Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quán Đảnh (灌頂 - Abhiṣeka)

13/09/201002:23(Xem: 3331)
Quán Đảnh (灌頂 - Abhiṣeka)
QUÁN ĐẢNH (灌頂- Abhiṣeka)
DONALD K. SWEARER
Thanh Hòa dịch

Quán đảnh đã được định nghĩa một cách khái quát là “hành động hay nghi thức ban ý nghĩa tôn giáo (thánh phước) cho những đồ vật, nơi chốn, hoặc con người; thường bằng năng lực và sự thánh thiện” (Bowker, tr. 234). Trong Phật giáo, quán đảnh đã được miêu tả như một nghi thức biến đổi một pho tượng hoặc một ngôi tháp từ một vật thể thế tục thành tinh tủy của một đức Phật (Bentor 1997). Vật được quán đảnh không chỉ có những pho tượng và tháp mà còn bao gồm cả những tranh, sách, và những đồ vật khác mang ý nghĩa tượng trưng. Abhiṣeka, từ tiếng Phạn này thường được dịch là “consecration—quán đảnh”, mở rộng ý nghĩa này bao gồm cả vương vị (rājābhiṣeka) và chỉ định cho những hành động hay nghi thức mà đặc biệt là việc rưới hoặc xoa bằng nước thánh. Mục này bàn đến các nghi thức thánh hóa những đồ vật tiêu biểu, đặc biệt trong sự thờ cúng của Phật giáo, cụ thể là những tượng và xá lợi được thờ trong bảo tháp, ngoại trừ những nơi thiêng liêng như tự viện và những nhân vật tôn kính như các cao tăng hoặc vua chúa. Hơn nữa, dù thanh tẩy bằng nước là yếu tố đặc thù trong các nghi thức quán đảnh, bài viết này còn mở rộng ý nghĩa của abhiṣeka vượt lên trên hành động thoa xức để kể đến nhiều kỹ thuật và dụng cụ mà qua đó những vật dụng trên được thánh hóa, làm cho chúng trở thành có năng lực và tốt lành cả về những gì chúng tượng trưng hay biểu trưng cho cũng như những gì chúng trở thành thông qua việc quán đảnh.

Chẳng hạn như, một tượng Phật đã được quán đảnh đồng thời tượng trưng và là sự hiện diện sống động của đức Phật, trong khi một tượng chưa được quán đảnh chỉ tượng trưng cho Đấng giác ngộ mà thôi.

Một bức tượng Phật hay Bồ tát trở thành biểu tượng trong ý nghĩa rằng nó có cái tinh túy của cái mà nó biểu trưng nhờ thông qua một nghi thức quán đảnh. Trái lại, một viên xá lợi Phật tự bản chất nó đã có cái tinh túy của đức Phật. Vì thế, một ngôi tháp trở thành một biểu tượng khi nó thờ một viên xá lợi, và một viên xá lợi có thế được đặt vào trong một pho tượng Phật vì mục đích tương tự. Một viên xá lợi được sử dụng theo cách đó sẽ đóng vai trò như một phương tiện mà thông qua đó những pho tượng Phật và ngôi tháp được quán đảnh. Tục tôn thờ thi thể được lưu lại (toàn thân xá lợi) của những vị cao tăng ở Trung Hoa có thể được xem như lối biểu đạt cao nhất sự biểu tượng hóa ấy—sự dung hợp hoàn toàn hình ảnh của một vị thánh và di cốt (xá lợi). Cũng như nhiều ký hiệu hay những di vật đã được sử dụng và liên quan—dấu chân, cây bồ đề, bình bát, tượng, và thậm chí cả sách—đã hướng đến biểu thị sự hiện hữu của một đức Phật không còn nữa (parinirvāṇīzed), nhiều nghi thức được phát triển để đưa vào chúng sự hiện hữu và năng lực của Phật. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những biểu tượng chính yếu được gắn liền với những nơi quan trọng nhất của sự tu tập, cụ thể là những viên xá lợi và những pho tượng Phật. Khắp châu Á Phật giáo, từ Ấn Độ đến Nhật Bản, những ngôi tháp, những ngôi chùa, những tượng sảnh trở thành những đặc điểm chính yếu của kết cấu phức hợp mang tính chất tự viện, nơi được xem như là “trú sở của Như Lai” (buddhavāsa), kết hợp với “trú sở của tăng – tăng già lam” (saṅghāvāsa). Như những thuật ngữ này cho thấy, tu viện đã và tiếp tục giữ vai trò làm nơi mà ở đó những vị tăng không chỉ theo đuổi những lộ trình thiền định và học tập mà còn tham dự vào những buổi lễ cầu nguyện như những chức sắc nghi lễ. Một trong những hoạt động nghi lễ được cử hành bởi những vị tăng, mà trọng tâm là việc cúng Phật, bao gồm cả những biểu tượng quán đảnh.

Thỉnh Phật quang lâm

Không có gì lạ lắm, tất cả những khóa lễ quán đảnh khắp châu Á không giống như nhau. Chúng phản ánh những truyền thống Phật giáo khác nhau cũng như những nền văn hóa đặc thù mà ở đó chúng thịnh hành. Tuy không một nghi thức nào thích hợp cho tất cả các hoàn cảnh nhưng vẫn có những sự tương đồng. Nổi bật lên trên tất cả, những hình tượng và xá lợi Phật cũng như những di vật khác liên hệ đến đức Ngài khiến cho đức Ngài trở nên hiện hữu trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Bằng vào cách ấy, chúng đảm nhiệm vai trò vật tương đương hay thay thế thiết thực của đức Phật, đặc biệt là trong những bối cảnh lễ lạt.

Cuốn Kosalabimbavaṇṇanā (Bản tán dương pho tượng ở Kosala), một bản văn Pāli của người Sir Lanka vào thế kỷ thứ XIII, miêu tả tượng giữ vai trò thay thế đức Phật như thế nào. Cũng như phiên bản đại thừa được biết đến khá nhiều về câu chuyện liên quan đến vua Ưu Điền (Udayāna - 優填王), sự vắng mặt của đức Phật trở thành nhân duyên cho việc kiến tạo một hình tượng của đấng Thế tôn. Trong tạng Pāli, vua Ba-tư-nặc (P: Pasenadi, skt: Prasenajit - 波斯匿) của nước Kiều-tát-la (Kosala -憍薩羅) đến viếng thăm đức Phật mới biết Ngài đã đi du hóa phương xa. Vài ngày sau, khi đức Phật trở về, vua bày tỏ là đã thất vọng chừng nào khi không gặp được Phật và thỉnh cầu làm một pho tượng giống như đức Như lai cho cả thế gian được lợi lạc. Đức Thế Tôn đã ưng thuận và dạy thêm rằng nếu ai kiến tạo được một pho tượng dù bất cứ kích cỡ hay chất liệu gì thì cũng đã tích lũy được vô lượng vô số công đức. Trở về nơi ở của mình, vua Ba-tư-nặc cho làm một pho tượng Phật bằng gỗ chiên đàn (skt: candana - 栴檀 - 檀香 - 栴檀香) thể hiện 32 tướng tốt của một bậc Vĩ nhân (Skt, mahāpuruṣa; Pāli, mahāpurisa), pho tượng được dát vàng và quấn y vàng. Sau khi hoàn tất, vua thỉnh Phật đến xem tượng được tôn trí trong một bảo điện. Khi đức Phật bước vào điện, pho tượng hành động như thể nó được ban cho sự sống, đứng dậy chào bậc Chánh đẳng giác; đức Phật tuyên bố rằng sau khi Ngài nhập niết bàn, pho tượng này sẽ khiến cho giáo pháp của Ngài tồn tại trong vòng năm ngàn năm. Câu chuyện này xác định rằng việc thể hiện đức Phật thông qua những di vật, trường hợp này là một pho tượng, tạo ra một điểm quy chiếu cho sự bày tỏ những tình cảm tôn giáo và cơ hội tu tạo phước thiện nhờ vào sự hiến cúng. Hơn thế nữa, trong khi vật thế hóa Phật và pháp—một chi tiết quan trọng của nghi thức quán đảnh—những sự thể hiện như thế làm tăng thêm sự tồn tại của giáo pháp (skt. śāsana).

Quán đảnh như một sự chuyển hóa

Về mặt hiện tượng học, những buổi lễ quán đảnh chuyển đổi những pho tượng, tháp, và những biểu tượng vật thể khác của đức Phật thành những vật thay thế Ngài. Như được thuật lại trong kinh Đại bát niết bàn (Mahāparinirvāna-Sutra), tại lễ trà tì đức Phật, thân thể của Ngài chuyển đổi thành những viên xá lợi không phải thông qua nước như trong nghi thức quán đảnh mà thông qua lửa. Thân thể đã nhập diệt nhận một hình tướng mới dưới dạng phân tán qua những viên xá lợi—những di vật được thực thể hóa từ thần lực của Phật. Đối với những tượng Phật, bản Kosalabimbavaṇṇanā và những biên khảo khác quy chiếu những phẩm tính của một đức Phật sống vào những biểu tượng, gồm cả sự sinh động hóa. “Điểm nhãn Phật”, một thuật ngữ thuần túy Phật giáo chỉ cho những buổi lễ quán đảnh tượng, mang một ý nghĩa tương tự. Chỉ là một đồ vật, trong trường hợp này là một sự mô phỏng dáng hình hơn là một viên xá lợi óng ánh, trở thành một đức Phật. Ở Đông Nam Á, những buổi lễ khai nhãn cũng được tin là làm sống lại những bức chân dung của những vị cao tăng cũng như tăng thêm năng lực cho những bài vị tổ tiên được thờ trong các tự viện và bàn thờ tư gia.

Ở Đông nam á, như Bernard Faure đề cập đến trong bài nghiên cứu của ông về các biểu tướng của những vị thiền tăng đã viên tịch mà còn lưu lại toàn thân xá lợi, sự chuyển hóa như thế đòi hỏi một quá trình hành lễ mang tính mô phỏng được truyền đạt bằng “phép hoán dụ và biểu trưng mà trong đó dấu tích trở thành thực như thân thể” (tr. 170). Lễ quán đảnh ở miền bắc Thái lan bắt đầu từ lúc mặt trời lặn và kết thúc vào lúc mặt trời mọc, phản ảnh ba giai đoạn quán chiếu trong đêm Bồ tát đạt được Phật quả. Trong suốt khóa lễ đêm ấy, những vị tăng đọc lại câu chuyện từ bỏ những mục tiêu thế gian của vị Phật sắp thành, những năm thực hành khổ hạnh lang thang, những cám dỗ của ma quân, và sự giác ngộ sau cùng của Ngài. Ở Cam pu chia và bắc Thái lan, sự tái hiện lại những cảnh từ lịch sử của Phật, đặc biệt sự cúng dường sữa và cháo mật của nàng Sujātā, làm nổi bật bản chất biểu đạt của nghi lễ. Vào lúc mặt trời mọc, những vị tì kheo tụng lại các bài kệ an vui của đức Phật về sự giác ngộ của Ngài: “Trải qua nhiều kiếp sống ta lang thang trong nẻo luân hồi; kiếm tìm nhưng không tìm được kẻ dựng nhà. Đau khổ thay sanh tử cứ tiếp nối. Ôi kẻ dựng nhà! Ngươi đã bị tìm thấy. Ngươi sẽ không dựng được nhà nữa. Tất cả rui mè của ngươi đã bị bẻ gãy, những xà nhà của ngươi đã bị phá hủy. Tâm ta đã đạt được trạng thái tuyệt đối; khát ái đã bị chấm dứt.”

Không gian vật lý để cử hành nghi thức quán đảnh cũng được tái hiện theo lối mô phỏng lịch sử đức Phật. Trong suốt buổi lễ, pho tượng chính sẽ được quán đảnh được đặt trên một cái nệm cỏ bên dưới cây bồ đề xanh tươi ở trong tượng sảnh của một tu viện. Khu vực ấy được thiết kế giống như một Bồ đề tòa, tòa giác ngộ ấy đã mọc lên một cách diệu kì từ một chiếu cỏ—phẩm vật cúng dường do Sottiya, người sống trong rừng, dâng cho đức Phật sẽ thành. Một sợi dây cát tường kéo dài từ một pho tượng đã được quán đảnh của tu viện bao quanh bồ đề tòa, nhờ đó mà thiết lập được một mối liên hệ với pho tượng Phật đầu tiên—pho tượng đã được ấn chứng bởi chính đức Phật. Những pháp cụ khác tượng trưng cho những cảnh đặc biệt trong câu chuyện về sự truy tầm giác ngộ của Bồ-tát, cũng như các đức Phật Như lai khác trong Hiện kiếp.

Trong suốt buổi lễ, đầu của những pho tượng đặt trong bồ đề tòa được phủ bởi một tấm vải trắng và mắt được che kín bằng sáp ong. Chúng vẫn còn ẩn khuất, cũng như vị Phật tương lai đã từ giã cung điện của mình và tìm kiếm sự tịch mịch nơi rừng vắng. Vào lúc bình minh, các vị tì kheo tụng bài kệ giác ngộ và những vật che đậy đầu và mắt được tháo bỏ, tượng trưng rằng với việc khai nhãn, những pho tượng đã được truyền vào những phẩm tính của Phật quả: “Đức Phật đã viên mãn tâm từ không giới hạn, đã tu tập 30 ba la mật trong nhiều a tăng kì kiếp, cuối cùng đạt được giác ngộ. Con kinh lễ đức Phật ấy. Nguyện xin những phẩm đức ấy thể nhập vào trong pho tượng này. Nguyện xin sự giác ngộ không ngằn mé của Phật được truyền vào trong pho tượng này cho đến khi chánh pháp không còn tồn tại nữa.” Trong những nền văn hóa Phật giáo khác nhau, nghi thức khai nhãn tượng cũng có những hình thức khác nhau. Mắt có thể được vẽ một cách biểu trưng hay rõ ràng trên pho tượng, hoặc mắt được khắc nhẹ bằng một cây kim; tuy nhiên, dù là hình thức nào, chính nhờ việc khai nhãn mà nó trở thành một biểu tượng tín ngưỡng sống động.

Buổi lễ chuyển hóa một pho tượng đơn thuần thành biểu tượng thay thế cho Phật luôn in dấu lịch sử của Phật lên trên pho tượng ấy. Những mẫu chuyện đóng một vai trò cũng quan trọng trong việc chuyển hóa những di vật khác thành những vật biểu trưng cho Phật và các vị thánh tăng. Những tháp thờ xá lợi đánh dấu hành trình của Phật khắp Á châu rộng lớn: Sự ban bố rộng rải tóc xá lợi, những tiên đoán về việc phát hiện xương xá lợi về sau bởi các vị vua đức hạnh, và những dấu chân đã được in dấu trên đá và đất minh chứng cho sự hiện hữu không gián đoạn của Phật. Những câu chuyện liên quan đến những sự kiện này trở nên nổi bật không chỉ trong việc tạo nên những địa điểm linh thiêng mà còn vào những kỳ lễ tái quán đảnh hằng năm và những buổi lễ làm mới.

Sự việc một viên xá lợi thật có thể được đặt vào trong một pho tượng Phật và những pho tượng có thể được thờ bên trong một bảo tháp cùng với những viên xá lợi cho thấy một niềm tin rằng cả hai đều là những biểu tượng cho đức Phật sống. Thêm một minh chứng cho niềm tin này, những buổi lễ quán đảnh tượng ở miền bắc Thái lan có thể bao gồm việc đặt thêm một bộ nội tạng được làm bằng bạc vào trong pho tượng. Khi một khoang trống sau lưng pho tượng gỗ chiên đàn được Chōnen (938–1016) — một vị Phật tử Nhật bản đi hành hương — mang về Nhật và thờ ở Seiryōji (清涼寺-Thanh lương tự), Kyoto, được mở ra vào năm 1954, người ta phát hiện nó chứa một bộ nội tạng tương tự như thế được từ tơ lụa.

Phật quả đòi hỏi những thành tựu phi thường về thân và tâm. Cho nên, việc truyền những phẩm đức siêu việt này vào trong pho tượng trở nên nổi bật trong những buổi lễ quán đảnh. Ở bắc Thái lan, người ta tụng kinh quán đảnh tượng Phật để truyền những sự toàn thiện về mặt tâm linh (ba la mật) vào trong pho tượng, những vị tăng được cho là đã đạt được sự tỉnh giác và thần lực ở cấp độ cao được mời “rót” chúng vào trong những pho tượng được quán đảnh trong khi đã tọa thiền định xung quanh bồ đề tràng. Trong truyền thống Tây tạng những phương pháp thiền sādhana (thành tựu) là tâm điểm của lễ quán đảnh (rab gnas) những pho tượng và bảo tháp. Quy trình quán tỉ mỉ gồm có nhiều bước như sau: phân tích đối tượng cần quán đảnh thành không; tưởng đến đức Phật được chọn (yi dam) từ cái không; thỉnh đức Phật này và hình tướng được tưởng tượng của ngài nhập vào pho tượng; chuyển chúng thành bất nhị; và cuối cùng chuyển cái không có tính bất nhị thành tướng trạng ban đầu của pho tượng. (Bentor 1997).

Quán đảnh như một sự pháp hóa

Vào đêm giác ngộ, đức Phật đã quán triệt nguyên nhân của khổ đau và con đường dẫn đến sự diệt tận khổ đau ấy. Sự giác ngộ này được thành tựu nhờ quá trình thấu suốt những mê mờ mà nó ngăn cản sự hiểu đúng bản chất của các pháp là vô thường và cùng khởi lên do duyên và phụ thuộc lẫn nhau (PRATĪTYASAMUTPĀDA). Tóm lại, thuật ngữ Phật và Pháp là bao trùm lẫn nhau; Phật quả cần phải có sự pháp hóa. Chính vì vậy, những bảo tháp, tôn tượng, và những biểu tượng khác của đức Phật, như cây bồ đề, cũng tiêu biểu cho pháp, điều đó gợi lại câu nói của đức Phật, “ai thấy ta, người đó thấy pháp.” Cho nên, những buổi lễ quán đảnh không chỉ Phật hóa các sự vật mà còn pháp hóa chúng nữa.

Là một bộ phận của những nghi thức quán đảnh, pháp hóa gồm có nhiều dạng khác nhau. Những bản sao các bộ kinh và nhiều văn bản khác có thể được đặt trong những pho tượng lớn hơn kích người hoặc trong những bảo tháp trong suốt những buổi lễ quán đảnh. Thông lệ này góp phần tạo nên “tín ngưỡng thờ kinh sách” như một di vật của đức Phật, đặc biệt trong truyền thống đại thừa. Cội nguồn của thông lệ truyền một cách thần bí bài kệ duyên khởi (“Những pháp mà chúng khởi lên từ một nhân / Như lai đã tuyên bố về nhân của chúng / và trạng thái diệt của chúng / đấng từ bỏ vĩ đại đã dạy như thế”) vào trong những pho tượng và bảo tháp có từ thế kỷ thứ II Công nguyên và tiếp tục cho đến hiện tại như một phương pháp tu tập thuần túy Phật giáo. Trong truyền thống Tây tạng, Atisha (982–1054) đề cập đến việc sử dụng mang tính chất thần chú câu kệ này trong những nghi thức quán đảnh, và ngày nay nó được dùng chung với việc tiên đoán cát hung trong những buổi lễ quán đảnh tượng Phật ở Trung quốc và Hàn quốc. Những truyền thống Phật giáo khác sử dụng những bộ kinh quan trọng như là yếu tố trung tâm của buổi lễ quán đảnh tượng. Trong trường phái Nhật liên tông của Nhật bản, người ta tin rằng đặt cuốn kinh Pháp Hoa trước pho tượng trong suốt thời gian làm lễ quán đảnh bảo đảm nó sẽ trở thành một vị Phật của giáo pháp thanh tịnh và hoàn hảo.

Ở Đông Nam Á, những kỹ thuật phức tạp được phát triển cho việc pháp hóa những pho tượng Phật và bảo tháp. Ở bắc Thái lan, việc xây cất một pho tượng Phật hay một bảo tháp bao gồm cả việc đính kèm theo những pháp đồ vào trong đó; và ở Cam pu chia, việc khắc những pháp ấn (Sanskrit, lakṣaṇa; Pāli, lakkhaṇa) giữ vai trò trung tâm trong lễ quán đảnh tượng Phật. Vị tăng hành lễ chạm vào các bộ phận của thân tượng trong khi tụng những câu tiếng Pāli (những thần chú), nhờ đó tạo nên một pháp thân của những khái niệm mang tính giáo lý tương đương với các thân phần của pho tượng. Sự biến đổi này có thể khiến cho một sự tái hiện được thể hiện từ gỗ hoặc đồng, đã được diễn tả một cách sống động bởi phép khai nhãn, trở thành một biểu tượng tín ngưỡng đáng tôn thờ (Bizot).

Quán đảnh như một sự gia trì

Tập quán thờ cúng những di vật, tượng, ảnh, xá lợi, và những biểu tượng khác của đức Phật và các vị thánh tăng phản ánh một tín ngưỡng mang tính thần biến rằng những năng lực thần bí đi cùng với sự đạt ngộ tâm linh phi thường có thể được cụ thể hóa dưới dạng vật thể. Như thế, những nghi thức quán đảnh thể hiện đức Phật và các vị A la hán không phải chủ yếu như những nhà thông thái tâm linh lý tưởng hóa và sự nhân cách hóa pháp mà như những vị ban phép mầu, những người bảo hộ, và những bậc ban phát ân huệ. Cho nên, những nghi thức quán đảnh xông ướp vào những biểu tượng này những năng lực tương ứng đặc biệt với những thuộc tính tinh thần và vật chất đã đạt được thông qua sự tu tập khổ hạnh, đặc biệt là thiền định.

Bởi vì từ đầu đức Phật đã được tôn thờ không chỉ như một bậc đạo sư mà còn như một người có năng lực thần thông, cho nên những biểu tượng thay thế cho đức Thế Tôn có thể được coi như tương đồng. Sự tin tưởng vào năng lực của những xá lợi và tôn tượng không phải là một hình thức suy thoái và hậu kỳ của lòng tín mộ trong Phật giáo mà là một trong những bộ phận tạo nên tín ngưỡng và sự hành trì của Phật giáo từ thời kỳ đầu. Về phương diện này, những nghi thức quá đảnh có thể được xem như một phương tiện thực tiễn qua đó khía cạnh này của Phật giáo lan truyền và phát triển khắp châu Á Phật giáo.

Ở Cam pu chia, lễ quán đảnh truyền không chỉ những phẩm đức thiêng liêng do sự giác ngộ đem lại của đức Phật vào trong tôn tượng mà còn có cả nhiều năng lực hộ trì, bao gồm năng lực của các vị trời và thần, linh hồn của tổ tiên, và các vị thiên thần hộ vệ. Trong suốt lễ quán đảnh năm 1989 cho ngôi bảo tháp được trùng tu trên đỉnh núi Doi Suthep nhìn xuống thành phố Chiang Mai ở miền bắc Thái lan, thần lực của những vị thần hộ vệ núi, linh thể của những vị khổ hạnh kỳ bí ở trên núi, và những vị vua nổi tiếng của Chiang Mai đã được khấn lên, cũng như thần lực của xá lợi Phật được tôn trí ở đó.

Những nghi thức hằng năm quán đảnh lại các pho tượng và những bảo tháp thờ xá lợi thường được kèm theo bởi những chuyện kể chứng nhân cho những năng lực thần bí của chúng. Xá lợi phát ra những tia sáng rực rỡ trước mắt người xem đầy kinh ngạc, hoặc những pho tượng quý được cho là đã biến mất trước đây hay đã bị lấy trộm bỗng dưng xuất hiện để được thanh tẩy và được tôn kính hơn do lòng tín mộ. Hơn nữa, những buổi lễ quán đảnh không chỉ là dịp để làm sống dậy và tăng thêm năng lực cho những pho tượng mới hoặc được sửa chữa lại. Những tín đồ có thể mang những pho tượng thờ ở nhà đã được quán đảnh trước đây, những bùa chú, và những biểu tượng khác của Phật và bồ tát ra để được quán đảnh lặp đi lặp lại nhiều lần, nhờ đó để tăng thêm năng lực hộ trì và giá trị kinh tế thực thụ của chúng.

Nghi thức quán đảnh của Phật giáo thể hiện một bức tranh văn hóa phong phú của tôn giáo. Cụ thể chúng mở ra một hướng nhìn cho một sự hiểu biết đa dạng hơn về lòng tín mộ trong Phật giáo, nơi mà tượng, xá lợi, và nhiều biểu tượng vật thể khác của Phật và các vị thánh tăng giữ vị trí trung tâm.

Thư mục tham khảo

Bentor, Yael. Consecration of Images and Stū pas in Indo-Tibetan Tantric Buddhism. Leiden, Netherlands: Brill, 1996.
Bentor, Yael. “The Horseback Consecration Ritual.” In Religions of Tibet in Practice, ed. Donald S. Lopez, Jr. Princeton, NJ: Princeton University Press, 1997.
Bizot, François. “La consecration des statues et le culte des morts.” In Recherches nouvelles sur le Cambodge, ed. François Bizot. Paris: École Francaise d’Extreme-Orient, 1994.
Bowker, John, ed. Oxford Dictionary of World Religions. Oxford and New York: Oxford University Press, 1997.
Faure, Bernard. The Rhetoric of Immediacy: A Cultural Critique of Chan/Zen Buddhism. Princeton, NJ: Princeton University Press, 1991.
Gombrich, Richard. “The Consecration of a Buddha Image.” Journal of Asian Studies 26, no. 1 (1966): 23–36.
Ruelius, Hans. “Netrapratisthapana-eine Singhalesische Zeremonie zur Weihe von Kultbildern.” In Buddhism in Ceylon and Studies in Religious Syncretism in Buddhist Countries, ed. Heinz Bechert. Götttingen, Germany: Vandenhoeck und Ruprecht, 1978.
Stone, Jacqueline. “Opening the Eyes of Wooden and Painted Images.” In The Writings of Nichiren Daishonin. Tokyo: Sōka Gakkai, 1999.
Swearer, Donald K. “Hypostasizing the Buddha: Buddha Image Consecration in Northern Thailand.” History of Religions 34, no. 3 (1995): 263–280.
Swearer, Donald K. Becoming the Buddha. Princeton, NJ: Princeton University Press, 2004.
Thompson, Laurence G. “Consecration Magic in Chinese Religion.” Journal of Chinese Religions 19 (1991): 1–12.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2023(Xem: 4760)
Ngưỡng bạch Chư Tôn Thiền Đức, thân mẫu chúng con khi sinh tiền dốc lòng vun trồng cội phúc, gieo nhân chí thiện cần mẫn cực nhọc lo lắng cho chúng con. Nhớ lại những khi răn bảo dặn dò, những lúc nhọc nhằn nuôi dưỡng. Nhưng hởi ôi ! Ân sâu chưa trả, nghĩa nặng chưa đền mà ngày nay người đã vĩnh viễn ra đi để lại muôn vàn nhớ thương cho con cháu. Thật: Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, Con muốn phụng dưỡng mà Cha Mẹ đã khuất bóng.
14/09/2023(Xem: 1161)
1) Nhẹ nhàng ra đi an lành trong tiếng Niệm 'Nam Mô A Di Đà Phật" của người thân trong gia đình 2) Thành tựu hạnh hiếu thảo cho tất cả người con dâu rể và các cháu qua việc tận tụy chữa bệnh, đặc biệt chăm sóc Ba Mười của Bé Thảo (Tâm Tịnh gọi bằng Cậu Mười_nằm liệt giường) trong khoảng thời gian 11 tháng (kể cả 2-3 tháng nằm tại Khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc Bệnh Viện Đà Nẵng). Các con (kể cả dâu và rể) thường xuyên thay phiên túc trực chăm sóc Ba hàng đêm, ngày, đặc biệt là con dâu Thủy và con gái út Thảo bằng cả tấm lòng hiếu thảo của mình.
03/05/2023(Xem: 125908)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
29/04/2023(Xem: 2149)
Những ngày sau tết âm lịch, nhất là càng gần đến Đại Lễ Phật Đản, tôi càng đau đáu tâm huyết lan toả Chánh Pháp, muốn Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nằm sẵn trong Kinh Phật gốc Nikaya lan toả đến muôn nơi, đến thật nhiều những người con của Phật, không chỉ quý vị xuất sĩ mà cả các cư sĩ tại gia. Và cứ thế tôi tìm cách tặng Kinh Nikaya, tạo duyên để Nikaya đến nhiều nhất những người thân và học trò thật sự muốn tu tập theo Chánh Pháp, hết sức có thể.
11/09/2022(Xem: 2046)
Sáng 10-9 (15-8-Nhâm Dần), chư tôn đức Tăng Ni cùng đông đảo Phật tử đã vân tập tại Chánh điện chùa Long Sơn để dự lễ Huý Nhật lần thứ 9 (2013-2022) đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Chí Tín, trụ trì chùa Long Sơn và hiệp kỵ chư tôn Hoà thượng giáo phẩm, lãnh đạo GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà qua các thời kỳ. Tham dự buổi lễ Hiệp kỵ có sự hiện diện của HT. Thích Quảng Thiện – thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà; HT. Thích Minh Thông - Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà, cùng chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni các tự viện gần xa. Trước đó, vào tối ngày 09 tháng 9 (14-8- Nhâm Dần) chư Tôn đức Bổn tự và quý Phật tử đã tụng kinh Di giáo trước ban thờ di ảnh quý Ngài.
15/08/2022(Xem: 3321)
Đại đức Tăng xin lắng nghe, tôi Tỳ Kheo .. xin vì Tăng xướng lên các tiêu tướng bốn phương của Tiểu Giới (tức là Giới Trường) từ gốc đông-nam của trú xứ này, lấy (nói lên vật dùng làm Tiêu Tướng) làm nêu. Từ đông-nam đây về hướng tây (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc tây-nam thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng tăng, bạch tiếp) đến góc tây-nam, lấy .. làm nêu. Từ tây-nam đây về hướng bắc (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc tây-bắc thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng Tăng bạch tiếp) đến góc tây-bắc, lấy .. làm nêu. Từ tây-bắc đây về hướng đông (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc đông-bắc thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng Tăng bạch tiếp) đến góc đông-bắc, lấy .. làm nêu. Từ đông-bắc đây về hướng nam (nói đến đây, Tỳ Kheo xướng tướng đi đến góc đông-nam thì dừng lại, đứng yên, hướng về phía chúng Tăng bạch tiếp) trở lại góc đông-nam, lấy . Làm nêu. Đây là xướng xong một vòng gồm các tiêu tướng ngoài
14/08/2022(Xem: 4379)
Người đạo đức tình thương Trăng thanh nước bích Kiều môn cùng dòng họ Thích Ni chúng đồng phái nhà thiền Nghìn nhà một bát hóa duyên Muôn dặm cô thân ứng cúng
16/07/2022(Xem: 9708)
Bồ đề nhất bá bát Diệt tội đẳng hà sa Viễn ly tam đồ khổ Xích sắc biến liên hoa Nam Mô A Di Đà Phật.
06/02/2022(Xem: 11441)
Quang Lưu xứ xứ u minh thất, Ảnh hóa phân thân tọa đạo tràng, Nguyện độ hương linh qui bổn quốc. Cửu liên đài trực vãng Tây Phương. Nam mô Tiến Linh Diên (Vãng Sanh) Bồ Tát Dịch nghĩa: Nơi nơi ngục tối hiện hào quang Ảnh hoá phân thân ngồi đạo tràng Nguyện độ hương linh về bổn quốc Đài sen chín phẩm thẳng Tây phương Nam Mô Tiến Linh Diên ( Vãng Sanh) Bồ Tát
09/01/2022(Xem: 4895)
Chúng con cung kính nghe rằng: Núi Tuyết tu nhơn, Khổ hạnh sáu năm quả mãn; Sao Mai ứng dạng, Hân hoan muôn đức công thành! Một Phật giáng sanh, Muôn loài hưởng phước! Nay có Tăng chúng, Và chư Phật tử chúng con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567