đệ tử của A-nan.

Ở tại nước Ma Thâu La, Da-xá cùng với sáu mươi Tỳ-kheo lại gặp nhau cũng để bàn luận về vấn đề này, họ nói:

- Ðược ba mươi Tỳ-kheo ấy đồng tình với chúng ta, chắc chắn ác sự do Tỳ-kheo Bạt-kỳ bày ra kia sẽ bị tiêu diệt như pháp.

Nghị bàn như vậy rồi, họ cùng bay đến chỗ các Tỳ-kheo trên kia trình bày sự thống nhất diệt phi pháp. Các Tỳ-kheo ở đây đều nhất trí là muốn cùng nhau chấm dứt việc phi pháp đã xảy ra.

Lại có 30 Tỳ-kheo khác ở ấp Ba-lợi nghe sự việc và cũng biểu đồng tình như trên. Các vị ấy cũng là đệ tử của A-nan.

Tại ấp A-lạp-bệ15, Da-xá cùng với chín mươi người cũng nghị bàn việc trên, rồi đến tận các nơi trình bày rõ sự việc như trên. Nơi nào, các Tỳ-kheo cũng đồng tình mong muốn chấm dứt điều phi pháp này.

Bấy giờ, Trưởng lão Tam-phù-đà16ở trên núi A-hô 17, Da-xá lại cùng 120 người cũng luận bàn việc trên, rồi đến tận các nơi ở đây nói rõ việc phi pháp như trên. Nơi nào cũng tán đồng muốn chấm dứt việc phi pháp ấy.

Bấy giờ, trưởng lão Ly-bà-đa ở thành Câu-xá-di được Từ tâm Tam muội, có đại quyến thuộc, Da-xá cùng với 121 vị bàn thảo với nhau sự việc trên, rồi cùng đi đến tận các nơi ở đây nói rõ việc phi pháp như trên. Ở đâu cũng tán đồng muốn chấm dứt việc ấy.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ nghe Da-xá đến chỗ Ly-bà-đa, nơi Câu-xá-di, họ bèn chở đầy cả thuyền y, bát và vật dụng cần thiết cho Sa-môn cũng đến Câu-xá-di, mục đích tìm cách mua chuộc, cầu cạnh sự yểm trợ. Trong thuyền, có người bạn với họ là Tỳ-kheo trì luật tên Sa-lan, tự nghĩ thầm: “Tỳ-kheo Bạt-kỳ có là như pháp không? Dựa vào kinh luật thì việc làm của họ không như pháp”.

Ngay lúc ấy, trong không trung có vị thần ba phen xướng rằng: “Việc làm của Tỳ-kheo Bạt-kỳ là phi pháp. Phi pháp như vậy... như vậy... đúng như chỗ nhận định của thầy”.

Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ đến Câu-xá-di, cùng nhau lên bờ, đến chỗ Trưởng lão Ly-bà-đa. Họ thưa:

- Chúng tôi có chở nhiều vật dụng cần dùng của Sa-môn, đến cúng dường cho ngài. Xin ngài nạp thọ.

Ly-bà-đa trả lời:

- Y, bát của tôi đầy đủ, khỏi cần thêm nữa.

- Nếu ngài không nhận nhiều thì xin nhận chút ít. - Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ nói.

- Y, bát của tôi đã đầy đủ rồi, không nên vì các thầy mà thọ để rồi trái với chánh pháp. - Ly-bà-đa đáp.

Ly-bà-đa có một người đệ tử tên là Ðạt-ma, thường hầu hạ thầy. Nắm được việc này, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ bèn đến chỗ Ðạt-ma nói:

- Tôi có các vật cần dùng của Sa-môn, nếu ông có thiếu thì cứ lấy dùng.

- Tôi đều có đủ, không thiếu thốn. - Ðạt-ma đáp.

- Khi Phật còn tại thế, người ta đến cúng cho Phật, Ngài không nhận thì lại cúng cho A-nan. A-nan đều thọ. A-nan đã thọ tức Phật thọ.

Ðạt-ma nghe thuyết phục như vậy, nên nhận một vật dụng, nhận rồi hỏi:

- Với ý gì mà quý vị lại buộc tôi nhận vật cúng của quý vị?

- Chúng tôi muốn ông thưa với Hòa thượng dùng uy tín yểm trợ chúng tôi, đừng để Da-xá phá hoại luật pháp của chúng tôi.

Nghe các Tỳ-kheo Bạt-kỳ nói rõ ý đồ, Ðạt-ma bèn vì họ đến chỗ Hòa thượng thưa:

- Hòa thượng có thể yểm trợ cho Tỳ-kheo Bạt-kỳ.

Hòa thượng Ly-bà-đa dạy:

- Người ta làm việc phi pháp, tôi không thể yểm trợ họ được.

Ðạt-ma lại thưa:

- Xin Hòa thượng cân nhắc kỹ điều đó.

- Nay ông khuyên ta yểm trợ kẻ phi pháp, tức chẳng phải đệ tử ta, từ nay đừng nên hầu hạ ta nữa, ta cũng không đề cập gì đến ông nữa. - Hòa thượng nói.

Ðạt-ma xấu hổ, sợ sệt, đến chỗ các Tỳ-kheo Bạt-kỳ, bọn họ lại hỏi:

- Hòa thượng của ông đã đồng ý yểm trợ ý kiến của chúng tôi chưa?

- Không! Ai ngờ vì các ông mà tôi bị thầy quở trách, đã không nói đến tôi mà còn đuổi tôi đi nữa. - Ðạt-ma đáp.

- Nay ông bao nhiêu tuổi? - Tỳ-kheo Bạt-kỳ hỏi.

- Hai mươi tuổi. - Ðạt-ma đáp.

- Với tuổi của ông và với đức độ như vậy, đâu cần phải sợ không được tiếp xúc, nói năng và bị đuổi.

Trước sự việc như vậy, Trưởng lão Ly-bà-đa khởi lên ý nghĩ: “Nếu ta ở đây chấm dứt sự phi pháp kia, thì kẻ gây nên sự việc sẽ tìm cách phát động trở lại. Nay ta đến Tỳ-xá-ly để chấm dứt việc đó”.

Ngày ấy, Ly-bà-đa cùng với đại chúng, bao gồm cả chúng thành Tỳ-xá-ly lên đường đến thành này. Tại thành Tỳ-xá-ly, trước đó đã có Tỳ-kheo tên là Nhất-thế-khứ, đối với Sa-môn Thích tử của Diêm-phù-đề là bậc tối thắng Thượng tọa, chứng A-la-hán, Tam minh, Lục thông, cũng là đệ tử lớn nhất của A-nan. Lúc còn ở ngoài Tăng phường, Da-xá nói với Ly-bà-đa rằng:

- Ngài có thể đến phòng Thượng tọa Nhất-thế-khứ trải tọa cụ nghỉ đêm, nhân đó trình bày đầy đủ sự việc, sáng sớm ta cũng sẽ đến thăm hỏi Thượng tọa.

Mọi người đã đến Tăng phường, Thượng tọa Nhất-thế-khứ sửa soạn nước tắm và nước uống sau giờ ngọ. Ly-bà-đa một mình đến phòng Thượng tọa, trải tọa cụ nghỉ đêm. Ly-bà-đa trong đêm suy nghĩ: “Vị Thượng tọa Nhất-thế-khứ này già yếu mà vẫn còn siêng năng ngồi thiền thâu đêm, nay ta đâu được phép nghỉ ngơi”. Thượng tọa Nhất-thế-khứ cũng nghĩ suy: “Tỳ-kheo khách này đi đường mệt nhọc, lại bận cả việc tắm giặt mà còn tọa thiền hành đạo suốt đêm, sao ta lại có thể an tâm nằm nghỉ?!”

Hai vị tự sách tấn nhau mà suốt đêm tọa thiền. Ðến cuối đêm, Nhất-thế-khứ hỏi Ly-bà-đa:

- Ðêm nay phần nhiều thầy du hành nơi định nào?

- Bản tánh tôi nhiều lòng từ, đêm nay phần nhiều du hành nơi định ấy.

- Ðây là thô định.

Nhất-thế-khứ lại hỏi:

- Thầy là A-la-hán phải không?

- Phải.

Ly-bà-đa lại hỏi:

- Ðêm nay Thượng tọa phần nhiều du hành nơi định nào?

- Tánh tôi ưa không quán, đêm nay phần nhiều tôi du hành nơi đó.

- Ðây là việc làm của bậc Ðại nhân. Tại sao vậy? Vì Không Tam- muội là pháp của đại nhân.

Ly-bà-đa lại hỏi:

- Thượng tọa là A-la-hán phải không?

- Phải. - Nhất-thế-khứ đáp.

Ðêm đã trôi qua, Tỳ-kheo Da-xá đến trước phòng, búng móng tay, Thượng tọa mở cửa, Da-xá vào thăm hỏi nhị vị Thượng tọa. Sau khi được thăm hỏi, Ly-bà-đa hỏi Nhất-thế-khứ:

- Muối với gừng hợp lại, để cách đêm có tịnh hay không?

Nhất-thế-khứ bảo:

- Việc này nên hỏi giữa Tăng. Nếu hỏi riêng, tôi sợ người phi pháp cho tôi là thiên vị, không chấp nhận tôi ở trong túc số những người luận pháp Tỳ-ni.

Sau đó, Ly-bà-đa liền tập hợp Tăng để bàn luận Tỳ-ni, nhưng vì lắm lời ồn ào nên bạch Tăng:

- Hôm nay cùng muốn luận pháp Tỳ-ni, nhưng vì lắm ồn ào nên không thể quyết đoán được. Chúng hai phía nên mỗi bên thỉnh cầu Tăng bốn vị để bạch Nhị yết-ma sai người chủ đoán sự.

Trước hết, Tỳ-kheo Bạt-kỳ thỉnh cầu bốn vị:

1-Nhất-thế-khứ.

2-Ly-bà-đa.

3-Bất-xà-tôn.

4-Tu-ma-na.

Bên Tỳ-kheo ấp Ba-lợi cũng cầu thỉnh bốn vị:

1-Tam-phù-đà.

2-Sa-lan.

3-Trường-phát.

4-Bà-sa-lam.

Các Tượng tọa được Tăng sai rồi cùng nghị bàn: “Ðịa điểm nào rộng rãi, khoáng đạt, yên tịnh, có thể cùng nhau luận bàn pháp Tỳ-ni?”. Xem xét khắp nơi chỉ thấy ngôi vườn được người nữ Tỳ-la-da cúng là tốt nhất. Ly-bà-đa liền bảo Ðạt-ma đến đó sửa soạn trải tòa. Khi Thượng tọa đến, ông tránh đi.

Ðạt-ma vâng lệnh, đến trải tòa. Sau đó, các Thượng tọa đến theo thứ tự an tọa.

Hội nghị bắt đầu. Ly-bà-đa hỏi Thượng tọa Nhất-thế-khứ:

- Muối hòa với gừng, để cách đêm có tịnh hay không?

- Không tịnh. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Ðiều này Phật chế cấm ở đâu? - Ly-bà-đa hỏi.

- Chế cấm tại thành Vương-xá. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Vì ai chế cấm? - Ly-bà-đa hỏi.

- Nhơn một Tỳ-kheo A-lan-nhã. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Phạm việc gì? - Ly-bà-đa hỏi.

- Phạm Túc thực Ba-dật-đề. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Ðây là pháp, là luật, là lời Phật dạy. Việc làm của Tỳ-kheo Bạt-kỳ là phi pháp, phi luật, chẳng phải lời Phật dạy.

Ly-bà-đa nói xong ra lệnh rút một thẻ. Ly-bà-đa lại hỏi:

- Hai ngón tay xúc thức ăn để ăn, có tịnh hay không?

Thượng tọa Nhất-thế-khứ hỏi lại:

- Hai ngón tay xúc thức ăn là thế nào? Tịnh không?

Ly-bà-đa nói:

- Tỳ-kheo ăn xong rồi lại được ăn trở lại thì dùng hai ngón tay xúc thức ăn để ăn..

- Không tịnh. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Ðiều này chế cấm ở đâu? - Ly-bà-đa hỏi.

- Tại thành Vương-xá. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Vì ai chế cấm? - Ly-bà-đa hỏi.

- Vì Bạt-nan-đà. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Phạm việc gì? - Ly-bà-đa hỏi.

- Phạm không làm pháp tàn thực mà ăn, Ba-dật-đề. - Nhất-thế-khứ đáp.

Ly-bà-đa nói:

- Ðây là pháp... đến chẳng phải lời Phật dạy.

Ly-bà-đa ra lệnh rút thẻ thứ hai.

- Ngồi trở lại ăn, hướng đến xóm làng được phép ăn, cũng như vậy.

Ly-bà-đa ra lệnh rút thẻ thứ ba, thứ tư.

Ly-bà-đa lại hỏi:

- Tô, du, mật, thạch mật hòa với lạc uống, tịnh hay không?

Nhất-thế-khứ hỏi lại:

- Tô, du, mật, thạch mật hòa với lạc được uống là thế nào?

Ly-bà-đa nói:

- Là uống phi thời.

- Không tịnh. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Chế cấm điều này ở đâu? - Ly-bà-đa hỏi.

- Tại thành Xá-vệ. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Vì ai chế? - Ly-bà-đa hỏi.

- Vì Ca-lưu-đà-di. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Phạm việc gì? - Ly-bà-đa hỏi.

- Phạm phi thời thực, Ba-dật-đề. - Nhất-thế-khứ đáp.

Ly-bà-đa nói:

- Ðây là pháp... đến chẳng phải lời Phật dạy.

Ly-bà-đa ra lệnh rút thẻ thứ năm.

Ly-bà-đa hỏi:

- Rượu Xà (các)-lâu-già tịnh hay không?

Thượng tọa Nhất-thế-khứ hỏi lại:

- Rượu Xà-lâu-già là như thế nào?

Ly-bà-đa nói:

- Gây men rượu mà chưa chín nồng.

- Không tịnh. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Chế cấm điều này ở đâu? - Ly-bà-đa hỏi.

- Tại Câu-xá-di. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Vì ai chế? - Ly-bà-đa hỏi.

- Vì Sa-kiệt-đà. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Phạm việc gì? - Ly-bà-đa hỏi.

- Uống rượu, Ba-dật-đề. - Nhất-thế-khứ đáp.

Ly-bà-đa nói:

- Ðây là pháp, là luật... (cho đến) chẳng phải lời Phật dạy.

Ra lệnh rút thẻ thứ sáu.

Ly-bà-đa hỏi:

- Làm tọa cụ lớn nhỏ theo ý mình, tịnh hay không?

- Không tịnh. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Chế cấm điều này ở đâu? - Ly-bà-đa hỏi.

- Tại thành Vương-xá. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Vì ai thế? - Ly-bà-đa hỏi.

- Vì Ca-lưu-đà-di. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Phạm việc gì? - Ly-bà-đa hỏi.

- Phạm Ba-dật-đề. - Nhất-thế-khứ đáp.

Ly-bà-đa nói:

- Ðây là pháp... (cho đến) chẳng phải lời Phật dạy.

Ra lệnh rút thẻ thứ bảy.

Ly-bà-đa hỏi:

- Quen nếp sống trước, tịnh hay không?

Thượng tọa Nhất-thế-khứ hỏi lại:

- Quen theo nếp sống trước là thế nào?

Ly-bà-đa nói:

- Quen theo việc làm khi còn là bạch y.

Thượng tọa Nhất-thế-khứ nói:

- Hoặc có thói quen có thể chấp nhận, hoặc có thói quen không thể chấp nhận.

Ly-bà-đa nói:

- Ðây là pháp... (cho đến) chẳng phải lời Phật dạy.

Ra lệnh rút thẻ thứ tám.

Ly-bà-đa hỏi:

- Cầu thính, tịnh hay không?

Thượng tọa Nhất-thế-khứ hỏi lại:

- Cầu thính là thế nào?

Ly-bà-đa nói:

- Tác pháp Yết-ma riêng, sự việc đã rồi mới cầu người khác cho phép.

- Không tịnh. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Ðiều này cấm ở đâu? - Ly-bà-đa hỏi.

- Tại nước Thiểm-bà. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Vì ai cấm? - Ly-bà-đa hỏi.

- Vì Lục quần Tỳ-kheo. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Phạm việc gì? - Ly-bà-đa hỏi.

- Tùy theo việc Yết-ma. - Nhất-thế-khứ đáp.

Ly-bà-đa nói:

- Ðây là pháp... (cho đến) chẳng phải lời Phật dạy.

Ra lệnh rút thẻ thứ chín.

Ly-bà-đa hỏi:

- Nhận cất giữ vàng, bạc, tiền, tịnh hay không?

- Không tịnh. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Cấm điều này ở đâu? - Ly-bà-đa hỏi.

- Tại thành Vương-xá. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Nhân ai phạm mà chế? ­ Ly-bà-đa hỏi.

- Vì Nan-đà, Bạt-nan-đà. - Nhất-thế-khứ đáp.

- Phạm việc gì? - Ly-bà-đa hỏi.

- Phạm nhận cất giữ vàng, bạc và tiền, Ni -tát-kỳ-ba-dật-đề.

Ly-bà-đa nói:

- Ðây là pháp... (cho đến) chẳng phải lời Phật dạy.

Ra lệnh rút thẻ thứ mười.

Hỏi đáp mười vấn đề xong, tám vị Thượng tọa cùng nhau trở lại tập hợp Tăng. Ly-bà-đa đối diện trước đại chúng hỏi lại từng vấn đề một như đã hỏi Thượng tọa Nhất-thế-khứ, lần lượt rút thẻ thứ nhất đến thẻ thứ mười. Ðể kết thúc vấn đề, Ly-bà-đa đọc tuyên ngôn:

- Chúng ta đã luận bàn Tỳ-ni xong, bởi thế những gì Phật không chế cấm, không được vọng chế. Những gì đức Phật đã chế cấm thì không được trái phạm. Như lời đức Phật dạy, phải kính cẩn học tập.

Lúc bấy giờ, chúng Tỳ-kheo luận pháp Tỳ-ni bao gồm:

- Ðệ nhất Thượng tọa là Nhất-thế-khứ, 136 hạ lạp.

- Ðệ nhị Thượng tọa là Ly-bà-đa, 120 hạ lạp.

- Ðệ tam Thượng tọa là Tam-phù-đa, 110 hạ lạp.

- Ðệ tứ Thượng tọa là Da-xá, 110 hạ lạp.

Con số A-la-hán tham dự tròn 700 vị, nên gọi làThất bách kiết tập Pháp tạng18.



1Chương 8: Pháp Tỳ-kheo ni (Pali. BhikkhunÌkkhandhaka)

2Ni-câu-loại: Xem cht. 59, tr 39.

3Hoa Chiêm-bà: Skt. campaka, hoa Chiêm-bặc..., dịch là hoa Kim sắc (sắc vàng). Loại hoa này có thể chế thuốc hay nước hương.

4Hoa Bà-sư: Skt. vªrsïika, Pali. Vassikamªla, dịch là hoa Vũ thời (hoa nở vào mùa mưa), hoa Hạ chí (hoa sinh trưởng vào mùa Hạ). Loài hoa này có mùi hương tỏa rất xa.

5Hoa Ưu-bát-la: Xem cht. 3, tr 405.

6Hoa A-đề-mục-đa-già: Skt. Atimuktaka, Pali. Atimuttakamªla, dịch là hoa Long thỉ. Hoa sắc trắng hay đỏ, hạt có thể ép dầu.

1Chương 9: Pháp Ngũ bách tập (Pali. Paficasatikakkhandhaka)

2Nước Ba-tuần: Pali. Pªvª, nước Ba-câu, Bà-bà. Thiện kiến 1, tr. 673b, T24n1462: Nước Diệp-ba.

3Thành Câu-di: Skt. Kusùinagara, Pali. Kusinªr ª, dịch là thành “cỏ kiết tường”, vị trí trong nước Mạt-la (Skt. Malla).

4Thiện kiến 1, tr. 673c02: Tỳ-kheo Tu-bạt-đà-la-ma-ha-la (Pali. Subhadda-mahallaka). Nam truyền Luật tạng 4, chương 11, Kiền-độ Ngũ bách kết tập (Pali. panõcasatikakkhandhaka), tr 381: Trong chúng có một lão niên xuất gia tên Tu-bạt-đà-la.

5Pali. Sekha sakaranïÌya, địa vị hữu học.

6Tu-đa-la: Skt. Sñtra, Pali. Sutta, dịch Khế Kinh, Kinh, nghĩa đen: sợi chỉ xâu vòng hoa. Ý nói Phật giáo có phép xâu lõi pháp nghĩa, không để rời rạc, tan tác.

7Kinh Tăng Thập: (kinh Thập thượng ‘Dasuttara-Suttanta’) Trường A-hàm thập báo pháp kinh (T1n13, tr.233).

8Kinh Ðại nhân duyên: (DÌghanikªya, 15. Mahª-Nidªna-Suttanta, Ðại nhân kinh, Ðại duyên kinh), Phật thuyết Ðại sanh nghĩa kinh (T1n52, tr.844).

9Kinh Tăng Kỳ-đà: Pali. SamïgÌti, Kết tập kinh.

10Kinh Sa-môn quả: Pali. Sªmanõnõa-phala sutta, Phật thuyết Trường A-hàm kinh 17 (T1n01, tr.107a).

11Kinh Phạm động: Pali. Brahmajªla-sutta, Phật thuyết Trường A-hàm kinh 40 (T1n01, tr.88).

12Xá-lợi: Skt. sùarÌra, Pali. sarÌra, là chỉ chung cho những gì còn sót lại sau khi trà tỳ (Skt.jhªpeti) thân Phật. Từ này về sau cũng chỉ cho những vị Cao Tăng sau khi hoả thiêu, để lại di cốt, tro thân. Kim quang minh kinh 4, tr. 354a15, T16n663:“Xá-lợi là do sự huân tu của Giới Ðịnh Tuệ, là phước điền tối thượng, khó có thể mà được”.

13Phạm-đàn: Skt. Brahma-danïdïa, Pali. Brahmamanïdïa, Mặc tẫn. Hành sự sao Tư trì ký:“ Phạm-đàn, có sách nói rằng: ở trước cung Phạm vương có dựng một cái đàn, thiên chúng nào không theo đúng phép thì bắt đứng trên đàn đó, mọi người không được qua lại trò chuyện”.

1Chương 10: Pháp Thất bách kết tập (Pali. Sattasatikakkhandhaka).

2Thiện kiến 1, tr. 67716, T24n1462: 1. Diêm tịnh (Pali: kappatiSingilonïakappo). Tứ phần 54, tr. 968c22, T22n1428: 7. Ðược ngủ cùng muối (Tứ phần 54, tr 970a19: được cùng ngủ với muối, là dùng muối nêm trong thức ăn rồi ăn).

3Thiện kiến: 2. Nhị chỉ tịnh (Pali: kappati dvangulakappo). Tứ phần tr. 968c20: 1. Dùng hai ngón tay lấy thức ăn (Tứ phần 54, tr. 969c19:... ănđủ rồi, xả oai nghi không làm pháp dư thực, được dùng hai ngón tay lấy thức ăn để ăn). Phần lớn về sau các bộ luật giải đều giải thích điều này khác hẳn. Phật quang Ðại từ điển, tr. 442, giải thích điều 2:“ Nhị chỉ tịnh”, từ lúc mặt trời đúng ngọ cho đến lúc bóng xế hai ngón tay vẫn có thể ăn được(mà không phạm luật).

4Thiện kiến: 4. Trú xứ tịnh (Pali: kappati ªvªsakappo). Tứ phần 54, tr. 968c20: 3. Ðược trong chùa (Tứ phần 54, tr.969c29: nghĩa là ở trong chùa được biệt chúng yết-ma).

5Thiện kiến: 3. Tụ lạc gian tịnh (giữa hai làng xóm) (Pali: kappati gªmantarakappa. Tứ phần 54, tr.968c21: 2. Giữa hai thôn [Tứ phần 54, tr. 969c24: ăn đủ rồi, xả oai nghi không làm pháp dư thực, ở giữa hai thôn (trước giờ ngọ qua làng khác) được ăn].

6Thiện kiến: 7.Sinh hòa hợp tịnh (Pali: kappati amathitakappo). Tứ phần 54, tr. 968c21: 6. Ðược hòa (Tứ phần 54, tr. 970a14: ăn đủ rồi, xả oai nghi, dùng tô, du, mật, sanh tô, thạch mật hoà chung lại được ăn).

7Thiện kiến: 8. Thuỷ tịnh (Pali: kappati Jalogi pªtumï). Tư phần 54, tr. 968c22: 8. Ðược uống rượu Xà-lâu-la (vì bệnh hoạn có thể dùng rượu mạnh hoà với đường và nước nóng).

8Thiện kiến: 9. Bất ích lũ ni-sư-đàn tịnh (tọa cụ không có viền xung quanh) (Pali: kappati adasaka nisÌdanamï). Tứ phần 54, tr. 968c22: 9.Ðược chứa tọa cụ không cắt rọc (tọa cụ không có viền xung quanh thì có thể dùng quá khuôn khổ đã định).

9Thiện kiến: 6. Cửu trú tịnh (Pali: kappati ªcinïnïakappo). Tứ phần 54, tr. 968c21: 5. Ðược thường pháp (Tứ phần 54, tr.970a07: là việc này làm như vậy, nói như vậy, xưa nay làm như vậy).

10Thiện kiến: 5. Tuỳ ý tịnh (Pali: kappati anumatikappo). Tứ phần 54, tr. 968c21: 4. Sau cho phép có thể (Tứ phần 54, tr. 970a03: là tại nội giới biệt chúng yết-ma rồi cho phép có thể).

11Thiện kiến: 10. Kim ngân tịnh (Pali: kappati jªtarñparajatamï). Tứ phần 54, tr. 968c23: 10. Ðược nhận vàng bạc.

12Vườn Kỳ-vức Am-la: Pali. JÌvakambavana, Kỳ-bà Am-la.

13Nước Ba-tuần: Xem cht. 2, tr. 524.

14Ấp Ba-lợi: Pali. Pªtïheyy ª.

15Ấp A-lạp-bệ: Pali. lïav Ì, cũng là ấp A-trà-bệ (xem cht. 4, tr. 53).

16Trưởng lão Tam-phù-đà: Pali. Sambhñta, Skt. Sambhñta Sªnïavªsi, Tam-phù-đà Thương-na-hòa-tu.

17Núi A-hô: Skt=Pali. Ahogangª, hay gọi núi A-hô-hằng-hà.

18Trọn bộ ngũ phần

--- o0o ---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]