Phật Học Phổ Thông
HT. Thích Thiện Hoa
--- o0o ---
DUY THỨC HỌC VÀ NHƠN MINH LUẬN
--- o0o ---
TẬP BA
DUY THỨC TAM THẬP TỤNG DỊ GIẢI
Ngài THIÊN THÂN Bồ Tát tạo luận
Ngài HUYỀN TRANG Pháp sư dịch chữ Phạn ra chữ Hán
Ông ĐƯỜNG ĐẠI VIÊN giải dễ gọn
Sa môn THÍCH THIỆN HOA dịch lại chữ Việt và lượt giải.
BÀI THỨ NĂM
CHÁNH VĂN
Hỏi:- Trên đã nói sáu loại Tâm sở tương ưng rồi, bây giờ làm sao biết được phần vị hiện khởi của các thức?
Đáp:- Nguyên văn chũ Hán
Tụng viết:
Y chỉ căn bản thức
Ngũ thức tuỳ duyên hiện
Hoặc câu hoặc bất câu
Như đào ba y thủy
Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh Vô tưởng thiên
Cập vô tâm nhị định
Thuỷ miên dữ muộn tuyệt.
Dịch nghĩa
Luận chủ nói hai câu tụng trên để trả lời rằng: Sáu thức trước đều nương nơi thức căn bản (A-nại-da) mà hiện khởi; cũng như sóng nương nơi nước mà sanh.
Năm thức trước tuỳ duyên mà khởi; hoặc chung sanh hoặc chẳng chung sanh. Duy có ý thức thường hiện khởi, trừ ra năm chỗ nó không sanh khởi: 1. Sanh ở cõi trời Vô tưởng, 2. Nhập định Vô tưởng, 3. Nhập định Diệt tận, 4. Ngủ mê, 5. Chết giả.
LƯỢC GIẢI
Sáu thức trước, bên trong đều nương nơi thức Căn bản (A-nại-da) bên ngoài nhờ các duyên (căn, cảnh, tác ý, v.v...) và tuỳ theo phận vị của nó mà sanh khởi không đồng. Nếu đủ duyên thì sanh khởi, còn thiếu duyên thì nó không sanh. Cũng như sóng nương nơi nước và nhờ gió, nên có khi sanh, khi diệt. Duy có ý thức vì ít duyên nên dễ đủ; vì thế mà được thường sanh khởi, chỉ trừ năm chỗ không sanh:
1. Trời Vô tưởng; do hành giả khi tu định, nhàm ghét diệt trừ cái "tưởng", mà được sanh về cõi trời này, nên cõi trời này không có ý thức.
2. Nhập định Vô tưởng; do hành giả diệt trừ 6 thức trước, mới được định này.
3. Nhập định Diệt tận; do hành giả diệt trừ phần hiện hành của bảy thức trước, mới được định này. Hai định trên đây đều không có "ý thức".
4. Khi ngủ mê không chiêm bao, cũng không có ý thức.
5. Khi bịnh nặng gần chết, hoặc khi bất tỉnh nhơn sự (chết giả) cũng không có ý thức.
Xem biểu đồ:
CHÁNH VĂN
Hỏi:- Trên đã phân biệt rành rõ hành tướng của ba thức năng biến, đều nương nơi hai phần, rồi tự nó biến ra; bây giờ làm sao biết được các pháp chỉ do thức biến hiện, rồi giả gọi Ngã, Pháp chớ không phải thật có, nên nói "tất cả Pháp Duy thức"?
Đáp:- Nguyên văn chữ Hán
Tụng viết
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt
Do thử, bỉ giai vô
Cố nhứt thế Duy thức.
Dịch nghĩa
Luận chủ nói một bài tụng để trả lời rằng: Chỉ do các thức biến ra Năng phân biệt thức (kiến phần) và Sở phân biệt (tướng phần). Song Năng phân biệt (thử) và Sở phân biệt (bỉ) đều không thật có, nên nói: "tất cả pháp Duy thức".
LƯỢC GIẢI
Mỗi thức và mỗi Tâm sở đều có 4 phần: 1. Kiến phần (phần Năng phân biệt), 2. Tướng phần (phần bị phân biệt, tức là cảnh vật), 3. Tự chứng phần: phần này tự chứng minh cho Kiến phần, 4. Chứng tự chứng phần: Phần này chứng minh cho phần tự chứng.
Trong bốn phần này, về phần thứ ba là Tự chứng, không những có công năng chứng minh cho phần thứ hai là Kiến phần, mà cũng có công năng đặc biệt là trở lại chứng minh phần thứ tư là Chứng tự chứng phần. Bởi thế nên không cần phải có phần thứ năm.
Thứ lớp 4 phần duyên nhau:
Xin nói một thí dụ để giải rõ bốn phần: Thí như anh A và anh B hùn nhau buôn bán. Anh A ra tiền (vật có hình tướng) là dụ cho "Tướng phần". Anh B ra công (không hình tướng) là dụ cho "Kiến phần". Hai người lập một tờ hợp đồng (giao kèo) để chứng minh một bên ra công và một bên xuất của. Tờ hợp đồng là dụ cho "Tự chứng phần". Vì hai anh tranh giành nhau, nên đem đến quan kiện. Ông quan chiếu theo tờ hợp đồng mà phân xử. Ông quan là dụ cho "Chứng tự chứng phần".
Trên đã nói rõ hành tướng của ba thức năng biến: Từ nơi hai phần bên trong là Tự Chứng Phần và Chứng Tự Chứng Phần, biến sanh ra hai phần bên ngoài là Kiến phần và Tướng phần. Vậy thì hai phần bên trong là "thể" làm chỗ bị y chỉ (nương tựa), còn hai phần bên ngoài là "dụng" là "năng y chỉ".
Thí dụ như con ốc hương, đầu và mình con ốc là dụ cho "Tự chứng phần" và "Chứng tự chứng phần"; còn hai cái vòi là dụ cho Kiến phần và Tướng phần. Hai vòi có khi lòi ra, có lúc lại thụt vào, là dụ cho cai dụng Kiến phần và Tướng phần, sanh diệt không thường; còn cái đầu và mình của con ốc thì thường còn, để dụ cho cái thể Tự chứng phần và Chứng tự chứng phần, không sanh không diệt.
Luận chủ và ngoại nhơn hai bên rất mâu thuẫn nhau. Nếu lý Duy thức của Luận chủ được thành, thì sự chấp thật có Ngã, Pháp của ngoại nhơn không thành; trái lại, nếu sự chấp Ngã, Pháp của ngoại nhơn được thành, thì lý Duy thức của Luận chủ bất thành.
Ý của ngoại nhơn hỏi: Làm sao biết Ngã, Pháp đều nương nơi thức biến ra, chẳng phải thật có, nên nói "Tất cả Pháp đều Duy thức"?
Ý của Luận chủ đáp: Trên đã nói ba thức Năng biến, mỗi thức đều từ nơi tự thể mà biến sanh ra Kiến phần và Tướng phần; Kiến phần là phần năng phân biệt, mà Tướng phần là phần bị phân biệt. Phần bị phân biệt là các cảnh vật như núi, sông, đại địa, v.v ...Phần năng phân biệt tức là tác dụng thấy, nghe, hay biết các cảnh vật.
Bởi phần năng phân biệt (thấy) và phần bị phân biệt (cảnh) đều do thức thể biến ra, toàn không thật có, nên nói "Tất cả pháp Duy thức".