Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa 5 Màu Sắc Trong Phật Giáo Tây Tạng

04/06/201321:03(Xem: 22755)
Ý Nghĩa 5 Màu Sắc Trong Phật Giáo Tây Tạng

Ý Nghĩa 5 Màu Sắc Trong Phật Giáo Tây Tạng

 

Phật giáo Tây Tạng và Văn vật trong Phật giáo Tây Tạng

1. Tổng quan lịch sử tôn giáo Tây Tạng

Phật giáo có nguồn gốc lâu đời từ Ấn Độ, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Lịch sử, truyền thuyết, và nhân loại đều công nhận Phật giáo được khai sáng bởi Đức Phật Thích Ca Mầu Ni (Shakyamuni Buddha). Truyện kể về cuộc đời của Đức Phật từ khi đản sinh cho đến khi lập gia đình là năm 16 tuổi; năm 29 tuổi thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) quyết chí xuất gia tu hành tìm đường diệt khổ; đến năm 35 tuổi giác ngộ ra chân lý, đắc đạo và trở thành Phật. Trong suốt 45 năm sau đó Ngài đi thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh rồi cuối cùng viên tịch nhập niết bàn vào năm 80 tuổi.

Trong Phật giáo chia ra làm 2 trường phái chính: Phật giáo Đại Thừa và Giáo lý Tiểu Thừa. Tiểu thừa (Hīnayāna) nghĩa là cỗ xe nhỏ. Đặc điểm của giáo lý Tiểu thừa là không đưa ra lí thuyết về Niết bàn, mà lấy sự giác ngộ bản thân làm trọng. Trái lại, phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) – tức cỗ xe lớn – thì đa dạng hơn, tập trung vào việc mở đường giác ngộ cho chúng sinh.

Bản thân Đại thừa lại được chia ra nhiều bộ phái khác nhau truyền qua các vùng Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Về mặt thời gian, Đại thừa Phật giáo gồm ba kỳ: Sơ kỳ, Trung kỳ và Vãn kỳ. Phật giáo Tây Tạng là sự khai triển độc đáo của Đại thừa Mật giáo thời Vãn kỳ kết hợp uyển chuyển với những nét văn hoá lâu đời của người bản xứ đã có mặt trước đó trên cao nguyên Thanh – Tạng hàng trăm năm, trải qua quá trình sàng lọc, tôn vinh, và cả những cách tân, biến cải, song song là sự giao thoa liên tục với Phật giáo Nepal và Trung Quốc; đã xây dựng nên một thế giới tâm linh huyền bí, một tinh hoa Phật giáo có lẽ là rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại!

a. Thời Phật giáo Tiền truyền:

Đi ngược dòng thời gian, sử cũ chép chuyện vua Nam Nhật Tùng Tán (hay Luân Tố Tán, Namri Songtsen) – vị vua đời thứ 32 của Tây Tạng – đã xây dựng vương triều Nhã Lung (Yarlung) trong lòng thung lũng Nhã Lung, quân đội của người Tạng khi đó hung mãnh, bách chiến bách thắng. Nhưng phải đến thời con trai ông là vua Tùng Tán Cương Bố (hay Khí Tông Lộng Tán, Songtsen Gampo) (629-650) thì quốc gia Thổ Phồn mới thực sự thống nhất và hùng cường. Sau khi tiêu diệt nước Thổ Cốc Hồn (1 hãn quốc ra đời trong loạn Ngũ Hồ thập lục quốc của Trung Hoa – nay thuộc tỉnh Thanh Hải), ông tiến về phía Đông và bang giao với nhà Đường (nhắm vào thời kỳ vua Đường Thái Tông). Bước ngoặt lịch sử bắt đầu từ đây, vua Đường Thái Tông đem cháu gái của mình là công chúa Văn Thành (Princess Wencheng) gả cho vua Songtsen Gampo. Cùng lúc đó, trong cuộc chiến đánh xuống phía Nam chinh phục nước Ni Bạc Nhĩ (hay Nepal ngày nay), vua kết hôn với công chúa Nepali Ba Lợi Khố Cơ (Princess Bhrikuti Devi). Hai cuộc hôn phối với hai công chúa đều là đệ tử Phật giáo, lại thêm những ảnh hưởng tất yếu đến từ vùng biên ngoại (mà ở đây là Ấn Độ và Trung Quốc), đã hun đúc tinh thần Phật giáo từ từ nhưng mạnh mẽ giữa lòng Tây Tạng – mà khi đó vẫn còn theo quốc giáo cũ Bon.

Vua Songtsen Gampo sau đó cho ban hành Thập Hiền Thiện (mười điều hiền thiện) và Thập lục Yếu (mười sáu yếu luật) lấy Phật giáo làm kim chỉ nam để răn dạy dân chúng. Còn hai hoàng hậu của ông mang theo những tài sản vô giá từ đất nước mình như tượng Phật A Súc Kim Cương, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng thái tử Tất Đạt Đa, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng kinh luận và văn vật khác, kèm theo các Tăng Ni tháp tùng. Có lẽ là nhân duyên hay cũng là định mệnh lịch sử, sự khác nhau về hình thái và triết lý Phật giáo của Ấn Độ – Nepal – Trung Quốc không những không bài trừ nhau mà còn dung hoà, bổ sung cho nhau, tô thắm sắc màu đa dạng của Phật giáo Tây Tạng. Do đó, người ta sau này ghi công khai phá Phật giáo lớn nhất cho vua Tùng Tán Cương Bố, và tất nhiên không thể quên vinh danh hai hoàng hậu của ông. Họ sùng bái hai bà như Đa La Thiên Nữ (Tara), là người mẹ cứu độ chúng sinh (Độ Mẫu nữ tôn của Mật tông): coi công chúa Văn Thành là hoá thân của Thanh Đa La (Green Tara), và công chúa Ba Lợi Khố Cơ là hoá thân của Bạch Đa La (White Tara). Cũng phải để ý rằng, từ đây người dân Tây Tạng không chỉ sùng bái Phật giáo mà còn coi trọng các vị vua của họ ngang với Phật, coi các vị vua và những người nổi tiếng là hoá thân nhiều kiếp của Phật.

(Ảnh vua Songtsen Gampo và hoàng hậu Văn Thành bên phải, hoàng hậu Ba Lợi Khố Cơ bên trái)

Để có nơi thờ cúng và lễ kính Tam Bảo (Tam Bảo bao gồm Phật Bảo Buddha – nơi thờ Phật, Pháp Bảo Dharma – lưu trữ kinh sách giáo pháp, và Tăng Bảo Sangha – nơi học tập tu dưỡng của tăng ni), vua Songtsen Gampo đã lấy vùng Lạp Tát (Lhasa) làm trung tâm và cho dựng hành cung Bố Đạt La (Potala). Đồng thời để có sự phân biệt giữa hai hoàng hậu, vua đã cho xây 2 ngôi chùa: Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và Tiểu Chiêu Tự. Đại Chiêu Tự dành cho công chúa Văn Thành thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Tiểu Chiêu Tự dành cho công chúa Ba Lợi Khố Cơ thờ đức Đông Phương A Súc Phật (Kim Cương Phật). Nếu bạn đọc hứng thú tìm hiểu sâu hơn nữa có thể tham khảo cuốn truyện Mật mã Tây Tạng của dịch giả Lục Hương vừa ra mắt ở Việt Nam năm 2010, tuy câu chuyện pha màu dã sử hư cấu nhưng ít nhiều đều dựa theo chính sử vùng Thanh – Tạng mà chép lại. Đại Chiêu Tự ngày nay vẫn còn được bảo quản tốt và đón du khách vào tham quan, chỉ có Tiểu Chiêu Tự đã bị huỷ hoại sau Cách mạng văn hoá.

 

Vua Songsten Gampo mất đi, vương triều Thổ Phồn lại tục truyền thêm 4 đời nữa và tiếp bước khuyếch trương Phật giáo. Đến giai đoạn những năm 680-742, vua Xích Đức Tổ Tán (hay Khí Đãi Xúc Tán, Me Agtsom) lại được vua Đường Trung Tông đem công chúa Kim Thành (Princess Jincheng) gả cho. Kim Thành công chúa cũng là một Phật tử, bà đã mang vào Tây Tạng vô vàn Phật điển và Dược học, Số học của Trung Quốc. Từ đây các tài liệu quý báu này được dần dần dịch ra Tạng văn và lưu truyền rộng rãi. Đặc biệt hơn, con trai bà, mà sau này trở thành vua Xích Tùng Đức Tán (hay Cật Phiêu Song Đề, Trisong Detsen) (755-780) là người có công lớn trong việc đưa Phật giáo lên một tầng hưng thịnh nữa, thoát khỏi vòng suy vong do sự bài xích phe phái cũng như áp lực ngầm của cổ giáo Bon. Sức mạnh quân sự của thời vua Xích Tùng Đức Tán thậm chí còn vượt xa giai đoạn vua Tùng Tán Cương Bố; biên giới Tây Tạng bành trướng ra Thanh Hải, Tứ Xuyên; có lúc quân đội Thổ Phồn còn vây hãm Trường An và đánh sang Ấn Độ. Vua cũng là người cho xây dựng Tu viện Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng: tu viện Tang Diên (Samye Monastery), thuộc địa giới vùng U. Tu viện này được xây trong vòng gần 20 năm, có kiến trúc độc đáo gồm 3 tầng lớn mà tầng 1 theo phong cách người Tạng, tầng 2 xây theo phong cách nhà Đường, và tầng 3 là dựa theo cấu trúc Ấn Độ.

(Samye Monastery)

Một sự kiện quan trọng khác đó là việc vua Xích Tùng Đức Tán khi còn tại vị đã thỉnh được đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) từ Ấn Độ sang Tây Tạng để truyền đạo. Không giống như những người đã từng đi truyền đạo Phật ở Tây Tạng trước đó, đại sư Liên Hoa Sinh đã là người đạt được đại thành tựu (Guru Rinpoche) về Mật tông, hiểu được sự khác biệt của cổ giáo Bon so với Phật giáo: đó là sự tôn sùng quỷ thần và bùa chú của Bon giáo! Ông cùng 25 đệ tử dùng lý luận Phật môn kết hợp với Mật chú hàng phục yêu ma, đem sức mạnh yêu ma biến thành uy lực hộ pháp cho cửa Phật, dần dần như thế đã cảm hoá và dẫn dụ người dân Tây Tạng tình nguyên quy y Tam Bảo Từ đây đánh dấu sự ra đời của tông Ninh Mã (Nyingma Sect) – tông đầu tiên của Phật giáo Tây Tạng mang hoàn toàn bản sắc riêng của mảnh đất cao nguyên này Phái Ning Mã có sắc phục mũ đỏ, nên còn được gọi là Hồng Mạo Giáo; Liên Hoa Sinh được coi là sư tổ của tông phái này. Dấu ấn của phái Ninh Mã rõ ràng nhất ở vùng Kham – phía Đông Tây Tạng, thể hiện ở những tu viện như Lamaling Monastery (thuộc Nyingchi), Tsozong Monastery (trên hồ Basum-tso).

(Lamaling Monastery)

Dòng thời gian lại trôi chảy, đến giai đoạn 818-838, vua Tạng đời thứ 41 là Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan) lại xây dựng sức mạnh quân sự của Thổ Phồn đến mức cực thịnh và tiếp tục chiến tranh với nhà Đường. Khiếp sợ uy thế Tạng vương, nhà Đường với nước Thổ Phồn đã đồng ý ký minh thệ Sinh Cửu Liên Minh Bia để thương thuyết hoà bình cho vùng biên cảnh (the Sino-Tibetan treaty); cho lập 3 bia đá khắc lại văn kiện này: một bia giữ ở cửa đền Jokhang trong thành phố Lhasa, một bia giữ ở biên giới 2 nước, và một bia giữ trong kinh thành Trường An (Xian). Đến nay 2 văn bia sau đã mất, chỉ còn lại văn bia trong Lhasa nhưng chữ khắc phần lớn đã mai một không đọc được. Theo bản sao văn bia mà người Anh có ở London, trên bia khắc: “…Dân Phồn thổ an nơi Phồn thổ, Hán tộc trọn vui nơi Đường quốc, ấy là nghiệp lớn của vua hai nước. Đôi bên giữ gìn minh thệ, vĩnh viễn không đổi dời …”. Vua Xích Tổ Đức Tán cũng chính là người cho dịch mới và dịch lại tất cả kinh sách cho nghiêm trang và phù hợp với Tạng văn hơn, chuyển thể tất cả những tinh tuý Phật môn từ tiếng Phạn (Sanskrit) sang tiếng Tạng (Tibetan), từ đó tổng hợp thành Đại Từ Điển Phạn-Tạng (Mahàvyutpaatti) nổi tiếng. Với những cống hiến to lớn ấy, người dân Tây Tạng luôn thờ phụng vua Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan) cùng với vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) và vua Xích Tùng Đức Tán (Trisong Detsen) là Tam Tạng Vương vĩ đại nhất (three Dharma Kings).

Nhưng phàm ở đời có Sinh có Diệt, có Thịnh có Suy, Phật giáo Tây Tạng chứng kiến những thời khắc huy hoàng trải qua mười mấy đời Tạng vương cũng đến lúc suy vi mà nguyên nhân chính xuất phát từ hình thái xã hội phức tạp của Tây Tạng lúc bấy giờ. Vì Phật giáo được vương triều hoằng trương, kéo theo sự ra đời của Tăng chế và những quy định về Tăng dưỡng (cung phụng chu cấp cho Tăng ni), kế đến là sự gia tăng của Tăng số đã đặt nặng gánh sưu thuế cho người dân. Trong hoàn cảnh đó, vua Xích Tùng Đức Tán bị em trai mình là Lãng Đạt Ma (Langdarma) – 1 người cổ xuý cho giáo pháp Bon – hãm hại. Sau khi lên ngôi, vua Lãng Đạt Ma (839-841) ra tay bức hại Phật giáo, đốt hết kinh sách, tiến hành bài Phật phá Phật trong vòng 5 năm, gần như thiêu huỷ hết những công tích gây dựng được cho Phật giáo bởi các Tạng vương đời trước!

Đến năm 842, vua Lãng Đạt Ma bị nhà sư Kiết Tường Kim Cang (Pelgyi Dorje) nhân màn múa Black Hat Dance bắn tên ám sát. Sau sự kiện đó, Phật giáo không những không được chấn hưng, ngược lại đẩy Tây Tạng rơi vào giai đoạn tranh quyền đoạt vị, nội chiến liên miên, cục diện thống nhất của vương triều Thổ Phồn đến đây coi như chấm dứt, thay vào đó là tình trạng cát cứ kéo dài gần trăm năm.

b. Thời Phật giáo Hậu truyền:

Sau 300 năm từ khi đại sư Liên Hoa Sinh vào Tây Tạng và có công khai tông lập phái cho Ninh Mã; người ta nhắc đến tên tuổi thứ hai: đại sư A Đề Sa (Atisha) đến từ Thiên Trúc, Ấn Độ năm 1042, là người có công chấn hưng Phật giáo lúc đó đang suy vong ở Tây Tạng. Từ đây trở về sau, lịch sử chứng kiến sự ra đời của 3 tông phái lớn còn lại của Tây Tạng mà ít nhiều đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ A Đề Sa.

Phái Ca Nhĩ Cư (Kagyupa Sect) là tông lớn thứ hai của Phật giáo Tây Tạng, tên của phái có nghĩa là dòng khẩu truyền được sáng lập bởi sư Mã Nhĩ Ba (Marpa Lotsawa) (1012-1097), học trò của đại sư A Đề Sa. Học trò chân truyền của Mã Nhĩ Ba là Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa) là người rất giỏi thi ca với văn phong sắc diệu, đã thuyết giảng Đại Thừa – Tiểu Thừa – Mật Thừa để giáo hoá dân gian, trở thành người có công lớn trong việc hưng lại Phật giáo Tây Tạng, mà cụ thể ở đây là dòng Ca Nhĩ Cư. Một số thiền viện nổi tiếng của dòng Kagyupa Sect: Tsurphu Monastery (thuộc vùng U), Palpung Monastery (thuộc Tứ Xuyên ngày nay).

Phái Tát Ca (Sakya Sect) là tông lớn thứ ba của Phật giáo Tây Tạng do đại sư Cổn Khúc Già Bảo (Konchog Gyalpo) sáng lập nhằm thế kỷ 11, tương đương với nhà Bắc Tống bên Trung Hoa bấy giờ. Ông cũng cho xây tu viện Tát Ca (Sakya Monastery) nổi tiếng ở Shigatse thuộc vùng Tsang. Con cháu của ông sau này kế nghiệp tổ phụ tiếp tục khuyếch trương giáo pháp, đồng thời lại giữ quan hệ giao hảo với giới chính trị. Chính vì thế mà vào giai đoạn những năm 1260, khi cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt dựng cơ đồ Mông Cổ trong quan nội, Tây Tạng đã thần phục theo nhà Nguyên. Đây đánh dấu một mốc lịch sử lớn mà người Tạng từ đó quy thuận theo Trung Hoa, mất dần sự độc lập cường thịnh về chính trị quân sự so với mấy trăm năm trước. Đi cùng với sự cuốn hút của Tát Ca phái theo chính trị là sự tha hoá trong đạo đức và lối sống của các Lạt ma do cậy có nhà Nguyên bảo hộ. Đến khi nhà Nguyên thoái trào cũng là lúc ảnh hưởng của Sakya Sect mai một đi.

Ba tông: Nyingma Sect, Kagyupa Sect, và Sakya Sect do đặc điểm trang phục tương tự nhau, dùng màu hồng đỏ làm trọng, nên thường được gọi chung là Hồng Mạo Giáo. Như vậy là để phân biệt với tông giáo thứ 4, cũng là tông giáo cuối cùng cực thịnh huy hoàng nhất của Phật giáo Tây Tạng, để lại nhiều dấu ấn văn hoá nhất cho đến cả ngày nay; đó là tông Cách Lỗ (Gelugpa Sect) hay còn gọi là Hoàng Mạo Giáo (Yellow Sect).

Phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect) được 1 nhà cải cách lỗi lạc Tông Khách Ba (Tsongkhapa) (1357–1419) sáng lập, khi đó nhằm vào thời Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ (con trai thứ hai của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương). Xung quanh sự ra đời và tuổi trẻ của Tông Khách Ba có nhiều truyền kỳ và điển tích, người viết sẽ điểm qua trong bài viết ngày cuối khi đi thăm tu viện Taer Monastery ở quê ông thuộc vùng Amdo xưa, nay thuộc Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Tông Khách Ba vốn xuất thân từ Hồng Giáo, đã tu học qua giáo pháp của cả Kagyupa và Sakya Sect nhưng chú tâm hơn vào chấn chỉnh Phật giáo với mục đích đem các Lạt Ma đã bị thế tục hóa trở về lại đời sống của Tỳ Kheo có đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Sự uyên bác về giáo pháp, lại cẩn trọng nghiêm kính chuyên tâm tu học của Tông Khách Ba như thổi luồng gió mới vào Phật giáo Tây Tạng mà các cựu phái chưa có được, đã khích lệ Tăng lữ theo về rất đông. Sử chép trong Đại Tập Hội lần thứ nhất (Monlam Great Prayer Festival) quy tụ gần 12,000 vị Lạt Ma dưới tông Hoàng giáo. Sau này Gelugpa Sect lấy ngày rằm tháng giêng hàng năm làm ngày đại hội nhưng đến giai đoạn thế kỷ 20 đã bị chính quyền Trung Hoa cấm tổ chức.

Theo “Nhập Tạng Báo Cáo” của Ngô Trung Tín viết năm 1940 có ghi rõ những tu viện chủ yếu của Tây Tạng thì Hồng giáo có bảy ngôi, còn Hoàng giáo lên đến sáu mươi hai ngôi; cho thấy các tông phái Tây Tạng, Hoàng giáo tuy đến sau nhưng đứng đầu về số tu viện. Ngày nay những tu viện nổi tiếng nhất mà khách du lịch thường đến thăm đều thuộc Hoàng giáo, ví dụ như: tu viện Cam Đan (Ganden Monastery) ở Lhasa, tu viện Triết Phong (Deprung Monastery) ở Lhasa, tu viện Sắc Nhạ (Sera Monastery) ở Lhasa, tu viện Trát Thập Luân Bố (Tashilhunpo Monastery) ở Shigatse, tu viện Taer (Kumbum Monastery) ở Tây Ninh (Xining). Ở các đại tu viện này đều thờ phụng đại sư Tông Khách Ba, coi ông là đệ nhất tập đại thành, là bậc trí giả đã có thành tựu cải cách và xiển dương phái Cách Lỗ cũng như Phật giáo Tây Tạng.

c. Giai đoạn sau đại sư Tông Khách Ba cho đến ngày nay:

Nên chú ý rằng sau khi vương triều Thổ Phồn diệt vong, Tây Tạng chưa được thống nhất thành 1 chính thể. Phải đến khi Hoàng giáo cường thịnh thì tông này mặc nhiên giữ vai trò quyết định trong cả chính trị và tôn giáo toàn vùng; các triều vua Trung Hoa sau này đều thương thuyết mọi việc quốc gia với tập đoàn đứng đầu Hoàng giáo, coi đó là lãnh đạo tối cao của Tây Tạng – thể chế độc đáo này được gọi là chính-giáo hợp nhất

Lãnh tụ tối cao của Phật giáo Tây Tạng được gọi là Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama). Danh hiệu này thực ra phải đến năm 1578 vua A Nhĩ Đát Hãn mới ban tặng cho Toả Lãng Gia Mục Thố (Sonam Gyatso) – tương đương với đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 3; chữ có nghĩa là đức rộng như biển. Tổng cộng từ năm 1391 đến nay, Tây Tạng đã có tất cả 14 vị Đạt Lai Lạt Ma, từ vị đầu tiên là Căn Đôn Châu Ba (Gendun Drub) – vốn là đại đệ tử của Tông Khách Ba – cho đến vị thứ 14 là Đăng Châu Gia Mục Thố (Tenzin Gyatso); tương đương với các giai đoạn triều Minh, Thanh, và Trung Hoa Dân Quốc. Người Tây Tạng luôn sùng kính Đạt Lai Lạt Ma, coi đây là hiện thân của Phật sống và được đầu thai qua mỗi kiếp.

Đáng chú ý là vào đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 La Bốc Tạng Gia Mục Thố (Losang Gyatso), ông đã phong tặng danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) cho thầy học của mình La Tang Khúc Kết (Lobsang Choegyal), chữ có nghĩa là đại học giả. Danh hiệu “Ban thiền” ra đời từ đó; Ban Thiền Lạt Ma luôn song hành với Đạt Lai Lạt Ma, trở thành người giữ vị trí quan trọng thứ hai trong xã hội Tây Tạng, có trọng trách đi tìm Đạt Lai Lạt Ma mới và ngược lại! Người Tây Tạng cũng cho rằng Ban Thiền Lạt Ma là dòng tái sinh, sẽ được đầu thai qua nhiều đời. Từ giai đoạn 1358 đến nay đã có tổng cộng 11 vị Ban Thiền Lạt Ma. Giống như Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma đều thuộc dòng Hoàng Mạo.

Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 cũng là vị đại sư nổi danh nhất và được kính trọng nhất trong cộng đồng Tây Tạng. Ngài cũng là người đã cho trùng tu và mở rộng, xây mới lại cung điện Potala – vốn được xây từ thời vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) nhưng đã bị huỷ hoại rất nhiều theo thời gian.

Quay trở lại dòng chảy lịch sử, giai đoạn từ những năm 1391 đến nay, Phật giáo Tây Tạng gần như không chuyển biến nhiều mà là sự duy trì và bảo tồn bản sắc riêng của tông phái Gelugpa vốn đã bén rễ rất sâu vào tín ngưỡng người dân nơi đây. Tuy nhiên, những biến động về mặt chính trị thì quả kinh người! Năm 1652, vua Thuận Trị nhà Thanh vẫn còn giữ quan hệ giao hảo với đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5; nhưng dần dần mối quan hệ Thanh-Tạng xấu đi. Khi Thanh Triều sụp đổ, năm 1904, nước Anh đưa quân vào chiếm đóng Tây Tạng, biến nơi đây thành xứ bảo hộ thuộc về Đế quốc Anh. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc nổ ra cuộc chiến Tân Hợi 1911 và liền sau đó là Thế chiến thứ nhất (1914-1918 ) nên đế quốc Anh và Trung Hoa gần như ‘buông tha’ cho Tây Tạng – khi đó nhằm thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 – Tây Tạng đứng trước 1 cơ hội lịch sử để lấy lại quyền tự trị và xây dựng chính thể độc lập cho riêng mình! Tiếc thay cơ hội đó không được tận dụng triệt để; Tây Tạng gần như không đủ thời gian để đổi mới và củng cố đất nước mà lý do sâu xa nằm chính trong hình thái xã hội phức tạp của vùng này, kèm theo đó là xích mích quyền lực giữa Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 và Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 9! Năm 1933, khi mọi việc còn đang dang dở, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 viên tịch, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 được tìm thấy vào năm 1940, khi đó Ngài chưa đầy 5 tuổi. 9 năm sau, Trung Hoa Dân Quốc gây chiến và tiến vào Tây Tạng, tuyên bố đây là một vùng không thể tách rời của Trung Quốc; chính thể độc lập còn mong manh chưa thành hình của mảnh đất cao nguyên được cáo chung từ đây. Chỉ vọn vẻn trong hơn 50 năm (1950-2000), Tây Tạng dưới sự trấn áp của chính quyền Trung Quốc chứng kiến những trang tối tăm nhất trong lịch sử nhiều nghìn năm của mình, trong đó có những dòng được viết bằng máu và nước mắt của người Tạng! Năm 1959 nổ ra xung đột ở thủ phủ Lhasa, hàng chục ngàn người Tạng đã bị giết, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải rời bỏ Tây Tạng sống lưu vong ở Dharamsala, Ấn Độ. Năm 1961, do những sai lầm về đường lối canh tác nông nghiệp mà Trung Quốc áp đặt lên Tây Tạng, hơn 70,000 người Tạng đã chết đói. Giai đoạn 1967-1976, cơn bão Hồng Vệ Binh (Red Guard) theo chân Cách Mạng Văn Hoá (The Cultural Revolution) sau khi càn quét Trung Quốc đã đổ ập lên Tây Tạng: những di sản văn hoá, tu viện, đền chùa cùng vô vàn Pháp vật quý giá bị đốt phá, cướp bóc, thất lạc, vĩnh viễn biến mất trong lịch sử nhân loại; ước tính gần 200,000 thường dân và tăng ni Phật tử bị bức hại hoặc cầm tù. Chỉ đến giai đoạn sau 1980 thì trật tự mới được lặp lại, Tây Tạng dần chuyển mình sang thời kỳ hiện đại hoá và phát triển đi lên trong vai trò khu tự trị thuộc Trung Quốc; chủ đề Tây Tạng cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự nhạy cảm ở các quốc gia.

Đến đây người viết xin dừng phần Tổng quan lịch sử tôn giáo Tây Tạng, hy vọng bạn đọc đã có cái nhìn rõ ràng hơn về những biến chuyển theo thời gian đóng góp vào tiến trình hình thành và phát triển của Phật giáo Tây Tạng. Nói tóm lại, Tây Tạng có một nền văn hoá tín ngưỡng độc đáo lâu đời mà hạt nhân xuyên suốt nhiều thế kỷ chính là nền Phật giáo Đại thừa Mật tông với lý luận mạch lạc khúc chiết và không kém phần thâm sâu, ảo diệu; là minh chứng rõ ràng nhất về tính dung và dị đặc thù của tông giáo; đồng thời bao hàm trong nó là sự vượt trội về giá trị nghệ thuật, văn hoá, và trí tuệ thu hút không chỉ riêng người Tạng mà nhân loại toàn thế giới. Phần viết này tham khảo tư liệu từ các nguồn: Thư Viện Hoa Sen, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sách Tây Tạng Phật Giáo Sử Lược của Chương Gia, sách Lonely Planet – Tibet (2008 ), sách The Potala (Unesco, 1993).

2. Văn vật trong Phật giáo Tây Tạng:

Phật giáo Tây Tạng cuốn hút với nhân loại không chỉ bởi những tinh hoa pha trộn giữa Đại thừa phái (Mahayana), Mật tông (Tantrayana), và tôn giáo cổ Tây Tạng (với Bon giáo là điển hình) mà còn bởi những văn vật để lại cho đời. Có lẽ không nơi đâu trên trái đất này lại quy tụ đầy đủ và nhiều di chỉ Phật giáo như Tây Tạng, từ đền chùa thành quách đại viện tiểu viện cho đến tượng Phật, kinh sách luật tuyển, cờ phướn; rồi đồ dùng trong lễ bái, tán tụng, cúng dường, trì nghiệm, hộ ma, khuyến đạo … dường như không thống kê nào kể xiết! Trong bài viết ngắn ngủi này, người viết không đủ khả năng và cũng không có tham vọng tổng kết hết những tinh tuý của nơi đây, chỉ muốn dành đôi dòng nhắc đến những văn vật thường gặp trên đường khám phá Tây Tạng

a. Đại kỳ ngũ sắc:

Đi thăm Tây Tạng nói riêng và các quần thể Phật giáo nói chung, du khách hay bắt gặp các cờ phướn 5 màu tung bay trong gió. Nếu để ý kĩ, cờ ngũ sắc Tây Tạng có 5 màu (trắng, đỏ, lục, vàng, lam) hơi khác so với lá cờ Phật giáo (trắng, đỏ, cam, vàng, lam). Một trong các lý do có thể giải thích là: lá cờ Phật giáo chính thức ra đời năm 1889, còn Phật giáo Tây Tạng mà ảnh hưởng bắt nguồn từ Ấn Độ giáo thì đã có từ lâu đời, trải qua thời gian sẽ xuất hiện vài sai khác, tuy nhiên điều này không làm thay đổi ý nghĩa biểu trưng.

Số 5 không chỉ tượng trưng cho Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) tương sinh tương khắc làm nên vạn vật, còn ứng với Ngũ Trí của Mật tông miêu tả về trí của con người (Pháp giới trí, Đại viên kínha trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tác trí), đồng thời hợp với Ngũ Uẩn (Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức) là 5 yếu tố tạo thành thân tâm, và là Ngũ Bộ Chú – nghi thức trì niệm của Mật Giáo (Tịnh Pháp Giới, Văn Thù Nhất Tự Hộ Thân, Lục Tự Đại Minh, Chuẩn Đề Cửu Thánh, và Nhất Tự Kim Luân Phật Đỉnh); nhưng trên hết là biểu thị sức mạnh và sự thống nhất giữa Ngũ Phương và Ngũ Phật:

Ngũ Phật (Five Wisdom Buddhas) có thể coi là biểu hiện siêu việt nhất trong thế gian, các vị này là thầy của các Bồ Tát. Đồng thời, trong mỗi thời đại loài người, các vị lại hoá thân thành Phật lịch sử – có hình dạng người sống trên thế gian. Trong thời đại chúng ta, vị Phật lịch sử đó chính là Phật Thích Ca Mầu Ni (Shakyamuni Buddha), còn vị Phật được tin rằng sẽ xuất hiện trong tương lai (Future Buddha) là Phật Di Lặc (Maitreya Buddha). Vì thế mỗi khi nhắc đến Ngũ Phương Phật, người ta sẽ nhắc đến vị Phật lịch sử và vị Bồ Tát tương ứng:

- Trung ương: Đại Nhật Như Lai (Tathagata); Phật lịch sử là Ca-la-ca-tôn-đại (Krakuccanda) và Phổ Hiền Bồ Tát (Samantabhadra)

- Hướng Đông: Bất Động Như Lai (Aksobhya); Phật lịch sử là Ka-na-ca-mâu-ni (Kanakamuni) và Kim Cương Bồ Tát (Vajrapani)

- Hướng Nam: Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava); Phật lịch sử là Ca-diếp (Kasyapa) và Bảo Thủ Bồ Tát (Ratnapani)

- Hướng Tây: Di Đà Phật (Amitabha); Phật lịch sử là Thích-ca-mâu-ni (Shakyamuni) và Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara)

- Hướng Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi); Phật tương lai là Di-lặc (Maitreya) và Phổ Chùy Thủ Bồ Tát (Vishvapani)

Quan niệm trên chỉ xuất hiện từ khi Đại thừa Phật giáo ra đời, và càng được củng cố bởi Mật tông Tây Tạng, điều đó cho thấy sự khác biệt và phức tạp, bao hàm muôn yếu tố trong Phật giáo Tây Tạng. Đi khắp cao nguyên Thanh-Tạng, du khách sẽ gặp rất nhiều nơi thờ cúng Ngũ Phật cũng như các Phật lịch sử và chư vị Bồ Tát, bên cạnh các vị Tạng vương và Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma. Những sự sắp xếp trên luôn có nghiêm luật chặt chẽ mà hiếm có ai hiểu được, thậm chí phần lớn chúng ta không bao giờ hiểu rõ được mà chỉ biết chiêm bái để kính phục trí tuệ, công sức và sự sáng tạo của người xưa!

b. Statues:

Tượng Phật Tây Tạng nổi trội hơn so với bất cứ nơi nào trên thế giới bởi sự đa dạng phong phú về thể loại, mỗi tượng lại xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau (Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, bản địa), hình thái phong cách dáng ngồi tay ấn nét mặt màu sắc trang phục đều cực kỳ sinh động, toát lên những nét riêng của văn hoá Phật giáo Mật tông huyền bí. Nhìn ngắm mỗi bức tượng Tây Tạng, du khách sẽ bị thu hút bởi đôi mắt Phật không phải lúc nào cũng hiền từ nhìn xuống mà đôi khi mở to nhìn thẳng hay nhắm mắt, tuỳ thuộc theo tư thế thiền định và mỗi dáng ngồi, sau đó là những phù điêu trang trí nhiều tầng bao quanh tượng và cả chân bệ. Người Tạng còn dùng vàng, bạc, đồng, các kim loại quý và ngọc thạch, hổ phách, đá quý … để tô điểm thêm cho tượng, nâng giá trị của các bức tượng lên tầm có một không hai, trở thành tài sản vô giá của dòng Phật giáo nơi đây. Tây Tạng có những bức tượng cá biệt đến vài nghìn năm tuổi được trưng bày bên trong cung Potala. Thường các tu viện lớn và cung Potala đều cấm chụp ảnh nên cách tốt nhất có lẽ là một lần đến Tây Tạng để được chiêm ngưỡng những bảo vật truyền đời nơi đây.

(Tượng Thiên Vương chụp ở Shigatse)

c. Murals:

Murals hay các bích hoạ vẽ trên tường là hình thức nghệ thuật nổi tiếng của Tây Tạng, không chỉ mang tính trang trí làm đẹp với sắc màu cực kỳ sặc sỡ, những bức mural còn biểu hiện đức tin cổ giáo của người Tạng vào trời đất cỏ cây sông hồ núi tuyết, đôi khi là hình thức kể chuyện thuật lại tích cũ việc xưa trong quá trình gây dựng và hoằng trương tông phái, có lúc lại khắc hoạ chân dung những vị Phật, Bồ Tát, La hán, Hộ pháp, Tạng vương cũng như danh sư đạo Phật. Được biết chất liệu để vẽ tranh tường đều dùng nguồn nguyên liệu sẵn có ở mỗi địa phương, qua các công thức pha tạo màu cộng với chất liệu tự nhiên khả năng bảo vệ bức tranh theo thời gian hàng trăm năm mà không phai nhạt hay hư hại gì!

(Bức mural chụp ở Shigatse)

d. Thangkas:

Thangka cũng là các bức tranh Phật giáo bắt nguồn từ Nepal và du nhập vào Tây Tạng từ thời vua Tùng Tán Cương Bố lấy công chúa Nepal Ba Lợi Khố Cơ. Thangka Tây Tạng có thể xem là đỉnh cao của nghệ thuật tượng hình (Iconography) mà đề tài thường gặp là các bức vẽ về cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni, Pháp luân, Phật Dược Sư, các tư thế toạ thiền, các vị hộ pháp và quỷ thần … Được biết Thangka được vẽ trên vải dệt sợi đay, rồi dùng mật của giống trâu Yawk trộn với bột đá để bồi mặt vải cho mịn, sau đó căng tấm vải đã bồi lên khung gỗ và dùng các loại màu khoáng hay bột vàng để vẽ. Tranh Thangka sau đó được khâu vào khung bằng lụa để dễ dàng cuộn lại, tiện lợi cho việc di chuyển và bảo quản.

Người ta tin rằng Thangka không chỉ cảm nhận được bằng mắt mà còn bằng tâm, việc chiêm bái Thangka một cách trang nghiêm sẽ giúp Phật tử nhập tâm, hoá thân với đối tượng được vẽ trong tranh, cảnh giới này có lẽ chỉ được nội truyền trong các tông phái mà không truyền cho người ngoài. Màu sắc sử dụng trong Thangka cực kỳ sinh động, sặc sỡ và chi tiết tới từng đường nét nhỏ. Chính bởi tính độc đáo của Thangka và ảnh hưởng tín ngưỡng của nó mà người đời sinh ra sùng bái và ham thích sở hữu Thangka, phá vỡ quy luật gốc của tranh là không được trao đổi mua bán! Ngày nay Thangka đã thương mại hoá, việc sao chép, vẽ lại và buôn bán trở nên phổ biến tại thị trường các nước; tuy nhiên vẻ đẹp và sự tinh xảo thì kém xa những Thangka hàng nghìn tuổi của vùng Tây Tạng. Do đó đến Tây Tạng ngắm những bức Thangka cổ đại, người ta vẫn rung động và trân trối bởi nét độc đáo đầy tính Chân Thiện Mỹ toát lên từ mỗi bức tranh.

Trường phái Thangka Tây Tạng nổi bật lên với 2 tên tuổi: Khentse Chenmu School và Menthang School, tác phẩm của 2 trường phái này du khách sẽ bắt gặp nhiều khi đi thăm quan hành cung Potala

Mandala: Mandala cũng là những bức hoạ hình giống như Thangka, điểm khác biệt ở đây là Mandala luôn chú trọng vào các hình vẽ vòng tròn biểu thị cái nhìn của người Tạng về thế giới và vũ trụ, trong đó hoạ hình các đức Phật hay Bồ Tát hoặc những biểu tượng Phật giáo. Điểm độc đáo ở Tây Tạng là có những mandala cỡ lớn và cực lớn bằng cát, có Mandala ba chiều mô phỏng các cung điện, và đặc biệt là các tu viện được xây theo kiến trúc Mandala như tu viện Samye (Samye Monastery) đã có dịp nhắc đến trong phần 1 về Phật giáo Tây Tạng.

(Bức Mandala lớn vẽ trực tiếp trên tường – ảnh chụp ở Shigatse)

e. Stupas:

Stupa (hay Chorten) xây theo dạng hình tháp, được coi như ngôi nhà lưu giữ phần hồn, cũng giống như các pho tượng được xây để lưu giữ phần xác vậy. Ở Tây Tạng, stupas có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ là nơi chứa tro cốt di hài mà còn chứa những vật dụng bình sinh được Đức Phật hay các môn đệ sử dụng; qua đó thể hiện sự tôn kính của người dân đến di thể của Phật.

 

Stupa thường gặp gồm nhiều tầng: tầng đáy thấp nhất tượng trưng cho 10 điều tâm niệm (Thập tâm hạnh), tầng tiếp theo gồm 4 bậc tượng trưng cho Tứ Diệu Đế (Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế) và Tứ Thần Túc (Dục, Tinh, Tâm Quán), phần trên nữa có dạng bầu là biểu hiện của Ngũ Căn (Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Huệ căn) và Ngũ Lực (Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực, Huệ lực), phía trên là 13 bậc thang dẫn lên cao tượng trưng cho đường tới cõi Niết bàn chỉ có thể thông qua Bát Chính Đạo, và trên cùng luôn là mặt trăng và mặt trời biểu thị sự minh triết soi sáng mọi vật.

Nổi bật phải kể đến bộ 8 stupa lớn (Eight Great Stupas) kể lại những thành tựu trong cuộc đời tu hành đắc đạo của Phật Thích Ca Mầu Ni; và các Stupa Tomb bằng vàng ròng cực lớn của các đời Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng lưu giữ bên trong cung Potala:

Những chi tiết thú vị khác của văn vật trong Phật giáo Tây Tạng sẽ được nhắc lại khi cùng bạn đọc đi qua những địa danh ở Tây Tạng ở các bài viết tiếp theo.

Lê Minh Hưng - Nguồn: tổng hợp - icouple.sg)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2024(Xem: 1112)
Quí vị hãy phát tâm từ bi vô lượng đối với chúng sinh, nghĩ rằng: "Thật tốt biết bao nếu tất cả chúng sinh đều thoát khỏi khổ đau và thoát cả nguyên nhân tạo khổ". Rồi gánh hết mọi vấn đề của chúng sinh về phần mình, nhất là các loại khổ đau đến từ bịnh tật, từ mối tương giao giữa người và người. Nhận lãnh mọi khổ đau cùng nguyên nhân tạo khổ, mọi mê muội ám chướng, mọi điều không ai mong cầu, gom thành một khối ô nhiễm, cho thấm hết vào vọng tâm chấp ngã, khiến vọng tâm chấp ngã bị phá hủy hoàn toàn, và rồi cái "ngã" mà vọng tâm bám vào, tưởng rằng quý giá lắm, bây giờ trở thành không [không có tự tánh]. Trụ tâm trong tánh Không càng lâu càng tốt. Quán sự nhận về như vừa nói trên, rồi quán về tánh Không. Thỉnh thoảng có thể mở tâm từ ái để hồi hướng tất cả, thân mình, sở hữu, cùng ba thời công đức của mình về con người khác, đặc biệt là cho những người ghét quý vị. Nhưng chủ yếu vẫn nên dành thời gian để quán sự nhận về.
17/04/2024(Xem: 1681)
Cư sĩ Huyền Thanh, thế danh là Nguyễn Vũ Tài, sinh ngày 01/04/1958 tại Thị xã Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thân phụ tên là Nguyễn Vũ Nhan, nguyên quán tại làng Xối Đông, tổng Thần Lộ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Thân mẫu tên là Vũ Thị Ni, nguyên quán tại làng Lịch Diệp, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ Nguyễn Vũ Tài đã Quy Y với Hòa Thượng Thích Thanh Chiên, Trụ trì chùa Hải Vân ở khu Ấp Chợ, xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định và được Thầy ban cho Pháp Danh là Huyền Thanh. Năm 1978, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm khoa Toán Lý và đi dạy môn Toán cấp II từ năm 1979 cho đến năm 2003 thì chuyển qua làm công tác Giám Thị ở các trường Trung học Cơ sở Ngô Quyền quận Tân Bình, trường Trung học Cơ Sở Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình, và trường Trung học Cơ Sở Nguyễn Gia Thiều quận Tân Bình cho đến khi chấm dứt công tác vào năm 2010.
25/03/2022(Xem: 6455)
Đừng quên vị bổn sư; Hãy cầu nguyện với người trong mọi lúc. Đừng tán tâm; Hãy nhìn vào tinh túy của tâm. Đừng quên cái chết; Hãy để nó thúc giục con tu tập Pháp. Đừng quên chúng sanh; Với lòng bi mẫn, hãy hồi hướng công đức cho chúng sanh, và cầu nguyện với lòng khát vọng.
02/12/2021(Xem: 20455)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
03/09/2021(Xem: 40177)
(Thắp đèn đốt hương trầm xong, đứng ngay ngắn chắp tay để ngang ngực mật niệm) 1. TỊNH PHÁP GIỚI CHƠN NGÔN: Án, lam xóa ha. (3 lần) 2. TỊNH KHẨU NGHIỆP CHƠN NGÔN: Tu rị, Tu rị, Ma ha tu rị, Tu tu rị, Ta bà ha. (3 lần) 3. TỊNH TAM NGHIỆP CHƠN NGÔN Án, Ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) 4. PHỔ CÚNG DƯỜNG CHƠN NGÔN: Án, Nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần) 5. AN THỔ ĐỊA CHƠN NGÔN: Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, Án, độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha (3 lần) Hộ pháp, Vĩ Đà thị chứng minh Thân trụ Phật tiền Tâm Tư nguyện Tưởng bằng bí chú đắc oan linh Hà chơn bất thức trì niệm Luật Thiên kinh vạn quyển vô nhất tự Nẳng mô tô tất đế, đa rị, đa rị, mạn đà, mạn đà, ta bà ha (3 lần)
01/11/2020(Xem: 20201)
1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo. Đại nguyện thứ nhất: Cõi Cực-lạc không có các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy) 2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo. Đại nguyện thứ hai: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc. Đại nguyện thứ ba: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng. Đại nguyện thứ tư: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 5/Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông. Đại nguyện thứ năm: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy)
04/03/2020(Xem: 40865)
Lễ Dâng Y Kathina & Cúng Dường Phẩm Vật chư Tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng India, Nhân Lễ tưởng niệm ngày đức Phật (thái tử Siddartha Gautam) xuất gia, được sự trợ duyên của chư Phật tử và quí thiện hữu hảo tâm, chúng tôi đã thực hiện một buổi Dâng Y Kathina và cúng dường phẩm vật đến chư Tăng thuộc 3 truyền thống Mật tông Kim cương thừa (金剛乘, vajrayāna), truyền thống chư Tăng Nguyên Thủy các nước Theravada và chư Tăng Ni truyền thống Đại Thừa (Mahayana) tại Bồ Đề Đạo Tràng.
26/11/2019(Xem: 9285)
Giáo dục, phạm vi rộng, có nghĩa truyền thừa kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng quát… Mỗi chuyên ngành có những đặc tính cần truyền thụ cho lớp kế thừa, đó là giáo dục chuyên môn. Trong nhà Phật, việc giáo dục chú hướng vào nhận thức bản thể, hiểu biết về thân tâm, nắm rõ luật nhân quả, cải tạo nhân cách và làm chủ cảm xúc,làm chủ tâm hành, có nghĩa hành giả cần làm chủ sanh tử trong cõi tử sanh.
28/08/2019(Xem: 7802)
Lần đầu tiên chùa Đức Viên (2440 McLaughlin Avenue, San Jose, California) hội đủ duyên lành cung thỉnh chư Tăng tu viện Namgyal (Ithaca, New York) kiến tạo một đàn tràng thiêng liêng bằng cát màu tuyệt đẹp trong hai tuần (từ ngày 12/8 đến ngày 24/8/2019). Đó là Kalachakra Mandala Thời Luân (Bánh Xe Thời Gian), biểu tượng cho vũ trụ để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Thời Luân là cung trời an lành, nơi trú xứ của các vị Thánh Hộ Phật, mang lại nguồn an lạc, có năng lực gia trì mạnh mẽ của chư Phật, và thanh tịnh hóa tại địa điểm khởi tâm cung thỉnh. Trong Thời Luân có 28 con thú trên lưng nở hoa sen là: 7 con heo, 7 con ngựa, 7 con voi và 7 con sư tử kéo xe chở các vị Thánh Hộ Phật.
07/08/2019(Xem: 5059)
Tỉnh Thức Rực Rỡ: Đọc Sách “Vivid Awareness”, Bài này sẽ giới thiệu và tóm lược tác phẩm “Vivid Awareness: The Mind Instructions of Khenpo Gangshar” (sẽ viết tắt là: VA) của đại sư Khenchen Thrangu, dựa vào bản Anh dịch của David Karma Choephel, ấn bản 2011, nhà xuất bản Shambhala. Sách này nói về một Thiền pháp của Kim Cang Thừa. Lý do chọn sách này vì qua đây có thể hiểu được và thâm nhập được Thiền Tông – tức là Thiền Trúc Lâm của Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]