Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ đình Giác Lâm – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

27/05/201418:32(Xem: 9481)
Tổ đình Giác Lâm – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

Chua_Giac_Lam_Saigon (1)


Tổ đình Giác Lâm (祖 庭 覺 林 ) còn có các tên là Cẩm Sơn tự, Sơn Can tự hay Cẩm Đệm tự; là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sài Gòn. Đây chính là ngôi tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam.

Chùa tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, và đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thông tin) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Chùa do cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. Ngoài ra, chùa còn có tên là Cẩm Đệm vì cư sĩ Thụy Long có tên riêng là Cẩm, chuyên nghề đan đệm bán, người địa phương gọi là ông Cẩm Đệm.

Từ năm 1744 đến năm 1774, chưa rõ vị tăng sĩ trụ trì, vì thiếu tài liệu ghi chép lại. Chỉ biết vào năm 1774, Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (trụ trì chùa Từ Ân) đã cử đệ tử của mình là Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (gọi tắt là Viên Quang) về trụ trì chùa, đồng thời an danh là chùa Giác Lâm.
Dưới thời thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành một trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả Nam Bộ. Đến năm 1873, Thiền sư Minh Khiêm trụ trì, chùa còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số kinh sách Phật giáo.
Danh sĩ Trịnh Hoài Đức trong quyển Gia Định thành thông chí đã miêu tả cảnh chùa lúc bấy giờ như sau: "Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm..., cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú!"…

Chùa đã được trùng tu lớn ba lần. Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang cho xây lại chùa lần thứ nhất vào năm 1798–1804. Đến năm 1906–1909, Hoà thượng Hồng Hưng với sự giúp sức của Hoà thượng Như Phòng, đã cho tôn tạo lại ngôi chùa lần thứ hai. Các sự kiện này được ghi lại trong đôi liễn mừng lạc thành, nay còn treo trong chánh điện. Đầu năm 1999, chùa hoàn thành đợt trùng tu lần thứ ba.

Chùa Giác Lâm hiện nay có lối kiến trúc chữ Tam (Ξ) gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau (không kể các nhà phụ): chính điện, giảng đường và trai đường (còn gọi là nhà Ông Giám).

Chùa trước đây không có cổng tam quan (cổng tam quan mới được xây dựng vào năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Năm 2007, khởi công xây dựng khu giảng đường và tăng xá (phía bên phải chùa - theo hướng nhìn từ trong ra).

Chính điện Tổ đình Giác Lâm với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Bên trong điện khá rộng và sâu, có 56 cột to hơn vòng tay ôm màu nâu sẫm. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu. Giữa các hàng cột là các cửa võng, cũng được thiếp vàng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu....

Trong chính điện Tổ đình Giác Lâm tôn trí “tiền Phật, hậu Tổ”. Phía trước chính điện thờ tượng thế A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc. Hai bàn thờ hai bên phải trái, thờ tượng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Ngoài ra, ở đây còn có tượng cửu long, dọc hai bên tường có bộ tượng Thập Bát La Hán, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và tượng Long Vương.

Phía sau chính điện là bàn thờ Tổ, thờ chư vị Tổ sư Hòa thượng tiền bối đã trụ trì tại chùa Giác Lâm. Đối diện với bàn thờ Tổ là các bàn thờ: Phật Chuẩn Đề, Phật A Di Đà, và sau cùng là bàn thờ Thập Điện Diêm Vương. Ở gian này, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được dùng làm cơ sở hậu cần, nuôi chứa cán bộ, làm công tác trinh sát nội thành.

Trước chùa là bảo tháp xá lợi gồm 7 tầng hình lục giác. Tháp được khởi công xây dựng từ năm 1970 theo bản vẽ của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, đến năm 1975 thì tạm ngưng cho đến 1993 mới được tiếp tục. Từ năm 1994 tầng 7 của tháp thờ Xá Lợi Phật.

Bên trái cùa chùa là khu vườn tháp của chư vị hòa thượng đã trụ trì ở đây như tháp Tổ Phật Ý-Linh Nhạc, tháp Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang. Ngoài ra, trước sân chùa có đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát dưới bóng cây bồ đề. Đây là cây bồ đề do Đại đức Narada mang từ Sri Lanka (Tích Lan) sang trồng vào ngày 18 tháng 6 năm 1953

Trong chùa có 113 pho tượng cổ, hầu hết là tượng gỗ, chỉ có 7 tượng đồng. Nhiều tượng có giá trị như: Tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc. Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, bộ tượng Cửu Long (đúc bằng đồng), bộ tượng Mười Tám Vị La Hán, tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Sư Đạt Ma, tượng Long Vương, v.v...

Trên các cột chính của chùa đều có khắc câu đối (gồm 86 câu) thếp vàng công phu. Đáng chú ý có câu đối của Hiệp trấn Trịnh Hoài Đức (treo ở gian thờ Tổ) và câu đối của Mộc Ân đệ tử phụng cúng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Ngoài ra ở đây còn có 9 bao lam, 19 hoành phi, một bàn thờ cổ và đồ thờ cổ.

Theo Tiến sĩ Trần Hồng Liên:không phải ngẫu nhiên mà gần 270 năm nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Giác Lâm vẫn còn là một di tích mời gọi sự tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu của nhiều người. Có thể nói rằng, chưa có ngôi chùa nào ở Nam bộ được nhiều người viết về nó đến vậy. Nhưng, để hiểu rõ và tìm ra những ẩn số còn tiềm tàng trong bản thân di tích lịch sử này thì phải nói rằng cho đến hiện nay, vẫn còn nhiều câu hỏi được tiếp tục đặt ra…

Du khách đến chùa, lòng nhẹ nhàng thanh thoát với dáng chùa ẩn mình trong những vòm cây cao bóng mát. Mái chùa phủ rêu xanh, không có dạng vút cong kiêu hảnh như thách đố với thiên nhiên, cũng không có những hàng ngói mũi hài dọc xuôi theo bờ mái cao dốc đứng, mà ở đây là những hàng ngói máng xối, giúp thoát nước nhanh khi có những trận mưa rào! Đó là một cấu trúc trải rộng và hài hoà với thiên nhiên. Địa thế chùa nằm trên ngọn đồi cao mà tên gọi Sơn Can trước đây còn phản ánh, cho thấy ngôi chùa đã gắn chặt với quan niệm về tín ngưỡng của những người dân bản địa, là trước chùa phải có ao, hồ nước, mang ý nghĩa “Minh đường, thủy tụ” nơi đó vượng khí sinh sôi, và nhất là cửa chùa thuận theo hướng Nam - hướng đặc biệt được xem là tốt nhất cho những ngôi chùa Nam bộ.

Đến thăm Tổ đình Giác Lâm, theo các học giả, các nhà nghiên cứu, điều cuốn hút nhất là trong kho tàng tư liệu quý tại Tổ đình Giác Lâm, những câu đối có giá trị văn hóa vô giá….Có một đôi câu đối hiện treo ở hàng cột thứ nhất từ ngoài vào và đối diện với chính điện, một đôi câu đối thuộc loại độc đáo bậc nhất trong thơ văn chữ Hán ở Việt Nam:

朝 朝 朝 朝 朝 拜朝 朝 朝 拜
齊 齊 齋 齊 齊 戒 齊 齊 齋 戒

Trên "văn bản gốc", vế trước của đôi câu đối này có hàng chữ nhỏ "Sắc tứ Kiểng Phước tự Chủ trì Trần Bửu Hương kính phụng", và vế sau có hàng chữ "Tuế thứ Kỷ Dậu niên Giác Lâm tự lạc thành chi khánh" hợp lại thành phần lạc khoản cho biết câu đối được Hòa thượng Trần Bửu Hương trụ trì chùa Kiểng Phước tặng nhân dịp trùng tu chùa Giác Lâm năm 1909. Và có lẽ đến 1990, nó mới được đề cập tới lần đầu tiên trên sách báo quốc ngữ, với bản phiên âm của ông Nguyễn Quảng Tuân trong quyển Những ngôi chùa danh tiếng (Nxb. Trẻ và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.172) . Nhưng ở đây ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ phiên âm (không ngắt câu và không dịch nghĩa). Đúng ra, câu đối này phải được đọc và hiểu như sau:
Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái
Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới.
(Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái
Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới).

Về nội dung đây là câu đối rất đặc sắc. Ngày khánh thành dịp trùng tu một ngôi Tổ đình như Giác Lâm, thì biết bao thiện nam, tín nữ tới vui mừng, còn thiếu gì Phật tử có cả hằng sản lẫn hằng tâm đến chúc tụng... Điều đó đương nhiên là rất đáng quý, đáng mừng trong việc hoằng dương Phật pháp, song đối với tăng chúng trong chùa thì bấy nhiêu là chưa đủ? Cho nên Hòa thượng Trần Bửu Hương đã đề cập đến lý tưởng Phật giáo và nhiệm vụ tu hành của người xuất gia bằng cách nhấn mạnh vào việc tinh trì giới luật. Tăng chúng càng nghiêm cẩn chuyên tâm tu hành thì tín đồ nườm nượp lui tới cúng bái ấy mới thực có giá trị của sự thành tâm cũng như mới chứng hiện được mối quan hệ "Phật pháp bất ly thế gian pháp"... Và có lẽ các bậc chân tu đều nghĩ như vậy, nên đôi câu đối chúc mừng thoát tục kia mới được trang trọng theo trước chính điện Tổ đình Giác Lâm trong nhiều năm qua….

Điểm đặc sắc đầu tiên của đôi câu đối này là ở chỗ hàng loạt chữ triêu - triều (朝 朝 朝 朝 朝 拜朝 朝 朝 拜) và hàng loạt chữ tề - trai (齊 齊 齊 齊 齊 戒 齊 齊 齊 戒) có cùng tự hình đứng liền nhau, tạo thành hai chuỗi hình ảnh tác động vào thị giác; và kết hợp với ý nghĩa, chúng làm người đọc liên tưởng tới những hàng người đang cùng nhau vái lạy, hành lễ... Ở đây, tác giả đã chơi chữ bằng tự hình, một nghệ thuật chơi chữ chỉ có trong văn chương viết bằng loại văn tự biểu ý - tượng hình là chữ Hán. Đây là lối chơi chữ nằm trong một phong cách ngôn ngữ được gọi là Phong cách học văn tự, một phong cách độc đáo hầu như chỉ có ở trong văn chương và ngôn ngữ Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên. Cái khó của đôi câu đối này là ở chỗ "đồng tự dị âm - dị nghĩa", nếu đọc sai tức là không hiểu và cố nhiên càng không thể dịch được…Với những nét đặc sắc về cả chữ viết, âm đọc và ý nghĩa như nó có, đôi câu đối ở Tổ đình Giác Lâm nói trên vĩnh viễn là một trong những câu đối độc đáo bậc nhất trong kho tàng câu đối Việt Nam…

Ngôi Tổ đình Giác Lâm với bao thăng trầm biến đổi theo thời gian và không gian nhưng vẫn uy nghiêm trụ vững cùng tuế nguyệt, vẫn hiên ngang tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Tổ đình Giác Lâm ngày nay không chỉ là nơi Tăng chúng tu học, nơi Phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân, hướng thiện mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của đông đảo phật tử, du khách trong và ngoài nước.

Để tỏ lòng tôn kính công đức cao dày của liệt vị Tổ sư và báo đáp ân đức Tôn sư, đạo tràng tứ chúng Tổ đình Giác Lâm trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 270 năm khai sơn Tổ đình Giác Lâm và Húy nhựt lần thứ 16 Cố Hòa thượng. thượng HUỆ hạ SANH, Nguyên Phó ban trị sự GHPGVN, TP.Hồ Chí Minh. Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Quận Tân Bình, Viện chủ Tổ đình Giác Lâm vào lúc 8g sáng chủ nhật, ngày 11 tháng 5 năm Giáp Ngọ ( nhằm ngày 08/6//2014).

Thật đúng là:
Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa
Hồn dân gửi gắm từ bao giờ
Tổ tiên bồi đắp qua năm tháng
Nối tiếp không ngừng lướp tuổi thơ.

Đệ tử Trí Bửu- Khể thủ Kính mừng kỷ niệm Tổ đình Giác Lâm 270 tuổi – Tháng 5.2014

Chua_Giac_Lam_Saigon (1)Chua_Giac_Lam_Saigon (2)Chua_Giac_Lam_Saigon (3)Chua_Giac_Lam_Saigon (4)Chua_Giac_Lam_Saigon (5)Chua_Giac_Lam_Saigon (6)Chua_Giac_Lam_Saigon (7)Chua_Giac_Lam_Saigon (8)Chua_Giac_Lam_Saigon (9)Chua_Giac_Lam_Saigon (10)Chua_Giac_Lam_Saigon (11)Chua_Giac_Lam_Saigon (12)Chua_Giac_Lam_Saigon (13)Chua_Giac_Lam_Saigon (14)Chua_Giac_Lam_Saigon (15)Chua_Giac_Lam_Saigon (16)Chua_Giac_Lam_Saigon (17)Chua_Giac_Lam_Saigon (18)Chua_Giac_Lam_Saigon (19)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/09/2020(Xem: 4745)
Chùa Thanh Xuân thuộc địa danh làng Thanh Xuân Xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm dọc duyên hải miền trung bờ nam biển Cửa Việt; cuối nguồn hai nhánh sông Thạch Hãn, Vĩnh Định đổ ra biển. Theo dân làng kể lại, đời tổ tiên ông bà xuất phát ra lập làng từ đời triều Nguyễn ở Huế, hai họ Phan, họ Trần theo dòng Vĩnh Định ra Quảng Trị xuôi nguồn về đây. Lập tên làng Thanh Xuân, trong đó Xuân là lấy lại từ nguồn gốc thành Phú Xuân, cũng như các làng Xuân Thành, Dương Xuân vậy.
15/09/2020(Xem: 12356)
Chùa tọa lạc ở số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt chùa quay hướng Nam. Bên trái chùa, có chùa Linh Quang và đền thờ cụ Phan Bội Châu. Chùa được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung dựng vào cuối thế kỷ 17 tại ngọn đồi thấp Hoàng Long Sơn, có tên thiền thất Ấn Tôn. Năm Nhâm Thìn (1712), ngài Thiệt Diệu Liễu Quán, quê ở Phú Yên là đệ tử đắc pháp của Sơ tổ Minh Hoằng Tử Dung, được ngài truyền tâm ấn, trở thành đệ nhị Tổ. Ngài Thiệt Diệu Liễu Quán đã phát triển dòng thiền Lâm Tế cho đến ngày nay.
13/09/2020(Xem: 13952)
Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1.450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ trung bình 200C, Bạch Mã là nơi có khí hậu mát mẻ, lý tưởng cho việc tu tập của Tăng, Ni, Phật tử và các chuyến tham quan, chiêm bái của du khách. Tên thiền viện lấy theo tên núi Bạch Mã. Chữ “Trúc Lâm” hàm ý đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và mang tính nhập thế.
11/09/2020(Xem: 4713)
Chùa Hà Trung tọa lạc ở làng Hà Trung, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa cách trung tâm thành phố Huế khoảng 50 km. Chùa được lập vào thời Hậu Lê, gắn với hành trạng Thiền sư Nguyên Thiều. Thiền sư từ Quảng Đông, Trung Quốc sang Quy Nhơn lập chùa Thập Tháp Di Đà, sau ra Thuận Hóa lập chùa Quốc Ân. Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu cử ngài đến trụ trì chùa Hà Trung. Ngôi chùa ngày nay được trùng tu năm 1995, đại trùng tu năm 2009. Trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Chơn Tế (trụ trì chùa Tường Vân, Huế kiêm nhiệm), Tri sự là Đại đức Thích Quảng Huệ.
11/09/2020(Xem: 5491)
Thông Điệp Của Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN thân gởi Chư Tôn Đức Tăng Ni và Đồng Bào Phật tử Hải Ngoại)
09/09/2020(Xem: 5050)
Chùa Diệu Đế tọa lạc bên bờ sông Hộ Thành (sông Gia Hội) số 110 Bạch Đằng, phường Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa có diện tích hơn 10.000m2. Chùa nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi. Đây là nơi Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng ra đời vào ngày 16/6/1807. Năm 1841, Hoàng tử lên ngôi vua ở kinh thành Huế, lấy niên hiệu là Thiệu Trị.
07/09/2020(Xem: 8758)
Chùa tọa lạc trên đồi Hàm Long (trên đất làng Thụy Lôi xưa, gần xóm Lịch Đợi), đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong (du tăng người Quảng Đông, Trung Quốc) dựng vào cuối thế kỷ 17, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần, nơi ngài Liễu Quán đến học đạo và ở lại trong 11 năm. Tổ Giác Phong viên tịch năm 1714. Đến năm 1747, Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho trùng tu chùa và ban cho chùa tấm biển chữ Hán “Sắc Tứ Báo Quốc Tự”, bên trái có ghi hàng chữ Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề, bên phải có dòng lạc khoản Cảnh Hưng bát niên hạ ngũ nguyệt cát nhật. Ngoài ra còn có dấu chạm khắc hình bốn cái ấn, một cái triện tròn khắc chữ Quốc Chúa Nam Hà. Trụ trì chùa thời gian này là Thiền sư Tế Nhơn, một trong những cao đệ đắc pháp của Tổ Liễu Quán. Kế thế trụ trì là các ngài Tế Ân, Trí Hải, Đại Trí …
05/09/2020(Xem: 9199)
Chùa Giác Lâm tọa lạc tại số 02 kiệt 56 đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nguyên là một thảo am do Tổ Giác Hải, người làng Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị khai sáng vào ngày 16 tháng 3 năm Đinh Dậu (1897) trên một triền đồi, dưới chân núi Ngự Bình, đặt tên Duy Tôn Tự để truyền bá chánh pháp, đem đạo Phật phổ hóa vào những nơi xa xôi, hẻo lánh. Tổ có thế danh là Nguyễn Văn Cẩm, sinh trưởng trong một gia đình tín tâm với đạo Phật. Ngài là đệ tử của Tổ Tâm Tịnh, khai sáng Tổ đình Tây Thiên, Huế. Ngài có pháp danh là Trừng Nhã, tự Chí Thanh, hiệu Giác Hải.
30/08/2020(Xem: 5926)
Chùa Thiên Mụ thường gọi là chùa Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, xã Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nằm ở bờ bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 5km. Sách Ô Châu cận lụccủa Tiến sĩ Dương Văn An cho biết chùa Thiên Mụ ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông. Chùa được chúa Tiên - Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa khang trang. Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm, người Trung Quốc, được chúa Nguyễn mời làm trụ trì chùa. Từ chùa Thiên Mụ và chùa Khánh Vân (Huế), Ngài đã truyền bá Thiền phái Tào Động ở đàng Trong.Hòa thượng Thạch Liêm đã tả cảnh chùa Thiên Mụ: “Đêm 15 trời mưa, ra đến chùa Thiên Mụ. Chùa này tức Vương phủ ngày xưa (?) chung quanh có trồng nhiều cây cổ thụ, day mặt ra bờ sông; trước chùa ngư phủ, tiều phu tấp nập sớm chiều qua lại. Trong chùa cột kèo chạm trổ rất tinh xảo …” (1)
29/08/2020(Xem: 4997)
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang thường được gọi là Chùa Sắc Tứ,Tịnh Quang Tự, Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, tọa lạc ở thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Chùa là một trong những ngôi tổ đình được xây dựng sớm và có ảnh hưởng lớn Phật giáo xứ Đàng Trong. Chùa ban đầu có tên là Am Tịnh Độ. Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam(1) cho biết chùa do Hòa thượng Tu Pháp, tự Chí Khả khai sáng vào năm 1739 đời Vua Lê Ý Tông (năm thứ hai đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát) với tên là Tịnh Nghiệp Tự. Đến đời Vua Gia Long, vua ban tên gọi là Tịnh Quang Tự. Chùa được trùng tu năm Minh Mạng thứ 21 (1941).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]