Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   


cong duc le Phat-thich nguyen tang
CÔNG ĐỨC LỄ PHẬT
Chủ giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước - Cư Sĩ Quảng Tịnh


Chủ giảng: TT Thích Nguyên Tạng

Diễn đọc: Cư sĩ Diệu Danh 



Trong thời gian cách ly để chặn đứng sự lây nhiễm của đại dịch Covid-19 bộc phát từ đầu năm 2020, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2020, bản thân người viết đã tổ chức khóa giáo lý online ròng rã suốt 8 tháng. Những pháp thoại đã được chia sẻ cho Phật tử gần xa bao gồm: Kinh Bát Đại Nhơn Giác, 48 Đại Nguyện của Phật Di Đà, Thập Đại Đệ Tử Phật, 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa, 50 Vị Thiền Sư thuộc 5 Tông Phái: Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn cùng với các Nghi thức, Pháp môn hành trì trong tự viện, đặc biệt là ý nghĩa 108 bài Kệ Lễ Sám Buổi Khuya do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ biên soạn và lễ sám vào mỗi buổi khuya khi Ngài còn sinh thời, vì lạy Phật là một phương pháp sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng và cũng là phương cách gạn lọc thanh tịnh thân tâm qua thân, khẩu và ý nghiệp.

Người viết có được thiện duyên đi hoằng pháp cùng với Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển trong chuyến hoằng pháp tại Mỹ vào năm 2008. Khi phái đoàn đến Niệm Phật Đường Freemont ở San Jose, do HT Thích Đỗng Tuyên trụ trì, người viết phát hiện được văn bản 108 bài kệ này do Hòa Thượng Đỗng Tuyên đã cho in bản cảo tại San Jose để Ngài hành trì, vì Hòa Thượng Đỗng Tuyên cũng xuất thân từ Tu viện Quảng Hương Già Lam, nên tất cả các nghi thức hành trì được Hòa Thượng lưu giữ và mang theo bên mình khi ra ngoài Phật sự, và hầu như tất cả chư Tôn Đức đã hơn một lần ở Già Lam đều được ảnh hưởng nét đẹp này của Ôn Trí Thủ để lại.


Chúng con xin cảm ơn Hòa Thượng Đỗng Tuyên đã đem Nghi Lễ Sám này sang truyền bá cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Mỹ, nhân đó chúng con đã xin thỉnh một quyển.


Chúng tôi đã gửi quyển này đến cho đệ tử Helen ở Seattle đánh máy, để online chia sẻ vào trang nhà Quảng Đức, đồng thời cũng gửi phiên bản nguyên văn Hán Việt này cho cư sĩ Hạnh Cơ ở Edmonton, Canada, để bác dịch ra tiếng Việt. Hiện tại Nghi Lễ Sám Buổi Khuya này đã hoàn chỉnh với song ngữ Hán-Việt và được online phổ biến rộng rãi trên trang nhà Quảng Đức.

Nội dung Nghi Lễ Sám này tổng cộng có 108 lễ, bao gồm: 48 lễ Đại nguyện của Đức A Di Đà và 60 lễ tổng quát về Tam bảo, danh hiệu chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư lịch đại Tổ Sư truyền giáo, khai sơn tự viện và phiên dịch giảng giải Kinh, Luật, Luận, cuối cùng là lễ tứ trọng ân.


Có thể nói, Nghi Lễ Sám Buổi Khuya do Ôn Trí Thủ dày công biên soạn là một nghi thức hoàn chỉnh, đầy đủ về mặt hình thức cũng như nội dung ý nghĩa thâm sâu của giáo lý Phật Đà. Nhân trong thời gian cách ly do đại dịch Covid-19, người viết đã hành trì theo Nghi Lễ Sám này mỗi buổi khuya công phu, và sau thời công phu đã đem nghi thức này đọc, giảng nghĩa từng câu kệ cho quý Phật tử hữu duyên nghe pháp online qua trang nhà Quảng Đức.[1]


Bài kệ đầu tiên:

所 有 十 方 世 界 中 ,

三 世 一 切 人 師 子。

我 以 清 淨 身 語 意,

一 切 遍 禮 盡 無 餘 。

普 賢 行 願 威 神 力,

普 現 一 切 如 來 前 。

一 身 復 現 剎 塵 身,

一 一 遍 禮 剎 塵 佛。

於 一 塵 中 塵 數 佛,

各 處 菩 薩 眾 會 中。

無 盡法 界 塵 亦 然,

深 信 諸 佛 皆 充 滿。



Sở hữu thập phương thế giới trung,

Tam thế nhất thiết Nhân Sư Tử.

Ngã dĩ thanh tịnh thân ngữ ý,

Nhất thiết biến lễ tận vô dư.

Phổ Hiền hạnh nguyện oai thần lực,

Phổ hiện nhất thiết Như Lai tiền.

Nhất thân phục hiện sát trần thân,

Nhất nhất biến lễ sát trần Phật.

Ư nhất trần trung trần số Phật,

Các xử Bồ Tát chúng hội trung.

Vô tận pháp giới trần diệc nhiên,

Thâm tín chư Phật giai sung mãn.


Nhất tâm đảnh lễ tận thập phương biến pháp giới, quá hiện vị lai tam thế nhất thiết Chư Phật, Tôn Pháp Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo.


Cư Sĩ Hạnh Cơ đã dịch Việt:


Đối trước chư Phật cả ba đời,

Trong khắp thế giới khắp mười phương,

Con đem thân miệng ý thanh tịnh,

Kính lễ cùng khắp không bỏ sót.

Nhờ sức oai thần hạnh Phổ Hiền.

Hiện thân khắp trước các Như Lai,

Một thân lại hiện vô số thân,

Mỗi thân kính lễ vô số Phật.

Vô số Phật trong một vi trần,

Đều ngự giữa chúng hội Bồ Tát,

Cùng khắp pháp giới cũng như vậy,

Lòng tin chư Phật đều đầy đủ.


Đó là kệ đầu tiên gồm có 12 câu trong kệ Nghi Hồng Danh Sám Hối. Thông thường Chư Tôn Đức chỉ trích 4 câu đầu để đảnh lễ. Nhưng ở đây, Ôn Trí Thủ trích luôn 2 đoạn nữa, tổng cộng 12 câu để mà đảnh lễ.


Kệ đầu tiên bao gồm luôn ba đời mười phương Chư Phật, Chư Tôn Pháp, Chư Bồ Tát, và Chư Hiền Thánh Tăng. Nếu không lạy hết 108 lạy, thì lạy một lạy này, là đủ cả ba đời, mười phương Chư Phật.



Công Đức Lễ Phật


Ôn Trí Thủ đã nương vào hạnh Lễ Kính Chư Phật của Bồ Tát Phổ Hiền để hành trì trong suốt đời Ngài. Ngài trích bài kệ này ở trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của Kinh Hoa Nghiêm. Hòa Thượng đã quyết định chọn kệ này cho câu xướng lễ lạy đầu tiên, là để tuyên dương pháp môn lễ Phật. Trong Kinh Tăng Nhất A-hàm, quyển thứ hai mươi bốn,[2] Đức Phật đã nói đến công đức lễ Phật như sau:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: Phụng sự, lễ Phật có năm công đức:

1. Đoan chánh.

2. Tiếng tốt.

3. Giàu có

4. Sanh trưởng trong nhà trưởng giả.

5. Đời sau sanh vào cõi lành hoặc sanh vào cõi thiện thú Thiên giới.




Vì sao thế? Vì Như Lai không ai sánh bằng. Như Lai có tín, có giới, có văn, có tuệ, có sắc lành thành tựu nên thành tựu được năm công đức. Lại do nhân duyên gì lễ Phật được đoan chánh? Vì thấy hình tượng Phật rồi phát tâm hoan hỷ. Do nhân duyên lành này mà được thân hình đoan chánh. Lại do nhân duyên gì lễ Phật được âm thanh tốt? Vì thấy hình tượng Phật, Như Lai, rồi ba lần xưng danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Do nhân duyên này được âm thanh tốt. Lại do nhân duyên gì mà được giàu có? Do thấy Như Lai mà phát tâm cúng dường, bố thí, rải hoa, đốt đèn, và những vật khác. Do nhân duyên này mà về sau được giàu có. Lại do nhân duyên gì sanh vào nhà trưởng giả? Nếu thấy thân Như Lai rồi, tâm không dính mắc, gối phải chấm đất, quỳ thẳng chắp tay chí thành lễ Phật. Do nhân duyên này mà sanh vào nhà trưởng giả. Lại do nhân duyên gì khi chết sanh vào cõi tịnh? Do hành giả đã thực hiện đầy đủ 4 công đức:



1. Tâm hoan hỷ khi thấy Phật,

2. Ba lần xưng danh hiệu Phật,

3. Phát tâm cúng dường, bố thí,

4. Chí thành lễ Phật với tâm không chấp trước, thì sẽ sanh cõi trời.



Này các tỳ-kheo! Đó là năm nhân duyên lễ Phật được công đức. Thế nên, các tỳ-kheo! Nếu có thiện nam, tín nữ nào muốn lễ Phật, nên tìm phương tiện thành tựu năm công đức này. Như thế, này các tỳ-kheo, hãy học điều này.


Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.”[3]




Đó là công đức lễ Phật trong Kinh Tăng Nhất A-hàm do Đức Thế Tôn giảng tại Tinh xá Kỳ-viên Cấp Cô Độc. Nếu ai phát tâm lễ Phật sẽ được 5 công đức thù thắng như trong kinh đã dạy.



Pháp Môn Lễ Phật



Theo kinh sách, ta thấy người khai mở và xiển dương pháp môn lễ Phật là Bồ Tát Phổ Hiền. Bồ Tát Phổ Hiền là một vị Bồ Tát đã đạt tới địa vị Đẳng Giác, là địa vị chuẩn bị bước vào địa vị Phật, vị trí cuối cùng.


Trong Kinh Pháp Hoa có đề cập đến Ngài, là một vị Bồ Tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, ở phía đông cõi Ta-bà. Trong một dịp nghe Đức Thích-ca Mâu-ni giảng Kinh Pháp Hoa, Ngài liền cùng với 500 vị Đại Bồ Tát bay đến cõi Ta-bà để nghe pháp và phát tâm ở lại hộ trì chánh pháp cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.


Bồ Tát Phổ Hiền được thờ chung với Bồ Tát Đại Trí Văn Thù, Ngài cỡi voi trắng sáu ngà. Voi trắng biểu trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, còn sáu ngà là biểu trưng cho pháp tu lục độ, vạn hạnh, hay là biểu trưng cho chiến thắng sáu giác quan của chúng ta: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý.


Về sự là voi trắng sáu ngà, nhưng về lý là biểu trưng cho pháp tu lục độ, hoặc là chiến thắng sáu giác quan, sự và lý luôn đi cùng nhau.

Ở Trung Hoa, 4 Vị Bồ Tát hộ trì cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong công cuộc hoằng pháp được hiện thực hóa qua 4 ngọn núi nổi tiếng mệnh danh là Tứ Đại Danh Sơn.


Qua đó, Phổ Đà Sơn là nơi hóa hiện của Bồ Tát Quán Thế Âm ở biển Nam Hải. Ngũ Đài Sơn là nơi hóa thân của Bồ Tát Đại Trí Văn Thù. Cửu Hoa Sơn là nơi hoằng pháp của Bồ Tát Địa Tạng Vương và Nga Mi Sơn ở Thành Đô là nơi có sự xuất hiện của Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền.


Chúng ta có bài kệ tán dương công đức của Bồ Tát Phổ Hiền như sau:



六牙白象為寶座。

諸度萬行作嚬呻。

華藏世界稱長子。

十方剎土現全身。




Lục nha bạch tượng vi bảo tòa,

Chư độ vạn hạnh tác tần thân,

Hoa Tạng thế giới xưng trưởng tử,

Thập phương sát độ hiện toàn thân.[4]



Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Nguyện Vương Bồ Tát.



Voi trắng sáu ngà làm bảo tòa,

Chư hạnh Bồ Tát hiện phân thân,

Hoa Tạng thế giới xưng trưởng tử,

Khắp hiện tận thân độ mười phương.[5]



Đó là lời tán dương công đức lễ Phật của Ngài Đại Hạnh Phổ Hiền khi chúng ta đảnh lễ Ngài. Chúng ta niệm ân Bồ Tát Phổ Hiền đã phổ biến pháp tu lễ Phật này cho hàng đệ tử và đã được áp dụng cho tới tận ngày hôm nay.



Lễ Phật có hai lợi ích thiết thực cho hành giả.


Lợi ích về thân: Chúng ta không cần phải đi bách bộ, không cần phải đi hồ bơi, vì nếu chúng ta lễ Phật đúng pháp là ngũ thể đầu địa (năm vóc gieo xuống đất), đầu và tứ chi, tức là năm phần trên thân chúng ta chạm xuống đất. Lễ Phật được xem là toàn thân tập thể dục. Nếu chúng ta không lễ đúng như vậy thì gọi là cầu danh lễ, hoặc là ngã mạn lễ. Lễ đúng pháp ngũ thể đầu địa thì gọi là thân tâm cung kính lễ.


Nói về cách lạy Phật “năm vóc gieo xuống đất” thì: Trước hết, quỳ gối bên phải (gồm toàn bộ gối, cẳng chân và mu bàn chân) sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc, như thế gọi là một lạy.


Bài kệ lễ Phật do Bồ Tát Văn Thù viết ra như sau:



能禮所禮性空寂。

感應道交難思議。

我此道場如帝珠。

十方諸佛影現中。

我身影現諸佛前。

頭面接足歸命禮。


Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,

Ngã thử đạo tràng như đế châu,

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung.

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.[6]




Bài này được Ôn Từ Đàm dịch ra tiếng Việt:



Phật, chúng sanh: tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.

Lưới đế châu ví đạo tràng,

Mười phương Phật bảo, hào quang sáng ngời,

Trước bảo tòa thân con ảnh hiện,

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.

Bản Việt dịch này có thể nói là hàm súc và diễn cảm không thua gì nguyên bản chữ Hán.

Năng lễ là chỉ cho bản thân của người đảnh lễ.

Sở lễ là đối tượng đang được đảnh lễ, là chỉ cho Phật.


Tánh không tịch là chỉ cho tánh thanh tịnh, rỗng lặng của mình (người lễ) và Phật (đối tượng kính lễ). Vì tự tánh của mình và Phật là luôn luôn ở tánh rỗng lặng, là thanh tịnh. Do tánh thanh tịnh, rỗng lặng này không thể nào diễn bày được, nên chỉ có thể thầm hiểu trong lòng mà thôi.

Ngã thử đạo tràng như đế châu, Ngài Đại Trí Văn Thù đã đến thăm cõi trời Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Đâu Suất Đà… các cung trời dùng các viên ngọc bảo châu như ý xâu thành những màn lưới, và trên những màn lưới đó họ để những viên ngọc châu tỏa ra ngũ sắc rất đẹp, trang nghiêm và lộng lẫy.

Sau này Phật giáo Triều Tiên đã hiện thực hóa hình ảnh “lưới đế châu” này bằng cách họ treo rất nhiều loại lồng đèn ngũ sắc trong Chánh điện, sân chùa vào dịp lễ Phật Đản. Phật giáo Việt Nam không treo lồng đèn nhưng treo cờ ngũ sắc để thiết trí, trông như lưới đế châu, cũng rất trang nghiêm. Đạo tràng hành giả lễ Phật phải trang nghiêm giống như màn lưới ở cung trời vậy.

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ. Hai bàn tay của mình khi lạy xuống phải đưa ra để tiếp đón bàn chân của Đức Phật. Đây là hình ảnh khi Đức Phật còn tại thế, chúng đệ tử tới đảnh lễ Phật thì đưa tay ra tiếp bàn chân của Ngài, lạy dưới chân Ngài.

Như đã nói, lễ Phật là tập thể dục toàn thân, đầu, mình và tay chân. Khi mình lễ Phật như vậy thì tất cả những huyệt đạo ở trong cơ thể được khai thông, máu huyết lưu chuyển điều hòa, có thể hóa giải được nhiều bệnh tật. Sau một thời lễ Phật sám hối thấy trong người mình có một chút gì đó thay đổi, tinh thần sảng khoái, đó là mình đã lễ Phật đúng pháp. Còn sau khi lạy xong 108 lễ mà mình thấy gân cốt trong người không động chạm gì ngoài sự mỏi mệt, thì chắc chắn là mình lạy chưa đúng cách.


Lợi ích về tâm: Lễ Phật có công năng tiêu trừ nghiệp chướng, vì khi lễ Phật đúng pháp với lòng cung kính khiêm hạ, quán tưởng lời chư Phật, chư Tổ dạy, soi chiếu nội tâm mình, bản ngã của chúng ta sẽ tiêu dần, từ đó sẽ hóa giải được nghiệp chướng. Thứ đến là tăng trưởng thiện căn. Và khi thiện căn tăng trưởng đi đôi với sự khiêm hạ thì tâm kiêu mạn sẽ không còn. Mà kiêu mạn là một trong những triền cái rất quan trọng, là chướng ngại ngăn cản chúng ta tiến tới giải thoát và giác ngộ, cho nên muốn giác ngộ thì mình phải lễ Phật làm sao để tiêu trừ tâm kiêu mạn, một khi kiêu mạn được tiêu trừ thì đường đến giải thoát và giác ngộ sẽ rộng mở.

Gương sáng Lễ Phật


Thiền sư Hư Vân (1840-1959): Là vị Thiền sư Trung Quốc có ảnh hưởng nhất vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, giữ vai trò rất lớn đối với sự phục hưng của Thiền Tông và Phật Giáo Trung Quốc thời hiện đại. Ngài nổi tiếng về công hạnh lễ kính chư Phật và chứng đắc nhờ pháp tu này. Năm 43 tuổi, Ngài tự thấy bản thân mình dù đã xuất gia tu hành hơn 20 năm nhưng đạo nghiệp vẫn chưa thành. Để báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục của Cha mẹ, Thầy Tổ… Ngài phát nguyện đến núi Phổ Đà phía Đông Trung Quốc (một đảo nhỏ gần Thượng Hải, thuộc tỉnh Chiết Giang), rồi từ đó thực hiện tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) lên Ngũ Đài Sơn, thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngày đầu tháng 7, từ thảo am Pháp Hoa núi Phổ Đà, Ngài bắt đầu thực hành tam bộ nhất bái với lòng nguyện cầu hồi hướng công đức cho cha mẹ được vãng sinh về cõi Tịnh Độ.


Trên hành trình tam bộ nhất bái đến núi Ngũ Đài, với bối cảnh chiến tranh loạn lạc, đường xá gập ghềnh, núi đồi ngăn trở, thú dữ khắp nơi, khí hậu nghiệt ngã nguy hiểm đến tánh mạng, nhưng Ngài vẫn nhất tâm, lặng lẽ độc hành cho đến khi kết thúc đoạn đường dài trên 3 ngàn dặm, với thời gian 6 năm, Ngài đã chứng đắc pháp tu “Lễ Phật nhất tâm” trong quá trình này.


Sau đó, Ngài cũng đích thân hành hương chiêm bái di tích núi Nga Mi ở Tứ Xuyên, rồi sang viếng thăm Đức Đạt-lai Lạt-ma tại cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng, và hành hương chiêm bái các Phật tích, thánh tích ở Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện…


Cũng nhờ công đức lễ Phật mà Ngài Hư Vân làm được nhiều Phật sự (trùng tu nhiều ngôi đại tự). Đến ngày 13/10/1959, Ngài an nhiên thị tịch, thọ 120 tuổi. Sau lễ hỏa táng, chúng đệ tử thu được hơn 100 viên xá-lợi tinh khiết, năm màu, lớn nhỏ đủ loại, là minh chứng cho cuộc đời tu tập chứng ngộ công hạnh diệu kỳ của Ngài.


Truyền nhân của Ngài Hư Vân là Pháp Sư Tuyên Hóa (được Thiền sư Hư Vân ấn chứng là Tổ Thứ 9 của Thiền Phái Quy Ngưỡng tại Chùa Nam Hoa, Tào Khê, Quảng Đông vào năm 1946). Hòa thượng Tuyên Hóa đến Mỹ hoằng pháp vào năm 1962. Ngài giảng Kinh Đại Thừa và lễ Phật mỗi ngày, cuối cùng Ngài đưa ra “Lục Đại Tông Chỉ” để thành lập Vạn Phật Thánh Thành:

1. Không tranh,

2. Không tham,

3. Không mong cầu,

4. Không ích kỷ,

5. Không tự lợi,

6. Không nói dối.


Có hàng vạn đệ tử đã xuất gia tu học với Ngài, trong đó có 2 Thầy Hằng Thật và Hằng Do (người Mỹ) đã noi gương Sư Phụ Tuyên Hóa và Sư Ông Hư Vân, vào tháng 10 năm 1973, thực hiện một chuyến bái hương “ba bước một lạy” kéo dài 10 tháng từ San Francisco đến Seattle. Hình ảnh 2 thầy tu Phật giáo người Mỹ da trắng lạy trên những freeway của Hoa Kỳ đã làm cho nhiều người tò mò và thích thú tìm hiểu Phật Giáo.


Trong Phật giáo Việt Nam, chúng ta được biết có một số vị sau đây.

Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909-1984).


Ngài là một bậc long tượng tòng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam, dù đảm nhận nhiều chức vụ của Giáo Hội như Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật giáo (tiền thân của Đại Học Vạn Hạnh), Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam... nhưng Hòa Thượng vẫn dành thời gian nhất định để lễ Phật mỗi buổi khuya. Hạnh lễ Phật của Ngài là một tấm gương sáng ngời cho hàng Tăng Ni và Phật tử Việt Nam noi theo.


Hòa thượng Thích Minh Tuệ, một vị Thầy tu học với Ôn ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam trên 40 năm qua, kể rằng: “Ôn Trí Thủ thường thức dậy khoảng 2 giờ khuya, dù ở bất cứ đâu, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết hay Sài gòn... dù trời lạnh đến đâu, Ôn vẫn vận động cơ thể và đi tắm nước lạnh. Sau đó Ôn uống trà rồi lên Chánh điện lễ Sám Hồng Danh, với 108 lạy, khoảng hơn một giờ. Kế tiếp, Ôn ra Thiền thất tọa thiền và niệm Phật cũng hơn một giờ. Đến 7 giờ, Ôn ra khỏi thiền thất, ăn sáng và đi làm Phật sự... Dù đi đến nơi nào, Ôn vẫn kiên trì với công hạnh Lễ Sám, không vì lý do gì mà chểnh mảng. Khi sửa soạn hành lý đi xa, Ôn luôn nhắc thị giả đừng quên mang theo một bó hương trầm 60 cây và một gói trầm thật tốt để chuẩn bị cho các buổi Lễ Sám Khuya hằng ngày.”


Nghi Thức Lễ Sám Buổi Khuya này, Hòa Thượng Trí Thủ biên soạn rất công phu, từ thời Ngài còn ở Phật Học Đường Báo Quốc - Huế cho đến Chùa Hải Đức -Nha Trang, rồi đến Quảng Hương Già Lam - Sài Gòn. Ngài đọc trong Đại Tạng Kinh, những câu nào hay thì Ngài trích ra và sau đó biên soạn thành Nghi Lễ Sám này để bản thân Ngài hành trì.

Hòa thượng Thích Như Điển.


Hiện là Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (trụ sở đặt tại Đài Loan). Ngài sinh năm 1949 tại Duy Xuyên, Quảng Nam và xuất gia năm 1964 tại Tổ Đình Phước Lâm, Hội An. Thọ sa-di năm 1967, thọ tỳ-kheo năm 1971, du học Nhật Bản năm 1972, đến Đức quốc định cư từ năm 1977, năm 1978 khai sơn Chùa Viên Giác tại Hannover. Hòa Thượng cũng là người sáng lập Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Đức Quốc, thành lập Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức từ năm 1978 - 1979. Hiện nay tại Đức có 15 ngôi chùa, hơn 70 vị xuất gia, có 23 Chi Hội và 7 Gia Đình Phật tử. Hòa Thượng đã viết và ấn hành được 68 tác phẩm.


Hòa Thượng còn nổi tiếng về hạnh nguyện lạy Phật, Ngài đã phát nguyện lạy bộ Ngũ Bách Danh với 500 danh hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi 3.000 lạy của bộ Tam Thiên Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Sau đó Ngài phát nguyện lạy Kinh Vạn Phật, trên 10.000 lạy. Tiếp đó, vào những mùa An Cư Kiết Hạ, Ngài đã phát nguyện lạy Kinh Pháp Hoa mỗi chữ mỗi lạy, tổng cộng có 70.802 lạy, khởi đầu lạy năm 1990, kết thúc năm 1995. Hiện nay Ngài và đại chúng Viên Giác cũng đã lạy hoàn tất Kinh Đại Bát Niết-bàn gồm 2 quyển, tổng cộng có 342.057 lạy, đã khởi đầu lạy từ năm 1995. Ngài cho biết, từ năm 1984 đến năm 2019, suốt trong vòng 35 năm như thế, trong các mùa An Cư Kiết Hạ, mỗi đêm Ngài lạy từ 250 đến 300 lạy. Quả thật đây là một công hạnh khó ai theo kịp trong thời đại này. Ngài cũng hay tâm sự với đại chúng “Cũng nhờ tụng kinh và lạy Phật mà bản thân tôi làm được nhiều Phật sự như ngày hôm nay.” Và có lẽ nhờ công đức tu tập của Hòa Thượng mà mọi Phật sự trong cuộc đời của Ngài đều thông suốt và viên mãn.

Thượng tọa Thích Tâm Phương.


Là Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Thượng Tọa Thích Tâm Phương cũng được biết đến với công hạnh lễ Phật. Sở dĩ Ngài đi vượt biên thành công là nhờ Ngài phát tâm lễ Ngũ Bách Danh trong thời gian ở chùa Linh Sơn Pháp Ấn tại Suối Dầu, Nha Trang. Lễ Ngũ Bách Danh là nghi thức lạy 500 danh hiệu Đức Quán Thế Âm, lễ mỗi ngày, rồi Ngài vào Sài Gòn tu học ở chùa Pháp Vân, ra Long Thành ở chùa Liên Hoa của Thầy Trí Lực, trước khi đi vượt biên qua Malaysia. Khi đến định cư tại Úc từ đầu năm 1987, Ngài Tâm Phương vẫn tiếp tục hành trì pháp môn lễ Ngũ Bách Danh ở chùa Quang Minh. Sau này ra khai sơn Tu Viện Quảng Đức, Ngài vẫn tiếp tục lễ Ngũ Bách Danh, rồi lễ tới Tam Thiên Phật Danh, lễ Kinh Vạn Phật. Vạn Phật là 10.000 vị Phật, nhưng kỳ thực trong Kinh Vạn Phật có tới 11.000 danh hiệu Phật. Lễ hết Kinh Vạn Phật, Ngài lễ đến Thủy Sám Pháp và Lương Hoàng Sám. Hiện tại Ngài Viện Chủ và chúng đệ tử Tu Viện Quảng Đức đang lễ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa mỗi chữ một lạy.


Hạnh lễ Phật của Thượng tọa Tâm Phương là Ngài học theo Chư Tôn Hòa Thượng như Hòa Thượng Hư Vân, Hòa Thượng Bổn Sư Thích Như Ý, Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng Như Điển… Chúng đệ tử Tu Viện Quảng Đức thừa tư lợi ích này, được phước duyên học theo hạnh lễ Phật của Ngài Viện Chủ là một công đức thù thắng khó có được trong cuộc đời mình. Trong 30 năm qua, tại Tu Viện Quảng Đức chưa bao giờ ngừng lễ Phật. Ai có duyên theo đạo tràng lễ Phật này thì công đức vô lượng. Một khi đã hiểu được công đức lễ Phật rồi, nên cố gắng, khuyến khích nhau, cùng nhau về chùa lễ Phật.

Lời kết


Lễ Phật có 5 công đức, như Đức Phật đã dạy. Không phải chỉ có được trong tương lai mai sau, mà công đức ấy còn có ngay trong đời hiện tại này. Lễ Phật xong, hành giả sẽ thấy người đẹp ra, da dẻ trắng sáng. Vì khi lễ Phật mồ hôi sẽ thoát ra, làm cho những độc tố trong người tiết ra theo, tẩy tịnh, thân khỏe tâm an, tướng hảo quang minh từ đây mà có. Khi lạy Phật, mình phải xướng ra tiếng những câu kệ tán dương công đức của Phật cho nên âm thanh của mình được trong trẻo âm vang. Công đức thứ ba là giàu sang phú quý, là bởi vì mình cúng dường hương, hoa, trà, quả nên được công đức lớn ấy. Công đức thứ tư là được sanh vào nhà trưởng giả, làm con nhà giàu, xinh đẹp, thông minh, có tiền, có tài sản. Công đức thứ năm là khi qua đời, được tái sanh vào các cõi lành. Nhân như vậy thì quả sẽ diễn ra như vậy.


Đó là những công đức hiện đời mà bất cứ ai cũng mong muốn có được trong cuộc sống. Đồng thời khi biết được nhờ công hạnh lễ Phật mà chư vị Tôn Túc đã có sự chứng đắc và thành tựu trong đạo nghiệp, thì quả thật chúng ta cần theo gương quý Ngài mà lễ Phật mỗi ngày.


Trong lúc các vị đọc những dòng chữ này, đại dịch Corona đã lan truyền đến 219 quốc gia trên thế giới, hiện có 111.423.766 người nhiễm bệnh và 2.467.200 người đã chết. Mong quý Phật tử gần xa dành thời gian cách ly dịch bệnh để lễ Phật mỗi ngày theo Nghi Lễ Sám Buổi Khuya này của Ôn Trí Thủ soạn, để nguyện cầu Corona đại dịch sớm tận trừ, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Mong lắm thay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tỳ-kheo Thích Nguyên Tạng

***

*Bài này do Phật tử Lệ Trinh Diệu Tuyết & Nguyên Quảng Tánh Ngô Quang Lãnh phiên tả, Phật tử Thanh Phi sửa lỗi và đã đăng tải trong Đặc San Văn Hóa do Báo Viên Giác, Đức Quốc, ấn hành vào tháng 6 năm 2021)




[1] Kính mời xem ở link này: https://quangduc.com/a3011/nghi-le-sam-buoi-khuya.

[2] Kinh Tăng nhất A-hàm (增壹阿含經), quyển 24, Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh, Tập 2, kinh số 125. Đoạn trích dưới đây được dịch từ Hán văn ở trang 674, tờ a, dòng 23 đến tờ b, dòng 15 cùng trang.

[3] Lược ghi theo Kinh Tăng Nhất A-hàm, tập 2, phẩm Thiện tụ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1998.

[4] Lễ Phật nghi thức (禮佛儀式), Vạn tục tạng, Tập 74, kinh số 1492, trang 634, tờ c, dòng 18 - 19.

[5] Cư Sĩ Hạnh Cơ Việt dịch.

[6] Lễ Phật nghi thức, trong Vạn tục tạng, kinh văn đã dẫn, trang 634, tờ b, dòng 4 - 5.



 

cong duc le Phat-thich nguyen tang

BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN “ Công Đức Lễ Phật “
TRONG NGHI THỨC ĐẢNH LỄ TAM BẢO CỦA HT THÍCH TRÍ THỦ
 được TT Thích Nguyên Tạng thuyết giảng vào ngày 23/6/2020 giữa mùa đại dịch COVID .
Nghĩ cũng lạ, đáng lẽ ra bài trình pháp này đã xuất hiện từ năm trước trễ  nhất sau đợt lễ mãn khoá lớp giáo lý online lần đầu tiên, thế mà mãi đến hôm nay khi có thời gian tịch tĩnh thư thái để hướng nhìn về con đường tu tập của mình đã diễn ra thế nào tôi mới nghiệm lại được rằng : “Tâm con người lạ lắm, một khi nó đã chú ý đến cái gì thì sẽ luôn thấy  những thứ ấy xuất hiện rất nhiêu . Đó là lý do …. gần đây khi nghe lại các pháp thoại mà tôi yêu thích trên YouTube thì bài Công Đức Lễ Phật của Giảng Sư Thích Nguyên Tạng lại hiện ra trước mặt và từ đó đã lôi cuốn tôi trở lại các bài pháp đầu tiên của Thầy …vì tôi luôn tin vào trực giác chỉ dẫn mình điều gì đó …

Quả thật … gần như 20 bài đầu từ 23/62020 đến 1/8/2020 trước đó Tôi đã không chú tâm lắm , nên nghe chỉ là nghe và bây giờ không hiểu vì sao tôi lại thấy trân quý vô cùng và nhận ra nơi Thầy suối nguồn pháp bảo tuyệt diệu ….
Tôi đã tìm lại lý do vì sao khoảng gần hai năm trước tôi không thích thú với chủ đề này ….có lẽ ngay giai đoạn đầu của thời gian phong tỏa tâm trí tôi còn hỗn loạn chăng ? Mà Giảng Sư thì có pháp thoại mỗi ngày và sức học tôi chưa đủ mạnh mẽ tự tin để ý thức những gì đang diễn ra trong thân và tâm ngay lúc đó chăng?. 

Hay là tôi chỉ là con ếch ngồi dưới đấy giếng luôn có cảm giác rằng mình đã độc lập trong suy nghĩ rồi nên ….Không cần vội vàng lắm! Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên….Và chỉ cần  biết là mỗi ngày ta đang tiến lên … rồi tự mãn trong đáy giếng ấy ?
Dài dòng viện dẫn lý do cũng khá đủ để xin sám hối với Thầy một tí …nào chúng ta bắt đầu vào bài pháp đầu tiên trong nghi thức 108 câu đảnh lễ mỗi thời công phu khuya của HT Thích Trí Thủ khi Ngài còn trụ trì chùa Hương Già Lam mà mãi đến sau này Hoà Thượng Đỗng Tuyên mới cho in lại ở Mỹ và được Cư Sĩ Hạnh Cơ việt dịch từ Hán Văn và  một cộng tác viên của Thầy  Nguyên Tạng  đã đánh máy lại mà trangnhaquangduc do TT chủ biên dược có cơ hội được phổ truyền rộng rãi đến những ai thích tu hạnh lễ Phật.
Nhưng đâu có ai biết rằng với trí óc siêu việt của Đức Ngài HT Thích Trí Thủ chỉ một câu đầu xưng tán Phật Pháp Tăng thôi kèm theo lời xưng tán Như Lai của Bồ Tát Phổ Hiền đã chứa một pho tàng Pháp Bảo và qua lời diễn giải thêm của Giảng Sư …hành giả nghe được pháp thoại nầy đã có một kiến thức Phật học rất ích lợi cho ngày sau…
Hãy nghe 12 câu xướng mà HT Thích Trí Thủ đã dạy trước khi đảnh lễ như sau : 

Sở hữu thập phương thế giới trung

Tam thế nhất thiết nhân sư tử

Ngã dĩ thanh tịnh thân ngữ ý

Nhất thiết biến lễ tận vô dư

Phổ hiền hạnh nguyện oai thần lực

Phổ hiện nhất thiết như lai tiền

Nhất thân phục hiện sát trần thân

Nhất nhất biến lễ sát trần Phật

Ư nhất trần trung trần số Phật

Các xử bồ tát chúng hội trung

Vô tận pháp giới trần diệc nhiên

Thâm tín chư Phật giai sung mãn

Giảng Sư  có cho biết  thêm…các HT ngày trước ở quê nhà  chỉ dùng 4 câu đầu tiên thôi 

Sở hữu thập phương thế giới trung

Tam thế nhất thiết nhân sư tử

Ngã dĩ thanh tịnh thân ngữ ý

Nhất thiết biến lễ tận vô dư

Nhưng…HT Thích Trí Thủ đã quá thương chúng đệ tử nên đã dựa vào điều thứ nhất của Thập Quảng Đại nguyện Vương của Bồ Tát Phổ  Hiền đó là LỄ KÍNH CHƯ PHẬT …

Và theo đó Giảng Sư đã nhắc lại lời Phật dạy về công đức lễ Phật trong kinh Tăng Nhất A Hàm như sau : 

Đức Phật đã chỉ rõ năm công đức ấy là “đoan chánh, tiếng tốt, nhiều tiền lắm của, sanh dưỡng trong nhà trưởng giả, chết sanh cõi lành”.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

- Phụng sự, lễ Phật có năm công đức. Thế nào là năm? Đoan chánh; tiếng tốt; nhiều tiền lắm của; sanh dưỡng trong nhà trưởng giả; chết sanh cõi lành, lên trời. Vì sao thế? Như Lai không ai sánh bằng. Như Lai có tín, có giới, có văn, có tuệ, có sắc lành thành tựu nên thành tựu năm công đức. 

Lại do nhân duyên gì lễ Phật được đoan chánh? Vì thấy hình tượng Phật rồi phát tâm hoan hỷ. Do nhân duyên này được đoan chánh. 

Lại do nhân duyên gì có âm thanh tốt? Vì thấy hình tượng Như Lai rồi, ba lần xưng danh hiệu: Nam-mô Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Do nhân duyên này được âm thanh tốt. 

Lại do nhân duyên gì được lắm tiền nhiều của? Do họ thấy Như Lai mà bố thí lớn: rải hoa, đốt đèn và thí những vật khác. Do nhân duyên này được giàu có. 

Lại do nhân duyên gì sanh nhà trưởng giả? Nếu thấy thân Như Lai rồi, tâm không dính mắc, gối phải chấm đất, quỳ thẳng chắp tay chí tâm lễ Phật. Do nhân duyên này sanh nhà trưởng giả. 

Lại do nhân duyên gì khi chết sanh cõi lành, lên trời? Theo phép thường của chư Phật, Thế Tôn: Có các chúng sanh đem năm việc nhân duyên lễ Như Lai sẽ sanh cõi lành, lên trời. 

Tỳ-kheo! Có năm nhân duyên lễ Phật được công đức. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nếu có thiện nam, tín nữ muốn lễ Phật, nên tìm phương tiện thành tựu năm công đức này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện tụ, ) 

Và sau đó Giảng Sư đã nhắc lại tích sử về Bồ Tát Phổ Hiền …

Phổ Hiền chính là một trong tứ đại Bồ Tát của Phật Giáo. Tứ đại Bồ Tát ở đây bao gồm Quán Thế Âm, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Phổ Hiền. Ngài cùng với Bồ Tát Văn Thù chính là thị giả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bên trái của đức Phật Thích ca chính là Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử, còn Ngài thì cưỡi Voi trắng đứng bên phải

. “Sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo vô biên tội. Nay tu theo lời Phật dạy, sáu căn chuyển thành sáu ngà giúp Ngài tạo muôn vàn công đức. Sáu ngà là sáu thần thông. Voi là loài có khả năng chở nặng đi ngược dốc không gì chướng ngại. Sức mạnh của voi nêu biểu bất tư nghì lực, hàng phục tất cả những việc khó làm”

Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.


Với chuyến hành hương Tứ Đại Danh Sơn năm 2007 do Tu Viện Quảng Đức tổ chức mà Giảng Sư làm trưởng đoàn nên những địa điểm Phổ Đà Sơn, Ngũ Đài Sơn, Cửu Hoa Sơn và Nga Mi Sơn đã được Giảng Sư kể lại thật thú vị …

Riêng tôi thích nhất lời trách rất trực tâm của Giảng Sư đối với những người cầu đảnh lễ và ngã mạn lễ vì sao vậy ? Vì lễ Phật đúng pháp; nhất trong kinh gọi là “thân tâm cung kính lễ”, theo đó lạy sát đất tức là gieo mình đầu , mặt tiếp giáp với gối , hai tay ngữa để năng gót chân Phật bằng tất cả những năng lượng cảm ứng đạo giao giữa người lạy và đố tượng được lạy với  thân thì hăng hái tề chỉnh, nghiêm trang, tâm thì hớn hở vui mừng và hết lòng thành kính như gặp được Phật còn tại thế.

 Trái lại, chúng ta lễ Phật với lòng ngã mạn (trong kinh gọi là ngã mạn lễ), hay với tâm cầu danh (trong kinh gọi là cầu danh lễ), thì đã không có kết quả gì, mà còn mang thêm tội.

Ngã mạn lễ, là khi lạy Phật mà trong tâm còn ngạo nghễ, kiêu căng, năm vóc (đầu, hai tay, hai chân) không sát đất, đứng lên cúi xuống một cách cẩu thả, qua loa cho có lệ 

Cầu danh lễ, là khi thấy có đông người thì miệng liền to tiếng dài hơi xưng danh hiệu Phật, thân lại siêng năng lạy không ngừng nghỉ, có ý để được mọi người khen ngợi. Trái lại khi không có người thì thân lại biếng nhác, tâm lại giải đãi, không muốn lễ bái gì cả.

Hai cách lễ bái trên đây rất giả dối, vậy những ai muốn tiến trên đường đạo, thì phải nên tránh ngay.

Hơn thế nữa , Giảng Sư đã nhắc đến Ôn Từ Đàm trong lời Việt dịch thật xuất sắc có một không hai trên diễn đàn văn học với bài kệ Quán tưởng : 

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng 

Đạo cảm giao không thể nghĩ bàn 

Lưới đế châu ví đạo tràng 

Mười phương Phật tỏa hào quang sáng ngời 

Trước Phật Đài thân con ảnh hiện ,

Cúi đầu xin đảnh lễ quy y

Từ 

Năng lễ sở lễ tánh không tịch 

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì 

Ngã thử đạo tràng như đế châu 

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung

Ngã thân chư Phật ảnh hiện tiền

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ 

Người nghe pháp thoại sẽ rất thích thú với những câu chuyện của những Hoà Thượng đã thực hành pháp môn lễ lạy rất nghiêm túc và điển hình vị nào cũng được Phước báu Thân và Tâm đầy đủ ( về Thân khỏe mạnh không cần phải đi bơi hay đi bộ nhiều giờ , về Tâm có công năng tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng thiện căn, diệt tâm kiêu mạn một triền cái chướng ngại cho giác ngộ giải thoát ) 

-Hoà Thượng Hư Vân để báo Hiếu cho mẹ đã Tâm Bộ Nhất Bái từ Phổ Đà Sơn đến Ngũ Đài Sơn trong suốt 7 năm trời và đã chúng đắc Nhất Tâm Lễ Phật 

-Hoà Thượng Trí Thủ mỗi sáng đều lạy 108 lạy theo nghi thức này .

-Hoà Thượng Thích Như Điển đã lễ kinh Pháp Hoa 70 ngàn lạy cho 70 ngàn chữ trong kinh và Lạy 140 ngàn chữ trong kinh Đại Bát Niết Bàn 

-Thượng Toạ  Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Tâm Phương đã từng lạy Ngũ Bách Danh Phật, kinh Thuỷ Sám Pháp   và từng chữ trong kinh Pháp Hoa 

Lý thú nhất là hai đệ tử người Mỹ của HT Tuyên Hoá đã tâm bộ nhất bái từ Seattle  - San Francisco rất được nhiều người tán thưởng 

Còn nhiều điều đã ghi lại sâu sắc trong tôi nhưng trước mắt là tôi đã áp dụng đọc thêm vào thời công phu sáng của tôi 3 lần  câu khấn nguyên sau đây trước khi vào niệm ân Tam Bảo và trì chú 

“ Nhất tâm đảnh lễ tận thập phương biến pháp giới quá hiện vị lai tam thế nhất thiết chư Phật tôn pháp Hiền Thánh tăng thường trú Tam Bảo.(3 ) 

Lời kết  :

Thì ra, có một cách tu khá dễ là thành kính lễ Phật thôi mà công đức phước báo sung mãn trong hiện tại và cả vị lai.

Kính tri ân Giảng Sư đã mang nghi thức đảnh lễ quá tuyệt vời lại kèm theo giáo lý trong Tam tạng kinh điển chỉ dạy cho người. 

Kính chúc Ngài Giảng Sư pháp thể khinh an và luôn thành tựu trong  nhiệm vụ Trưởng Tử Như Lai “ Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự “ lúc nào  hoằng  pháp cũng viên mãn .



Môi trường tốt nhất để tu học …có phải ?

Được gần bên Chư Tăng Giới Đức, Thiện hiền

Xã hội thời đại công nghệ này..ai đủ phước duyên 

Khi có niềm tin, có cơ hội đi đúng hướng!



Kính đa tạ Giảng Sư …

…..con đường trước mắt giảm dần nghiệp chướng 

Từ đây chúng đệ tử cảm thấy bình an 

Đầu thời công phu khuya âm điệu ngâm vang

Ba lần …kệ thứ nhất từ nghi thức được biên soạn : 



NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ TẬN THẬP PHƯƠNG BIẾN PHÁP  GIỚI QUÁ HIỆN VỊ  LAI TAM THẾ NHẤT THIẾT CHƯ  PHẬT, TÔN PHÁP, HIỀN THÁNH TĂNG THƯỜNG TRÚ TAM BẢO

Nam Mô  Đại Hạnh Phổ Hiền Thập Quảng Đại Nguyện Vương Bồ Tát

Huệ Hương kính trình pháp 





Xem bài giảng của TT Nguyên Tạng được phiên tả:

- Chuông Mõ Gia Trì

- Công Đức Lễ Phật

- Tiếng Chuông Chùa

- Trống Bát Nhã

- Thơ Tán Dương Hạnh Nguyện Hoằng Pháp 

 



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/06/2012(Xem: 10845)
Tứ Diệu Đế - bài giảng của HT Thích Chơn Thiện
06/06/2012(Xem: 11425)
Kinh Địa Tạng được trích dịch từ kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luận, cuốn một tập 13 của Hán tạng, từ trang 721 đến 726 (Bản dịch của T.T. Trí Quang, Sài Gòn, 1976). Kinh này thuộc thời đại phát triển Đại thừa, khoảng từ đầu kỷ nguyên Tây lịch trở về sau. Đức Thế Tôn đã nói Kinh này cho Thánh Mẫu Ma-gia ở cung trời Đao Lợi trước lúc Thế Tôn và Niết-bàn.
11/01/2012(Xem: 5795)
Như thật tôi nghe. Một thời đức Phật ngự tại Ngưu Đầu Chiên Đàn tinh xá thuộc thành Cứu Cáp cùng các vị đại Tỳ-khưu nhóm hội đầy đủ và Thiên long bát bộ cung kính vi nhiễu chiêm ngưỡng mà an trụ.
11/01/2012(Xem: 5185)
Như thật tôi nghe: Một thời đức Bạc-già-phạm ở tại cung trời Tịnh Cư, cùng các vị đại Bồ-tát ma-ha-tát và vô lượng Tịnh Cư Thiên tử, trước sau đoanh vây, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, chiêm ngưỡng Như Lai.
11/01/2012(Xem: 24520)
Kinh Lăng Nghiêm Công Phu Khuya Giọng tụng của cố HT Thích Nhật Liên
17/11/2011(Xem: 5881)
Như thật tôi nghe: Một thời đức Phật ở tại Pháp Giả Đại Bồ-đề Đạo tràng thuộc nước Ma-già-đà, vừa thành Chánh giác cùng các Bồ-tát Ma-ha-tát chúng gồm có tám vạn người đều câu hội đầy đủ, lại còn có tám vạn bốn ngàn Đại Phạm Thiên tử cũng ở tại đạo tràng này. Tất cả đều vi nhiễu chiêm ngưỡng đức Thế tôn.
07/11/2011(Xem: 9967)
Ngày nay Thế Tôn đã tự giác ngộ thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác, thương xót thế gian, che chở hộ trì, làm chỗ nương tựa cho cả thế gian, thương mọi chúng sinh y như con một.
07/11/2011(Xem: 5403)
Mettâ-suttalà một bản kinh ngắn rất phổ biến trong các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Đại Thừa. Tên quen thuộc bằng tiếng Việt của bản kinh này là "Kinh Từ Bi" , thế nhưng chữ mettâtrong tiếng Pa-li không có nghĩa là từ bimà chỉ có nghĩa là lòng tốt, lòng từ tâm, lòng thương yêu. Các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương thì mang tựa là: Discourse on Loving Kindness, Discourse on Good Will, Discourse on Friendliness, Discours sur la Bonté, Discours sur la Bonté Bienveillante, Discours sur l' Amour Bienveillant v.v...,tóm lại tất cả đều có nghĩa là Bài thuyết giảng vềLòng Tốt, Lòng Thiện Cảm, Tình Thương Yêu...
26/10/2011(Xem: 4999)
Lúc bấy giờ đức Thích-ca Mâu-ni ở cung trời Tịnh Cư dạy ngài Văn-thù-sư-lợi đại Bồ-tát và tứ chúng, bát bộ Du không đại thiên, Cửu chấp thất diệu, mười hai cung thần, hai mươi tám vì tinh tú, nhật nguyệt:
18/10/2011(Xem: 4911)
Như thật tôi nghe: Một thời đức Phật ngự ở chỗ Mâu-ni tiên tại núi Khư-la-đề-gia, cùng chúng đại Tỳ-khưu, đầy đủ vô lượng vô số Thanh văn đại chúng, Bồ-tát Ma-ha-tát vô lượng vô biên không thể tính kể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]