CÁC BẬC ÐẠO SƯ CỦA ÐẠI THỦ ẤN
Những bài đạo ca và lịch sử hành trạng của
tám mươi tư vị Thánh Tăng Phật Giáo
Masters of mahamudra Of the Eighty-Four Buddhist Siddhas
Nguyên tác : KEITH DOWMAN
Minh họa : Hugh B.Downs
Chuyển ngữ: Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng
---o0o---
Phần 14
66.Ðại sư MEKHALA,Người chị dâng thủ cấp. 67.Ðại sư KANAKHALA,Người em dâng thủ cấp. 68.Ðại sư KIKALILAPA,Kẻ rộng mồm. |
ÐẠI SƯ THỨ 66
MEKHALA
(Người chị dâng thủ cấp)
Tất cả các hiện tượng
Bên trong lẫn bên ngoài
Cả thảy là do tâm
Tất cả chung một vị
Trong thiền định thù thắng
Không cần phải nỗ lực
Ta tìm thấy niềm vui
Thanh tịnh và bất nhị.
Tại vùng Devikota, một gia đình nọ có hai cô con gái, một tên là Mekhala, cô còn lại tên Kanakhala. Hai cô gái được gia đình gả cưới cho các con trai của một dân chài. Hai ông chồng rất thô lỗ, thường hành hạ, đánh đập và chửi mắng họ khiến những người láng giềng hay đem câu chuyện bất hoà trong gia đình họ ra làm đề tài bàn tán, mặc dù họ chẳng làm điều gì sai trái.
Một hôm, người em gái gợi ý:
- Chị ơi! Có lẽ chúng ta nên thoát khỏi sự bất công này và trốn sang một nơi khác.
Nhưng người chị không nhất trí.
- Chúng ta bị sĩ nhục là vì chúng ta thiếu đức hạnh. Và như thế, sống ở nơi nào cũng có khác gì nhau. Chúng ta phải ở lại đây.
Một ngày nọ, Ðại sư Krsnacarya kinh hành qua vùng Devikota. Hộ tống ngài là bảy trăm sư đồ, trên đầu là một chiếc lộng bay lơ lững, nhưng trống bằng sọ người dùng để triệu thỉnh quỷ thần kêu vang khắp không trung và những dấu hiệu kỳ lạ khiến người nhìn thấy cảnh tượng củng phải thừa nhận, đây là một vị đã tu chứng.
Hai chị em rủ nhau ra nghênh đón Ðại sư và cầu xin ngài truyền pháp. Sư điểm đạo cho họ và truyền cho Kim cang tâm pháp, rồi bảo họ lui về tu tập. Sau 12 năm tu tập, hai chị em đều dắc pháp. Họ quay lại chốn cũ tìm gặp Chân sư của họ. Ðại sư tiếp hai chị em một cách nồng nhiệt nhưng ngài không nhận ra đệ tử của mình. Sư hỏi họ là ai. Cả hai nhắc lại sự việc cũ, Sư nhớ ra:
- Nếu là đệ tử của ta, lẽ ra các ngươi phải mang vật thực đến cúng dường ta.
- Chúng con có thể cúng dường những gì ?
- Hãy cho ta thủ cấp của các người.
- Vâng, chúng con xin vâng lời.
Ðoạn họ há miệng lớn, một thanh kiếm Tuệ giác thoát khỏi mồm họ và họ dùng kiếm tự chặt đầu dâng lên. Trước khi tự chặt, họ hát:
Nhờ giáo pháp của Chân sư
Chúng con không còn phân biệt
Luân hồi và Niết bàn
Chúng con không còn phân biệt
Chấp nhân và từ chối.
Chúng con không còn phân biệt
Ta và người.
Ðể làm chứng cớ cho sự giác ngộ
Chúng con xin dâng người món quà này.
Sư đáp lại:
Lành thay! Hai nữ thánh
Ðã đến bờ bên kia
Hãy quên niềm vui riêng
Hãy sống vì kẻ khác.
Sư đặt đầu của họ lên vai, tức thời nguyên vẹn như cũ không để lại một vết sẹo.
ÐẠI SƯ THỨ 67
KANAKHALA
(Người em dâng thủ cấp)
Mặc áo giáp nhẫn nhục
Ðội chiếc mũ đức hạnh
Ta lái con thuyền Tâm
Với niềm tin kiên cố
Vượt qua cơn bão bùng.
(Ðược kể trong truyền thuyết MEKHALA.)
ÐẠI SƯ THỨ 68
KILAKILAPA
(Kẻ rộng mồm)
Trên bầu trời trong trẻo
Của Pháp giới
Cơn sấm của năng lực thanh tịnh nổ rung chuyển
Khiến tất cả các chứng nghiệm về thế giới hão huyền đã biến đổi
Và được tô điểm bởi giác thức thanh tịnh của Ba Thân.
Tại Bhiralipa có một gã hạ tiện nhưng rất nổi danh vì tính cách ồn ào và ưa cãi vả của y. Vốn ưa tranh chấp, gây hấn, nên dần người ta sinh ra ác cảm và họ cùng nhau xua đuổi gã ra ngoài thành. Kilakilapa đi đến khu mộ địa với một trạng thái buồn bã. Một nhà sư Du-già thấy tình cảnh thảm thương của y, bèn hỏi nguyên cớ. Kilakilapa thành thực kể lể nỗi tình. Sư thương tình khai tâm cho y và truyền pháp tu thiền định.
Lời của ngươi và lời của mọi người khác
Cũng chỉ là âm vang
Mà âm vang thì cũng chỉ là âm vang
Hãy quán tưởng tất cả âm thanh
Ðều biến mất trong bầu trời kia
Giống như sự biến mất của một cơn sấm sét
Chúng rơi vào một đám mưa.
ÐẠI SƯ THỨ 69
KANTALIPA
(Thợ khâu giẻ vụn)
Chân sư là kim khâu
Từ bi là sợi chỉ
Ta vá ba cõi lại
Thành tấm vải tuyệt vời.
Kantalipa làm nghề khâu giẻ vụn, sống ở vùng Manidhara. Một ngày nọ đang làm công việc may vá, Kantalipa sơ ý để cho kim đâm vào tay chảy máu, ông cảm thấy đau thót tim. Ông buồn cho số phận của mình nằm lăn ra đất khóc than. Một Thánh nữ ( Dakini) hoá thân phàm phu hiện ra:
- Ngươi đừng than khóc nữa! Ðây là quả báo đời trước do nghiệp bất thiện của ngươi. Nghiệp quả như bóng với hình. Nếu như ngươi không tu tập, thời đời sau ngươi cũng sẽ còn nỗi đau ấy.
- Xin người hãy chỉ cách thoát khổ.
- Ngươi có thể tu tập thiền định được chăng ?
- Thưa được, không gì có thể ngăn ngại được quyết tâm của tôi.
Thánh nữ điểm đạo cho Kantalipa và giảng về Tứ vô lượng tâm (four boundless states of mind ).
Bà nói:
Giẻ vụn là hư vô
Kim may là trí tuệ
Hãy dùng chỉ từ bi
Khâu y phục mà mặc
Che chở cho ba giới ( Realms).
ÐẠI SƯ THỨ 70
DHAHULIPA
( Kẻ bện dây thừng )
Trong bầu trời Bất Nhị
Ẩn chứa một kho tàng Trí tuệ “Hai-trong-một”
Khó có một ai tìm ra
Hãy an trú trong “ Vô-tác-tướng”
Thời niềm vui chân thực sẽ đến gần.
Dhahulipa sinh trưởng ở vùng Dhokara, làm nghề bện dây thừng bằng loại cỏ tranh ( Kusa) rồi mang sản phẩm ra chợ bán để sinh sống qua ngày.
Một ngày nọ vì lao động quá nhiều, đôi tay của ông bị phồng dộp vì loại cỏ này rất sắc bén. Cảm thấy khá đau nhức, ông chạy lại nơi vắng vẻ khóc than một mình. Một nhà sư Du-già thấy vẻ buồn tủi của ông , bèn hỏi thăm cớ sự và Dhahulipa kể lể nỗi niềm.
- Chỉ một vài vết phồng dộp nơi tay mà ngươi còn thống khổ thì làm thế nào ngươi chịu đựng nỗi đau khổ lớn hơn ở cảnh giới thấp ?
- Cúi xin thầy từ bi mở lối cho con.
Sư khai tâmvà làm phép điểm đạo cho Dhahulipa, rồi dạy cho phép thiền định. Theo lời thầy, Dhahulipa tu tập 12 năm thời chứng đắc.