Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

66. Điểm sách Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe (Nguyên Đạo Văn Công Tuấn dịch)

17/06/201408:53(Xem: 21821)
66. Điểm sách Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe (Nguyên Đạo Văn Công Tuấn dịch)

Điểm sách

Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe. Nếp Chùa Việt trên đất khách

Vom Mekong an die Elbe Buddhistisches Klosterleben in der vietnamesischen Diaspora.

Đức ngữ: Nguyễn Tiến Đức

Dịch ra Việt ngữ: Nguyên Đạo Văn Công Tuấn

blank

Hiện nay có khoảng 140.000 người gốc Việt Nam đang sinh sống tại nước Đức, trong số đó có khoảng 90.000 người mang quốc tịch Việt. Cho dù họ đến Đức bằng con đường thuyền nhân tỵ nạn hay qua cách hợp tác lao động, người Việt đều mang trong mình một nền văn hóa chung và đạo Phật là một trong những ảnh hưởng lớn trên nền văn hóa đó. Truyền thống văn hóa ấy được duy trì và phát huy trong từng gia đình, trong từng cộng đồng hay trong những ngôi Chùa ở địa phương. Từ trước tới nay rất ít tác phẩm nào viết bằng tiếng Đức về sự tín ngưỡng của người Việt Nam và truyền thống đạo Phật của họ. Những công trình nghiên cứu về Phật Giáo Việt Nam cũng rất hiếm hoi. Chính vì thế cuốn sách „Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe. Nếp Chùa Việt trên đất khách, Vom Mekong an die Elbe. Buddhistisches Klosterleben in der vietnamesischen Diaspora“ là một là tác phẩm bù đắp lại khoảng trống đó. Cuốn sách này nghiên cứu về lịch sử và nguồn gốc của Phật Giáo ở Việt Nam, lấy ví dụ từ thành phố Hamburg để diễn tả những khó khăn mà người Việt Nam đã vất vả, bền bỉ xây dựng ngôi Chùa Bảo Quang. Cuốn sách tả cuộc sống hàng ngày của các Sư cô và miêu tả các nghi lễ trong chùa. Ngoài ra sách còn giải thích sự khác biệt giữa những Phật Tử người Việt và Phật Tử người Đức.

Hai tác giả Olaf Beuchling và Văn Công Tuấn đã làm một mẫu mực khi viết cuốn sách này bằng hai ngôn ngữ Đức và Việt. Họ không những miêu tả được cách nhìn từ bên ngoài vào mà còn có cả cách nhìn của những người trong cuộc của cộng đồng người Việt Nam trên đất Đức. Niềm ước mong của hai tác giả là tả lên được một Nếp Chùa Việt trên Đất khách, truyền bá cho mọi người hiểu biết được về Phật Giáo Việt Nam và biết được các sinh hoạt hàng ngày của các Sư Cô trong chùa. Ngoài ra sách còn là một tài liệu ghi lại lịch sử về quá trình hình thành Cộng đồng Phật Giáo của người Việt Nam trên đất khách, để cho các thế hệ sau của người Việt Nam trên nước Đức cũng như sinh sống ở các nước khác bên kia đại dương (tr. 148). Như đã được nói ở phần trên cuốn sách được ra đời do sự hợp tác của hai tác giả người Đức và người Việt, nguyên tắc này được hai tác giả rất tôn trọng. Chính vì thế họ mời được hai nhân vật nổi tiếng là Giáo sư Tiến sĩ Michael Zimmermann, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học của Viện Đại Học Hamburg và Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác - ngôi Chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên nước Đức - để viết Lời Giới Thiệu cho cuốn sách. Trong Lời Giới Thiệu, giáo sư Tiến sĩ Zimmermann hy vọng rằng cuốn sách sẽ là một bước khởi đầu góp phần đưa Phật Giáo Việt Nam chuyển mình ra khỏi bóng mờ của chính mình trong các công trình nghiên cứu khoa học, có vị trí xứng đáng trong tôn giáo và xã hội của Đức (tr. 139-141). Hòa Thượng Thích Như Điển ví sự đa nguyên tôn giáo ở Đức như một vườn hoa mà Phật Giáo là hoa sen. Hoa sen sẽ góp hương cho vườn hoa tôn giáo của Đức đẹp hơn và thơm hơn (tr. 142-144).

Chương một „Dẫn nhập“ đưa độc giả trước tiên đến khu phố mà Chùa đã được xây dựng lên ở đây. Chương này đưa độc giả đi thăm quan khu công nghiệp Billbrook Hamburg. Từ đó chương mở đầu về đề tài chính của Phật giáo Việt Nam trên đất khách cũng như về địa điểm của ngôi Chùa này. Hai tác giả cho biết rằng, ở một thành phố cảng phong phú và giàu có như Hamburg thì sự đa dạng về tôn giáo được tỏ ra rất rõ nét. Cuốn sách chỉ nghiên cứu và viết lên được một phần nhỏ của sự đa dạng tôn giáo của nước Đức qua ví dụ từ thành phố này mà thôi (tr. 145).

Chương hai „Tôn Giáo Toàn Cầu Hóa và Phật Giáo Ly Hương“ nghiên cứu và giải thích về quá trình Phật Giáo Toàn Cầu Hóa. Tương tự như lý thuyết của ông Giáo sư Martin Baumann về quá trình phát triển Phật Giáo, nó bao gồm bốn thời kỳ mà bây giờ người ta có thể nói là thời kỳ Phật Giáo Toàn Cầu Hóa. Nhiều dữ kiện về văn hóa, xã hội, kinh tế và truyền tin đã chứng minh cho sự kiện Phật Giáo Toàn Cầu Hóa này. Tất nhiên khi nghiên cứu về Phật giáo Toàn Cầu Hóa các tác giả có gặp một số trở ngại khó khăn về các dữ kiện về số lượng Phật tử hay nơi sinh sống của họ (như hiện giờ có bao nhiêu Phật tử trên thế giới? Bao nhiêu Phật tử sống ở nước Đức?). Ngoài ra chương này cũng nghiên cứu sâu về Phật Giáo ở nước Đức, tìm hiểu những dị biệt và tương đồng của hai nhóm Phật tử: các Phật tử từ nước ngoài di dân đến Đức và các Phật tử là người bản xứ. Chương này cũng tả lên quang cảnh đa nguyên tôn giáo của thành phố Hamburg.

Chương ba phân tích về đạo Phật của người Việt Nam trên đất khách. Trước hết chương này miêu tả quá trình lịch sử Phật Giáo Việt Nam cũng như tình hình Phật Giáo hiện nay tại Việt Nam. Tất nhiên đạo Phật cũng như các tín ngưỡng của người Việt Nam không phải là một đạo khép kín chặt chẽ mà có tính cách phóng khoáng chấp nhận các đạo và các tín ngưỡng khác nữa. Sau đó tác giả đưa ra những tài liệu và bình luận về các thông số của các Tôn giáo ở Việt Nam mà đã được nhà nước công bố. Đoạn cuối của chương này qua tiêu đề „Dấn bước tha hương: Quá trình toàn cầu, Bối cảnh địa phương“ miêu tả nhiều hoàn cảnh của người Việt Nam sống ở nước ngoài. Một bảng thống kê các dữ kiện chính về số lượng những người Việt Nam sống ở đất khách được nêu ra ở đây và chỉ chọn lọc ở các nước tiêu biểu.

Chương bốn mang tựa đề „Tha Hương bên bờ sông Elbe“ mô tả về lộ trình và động cơ của hàng chục ngàn người Việt tỵ nạn đã đặt chân tới Đức. Đề tài về nhóm người tỵ nạn nhân đạo này không phải là một đề tài trọng tâm chỉ trong chương này mà còn rải rác khắp nơi trong toàn cuốn sách. Tiếp theo đó là phần mô tả về người Việt ở Hamburg với đầy đủ những số liệu thống kê, những hình ảnh của họ trên các phương tiện truyền thông và đại chúng cũng như những bước đầu của những người tỵ nạn này ở khu vực Hamburg-Jenfeld. Đó cũng chính vì lý do ấy mà ngôi Phật đường đầu tiên này đã có mặt tại đây.

Chương năm mô tả chi tiết về quá trình thành lập Chùa Bảo Quang. Đầu tiên chương sách viết về những hoạt động của Phật Giáo Việt Nam, về tiểu sử của Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, người từ những ngày đầu tiên đã tổ chức xây dựng các sinh hoạt tôn giáo tại địa phương Hamburg này, và cho đến bây giờ là vị lãnh đạo của ngôi Già lam ở đây. Tiếp theo là quá trình hình thành và xây dựng của ngôi Chùa qua nhiều giai đoạn khác nhau, bắt đầu ở Hamburg-Jenfeld (1984-1986), Hamburg-Horn (1987-1990), Hamburg-Billstedt (1991-2008) đến hôm nay ở Hamburg-Billbrook (từ 2008 đến nay). Chương sách mô tả về nhu cầu tu tập của Phật tử ngày càng cao, đòi hỏi những cơ sở vật chất rộng rãi hơn. Ở đây sách cũng nói về những khó khăn về các quy chuẩn xây dựng ở Đức mà những Phật tử đã gặp phải và việc Bộ Xây Dựng nhiều lần từ chối dự án sửa Chùa. Sau đó một kiến trúc sư người Đức (và cũng là Phật tử) đã giúp đỡ và can thiệp để Chùa có được giấy phép của Bộ Xây Dựng cho sửa chữa ngôi Chùa.

Chương sáu nói về một Nếp sống nhà Chùa trong một tu viện Phật Giáo. Chương này miêu tả rõ những sinh hoạt bên trong của một tu viện, giải thích những thuật ngữ Phật Giáo và nói rõ về hệ thống tổ chức sinh hoạt của Phật Giáo Việt Nam. Chương sách này cũng nói về những buổi Lễ cũng như những ngày Lễ quan trọng nhất.

Chương bảy mang tựa đề là „Tóm tắt và Kết Luận“. Trong chương này hai tác giả đã dẫn chứng cho giới nghiên cứu rõ hơn về những quan điểm khác biệt giữa Phật tử Việt Nam và Phật tử Tây phương. Các tác giả đã xử dụng các thuật ngữ „Phật tử thẩm thấu - enkulturierte Buddhisten“, „Phật tử hội nhập - akkulturierte Buddhisten“ và „quá trình chuyển hóa - transkulturelle Prozessen“ để giải thích thêm về những hiện tượng này.

Đối với những chuyên gia người Đức, muốn thu thập đầy đủ những dữ kiện và tư liệu về những nhóm người di dân nói chung trong một tầm vóc đầy đủ tính hệ thống khoa học thật là một điều khó thực hiện được. Hơn nữa bản tính người Việt Nam thường rất e dè thận trọng khi phát biểu về cuộc sống cá nhân riêng tư của họ, trừ phi họ gặp những đối tượng mà họ hoàn toàn tin tưởng. Nhà nghiên cứu xã hội học Tiến sĩ Olaf Beuchling đã rất thành công trong việc miêu tả cộng đồng tôn giáo này, kể cả từ góc độ khách quan cho đến góc nhìn chủ quan nội bộ. Những tác phẩm của ông đã minh chứng hùng hồn rằng, ông đã tiếp cận được với cộng đồng người Việt và đã được họ tin tưởng nơi ông. Cùng với một đồng nghiệp người Việt Nam, ông Kỹ sư Văn Công Tuấn, hai tác giả đã thiết lập được một mẫu mực: từ hai quan điểm và hai hậu cảnh khác nhau để kiểm tra và bổ sung cho nhau. Cuốn sách được xuất bản bằng cả tiếng Đức (tr.9-118) và tiếng Việt (tr.131-233). Hình thức song ngữ này rất ít thấy trong các tác phẩm nghiên cứu hay văn học. Việc xuất bản sách song ngữ tạo thế thuận lợi cho độc giả Việt Nam không những chỉ ở nước Đức mà cả cho công đồng người Việt trên toàn thế giới. Khoảng giữa hai phần của cuốn sách còn có thêm 29 bức ảnh, chủ yếu là ảnh màu có ghi lời chú thích thuyết minh rất rõ ràng. Mặc dầu cuốn sách là một tác phẩm theo tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học nhưng ngôn ngữ trình bày trong sách tương đối dễ đọc dễ hiểu, bởi thế nó không phải chỉ dành cho giới nghiên cứu mà ngay cả những độc giả có quan tâm đến đề tài này vẫn có thể đọc được. Trong sách có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn, cả tiếng Đức lẫn tiếng Việt, nhưng ông Văn Công Tuấn đã rất tài tình xử dụng những từ ngữ, vừa gói trọn được những ý nghĩa chuyên môn nhưng về mặt ngôn ngữ cũng rất văn hoa bóng bẩy, chuyên chở được hết tất cả những lời văn và ý nghĩa bên trong.

Từ lâu nay nhiều người Việt Nam vẫn mong muốn có một tài liệu để giới thiệu cho những người bạn Đức, hay cả cho con cái của chính họ, về văn hóa và tôn giáo của người Việt Nam. Thì đây, cuốn sách song ngữ này ra đời để đáp ứng đúng niềm mong ước đó. Do đó, đây là một món quà lý tưởng để những người Việt Nam có thể tặng bạn bè người Đức hay cho chính con cái của mình. Có điều tiếc là ở trang bìa không thấy in tiêu đề bằng tiếng Việt, nó sẽ mất đi một hiệu ứng quảng cáo cho độc giả người Việt Nam, nếu họ không biết tiếng Đức [Chú thích của Tòa soạn Tạp chí IDE-Journal: đúng vậy, trong số 100 ấn bản đầu tiên thiếu phần nhan đề tiếng Việt. Những ấn bản sau, mà hiện nay được bày bán tại các hiệu sách đều đã có nhan đề tiếng Việt].

Cuốn sách mang giá trị là một công trình nghiên cứu rất thâm thúy, giới thiệu những tin tức quan trọng từ phía nhìn nội bộ và những thông tin giá trị về Phật Giáo ở nước Đức cũng như về Phật Giáo Việt Nam nơi đất khách quê người. Tác phẩm đó không những giúp người ta mở mang trí tuệ mà còn thể hiện sự tôn trọng và kính nể những người có nền văn hóa và tôn giáo khác.

Người viết phê bình: Nguyễn Tiến Đức

Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nhà nước về Hội nhập của Tiểu Bang Sachsen-Anhalt Đức Quốc.

Nhân viên của Hội Caritas tỉnh Magdeburg.

Tác giả cuốn sách: Các Đặc điểm Văn hóa của người Việt ở Đức. Cẩm nang Hướng dẫn Đối thoại Đức Việt.

(Bài điểm sách này được trích từ Tạp Chí International Dialogues on Education: Past and Present . IDE – Online Journal – Volume 1 52014. S.108-111

(Đối Thoại Quốc Tế về Giáo Dục: Quá Khứ và Hiện Tại).

Hamburg: Abera Verlag. Paperback, 234 Seiten, 29 Farbfotos, 6 Tabellen. ISBN 978-3-939876-08-3, 19,95 €.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2013(Xem: 11195)
Hình chụp ngày 7-7-2010. Hình ảnh Công Trình Xây Dựng Chánh Điện Tu Viện Vạn Hạnh tại thủ đô Canberra, Úc Châu do HT Thích Quảng Ba khai sáng và xây dựng ...
24/06/2013(Xem: 15904)
Chùa Phật Quang là được xem là Chùa gỗ tại Melbourne, và là một ngôi chùa Phật giáo duy nhất ở vùng West Footscray, được Ni Sư Chân Kim thành lập vào năm 1991, sau một năm Ni Sư đến định cư tại Úc. Ni Sư là đệ tử của Sư Bà Huyền Tông, Chùa Bình Quang, Phan Thiết và là đệ tử cầu pháp của Trưởng Lão HT Thích Tâm Châu, Thượng Thủ GHPGVN Trên Thế Giới. Lúc đầu Chùa được thành lập với dạng "cải gia vi tự" với một ngôi nhà 3 phòng ở số 176 Rupert St, West Footscray, Vic 3011. Sau một thời gian sinh hoạt, với số lượng Phật tử ngày càng đông, nên Chùa đã tạo mãi thêm 2 căn hộ sát bên cạnh để mở rộng cảnh quan và đáp ứng nhu cầu thiết thực cho Phật tử các giới, do đó diện tích tổng quát của Chùa hiện nay là 2000m2.
24/06/2013(Xem: 9635)
Ngôi tu viện Phật giáo vùng Tây Bắc của tiểu bang Victoria được Thượng tọa Thích Tâm Phương khai sơn từ năm 1990. Ban đầu tu viện tọa lạc ở vùng Fawkner. Đến năm 1995, tu viện mua lại ngôi trường tiểu học Fawkner cũ có diện tích 8.000 m2 và xây dựng thành ngôi tu viện mang tên Bồ tát Thích Quảng Đức từ năm 1997 đến năm 2003. Công trình do kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành thiết kế theo kiểu chữ “Công” mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông. Đại lễ khánh thành được tu viện tổ chức vào ba ngày 10, 11 và 12/10/2003.
24/06/2013(Xem: 10100)
Khoá Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 18 (tổ chức tại Tostedt, Đức Quốc, từ 28-7 đến 5-8-2006) Nhiếp ảnh & trình bày: ĐĐ Viên Duy, Sa Di Vạn Ân, Quảng Trì, Diệu Lý, Phổ Trí
24/06/2013(Xem: 8798)
Tu Viện Vạn Hạnh, do HT.Thích Quảng Ba tạo lập tại thủ đô này vào đầu năm 1984, chỉ vài tháng, sau khi Ngài rời trại tỵ nạn Mã Lai để đến định cư tại Úc. Trong 4 năm đầu tiên, rất nhiều khó khăn, Tu viện Vạn Hạnh đã di chuyển sinh hoạt trong một căn hộ thuê nhỏ hẹp. Năm 1987, theo đơn xin dưới đạo luật Church Land Leases Ordinance 1921, Hội Phật Giáo Việt Nam Thủ Đô Canberra do hai Thầy Quảng Ba và Thầy Quảng Trừ làm Chánh/Phó Hội Trưởng Đại Diện, được chính phủ Liên Bang hiến tặng một miếng đất rộng 16,650m2. Năm 1988, từ hai bàn tay trắng, HT Quảng Ba cùng chư Tăng Ni và các Phật tử thuần thành đã quyết định tiến hành việc xây cất một Trung tâm Tu Học Phật Giáo trên mảnh đất này. Đó là một ước mơ mà Thầy đã ấp ủ từ lâu, cùng lúc, vừa phải tiếp tục củng cố tổ chức còn đơn sơ, vừa lo tu tập, lo việc hoằng pháp, từ thiện, giao tế, cứu giúp Giáo Hội quê nhà, vừa lo tổ chức tu học cho Phật tử địa phương và các nơi v.v…
24/06/2013(Xem: 13781)
HT. Thích Tịnh Minh, 123 Craigiciea Ave, St. Albans, VIC 3021, Tel: 03. 9864 0539
24/06/2013(Xem: 17396)
Khai sơn: Hòa Thượng Thích Như Huệ, Trụ Trì:ĐĐ Thích Viên Trí, 20 Butler Ave, Pennington, SA 5013, Tel: (08) 8847 8477,
24/06/2013(Xem: 9259)
Thượng Tọa Thích Minh Đức, 14 North Cliff Street, Ansonia, CT 06401, Phone: (203) 366-3477, Fax: (203) 736-1740, E-mail: [email protected]
21/06/2013(Xem: 8914)
Hình ảnh sinh hoạt của Phái đoàn hoằng Pháp của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Đại Đức Thích Nguyên Tạng tại Moscow, Nga (ngày 19-7-2006)
18/06/2013(Xem: 11120)
Tôi về chùa Viên Giác tham dự lễ Phật Đản lần này không rõ là lần thứ mấy. Mặc dù nhằm cơn sốt bóng đá tổ chức ngay tại Đức, số lượng Phật tử về chùa vẫn không thay đổi. Vẫn người qua lại tấp nập. Vẫn khói hương nghi ngút trong lẫn ngoài sân chùa. Vẫn các hàng quán bốc lên mùi thơm của bún „bò“ Huế chay, bắp luộc, bún riêu, phở, chè, cháo v.v.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]