Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

36. Những chiếc bao ny-lông… (Văn Công Trâm)

17/06/201407:57(Xem: 21632)
36. Những chiếc bao ny-lông… (Văn Công Trâm)

 Tôi được duyên may quen biết Hòa Thượng Thích Như Điển ngay từ lúc còn cùng mài đũng quần trên ghế trường làng Xuyên Mỹ. Từ nhà ông nội tôi đi đến mương nước dẫn thủy nhập điền, đi thẳng về hướng miểu Cây Kén là đến trường; nếu băng qua mương nước bên tay trái là đến nhà cha mẹ Thầy, sau đó là chùa Hà Linh, nơi chúng tôi cùng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử.

 Đó là hai địa điểm mà tôi đã đi lại nhiều nhất trong những năm tháng tuổi thơ thật bình yên và thơ mộng. Nhưng rồi mấy năm sau tôi lại xuống Hội An để học tiếp năm cuối chương trình tiểu học rồi theo trung học ở trường Trần Quý Cáp. Lúc bấy giờ „chú Như Điển“ theo học ở trường Diên Hồng rồi trường Bồ Đề Hội An. Tuy sống chung trong một phố, nhưng vì nếp sinh hoạt nghiêm ngặt của một tu sĩ trẻ tuổi trong truyền thống già lam miền Trung, và cũng vì đời sống vật chất khó khăn nên chúng tôi ít có cơ hội gặp gỡ nhau. Năm Thầy được chọn vào học trường công lập Trần Quý Cáp thì lúc đó tôi lại đã dời về trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng để sửa soạn thi Tú Tài II. Sau này cả hai chúng tôi vào Sài Gòn, thỉnh thoảng có gặp nhau tại chùa Hưng Long.

 Rồi tôi có nghị định đi du học Tây Đức và hai năm sau nghe tin Thầy đã đi du học tại Nhật Bản. Những năm đầu ở hải ngoại, bận rộn với học trình và cũng vì phải lo tổ chức đời sống ở xứ người nên chúng tôi không có liên lạc với nhau. Tình cờ mùa Hè năm 1974, chúng tôi không hẹn mà cùng về Việt Nam thăm quê hương. Gặp nhau, cũng là một bất ngờ, trên đường Lê Lợi gần công trường Quách Thị Trang. Thầy Như Điển đang hướng dẫn một phái đoàn bốn, năm người Nhật, tôi thì trên đường đi đến Air Việt Nam để mua vé máy bay về quê Đà Nẵng. Thầy vồn vã chào hỏi và nói rằng mới dẫn phái đoàn người Nhật từ Đà Nẵng trở vào. Thầy trao tặng tôi một cái quạt xếp Nhật Bản, rồi chia tay. Tuy thế bắt đầu từ đó việc liên lạc thư từ giữa chúng tôi có phần đều đặn hơn: thăm hỏi, trao đổi những sinh hoạt hằng ngày của đời sống người sinh viên ở ngoại quốc, về những ưu tư về tình hình trong nước, về vai trò của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong giai đoạn chiến tranh miền Nam leo thang, về hòa hợp hòa giải dân tộc v.v…

 

 Ngày 30.4.1975 đánh dấu một thay đổi lớn trong đời sống của người Việt Nam, không những trong nước mà cả ở hải ngoại. Một số lớn sinh viên du học tại Nhật Bản lúc bấy giờ đã rời Nhật Bản để đi đến một số nước khác. Tuy Thầy còn có một thông hành của Việt Nam Cộng Hòa đã được gia hạn đến 10 năm nữa, nhưng thực tế thì trên mặt pháp lý „Việt Nam Cộng Hòa“ đã không còn hiện hữu nữa. Cũng bởi vậy tôi đề nghị Thầy nên đi Đức, vì Cộng Hòa Liên Bang Đức đã có một qui chế về Tỵ Nạn Chính Trị được bảo đảm trong hiến pháp, có nghĩa là mình có thể sinh sống dài hạn mà không cần phải trở thành công dân bản xứ (có lẽ trong giai đoạn đó chưa ai trong chúng tôi muốn nhập quốc tịch Đức hay Nhật).

 Tôi làm giấy tờ bảo lãnh Thầy và đồng thời xin giấy tờ nhập học cho ngành Sư Phạm hậu Cử Nhân. Tuy thế Thầy vẫn lưỡng lự và trước khi đi Đức đã ghi danh Cao Học Giáo Dục Đại Học Risso, còn đóng học phí để giữ chỗ nữa. Đến nay tôi vẫn quên chưa hỏi Thầy sau này số tiền đó có được trả lại không?

 Cuối tháng tư năm 1977 tôi đón Thầy từ phi trường Hamburg đưa về Plön vùng Holstein, nơi tôi đang thực tập nội trú y khoa rồi cuối cùng dọn về cư xá sinh viên Projensdorf tại Kiel.

 Thời gian này, trong tuần Thầy đi học tiếng Đức và cũng như mọi sinh viên khác, vào cuối tuần đi làm như hái thuê trái cherry, trái đào trong những vụ mùa tại các nông trại của người Đức để kiếm tiền thêm. Thầy đã tham dự rất hòa đồng và tự nhiên vào các sinh hoạt của nhóm sinh viên Việt Nam chúng tôi. Ngoài giờ học các sinh viên thường đến thư viện để nghiên cứu tài liệu và học thêm. Đối diện thư viện là nhà ăn câu lạc bộ đại học (Mensa) với quán cà phê chỗ ngồi thoải mái, giá rẻ, nơi chúng tôi thường tụ tập. Và những buổi thể thao cuối tuần trên sân vận động, Thầy Như Điển tuy không có nhiều năng khiếu trời phú về môn bóng đá, nhưng nhờ cao lớn hơn một số sinh viên khác nên những cú đội đầu cũng tương đối làm đối phương lo ngại, nổi bật nhất là trong vai trò một thủ môn giữa khung thành.

 Ngày 30.4.1975 ghi lại những giao động lớn nhất của những người Việt đang du học tại Đức. Kể từ cuối tháng 3/75 báo chí, truyền hình Đức liên tục đưa lên những hình ảnh kinh hoàng của những chuyến chạy loạn đầy khủng khiếp của đồng bào từ Quảng Trị, Huế vào Đà Nẵng, tiếp theo là cảnh người ta bu đong đưa bên ngoài máy bay, cảnh đầy bạo lực hỗn loạn trên bến cảng Đà Nẵng trong khi tìm cách lên tàu thủy chạy về miền Nam. Không còn tiền chuyển ngân, mọi tin tức từ gia đình hoàn toàn gián đoạn. Cộng thêm vào đó là những lá thư nặc danh đe dọa của thành phần sinh viên thân Cộng tạo nên một không khí nghi ngờ, hoang mang trong giới sinh viên du học. Sau khi Đại sứ quán Cộng Sản và các sinh viên „nằm vùng“ cử một phái đoàn đi „giải độc“ khắp nơi, họ đã đi đến những bước cực đoan hơn như chỉ mặc áo sơ mi trắng ngắn tay như những lãnh tụ Cộng Sản ở trong nước, làm đám cưới tập thể, tổ chức những buổi họp mặt „cắt máu ăn thề“ hay „đốt sách đồi trụy“ ở các thư viện của các Hội Sinh Viên Việt Nam mà lúc bấy giờ họ đã nắm giữ (ngay như quyển sách „Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse, Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch“, do Lá Bối xuất bản cũng cùng chung một số phận „đồi trụy“ và cũng bị đốt). Thật đúng là cảnh „bảo hoàng hơn vua“, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hãi hùng. Đến cuối năm 1975 họ còn đòi hỏi giải tán tất cả các tổ chức tôn giáo, các Hội Đoàn Sinh Viên để sát nhập vào một tổ chức mới là „Hội Đoàn Kết“ mà sau này họ đổi tên là „Hội Việt Kiều Yêu Nước“. Trong cơn sốt này tất cả các sinh hoạt Phật Giáo ở Tây Đức hoàn toàn tan rã.

 Nhắc lại điều này để bây giờ ta có thể có một ít khái niệm về tình hình sinh hoạt và hoàn cảnh ban đầu trong những ngày tháng sau 1975 tại Đức và ý thức được công lao to tát của Thầy Như Điển: bắt đầu từ một „con số không“ to tướng và đầy giao động, bất an để xây dựng nên phong trào Phật Giáo tại Cộng Hòa Liên Bang Đức khởi sắc như ngày hôm nay.

 Trong hoàn cảnh đó, chỉ riêng ba Hội Sinh Viên Việt Nam tại các thành phố Kiel, Hannover và Berlin vẫn giữ vững lập trường không chịu giải tán, cương quyết không gia nhập Hội Đoàn Kết. Chúng tôi đã hợp tác hỗ trợ cùng sinh hoạt cộng đồng, cùng lên tiếng chống lại tinh thần độc tài của Hội Đoàn Kết. Ba Hội Sinh Viên đó sau này liên kết thành một tổ chức chung là „Liên Hội Bắc Đức“.

 

*

 Năm 1977 Thầy Như Điển đến Đức, tôi gặp lại một người bạn cũ thời thơ ấu từ lúc còn học trường làng, nhưng đồng thời cũng gặp được một vị tăng sĩ trẻ tuổi, dấn thân, giản dị và nhiều kinh nghiệm hoạt động, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hải ngoại. Tôi vui lắm. Quí báu hơn nữa là gặp được một người thông minh đầy sáng kiến để sẵn sàng thay đổi mọi nghịch cảnh.

 Ngay trong những năm đầu 1977, 1978 sau khi Thầy đến Đức, những buổi lễ Phật, lễ Cầu An đã được tổ chức đều đặn tại khắp các thành phố Bắc Đức. Đây là thời gian Thầy tiếp xúc tìm hiểu nhu cầu tâm linh và làm quen với người Việt tại các địa phương này.

 Tháng 2/1978 Thầy Như Điển nhận được giấy nhập học vào Phân Khoa Giáo Dục của Đại học Hannover và dọn về thuê một căn hộ độ 30 mét vuông. Căn hộ có hai phòng: một phòng lớn nhất làm chánh điện độ 20 mét vuông, còn lại là một phòng vừa là phòng tiếp khách vừa là phòng ngủ cho Thầy và một nhà bếp hẹp. Tiền thuê nhà lúc ấy là 170 Đức mã. Vậy mà trong phiên họp đầu tiên ban Hộ Trì Tam Bảo kêu gọi đóng góp định kỳ hàng tháng chỉ gom được 100 DM, nghĩa là chỉ hơn một nửa thôi. Một con số thật khiêm nhường trong giai đoạn chập chững đầu tiên! Nhưng nó cũng đã đánh dấu cho những bước tiến không ngừng của phong trào Phật Giáo tại Tây Đức.

 Mùa hè 1978 sau khi sửa soạn phần cơ chế hành chánh (nội qui…), Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức được thành lập. Trong phiên họp sáng lập tại Niệm Phật Đường Viên Giác Hannover dưới sự hướng dẫn tinh thần của Thầy, một ban Chấp Hành đã được bầu ra và nội qui cũng đã được thông qua. Tôi còn nhớ ngay sau phiên họp hôm ấy, cả nhóm anh em chúng tôi và Thầy cùng đi dạo tại vườn hoa Herrenhausen ở đấy chúng tôi có gặp và nói chuyện với bà Công Chúa con gái vua Wilhelm nước Đức là bà Prinzessin Viktoria Luise von Preußen, Kurfürstin von Hannover. Sau khi nghe chúng tôi kể chuyện về những sinh hoạt của người Việt tại Đức và tôi mới được bầu làm Hội trưởng Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam, bà chúc mừng và nói là theo như bà ta biết thì Phật Giáo là một tôn giáo hòa bình nhất bởi vậy bà mong Phật Giáo phát triển ở đây. Cuối cùng bà ấy hỏi: „Wo ist denn Ihr Gotteshaus in Hannover? - Vậy thì Thánh Đường thờ phụng của quí vị đặt nơi nào ở Hannover?“ (Ghi chú thêm: từ Gotteshaus là một từ trang trọng thường để chỉ những ngôi Thánh Đường, nơi thờ tự to lớn). Chúng tôi hãnh diện trả lời là: Kestnerstr. 37 ở Hannover.

 Không phải chúng tôi hãnh diện gì ở một căn hộ cũ kỹ chỉ rộng 30 mét vuông, mà Thầy Như Điển có lần đã nhắc lại: „mùa hè thì trong nhà lạnh hơn ngoài đường. Mùa đông đến thì sưởi bao nhiêu cũng không thấm vào đâu cả…“ vì nhà quá cũ, nhưng chúng tôi đã thật sự hãnh diện vì bây giờ chúng tôi đã có được một tổ chức và một cơ sở tâm linh của những Phật tử Việt Nam ở Đức. Đây cũng là chỗ dựa tinh thần của tất cả những người Việt Nam lưu vong ở đây không phân biệt tôn giáo. Căn hộ cũ kỹ rộng chỉ 30 mét vuông ở Kestnerstr. 37 Hannover ấy chính là cái nôi đầu tiên cho Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức này.

 Niệm Phật Đường Viên Giác càng ngày càng mở rộng hơn, năm sau đó tiếp tục thuê thêm một căn phòng đối diện bên kia sân rộng gần 30 mét vuông để dời Chánh Điện về đó cho trang nghiêm hơn, còn chỗ cũ thì chỉ để làm nơi ăn ở và sinh hoạt.

 Rồi đến những lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán và những lễ định kỳ lớn trong năm… Mỗi lần như vậy số người tham dự tăng nhanh chóng hơn (lễ Phật Đản đầu tiên có 500 người, năm sau đã lên đến 1000 người). Thời gian đó đồng bào Việt Nam mới đến Đức nên dù là Phật tử hay không Phật tử vẫn về chùa tham dự những lễ lớn để gặp người quen và trao đổi các thông tin về định cư ở Đức và cũng để tìm lại chút không khí quê hương Việt Nam. Số lượng tăng nhanh đến nỗi không lâu sau đó, trong những buổi lễ lớn như Phật Đản, chúng tôi phải thuê rạp hát lớn nhất, tối tân nhất ở thành phố Hannover là rạp Theater am Aegi để tổ chức những đêm văn nghệ cúng dường Phật Đản. Lại thêm cả trăm công việc kỹ thuật tổ chức, an ninh hội trường theo luật lệ khó khăn của Đức. Rồi vấn đề chỗ ngủ cho người tham dự và vấn đề di chuyển từ chỗ ngủ về nhà hát (giai đoạn này đa số đồng bào tỵ nạn mới chân ướt chân ráo đến Đức nên chưa có xe hơi riêng). May mắn là sau khi thương lượng Sở Giao Thông thành phố cho những chuyến xe điện (Straßenbahn) dành riêng cho người Việt Nam để di chuyển từ chỗ ngủ và nơi hành lễ đến Theater am Aegi. Mỗi lần như vậy là những anh em trong Ban Tổ Chức phải nghỉ học, nghỉ làm về Chùa trước độ một hay hai tuần lễ để chuẩn bị. Phương tiện lúc bấy giờ thì gần như không có gì cả, chỉ tấm lòng và tình cảm anh em mà tạo nên những sáng kiến và cùng giúp đỡ để vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

 Mùa Giáng Sinh 1978/1979 tiểu bang Niedersachsen bắt đầu nhận 1.000 người tỵ nạn Đông Dương đầu tiên. Thầy và các anh chị em sinh viên chúng tôi, người xin nghỉ hè, người tạm nghỉ học, cùng kéo nhau về Trại Đất Lành (Friedland) để làm thông dịch viên giúp đồng bào mình trong các việc thủ tục hành chánh hay các chương trình y tế khám bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm vùng nhiệt đới.

 Càng ngày hoạt động của Hội Phật Tử càng được nhiều người biết đến. Niệm Phật Đường Viên Giác ở Hannover tuy còn rất nhỏ, trong những dịp lễ lớn các Phật tử phải vào lễ Phật từng đợt rồi lại phải đi ra ngoài nhường chỗ cho những vị khác. Niệm Phật Đường tuy không có cây đa, không có mái cong như ở quê nhà, nhưng nó đã là bóng mát che chở tâm hồn người tỵ nạn trong những năm đầu tiên lưu lạc nơi xứ người. Về phía người Đức, Niệm Phật Đường Viên Giác cũng được biết đến nhiều hơn: nào báo chí phỏng vấn, nào truyền hình đến thăm… Cao điểm nhất là nhờ ngoại giao khéo léo của Thầy và các anh chị em trong Ban Chấp Hành Hội mà Bộ Nội Vụ Liên Bang Đức hứa sẽ giúp đỡ một khoản tài chánh để trang trải tiền thuê một cơ sở lớn hơn cho hợp với nhu cầu sinh hoạt tinh thần mới.

 Mùa Xuân 1981, chúng tôi tìm ra được một ngôi nhà ở Eichelkampstrasse gần khu Hội Chợ triển lãm quốc tế Hannover (Messegelände) để thuê. Nói đúng hơn đó là một cái kho chứa sản phẩm của một hãng kim khí và một căn hộ nhỏ tựa vách sát vào đó để ông gác dan ở. Hôm Thầy Như Điển và tôi đến xem thử lần đầu, thấy cửa sổ cái mất cái còn, sàn xi măng thì lồi lõm, tôi rùng mình. Rùng mình hơn nữa khi nghe giá thuê nhà đến 3.000 Đức mã chưa kể tiền điện nước. Làm sao chúng tôi trang trải nổi, tuy Bộ Nội Vụ có hứa giúp đỡ nhưng còn hàng khối bao nhiêu chi phí khác. Thấy nét mặt lo lắng của tôi, Thầy cười hiền hòa: việc Chùa rồi sẽ có Phật độ… Quả thật, niềm tin có thể dời núi, lấp sông.

 Rồi chúng tôi thuê cơ sở ấy. Chỉ còn ba ngày nữa là đến ngày tổ chức Đại Lễ Phật Đản và An Vị Phật tại chùa mới mà tấm thảm trong chánh điện vẫn chưa được lót. Khi người thợ lót thảm Đức đến nhìn căn phòng và lắc đầu không chịu làm thì anh H., một sinh viên gốc Thiên Chúa giáo, kéo tay tôi và nói: „thôi họ không chịu làm thì mình tự làm đi“. Mô Phật, từ nào đến giờ có bao giờ tôi biết lót thảm là gì đâu! Nhưng không làm thì cũng không được, nước cùng rồi thì cũng phải liều: chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Mỗi người một tay, lúc đầu còn vụng về kéo qua kéo lại, thảm vẫn đi đường „thê thảm“. Nhưng càng về sau chúng tôi càng thiện nghệ hơn. Chị Tr. (München) nói đùa: Tôi nghe về anh nhiều rồi không ngờ hôm nay gặp mới biết anh có nghề trải thảm. Ngay cả bác H.H. đã lớn tuổi từ Canada sang dự lễ An Vị Phật cũng phụ vào, cũng trải, cũng dán, cũng cắt. Ôn lại chuyện cũ, tôi còn thấy rõ những bàn tay mềm dịu của các chị, bàn tay học trò của các anh, những bàn tay chưa bao giờ cầm đến cái dao cắt thảm. Vậy mà sao nét dao vẫn ngọt, đường cắt vẫn thẳng. Phật độ hay lòng tin đã hướng dẫn nét dao cắt đi từng sợi dây phiền não trên tấm thảm?

 Không làm sao có thể kể hết tâm tư của những năm tháng khởi đầu, những rung động đầy tình người… Nhưng qua hình ảnh lui cui bên cạnh anh bạn Thiên Chúa giáo cùng nhau trải thảm trên chánh điện một chùa Phật giáo, làm tôi thấy rõ là: ngôi chùa bên này không những là mái ấm cho người con Phật, mà còn là nơi nương tựa hồn Dân Tộc, nhất là trong giai đoạn chúng ta phải ăn nhờ ở đậu nơi xứ lạ quê người.

 

*

 Chuyện như thế, mới đó mà đã ba mươi bảy năm. Nhắc về những ngày ban đầu ấy, về những kỷ niệm với Thầy trong các năm 1977, 1978 ấy làm sao không thể không nhắc đến chuyện mấy cái bao ny lông đi chợ được. Đó là một câu chuyện về tinh thần sáng tạo trong cuộc sống, về một ý chí sắc đá muốn vươn lên trong mọi nghịch cảnh, và hơn hết là về một tinh thần phá chấp trong nhà Thiền.

 Thành phố Kiel, thủ phủ của tiểu bang Schleswig-Holstein, nằm ở cực bắc nước Đức, giáp giới với Đan Mạch, là một thành phố hải cảng nằm trên bờ Biển Đông (Ostsee), nên tuy nhiệt độ trên hàn thử biểu không thấp bằng những vùng đồng bằng nhưng từ đầu mùa thu trở đi đã có gió lạnh buốt cắt da. Một buổi chiều giữa mùa Đông 1977, trời nắng đẹp nhưng nhiều gió, tôi gặp Thầy trước Khoa Cơ Thể Học (Anatomie) trên chiếc xe đạp từ hướng trường Sư Phạm. Thấy trên ghi-đông xe đạp có bọc bằng những bao ny-lông siêu thị lại thêm một bao treo lủng lẳng bên cạnh, tôi chỉ tay và hỏi:

 - Thầy tính đi chợ à? Phải nhanh chứ sắp đóng cửa rồi.

 (Trong thập niên 70 các siêu thị ở Đức đóng cửa lúc 18 giờ chiều theo luật thương mại ở đây; và các bao ny lông còn được phát miễn phí cho khách hàng). Thầy Như Điển lắc đầu cười:

 - Không, tôi vừa mới từ trường về.

 Thấy cặp mắt tôi hướng về mấy cái bao ny-lông đầy thắc mắc, Thầy giải thích thêm:

 - À, mấy cái bao ny-lông này để tôi bọc tay trên ghi-đông chống lạnh và mưa, mấy hôm nay trời lạnh quá!

 Hàn huyên thêm một lát rồi chúng tôi chia tay.

 Mãi sau này tôi mới biết là lúc bấy giờ Thầy không có một đôi găng tay mùa đông để dùng khi đi xe đạp. Và như thế bao ny-lông siêu thị đã được biến dạng để thích nghi với hoàn cảnh mới. Chắc những chiếc bao ny-lông ấy cũng rất hạnh phúc, vì chúng đã thoát xác, không đựng những bắp cải, bánh mì, đồ hộp hay thịt cá v.v… của siêu thị mà để che chở đôi tay của một tu sĩ Phật Giáo Việt Nam trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông lạnh giá xứ Đức này. Đôi tay ấy miệt mài qua nhiều năm tháng đã xây dựng nên nền tảng của Phật Giáo Việt Nam tại xứ Đức trong mấy thập niên qua.

 Gần bốn mươi năm sau, nhiều ngôi Già Lam lớn nhỏ đã thay nhau mọc thêm lên tại xứ này. Những ngôi Già Lam này không chỉ có cơ sở rộng lớn tiện nghi vật chất cho Phật tử đến lễ bái tu tập (cho đến nay Chùa Viên Giác Hannover vẫn là một trong những cơ sở Phật giáo lớn nhất Âu châu) mà còn mang chở một nội dung khởi sắc, thích hợp với hoàn cảnh sở tại, đã tạo ra một phong trào sinh hoạt Phật Giáo thích hợp mọi hoàn cảnh. Nếu như tinh thần „những bao ny-lông biến dạng“ của Hòa Thượng Thích Như Điển ngày xưa đã từng là những viên đá, viên gạch, góp nhau thành những tảng đá lớn, dựng lên những mái Chùa to lớn ở đây; thì ngày nay, bước qua giai đoạn chuyển tiếp cho thế hệ thứ hai, tinh thần ấy cũng sẽ phải là tinh thần dẫn đường cho sự nối tiếp, cho việc phát triển tiếp tục truyền thống Phật Giáo Đại Thừa Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

 

Mùa Xuân 2014

Thị Minh Văn Công Trâm 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2023(Xem: 4679)
Trong nhiều năm qua, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, dù thân mang trọng bệnh vẫn tận tụy ngày đêm trong việc điều hành Phật sự của Viện Tăng Thống GHPGVNTN và công trình phiên dịch Tam Tạng Thánh Điển Phật Giáo sang tiếng Việt. Trong lúc Giáo Hội đang rất cần sự có mặt của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ để tiếp tục xây dựng lại nền tảng vững chắc cho ngôi nhà Phật Pháp và công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam mới vừa hoàn tất đợt một của Thanh Văn Tạng, thì vài tuần qua bệnh tình của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã trở nặng nên phải vào bệnh viện điều trị. Dù hiện tại bệnh tình của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tạm ổn định và việc chữa trị tương đối có kết quả khả quan, sức khỏe của Ngài vẫn còn rất yếu. Chính vì thế, Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN khẩn thỉnh thập phương Đại Đức Tăng Già cùng chư Thiện Tín nhất tâm hiệp lực cầu nguyện cho Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tứ đại điều hòa, pháp lạc
24/09/2023(Xem: 2016)
NPĐ An Lạc Hạnh tổ chức Cơm Chay Gây Quỹ Giúp Học Sinh Nghèo ở Việt Nam (Sunday, 24/9/2023)
23/09/2023(Xem: 3430)
Thông Tư An Cư Kiết Đông 10 Ngày (10-20/12/2023) của Giáo Hội Âu Châu tại Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
19/09/2023(Xem: 2075)
Nam mô A Di Đà Phật Chúng Con thay mặt Tứ Chúng Đạo Tràng Chùa Vạn Hạnh tri niệm ân Đức Ni Trưởng Chùa Hoà Bình và Chùa Sùng Đức cùng Quý Sư Cô đã lưu trú lại đạo tràng cho Các Con Em Gia Đình Phật Tử thân cận với Quý Ngài. Và Chúng tôi không quên cảm niệm công đức Quý Phụ Huynh, Quý Anh Chị Trưởng, Quý Phật Tử Xa Gần cùng Các Em trong Gia Đình Phật Tử Vạn Hạnh đã dốc hết tâm lực hình thành buổi văn nghệ, trợ giúp mọi công việc, phụng sự cho những ngày Di Sản Văn Hoá - Trung Thu vừa qua được hoàn mãn. Anh Viên Lợi và Chị Quảng Pháp Minh ghi lại một số hình và video xin gửi chia sẽ đến với toàn thể Đại Chúng. Kính Chúc Tất Cả luôn Hoan Hỷ - Sức Khoẻ - An Lành trong đời sống. Thân kính, Nguyên Lộc Tâm Nghĩa
16/09/2023(Xem: 2280)
Đại Lễ Vu Lan PL 2567 tại Tu Viện Từ Ân, Melbourne, Úc Châu (Chủ Nhật 10/09/2023)(Photo: Thiện Hưng) quangduc.com
12/09/2023(Xem: 2181)
Sáng ngày 02/9/2023, tại hội trường San Jose Masonic Center, thành phố San Jose, tiểu bang California (Hoa Kỳ), Đạo tràng Khánh Anh đã trang nghiêm tổ chức lễ khai mạc Khóa tu “Mùa thu hạnh phúc” và Đại lễ Vu Lan báo hiếu năm 2023, Phật lịch 2567.
12/09/2023(Xem: 1823)
Sự kiện 500 nữ Hoàng thân quốc thích và gia nhân tỳ nữ rời thành, thật sự là bước ngoặt lịch sử để cất lên tiếng nói quyền bình đẳng nữ giới đầu tiên trên địa cầu, ngay địa hạt của quốc gia vốn theo phân tầng giai cấp, với tư tưởng cai trị trọng nam kinh nữ, đó là bối cảnh xã hội Ấn Độ trước Tây lịch.
06/09/2023(Xem: 2369)
Nhân ngày Đại lễ Vu Lan báo hiếu năm Quý Mão, Phật lịch 2567, chùa Đức Viên tọa lạc tại số 2420 McLaughlin Avenue, thành phố San Jose, tiểu bang California đã cung thỉnh Thượng tọa Thích Pháp Hòa, trụ trì thiền viện Trúc Lâm, thành phố Edmonton, Canada và trụ trì tu viện Tây Thiên, thị trấn Westlock, Canada viếng thăm chùa Đức Viên Tịnh Uyển ở thành phố Los Gatos lúc 13g ngày 01/9/2023 và giảng pháp tại chùa Đức Viên, thành phố San Jose lúc 19g ngày 03/9/2023.
06/09/2023(Xem: 2138)
Trúc Lâm Thiền Viện là một ngôi chùa Việt nằm tại Villebon-sur-Yvette, thuộc ngoại ô thành phố Paris. Được xây dựng từ năm 1976 và hoàn thành vào năm 1990, ngôi chùa này do Hòa Thượng Thích Thiện Châu sáng lập, kế thế trụ trì là Hoà Thượng Thích Phước Đường. Trụ trì hiện nay là TT Thích Tâm Huy
05/09/2023(Xem: 2563)
Tháng Bảy Mùa Thu lá rụng vàng Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan Bâng khuâng chạnh nhớ công sanh dưỡng Ân tình vời vợi, dạ xốn xang…. Mùa Thu mây lãng đãng trôi, khí trời dịu nhẹ sau mùa Hè nắng gắt khiến lòng người man mác, gợi nhớ đến những ân tình lớn lao trong cuộc sống. Hòa với không khí Vu Lan của các tự viện gốc người Việt khắp nơi trên thế giới, trưa ngày mồng 5 tháng Bảy, năm Quý Mão ( tức ngày 20/08/2023), Đại Lễ Vu Lan PL 2567 được long trọng cử hành tại Chùa Đại Bảo Trang Nghiêm, Hayward, Cali, Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]