Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

QUYỂN 17

18/04/201316:16(Xem: 9396)
QUYỂN 17

Đại Tạng No. 1425

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch:
Tam Tạng Phật Đà Bạt Đà La(Người Thiên Trúc) cùng
Sa Môn Pháp Hiển dịch vào đời Đông Tấn.

Việt dịch:Thích Phước Sơn
Chứng nghĩa:Thích Đỗng Minh


Phật lịch: 2545 - 2000

--- o0o ---

Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri

Quyển thứ mười bảy

-ooOoo-

[359b]

NÓI RÕ PHẦN THỨ 6 CỦA 92 PHÁP ÐƠN ÐỀ.

36. GIỚI: ĂN PHI THỜI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ Phật nói với các Tỉ kheo: "Như Lai nhờ ăn mỗi ngày một bữa mà thân thể nhẹ nhàng, được sống an lạc. Các ông cũng nên ăn mỗi ngày một bữa. Vì ăn mỗi ngày một bữa thì thân thể nhẹ nhàng, được sống an lạc". Khi ấy tôn giả Bạt Ðà Lợi bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Con không kham nổi ăn mỗi ngày một bữa. Vì cớ sao? Vì con ăn cả buổi sáng, buổi chiều mới được an lạc". Phật liền nói với Bạt Ðà Lợi: "Nếu ông không thể ăn mỗi ngày một bữa, thì buổi sáng sớm hãy cầm hai bát vào thôn khất thực, rồi một bát dùng buổi mai, một bát dùng buổi trưa. Thế là ăn hai bữa". Thế Tôn dạy đến lần thứ hai, thứ ba như vậy mà Bạt Ðà Lợi vẫn khăng khăng nói là mình không kham nổi. Lúc ấy các đệ tử đều vâng lời Thế Tôn dạy, ngoại trừ Bạt Ðà Lợi. Vì thế thầy cảm thấy hổ thẹn, nên suốt ba tháng không đến chỗ Phật, như trong kinh Bạt Ðà Lợi Tuyến đã nói rõ.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, các Tỉ kheo đi khất thực phi thời nên bị người đời chê trách: "Vì sao Sa môn Thích tử lại khất thực phi thời, làm mất hết đạo hạnh, có đạo nào lại như thế?". Các Tỉ kheo nghe thế, liền đem nhân duyên ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỉ kheo: "Các ông là người xuất gia mà khất thực phi thời, nên bị người đời chê trách là phải. Từ nay về sau, Ta không cho phép khất thực phi thời". Trong đây cũng giống như trong kinh Ưu đà di Tuyến đã nói rõ.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ kheo ăn vào chặp tối, bị người đời chê trách: "Vì sao Sa môn Thích tử lại ăn vào buổi tối? Chúng Ta Là người tại gia còn không ăn vào buổi tối. Những bọn người Này làm mất phép tắc Sa môn, có đạo nào như vậy!".

Các Tỉ kheo nghe thế bèn đem sự việc ấy [359c] đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ kheo:

"Các ngươi ăn vào ban đêm nên mới bị người đời chê trách, từ nay về sau, Ta cho phép ăn trước nửa ngày (từ giờ ngọ trở về trước), và phải làm dấu bóng mặt trời để ấn định thời khắc".

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ kheo trưóc giờ ăn vào thôn xóm khất thực, sau giờ ăn, lại đến những nơi người đời tụ tập vui chơi như công viên, hồ nước để khất thực nữa, nên bị người đời chê trách nói với bạn: "Ông xem kìa, vị Sa môn Thích tử ấy vừa mới khất thực tại nhà tôi, giờ đây lại ra tới hồ nước theo tôi xin nữa! Thật là làm băng hoại phép tắc của đạo giáo, có đạo nào mà như thế!".

Các Tỉ kheo nghe thế, liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ kheo ấy đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi việc trên:

- Ông có việc đó thật chăng?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Thế thì ông khất thực buổi sáng dùng để làm gì?

- Ðể ăn vào lúc đúng giờ.

- Thế thì sau bữa ăn ông còn xin để làm gì nữa?

- Cất để dành sáng mai ăn.

- Vì sao Ông lại cất giữ thức ăn để ăn? Từ nay trở đi, Ta không cho phép ăn phi thời, không cho phép cất thức ăn để ăn.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Bạt Ðà Lợi cảm thấy lòng đầy hổ thẹn nên khi vào thôn xóm khất thực giống như đi vào giữa trận chiến, thầy mang theo hai bát để xin, rồi một bát để dùng hôm nay, còn một bát để dành ngày mai. Lúc ấy, các Tỉ kheo định vào thôn xóm khất thực, liền gọi Bạt Ðà Lợi:

- Trưởng lão, chúng ta cùng vào thôn xóm khất thực.

- Các thầy cứ đi đi. Tôi không đi nữa.

- Trưởng lão được lợi ích rất lớn, thầy chỉ ăn một bữa mà yên ổn cả hai ngày.

- Không phải tôi chỉ ăn một bữa mà được yên ổn cả hai ngày, mà vì khi tôi vào thôn xóm giống như đi vào trận chiến, cho nên tôi đem theo hai bát để xin ăn cả hai ngày.

Các Tỉ kheo nghe thế, liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo đi gọi Bạt Ðà Lợi đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật chăng?

- Có thật, bạch Thế Tôn.

- Tuy ông muốn giảm bớt sự việc (nhưng như thế là không được).

Từ nay về sau, Ta không cho phép ông ăn phi thời, không cho phép cất thức ăn để ăn; như trong kinh Bạt Ðà Lợi Tuyến đã nói rõ.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, A Na Luật đem phơi cơm thiu nát trên hòn đá đen vuông nơi núi Tiên nhân, Phật bèn dùng sức thần thông [360a] đi đến núi ấy. Tuy Ngài biết mà vẫn hỏi A Na Luật:

- Ông đang làm gì đó?

- Bạch Thế Tôn, các đệ tử Thanh vă¨n có lòng tin, hoan hỉ, ngày mai muốn (làm lễ) nương tựa nơi con, do đó, con không thể vào thôn xóm để khất thực, (nên con định phơi cơm nguội này để ăn).

- Tuy ông muốn giảm bớt việc phiền toái, nhưng từ nay về sau, Ta không cho phép ông ăn phi thời và để dành thức ăn để ăn.

Thế rồi, Phật dùng thần lực trở về lại thành Xá Vệ, truyền bệnh cho các Tỉ kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ kheo ăn phi thời, phạm Ba dạ đề. Nếu Tỉ kheo để quá giờ ăn mới ăn, phạm Ba dạ đề.

Giải thích :

Tỉ kheo:như trên đã nói.

Phi thời:nếu thời gian vượt qua (mức qui định) như trong chớp mắt hoặc đã vượt qua bằng ngọn cỏ, lá cây, thì đó gọi là phi thời.

Ăn:nếu ăn gạo lứt, gạo tẻ, cá, thịt, hoặc các thứ linh tinh khác thì phạm Ba da đề.

Ba dạ đề:Như trên đã nói.

Ðể quá giờ ăn:Tức là quá thời gian "Tu du".

Tu du:Hai mươi niệm gọi là một khoảng chớp mắt. Hai mươi chớp mắt gọi là một khảy móng tay. Hai mươi khảy móng tay gọi là một la tượng (?). Hai mươi la tượng gọi là một Tu du. Ngày dài nhất thì được mười tám tu du. Ðêm ngắn nhất thì có mười hai tu du. Ðêm dài nhất thì được mười tám tu du. Ngày ngắn nhất thì có mười hai tu du.

Thức ăn:Gồm có năm thức ăn chính, năm thức ăn tạp. Nếu để quá giờ mới ăn một thứ nào đó thì phạm Ba dạ đề.

* (Ngoài ra còn có các trường hợp) Thời thọ, Phi thời thọ, cố thọ, bất cố thọ, thiểu thọ, đa thọ, tật tật thọ, từ từ thọ, tuyết băng thọ.

Thời thọ:Nếu nhận (thức ăn) đúng giờ và ăn đúng giờ thì không có tội. Nếu để quá thời khắc chừng một chớp mắt, hoặc quá chừng một ngọn cỏ, lá cây, mà ăn thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu để quá một tu du mà ăn thì phạm hai tội Ba đạ đề. Vì phạm một tội ăn phi thời và một tội ăn thức ăn để quá giờ.

Phi thời thọ:Nhận thức ăn phi thời rồi ăn vào lúc phi thời thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu để quá một tu du mà ăn thì phạm hai tội Ba dạ đề. Vì phạm tội ăn phi thời và tội ăn thức ăn để quá giờ.

Các trường hợp cố thọ (cố ý nhận), bất cố thọ (không cố ý nhận), thiểu thọ (nhận ít), đa thọ(nhận nhiều), tật tật thọ (nhận nhanh), từ từ thọ (nhận từ từ) cũng có các sự sai biệt như vậy.

Tuyết băng thọ (Thọ tuyết):Nếu Tỉ kheo muốn ăn tuyết thì nên nhận từ tịnh nhân. Nếu không có tịnh nhân thì nên rửa tay sạch rồi tự lấy ăn. Trường hợp nước đá cũng như vậy. Ðó gọi là Tuyết băng thọ.

Tỉ kheo sáng sớm thức dậy nên rửa tay sạch, không nên rửa một cách thô tháo mà nên rửa năm đầu ngón tay trước, cũng không được rửa từ nách mà nên rửa từ cổ tay trở về trước cho sạch, không nên thô lỗ. Rửa không nên quặn quẹo khiến cho máu ra (?). Nên dùng hòn đá lớn, ngọn cỏ hoặc tro mà rửa cho sạch tay, lại [360b] vỗ khiến cho ra tiếng (?). Sau khi rửa tay sạch, nếu lại vò hai tay thì gọi là chẳng sạch, nên rửa lại. Nếu rửa bát rồi, lúc tay còn ướt mà lại xoa vuốt thì cũng xem là không sạch, nên đợi cho nó khô. Tỉ kheo trước bữa ăn nên giữ gìn tay cho sạch. Nếu gãi đầu, hoặc cầm cái quần, giày da, hoặc cầm tô sữa, dầu, túi da đều phải rửa lại cho sạch như trước. Nếu cầm y Tăng già lê, y Uất đa la tăng đều phải dùng nước rửa lại.

Tỉ kheo khi muốn đi khất thực nên rửa tay sạch rồi mặc chiếc y dùng đi vào làng xóm. Mặc y xong, nên rửa tay lại rồi cầm bát mà đi vào xóm làng. Nếu vào lúc mùa đông lạnh cầm bát để vào trong túi rồi định đi tới bên ranh giới thôn xóm, hoặc bên ao nước, hoặc trên dòng nước chảy thì nên rửa tay sạch. Nếu không có nước thì nên vào trong thôn xóm, đến trú xứ của Tỉ kheo, xin nước rửa tay. Nếu cũng không có thì nên tới tinh xá của Tỉ kheo ni mà xin nước. Nếu cũng không có thì nên đến nhà Ưu bà tắc có lòng tin mà xin nước sạch. Nếu cũng không có thì nên mở túi, lấy bát ra chỉ cầm một chỗ đi khất thực. Khi được thức ăn rồi, nên ra khỏi xóm làng, đến bên hồ nước, hoặc suối nước chảy, đặt bát trên cỏ sạch, rồi mới rửa tay sạch, tiếp đến rửa sạch tảng đá hoặc lá cây. Rửa xong, nên lấy chỗ cơm mà ngón tay chạm vào vứt bỏ, rồi đổ cơm ra trên tảng đá hay trên lá cây. Khi đổ cơm ra không được đổ ra ngay cái chỗ mà tay không sạch đã cầm. Khi đổ xong phải rửa bát sạch, rồi đổ cơm vào lại trong bát mà ăn. Lúc ăn xong, nếu còn thừa cơm, thì nên đổ một chỗ trên tảng đá, rồi ra đi. Hôm sau, Tỉ kheo lại vào thôn xóm khất thực; nếu chẳng được chi cả, phải rời khỏi thôn xóm với bát không, rồi tình cờ trở về lại con đường cũ, trông thấy chỗ cơm thừa đổ trên hòn đá hôm qua vẫn còn đó, nếu như có tịnh nhân thì nên bảo họ lấy đưa để mình ăn. Nếu không có tịnh nhân mà chỗ cơm ấy bị chim quạ ăn thì gạt bỏ chỗ chim ăn, rồi tự lấy ăn. Nếu tịnh nhân dùng tay không sạch cầm bún, cơm cúng dường cho Tăng, thì đối với Thượng tọa như thế được xem là không sạch, nhưng đối với những người khác thì được xem là sạch. Nếu tịnh nhân đem bún sạch đổ trên bún không sạch, thì được vớt lấy cái phần trên (để ăn). Nhưng nếu họ đem bún không sạch đổ trên bún sạch, thì tất cả thành ra không sạch. Nếu họ đem bún sạch đổ vào trong một cái tô không sạch, thì được múc lấy ở chính giữa (mà ăn). Nếu họ khuấy lên, thì tất cả đều trở thành không sạch. Khi Tỉ kheo ăn bún, nếu dùng tay chùi miệng, thì được xem là không sạch, phải rửa tay lại. Nếu hai tay xoa vào nhau thì được xem là tay không sạch, phải rửa tay lại.

Nếu Tỉ kheo bị bệnh cần cháo thì nên nhờ tịnh nhân nấu. Nếu tại nơi A luyện nhã không có tịnh nhân [360c] thì được rửa tay sạch không để dính cáu bẩn, rồi múc nước đổ vào nồi, chụm lửa cho nước sôi, rồi bảo cho tịnh nhân biết để họ đổ gạo vào. Khi họ đổ gạo vào xong, Tỉ kheo không được chụm lửa nữa mà phải bảo tịnh nhân chụm lửa cho đến khi sôi. Nếu tịnh nhân đi khỏi thì Tỉ kheo được chụm lửa cho đến khi cháo chín, rồi múc đưa cho người bệnh. Nếu Tỉ kheo uống thuốc ỉa mửa rồi, thầy thuốc bảo phải cho ăn cháo trong, nếu không có thì sẽ chết. Vậy phải làm sao? Bấy giờ Ta nên lấy gạo rửa sạch rồi nấu nhừ thành nước trút vào trong tô đổ cho Tỉ kheo bệnh. Nếu người bệnh không kham (không dùng được) thì nên lấy một nắm lúa nguyên vẹn đem rửa bảy lần cho sạch, rồi đổ vào một cái túi, cột đầu lại, đồng thời đem rửa nồi cho sạch đổ vào nấu. Không được để cho đầu hạt lúa bị vỡ, nếu vỡ thì không được cho Tỉ kheo bệnh dùng. Nếu ở tại nơi hoang vắng mà tịnh nhân bị bệnh, thì nên khiến tịnh nhân khác nấu cháo giúp cho họ. Nếu trường hợp không có tịnh nhân mà có được thóc hợp pháp, thì Tỉ kheo được tự mình đem giã, nấu cháo đưa cho tịnh nhân dùng. Nếu cháo tịnh nhân dùng không hết thì Tỉ kheo không được dùng, cũng không được đưa cho những Tỉ kheo khác. Thế nên nói (như trên).

37. GIỚI: NHẬN THỨC ĂN QUÁ MỨC ÐÃ CHO

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có một cư sĩ sinh được một bé gái đoan chính vô song, cha mẹ rất hoan hỷ. Ðến khi đầy tháng, cha mẹ em định tổ chức lễ khánh hỉ, nên suy nghĩ: "Con bé này đoan chính, hiếm có trên đời, nếu quốc vương biết được, ắt sẽ đoạt lấy, vậy ta nên đặt cho nó một cái tên xấu xí", bèn đặt tên là Hạt Nhãn. Cô gái này dần dần khôn lớn, quan xem tướng cho vua trông thấy, liền hỏi (dân chúng): "Con bé này con nhà ai vậy?". Có người đáp: "Con gái của cư sĩ mỗ giáp đấy". Viên quan xem tướng của vua suy nghĩ như sau: "Tướng của cô này phải làm đến đại phu nhân của vua", bèn tâu với vua: "Nhà kia có một người con gái quí tướng, đáng làm đến Hoàng hậu, nên tuyển cô vào cung". Vua bèn sai người đến nhà ấy hỏi xem cô ta tên gì, thì họ đáp: "Tên là Hạt Nhãn". Sứ giả bèn trở về báo lại nhà vua. Vua nói: "Cái tên Này không tốt lành. Ta không cần". Về sau, có người xin cưới cô, cha mẹ chồng bảo rước cô về nhà. Người chồng bèn sai sứ giả đến xin rước dâu, thì gia đình nhà gái đáp: "Sẽ đưa ngay", bèn chuẩn bị các vật dụng để đưa tiễn con gái và làm các thứ bánh. Bỗng nhiên có một Tỉ kheo tuần tự khất thực, đến nhà ấy. Mẹ cô trông thấy thầy, liền khởi tâm tin tưởng, hoan hỷ, hỏi: "Tôn giả có cần bánh không?". Thầy đáp: "Cần". Bà liền đem các thức bánh cúng dường đầy bát của thầy. Khi đã nhận được bánh, thầy bèn đem về tinh xá, gọi các Tỉ kheo quen biết cùng ăn. Các Tỉ kheo hỏi: "Trưởng lão, thứ bánh Này rất ngon, thầy được ở đâu vậy?". Thầy đáp: "Ðược tại nhà của cô Hạt Nhãn". Các Tỉ kheo nghe thế, bèn đến nhà ấy, và họ cũng nhận được bánh như người đầu. Như vậy, từng người, từng người [361a] cứ đến xin, khiến những phẩm vật dùng tiễn đưa con gái hết sạch. Trải qua ngày thứ hai, thứ ba cũng như thế. Người chồng lại sai người đến nhắc. Nhà gái lại nói: "Xin đợi ít hôm làm cho xong lễ vật đưa tiễn đã". Nhưng rồi các Tỉ kheo hằng ngày lại đến xin hết cả. Vì cô dâu không về nhà chồng đúng ngày giờ nên ông chồng nổi cáu nói: "Ta đã sai người đến nhắc (mấy lần) mà đều bảo rằng lễ vật làm chưa xong nên chưa đưa đến, chắc là có tâm Này khác rồi", liền sai người đi xin cư��i cô gái khác. Mẹ cô Hạt Nhãn nghe tin con gái mình bị khiển trách, bà rất đau buồn, than khóc. Cô cũng sầu não trách mẹ không đưa tiễn mình đúng ngày giờ nên mới bị khiển trách. Những người hàng xóm thấy thế bèn hỏi: "Các vị vì sao mà ưu sầu, than khóc?". Họ bèn trình bày đầy đủ sự kiện kể trên với những người hàng xóm. Thế rồi, người láng giềng cũng trách: "Vì sao bà không đưa tiễn con gái trước rồi mới sắm các thức ăn uống khác mà bố thí cho các Tỉ kheo?"Các Tỉ kheo nghe được liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi các Tỉ kheo ấy đến. Khi họ tới rồi, Phật liền hỏi: "Các ngươi có việc đó thật chăng?".

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Từ nay về sau, Ta không cho phép (các Tỉ kheo) nhận những thức ăn dùng để đưa tiễn cô dâu.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ trong thành có người khách buôn tên là Vô úy sắp đi xa cùng với các khách buôn khác. Lúc ấy, bà vợ ông đang ở nhà sắm sửa các thứ lương thực đi đường. Thế rồi, các Tỉ kheo tuần tự khất thực đến nhà ấy, bà vợ trông thấy khởi tín tâm, hoan hỉ hỏi: "Tôn giả có cần bún không?". Thầy đáp: "cần". Bà liền cắt một phần lương thực đem đổ đầy bát, cúng dường cho Tỉ kheo. Tỉ kheo được thức ăn rồi, liền mang về tinh xá Trúc Viên Ca lan đà, gọi các Tỉ kheo quen biết cùng ăn. Các Tỉ kheo hỏi: "Thầy được thức ăn ngon thế Này ở đâu vậy?". Thầy đáp: "Ðược tại nhà của ông khách buôn mỗ giáp đấy". Các Tỉ kheo nghe thế, liền cùng nhau người Này người khác, đến nhà ấy xin lương đi đường đến nỗi hết sạch. Như vậy, họ phải sắm lương thực đến ngày thứ hai, thứ ba. Nhưng rồi các Tỉ kheo cũng thay phiên nhau đến xin hết cả cho đến ngày thứ tư, sắm lương xong thì đi theo không kịp bạn, bị bọn cướp lấy tài vật hết sạch. Bà vợ ông khách buôn nghe thế, sầu não, khóc than. Người hàng xóm bèn hỏi: "Vì sao bà khóc than như vậy?". Bà liền trình bày đầy đủ sự kiện trên với người láng giềng. Người láng giềng nói: "Vì sao bà không sắm trước lương thực cho người ra đi xong rồi sau đó mới sắm các thứ khác bố thí cho các Tỉ kheo?". Các Tỉ kheo nghe được việc đó, liền đến bạch đầy đủ sự kiện lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi các Tỉ kheo ấy đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: "Các ông có việc đó thật chăng?". Họ đáp: "Có thật như vậy". Phật khiển trách: "Ðó là việc ác. Người bố thí không biết lượng định thì người thọ nhận cũng phải biết cân nhắc chứ! Ðó là điều phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy [361b], không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay về sau, Ta không cho phép xin lương thực đi đường".

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo sống tại thành Vương Xá phải tập hợp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ kheo đến nhà bạch y họ cúng dường bánh bún thoải mái, thì được nhận hai, ba bát, rồi đem về cùng ăn với Tỉ kheo không bệnh. Nếu nhận quá số đó mà đem về không cùng ăn với Tỉ kheo không bệnh, thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo:Hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều người.

Nhà bạch y:Các gia đình Sát lợi, Bà la môn, Tỳ Xá, Thủ đà la cúng dường bánh hoặc bún.

Bánh:Ðó là các thứ bánh làm bằng lúa đại mạch, tiểu mạch, gạo tẻ, đậu ...

Bún:Ðó là các loại bún được làm bằng lúa đại mạch tiểu mạch, gạo tẻ, đậu...

Ba bát:Ðược nhận tối đa ba bát.

Mang đi ra ngoài:Mang đến nơi mà mình muốn.

Tỉ kheo không bệnh:Tỉ kheo có sức lực có thể đến nhà ấy.

Cùng ăn với Tỉ kheo không bệnh:Thức ăn đem về nên cùng ăn chung, nếu không cùng ăn chung thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề:Như trên đã nói .

* Lại có các trường hợp: Vật dùng để tiễn đưa, lương thực đi đường, lương không phải làm cho Tỉ kheo mà làm để đưa tiễn, cho một cách hào phóng.

Vật dùng để tiễn đưa:Như bánh dùng để tiễn đưa cô Hạt Nhãn.

Lương thực đi đường:Như trường hợp người chủ khách buôn Vô Úy.

Bánh bún:Như trên đã nói.

Không phải vì Tỉ kheo:Vốn là vì người khác mà làm lương thực để tiễn đưa.

Cho một cách hào phóng:Như cách cho của mẹ con cô Hạt Nhãn, cách cho của vợ chồng ông khách buôn thì Tỉ kheo được nhận ba bát, rồi đem ra ngoài cùng ăn với Tỉ kheo không bệnh.

Nếu Tỉ kheo nghĩ như sau: "Ai hơi sức đâu mà làm cho nhiêu khê", rồi nói với Ưu bà di: "Múc đầy một bát đổ vào trong một tô, rồi múc đầy bát khác đổ vào một tô khác". Ðoạn thầy tự dùng một bát, rồi dặn người nữ gia chủ: "Nếu có Tỉ kheo đến thì bà cho một bát Này. Nếu có người khác đến nữa thì bà cho bát thứ hai. Sau đó, nếu có người nào đến nữa, thì bà đừng cho. Nếu cho, thì bà sẽ được ít phước đức". Bấy giờ, Tỉ kheo mang thức ăn ra đi, nếu giữa đường gặp Tỉ kheo khác thì nên nói như sau: "Nhà mỗ giáp kia có thức ăn, thầy nên đến đó lấy phần". Nếu gặp Tỉ kheo thứ hai, cũng nên nói như thế.

* Lại có các trường hợp: không phải bánh dùng để đưa tiễn, không phải lương thực để đi đường, vì Tỉ kheo, không phải là lương thực dùng để đưa tiễn, không cho một cách hào phóng.

Không phải bánh dùng để đưa dâu:không phải như trường hợp cô Hạt Nhãn trên đây.

Không phải lương thực dùng để đi đường:không phải như trường hợp ông khách buôn Vô Úy.

Vì Tỉ kheo:(thức ăn) làm cho Tỉ kheo, chứ không phải làm cho người khác.

Không phải lương thực dùng để đưa tiễn: trừ hai trường hợp kể trên, nếu (thực phẩm) làm cho những người khác thì được nhận lấy, không phạm.

Không cho một cách hào phóng:Tùy theo thực phẩm nhận được [361c] rồi mang đi. Nếu cô Hạt Nhãn về nhà chồng rồi, sau đó mẹ cô mới cho, thì được phép lấy mà không có tội.

Nếu cô dâu về nhà chồng rồi, cô mới cho (thực phẩm) thì được phép lấy, không có tội.

Nếu người khách buôn ra đi rồi, người vợ sau đó mới bố thí, thì được phép lấy, không có tội.

Nếu khách buôn đi đến mục tiêu rồi ông mới bố thí, thì được phép lấy, không có tội.

Nếu một nhà kia vào dịp gả chồng hay cưới vợ cho con mà có khoản đãi, hoặc những ngày lễ hội, rồi Tỉ kheo đi đến nhà ấy, chủ nhân nói như sau: "Thưa tôn giả, dù tôi muốn sai người đi mời, e chưa chắc đã được, huống gì nay hân hạnh được tôn giả đến đây". Nếu như thế thì được lấy thoải mái, không có tội.

Thế nên nói (như trên).

38. GIỚI: ÐÒI THỨC ĂN NGON.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo đến nhà có sữa tô thì xin sữa tô, nhà có dầu thì xin dầu, nhà có sữa tươi thì xin sữa tươi, nhà có sữa lạt thì xin sữa lạt, nhà có mật thì xin mật, nhà có đường phèn thì xin đường phèn, nhà có cá thì xin cá, nhà có thịt thì xin thịt, nên bị người đời chê bai như sau: "Sa môn Cù Ðàm dùng vô lượng phương tiện tán thán ít muốn, biết đủ, dễ nuôi dưỡng, dễ thỏa mãn, và chê trách đa dục, không biết chán, khó nuôi dưỡng, khó thỏa mãn; thế mà nay vị Sa môn Này không chịu xin thức ăn thô, mà đến nhà có sữa tô xin sữa tô, cho đến nhà có thịt thì xin thịt. Ðó là kẻ bại hoại, chứ có đạo nào như thế!".

Các Tỉ kheo nghe được, bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:

- Các ông có việc đó thật chăng?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Ðó là việc xấu. Các ông không từng nghe Ta dùng vô lượng phương tiện tán thán ít muốn, chê trách đa dục hay sao? Ðó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn Thiện pháp được. Từ nay về sau, Ta không cho phép xin thức ăn ngon để ăn.

Lại nữa, khi Phật trú tại một tinh xá ở vườn cây Ni Câu Luật, nước Ca Duy La Vệ thuộc dòng họ Thích ca. Vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm Phật đi thị sát phòng của các Tỉ kheo một lần; trông thấy một Tỉ kheo bị bệnh, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi:

- Bệnh của ông như thế nào? Có đau đớn lắm không?

- Không đau đớn lắm, bạch Thế Tôn.

- Ông không thể xin được thức ăn hợp với bệnh, thuốc men hợp với bệnh được sao?

- Có thể xin được, nhưng Thế Tôn chế giới không cho phép xin thức ăn ngon, nên con không dám xin. Vả lại, con không có đàn việt, cũng không có người cho.

- Từ nay về sau, Ta cho phép Tỉ kheo bệnh được xin thức ăn ngon.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang trú tại Ca Duy La Vệ phải tập hợp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu tại nhà các đàn việt có các loại mĩ thực như sữa tô, dầu, mật, đường phèn, sữa tươi, sữa lạt, cá, thịt... mà Tỉ kheo không bệnh, vì muốn sướng thân mà xin, thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Nhà:như trên đã nói.

[362a] Sữa tô, dầu, mật, đường phèn, sữa tươi, sữa lạt, thịt, cá:Như trong giới ăn trộm thứ hai trước kia đã nói. Ðó gọi là mĩ thực. Nếu người bị bệnh thì Thế Tôn cho phép xin ăn, không có tội.

Bệnh:Có các loại như: bệnh hoành lan, bệnh ung thư, bệnh trĩ, bệnh đi tiểu, đại không làm chủ được, bệnh vàng da, bệnh sốt rét, bệnh ho lao, bệnh gầy ốm, bệnh phong thũng, bệnh thũng nước, các bệnh như thế gọi là bệnh.

Vì thân mình:Vì chính thân mình mà xin, nếu tự mình xin hoặc nhờ người khác xin để ăn, thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề:Như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo bị bệnh nhiệt, rồi thầy thuốc bảo: "Bệnh này nên uống sữa chua", thì được xin sữa chua. Nhưng không được đến nhà không có niềm tin mà xin. Vì sao thế? Vì khi xin, họ sẽ dèm pha rằng Tỉ kheo do tham món ngon mà xin sữa chua. Chính vì họ chê bai sự hay dở của Tỉ kheo nên không được đến xin, mà nên đến nhà Ưu bà tắc có lòng tin mà xin. Khi xin được rồi nên cân nhắc (mà dùng).

Nếu Tỉ kheo bị bệnh phong, rồi thầy thuốc bảo: "Nên uống dầu", thì khi ấy được phép xin dầu. Nhưng không được đến nhà ép dầu để xin, cũng không được đến nhà không có lòng tin, như trong trường hợp xin sữa chua đã nói.

Nếu Tỉ kheo bị bệnh thũng nước, rồi thầy thuốc bảo: "Bệnh này nên uống mật", thì khi ấy được xin mật. Nhưng không được đến nhà người đi lấy mật để xin, cũng không được đến nhà không có lòng tin để xin, như trong trường hợp xin sữa chua đã nói.

Nếu Tỉ kheo bị bệnh khô gầy, rồi thầy thuốc bảo: "Bệnh này nên uống đường phèn", (thì được xin đường phèn). Nhưng không được đến nhà làm mía mà xin, cũng không được đến nhà không có lòng tin để xin, như trong trường hợp xin sữa chua đã nói.

Nếu Tỉ kheo bị nhiễm lạnh, rồi thầy thuốc bảo: "Nên dùng đường phèn, sữa chua hai thứ hòa chung vào nhau mà uống"; thì không được đến nhà không có lòng tin mà xin, như trường hợp xin sữa chua đã nói.

Nếu Tỉ kheo bị bệnh ỉa chảy, rồi Thầy thuốc bảo: "Bệnh này nên uống sữa tươi". Khi ấy được đến chỗ người chăn bò để xin sữa tươi. Khi xin được nên trù tính để lấy.

Nếu Tỉ kheo muốn ói ra và uống thuốc ói mửa, rồi thầy thuốc bảo: "Trước nên uống nước cá", thì khi ấy được xin nước cá, nhưng không được đến nhà người bắt cá để xin, cũng không được đến nhà người không có lòng tin mà xin, như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo muốn lể đầu ra máu, hoặc uống thuốc xổ, rồi thầy thuốc bảo: "Bệnh này nên uống nước thịt", thì khi ấy được phép xin nước thịt, nhưng không được đến nhà đồ tể, nhà không có lòng tin để xin, như trên đã nói.

Nếu Tỉ kheo đi khất thực đến nhà người đong sữa chua, rồi người đong sữa hỏi: "Tôn giả muốn tìm thứ gì?". Thầy đáp: "Muốn xin thức ăn". Người ấy nói: "không có thức ăn mà chỉ có sữa chua Này, nếu thầy cần tôi sẽ cho". Khi ấy, nếu Tỉ kheo cần thì được nhận đầy bát, không có tội. Hoặc là có bạn thì có thể khuyên người ta cho bạn, không có tội. Cũng như thế đối với người đong dầu mật, đường phèn, sữa tươi, sữa lạt cũng vậy.

Nếu Tỉ kheo khất thực được bún, cơm đầy một bát cỡ trung không còn chỗ nữa, thì có thể xin nước uống. Nếu đàn việt nói: "Không có nước uống mà chỉ có nước thịt, nếu thầy cần [362b] thì tôi sẽ cho". Khi ấy Tỉ kheo được phép lấy. Hoặc họ lại nói: "Cũng có thịt, nếu thầy cần tôi sẽ cho". Lúc ấy, Tỉ kheo được lấy đầy bình, không có tội. Ðồng thời Tỉ kheo cũng được đến nhà người ép mía, xin nước mía. Nếu chủ nhà nói: "Không có nước mía mà chỉ có đường phèn, nếu thầy cần, tôi sẽ cho". Tỉ kheo nếu thấy cần thì có thể lấy đầy bát, không có tội. Ðồng thời cũng được khuyên họ cho bạn mình. Cũng như được đến nhà ép dầu mè để xin cặn dầu mè. Nếu chủ nhân nói: "Tôi không có cặn dầu mè, nhưng thầy có cần dầu thì tôi sẽ cho". Tỉ kheo nếu thấy cần, được lấy đầy bát, không có tội. Ðồng thời cũng được khuyên họ cho bạn mình.

Tỉ kheo được xin nước trong ở dưới sữa đóng váng. Nếu họ nói: "Tôi không có nước trong ở dưới sữa đóng váng mà chỉ có sữa đóng váng, thầy có cần thì tôi sẽ cho". Tỉ kheo nếu thấy cần, được lấy đầy bát, không có tội. Ðồng thời cũng được khuyên họ cho bạn mình.

Tỉ kheo được xin mía, cũng được vì Tỉ kheo khách đi đường xa mà xin thức ăn ngon. Hoặc khi mình đang đi trên đường cũng được xin (thức ăn ngon).

Nếu Tỉ kheo xin một chỗ được tám thứ mĩ thực, rồi ăn riêng từng thứ, thì phạm nhiều tội Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo xin được tám thứ mĩ thực tại nhiều chỗ khác nhau, rồi ăn một chỗ thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu xin tại nhiều chỗ, rồi ăn riêng từng thứ, thì phạm nhiều tội Ba dạ đề. Nếu xin tại một chỗ được nhiều loại thức ăn, rồi họp lại ăn một lần, thì phạm một tội Ba dạ đề.

Nếu xin khi không bệnh đến khi bệnh đem ăn, thì phạm tội Việt Tì ni.

Nếu xin khi đang bệnh, đến lúc không bệnh đem ăn, thì không có tội.

Nếu xin khi đang bệnh, rồi ăn lúc đang bệnh, thì không có tội.

Nếu xin khi không có bệnh, rồi ăn lúc không bệnh, thì phạm ba dạ đề.

Nếu nấu không tùy theo bệnh mà ăn tùy theo bệnh, thì không có tội (?).

Nếu nấu tùy theo bệnh mà ăn không tùy theo bệnh, thì phạm tội Việt Tì ni.

Nếu nấu tùy theo bệnh, rồi ăn cũng tùy theo bệnh, thì không có tội.

Nếu nấu không tùy theo bệnh, ăn không tùy theo bệnh, thì không có tội. Vì sao vậy? Vì người xuất gia sống nhờ người khác vậy. Thế nên nói:

"Mỗi chỗ cho một bữa,
Ăn no khuyên ăn thêm.
Không nhận phần mà ăn,
Ăn phi thời, đồ thừa.
Hai ba bát món ngon,
Ăn riêng chúng, ăn sau
Hết Bạt cừ thứ tư".

39. GIỚI: KHÔNG BỆNH MÀ NHÓM LỬA.

Khi Phật an trú tại vườn ông Cấp Cô Ðộc, rừng cây Kỳ đà, thành Xá Vệ, lúc này người đời đốc tín cung kính tôn trọng cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và thuốc chữa bệnh (thuốc bổ). Trong khi ấy, những người xuất gia ngoại đạo cũng đang ở tại thành Xá Vệ nhưng không được người đời cung kính tôn trọng cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và thuốc chữa bệnh. Do thế, nhiều người xuất gia ngoại đạo tập hợp tại nhà luận nghị, bàn luận như sau: "Sa môn Cù Ðàm này đang ở tại vườn ông Cấp Cô Ðộc, rừng cây Kỳ đà, thành Xá vệ [362c] được người đời thâm tín cung kính tôn trọng cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và thuốc chữa bệnh nhưng chúng ta không được tôn trọng cung kính cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và thuốc chữa bệnh. Vậy ai có thể đến xuất gia sống trong giáo pháp của Sa môn Cù Ðàm tu tập phạm hạnh, tụng đọc giáo pháp của ông ta, rồi trở về lần lượt dạy lại chúng ta, để chúng ta cũng được cúng dường giống như ông ta?"

Khi các ngoại đạo luận bàn như thế rồi, cùng bảo nhau: "Tu Thâm Ma là người ưu tư bậc nhất trong hội chúng của chúng ta nên có thể sai ông đến xuất gia trong giáo pháp của Sa môn Cù Ðàm, thọ giới luật của Cù Ðàm, rồi về lại...". Thế rồi, các ngoại đạo nói với Tu Thâm Ma: "Sa môn Cù Ðàm đang sống tại tinh xá Kỳ Hoàn được nhiều người tôn trọng cúng dường, còn chúng ta thì không được lợi ích như thế. Nay ông nên đến xuất gia trong giáo pháp Sa môn Cù đàm tu tập phạm hạnh, đọc tụng kinh điển của ông ấy, rồi trở về trong giáo pháp của Ta Lần lượt dạy lại nhau, để chúng ta cũng được cúng dường giống như ông ấy".

Tu Thâm Ma nghe lời đề cử rồi, liền ra khỏi thành Xá vệ, đi đến tinh xá Kỳ Hoàn. Khi tới cổng tinh xá, thấy các Tỉ kheo đang kinh hành, ngồi thiền, Tu Thâm Ma liền đến chỗ các Tỉ kheo thăm hỏi, rồi ngồi sang một bên, nói: "Tôi vốn là ngoại đạo nay muốn xuất gia, thọ Cụ Túc trong giáo pháp của Như Lai thì ở đây phải làm thế nào?". Các Tỉ kheo đáp: "Nếu gốc gác là ngoại đạo mà muốn xuất gia trong giáo pháp của Như Lai, thì phải được thử thách qua bốn tháng. Qua bốn tháng thử thách mà các Tỉ kheo thấy hợp ý thì sẽ cho xuất gia".

Khi ấy Tu Thâm Ma liền vâng lời, thực hành bốn tháng thử thách. Qua bốn tháng, các Tỉ kheo thấy vừa ý, liền cho thọ giới Cụ Túc. Sau khi thọ Cụ Túc, ông bèn đi đến chỗ Thế Tôn cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng hầu một bên. Bấy giờ, có nhiều Tỉ kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, con đã chứng đắc, đời sống của con đã kết thúc, phạm hạnh đã thành, không còn phải tÁisinh nữa". Họ nói như thế xong, liền cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ra đi.

Khi các Tỉ kheo ấy vừa ra đi, thì Tu Thâm Ma đến đảnh lễ chân Phật, rồi đi tới các Tỉ kheo ấy thăm hỏi. Hỏi thăm xong, bèn đứng qua một bên, hỏi các Tỉ kheo: "Thưa trưởng lão, vừa rồi ở trước Phật, thầy tự nói là mình đã chứng đắc, đời sống đã kết thúc, phạm hạnh đã thành, không còn tÁisinh nữa, có phải thế không?". Các Tỉ kheo đáp: "Ðúng như vậy". Thế rồi Tu Thâm Ma lại hỏi: "Thưa trưởng lão, biết như vậy thấy như vậy, được thiên nhãn thanh tịnh, thấy chúng sinh chết chỗ này, sinh chỗ kia, người đẹp, kẻ xấu, thiện thú, ác thú [363a], thấy chúng sanh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng hiền thánh, tự làm việc tà kiến, dạy người làm theo tà kiến, thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác. Lại thấy chúng sanh thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, tự mình làm theo chánh kiến rồi dạy người làm theo chánh kiến, đến khi thân hoại, mạng chung, sinh vào cõi thiện, trên cõi trời, trong cõi người, thiên nhãn thanh tịnh hơn người như the,á trưởng lão có được không?". Thầy đáp: "Không được". Ông lại hỏi: "Tôn giả được Túc mạng trí biết như vậy, thấy như vậy, biết quá khứ một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, một trăm đời, một ngàn đời, cho đến kiếp thành, kiếp hoại, danh tánh, chủng tộc, chết nơi đây, sinh chỗ kia, chết chỗ kia, sinh chỗ này, vô số sự việc trong các kiếp như thế, trưởng lão có biết không?". Thầy đáp: "Không biết". Ông lại hỏi: "Ly sắc, quá sắc, vô sắc, tịch diệt, giải thoát, thân chứng cụ túc an trú, các loại giải thoát như vậy, trưởng lão có được không?". Thầy đáp: "Không được".

Tu Thâm Ma nói: "Vừa rồi tôi hỏi về các pháp thì trưởng lão đều nói là không được. Thế thì vì sao trước mặt Thế Tôn trưởng lão tự nói là mình đã chứng đắc, đời sống của mình đã kết thúc, phạm hạnh đã thành, không còn tái sinh, vậy ai mà tin nổi?".

Các Tỉ kheo đáp: "Này trưởng lão, chúng tôi là những người được giải thoát bằng trí tuệ".

Tu Thâm Ma nói: "Trưởng lão nói giản lược quá nghĩa chưa rõ, xin nói lại rõ hơn".

Tỉ kheo nói: "Tuy nghĩa chưa rõ, nhưng tôi tự biết mình là người đã giải thoát nhờ trí tuệ".

Khi Tu Thâm Ma nghe các Tỉ kheo nói như thế, liền suy nghĩ: "Ta nên đến chỗ Thế Tôn hỏi về việc này, Thế Tôn giải đáp như thế nào thì ta hãy nghi nhận như vậy. Suy nghĩ thế rồi, thầy từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, đem việc nêu trên bạch đầy đủ với Thế Tôn, hỏi rằng việc ấy như thế nào?

Phật liền nói với Tu Thâm Ma:

- Tiên pháp trí, hậu tỉ trí.

- Bạch Thế Tôn, điều Thế Tôn dạy quá bí ẩn, giản lược, con chưa hiểu.

- Dù ngươi chưa hiểu, nhưng vẫn tiên pháp trí, hậu tỉ trí.

- Lành thay Thế Tôn, con vẫn chưa hiểu, kính mong Thế Tôn vì con nói rõ thêm.

- Vậy Ta hỏi ngươi, tùy ngươi hiểu như thế nào hãy trả lời Ta. Này Tu Thâm Ma, ý ngươi nghĩ thế nào, do Sinh nên có Già Chết phải không?

- Ðúng như vậy, bạch Thế Tôn.

- Lành thay Tu Thâm Ma, ý ngươi nghĩ sao, do Vô minh mà sinh ra các Hành phải không?

- Ðúng như vậy.

- Lành thay Tu Thâm Ma, ý ngươi nghĩ sao, do Sinh duyên diệt nên Già Chết diệt phải không? Cho đến do Vô minh diệt nên các hành diệt phải không?

- Ðúng như vậy.

- Lành thay [363b] Tu Thâm Ma, nếu Tỉ kheo sống trong giáo pháp này chánh quán, chánh trí, điều gì phải đạt được thì sẽ đạt được hết phải không?

- Ðúng như vậy.

- Ngươi đã biết do Sinh nên có Già Chết phải không?

- Ðúng như vậy.

- Do Vô minh nên có các Hành phải không?

- Ðúng như vậy.

- Do Sinh duyên diệt nên Già Bệnh Chết Ưu Bi Khổ Não, Ngũ Ấm đều diệt phải không?

- Ðúng như vậy.

- Do Vô minh diệt nên các hành diệt phải không?

- Ðúng như vậy.

Ngươi đã biết các pháp như vậy, ngươi có đạt được Thiện nhãn, Túc mạng trí và các sự giải thoát không?

- Không đạt được, bạch Thế Tôn.

- Ngươi tự nói biết các pháp như vậy rồi lại bảo không đạt được các công đức kia, thì ai mà tin được?

- Bạch Thế Tôn, vì bị Vô minh ác tà vây bủa nên con sinh ra tà kiến như vậy. Nay con nghe rõ chánh pháp nơi Thế Tôn nên diệt được ác tà kiến, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Thế rồi, Tu Thâm Ma cúi đầu đảnh lễ chân Phật, quỳ gối, chấp tay, bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, con xuất gia sống trong chánh pháp của Như Lai với tâm gian trá định trộm giáo pháp, Thế Tôn đại từ xin nhận sự hối lỗi của con.

- Ngươi ngu ngốc như trẻ con, vì muốn trộm chánh pháp của Phật mà xuất gia với tâm gian trá. Nay Ta nhận sự hối lỗi của ngươi. Này Tu Thâm Ma, ví như có người phạm tội với vua, rồi vua sai lính đem ra phân thây, cắt tai, xẻo mũi, dùng cưa để cưa, dùng dao cắt chặt từng đoạn, lại cho voi chà, ngựa đạp, giết chết bằng các hình thức cực kỳ đau khổ như vậy. Nay ngươi xuất gia với tâm gian trá, vì muốn trộm pháp mà phạm phải tội lỗi, giờ đây Ta nhận sự hối lỗi của ngươi, ở trong pháp của hiền thánh, ngươi sẽ được tăng trưởng; từ nay về sau chớ có tái phạm.

Vì Thế Tôn độ Tu Thâm Ma và vì Mục Liên vận dụng thần túc dùng bát chiên đàn hàng phục ngoại đạo tại Tỳ xá Li nên nhân dân càng thêm kính tín, và (tăng đoàn) được nhiều lợi dưỡng. Do thế, các ngoại đạo lồng lộn phỉ báng Thế Tôn, như trong kinh tôn đà lợi đã nói rõ: khi Phật chưa ra đời thì ngoại đạo được các thứ cúng dường, nhưng đến khi Phật ra đời thì tất cả ngoại đạo đều mất hết lợi dưỡng. Vì sao vậy? vì mọi người đều biết rằng pháp Phật thâm diệu, như trong kinh Khổng Tước Ðiểu Bản Sinh đã nói rõ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn chán sự cúng dường của người đời, nên trở về lại thành Xá Vệ. Ðến giờ khất thực, Phật khoác y thường mặc. Cầm bát, vào thành Xá Vệ tuần tự khất thực. Rồi sau khi ăn xong, Phật ung dung đi kinh hành, đoạn, thu xếp giường nệm, không nói với Tăng chúng và thị giả, Phật du hành một mình [363c] đến nước Kiều Tát La.

Khi ấy, các Tỉ kheo liền đến chỗ A Nan, nói với A Nan:

- Thưa trưởng lão, đức Thế Tôn sau khi ăn, ung dung đi kinh hành, rồi tự thu xếp giường nệm, không nói với Tăng chúng và thị giả, đơn độc du hành đến nước Kiều Tát La.

A Nan đáp: "Thưa trưởng lão, nếu đức Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri sau khi ăn, ung dung đi kinh hành, rồi tự thu xếp giường nệm, không nói với các Tỉ kheo và thị giả mà du hành một mình, là vì muốn tìm sự yên lặng, vậy các Tỉ kheo không nên đi theo Ngài".

Lúc ấy, Thế Tôn từ nước Kiều Tát La du hành đến Ba Lợi Da, rừng Ta La, an trú dưới cây Hiền Thọ. Ðoạn, nói về bầy voi năm trăm con, gặp phải nước đục, cỏ xơ xác, vì thế nó chán ngán đàn voi, nên cũng đơn độc tìm đến cây này. Khi voi chúa trông thấy Phật, nó liền dùng vòi nhổ cỏ, đạp đất cho bằng, lại dùng vòi lấy nước rưới lên đất cho khỏi bụi, đồng thời lấy cỏ mềm trải lên để làm chỗ ngồi. Ðoạn nó quỳ gối, mời Phật ngồi lên. Khi thấy Phật ngồi rồi, nó bèn xin được cúng dường Phật ba tháng. Phật biết ý voi chúa, liền nhận sự thỉnh cầu của nó. Nhân việc này, Phật đọc bài tụng:

"Ðộc thiện không phải lo,
Như voi nơi hoang dã.
Vui trì giới học tập,
Cần bè bạn làm gì?"

Bấy giờ, voi chúa lấy những ngó sen tốt đẹp rửa sạch, rồi dâng lên Thế Tôn, và Thế Tôn đã nhận sự cúng dường của voi chúa suốt ba tháng. Khi ấy, năm trăm Tỉ kheo vì cả ba tháng không thấy Phật, nên đến chỗ tôn giả A Nan, thưa:

- Trưởng lão, chúng tôi đã lâu không thấy Phật, cũng không được nghe pháp, nay chúng tôi muốn đến đảnh lễ thăm hỏi Thế Tôn để nghe Thế Tôn dạy bảo.

- Các trưởng lão nên đứng ở đây một lát và đợi tôi trở về.

- Lành thay!

Thế rồi, A Nan liền đi đến chỗ tôn giả Ðại Mục Liên, nói như sau: "Thưa trưởng lão, năm trăm Tỉ kheo đến chỗ tôi nói rằng: "Ðã lâu ngày không thấy Phật, không được nghe chánh pháp, muốn đến đảnh lễ cúng dường Phật và nghe Phật dạy bảo. Trưởng lão hãy quan sát xem Phật đang ở tại đâu?".

Mục Liên liền nhập định, quan sát hết thảy thế gian, thấy Phật đang ở dưới gốc cây Hiền thọ, tại rừng Ta La, Ba Lợi Da, nhận sự cúng dường của voi chúa. Thấy thế, thầy bèn hướng đến A Nan, nói bài kệ sau:

"Rời bỏ hồ hoa sen,
Thân tươi đẹp đẫy đà.
Mình không bẩn sạch sẽ,
Sống vui nơi rừng vắng.
Ðược cam lồ diệu pháp,
Tướng hảo, thân sung mãn.
[364a] Tâm trong sạch không bẩn,
Rời chúng, vui rừng vắng".

Khi Mục Liên đọc bài kệ đó rồi, liền nói với tôn giả A Nan: "Ðức Thế Tôn nay đang ở tại Ba Lợi Da, rừng Ta La, dưới cây Hiền thọ, nhận sự cúng dường của voi chúa. Nếu ông muốn đến chỗ Thế Tôn thì bây giờ là đúng lúc".

Tôn giả A Nan bèn trở về chỗ các Tỉ kheo, nói như sau:

- Thế Tôn hiện giờ ở Ba Lợi Da, rừng Ta La, dưới cây Hiền thọ, đang nhận sự cúng dường của voi chúa. Giờ đây, chúng Ta hãu cùng nhau đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ vấn an Ngài.

Các Tỉ kheo nghe A Nan nói thế, liền cùng nhau đi đến Ba Lợi Da, rừng Ta La, dưới cây Hiền thọ. Khi còn cách Thế Tôn không xa, A Nan nói với các Tỉ kheo:

- Này các trưởng lão, đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đang ở tại chỗ thanh vắng, chúng ta không nên đến đường đột. Các trưởng lão nên đứng lại đây một lát, để cho tôi đi đến trước.

- Lành thay.

A Nan liền đến với Phật. Từ xa trông thấy A Nan đi đến, Phật liền nói: "Ông đến thật là đúng lúc A Nan, đã lâu ngày Ta không gặp ông". Tôn giả A Nan liền cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch như sau: "Thế Tôn có được ít bệnh, ít khổ não và sống an lạc chăng?".

- Như Lai ít bệnh, ít khổ não, sống an lạc, đang nhận sự cúng dường của voi chúa. Này A Nan, các Tỉ kheo Tăng có được ít bệnh, ít khổ não, sống an lạc hay không? Khất thực không nhọc nhằn, hành đạo đúng pháp đấy chứ?".

- Bạch Thế Tôn, Tỉ kheo Tăng ít bệnh, ít khổ não, sống an lạc, khất thực không nhọc nhằn, hành đạo đúng pháp. Bạch Thế Tôn, năm trăm Tỉ kheo hiện giờ đang đợi ngoài rừng, muốn vào thăm viếng, kính xin Thế Tôn chuẩn thuận.

- Ta cho phép họ vào.

A Nan bèn trở lại chỗ các Tỉ kheo nói:

- Các trưởng lão được lợi ích rất lớn, vì Thế Tôn đã cho phép vào thăm.

Các Tỉ kheo liền theo A Nan, cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên. Lúc bấy giờ trong số ấy có một Tỉ kheo suy nghĩ như sau: "Làm thế nào mà Tỉ kheo biết như thật, thấy như thật và lần lượt đoạn tận các lậu hoặc?". Tuy thầy âm thầm suy nghĩ như thế, nhưng không dám hỏi Phật.

Ðức Thế Tôn biết được những suy nghĩ trong tâm của vị Tỉ kheo ấy, nên nói với A Nan: "Trong số người này có một Tỉ kheo suy nghĩ như sau: "Làm thế nào để một Tỉ kheo biết như thật, thấy như thật, lần lượt đoạn tận các lậu hoặc?". Tuy thầy âm thầm suy nghĩ như thế, nhưng không dám hỏi. Này A Nan, trước đây Ta đã vì các Tỉ kheo nói về cách quán tưởng ấm, giới, nhập và mười hai nhân duyên; nếu Tỉ kheo biết như thật, thấy như thật, thì đoạn tận được các lậu hoặc".

Vị Tỉ kheo ấy nghe Thế Tôn nói thế,liền suy nghĩ: "Vật chất (sắc) là ta".

Lúc đó, Thế Tôn biết được những suy nghĩ trong lòng của Tỉ kheo ấy, liền nói với A Nan: "Thầy Tỉ kheo ấy suy nghĩ như sau: "[364b] Vật chất là Ta". A Nan nên biết, nếu có Tỉ kheo quán tưởng thế này: "Vật chất là tất cả các hành, do Vô minh, Xúc, Thọ mà sinh ra Ái", thì Này A Nan, Ái bắt nguồn từ đâu? Nương tựa vào đâu? Phát sinh từ đâu? Chuyển biến từ đâu?

A Nan nên biết, Ái bắt nguồn từ Thọ, nương tựa vào Thọ, phát sinh từ Thọ và chuyển biến từ Thọ.

A Nan nên biết, Thọ bắt nguồn từ Xúc, nương tựa vào Xúc, phát sinh từ Xúc và chuyển biến từ Xúc.

A Nan nên biết, Xúc bắt nguồn từ Lục nhập, nương tựa vào Lục nhập, phát sinh từ Lục nhập và chuyển biến từ Lục nhập.

A Nan nên biết, Lục nhập là pháp hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh là pháp Vô thường hoại diệt; Xúc là pháp hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp Vô thường hoại diệt; Thọ là pháp hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp Vô thường hoại diệt; Ái là pháp hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp Vô thường hoại diệt; hành là pháp hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp Vô thường hoại diệt. Vô minh là pháp hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp Vô thường hoại diệt. Như vậy đó A Nan nếu Tỉ kheo biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ lần lượt đoạn tận hữu lậu.

Vị Tỉ kheo ấy, nghe nói thế, bèn suy nghĩ: "Vật chất chẳng phải là ta, vật chất là sở hữu của ta".

Phật biết được, những suy nghĩ trong lòng của Tỉ kheo ấy, liền nói với A Nan: "Thầy Tỉ kheo ấy nghĩ thế Này: "Vật chất chẳng phải là ta, vật chất là sở hữu của ta".

A Nan nên biết, nếu Tỉ kheo quán tưởng như sau: "Vật chất là tất cả các hành, do Vô minh, Xúc, Thọ mà sinh ra ái, vậy ái bắt nguồn từ đâu? Nương tựa vào đâu? Phát sinh từ đâu? Chuyển biến từ đâu?".

A Nan nên biết, ái bắt nguồn từ Thọ, nương tựa vào thọ, phát sinh từ Thọ và chuyển biến từ Thọ, cho đến Vô minh hữu vi hành (là sự vận hành của pháp hữu vi), do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp Vô thường hoại diệt.

Vị Tỉ kheo ấy nghe nói thế, liền suy nghĩ: "Vật chất không phải là Ta, cũng không phải sở hữu của Ta, mà trong ta có vật chất".

Phật biết những suy nghĩ trong lòng của Tỉ kheo ấy: (cho đến) Vô minh là sự vận hành của hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp vô thường biến hoại .

Vị Tỉ kheo ấy nghe nói thế, liền suy nghĩ: "Vật chất chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, cũng chẳng phải trong ta có vật chất, hay trong vật chất có ta".

Phật biết được những suy nghĩ trong lòng của Tỉ kheo ấy: (cho đến) Vô minh là sự vận hành của hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp vô thường biến hoại.

Vị Tỉ kheo ấy nghe nói thế, liền suy nghĩ: "Nếu vật chất chẳng phải là ta, chẳng phải sở hữu của ta, chẳng phải trong ta có vật chất, cũng chẳng phải trong vật chất có ta; (Vậy chắc) Thọ là ta, Tưởng, Hành, Thức cũng như vậy. Nếu năm ấm chẳng phải là ta, chẳng phải sở hữu của ta, chẳng phải trong ta có năm ấm, chẳng phải trong năm ấm có ta; vậy thì vì sao mà có ta?".

Phật nói với A Nan: "Nếu quán tưởng như vậy về [364c] năm ấm, tất cả các Hành, do Vô minh, Xúc, Thọ sinh ra Ái, thì Này A Nan, Ái bắt nguồn từ đâu? Nương tựa vào đâu? Phát sinh từ đâu? Chuyển biến từ đâu? Này A Nan Ái bắt nguồn từ Thọ, nương tựa vào Thọ, phát sinh từ Thọ và chuyển biến từ Thọ.

A Nan nên biết, Thọ bắt nguồn từ Xúc, nương tựa vào Xúc, phát sinh từ Xúc và chuyển biến từ Xúc.

A Nan nên biết, Xúc bắt nguồn từ Lục nhập, nương tựa vào Lục nhập, phát sinh từ Lục nhập và chuyển biến từ Lục nhập.

A Nan nên biết, Lục nhập là sự vận hành của hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp Vô thường biến hoại, (cho đến) Vô minh là sự vận hành của hữu vi, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, là pháp vô thường biến hoại, như vậy đó A Nan. Nếu Tỉ kheo biết như vậy, quán tưởng như vậy, thì lần lượt sẽ đoạn tận hữu lậu.

Vị Tỉ kheo ấy nghe nói thế, liền được pháp nhãn thanh tịnh. Rồi thầy suy nghĩ: "Tất cả các pháp đều vắng lặng, không có ta, không có sở hữu của ta".

Phật nói với A Nan: "Thầy Tỉ kheo ấy trong khi suy nghĩ như thế, thì không thọ nhận bất cứ pháp nào, đoạn tận các lậu hoặc và tâm được giải thoát".

Trong khi Phật vì Tỉ kheo ấy thuyết về pháp đó thì năm trăm Tỉ kheo tâm được giải thoát, đều thành La hán.

Thế rồi, đức Thế Tôn cùng sống với các Tỉ kheo, lúc ấy vào tháng mùa thu, gặp cơn mưa lạnh thình lình các Tỉ kheo đem đốt một khúc cây lớn rổng ruột. Nhưng trong cây ấy vốn có một con rắn lớn. Vì bị lửa nóng nên nó chui ra, ngẩng đầu lên, đuổi theo các Tỉ kheo. Do đó, các Tỉ kheo kêu gọi nhau ôm sồm: "rắn bò ra, rắn bò ra". Lúc ấy, Phật biết nhưng vẫn hỏi các Tỉ kheo: "Vì sao mà kêu la ôm sồm như thế?".

- Bạch Thế Tôn, vì bị cơn mưa lạnh thình lình các Tỉ kheo niên thiếu đem đốt một cây rổng ruột. Trong cây ấy có con rắn, do bị lửa nóng nên nó bò ra đuổi các Tỉ kheo. Các Tỉ kheo thấy vậy nên mới kêu gọi nhau ôm sòm như thế.

- Ði gọi các Tỉ kheo ấy đến đây.

Khi họ đến rồi, Phật bèn nói với các Tỉ kheo: "Ðốt lửa có bảy sự tai hại, đó là: 1. Làm hư mắt; 2. Làm hư nhan sắc; 3. Làm cho thân tiều tụy; 4. Y phục bị dơ bẩn, hư hại; 5. Làm hư hỏng giường nệm; 6. Sinh ra cơ hội phạm giới; 7. Làm tăng thêm sự bàn tán về chuyện đời. Có bảy điều tai hại như thế, nên từ nay về sau, Ta không cho phép đốt lửa".

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Ðức Thế Tôn vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm đi quan sát phòng của các Tỉ kheo một lần, Ngài thấy một Tỉ kheo bị bệnh ghẻ ngứa, Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Này Tỉ kheo, có dễ chịu không? Không khổ đấy chứ?

- Con bị bệnh ghẻ ngứa không được vui, nếu được hơ lửa thì thấy dễ chịu, nhưng Thế Tôn chế giới không cho đốt lửa, nên không được dễ chịu.

- Từ nay về sau, Ta cho phép Tỉ kheo bị bệnh được phép đốt lửa.

[365a] Lại nữa, khi Phật trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các tôn giả Nan đề, Kim Tì Lô, Bạt đề an cư tại núi tháp vừa xong, bèn đi đến thành Xá Vệ để đảnh lễ thăm viếng Thế Tôn. Thấy các vị mặ áo bị thấm mưa, màu nhuộm phai lạt, Phật biết mà vẫn hỏi:

- Này các Tỉ kheo, vì sao lại mặc áo bị thấm nước mưa (màu phai lạt)?

- Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn chế giới không được đốt lửa, nên chúng con không dám nấu thuốc nhuộm để nhuộm lại.

- Từ nay về sau, trừ có lý do chính đáng (thì được đốt lửa).

Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ kheo không có bệnh mà tự đốt cỏ, cây, phân bò, hoặc sai người khác đốt, thì phạm Ba dạ đề, ngoại trừ có lý do chính đáng.

Giải thích:

Tỉ kheo:Như trên đã nói.

Bệnh:Như ghẻ lở, ghẻ ngứa, lác, bệnh phong... có các loại bệnh cần đến lửa như vậy mới dễ chịu, thì cho phép đốt lửa.

Cỏ:tất cả các thứ cỏ và lau, sậy, trúc...

Cây:Tất cả các loại cây hoặc đã bị đốn chặt, hoặc còn nguyên vẹn.

Phân bò:Hoặc tự mình đốt, hoặc sai người đốt, ngoại trừ có lý do chính đáng thì Thế Tôn bảo không có tội.

Lý do:Hoặc trực nguyệt (chịu trách nhiệm trong tháng), hoặc phải chăm sóc việc ăn uống, hoặc đến phiên mình phải đốt lửa, đốt đèn, hoặc đốt lò sưởi cho ấm trong phòng, hoặc đốt lửa cho Hòa thượng, A xà lê, hoặc đun nước nóng, hoặc xông bát, hoặc nhuộm y... đốt lửa thì không có tội. Nếu không có lý do thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề:Như trên đã nói.

Nếu cầm cây củi có lửa để trên đống củi, trên cỏ, trên phân bò, trên ghế gỗ, trên đống rác thì phạm ba dạ đề. Như vậy, cho đến nếu cầm nắm rác có lửa để trên củi, trên cỏ, trên phân bò, trên ghế gỗ cũng như vậy.

Nếu Tỉ kheo dẫm trên đống lửa bằng cỏ cây, có cái đã cháy, có cái chưa cháy, thì phạm Ba dạ đề.

Nếu dẫm trên lửa làm cho lửa văng ra mà chưa cháy đất, thì phạm tội Việt tì ni (?). (Khi ấy) được cầm cây sắt, gạch, ngói mà dập đống lửa thì không có tội.

Nếu cầm lửa xoay thành vòng tròn thì phạm tội Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo ngắt cỏ ném về phía lửa hoặc ném trên lửa, thì tùy ngắt bao nhiêu cộng, phạm bấy nhiêu tội Ba dạ đề.

Nếu đốt cháy cây cỏ thì phạm Ba dạ đề.

Nếu đốt cháy thân cây nảy mầm thì phạm hai tội Ba dạ đề. Vì phạm tội đốt lửa và làm hại mầm cây.

Nếu vì muốn phá (vật gì đó), hoặc hỏa tịnh (dùng lửa đốt đồ ăn để đồ ăn hợp lệ), hoặc vì lý do chính đáng mà đốt thì không có tội.

Nếu đốt buội lúa đã có hạt hoặc bông lúa đã có hạt thì phạm hai tội Ba dạ đề. Một tội đốt lửa và một tội làm hại mầm sống. Nhưng nếu cần dùng lửa để tác tịnh (như nghĩa hỏa tịnh) hoặc có lý do mà đốt, thì không có tội.

Nếu đốt tóc, đốt lông ngựa, lông lạc đà ..., thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu đốt da thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu đốt bánh thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu đốt thuốc độc và than thì phạm tội Việt tì ni.

[365b] Nếu ăn không tiêu được dùng miếng sắt nung nóng áp trên bụng, thì không có tội.

Nếu dùng giày da dẫm trên lửa thì phạm tội Việt tì ni.

Thế nên nói (như trên).

40. GIỚI: NGỦ QUÁ THỜI HẠN CHO PHÉP.

Khi Phật an trú tại tịnh xá Khoáng Dã, nói rộng như trên. Bấy giờ Tỉ kheo quản sự thuê thợ trộn hồ đúc gạch. Người thợ ấy khi thì ngủ trong phòng trai đường của Tăng, khi thì nghỉ trong phòng Thiền, khi thì nghỉ trong phòng sưởi, ông khạc nhổ đồ dơ bẩn, hoặc đại tiểu tiện nơi Này nơi kia, làm cho ô uế, phương hại đến sự tọa thiền, hành đạo của các Tỉ kheo. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ kheo quản sự đến. Khi thầy đén rồi, Phật bèn hỏi: "Có thật ông thuê người làm công về làm cho ô uế nơi này nơi kia, khiến phương hại đến sự tọa Thiền, hành đạo của các Tỉ kheo hay không?".

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Vì sao như vậy?

- Con muốn sai người thợ ấy buổi mai làm, buổi chiều nghỉ, làm sao vừa đủ số tiền thuê thì thôi.

- Tuy vậy, nhưng từ nay về sau (Tỉ kheo) không được ngủ chung phòng với người chưa thọ giới Cụ túc.

Lại nữa, khi Phật còn là Bồ tát, ở nhà phụ vương rất yêu quí, vì sợ mất giống Chuyển luân vương nên ưu sầu khóc lóc không cho Bồ tát xuất gia. Ðến khi (Gia du) hoài thai La Hầu La thì (Bồ tát) mới bỏ nhà xuất gia được. Thế rồi, Phật nói với các Tỉ kheo: "Như Lai nhu nhuyến làm vui lòng người không thể nào hơn được phụ vương, vì Ngài đã xây ba cung điện phù hợp cho ba mùa Xuân, Hạ, Ðông, như trong kinh Nhu Nhuyến Tuyến đã nói rõ, (cho đến) Như Lai được thành Ðẳng Chánh Giác".

Các Tỉ kheo bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn phải tu khổ hạnh đến sáu năm như vậy?

- Không phải chỉ có ngày nay (tu khổ hạnh) như trong kinh Ðiểu Bản Sinh đã nói rõ.

- Bạch Thế Tôn, vì sao ma Ba tuần thường muốn làm não loạn phá hoại Thế Tôn?

- Không phải chỉ có ngày nay (phá hoại), như trong kinh Miết Bản Sinh đã nói rõ về sự kiện cha con gặp nhau tại nước Ca Duy La Vệ. Trong đó còn nói rõ về trường hợp Ðại Ái Ðạo, Da thâu Ðà La, La Vân xuất gia. Lại còn nói rõ trường hợp Phật vì thân quyến nên trở về nước Ca Duy La Vệ. Bấy giờ, những người có lòng tin bèn làm cầu tiêu cho Phật. Tuy Phật không cần, nhưng vì thuận theo người đời nên đã nhận. Thế rồi, một hôm, tôn giả La Hầu La nằm ngủ ở ngoài trời, đêm ấy trời bỗng đổ mưa gió. Thầy liền đi đến trước phòng tôn giả Xá Lợi Phất, gõ cửa. Xá Lợi Phất hỏi: "Ông là ai?".

- Bạch Hòa Thượng, con là La Hầu La.

- Ông hãy đứng ngoài đó.

La Hầu La bèn đến trước phòng tôn giả Ðại Mục Liên, gõ cửa. Mục Liên hỏi:

- Ông là ai?

- Thưa A xà lê (thầy giáo thọ), con là La Hầu La.

- Ông hãy đứng ngoài đó.

Cứ như thế, La Hầu La lại đến các phòng khác, nhưng ai cũng bảo phải đứng ở ngoài phòng. Lúc ấy, La Hầu La bèn đi vào trong cầu tiêu của Thế Tôn, gối đầu trên thềm cầu mà nằm. [365c] Thế rồi, có một con rắn đen, vì sợ mưa gió nên cũng định vào trong cầu tiêu. Phật thường quan sát chúng sinh, thấy con rắn đen ấy muốn vào trong cầu tiêu, vì sợ nó làm hại La Hầu La, nên người ph��ng ra ánh sáng, rồi đi đến nhà cầu, cất tiếng hỏi: "Ông là ai?"

- Bạch Thế Tôn, con là La Hầu La.

- La Hầu La, chẳng lẽ ông đang ở đấy sao?

- Bạch Thế Tôn, con được chỗ này đã may mắn lắm rồi!

Phật liền dùng bàn tay sắc vàng mềm mại đỡ La Hầu La lên, rồi phủi bụi bám trên mình, đoạn, dẫn vào phòng mình chỉ cái giường ở trước, nói: "Ông hãy nghỉ trên giường này".

Vì khi ấy, Như Lai đã chế giới cho các đệ tử, nên phải tuân hành theo giới ấy. Do đó, Thế Tôn ngồi kiết già trên đất. Lúc ngồi Thiền xong, Phật liền nói với các Tỉ kheo: "Như Lai vì lòng từ, nhân chuyện La Hầu La, nên muốn cho các đệ tử được an lạc, từ nay về sau Ta cho phép người chưa thọ giới Cụ túc được ngủ chung phòng (với Tỉ kheo) trong ba đêm, đến đêm thứ tư, nên ngủ riêng".

Các Tỉ kheo bèn bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, vì nguyên nhân gì mà La Hầu La ở trong thai sáu năm?"

Phật nói với các Tỉ kheo: "Ngày xưa có một tiên nhân tên Lê Ba Ðô, di đến nhà vua xin yết kiến. Vua bèn báo tin cho tiên nhân: "Ông hãy ở tạm trong vườn Vô Ưu, chốc lát rồi Ta sẽ cho gặp". Nhà vua ra lệnh thế rồi, nhưng đến sáu hôm mà chưa cho tiên nhân gặp". Ông vua khi ấy nay là La Hầu La, vì nguyên nhân đó mà phải ở trong thai đến sáu năm, như trong Sanh kinh đã nói rõ". Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại Ca Duy La Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ kheo ngủ chung một phòng với người chưa thọ giới Cụ túc quá ba đêm thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo:Như trên đã nói.

Chưa thọ Cụ túc:Trừ Tỉ kheo, Tỉ kheo ni, nhưng Tỉ kheo ni tuy thọ Cụ túc cũng không cho phép ở chung ba đêm.

Ngủ ba đêm:Giới hạn được ngủ ba đêm.

Cùng một phòng:Nếu cùng ngủ chung trong một phòng có cùng một mái, cùng một bức tường thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề:Như trên đã nói.

Nếu một phòng mà có cửa riêng, có ngăn cách thì không có tội.

Nếu khác phòng mà cùng một cửa thì phạm Ba đạ đề.

Hoặc một phòng một cửa cũng phạm Ba dạ đề.

Nếu khác phòng, khác cửa thì không có tội.

Nếu (phòng) có tường có mái thì phạm Ba dạ đề.

Nếu có tường mà lợp một nửa thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu có tường mà không có mái thì không có tội.

Nếu có mái, có tường thì phạm Ba dạ đề.

Nếu có mái mà tường ngăn một nửa thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu có mái mà không có tường thì không có tội.

Nếu Tỉ kheo ngủ trong phòng mà người chưa thọ Cụ túc cũng ngủ trong phòng thì phạm Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo ngủ trong phòng mà người chưa thọ giới Cụ túc nằm một nửa thân mình trong phòng thì phạm tội Việt tì ni. Nếu nằm hoàn toàn ở ngoài thì không có tội.

[366a] Nếu người chưa thọ giới Cụ túc ngủ trong phòng và Tỉ kheo cũng ngủ trong phòng thì phạm tội Ba dạ đề.

Nếu người chưa thọ giới Cụ túc ngủ trong phòng, mà Tỉ kheo nằm nửa thân mình trong phòng thì phạm tội Việt tì ni. Nếu nằm hoàn toàn ở ngoài phòng thì không có tội.

Nếu Tỉ kheo nằm trước trong phòng rồi người chưa thọ giới Cụ túc đến nằm sau thì cứ mỗi lần nằm phạm một tội Ba dạ đề. Nếu Tỉ kheo hay người chưa thọ Cụ túc nửa đêm dậy đi đại tiểu tiện rồi vào ngủ lại, thì cứ mỗi lần trở dậy phạm một tội Ba dạ đề.

Nếu nhiều người chưa thọ Cụ túc vào nằm trước, rồi Tỉ kheo đến ngủ sau thì phạm một tội Ba dạ đề.

Nếu nửa đêm dậy đi đại tiểu tiện rồi trở vào nằm lại, thì cứ mỗi lần đi lại phạm một tội Ba dạ đề.

Nếu Tỉ kheo ngủ cùng phòng với người chưa thọ Cụ túc ba đêm, thì đêm thứ tư phải đổi sang phòng khác. Nếu ra nằm ngoài trời rồi gặp lúc trời mưa gió lạnh lẽo thì nên vào lại trong phòng mà ngồi cho đến lúc thấy rõ mặt đất. Nếu Tỉ kheo bệnh không thể ngồi được thì nên lấy mền đắp lên từ đầu trở xuống hoặc từ nách trở xuống cho tới đất và nên dùng một vật dày khít ngăn lại không để cho con mèo đi qua được.

Nếu Tỉ kheo đang lúc đi đường có thể ngủ với người chưa thọ giới Cụ túc trong một nhà qua ba đêm, đến đêm thứ tư nên ngủ riêng ra. Nếu ra nằm ngoài trời mà gặp lúc mưa gió tuyết rơi lạnh phải vào trong nhà thì nên dùng cáimền ngăn lại như trên đã nói. Nếu không che mền thì phải ngồi cho đến lúc thấy rõ mặt đất. Nếu vì già bệnh không ngồi được mà người chưa thọ giới Cụ túc kia có thể tin được thì nên bảo y: "Ngươi ngủ thì ta phải ngồi". Ðến lúc Tỉ kheo muốn ngủ thì nên gọi y dậy, nói: "Khi ta ngủ thì ngươi phải ngồi, nếu ngươi cũng ngủ thì không được phước đức".

Tội ngủ chung cùng phòng Này nếu chưa sám hối mà lại ngủ chung nữa thì tội càng thêm nặng. Nếu sám hối xong, rồi ngủ phòng riêng, thì sau đó sẽ được ngủ chung lại. Thế nên nói (như trên).

41. GIỚI: GỞI DỤC RỒI PHỦ NHẬN

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ nói rộng như trên. Bấy giờ Tỉ kheo Tăng tập họp định làm yết ma, thì Ưu Ba Nan Ðà không đến. Sứ giả liền đến, gọi: "Trưởng lão, Tăng tập họp định làm yết ma, cho tôi tới gọi trưởng lão". Ưu Ba Nan Ðà vốn hiểu giới luật liền gởi dục yết ma cho sứ giả. Sau khi gởi dục yết ma rồi, thầy Tỉ kheo nhận dục nói: "Ông đã gởi dục rồi, sau Này chớ nói Này khác". Thế rồi, Tăng làm yết ma cử tội người đệ tử thân cận của Ưu Ba Nan Ðà. Sau khi bị Tăng làm yết ma cử tội, người Này liền đến chỗ Hòa Thượng (Ưu Ba Nan Ðà) nói như sau:

- Vì sao Hòa Thượng lại gởi dục trong trường hợp này?

- Có việc gì vậy?

- Chúng Tăng làm yết ma cử tội con.

- Ta đâu có biết.

Thầy nghe đệ tử nói rồi, bèn đến nói với người mình đã gởi dục: "Trưởng lão, tôi không gởi dục (trong trường hợp) không tốt như vậy, pháp yết ma đó [366b] không thành tựu. Tôi không gởi dục về pháp yết ma này".

Khi đó, các Tỉ kheo nghe thế hổ thẹn, không vui, liền đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi thầy đến rồi, Phật nói: "...Ðó là việc xấu. Vì sao ông gởi dục rồi lại nói không gởi, yết ma không thành tựu. Tôi không gởi loại dục như thế. Vì sao ông không hỏi trước mà liền gởi dục? Từ nay về sau Ta không cho phép Tỉ kheo không hỏi rõ sự việc mà gởi dục". Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập hợp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ kheo gởi dục rồi, sau đó nổi giận không vui, nói như sau: "Tôi không gởi dục (về việc) không tốt, pháp yết ma đó không thành tựu. Tôi không gởi dục trong trường hợp này", thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo:Như trên đã nói.

Gởi dục:Có hai trường hợp: Hỏi rồi mới gởi, không hỏi mà gởi.

Hỏi rồi mới gởi:Tức hỏi người nhận dục: "Làm việc gì vậy?". Rồi người ấy đáp: "Làm yết ma chiết phục", thì khi ấy gởi dục yết ma chiết phục, cho đến "yết ma cử tội", thì gởi dục yết ma cử tội; mỗi thứ, mỗi thứ yết ma như vậy hỏi rồi mới gởi dục; đó gọi là hỏi rồi mới gởi dục.

Không hỏi mà gởi:như nói: "Tôi gởi dục yết ma". Nói ba lần như vậy. Ðó được xem là gởi dục chung cho tất cả pháp yết ma, chỉ trừ Bồ tát và Tự tứ. Như vậy gọi là không hỏi mà gởi dục.

Thế rồi, sau khi làm yết ma xong giận dữ không vui. Giận dữ không vui được gọi là chín sự khổ não và nổi giận không đúng chỗ. Sự giận dữ thứ mười thì kẻ phàm phu đang học còn mắc phải, thậm chí La hán cũng có cái không vui, rồi nói như sau: "Tôi không gởi dục (những việc) không tốt, pháp yết ma đó không thành tựu. Tôi không gởi thứ dục ấy, thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu khi Tỉ kheo Tăng tập họp định làm yết ma thì tất cả mọi người phải đến đầy đủ. Nếu có duyên sự như xông bát, nhuộm y, hoặc bệnh, hoặc bận các việc đối với tháp, với Tăng, thì khi ấy phải gởi dục. Nhưng không được gởi rồi, sau lại nói: "Theo tôi nghe người kia nói lại thì việc đó không nên làm như vậy". Nếu trước đã gởi dục yết ma rồi thì sau đó phải tùy hỉ. Nếu ở giữa Tăng đã gởi dục rồi mà sau đó làm trái lại, thì phạm Ba dạ đề.

Nếu ở giữa nhiều người, hoặc ở trước Tỉ kheo trưởng lão, trước Hòa Thượng A xà lê gởi dục rồi mà sau đó làm trái lại, thì phạm tội Việt tì ni. Thế nên nói (như trên).

42. GIỚI: LÀM CHO NGƯỜI KHÁC NHỊN ÐÓI.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ Ưu Ba Nan Ðà- em của Nan Ðà- nói với người đệ tử đồng hành của Nan Ðà như sau: "Ngươi cùng đi với ta vào thôn xóm [366c], đến một nhà kia, ta sẽ cho ngươi thức ăn ngon. Nếu ta có làm việc gì trái oai nghi thì ngươi chớ nói với người khác. Ta là chú của ngươi (như trong giới ba mươi đã nói rõ), cho đến nói với Nan Ðà: "Vì sao đệ tử của thầy lại nói lỗi của tôi ở trước mặt những người phạm hạnh?". Nan Ðà liền khiển trách đệ tử: "Ngươi là vật tồi tệ, vì sao lại nói lỗi của em ta ở trước những người phạm hạnh?". Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi thầy đến rồi, Phật hỏi:

- Ông có làm như vậy thật chăng?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Ưu Ba Nan Ðà, đó là việc ác. Vì sao ông lại nói với Tỉ kheo kia rằng: "Ngươi cùng đi với ta vào thôn xóm, đến nhà kia, ta sẽ cho ngươi thức ăn ngon". Nhưng khi đến đó rồi, lại bảo họ trở về. Từ nay về sau Ta không cho phép bảo họ trở về.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ kheo nói với Tỉ kheo khác như sau: "Ngươi cùng vào thôn xóm với ta, đến nhà kia, ta sẽ cho ngươi thức ăn", hoặc tự mình cho hoặc bảo người khác cho. Rồi sau đó muốn đuổi họ đi, nói: "Ngươi đi đi. Ta ở với ngươi, nói chuyện với ngươi không vui. Ta sống một mình, nói chuyện một mình vui hơn". Chỉ nêu lý do đó mà đuổi chứ không có lý do nào khác, thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo:như trên đã nói.

Thôn xóm:Như trong giới ăn trộm trên kia đã nói.

Sau đó không cho:Tự mình không cho cũng không bảo người khác cho, nói như sai: "Trưởng lão, ông hãy đi đi. Tôi cùng ở với ông, cùng nói chuyện với ông không vui. Tôi sống một mình, nói chuyện một mình vui hơn", để mà đuổi, thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề:Như trên đã nói.

Nếu vì muốn làm điều trái oai nghi ở giữa đường mà lưu giữ người kia ở lại trong tịnh xá, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu vì muốn làm điều trái oai nghi ở giữa đường, rồi ngay giữa đường sai người kia trở về, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu vì muốn làm điều trái oai nghi ở trong thôn xóm, rồi ngay tại thôn xóm đuổi người kia đi, thì phạm Ba dạ đề.

Không nên dẫn đi rồi đuổi trở về. Nếu khả năng không thể xin đủ hai người ăn, thì có thể sai người kia trờ về, không có tội.

Nếu có thể xin đủ hai người ăn thì nên cùng ăn. Nếu sai đi lấy thuốc, mời y sĩ, thì không có tội.

Nếu xin không thể được rồi khi ấy định sai đi mà có chỗ mời ăn, thì nên bảo đến chỗ mời ăn để người ấy ăn. Nếu không có chỗ mời ăn mà trong tịnh xá có thức ăn, thì nên bảo về lại tịnh xá để ăn. Nếu không có chỗ nào mời ăn, trong tịnh xá cũng không có thức ăn, thì nên nói với người kia ". Trưởng lão, ông hãy tự đi tìm thức ăn lấy". Nếu người ấy làm điều trái oai nghi, nhìn ngó bất chính, thì khiến họ đi không có tội.

Hoặc sai người ấy làm các việc như xông bát, nhuộm y, thì không có tội.

Tóm lại, nếu đuổi Tỉ kheo thì phạm Ba dạ đề, đuổi [367a] Tỉ kheo ni thì phạm Thâu lan giá; đuổi Học giới ni, Sa di, Sa di ni thì phạm tội Việt tì ni; cuối cùng, nếu đuổi người thế tục, thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).

43. GIỚI: XUYÊN TẠC GIÁO PHÁP, KHÔNG NGHE LỜI KHUYÊN.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả A Lợi Tra hủy báng khế kinh như sau: "Theo tôi hiểu các pháp do Như Lai thuyết giảng thì những pháp mà Ngài bảo là chướng đạo, khi thực hành chúng, chẳng có gì chướng đạo cả". Khi ấy, các Tỉ kheo bèn nói: "Trưởng lão A Lợi Tra, chớ hủy báng khế kinh. Ðó là ác kiến, là kiến giải bất thiện, sẽ đọa vào đường ác, rơi xuống địa ngục". Can gián một lần, hai lần, ba lần vẫn không chấm dứt, các Tỉ kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, A Lợi Tra hủy báng khế kinh, nói như sau: "Theo chỗ tôi biết, những pháp do đức Như Lai thuyết giảng, thì những pháp mà Ngài cho là chướng đạo, khi thực hành chúng, chẳng có gì chướng đạo cả". Chúng con đã can gián một lần, hai lần, ba lần mà thầy vẫn không chấm dứt".

Phật liền nói với các Tỉ kheo: "Ông A Lợi Tra ấy hủy báng khế kinh, nói rằng: "Theo chỗ tôi biết, các pháp do đức Như Lai thuyết giảng thì những pháp mà Ngài cho là chướng đạo, khi thực hành chúng, chẳng có gì chướng đạo cả". Rồi được can gián một lần, hai lần, ba lần mà vẫn không chấm dứt, thì các ông nên đến chỗ vắng can gián ba lần, đến giữa nhiều người can gián ba lần, rồi đến giữa chúng Tăng can gián ba lần. Khi can gián ở chỗ vắng, nên hỏi như sau: "Trưởng lão A Lợi Tra, ông hủy báng khế kinh nói như sau: "Theo chỗ tôi biết, các pháp đức Như Lai thuyết giảng thì những pháp mà Ngài bảo là chướng đạo, khi thực hành chúng chẳng có gì là chướng đạo cả", rồi được can gián ba lần mà không từ bỏ phải không?". Nếu ông đáp: "Ðúng như vậy". Thì bấy giờ nên can gián ở chỗ vắng như sau: "A Lợi Tra, ông hủy báng khế kinh, đó là ác kiến, là kiến giải bất thiện, sẽ đọa vào đường ác, rơi xuống địa ngục. Trưởng lão, tôi vì từ tâm can gián ông là muốn cho ông được lợi ích, vậy ông hãy bỏ việc ấy đi. Lần can gián thứ nhất đã xong, còn hai lần can gián nữa, vậy ông hãy bỏ việc ấy đi".

A Lợi Tra nói: "Ðó là kiến giải tốt, kiến giải thiện, từ khi tôi chấp hành đến nay, cha mẹ bạn bè quen biết của tôi cũng thường áp dụng kiến giải này. Nay tôi không thể không hỏi cha mẹ bạn bè quen biết mà lại vứt bỏ kiến giải này".

Thế rồi, nếu can gián đến lần thứ hai thứ ba mà vẫn không chấm dứt, cho đến can gián ở chỗ nhiều người ba lần cũng không chấm dứt, thì phải đến giữa chúng Tăng làm pháp yết ma cầu thính (xin được nghe), nói như sau: "Xin đại đức Tăng lắng nghe! A Lợi Tra hủy báng khế kinh nói thế này: "Theo tôi biết các pháp do Như Lai thuyết giảng, những pháp mà Ngài bảo rằng chướng đạo, khi thực hành chúng chẳng có gì chướng đạo cả". Ðã được can gián ở chỗ vắng ba lần, ở giữa nhiều người ba lần mà vẫn không bỏ việc ấy. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cũng lại can gián ở giữa Tăng ba lần khiến cho bỏ việc ấy".

Trong chúng Tăng nên hỏi: "Trưởng lão A Lợi Tra, có thật ông hủy báng khế kinh nói rằng: "Theo tôi biết các pháp do Như Lai thuyết giảng, [367b] những pháp mà Ngài bảo là chướng đạo, khi thực hành chúng chẳng có gì là chướng đạo cả", rồi được can gián ở chỗ vắng ba lần, ở giữa nhiều người ba lần mà vẫn không bỏ việc ấy phải không?".

Nếu ông đáp: "Ðúng như vậy", thì ở giữa chúng Tăng nên can gián. Cách can gián phải nói như sau: "A Lợi Tra, ông chớ hủy báng khế kinh. Hủy báng khế kinh sẽ đọa vào đường ác, rơi xuống địa ngục. Này trưởng lão, Tăng muốn lợi ích cho ông, ông phải vâng lời chúng Tăng. Một lần can gián đã xong, còn hai lần can gián nữa, ông phải bỏ việc ấy đi".

A Lợi Tra lại nói: "Ðó là kiến giải tốt, kiến giải thiện, từ cha mẹ tôi trở đi đều kế thừa áp dụng kiến giải này. Tôi không thể không hỏi cha mẹ mà bỏ kiến giải này".

Tuy được can gián đến lần thứ hai, thứ ba mà ông vẫn không bỏ, do đó, các Tỉ kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỉ kheo: "Nếu Tỉ kheo A Lợi Tra hủy báng khế kinh nói rằng: "Theo tôi hiểu pháp của Như Lai thuyết giảng, những pháp mà Ngài bảo là chướng đạo, khi thực hành chúng, chẳng có gì chướng đạo cả", rồi được can gián ở chỗ vắng ba lần, ở giữa nhiều người ba lần, ở giữa chúng Tăng ba lần mà vẫn không bỏ việc ấy, thì các ông nên làm pháp yết ma cử tội Tỉ kheo A Lợi Tra".

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ kheo nói thế này: "Thưa trưởng lão, tôi biết pháp do Thế Tôn thuyết giảng, những pháp mà Thế Tôn bảo là chướng đạo, khi thực hành chẳng có gì là chướng đạo", thì các Tỉ kheo nên khuyên can Tỉ kheo ấy, nói thế này: "Trưởng lão, ông chớ hủy báng Thế Tôn, hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như thế. Thế Tôn nói pháp chướng đạo thì thật là chướng đạo. Ông hãy bỏ việc ấy đi". Nếu các Tỉ kheo khuyên can Tỉ kheo ấy mà ông vẫn kiên trì không bỏ, thì nên khuyên can như vậy đến lần thứ hai, thứ ba. (Sau ba lần khuyên can) mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì Tăng nên làm yết ma cử tội. Sau khi làm yết ma xong, (Tỉ kheo ấy) phạm tội Ba dạ đề.

Giải thích:

Tỉ kheo:Như trên đã nói.

Thế Tôn:là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến.

Pháp:Những điều do Thế Tôn nói, những điều được Thế Tôn ấn khả.

Thế Tôn nói:Thế Tôn tự nói.

Ấn khả:Các đệ tử nói rồi Thế Tôn ấn chứng (chuẩn nhận).

Nói:Nói ra từng câu từng câu rõ ràng.

Biết:Tức là cái biết thuộc trí tuệ siêu đẳng.

Pháp chướng đạo:Ðối với ngũ dục mắt thấy sắc sinh ra Aùi luyến nhớ nghĩ, tâm sinh ham muốn đắm trước, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, cảm thọ cũng như vậy.

Thực hành (tập):Làm việc đó.

Chẳng có gì chướng đạo:Không chướng đạo Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và các quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán.

Các Tỉ kheo:Hoặc một người, hoặc nhiều người, hoặc Tăng chúng.

Tỉ kheo ấy:[367c] Như Tỉ kheo A Lợi Tra.

Chớ hủy báng Thế Tôn:(chớ) giữ lấy những điều không thật, giữ lấy những điều không tốt.

Can gián ba lần:Hoặc (ở chỗ) một người, hoặc (ở chỗ) nhiều người, hoặc (ở giữa) chúng Tăng.

Ba dạ đề:Như trên đã nói; cho đến ba lần can gián, nếu bỏ thì tốt; cho đến không bỏ thì Tăng nên làm yết ma cử tội bắt sám hối Ba dạ đề.

Thế nên nói (như trên).

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ mười bảy

--- o0o ---


Chân thành cảm ơn TT. Thích Phước Sơn và ĐĐ. Giác Đồng đã gởi tặng phiên bản điện tử bộ luật này. (Thích Nguyên Tạng, 01/03/2001)

--- o0o ---

Trình bày: Minh Thông - Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]