Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

43_Đốt Xác Thân Cúng Dường *bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng)

03/04/202222:40(Xem: 11239)
43_Đốt Xác Thân Cúng Dường *bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng)



Đốt Xác Thân Cúng Dường.

 

Bài pháp thoại giải thich kệ 44 trong nghi thức đảnh lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ biên soạn và thọ trì được TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng livestream ngày 4/8/2020 trong mùa đại dịch Covid-19.

 

 Cần hành đại tinh tấn

Xã sở ái chi thân

Cúng dường ư Thế Tôn

 Vị cầu vô thượng tuệ.

 HÒA: Nhất tâm đảnh lễ Đại thừa Diệu pháp liên hoa kinh Dược Vương Bồ Tát ma ha tát. (1 lạy)

 

Dịch:

 Siêng tu đại tinh tấn,

 Đốt bỏ xác thân này,

 Đem cúng dường Thế Tôn,

Cầu tuệ giác vô thượng.

 HÒA: Một lòng kính lạy đức Đại Bồ Tát Dược Vương. (1 lạy)

 

  

Với lời mở đầu, Giảng Sư đã giới thiệu rằng: Câu kệ này được trích trong phẩm thứ 23 trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa kể về tiền thân của Bồ Tát Dược Vương một trong hai vị Bồ Tát đã hộ trì kề cận bên Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai trong trich đoạn sau: 

 

Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sau khi cúng dường Pháp như thế, khi mạng chung lại sanh vào quốc độ đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, liền hóa thân, ngồi kiết-già trong vương điện của vua Tịnh Đức. Bồ-tát dùng kệ nói với vua, bấy giờ là thân phụ ngài:

 

Đại Vương nay nên biết

Con từng trú nơi kia

Ngay liền đạt tam muội

Hiện nhất thiết sắc thân

Chuyên hạnh đại tinh tấn

Xả ái thân của con.”

 

Giảng Sư đã chỉ rõ trong lịch sử Phật Giáo điểm đến đầu tiên là phải cần tu tập hạnh đại tinh tấn vì hạnh này xuyên suốt trong giáo lý đạo Phật, tinh tấn xuất hiện trong các phạm trù như: 01 tâm sở thiện trong 51 tâm sở, Tứ như ý túc, Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất thánh tài (Thất Bồ Đề Phần), Bát chánh đạo, trong 37 phẩm trợ đạo.

 

Như vậy, tinh tấn rất cần thiết cho người tu học Phật vì nó luôn luôn có mặt trong lộ trình giác ngộ để tránh không dễ duôi, giải đãi.

Trở lại đầu phẩm kinh ta sẽ được nghe Bồ tát Tú Vương Hoa thỉnh Phật nói cho đại chúng biết về công hạnh của Bồ tát Dược Vương ở Ta bà. 

 

Đức Phật đáp: “Trong quá khứ lâu xa về trước, có Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Ngài có 80 ức đại Bồ tát, 70 hằng hà sa đại Thanh văn. Ngài thọ 42 ngàn kiếp. Trong nước của Ngài không có ba đường ác và các khổ nạn, đất bằng lưu ly thanh tịnh trang nghiêm. Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức nói kinh Pháp Hoa cho Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến và các Bồ tát nghe.

“Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến thường tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, mãn 12.000 năm được Hiện nhất thiết sắc thân. Bồ tát này tự nghĩ nhờ nghe kinh Pháp Hoa mà được chánh định này, Ngài liền nhập định trong hư không, rưới hương hoa trời để cúng dường Phật và kinh Pháp Hoa. Cúng dường xong, Ngài xuất định và tự thấy dùng thần lực cúng dường chưa bằng lấy thân cúng dường. Ngài liền uống các dầu thơm mãn 1.200 năm và quấn thân bằng áo báu cõi Trời và rưới dầu thơm lên, rồi dùng sức nguyện thần thông tự đốt thân.

“Ánh sáng tỏa soi 80 ức hằng hà sa thế giới và chư Phật đồng ngợi khen “Lành thay, như vậy mới là pháp cúng dường…”.

Cũng xin tạm gián đoạn một chút để cùng Giảng Sư hiểu thêm rõ ý nghĩa về tên của Vị bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến và Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, theo đó tiền thân Bồ Tát Dược Vương với tên Nhất Thiết Hỷ Kiến là: ”Tất cả chúng sinh khi nhìn thấy Bồ Tát này trong tâm đều thẩy nhẹ nhàng hoan hỷ” đó là hạnh đầu tiên mà một người học Phật phải tu tập để sự xuất hiện của mình ở nơi đâu cũng làm cho người khác hỷ lạc chớ không phải mang lại cho họ chút phiền não nào.

Riêng Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức có nghĩa là công đức thanh tịnh trong sáng của vị Phật này đã tỏa sáng rộng khắp muôn phương như mặt trời, mặt trăng vậy.

Cũng phải nhắc đến công trình học kinh Pháp Hoa của Bồ Tát Nhất Thiết Hỷ Kiến kéo dài đến 12 ngàn năm tiệm tu theo nguyên tắc của Ngài Thần Tú “Thân thị bồ đề thọ- Tâm như minh cảnh đài- Thời thời cần phất thức- Vật sử nhạ trần ai” cho đến khi đạt được chánh đinh tam muội Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam muội, nghĩa là hiện thân hình hoàn toàn tự tại, cần thân nào thì hiện thân đó. Nói cách khác, cảnh giới của Bồ tát tùy tâm hiện, tâm và cảnh nhất như, nên Bồ tát được giải thoát, không có bất cứ chướng ngại nào

Phần trích đoạn tiếp theo sau khi đã đốt xác thân lại tiếp tục trong kiếp sau:

Lửa cháy đến 1.200 năm và sau khi mạng chung Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sanh lại trong nước của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Ở trong cung vua Tịnh Đức, Ngài bỗng nhiên hóa sanh và thưa với vua cha rằng nhờ cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức mà Ngài được Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà la ni và vô số kệ của kinh Pháp Hoa. Nay biết Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức vẫn còn, Ngài lại xin tiếp tục cúng dường. Nói xong, Ngài bay lên hư không đến trước Phật Tịnh Minh Đức dùng kệ tán thán Phật rồi bạch: “Thế Tôn vẫn còn ở đời ư?”. Đức Phật trả lời: “Ông nên sắp đặt giường tòa, ta sẽ nhập Niết Bàn.

 

 

Bấy giờ Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến thấy đức Phật diệt độ thì vô cùng xúc động, áo não, thâm thiết nhớ thương. Ngài lấy chiên-đàn hải thử ngạn chất lên làm củi, cúng dường và thiêu đốt thân Phật. Sau khi lửa tắt, Bồ-tát thâu nhặt xá-lợi, làm tám vạn bốn ngàn bình quý để đựng và xây tám vạn bốn ngàn tháp

 

Bấy giờ Ngài tự nghĩ xây tháp cúng dường xá lợi cũng chưa đủ. Ngài liền ở trước 84.000 tháp, đốt hai cánh tay trong suốt 72.000 năm, khiến vô số người cầu Thanh văn và vô số người phát tâm cầu Vô thượng giác trụ trong Hiện nhất thiết sắc thân tam muội.

“Đại chúng thấy Bồ tát đốt tay đều buồn thương. Ngài ở trong đại chúng lập lời thề rằng: “Ta bỏ hai tay, ắt sẽ được thân Phật. Nếu đúng như vậy, xin cho hai tay tự nhiên có trở lại.

 

Chúng ta sẽ hiểu theo ngôn ngữ Phật giáo Đại Thừa về Sự có đốt thân xác và đốt hai cánh tay

Về Lý... đốt thân xác là để diệt trừ Sắc Ấm (một trong 5 Uẩn) đang che chướng cho Phật Tánh của chúng ta,

Riêng đốt hai cánh tay là để phá trừ chấp ngã và chấp pháp.

 

Cũng theo Giảng  Sư ta học thêm được: Khi nghe bồ tát đốt xác thân đừng hiểu theo nghĩa Phân Đoạn Sinh Tử nghĩa là (thân mệnh của các chúng sinh còn phàm phu khi chết đi phải trở lại tái sinh qua một thân khác trong 3 cõi, sáu đường luân hồi tiếp tục), phải hiểu rằng vì Ngài đã chứng đắc Hiện nhất thiết Săc thân tam muội nên bấy giờ Ngài đang ở trong Bất Tư Nghì Biến Dịch Sinh Tử (nghĩa là sự sinh tử chỉ hiện ra trong tâm thôi).

 

Và đó là ý chính của Phẩm Bồ Tát Dược Vương trong kinh Pháp Hoa  Trên đường tu tập của chúng ta cần thực hiện để lúc nào của thấy được Biến dich sanh tử trong từng mỗi sát na (có nghĩa là cảnh giới của Bồ tát tùy tâm hiện, tâm và cảnh nhất như), nên Bồ tát được giải thoát, không có bất cứ chướng ngại nào.

 

Ngoài ra, trong kinh nói Bồ tát Dược Vương tu chứng được pháp Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn đà la ni, đó là một Đà La Ni mà bất cứ Chư Phật nào cũng đều phải chứng và khi quý Ngài giảng pháp tại một hội chúng mà tự mỗi người đều cảm nhận như Ngài đang giảng cho riêng trường hợp mình thôi.

 

Kính tán thán Giảng Sư đã chỉ rõ ý chính của Phẩm Kinh này trước khi qua những dẫn dụ về đốt xả thân cúng dường của những vị Bồ Tát trong thế kỷ hiện đại và nhất Bồ Tát Thích Quảng Đức trong lịch sử đấu tranh của Phật Giáo VN vào năm 1963 và ngày 11/6/1963 đã đi vào lòng người dân Việt và thế giới quốc tế bên ngoài.

 

 

Kính ngưỡng Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Kệ nghi thức:

 được trích từ phẩm Dược Vương, Kinh Pháp Hoa,

Giúp hậu học... cần trau dồi hạnh tinh tấn để tiến xa.

Và thế nào là: Pháp cúng dường đốt xác thân

.... của Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến!

Kính đa tạ Giảng Sư...

Sự và Lý trong việc đốt lửa bằng Chánh Định.

Lửa đốt từ Tâm, từ bản thể tỏa khắp mười phương

Trải một ngàn hai trăm năm ...thành tựu pháp cúng dường

Đấy sự khác biệt giữa:

Phân đoạn Sinh Tử và Bất Tư Nghì Biến Dịch Phân Tử!

 

 Kính mời thính chúng quay về ...Phật Giáo VN lịch sử

Một thiên thu tuyệt tác ...Bồ Tát Quảng Đức trong ánh lửa hồng

Bất diệt sống mãi với thời gian ...một trái tim Không

Cả cuộc đời 49 năm trì kinh Pháp Hoa cho đến Pháp nạn,

Nguyện đem thân làm đuốc ...Chân lý trường tồn sáng lạn...

 

Kính mời xem phần trình pháp tiếp theo...

 

 Giảng Sư đã giới thiệu hơn ngàn năm về trước vào triều đại nhà Lý cũng đã có 2 Thiền Sư Bảo Tánh và Minh Tâm sau khi thọ trì kinh Pháp Hoa, đạt nhất thiết ngữ ngôn đà la ni và đã viết cáo thị thông báo trước về việc phát tâm đốt thân  cúng dường. Vua Lý Thái Tổ rất xúc động liền thỉnh hai Ngài vào cung để giảng pháp và chỉ dạy tu học. Sau khi công việc giáo hóa xong, hai Ngài liền dùng Hỏa Quang Tam Muội đốt cháy toàn thân.

 

Lời kết:

 

Kính bạch Giảng Sư con kính xin phép dành hết lời kết này để lật trang sử của Phật Giáo VN trong thời kỳ pháp nạn trích từ nguồn Tỳ Kheo Quảng Đức mà cho đến nay vẫn chưa có một phàm phu nào hiểu nỗi việc làm bất tư nghì của Bồ tát Quảng Đức.  Khi cuộc tranh đấu Phật giáo đi đến giai đoạn gay go, bế tắc không có lối thoát, với ngọn đuốc Ngài đốt lên, cả thế giới chấn động. Ngọn đuốc sáng rọi vào trái tim con người. Những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, yêu chuộng chân lý mở mắt và thế lực vô minh tự yếu.

Trái tim bất diệt mà Ngài lưu lại cho chúng ta, tháp thờ Ngài, con đường mang tên Ngài, công hạnh Ngài đã được chứng minh và triệu triệu người trên thế giới hướng về Ngài...cũng như tấm lòng tôn kính của mọi người vẫn hiện hữu sống động cho đến ngày nay. Người học kinh Pháp Hoa đã xưng tán  Ngài chính là hiện thân của  Dược Vương Bồ tát trong thời đại chúng ta vậy.

 

Kính bạch Giảng Sư,

Con cũng đã không cầm được giọt lệ khi nghe giọng đọc thật xúc động của Giảng Sư khi đọc lại lời Di Bút  của Bồ Tát, kính xin ghi lại trọn vẹn như sau:

 

Kệ Thiêu Thân Cúng Dường Vì Chánh Pháp.

 

1--Kính dâng Thập Phương Chư Phật.

 

Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình

Làm đèn soi sáng nẻo vô minh

Khói thơm cảnh tỉnh ai còn ngốc

Tro trắng phẳng san hố bất bình

Thân cháy nát tan ra tro trắng

Thần thức nương về giúp sinh linh

Hỡi ai mộng ảo còn đang mộng

Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình,

 

2—Kính dâng Chư Hiền Thánh Tăng

 

Phật giáo sử vàng máu thay son

Than ôi! Quỷ kế họ vẫn còn

Quyết diệt suy tàn nền Chánh Pháp

Làm cho Tăng, Tín phải chết mòn

Vì sự bất công tôi thiêu xác

Khói hồn nguyện độ kẻ hàm oan

Kính chúc Tăng, Ni tâm dũng tiến

Chánh pháp ngày mai phải trường tồn

 

3—Cùng toàn thể tín đồ Phật Giáo:

 

Cùng hàng Phật Tử tại gia

Hãy quên bản ngã bỏ cái Ta,

Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc

Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia

Thân tôi dù cháy linh thiêng máu

Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà

Đã mang đoàn thể cùng nòi giống

Bi, Trí, Hùng sao chẳng đem ra.

 

4—Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia:

 

Thầy đã đến lúc biệt các con

Ba mươi năm hạnh nguyện đã tròn

Những gì đáng độ Thầy đã độ

Thầy tranh Chánh pháp lúc mất còn

Gia Định Saigon hỡi các con,

Hà Tiên, Cai Lậy thầy vẫn còn

Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu,

Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son

 

5—Xuất kệ vân:

 

Nền Phật dò lần kiếp tẩy sang

Phủi tay rửa sạch nợ trần gian

Tránh dòng danh lợi tìm nơi tỉnh

Niệm chữ Từ Bi tránh cửa quan

 

Chuỗi một lần tay khuya với sớm

Kệ kinh tụng niệm vái rồi van

Một lòng thành kính lòng mình nguyện

Tịnh độ từ đây rất ở an.

 

Kính bạch Giảng Sư có lẽ tiểu sử Bồ Tát Quảng Đức sẽ được nhắc lại trong một bài thơ khác cúng dường Ngài khi đến 11/6/2022 (Con xin hứa) nhân dịp kỷ niệm ngày Bồ Tát vị Pháp vong thân và để lại Trái  Tim Bất Diệt, nhưng phần cuối bài trình pháp này xin được ghi lại bài thơ của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương:  

 

LỬA TỪ BI

Kính dâng lên BỒ-TÁT QUẢNG-ĐỨC

 

Lửa! Lửa cháy ngất Toà Sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.

Hai Vầng Sáng rưng rưng

Đông Tây nhoà lệ ngọc

Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,

Ánh Đạo Vàng phơi phới

 đang bừng lên, dâng lên...

 

Ôi, đích thực hôm nay Trời có Mặt!

Giờ là giờ Hoàng-Đạo nguy nga.

Muôn vạn khối sân-si vừa mở mắt

Nhìn nhau: tình huynh-đệ bao la.

Nam mô ĐỨC PHẬT DI ĐÀ

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

 

hương chúng sinh trầm luân bể khổ,

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây

Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ

PHẬT-PHÁP chẳng rời tay...

Sáu ngả luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.

Không khí vặn mình theo

khóc oà lên nổi gió

NGƯỜI siêu thăng...

giông bão lắng từ đây.

Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ-Đề.

 

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!

Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI.

 

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro

 lụa tre dần mục nát

Với Thời-Gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT

Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.

 

Ôi  ngọn LỬA huyền vi!

Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác

Từ cõi Vô-Minh

Hướng về Cực-Lạc.

Vần điệu của thi-nhân chỉ còn là rơm rác

và chỉ nguyện được là rơm rác

Thơ cháy lên theo với lời Kinh;

Tụng cho nhân loại hoà bình

Trước sau bền vững tình huynh-đệ này.

 

Thổn thức nghe lòng Trái Đất

Mong thành Quả Phúc về Cây.

Nam-Mô THÍCH CA MẦU NI PHẬT

Đồng loại chúng con

nắm tay nhau tràn nước mắt

tình thương hiện Tháp Chín tầng xây.

 

(Khởi viết từ ngày 11-6-63, xong ngày 15-7-63 tại SAIGON)

Vũ Hoàng Chương

 

 

Ôi thật là áng văn bất hủ và giọng đọc của Giảng Sư đã làm xúc động bao thính chúng trong pháp thoại này.

Kính chúc Giảng Sư pháp thể khinh an và luôn khơi dậy được những chủng tử Phật đang ngủ  ngầm nơi chúng sinh dị độ.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Bồ Tát Dược Vương Ma ha tát.

Nam Mô Việt Nam Bồ tát Vị Pháp Vong Thân thượng Quảng hạ Đức Đại Lão  Hòa Thượng tôn kính.

 

Huệ Hương kính trình pháp,

   

 

 

 

 

***
 
Mục lục: 108 bài kệ lễ Tam Bảo
cong duc le Phat-thich nguyen tang
***

Mục lục 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa

to su long tho
***


Trở về mục lục bài giảng của TT Nguyên Tạng
243_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Khuong Tang Hoi-2
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2010(Xem: 19195)
Audio: Kinh Đoạn Giảm do HT Thích Chơn Thiện giảng
12/06/2010(Xem: 12799)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bộ kinh tuyển chọn những lời Phật dạy ở rải rác trong kho tàng Kinh điển Phật giáo. Lịch sử truyền bá bộ kinh, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn chưa thống nhất. Theo sử Phật giáo Trung Quốc thì Kinh Tứ Thập Nhị Chương được hai ngài Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapamàtanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmarakinhsa) dịch từ bản Phạn qua Hán năm 67 Tây lịch tại Lạc Dương. Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng là một bộ kinh được lưu hành tại Giao Châu vào thế kỷ thứ hai.
08/06/2010(Xem: 5285)
Kinh Phước Đức. Thiền Sư Nhất Hạnh dịch. Thích Hạnh Tuấn tụng
06/06/2010(Xem: 6563)
Kinh Người Biết Sống Một Mình. Thiền Sư Nhất Hạnh dịch. Thích Hạnh Tuấn tụng
06/06/2010(Xem: 6095)
Các bài kệ tán Thiền Sư Nhất Hạnh dịch Thích Hạnh Tuấn xướng lễ
02/06/2010(Xem: 5990)
Kinh A Di Đà. Thiền Sư Nhất Hạnh dịch. Thích Hạnh Tuấn tụng
02/06/2010(Xem: 5024)
Kinh Pháp Ấn. Thiền Sư Nhất Hạnh dịch. Thích Hạnh Tuấn tụng
02/06/2010(Xem: 6143)
Kinh Tám Điều Giác Ngộ. Thiền Sư Nhất Hạnh dịch. Thích Hạnh Tuấn tụng
02/06/2010(Xem: 6350)
Kinh Giáo Hóa Người Bệnh. Thiền Sư Nhất Hạnh dịch. Thích Hạnh Tuấn tụng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]