Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[271 - 280]

13/02/201217:42(Xem: 6580)
[271 - 280]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

271. VẼ TÁNH

Ekichu, vị sư thứ 17 của chùa Thọ Phúc, nổi tiếng là một họa sĩ. Một hôm Nobumitsu đến gặp sư và hỏi sư có thể vẽ được hương thơm tả trong câu thơ nổi tiếng, “Qua hoa rồi, vó ngựa còn thơm”. Sư liền vẽ chiếc vó ngựa có bầy bướm vờn quanh.

Rồi Nobumitsu dẫn một câu khác, “Gió xuân mơn man thổi qua bờ sông”, và yêu cầu vẽ bức tranh gió nhẹ mơn man. Sư liền vẽ một cành liễu đong đưa.

Nobumitsu đọc lên câu nói lừng danh của Thiền, “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Anh ta yêu cầu vẽ bức tranh về tâm. Sư lấy cây cọ quẹt nhẹ lên mặt Nobumitsu một vệt. Chiến sĩ ngạc nhiên và bực tức. Sư liền phác họa bộ mặt tức giận ấy.

Rồi Nobumitsu yêu cầu vẽ một tranh về tánh như trong chữ “thấy tánh”. Sư bẻ gãy cây cọ, nói:

- Đó là bức tranh.

Nobumitsu không hiểu và sư bảo:

- Nếu anh không có con mắt thấy đó thì anh chẳng thấy được.

Nobumitsu nói:
- Hãy lấy cây cọ khác vẽ tánh đi.

Sư bảo:

- Hãy chỉ tôi thấy cái tánh của anh rồi tôi vẽ cho.

Nobumitsu không lời để nói.

(Thiền và Đạo Thuật)

272. BẢN SAO

Một vị tăng thủ tọa đến chào Gyokuzan, vị sư thứ 21 của chùa Kiến Trường. Thủ tọa hỏi mượn sư các bài thuyết pháp của Thiền sư Đại Giác, người sáng lập chùa Kiến Trường, về Lâm Tế Lục.

Sư ngồi im lặng hồi lâu rồi hỏi:

- Ông đã sao chép chưa?

Thủ tọa đáp:

- Sao, con chưa có mượn mà.

Sư nói:

- Thiền của Lâm Tế là tâm tâm tương thông--ông cần chữ viết để làm gì? Nếu ông muốn có chữ viết, hãy dùng núi Ashigara làm bút, bờ biển Yui làm nghiêng mực mà sao chép.

Thủ tọa hét một tiếng Katsu! và nói:

- Con đã sao xong.

(Thiền và Đạo Thuật)

273. BÀI PHÁP CỦA NI SƯ SHIDO

Vào tuần nhiếp tâm Lạp Bát (mồng 8 tháng 12) năm 1304 ở chùa Viên Giác, hòa thượng Chokei đã chính thức ấn khả cho ni cô Shido, người sáng lập chùa Đông Khánh, thành ni sư. Vị tăng thủ tọa không chấp nhận sự ấn khả ấy, và hỏi câu sau đây để trắc nghiệm ni sư:

- Trong dòng hệ của chúng ta, người được nhận ấn khả phải thuyết pháp về Lâm Tế Lục. Cô thực có thể múa gậy Pháp trên Pháp tòa không?

Ni sư đối diện với vị thủ tọa, rút ra một con dao dài hai tấc rưỡi (tất cả đàn bà thuộc giai cấp chiến sĩ đều mang dao loại này), giơ lên:

- Chắc chắn một Thiền sư thuộc dòng của tổ sẽ lên tòa cao nói về sách đó. Nhưng tôi là một người đàn bà thuộc dòng chiến sĩ, tôi sẽ nói pháp khi thực sự đối mặt với lưỡi kiếm đã rút ra khỏi vỏ. Tôi cần sách gì?

Vị tăng thủ tọa hỏi:

- Trước khi cha mẹ sinh ra, lúc ấy ni sư lấy gì tuyên giáo?

Ni sư nhắm mắt lại một lúc, rồi hỏi:

- Thủ tọa hiểu không?

Thủ tọa nói:

- Bầu rượu đã bị lật úp trong khe Đào,

Cặp mắt say nhìn thấy hoa mười dặm.

(Thiền và Đạo Thuật)

274. TỔ SƯ HIỆP SĨ TỪ PHƯƠNG TÂY ĐẾN

Yamana Morofuyu là một chiến sĩ dũng cảm của dòng họ Ashikagas, được thuyên chuyển từ một thuyền trưởng hải quân sang kỵ binh. Sau đó một thời gian, ông ta đã tu học Thiền ở chùa Viên Giác. Một năm nọ, ông đến tham dự tuần nhiếp tâm Lạp Bát, nhưng ông không ngồi trong thiền phòng dành cho các chiến sĩ. Thay vào đó suốt ngày ông cỡi ngựa băng rừng vượt núi. Daikyo, vị sư thứ 43 của chùa Viên Giác, vì vậy cảnh cáo ông ta, nói:

- Trên lưng ngựa, tâm dễ bị phân tán. Trong tuần nhiếp tâm Lạp Bát, hãy ngồi trong thiền đường.

Ông ta nói:

- Tăng nhân là người của Thiền ngồi, chắc chắn nên ngồi ở chỗ đặc biệt có Phật. Nhưng tôi là một hiệp sĩ, nên tập thiền định trên lưng ngựa.

Sư nói:

- Ngài trước kia là một thuyền trưởng này trở thành một hiệp sĩ. Tổ sư đến trên sóng [chỉ Bồ-đề Đạt-Ma] và tổ sư đến trên lưng ngựa, ý ấy là đồng hay là khác?

Morofuyu ngập ngừng.

Sư giựt lấy cây roi, đánh Morofuyu và nói:

- Ôi, cưỡi đi, cưỡi đi!

(Thiền và Đạo Thuật)

275. THIỀN MỘT CHIẾC ÁO CỦA ĐẠI GIÁC

Một ông tăng sĩ từ dinh của quan nhiếp chính Bắc Điều Thái Thời [Hojo Yasutoki] đến viếng chùa Kiến Trường, nói với Đại Giác:

- Vinh Tây và Hành Dũng đã bắt đầu truyền bá Thiền tông ở Khiêm Thương này, nhưng hai vị sư vĩ đại nhất của Tổ đạo là Đạo Nguyên của phái Tào Động và Thánh Nhất. Cả hai đến Khiêm Thương dạy Thiền theo lời mời của quan nhiếp chính Yokiyori, nhưng chưa hết một năm cả hai đều từ giả. Vì vậy, trong hàng chiến sĩ ở đây không bao nhiêu người hiểu Thiền nhiều. Sự thật, một số người ngu đến độ nghĩ rằng Thiền--[viết theo chữ Hán] là do hai chữ “y” (áo) và chữ “đơn” (một) ghép lại--chỉ có nghĩa như vậy. Họ tin rằng các Thiền tăng của Ấn độ ở trên núi tu các phép khổ hạnh đặc biệt, và ngay cả trong mùa đông cũng chỉ mặc có một chiếc áo vải, và tên của tông phái phát xuất từ đó.

Đại Giác lắng nghe tất cả rồi cười lớn, nói:

- Người Khiêm Thương đúng khi nói rằng Thiền có nghĩa là chỉ mặc một chiếc áo. Họ hiểu đúng tông phái tượng trưng cho cái gì. Một người tầm thường mặc các lớp áo ba độc và năm ham muốn, và mặc dù cố công niệm Phật, tụng kinh để lột bỏ các lớp áo đó, nhưng y không thể thoát được các lớp áo phiền não. Thiền vốn không có nghĩa là có nhiều lớp áo mà có nghĩa là chỉ có một mảnh. Niệm Phật--ấy là xa lìa Pháp không ta, và không ta không Pháp, để ta và Pháp là một mảnh. Đây gọi là “nhồi thành một khối”. Chiến sĩ Khiêm Thương, khi nói Thiền tông có nghĩa là tông phái một chiếc áo, họ đã lãnh hội được yếu tánh thâm sâu nhất của nó.

Nếu ông không có các lớp áo ấy, là ông đang tu dưỡng đan điền theo kiểu Thiền. Giờ đây hãy để một người lột bỏ tám ngàn lớp áo Pháp Tạng và chỉ còn một chiếc áo giản dị. Làm sao được như vậy?

Tăng sĩ lễ bái và từ giả.

(Thiền và Đạo Thuật)

276. THIỀN CÁI KHỐ CỦA PHẬT QUANG

Ở trên ban tham mưu của Yasutsura Genbansuke, một thượng thư của quan nhiếp chính Bắc Điều Thái Thời [Hojo Yasutaki], là một Morikatsu đã bất ngờ đến chùa Viên Giác. Ở đó ông ta đã gặp một trong những thị giả của Phật Quang, là Nhất Tâm (người đã biên tập các bài pháp của Phật Quang thành tập Phật Quang Lục).

Morikatsu nói với thị giả:

- Bọn ngu ngốc ở Khiêm Thương không biết cách viết tên tông phái của các thầy cho đúng mà cứ lộn nó với chữ “cái khố”. Thật là kỳ khôi.

Vị tăng thị giả cảm thấy thất vọng vì như vậy là người ta đã làm giảm giá trị chữ Thiền và kể cho thầy nghe. Phật Quang cười và nói:

- Thật ra cái khố là mối quan tâm lớn của tông môn chúng ta. Không nên khinh khi những chiến sĩ Khiêm Thương thiếu học đó. Cái gì đem lại sự sống cho con người là quyền lực của cổng trước và khi họ chết, nó kết thúc (bài tiết) ở cổng sau. Không phải sự sống chết này là mối quan tâm lớn của Thiền môn sao? Và cái bao bọc những cơ quan của sống và chết là chiếc khố. Nếu ông đi sâu vào cái bao bọc cả hai, ông sẽ biết sinh từ đâu đến và chết đi về đâu. Bây giờ hãy dùng cái khố chỉ giáo chút ít cho gã khờ đó, và bảo y cách phá bỏ cái khố ấy.

Nhất Tâm đến vung cái khố trước mặt Morikatsu, nói:

- Tất cả chúng sinh đều vật vã trong cái khố này, khi ông phá bỏ cái khố thì thế nào?

Morikatsu không lời để nói.

(Thiền và Đạo Thuật)

277. ĐỊA TẠNG RA KHỎI CHÁNH ĐIỆN

Vào năm 1331, khi bọn lính của Nitta Sadayoshi đốt phá vùng thôn quê, chúng dùng lửa tấn công các ngôi chùa ở Khiêm Thương. Chùa Kiến Trường đã bị chúng đốt trong thời gian đó. Người ta nói rằng người chấp sự chánh điện của chùa đã cõng pho tượng Địa Tạng to lớn ra khỏi nguy hiểm. Pho tượng cao và rộng khoảng 5 mét, nặng khoảng 326 ký lô. Cửa của Phật điện chỉ mở ra được khoảng 2 mét 5. Làm sao ông tăng đem được Địa Tạng ra cửa?

(Thiền và Đạo Thuật)

278. VÂY RỒNG

Trong giờ giải lao ở vườn chùa, vài ông tăng làm vườn nghỉ dưới gốc mấy cây thông trong vườn phía sau phòng phương trượng. Nhớ lại ngày xưa, Hojo Tokimasa [1138-1215; 1203-5, là quan nhiếp chính], lúc còn là một thanh niên, đến ẩn cư trong một ngôi chùa trên đảo Enoshima, cầu nguyện cho cuộc đấu tranh của ông thành công lâu dài như thế nào. Vào đêm cuối cùng của kỳ ẩn cư hai mươi mốt ngày, một công chúa xinh đẹp trong bộ y phục màu xanh lá cây hiện ra và tiên đoán, “Dòng phái của ông sẽ được chí tôn, và cơn thủy triều vinh quang sẽ tràn vào cổng nhà ông.” Rồi công chúa biến thành con rắn dài bảy mét, bơi xuống biển để lại trên bờ biển ba cái vảy giống như vảy cá. Tokimasa lấy ba cái vảy đó làm một lá cờ sáng ngời . Vì vậy, người ta nói rằng những ngôi chùa lớn như Kiến Trường, Viên Giác và các chùa khác đều có ba cái vảy cá trên nóc chùa. Rồi mấy ông tăng tranh cãi nhau về con rồng chạm trên cây cột trong một căn phòng của chùa Viên Giác, sao nó lại không có những vảy rồng hình tam giác giống như nóc chùa. Do đó, có người bảo rằng thần Biện tài (Benzaiten: thần của cải) không thể nào là con rồng, vì vậy câu chuyện cứ lòng vòng.

Phật Quang ở trong phòng phương trượng nghe họ tranh cãi, liền ra nói:

- Hãy tạm gác lại chuyện vảy rồng, có ai trong các ông từng thấy rồng chưa?

Ông tăng tri viên nói:

- Chưa, con chưa từng gặp ai thấy rồng cả.

Sư nói:

- Nếu các ông chưa từng thấy rồng thì làm sao tranh luận vảy rồng phải như thế nào? Các ông giống như người các tông phái khác phê bình Phật tâm tông mà chưa từng thoáng thấy Phật tâm. Nếu các ông muốn biết vảy rồng ra sao, hãy đến Enoshima ẩn cư và cầu nguyện cho thấy được một con rồng. Rồi các ông sẽ không cần hành cước chỗ khác hay đi đâu xa xôi. Thần Biện tài chân thực ở trên đỉnh đầu mọi người. Hãy ẩn cư thiền định tại đây, trong thiền đường chùa Viên Giác này, hai mươi mốt ngày. Nếu hoàn toàn chuyên chú, các ông sẽ có thể thấy rồng vào ngày cuối. Nếu các ông chưa thấy được rồng, hãy tu thêm hăm mốt tuần. Nếu vẫn chưa thấy nữa, hãy tu thêm hăm mốt năm, suốt ngày suốt đêm, không bao giờ quên quyết tâm. Đến ngày cuối, chắc chắn các ông sẽ gặp và thấy một con.

(Thiền và Đạo Thuật)

279. VẬT DƯỚI RỐN CỦA THỜI TÔNG

Lúc chiến tranh bùng nổ, Bắc Điều Thời Tông (Hojo Tokimune) đến viếng sư Phật Quang, ông đã hét lên một tiếng Yaa! phóng thẳng tới trước. Tiếng hét to đến nỗi nó vang dội cả núi Lộc Sơn

Hòa thượng Nghĩa Ông nói:

-Tướng quân có vật vĩ đại dưới rốn [khí hải đan điền], nên tiếng hét to như vậy.

Quan cận thần Masanori, khi hiểu Nghĩa Ông nói gì, hỏi:
- Tôn giả thấy kích thước cái vật dưới rốn của tướng quân hồi nào?

Nghĩa Ông đáp:

- Trước khi tướng quân sinh ra, tôi đã thấy nó rồi.

Quan cận thần không hiểu.

Nghĩa Ông nói:

- Nếu ngài không hiểu cái vĩ đại ở dưới rốn tướng quân, thì hãy xem cái vĩ đại ở dưới rốn chính ngài trước khi ngài sinh ra. Làm sao cái ấy trở nên lớn hay bé hơn vì vinh hay nhục của [địa vị] cao hay thấp? Quan cận thần vẫn ngơ ngác chẳng hiểu.

Nghĩa Ông hét một tiếng “Yaa!” và nói:

- Tiếng của nó, của cái đó, là như thế.

Ngay câu nói này, quan cận thần tỉnh ngộ và nói:
- Tiểu quan hôm nay may mắn nhận được một tiếng hét của tôn giả. Tiểu quan đã biết cái vĩ đại ở dưới rốn của tướng quân rồi.

Nghĩa Ông hỏi:

- Cái ấy dài rộng như thế nào? Nói!

Quan cận thần nói:

- Dài xuyên ba cõi, rộng khắp mười phương.

Nghĩa Ông nói:
- Xin quí quan hãy cho cái vĩ đại ấy hét một tiếng xem nào.

Quan cận thần không thể mở miệng đáp lời.

(Thiền và Đạo Thuật)

280. CỔNG VÀO THẾ GIỚI CHƯ PHẬT

Chùa Viên Giác vốn là cấm địa đối với đàn bà, ngoại trừ những người đàn bà không lấy chồng của một gia đình chiến sĩ tu Thiền là được phép vào ra cổng. Sau năm 1334, lại có luật trừ phi người đàn bà đã thấy tánh thì không được phép lên Đại Quang Minh Điện. Lúc đó nó đã trở thành lệ cho người gác cổng, khi người đàn bà đi qua cổng phải trình một câu hỏi trắc nghiệm. Theo một truyền thống Thiền từ lúc đó, năm trắc nghiệm được dùng ở cổng chùa Viên Giác là:

- Cổng vào có nhiều bậc: ngay cả Phật và Tổ cũng không thể qua được.

Nếu muốn vào, hãy trình mật ngữ.

- Cửa sắt cứng chắc khó mở.

Hãy để người có thần lực dựt đứt bản lề.

- Trải ra mênh mông mọi hướng--không cửa, không cổng.

Làm sao nhận ra cổng ấy?

- Tám mươi bốn ngàn cổng đồng thời mở.

Duy kẻ có mắt, hãy cho y thấy.

- Là cái gì? Do cổng này

Tất cả chư Phật đi vào thế gian.

(Thiền và Đạo Thuật)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/01/2011(Xem: 3398)
Kính thưa hành giả hôm qua tôi đã nói cho quý vị nghe về nơi chốn thích hợp cho việc hành thiền. Tối nay tôi xin nói về các chi tiết trong việc thực hành niệm hơi thở. Phương pháp đếm được sử dụng cho hành giả nào có quá nhiều phóng tâm, còn đối với những hành giả có ít phóng tâm và đã từng có những kinh nghiệm thiền tập trước đây thì họ không cần thực tập phương pháp đếm này.
16/01/2011(Xem: 15858)
Mục đích của quyển sách này là trình bày phương pháp thực hành thiền quán vipassana. Tôi lặp lại, phương pháp thực hành. Đây là một kim chỉ nam thiền tập...
15/01/2011(Xem: 18162)
Điều làm cho một người trở thành một Phật tử chân chính là người ấy tìm nơi nương tựa ở Đức Phật, Giáo pháp, và chư Thánh Tăng - gọi là Quy Y Tam Bảo.
14/01/2011(Xem: 8183)
Đây là một quyển sách căn bản dành cho người muốn tìm hạnh phúc và sự bình an trong cuộc sống qua con đường tâm linh. Con đường Đạo của Đức Phật rất đơn giản, thích hợp với mọi người.
12/01/2011(Xem: 7792)
Pháp Sư Thái Hư cũng như Hòa Thượng Thích Minh Châu đều dùng các từ Như Lai Thiền để chỉ Thiền Nguyên Thủy và Tổ Sư Thiền để chỉ các hình thức Thiền Phát Triển sau này do các Tổ Sư các Thiền phái nổi danh đề xướng và truyền lại cho các đệ tử của mình. Cũng có người dùng các từ Thiền Tiểu Giáo (tức Thiền Tiểu Thừa) và Thiền Đại Giáo (tức Thiền Đại Thừa) như Trần Thái Tôn trong bài "Tọa Thiền Luận " của Khóa Hư Lục.
12/01/2011(Xem: 6055)
Cuốn sách này là một bản dịch của Ban Dịch Thuật Nalanda về tác phẩm Bản Văn Bảy Điểm Tu Tâm của Chekawa Yeshe Dorje, với một bình giảng căn cứ trên những giảng dạy miệng do Chošgyam Trungpa Rinpoche trình bày.
10/01/2011(Xem: 4076)
Hành thiền giúp phát triển sự tỉnh thức và năng lực cần thiết để chuyển hóa các thói quen đã ăn sâu vào tâm ý. Một số người có vấn đề như buồn nản, sợ hãi vô lý hay có biểuhiện của bệnh tâm thần, họ nghĩ rằng thiền là một phương cách điều trị tức thời cho những vấn đề của họ.
07/01/2011(Xem: 6938)
Nếu bạn không suy nghĩ sự đau khổ của chu trình sinh tử, sự tan vỡ ảo tưởng với vòng sinh tử sẽ không sinh khởi.
05/01/2011(Xem: 2644)
Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua 5 năm lặn lội học đạo và 6 năm khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sinh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các Tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ngay ở cõi Trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng, cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới..
31/12/2010(Xem: 3386)
Rất cần thiết phải thiền định về đời người quý báu của ta. Cuộc đời thật quý báu và thời gian cũng thật quý giá. Vì thế bất kỳ những gì chúng ta có đều quý báu. Mục đích của cuộc đời là đạt được hạnh phúc, trước hết là hạnh phúc nhất thời và sau đó là hạnh phúc viên mãn. Trong thời gian thiền định chúng ta phải bỏ lại đằng sau rất nhiều thứ. Ta có rất nhiều điều phải làm trong cuộc sống. Nếu ta theo đuổi những niệm tưởng của ta thì ta sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được. Ta phải chọn ra điều gì là quan trọng trong cuộc đời đối với ta, đối với gia đình và cộng đồng của ta. Khi nhìn thấy một vật gì tốt đẹp ta mong muốn được sở hữu nó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567