Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Chương VII : Tương Ưng Sàriputta

17/04/201320:16(Xem: 9135)
28. Chương VII : Tương Ưng Sàriputta

Kinh Tương Ưng Bộ

28. Chương VII : Tương Ưng Sàriputta

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

I. Lý (S.iii,235)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.

3-4) Đi khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực về, Tôn giả đi đến Andhavana để nghỉ trưa. Sau khi đi vào rừng Andha, Tôn giả đến ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.

5) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Jetavana, vườn ông Anàthapindika.

6) Tôn giả Ananda thấy Tôn giả Sàariputta từ xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Sàriputta:

- Hiền giả Sàriputta, các căn của Hiền giả lắng dịu, sắc mặt được thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay, Hiền giả an trú với sự an trú nào?

7) Ở đây, này Hiền giả, ly dục, ly pháp bất thiện, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Thiền thứ nhất", hay "Tôi đã chứng nhập Thiền thứ nhất", hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ nhất".

8) Như vậy chắc chắn Hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, Tôn giả Sàriputta không khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Thiền thứ nhất", hay "Tôi đã chứng nhập Thiền thứ nhất", hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ nhất".

II. Không Tầm

1-5) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi...

6) Tôn giả Ananda thấy Tôn giả Sàriputta từ xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Sàriputta:

- Hiền giả Sàriputta, các căn của Hiền giả lắng dịu, sắc mặt được thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay Hiền giả an trú với sự an trú nào?

7) Ở đây, này Hiền giả, làm cho lắng dịu tầm và tứ, tôi đã chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm. Tôi không có khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Thiền thứ hai", hay "Tôi đã chứng nhập Thiền thứ hai", hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ hai".

8) Như vậy, chắc chắn Hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, Tôn giả Sàriputta không khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Thiền thứ hai", hay "Tôi đã chứng nhập Thiền thứ hai", hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ hai".

III. Hỷ

1-5) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Savatthi...

6) Tôn giả Ananda thấy Tôn giả Sàriputta từ xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Sàriputta:

- Hiền giả Sàriputta, các căn của Hiền giả lắng dịu, sắc mặt được thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay Hiền giả an trú với sự an trú nào?

7-8) Ở đây, này Hiền giả, ly hỷ và trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là: "Xả niệm lạc trú", tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Thiền thứ ba", hay "Tôi đã chứng nhập Thiền thứ ba", hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ ba".

- Như vậy, chắc chắn Hiền giả trong một thời gian... hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ ba".

IV. Xả

1-5) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi...

6) Tôn giả Ananda thấy Tôn giả Sàriputta từ xa đi đến... với sự an trú nào?

7) Ở đây, này Hiền giả, xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Thiền thứ tư", hay "Tôi đã chứng nhập Thiền thứ tư", hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ tư".

8) Như vậy, chắc chắn Hiền giả... hay "Tôi đã ra khỏi Thiền thứ tư".

V. Không Vô Biên Xứ

1-6) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi...

... Tôn giả Ananda thấy... với sự an trú nào?

7-8) Ở đây, này Hiền giả, vượt lên hoàn toàn sắc tưởng, đoạn diệt hữu đối tưởng, không tác ý các dị tưởng, với ý nghĩ: "Hư không là vô biên", tôi chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ... hay "Tôi đã ra khỏi Không vô biên xứ".

- Như vậy, chắc chắn Hiền giả... "Tôi đã ra khỏi Không vô biên xứ".

VI. Thức Vô Biên Xứ

1-6) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi...

... Tôn giả Ananda thấy... với sự an trú nào?

7-8) Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Không vô biên xứ, với ý nghĩ: "Thức là vô biên", tôi chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ... hay "... đã ra khỏi Thức vô biên xứ".

VII. Vô Sở Hữu Xứ

1-6) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi.

... Tôn giả Ananda thấy... với sự an trú nào?

7-8) Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Thức vô biên xứ, với ý nghĩ: "Không có vật gì", tôi chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ... hay "... đã ra khỏi Vô sở hữu xứ".

VIII. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ

1-6) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi.

... Tôn giả Ananda thấy... với sự an trú nào?

7-8) Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Vô sở hữu xứ, tôi chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ... hay "... đã ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ".

IX. Diệt Tận Định (Tạp 18, Đại 2, 131) (S.iii,238)

1-6) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi...

... Tôn giả Ananda thấy... với sự an trú nào?

7-8) Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tôi chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Nhưng này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay " Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định".

- Như vậy, chắc chắn Hiền giả trong một thời gian dài đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy Tôn giả Sàriputta không khởi lên ý nghĩ: "Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định".

X. Sùcimukhi (Tịnh Diện) (S.iii,238)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng. đắp y, cầm y bát, đi vào Ràjagaha để khất thực. Sau khi đi khất thực từng nhà một ở Ràjagaha (Vương Xá), Tôn giả ngồi dựa vào một bức tường, dùng đồ ăn khất thực.

3) Rồi một nữ du sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta:

4) Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?

- Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống.

5) Vậy Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?

- Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên.

6) Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?

- Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương chính.

7) Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?

- Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương phụ.

8) Được hỏi: "Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?" Ông trả lời: "Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống". Được hỏi: "Vậy này Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên". Được hỏi: "Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương chính". Được hỏi: "Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương phụ". Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hành động như thế nào?

9) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn cúi mặt xuống.

10) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn ngưỡng mặt lên.

11) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; này Chị, các vị ấy được gọi các Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương chính.

12) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán, và các nghề hèn hạ; này Chị, các vị ấy được gọi những Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương phụ.

13) Còn ta, này Chị, ta không nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; ta cũng không nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán và các nghề hèn hạ. Ta tìm cầu món ăn một cách hợp pháp. Sau khi tìm món ăn một cách hợp pháp, ta dùng các món ăn ấy.

14) Rồi nữ tu sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư này qua ngã tư khác ở thành Vương Xá, và tuyên bố: "Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách hợp pháp. Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách không có lỗi lầm. Hãy cúng dường các món ăn cho Sa-môn Thích tử".



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]