Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa

06/05/201316:24(Xem: 13089)
Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa (Hoa sen của Chánh pháp)

Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa

Hòa thượng Thích Trí Quang

Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org

Vào lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì người ấy sẽ được:
tám trăm phẩm chất tốt của mắt,
một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của tai,
tám trăm phẩm chất tốt của mũi,
một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của lưỡi,
tám trăm phẩm chất tốt của thân và
một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của ý.
Do những phẩm chất này trang sức mà làm cho sáu căn thông suốt tất cả.

Thiện nam hay thiện nữ ấy, với mắt thịt trong suốt do cha mẹ sinh ra mà thấy cả trong và ngoài đại thiên thế giới: thấy núi rừng sông biển, thấy dưới đến địa ngục Vô gián trên đến trời Hữu đỉnh, trong đó tất cả chúng sinh, hành vi của tất cả chúng sinh ấy, và những chỗ của hành vi ấy kết quả sinh đến, cũng thấy biết hết thảy.

Đức Thế Tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây:

(1) Ở giữa công chúng,
đem sự không sợ
mà giảng Pháp Hoa,
thì Thường tinh Tiến,
đại sĩ hãy nghe
thành quả người ấy.
(2) Người ấy có được
nhãn căn siêu việt,
đầy đủ tám trăm
những phẩm chất tốt.
Do phẩm chất này
trang sức nhãn căn,
nên mắt người ấy
rất là trong suốt.
(3-Chỉ là con mắt
4) do cha mẹ sinh,
mà thấy trong ngoài
đại thiên thế giới:
Di lâu, Tu di,
Thiết vi cùng với
bao nhiêu núi rừng;
tất cả biển cả,
sông lớn cùng với
bao nhiêu dòng nước.
(5) Dưới đến Vô gián
trên đến Hữu đỉnh,
cùng với các loại
chúng sinh trong đó,
người ấy ở đây
mà thấy rõ cả.
(6) Chưa được mắt trời,
chỉ là năng lực
mắt thịt mà thôi
mà đã như vậy.

Thường tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của tai. Với tai thịt trong suốt ấy mà nghe cả đại thiên thế giới. Dưới đến Vô gián, trên đến Hữu đỉnh, bao nhiêu lời tiếng trong và ngoài: tiếng voi ngựa, tiếng trâu bò, tiếng xe thuyền; tiếng khóc lóc, tiếng than thở; tiếng ốc, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng chuông nhỏ; tiếng cười, tiếng nói, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng đồng nam, tiếng đồng nữ; tiếng chánh pháp, tiếng phi chánh pháp; tiếng khổ, tiếng vui; tiếng phàm phu, tiếng thánh giả; tiếng đáng ưa, tiếng đáng ghét; tiếng trời, tiếng rồng, tiếng dạ xoa, tiếng càn thát bà, tiếng a tu la, tiếng ca lâu la, tiếng khẩn na la, tiếng ma hầu la dà; tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, tiếng đất; tiếng địa ngục, tiếng súc sinh, tiếng ngạ quỉ; tiếng tỷ kheo, tiếng tỷ kheo ni; tiếng thanh văn, tiếng duyên giác, tiếng bồ tát, tiếng Phật đà.

Nói tổng quát, hết thảy lời và tiếng ở trong và ngoài đại thiên thế giới, tuy chưa được tai trời, chỉ dùng tai thịt trong suốt nhưng bình thường, do cha mẹ sinh ra, mà nghe tất cả. Và phân biệt các loại lời tiếng như vậy mà không hỏng nhĩ căn.

Đức Thế Tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây:

(7) Tai cha mẹ sinh
trong suốt hoàn hảo.
Đem tai thường ấy
mà nghe được hết
các loại lời tiếng
toàn cõi đại thiên.
(8) Các tiếng voi ngựa
trâu bò xe thuyền;
tiếng chuông, chuông nhỏ,
ốc, trống, cầm, sắt,
không hầu, tiêu, sáo,
bao tiếng nhạc khí;
(9) cùng tiếng ca hát
trong thanh tuyệt nhã,
nghe rõ tất cả
mà không đam mê.
Vô số chủng loại
tiếng của loài người,
nghe đủ tất cả
và hiểu rõ ràng.
(10) Tiếng của chư thiên,
tiếng hát tuyệt diệu
của chư thiên ấy,
cũng nghe được cả.
Lại nghe rõ hết
tiếng nam, tiếng nữ,
tiếng của đồng nam,
tiếng của đồng nữ.
(11) Tiếng các loài chim
ở trong núi cao,
nguồn sâu, hang hiểm,
đại khái như là
tần dà, cọng mạng,
cũng nghe được hết.
(12) Mọi tiếng đau đớn
của trong địa ngục;
tiếng kiếm uống ăn
của loài ngạ quỉ;
(13) loài a tu la
ở bờ biển cả
khi nói với nhau
phát tiếng rất lớn.
Người giảng Pháp Hoa
ở vị trí mình
mà xa nghe cả
các tiếng như vậy,
nghe mà không bị
hư hỏng nhĩ căn.
(14) Mười phương thế giới
chim muông kêu nhau,
người giảng Pháp Hoa
ở đây nghe cả.
(15) Lời tiếng chư thiên
ở các Phạn thiên,
Quang âm, Biến tịnh,
đến tận Hữu đỉnh,
người giảng Pháp Hoa
ở đây nghe cả.
(16) Các chúng tỷ kheo
và tỷ kheo ni
đọc tụng kinh pháp
hay giảng cho người,
người giảng Pháp Hoa
ở đây nghe cả.
(17) Và các bồ tát
đọc tụng kinh pháp,
hoặc giảng cho người,
biên tập, giải thích,
các tiếng như vậy
đều nghe được cả.
(18) Chư vị Phật đà --
những đại thánh triết,
những đấng giáo hoá
tất cả chúng sinh,
nói pháp tinh túy
giữa các đại hội,
người giữ Pháp Hoa
cũng nghe được cả.
(19) Mọi tiếng trong ngoài
đại thiên thế giới,
dưới đến Vô gián
trên đến Hữu đỉnh,
nghe hết mà không
hư hỏng nhĩ căn.
(20) Nhĩ căn như vậy
thông suốt bén nhạy,
nên nghe được hết
và biết rành cả.
(21) Những người kính giữ
Diệu Pháp Liên Hoa
tuy rằng chưa được
tai của chư thiên,
chỉ dùng tai thường
do cha mẹ sinh,
mà phẩm chất tốt
đã đến như vậy.

Thường tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được tám trăm phẩm chất tốt của mũi. Với mũi thịt trong suốt ấy mà nghe được các hơi trên dưới và trong ngoài đại thiên thế giới, như hơi hoa tu man na, hơi hoa xà đề, hơi hoa mạt lỵ, hơi hoa chiêm bặc, hơi hoa ba la la; hơi hoa sen hồng, hơi hoa sen xanh, hơi hoa sen trắng; hơi các hoa nơi những cây có hoa, hơi các trái nơi những cây có trái; hơi đàn hương, hơi hương trầm thủy, hơi hương đa ma la bạt, hơi hương đa già ra, và hơi của ngàn vạn hương liệu ấy hợp lại thành bột, thành viên, và thành kem. Người kính giữ Pháp Hoa ở đây mà nghe biết rành rẽ cả.

Lại nghe biết rành rẽ hơi các loại chúng sinh, đại khái như hơi voi ngựa, hơi bò dê; hơi nam, hơi nữ, hơi đồng nam, hơi đồng nữ. Cỏ cây lùm rừng hoặc xa hoặc gần, có hơi gì cũng nghe được hết, phân biệt không sai.

Người kính giữ Pháp Hoa dẫu ở đây mà cũng nghe được các hơi trên chư thiên, như hơi cây ba lỵ chất đa la, hơi cây câu bệ đà ra; hơi hoa mạn đà và đại mạn đà, hơi hoa mạn thù và đại mạn thù; hơi đàn hương, hơi hương trầm thủy, và hơi bột các hương liệu này; hơi các loại hoa xen nhau; và hơi của các loại hơi trên chư thiên này hợp lại phát ra, đều nghe biết cả.

Lại nghe hơi thân chư thiên: hơi thân Đế Thích lúc vui thú năm thứ dục lạc nơi Thắng điện, lúc thuyết pháp cho chư thiên Đao lợi nơi Diệu pháp đường, lúc dạo chơi nơi các vườn. Hơi thân nam nữ chư thiên khác cũng xa nghe cả. Tuần tự đến Phạn thế, và lên đến Hữu đỉnh, hơi thân chư thiên các nơi này cũng nghe được cả.

Lại nghe hơi các hương liệu được đốt lên của chư thiên. Cho đến hơi các thân thanh văn, thân duyên giác, thân bồ tát và thân Phật đà, cũng xa nghe được, và biết được các thân ấy ở đâu. Tuy nghe hết các hơi như vậy mà tỹ căn không hỏng, và muốn phân tích nói cho người khác thì nhớ không sai.

Đức Thế Tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây:

(22) Người giữ Pháp Hoa
tỹ căn trong suốt,
hơi thơm hơi thối
trong thế giới này,
tất cả các loại
đều ngửi biết cả.
(23) Hơi hoa tu man
và hoa xà đề;
hơi các hương liệu
đa ma la bạt,
đàn hương, trầm thủy,
cùng với hơi quế;
hơi các thứ hoa
và các thứ trái;
(24) hơi bao chúng sinh,
hơi nam, hơi nữ;
người giảng Pháp Hoa
ở xa vẫn nghe
các hơi như vậy
và biết ở đâu.
(25) Các vị luân vương
thế lớn thế nhỏ,
vương tử quần thần
và các cung thân
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(26) Các thứ vàng ngọc
được mang nơi thân,
các kho vàng ngọc
nằm trong lòng đất,
vàng ngọc nơi thân
bảo nữ luân vương,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(27) Những đồ trang sức
nơi thân mọi người,
như là y phục,
vòng hoa, hương xoa,
cũng nghe hơi cả
và biết thân ấy.
(28) Chư thiên đi, ngồi,
giải trí, biến hoá,
người giữ Pháp Hoa
nghe hơi biết cả.
(29) Hơi hoa, trái, hạt
của các loại cây,
hơi thơm của bơ,
của các thứ dầu,
người giữ Pháp Hoa
ở vị trí mình
cũng nghe biết cả
và biết ở đâu.
(30) Ở trong thung lũng
của bao núi non,
mà cây đàn hương
khi hoa nở ra,
cùng với sinh vật
ở những chỗ ấy,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(31) Sinh vật ở trong
thiết vi, biển cả,
và cả trong đất,
người giữ Pháp Hoa
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(32) Nam nữ tu la
và thân quyến họ
những khi tranh đấu
hay lúc giải trí,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(33) Đồng nội mênh mông
núi rừng hiểm trở,
có những loài thú
loại như sư tử
voi, cọp và sói,
bò rừng, trâu rừng,
cũng nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(34) Bào thai đang mang
chưa phân nam nữ,
chưa biết đủ thiếu
tất cả bộ phận,
chưa rõ là người
hay không phải người,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(35) Cũng vì nghe hơi,
biết thai mới có
thành hay không thành,
thành mà yên ổn
sinh ra có phước
hay là trái lại.
(36) Cũng vì nghe hơi
mà biết nam nữ
nghĩ tưởng những gì:
nghĩ đến dục vọng,
si mê, tức giận;
hay nghĩ sửa mình
theo các pháp lành,
cũng nghe biết cả.
(37) Các loại kho báu
ẩn trong lòng đất,
loại như bạc vàng
và bao thứ quí,
cùng đồ kim khí
chứa những thứ ấy,
đều nghe hơi cả
và biết ở đâu.
(38) Đến như tất cả
các thứ chuỗi ngọc,
không ai biết được
giá trị mức nào,
cũng nghe hơi cả
và biết quí không,
biết cả xuất xứ
cùng với chỗ ở.
(39) Tất cả loại hoa
của trên chư thiên,
như hoa mạn đà
như hoa mạn thù
và hoa của cây
ba lỵ chất đa,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(40) Bao nhiêu cung điện
của trên chư thiên,
cao, thấp, trung bình,
các loại khác nhau,
và bao hoa ngọc
trang hoàng ở đó,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(41) Vườn rừng chư thiên,
tòa nhà Thắng điện,
cùng với lâu đài
tên Diệu pháp đường,
chúa trời Đế Thích
du ngoạn trong đó,
vui thú ngũ dục,
hay là thuyết pháp,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(42) Chư thiên nghe pháp
hoặc hưởng ngũ dục,
qua lại đi đứng
hay là nằm ngồi,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(43) Thiên nữ khoác mặc
những y phục gì,
trang sức hoa đẹp
và hương thơm nào,
du ngoạn giải trí
hay đang ở đâu,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(44-Tuần tự như vậy
45) từ trời Đao lợi
mà lên cho đến
các trời Phạn thế,
tại đây những ai
vào thiền xuất thiền,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
Quang âm, Biến tịnh,
cho đến Hữu đỉnh,
lúc mới sinh ra
hay lúc thoái đọa,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(46) Chúng chư tỷ kheo
và các chúng khác
đối với pháp Phật
thường xuyên tinh tiến:
hoặc là tọa thiền
hoặc là kinh hành,
hoặc đọc hoặc tụng
các loại kinh pháp;
(47) hoặc ở núi rừng
dưới gốc cây lớn,
hết lòng tinh chuyên
ngồi tu thiền quán;
những người kính giữ
Diệu Pháp Liên Hoa
cũng đều nghe hơi
và biết chỗ nào.
(48) Chúng chư bồ tát
trí nhớ vững chắc,
ngồi mà thiền quán
mà đọc hoặc tụng,
hay là giảng nói
kinh pháp cho người,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(49) Khắp mọi quốc độ
chư Phật Như Lai
được bao bộ chúng
tôn kính bao quanh,
các ngài thương tưởng
thuyết pháp cho họ,
cũng được nghe hơi
và biết rõ cả.
(50) Trước chư Phật ấy,
chúng sinh nghe pháp,
vui mừng với pháp,
đúng pháp mà tu,
cũng đều nghe hơi
và biết rõ cả.
(51) Dẫu rằng chưa được
tỷ căn bồ tát _
tỷ căn phát sinh
bởi pháp thuần khiết,
người giữ Pháp Hoa
đã thành tựu trước
những sắc thái này
nơi tỷ căn thường.

Thường tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của lưỡi. Tốt hay xấu, ngon hay dở, đắng với chát, ở trên lưỡi của người này đều biến thành mùi thượng hạng như mùi cam lộ của chư thiên, không có thứ gì không ngon. Nếu đem lưỡi ấy giảng nói gì ở giữa công chúng đông đảo, thì xuất ra âm thanh sâu xa tuyệt diệu, đi vào con tim, làm cho ai cũng hoan hỷ thích thú.

Thiên tử thiên nữ, Đế Thích Phạn Vương, nghe âm thanh sâu xa tuyệt diệu ấy giảng nói rất thứ lớp, nên ai cũng muốn đến làm thính giả; long và long nữ, dạ xoa và dạ xoa nữ, càn thát bà và càn thát bà nữ, a tu la và a tu la nữ, ca lâu la và ca lâu la nữ, khẩn na la và khẩn na la nữ, ma hầu la dà và ma hầu la dà nữ, vì nghe pháp mà tất cả cùng đến thân gần, tôn kính, hiến cúng.

Tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di; quốc vương và vương tử, quần thần, tùy thuộc; tiểu luân vương và đại luân vương, những người trong bảy người vật quí báu, ngàn người con và thân quyến nội ngoại của luân vương, cùng đi xa giá như cung điện của mình mà đến nghe pháp. Pháp sư bồ tát này khéo thuyết pháp nên phạn chí, cư sĩ, và dân chúng cả nước, suốt đời theo hầu và hiến cúng.

Chư vị thanh văn, duyên giác, bồ tát, và chư vị Phật đà, thường thích thấy vị ấy. Vị ấy ở phương hướng nào thì chư vị Phật đà xoay lại phương hướng này mà thuyết pháp, và vị ấy có năng lực tiếp nhận ghi nhớ hết các pháp của chư Phật như vậy, lại có năng lực xuất ra tiếng nói sâu xa và tuyệt diệu mà tuyên thuyết pháp ấy.

Đức Thế Tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây:

(52) Diễn giảng Pháp Hoa
thì lưỡi trong suốt,
không khi nào bị
mùi vị bất hảo.
Người diễn giảng ấy
ăn uống thứ gì
cũng đều biến thành
mùi vị cam lộ.
(53-Thiện dụng tiếng nói
54) sâu xa tuyệt diệu,
người ấy thuyết pháp
ở giữa các chúng;
với những yếu tố
cùng những ví dụ,
người ấy hướng dẫn
tâm trí chúng sinh,
làm cho người nghe
ai cũng hoan hỷ,
và thiết những cách
hiến cúng cao thượng.
(55) Tất cả tám bộ
chư thiên long thần
đem lòng tôn kính
mà đến nghe pháp.
(56) Người thuyết pháp ấy
muốn tiếng tuyệt diệu
lan khắp thế giới,
thì cũng tùy ý
muốn tiếng đến đâu
là đến được liền.
(57) Luân vương lớn nhỏ,
ngàn con, thân quyến,
chắp tay kính trọng
thường đến nghe pháp.
(58) Chư thiên, long chúng
dạ xoa, la sát,
cả tỳ xá xà,
cũng đều hoan hỷ,
thường xuyên vui thích
đến mà phụng sự;
(59) Phạn vương, Ma vương,
Tự tại thiên tử,
và Đại tự tại,
chư thiên như vậy
càng thường đến chỗ
người thuyết pháp ấy.
(60) Chư vị Phật đà
cùng với đệ tử
nghe tiếng người ấy
diễn giảng diệu pháp,
thì thường thương tưởng
và giữ gìn cho,
có lúc hiện thân
cho người ấy thấy.

Thường tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được tám trăm phẩm chất tốt của thân.

Người ấy được cái thân trong suốt như khối lưu ly, chúng sinh ai cũng thích nhìn. Vì thân trong suốt nên chúng sinh cả đại thiên thế giới khi sinh khi chết, bậc cao bậc thấp, hoặc đẹp hoặc xấu, sinh chỗ lành sinh chỗ dữ, tất cả đều hiện nơi thân ấy.

Thiết vi và đại thiết vi, di lâu và đại di lâu, những núi như vậy, và sinh vật trong đó, đều hiện nơi thân này. Dưới đến ngục Vô gián, trên đến trời Hữu đỉnh, bao nhiêu chúng sinh và những gì có trong đó, đều hiện trong thân này.

Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật đà thuyết pháp, thì những hình ảnh như vậy cũng hiện nơi thân này.

Đức Thế Tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây:

(61) Người giữ Pháp Hoa
thân rất trong suốt,
như khối lưu ly
cực kỳ trong suốt,
các loại chúng sinh
ai cũng thích nhìn.
(62) Như mặt gương sáng
hiện đủ hình ảnh,
chính nơi thân mình
bồ tát pháp sư
thấy hết những gì
thế giới này có_
mình tự thấy rõ,
người không nhìn ra.
(63) Đại thiên thế giới
hết thảy chúng sinh:
chư thiên nhân loại
cùng với tu la,
địa ngục ngạ quỉ
cùng với súc sinh,
bao hình ảnh này
hiện trong thân ấy.
(64) Cung điện chư thiên
từ tầng dưới hết
sắp lên cho đến
tầng trời Hữu đỉnh;
thiết vi, di lâu,
cùng đại di lâu,
và các đại dương
cùng bao dòng nước,
đều hiện hình ảnh
nơi trong thân ấy.
(65) Chư vị Phật đà
cùng với Thanh văn
và bao con Phật
là các Bồ tát,
mà lúc đơn độc
hay lúc thuyết pháp
ở giữa các chúng,
đều hiện trong đó.
(66) Dẫu rằng chưa được
cái thân mầu nhiệm
là thân pháp tánh
tuyệt đối thuần khiết,
chỉ là cái thân
thường và trong suốt
mà bao hình ảnh
đều hiện trong đó.

Thường tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào, sau khi Như Lai nhập diệt, đối với Pháp Hoa mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người và sao chép ấn hành..., thì được một ngàn hai trăm phẩm chất tốt của ý. Với ý trong suốt như vậy thì đến nỗi chỉ nghe một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa cũng thông suốt nghĩa lý vô biên.

Thông suốt như vậy rồi lại có khả năng giảng nói một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa ấy đến một tháng, bốn tháng, cho đến cả năm, và những gì người này giảng nói thì vì ý nghĩa hướng về thật tướng, nên không trái ngược với thật tướng ấy. Người này nếu phải nói đến học thuyết thế gian, lý thuyết chính trị, công nghiệp dân sinh, và những gì cùng loại, thì cũng biết nói cho hợp với Phật pháp.

Cả đại thiên thế giới, sáu loài chúng sinh nghĩ gì, nghĩ để làm gì, nghĩ để bàn gì, người này biết hết. Dẫu chưa được tuệ giác thuần khiết, ý của người này đã trong suốt đến như thế ấy. Người này nghĩ gì, tính gì, và nói gì, cũng đều trung thực với pháp của Như Lai đã dạy chứ không có gì không trung thực, lại cũng trung thực với pháp đã được nói đến trong kinh của các đức Phật trước.

Đức Thế Tôn lặp lại ý nghĩa này bằng những lời chỉnh cú sau đây :

(67) Người giữ Pháp Hoa
thì ý trong suốt,
lanh lợi thông minh
không có vẩn đục.
Chính do cái ý
tuyệt diệu như vậy,
biết hết các pháp
cao, thấp, trung bình.
(68) Đến nỗi chỉ nghe
một bài chỉnh cú
mà cũng thông đạt
vô lượng nghĩa ý,
lại còn tuần tự
diễn đạt chính xác
suốt trong một tháng
một mùa, cả năm.
(69) Toàn thể trong ngoài
đại thiên thế giới,
các loại chúng sinh
như trời với người,
dạ xoa, quỉ thần,
và bao loài khác,
(70) tất cả sáu loài
nghĩ tưởng những gì,
thì cái quả báo
người giữ Pháp Hoa
là trong một lúc
mà biết rõ cả.
(71) Vô lượng Phật đà
khắp cả mười phương --
những bậc tướng quí
trăm phước trang nghiêm,
tuyên thuyết diệu pháp
cho bao chúng sinh,
người này nghe, nhận,
và nhớ được cả.
(72) Lại suy nghĩ ra
rất nhiều nghĩa ý
và diễn nói được
trong nhiều thì gian,
nhưng đầu đến cuối
không quên không lầm.
Kính giữ Pháp Hoa
nên được như vậy.
(73) Biết hết chi tiết
của các diệu pháp,
biết theo ý nghĩa
mà thấy thứ tự,
biết rành ngữ văn
và cách diễn đạt,
người ấy diễn giảng
đúng như đã biết.
(74) Người như thế này
diễn giảng những gì,
không những trung thực
với pháp Như Lai,
mà còn trung thực
với pháp Phật trước;
và chính là vì
diễn giảng pháp ấy,
nên giữa các chúng
không e sợ gì.
(75) Người nào kính giữ
Diệu Pháp Liên Hoa
thì được cái ý
trong suốt đến thế,
nên tuy chưa được
tuệ giác thuần khiết
mà đã có trước
những sắc thái trên.
(76) Người này kính giữ
Diệu Pháp Liên Hoa,
thế là đứng nơi
vị trí hiếm có,
được bao chúng sinh
hoan hỷ kính mến,
và có năng lực
vận dụng ngàn vạn
những cách diễn đạt
rất là khéo léo,
phân tích thuyết pháp
cho bao chúng sinh.
Ấy là toàn nhờ
kính giữ Pháp Hoa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/01/2019(Xem: 6329)
Cư sĩ Nguyên Giác vừa cho xuất bản cuốn Kinh Nhật Tụng Sơ Thời mà theo sự nghiên cứu của các học giả đây là những lời dạy (kinh ) cổ xưa nhất của Đức Phật được các đệ tử ghi lại bằng thơ và học thuộc lòng vì lúc đó chưa có chữ viết. Theo Thư Viện Hoa Sen, căn cứ vào các nguồn sử liệu Tích Lan, thì những lời dạy của Ngài được viết thành văn vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch để hình thành kinh điển Pali. Tác giả dẫn chứng kinh điển này có thực khi “Trong Kinh Sona Sutta (Kinh Ud 5.6), có nói về Kinh Nhật Tụng 16 Chương mà ngài Sona đọc, khi được Đức Phật yêu cầu đọc Phật Pháp, trích dịch: “Đức Thế Tôn mời Thượng tọa Maha Sona, và nói, "Tỳ khưu, tôi muốn ông đọc lên Chánh Pháp. Xin vâng lời, Thượng tọa Maha Sona đọc toàn bộ 16 chương Atthaka Vagga.” Bản Anh dịch Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya Chương 005. Mahāyaññavaggo, Kinh 5.10 Nandamātāsuttaṃ) của Ni Trưởng Sister Upalavanna cũng có một kinh ghi rằng nữ cư sĩ Velukantaki Nanda mỗi rạng sáng đều tụng đọc lớn tiếng nhóm 16 k
26/10/2018(Xem: 6131)
Lễ Pháp Hoa Kinh mỗi chữ một lạy, chủ lễ Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, tối thứ sáu, 26-10-2018, www.quangduc.com
23/09/2018(Xem: 8494)
Audio: Sanh Thiên Chứng Quả (Cổ Tích Ấn Độ cách đây 2500 năm), Hòa Thượng Thích Huyền Tôn dịch ra tiếng Việt, do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng diễn đọc
20/08/2018(Xem: 6479)
Kinh Vu Lan Báo Hiếu Giọng tụng: TT Thích Phổ Hương
07/08/2018(Xem: 55484)
Audio mp3: Đường Xưa Mây Trắng Tác giả: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Diễn đọc: Phật tử Chiếu Thành
08/02/2018(Xem: 16790)
Video bài giảng: Kinh Pháp Cú Phẩm Hình phạt 01 HT Thích Minh Hiếu giảng 04-02-2018
20/01/2018(Xem: 7167)
Chương Trình Hương Từ Bi - số 244- ngày 20/01/2018 Chủ đề: Audio Book Kinh Pháp Hoa - Phẩm 11 Giảng sư: Hòa Thượng Thích Thanh Từ Diễn đọc: Gia Hiếu Thành viên thực hiện: Phương Thảo, Thiên Mãn, Tuyết Loan, Lê Tâm.
17/01/2018(Xem: 14064)
Sách nói: Am Mây Ngủ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
13/01/2018(Xem: 7014)
Chương Trình Hương Từ Bi - số 23- ngày 13/01/2018 Chủ đề: Audio Book Kinh Pháp Hoa - Phẩm 3 Giảng sư: Hòa Thượng Thích Thanh Từ Diễn đọc: Gia Hiếu Thành viên thực hiện: Phương Thảo, Thiên Mãn, Tuyết Loan, Lê Tâm.
08/01/2018(Xem: 12425)
Kinh Tụng: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, giọng tụng: ĐĐ Thích Liễu Nguyên, Chùa Việt Nam, Los Angeles, USA
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567