- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
231. ĐAN HÀ ĐỐT TƯỢNG CÓ Ý GÌ?
Sau khi đọc câu chuyện Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đốt tượng Phật bằng gỗ trong một ngôi chùa nọ để sưởi ấm khi bất ngờ gặp thời tiết mùa đông quá lạnh, đệ tử hỏi thầy:
- Thiền sư Đan Hà đốt tượng Phật là có ý gì?
Sư liền đọc đoạn đầu câu nói sau đây của một Thiền sư khác:
Lạnh đến lò than bên lửa sưởi,
Đệ tử cắt ngang:
- Thế là Đan Hà không làm bậy, phải không?
Sư liền đọc đoạn còn lại:
Nóng ra bờ trúc cạnh khe ngồi.
(Chơn Không Gầm Thét)
232. CƯỜI VỚI ĐẤT TRỜI
Duy Nghiêm là một trong những Thiền sư vĩ đại thời nhà Đường. Sau khi đắc Pháp nơi Đại sư Thạch Đầu Hy Thiên, sư đến trụ ở Dược Sơn nên người ta gọi sư là Dược Sơn.
Một buổi chiều, khi sư dạo núi, bỗng nhiên mây mù biến tan biến, mặt trăng hiện ra, sáng ngời. Thấy vậy, sư chợt cười lên một tiếng sảng khoái.
Tiếng cười vang xa mấy dặm quanh vùng.
Sáng hôm sau dân làng nói với nhau:
- Đêm hôm qua tôi bỗng nghe một tiếng cười lớn lắm, nhưng không biết từ đâu.
- Ừ, tôi cũng nghe.
Chợt có một ông tăng từ trên chùa xuống, đi ngang qua nghe chuyện, liền nói:
- Đó là tiếng cười của hòa thượng đi dạo trên núi.
(Chơn Không Gầm Thét)
233. HƯƠNG NGHIÊM LEO CÂY
Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn nói với tăng chúng:
“Có người leo lên cây, dùng răng cắn cành cây, tay không chỗ bám, chân không chỗ bịn, mình buông thõng. Chợt có người đứng bên dưới hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp? Nếu người trên cây không trả lời thì phụ lòng người hỏi, còn nếu y trả lời thì sẽ té xuống gãy cổ. . .
Hãy nói tôi nghe, làm sao y thoát tình cảnh khó khăn này?”
Khi đó có một ông tăng bước ra, nói:
“Con không hỏi y phải làm gì khi ở trên cây, mà chỉ muốn biết trước khi leo lên cây thì y thế nào?”
Hương Nghiêm cười sảng khoái.
(Chơn Không Gầm Thét)
234. Ý KINH VÀ Ý TỔ
Có một ông tăng hỏi Thiền sư Giám Ba Lăng:
- Ý Tổ và ý kinh có gì khác nhau?
Sư đáp:
- Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước.
(Chơn Không Gầm Thét)
235. NHÌN MÀ KHÔNG THẤY
Một hôm, khi Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện đang lao động trên rẫy, một ông tăng hành cước đến gần hỏi:
- Xin lỗi, thầy có thể nói cho biết ngôi chùa nổi tiếng Nam Tuyền ở chỗ nào không?
Nam Tuyền nói:
- Tôi đã trả ba đồng để mua cái lưỡi liềm này.
Ông tăng nói:
- Tôi không hỏi cái liềm, tôi chỉ muốn biết đường đến chùa thôi.
Nam Tuyền nói:
- Nó dùng được lắm, bởi vì nó rất bén.
(Chơn Không Gầm Thét)
236. TÂM BÌNH THƯỜNG
Nhân có một Luật sư đến hỏi:
- Phải tu đạo như thế nào?
Thiền sư đáp bằng câu nói của Lâm Tế:
- Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.
Luật sư liền nói:
- Đa số người ta đều làm vậy mà!
Thiền sư giải thích:
- Không, không, không phải vậy. Đa số khi ăn, người ta không chịu ăn mà còn nghĩ đến món này món nọ; khi ngủ, họ không chịu ngủ mà nghĩ đến điều này điều nọ.
(Chơn Không Gầm Thét)
237. CẬU BÉ BÍNH ĐINH ĐẾN XIN LỬA
Huyền Tắc hỏi Thiền sư Thanh Lâm:
- Thế nào là Phật?
Thanh Lâm đáp:
- Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.
Huyền Tắc nghe thế liền nghĩ: “Ha-ha! Ta được rồi! Cuối cùng ta đã hiểu.” Sau đó Huyền Tắc đến Thanh Lương làm giám viện cho Thiền sư Pháp Nhãn.
Một hôm Pháp Nhãn hỏi Huyền Tắc:
- Giám viện ở Thanh Lâm học được gì?
Huyền Tắc đáp:
- Một hôm con hỏi hòa thượng Thanh Lâm thế nào là Phật, hòa thượng đáp: “Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.” Con liền hiểu.
Pháp Nhãn nói:
- Lời ấy hay lắm. Giám viện hiểu thế nào?
Huyền Tắc đáp:
- Cậu bé Bính Đinh là thần lửa mà đi xin lửa. Giống như con là Phật mà đi cầu Phật.
Pháp Nhãn nói:
- Lâu nay tôi nghĩ ông hiểu, nhưng bây giờ tôi biết ông không hiểu.
Huyền Tắc kêu lên:
- Cái gì?! Như vậy mà không đúng ư! Sao lại sai được?!
Pháp Nhãn quay lưng bỏ đi. Huyền Tắc gọi:
- Khoan, khoan. . . Thế nào là Phật?
Pháp Nhãn nói:
- Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.
Ngay đó, Huyền Tắc liền ngộ.
(Chơn Không Gầm Thét)
238. HƯ KHÔNG CÓ ĐỂ MẮT NHÌN HOÀNG THƯỢNG CHĂNG?
Quốc sư Nam Dương Huệ Trung (677-775) quê ở Chư kỵ, Việt châu, nay là Triết Giang. Sư họ Nhiễm, là một trong năm đệ tử vĩ đại nhất của Lục Tổ Huệ Năng.
Sau khi nhận tâm ấn nơi Huệ Năng, sư đến núi Bạch Nhai ở Nam Dương và sống ở đó hơn bốn mươi năm, chưa từng bước chân xuống khỏi núi.
Vào năm 761, hoàng đế Túc Tông mời sư dến kinh đô để nhận chức Quốc sư.
Một hôm khi gặp hoàng đế, mặc dù nhà vua đã hỏi nhiều lần, nhưng thủy chung Huệ Trung vẫn không nhìn vua.
Vua có ý giận nói:
- Trẫm là Thiên tử, hoàng đế của Đại Đường, sao nhà sư dám không để mắt nhìn trẫm!
Sư hỏi:
- Hoàng thượng có thấy hư không trước mặt chăng?
Vua đáp:
- Có.
Sư hỏi tiếp:
- Vậy hư không có để mắt nhìn hoàng thượng chăng?
(Trí Tuệ Thiền Sư)
239. ÔNG BIẾT BẮN KHÔNG?
Thạch Củng Huệ Tạng vốn là một thợ săn, và loại người mà ông ta ít muốn gặp nhất là tăng nhân.
Một hôm khi đang rượt bắn một con nai, ông ta chạy tông vào Đại sư Mã Tổ.
Mã Tổ hỏi:
- Ông làm nghề gì?
Thạch Củng đáp:
- Tôi là thợ săn.
- Ông biết bắn không?
- Dĩ nhiên, tôi biết.
- Một mũi ông bắn được mấy con?
- Một mũi bắn một con.
- Ha, ha, ha . . . Vậy là ông không biết bắn rồi.
- Thầy biết bắn chăng?
- Dĩ nhiên, tôi biết.
- Một mũi thầy bắn được mấy con?
- Một mũi tôi bắn được cả bầy.
- Tất cả đều là vật sống, sao thầy nỡ bắn cả bầy?
- Ông đã biết mê lầm, sao không tự bắn đi?
- Nếu bảo tôi tự bắn, thật không biết bắt đầu tại chỗ nào.
- Ông đã nhiều kiếp mê lầm, từ nay hoàn toàn dứt sạch.
Nghe câu này, Thạch Củng buông bỏ cung tên, cạo tóc nhập chúng, và bái Mã Tổ làm thầy.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
240. BAY MẤT SAO ĐƯỢC?
Một hôm, khi Đại sư Mã Tổ và đồ đệ là Bách Trượng cùng đi dạo, cả hai thấy một bầy vịt trời bay qua trên đầu họ.
Mã Tổ hỏi:
- Cái gì thế?
Bách Trượng đáp:
- Vịt trời.
Mã Tổ hỏi:
- Bay đi đâu vậy?
Bách Trượng đáp:
- Bay mất rồi.
Mã Tổ bèn quay lại nắm mũi Bách Trượng kéo mạnh. Bách Trượng đau quá kêu oái, oái. Mã Tổ nói:
- Chính là ở đây. Bay mất sao được?
(Trí Tuệ Thiền Sư)