Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Chương VI : Tương Ưng Lợi Đắc Cung Kính

17/04/201320:13(Xem: 9664)
17. Chương VI : Tương Ưng Lợi Đắc Cung Kính

Kinh Tương Ưng Bộ

17. Chương VI : Tương Ưng Lợi Đắc Cung Kính

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

I. Phẩm Thứ Nhất

a. Khổ Lụy (S.ii,225)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi... tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo... Thế Tôn nói như sau:

3) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là các lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.

4) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta sẽ từ bỏ chúng. Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú".

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

b. Lưỡi Câu (S.ii,226)

1) Tại Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là các lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người câu cá quăng một lưỡi câu ngắn có mồi thịt vào trong một hồ nước sâu, và một con cá có mắt thấy mồi thịt nuốt lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con cá đã nuốt lưỡi câu ấy bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị người câu cá muốn làm gì thì làm.

4) Người câu cá, này các Tỷ-kheo, chỉ cho ma, lưỡi câu, này các Tỷ-kheo, chỉ cho lợi đắc, cung kính, danh vọng.

5) Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, thọ hưởng, ái luyến lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là Tỷ-kheo đã nuốt lưỡi câu của (ác) ma, bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm.

6) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông phải học tập như sau: "Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Và đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú".

8) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

c. Con Rùa (S.ii,226)

1) Tại Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.

3) Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trong một hồ nước có một gia đình con rùa sống tại đấy đã lâu ngày.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, một con rùa nói với một con rùa khác:

" - Này Rùa thân mến, chớ có đi đến chỗ ấy".

5) Con rùa này, này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ ấy và một thợ săn phóng trúng nó với cây lao có dây.

6) Rồi con rùa ấy đi đến con rùa kia.

7) Này các Tỷ-kheo, con rùa kia, thấy con rùa này từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với con rùa này:

" - Này Rùa thân mến, có phải Bạn đi đến chỗ kia?"

" - Này Rùa thân mến, tôi đi đến chỗ kia".

8) " - Này Rùa thân mến, bạn có bị thương, bị bắn trúng không?"

" - Này Rùa thân mến, tôi không bị thương, không bị bắn trúng. Nhưng có sợi dây này dính theo trên lưng tôi".

9) " - Này Rùa thân mến, Bạn thật bị thương rồi, Bạn thật bị bắn trúng rồi. Này Rùa thân mến, chính do vật dụng của người thợ săn này, mà cha Bạn và Ông Bạn rơi vào bất hạnh, rơi vào tai họa. Nay Bạn hãy đi, Rùa thân mến. Nay Bạn không còn thuộc chúng ta nữa!"

10) Người thợ săn, này các Tỷ-kheo, chỉ cho ác ma. Cái lao, này các Tỷ-kheo, chỉ cho lợi đắc, cung kính, danh vọng. Sợi dây, này các Tỷ-kheo, chỉ cho hỷ tham.

11) Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng, hưởng thọ và ái luyến; vị ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là Tỷ-kheo bị lao đâm phải, đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm.

12) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

13) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu học.

d. Lông Dài (S.ii,228)

1) Tại Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một con dê cái lông dài, đi vào một khóm cây gai gốc; chỗ này, chỗ kia, nó bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia, nó bị mắc vướng vào; chỗ này, chỗ kia, nó bị trói buộc vào; chỗ này, chỗ kia, nó bị rơi vào bất hạnh, tai họa.

4) Cũng như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực. Chỗ này, chỗ kia, vị ấy bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia, vị ấy bị mắc vướng vào; chỗ này, chỗ kia, vị ấy bị trói cột vào; chỗ này, chỗ kia, vị ấy bị rơi vào bất hạnh, tai họa.

5) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

e.Trùng Phẩn (Tạp, Đại 2, 346a) (S.ii,228)

1) Tại Savatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một con trùng phẩn, ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt có một đống phân lớn.

4) Nó khinh miệt các con trùng phẩn khác và nói: "Ta ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt ta, có đống phân lớn này".

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào làng hay thị trấn để khất thực. Vị ấy tại đây đã ăn uống no đủ, lại được mời vào ngày mai, và bình bát của vị ấy được tràn đầy.

6) Vị ấy đi đến ngôi vườn (tịnh xá) và giữa chúng Tỷ-kheo khoe khoang như sau: "Ta ăn uống no đủ, lại được mời vào ngày mai, và bình bát này của ta tràn đầy. Ta nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh. Nhưng các Tỷ-kheo khác công đức ít, ảnh hưởng ít, không nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh".

7) Vị ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, khinh miệt các Tỷ-kheo chánh hạnh khác. Này các Tỷ-kheo, như vậy sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho kẻ ngu si ấy.

8) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

f. Sét Đánh(S.ii,229)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Như thế nào, này các Tỷ-kheo, sét đánh (được ví như) một người hữu học với tâm nhiệt thành, khi bị các lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến.

4) Này các Tỷ-kheo, sét đánh chỉ cho lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến.

5) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

g. Trúng Độc (S.ii,229)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Như thế nào, này các Tỷ-kheo, bị mũi tên độc bắn trúng (được ví như) một người hữu học với tâm trí nhiệt thành, khi bị các lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến.

4) Mũi tên, này các Tỷ-kheo, chỉ cho các lợi đắc, cung kính, danh vọng...

5) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

h. Con Giả Can (Tạp, Đại 2, 346a) (S.ii,230)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Các Ông có nghe chăng, này các Tỷ-kheo, trong ban đêm, khi trời gần sáng, có con giả can đang tru lớn tiếng?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

4) Đó là con giả can già, này các Tỷ-kheo, bị mắc bệnh ghẻ lở, không thoải mái trong những chỗ hoang vắng, không thoải mái dưới những gốc cây, không thoải mái tại những chỗ lộ thiên; chỗ nào nó đi, chỗ nào nó đứng, chỗ nào nó ngồi, chỗ nào nó nằm, tại các chỗ ấy, nó cảm thấy bất hạnh, tai họa.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, không thoải mái trong những chỗ hoang vắng, không thoải mái dưới những gốc cây, không thoải mái tại những chỗ lộ thiên; chỗ nào vị ấy đi, chỗ nào vị ấy đứng, chỗ nào vị ấy ngồi, chỗ nào vị ấy nằm, tại các chỗ ấy, vị ấy cảm thấy bất hạnh, tai họa.

6) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

7) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

i. Cuồng Phong (Tăng, Đại 2, 634b) (S.ii,231)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Trên thượng tầng hư không, này các Tỷ-kheo, có gió thổi mạnh gọi là cuồng phong. Con chim đi đến chỗ ấy, bị cuồng phong thổi bạt đi; bị cuồng phong thổi bạt đi, các chân đi một ngả, các cánh đi một ngả, đầu đi một ngả, thân đi một ngả.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực,thân không chế ngự, lời nói không chế ngự, tâm không chế ngự, niệm không an trú, các căn không chế ngự.

5) Vị ấy thấy các phụ nữ, mặc y phục không đứng đắn, không khéo che đậy. Vị ấy thấy các phụ nữ mặc y phục không đứng đắn, không khéo che đậy, bị tham dục công phá tâm vị ấy. Do tham dục công phá tâm, vị ấy từ bỏ học tập, trở lại hoàn tục. Rồi có người lấy y phục, có người lấy bình bát, có người lấy tọa cụ, có người lấy ống kim của vị ấy, chẳng khác gì con chim bị cuồng phong thổi bạt.

6) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

7) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

k. Kinh Với Bài Kệ (S.ii,231)

1) Tại Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta thấy có người bị sự cung kính chi phối, tâm bị xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào khổ xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta thấy có người bị sự không cung kính chi phối, tâm bị xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào khổ xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

5) Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta thấy có người bị cả hai cung kính và không cung kính chi phối, tâm bị xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào khổ xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

6) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

7) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

Ai khi được cung kính,
Khi không được cung kính,
Trong cả hai trường hợp,
Tâm định, không lay chuyển;
Sống hạnh không phóng dật,
Tâm thường nhập Thiền tư,
Với tâm tưởng tế nhị,
Chánh quán các sở kiến,
Không còn lạc chấp thủ,
Được gọi bậc Chơn nhơn.

II. Phẩm Thứ Hai

a. Bình Bát (Tăng, Đại 2, 566-567) (S.ii,233)

1) Tại Sàavatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta biết có người có tâm như sau: "Dầu cho vì một bình bát vàng đựng đầy phấn bạch ngân, vị này cũng không cố ý nói láo".

4) Trong một thời gian khác, Ta lại thấy người ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiến, đã cố ý nói láo.

5) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

b. Bình Bát (S.ii,233)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo với tâm của Ta, Ta biết có người có tâm như sau: "Dầu cho vì một bình bát bạc đựng đầy phấn vàng, vị này cũng không có cố ý nói láo".

4) Trong một thời gian khác, Ta lại thấy người ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, đã cố ý nói láo.

5) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

c. Từ Một Đồng Tiền Vàng Cho Đến Người Mỹ Nhân Dịa Phương (S.ii,233)

1) Sàvatthi.

2) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta biết có người có tâm như sau...

13 (3) Dầu cho vì một đồng tiền vàng Nikkha...

14 (4) Dầu cho vì một trăm đồng tiền vàng Nikkha...

15 (5) Dầu cho vì một đồng tiền vàng ròng Nikkha...

16 (6) Dầu cho vì một trăm đồng tiền vàng ròng Nikkha...

17 (7) Dầu cho vì quả đất đầy những vàng...

18 (8) Dầu cho vì mọi lợi ích vật chất...

19 (9) Dầu cho vì mạng sống...

20 (10) Dầu cho vì người mỹ nhân địa phương, vị ấy cũng không cố ý nói láo.

3) Trong một thời gian khác, Ta lại thấy người ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị chinh phục, đã cố ý nói láo.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng.

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

III. Phẩm Thứ Ba

a. Phụ Nữ (S.ii,234)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Với ai, này các Tỷ-kheo, tâm bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chinh phục và ngự trị, thời không một nữ nhân nào, với tâm của mình chinh phục và ngự trị tâm của người ấy.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

b. Mỹ Nhân (S.ii,235)

... không một mỹ nhân nào...

c. Con Trai

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Một tín nữ, này các Tỷ-kheo, chơn chánh khuyên dạy đứa con độc nhất, đáng yêu, đáng mến, sẽ khuyên dạy như sau: "Này Con thân yêu, hãy giống như gia chủ Citta, hãy giống như Hattaka ở Alava!"

4) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử cư sĩ của Ta, tức là gia chủ Citta và Hatthaka ở Alava.

5) "Này Con thân yêu, nếu con xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, này Con thân yêu, hãy giống như Sàriputta và Moggalàna!"

6) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử Tỷ-kheo của Ta, tức là Sàriputta và Moggalàna.

7) "Này Con thân yêu, chớ để cho lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến người, kẻ hữu học với tâm đầy nhiệt tình". Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo hữu học với tâm đầy nhiệt tình, bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến, như vậy là chướng ngại cho vị ấy.

8) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

d. Con Gái Một (Tăng, Đại 2, 562) (S.ii,236)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Một tín nữ, này các Tỷ-kheo, chơn chánh khuyên dạy đứa con gái độc nhất, đáng yêu, đáng mến, sẽ khuyên dạy như sau: "Này Con thân yêu, hãy giống như nữ cư sĩ Khujjutarà và Velu-kandakiyà, mẹ của Nanda!"

4) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử nữ cư sĩ của Ta, tức là nữ cư sĩ Khujjutarà và Velukandakiyà.

5) "Này Con thân yêu, nếu Con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; này Con thân yêu, hãy giống như Tỷ-kheo-ni Khema và Uppàlavanna!"

6) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử Tỷ-kheo-ni của Ta, tức là Tỷ-kheo-ni Khemà và Uppàlavanna.

7) "Này Con thân yêu, chớ để cho lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến người, kẻ hữu học với tâm đầy nhiệt tình!"

8) Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo-ni hữu học, với tâm đầy nhiệt tình, bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến, như vậy là chướng ngại cho vị ấy.

9) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

e. Sa Môn , Bà La Môn (S.ii,236)

1) Sàvatthi.

2) Này các Tỷ-kheo, như Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật biết vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với Ta, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, hay là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại, không có thể tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.

3) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật biết vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với Ta, đuợc chấp nhận là vị Sa-môn giữa các Sa-môn, hay là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại, có thể tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.

f. Sa Môn, Bà La Môn (S.ii,237)

1) Sàvatthi.

2) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với với Ta, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại cũng không tự mình với thắng trì chứng ngộ, chứng đạt và an túc mục đích của Sa-môn hạnh và mục đích của Bà-la-môn hạnh.

3) Và những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt... của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với ta được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy ngay trong đời sống hiện tại, có thể tự mình giác ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn và mục đích Bà-la-môn hạnh.

g. Sa Môn, Bà La Môn (S.ii, 237)

1) Sàvatthi.

2) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không biết sự tập khởi của lợi đắc, cung kính, danh vọng, không biết sự đoạn diệt của lợi đắc, cung kính, danh vọng, không biết con đường đưa đến sự đoạn diệt của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với Ta không được chấp nhận... và mục đích của Bà-la-môn hạnh.

3) Và những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết được sự tập khởi của lợi đắc, cung kính, danh vọng... và mục đích của Bà-la-môn hạnh.

h. Da (Tăng, Đại 2, 570c) (S.ii,237)

1) Sàavatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Lợi đắc, cung kính, danh vọng, này các Tỷ-kheo, cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân. Sau khi cắt đứt dây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

i. Dây (S.ii, 238)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng. ..

3) Lợi đắc, cung kính, danh vọng, này các Tỷ-kheo, cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân. Sau khi cắt đứt dây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, một lực sĩ lấy dây ngựa cứng chắc, vấn xung quanh cổ chân và siết chặt lại. Dây ấy cắt đứt da ngoài, cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân. Sau khi cắt đứt dây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.

5) Cũng như vậy, này các Tỷ-kheo, lợi đắc, cung kính, danh vọng cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt giây gân. Sau khi cắt đứt giây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.

6) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

7) Như vậy này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

k. Tỷ Kheo (S.ii,238)

1) Sàvatthi.

2) Vị Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, là bậc Ứng cúng, đã đoạn tận các lậu hoặc; Ta nói, lợi đắc, cung kính, danh vọng vẫn là pháp chướng ngại cho vị Tỷ-kheo ấy.

3) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, với vị Tỷ-kheo, lậu hoặc nào được đoạn tận thì các lợi đắc, cung kính, danh vọng là chướng ngại pháp?

4) Đối với vị đã chứng bất động tâm giải thoát, Ta không nói rằng, các lợi đắc, cung kính, danh vọng trở thành một chướng ngại pháp cho vị ấy.

5) Và này Ananda, đối với những ai sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần; những người chứng được hiện tại lạc trú; đối với những người ấy, Ta nói rằng, lợi đắc, cung kính, danh vọng là chướng ngại pháp.

6) Như vậy khổ lụy, này Ananda, là lợi đắc, cung kính, danh vọng, đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp cho sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

7) Do vậy, này Ananda, cần phải học tập như vầy: "Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Và đối với các lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú".

8) Như vậy, này Ananda, các Ông cần phải học tập.

IV. Phẩm Thứ Tư

a. Cắt (S.ii,239)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, Devadatta, phá hoại Tăng chúng.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

b. Gốc (S.ii,240)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, thiện căn của Devadatta bị cắt đứt.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

c. Pháp.

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, thiện pháp của Devadatta bị cắt đứt.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

d. Trắng (S.ii,240 )

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối và tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, bạch pháp của Devadatta bị cắt đứt.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

e. Bỏ Đi (S.ii,241)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjàgaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại núi Gujjhakuuta (Linh Thứu), sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu.

2) Rồi Thế Tôn nhân vì Devadatta, bảo các Tỷ-kheo:

3) Này các Tỷ-kheo, lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến tự hại cho Devadatta. Lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến diệt vong cho Devadatta.

4) Ví như cây chuối, này các Tỷ-kheo, sanh quả đưa đến tự hại, sanh quả đưa đến diệt vong. Cũng như vậy, này các Tỷ-kheo, lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến tự hại cho Devadatta. Lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến diệt vong cho Devadatta.

5) Ví như cây tre, này các Tỷ-kheo, sanh quả đưa đến tự hại, sanh quả đưa đến diệt vong. Cũng như vậy, này các Tỷ-kheo, lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến tự hại cho Devadatta. Lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến diệt vong cho Devadatta.

6) Ví như cây lau, này các Tỷ-kheo, sanh quả đưa đến tự hại, sanh quả đưa đến diệt vong. Cũng như vậy, này các Tỷ-kheo, lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến tự hại cho Devadatta. Lợi đắc cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến diệt vong cho Devadatta.

7) Ví như con lừa có thai đưa đến tự hại, có thai đưa đến diệt vong. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến tự hại cho Devadatta. Lợi đắc, cung kính, danh vọng khởi lên, đưa đến diệt vong cho Devadatta.

8) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

10) Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói vậy xong, bậc Đạo Sư nói như sau:

Như cây chuối sanh quả,
Sanh quả đem tự hại,
Cũng vậy, quả cây tre,
Cũng vậy, quả cây lau,
Cũng vậy với kẻ ngu,
Cung kính đem tự hại,
Như con lừa mang thai,
Mang thai đem tự hại.

f. Xe (Tạp, Đại 2, 276b, Biệt Tạp, Đại 2, 347b, Tăng, Đại 2, 570b; 614a) (S.ii,242)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc.

2) Lúc bấy giờ, hoàng tử AAjàtasattu sáng chiều đi đến hầu Devadatta với năm trăm cỗ xe và đem đến cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn.

3) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

4) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch với Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, hoàng tử Ajàtasattu sáng chiều đi đến hầu Devadatta với năm trăm cỗ xe và đem đến cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn.

5) Này các Tỷ-kheo, chớ có thèm lợi đắc, cung kính, danh vọng của Devadatta. Chừng nào, này các Tỷ-kheo, hoàng tử Ajàtasattu sáng chiều còn đi đến hầu Devadatta với năm trăm cỗ xe và đem đến cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn; thời này các Tỷ-kheo, đối với Devadatta, chỉ có chờ đợi sự tổn giảm trong thiện pháp, không có sự tăng trưởng.

6) Ví như, này các Tỷ-kheo, đem bóp nát lá gan trước lỗ mũi một con chó dữ. Như vậy, con chó ấy lại càng dữ tợn bội phần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, chừng nào hoàng tử Àjàtasattu sáng chiều còn đi đến hầu Devadatta với năm trăm cỗ xe, và còn cúng dường các món đồ ăn trong năm trăm chiếc mâm bàn; thời này các Tỷ-kheo, đối với Devadatta, chỉ có chờ đợi sự tổn giảm trong thiện pháp, không có sự tăng trưởng.

7) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

8) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

g. Mẹ (S.ii,242)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp cho sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta biết được tâm của một người như sau: "Dầu cho vì bà mẹ đáng kính cũng không cố ý nói láo". Nhưng trong một thời gian khác, Ta thấy người ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, đã cố ý nói láo.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp cho sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập: "Đối với các lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Đối với các lợi đắc,cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm".

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

38-43 g. Cha, h. Anh, i. Chị, k. Con Trai, l. Con Gái, m. Vợ, (S.ii,243)

1) Sàvatthi.

2) Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật tà đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp cho sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta biết được tâm của một người như sau:

38) "Dầu cho vì người cha đáng kính..".

39) "Dầu cho vì người anh..".

40) "Dầu cho vì người chị..".

41) "Dầu cho vì con trai..".

42) "Dầu cho vì con gái..".

43) "Dầu cho vì người vợ, cũng không cố ý nói láo". Nhưng trong một thời gian khác, Ta thấy người ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm đã cố ý nói láo.

4) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp do sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Đối với các lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Đối với các lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm".

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]