Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2002
CHƯƠNG BA: TRI VỌNG
IV. MỘT SỐ NGỘ NHẬN VỀ THIỀN PHÁP TRI VỌNG
Từ khi pháp Tri vọng được áp dụng trong Thiền phái Trúc Lâm, một số tăng ni Phật tử theo đó tu hành có kết quả khá tốt. Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến chưa đồng tình. Với những người bạn đã thông cảm, chúng ta giúp nhau tu hành để cùng tiến bước. Với những người bạn chưa thông cảm, đó là do lỗi ở chúng ta chưa trình bày cụ thể một số vấn đề khá khó khăn và tế nhị. Do vậy, nêu lên những khúc mắc để chúng ta cùng xem xét, phần nào giải tỏa mối nghi, theo thiển ý là việc làm cần thiết.
1/ “Pháp Tri vọng không do Phật và chư Tổ dạy”?
Pháp Tri vọng, nếu hiểu thấu đáo, là tinh thần “Phản quan tự kỷ”. Nhìn lại mình, soi sáng thân tâm chính mình để thấy:
- Thân là duyên hợp không thật có.
- Tâm là vọng tưởng, cũng hư ảo không thật.
- Nơi thân tâm vô thường có cái chân thật thường hằng.
Tinh thần Phản quan tự kỷ là gốc rễ của đạo Phật. Dù trong các kinh điển Phật dạy hay ngữ lục của chư Tổ có dùng nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung chỉ là một. Đức Phật trong 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội cây Tất-bát-la, Ngài chỉ luôn quán chiếu nội tâm của mình mà thành đạo, chứ không cầu xin một thế lực nào bên ngoài, vì thế Ngài tuyên bố “Ta học đạo không có thầy!”.
Kinh Lăng-Nghiêm kể chuyện Diễn-nhã Đạt-đa chấp bóng mình trong gương là thật, nên khi úp gương xuống, không còn thấy đầu mặt mình liền phát điên. Chúng sanh cũng điên đảo như thế, lầm chấp thân tâm huyễn này là mình, nên tạo nghiệp và thọ khổ. Kinh Kim-Cang dạy rõ hơn: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả pháp có hình tướng đều giả dối không thật. Những suy tư tình cảm của chúng ta có hình tướng không ? Nếu nghĩ về người nào, tư tưởng ta sẽ mang hình ảnh người đó; nghĩ về vật, về cảnh cũng như vậy. Từ một hình ảnh, tiếp nối hiện ra nhiều hình ảnh khác như cuộn phim, hiện ra rồi biến mất, chẳng phải hư vọng là gì? Bây giờ, chúng ta muốn thấy cái chân thật hằng hữu, phải làm sao?
Phẩm Hiện Bảo Tháp trong kinh Pháp-Hoa mô tả một cảnh tượng lung linh huyền diệu, mới nghe tưởng như hoang đường, kỳ thật chứa đựng một ý nghĩa sâu mầu uyên áo: Lúc Phật Thích-Ca đang giảng thuyết kinh Pháp-Hoa, bỗng nhiên có một tháp bảy báu từ dưới đất nổi lên trụ giữa hư không. Trong tháp có Phật Đa-Bảo lớn tiếng ngợi khen Đức Thích-Ca vì thương chúng sinh diễn pháp chân thật. Đức Phật Đa-Bảo có lời nguyện: “Nếu lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp-Hoa mà hiện ra trước các Đức Phật, vị Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho bốn chúng, vị ấy phải nhóm họp tất cả Phật của mình đang phân thân thuyết pháp ở mười phương về lại một chỗ, sau thân ta mới hiện”. Tháp bảy báu tượng trưng thân thất đại (đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức), Phật Đa-Bảo là Pháp thân thường trụ của mỗi chúng sanh. Pháp thân có sẵn trong thân vô thường, nếu nhận ra pháp thân thì bảy đại trở thành bảy báu. Muốn thấy Pháp thân, phải thu nhiếp các Phật phân thân ở mười phương, tức ý thức không còn phân tán chạy theo ngoại duyên trần cảnh.
Phần “Quán tâm trên tâm” trong kinh Niệm-Xứ, bài kinh căn bản của Phật giáo Nguyên thủy, Phật dạy quán niệm trên 16 loại tâm, tựu trung là Tuệ tri trên vọng tưởng. Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma lần đầu tiên dạy Tổ Huệ Khả cũng là cách nhìn lại tâm mình để có cái thấy như thật. Các đời Tổ truyền thừa đều y cứ vào tâm mình mà thành tựu đạo quả. Cho đến Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Thiền sư cư sĩđời Trần, khi dạy Thái tử Khâm (vua Trần Nhân Tông, Sơ tổ Trúc Lâm sau này) về yếu chỉ nhà Thiền, cũng chỉ bằng một câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”(Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được).
Do vậy, xoay lại chính mình, nhận rõ thân ngũ uẩn là hư dối, không chạy theo vọng tưởng; đồng thời nhận ra và hằng sống với bản tâm thanh tịnh thường nhiên, đó là mục đích tối thượng của sự tu hành. Đó cũng là đường lối chung của Phật giáo, dù có nhiều tên gọi khác nhau. “Pháp Tri vọng” cũng là một trong những tên gọi ấy.
2/ “Pháp Tri vọng không phải là pháp Trung đạo”?
“Tự tánh vốn không hình tướng, không đối đãi nhưng hằng tri hằng hữu, sao còn lập bày chơn-vọng rồi dạy người theo với chẳng theo? Như thế, đây không phải là pháp Trung đạo”. Lời nhận xét này đã chính xác chưa?
Thật ra, như đã trình bày ở phần trên, pháp Tri vọng có 2 nội dung chính, phù hợp với căn cơ của hành giả:
- Biết vọng: Người mới vào đạo, còn lầm chấp những tư tưởng tình cảm là thật mình, dễ bị lôi dẫn và tạo nghiệp. Người ấy phải được chỉ cho biết, đó là những vọng tưởng hư dối, không nên theo nó. “Biết vọng không theo”Không theo”nên được hiểu làkhông dính mắc, không vướng bận, chứ không phải khởi thêm ý niệm “không theo”. Thiền sinh chỉ BIẾT đó là vọng tưởng mà không thêm niệm gì khác, chính là ý nghĩa của Tuệ triĐức Phật đã dạy. Cho nên, “cái biết rõ từng động tác là thường hằng, là chính, còn vọng tưởng lâu lâu khởi là phụ” (Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX - HT Thích Thanh Từ).là phương tiện hướng dẫn hành giả trong giai đoạn đầu, để họ tập sống với cái Biết, từ đa niệm trở về nhất niệm rồi mới vô niệm. “
- Liễu vọng:Người có căn cơ đặc biệt, khi nghe Phật dạy về Biết vọng, họ liền trực nhận Tánh Biết sẵn có của mình. Người ấy hiểu rõ, vọng và chơn là hai phạm trù vừa đối lập vừa song song tồn tại, do vọng mới lập ra chơn, còn tự tánh mới thường hằng bất biến. Ở đây không còn nhị biên phân biệt, phù hợp Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế.
3/ Những vướng mắc của thiền sinh tu theo pháp Tri vọng.
Thiền sinh nghe giảng, biết những tâm hành sinh diệt là vọng tưởng. Nhưng khi gặp chuyện trái ý, vẫn nổi giận và bị cơn giận lôi cuốn. Như thế là, chưa gặp chướng duyên thì thấy có tu, khi gặp chuyện thì sự tỉnh giác không còn. Vì vậy chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh, đừng hiểu lầm việc tu hành và chứng ngộ là dễ dàng như đọc trong Thiền sử.
Thiền sinh tu một thời gian, tọa thiền thấy vọng khởi liền biết, không bị nó dẫn lôi. Nhưng lại nảy sinh ý niệm buông hay không theo,mà không biết ý niệm ấy cũng là vọng. Cứ mãi dùng vọng buông vọng, nên vọng còn hoài. Tu đúng pháp là khi có vọng liền biết, nhưng không dính mắc trên vọng và không vướng bận cả với ý nghĩ buông.
Đôi khi vọng nổi lên lẫy lừng, Thiền sinh như bị vọng nhận chìm. Đè bẹp hết lớp này lại nổi lên lớp khác, một lúc là nhức đầu hoa mắt. Đó là do ta thấy vọng thật có nên đấu tranh với nó, dùng bạo lực đàn áp nó; một thời gian không đạt kết quả, sinh tâm chán nản, nghi ngờ.
Một số Thiền sinh công phu có tiến bộ, tọa thiền thấy yên ổn, cho đó là bản tâm thanh tịnh của mình. Họ cảm thấy mình đang ở trong trạng thái mênh mông bát ngát, thênh thang như hư không. Đây là tình trạng bất động và thanh tịnh, nhưng chỉ nên thầm biết chứ đừng khởi niệm “Ta đang thanh tịnh”. Khi khởi niệm thì đã mất thanh tịnh rồi. Lại nữa, khi ta thấy mình thanh tịnh thì sự thanh tịnh ấy đã là đối tượng nhận thức, tức ở ngoài mình, không phải bản tâm.
Có Thiền sinh cho rằng: “Tâm thể sáng suốt hằng hữu vốn không vọng không chơn. Ta đã nhận ra mình có tâm thể sáng suốt ấy, chỉ cần hằng ngày sống với nó là đủ”. Họ không biết rằng tâm thể tự nó rỗng rang mà hằng giác, nếu có chỗ cho mình thấy “không vọng không chơn”, có chỗ cho mình “sống với”, thì nó đã trở thành đối tượng bên ngoài. Đây là bệnh thường gặp của một số người tu lâu hoặc nghiên cứu nhiều kinh sách, thấy chư Tổ dạy như thế cũng bắt chước nói theo, mà không biết các Ngài vì người mới sử dụng ngôn từ tạm diễn bày cái không thể diễn bày được. Từ đó, họ ngộ nhận mình đã chứng đắc, nói năng ngông cuồng tự phụ, tạo nhân đọa vào đường ác, thật rất đáng thương!
Có người tinh tấn công phu, một thời gian có sự nhạy bén, nên khi vọng mới dấy lên liền biết. Nhưng họ lại cho đó là Tánh biết. Đây là điều lầm lẫn tai hại. Biết vọng nhiều, vọng thưa hay không vọng, nếu cho đó là “tánh biết”, thì “tánh biết” này lại trở thành đối tượng nhận thức. Tánh biết là tự biết chứ không phải được nhận là, cũng như khi ta thấy cảnh vật bên ngoài tức ta tự biết mắt mình sáng, chứ con mắt không thể thấy lại chính nó. Năng tri mà được nhận hiểu thì đã biến thành sở tri, cứ như vậy tiếp diễn mãi hết lớp này đến lớp khác. Đây là điều rất tế nhị mà nếu không đi sâu vào công phu thì khó thấu triệt, cho nên phải khéo thận trọng, đừng vội tự mãn cho mình tu hay tu giỏi mà tổn phước.
Có Thiền sinh nghe dạy “Tâm bình thường là Đạo” và “Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền”, chủ trương hằng ngày khi đối duyên xúc cảnh, ta cứ sống với “tâm bình thường” là đủ. Cái hiểu này bị hai điều lỗi: Một là, khi căn tiếp xúc với trần cảnh, ta thấy không dính mắc phân biệt; không ngờ có những vọng niệm rất vi tế mà ta không nhận ra, cứ ngỡ tâm mình đã “bình thường” tức đã vô tâm rồi. Hai là, nếu ta thấy mình đang sống với “tâm bình thường”, thì tâm ấy không còn bình thường nữa, vì nó đã là đối tượng.
Nhiều Thiền sinh chăn trâu miên mật, luôn canh giữ không cho niệm khởi, như kiểu Ngài Thần Tú lau bụi trên gương. Lối tu này cũng bị hai điều lỗi: Thứ nhất, vọng không thật thì làm sao lau? Thứ hai, do mang tâm trạng luôn luôn canh chừng vọng nên đâm ra sợ vọng và ưa thích cảnh giới yên lặng trống vắng. Trường hợp này có thể rơi vào trầm không trệ tịch.
Có Thiền sinh nghe ví dụ tâm như nước, vọng tưởng như đất bùn, nên nghĩ bản tâm vốn trong sạch nhưng bị vọng tưởng làm nhiễm nhơ. Muốn tâm trở lại thanh tịnh, phải gạn lọc vọng tưởng, như nước đục phải qua gạn lọc mới thành trong. Lối hiểu này là chấp tâm và vọng đều có hình tướng. Thật ra, tâm tự thanh tịnh, vọng không thể làm tâm bị nhiễm, nên không cần phương pháp nào để tâm trong sạch cả. Chẳng qua vì chúng ta quên tánh giác chạy theo trần cảnh, nên muôn đời muôn kiếp mãi làm chúng sinh(bối giác hiệp trần); còn các vị đã giác ngộ, luôn bối trần hiệp giác nên là Bồ tát, là Phật.
Một số Thiền sinh, do túc duyên nhiều đời nên một lúc nào, trực nhận ra tánh giác. Nhưng đáng tiếc, họ cho đó là xong việc, vội vàng thỏng tay vào chợ, mặc tình nói năng hành động buông lung. Nhà Thiền luôn thận trọng cảnh giác đối với những tâm niệm vi tế, vì tập khí sâu dày từ nhiều đời, không thể bào mòn nhanh chóng. Vị ấy phải gia công bảo nhậm để tự tánh luôn hiển bày, thường xuyên phản tỉnh để không bị vọng tưởng dẫn lôi. Đây là dụng công mà không tác ý nên là công phu vô hành, nhưng dù vô hành mà cũng phải công phu. Điều này nên khéo thầm lãnh hội, chúng ta nên theo đó mà dè dặt tu hành.
Có Thiền sinh hiểu pháp tu, thấy các Thiền sư ở ẩn trong núi trưỡng dưỡng Thánh thai, nên cũng tìm nơi rừng núi vắng vẻ tránh duyên. Cái chấp này bị hai điều lỗi: Một là, nếu không có nơi vắng vẻ thanh tịnh theo ý muốn, cứ mơ ước mãi nơi chốn ấy như một vùng đất hứa, thì sự mơ ước ấy trở thành phiền não chướng ngại. Hai là, nếu tìm được nơi vừa ý, một thời gian thấy yên ổn, ngỡ mình tu có kết quả tốt; không ngờ khi trở lại chỗ ồn náo thì sinh loạn động. Từ đó có tâm trạng chán ghét ồn náo, ưa thích vắng lặng. Đây cũng là bệnh, nên Sơ Tổ Trúc Lâm bảo “Ở đời vui đạo khéo tùy duyên”.Ở trong cảnh đời mà vẫn vui với đạo, ấy mới là tu chân chính.
Nhiều người tu hành lâu năm, nhưng nghe ai có thần thông cũng đem lòng ngưỡng mộ. Lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, lại đến xin bùa chú về giải hạn. Gặp cảnh lạ trong lúc tọa thiền, lại khởi tâm dính mắc. Tất cả đều không làm đúng lời Phật dạy. Đức Phật thường bảo: “Ta không để ý đến thần thông mà chỉ chú trọng đạo thông”. Ngài Mục Kiền Liên nổi danh thần thông đệ nhất trong mười vị đệ tử lớn của Phật, vẫn không thể tự cứu mình lúc đến giờ phải đền trả nghiệp cũ. Mặt khác, trong phần Ngũ ấm ma của kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giảng giải tường tận những cảnh giới kỳ lạ mà hành giả có thể gặp khi tọa Thiền. Nếu khởi tâm mừng hay sợ là bệnh, một thời gian bị lôi kéo dẫn dắt, người ấy có thể trở nên điên cuồng.
Tất cả những điều chúng ta vừa khảo sát qua, dù sâu hay cạn, đều chỉ là lý thuyết. Muốn thâm nhập thực chất của vấn đề, mỗi người chúng ta phải tự thân áp dụng vào công phu. Tùy trình độ căn cơ và phước duyên của từng người mà có kết quả sai khác, nhanh chậm; nhưng nếu chúng ta có ý chí kiên định, có lòng kiên nhẫn trường kỳ, và có niềm tin vững chắc về Phật nhân của chính mình, về khả năng của mình và về sự đúng đắn của con đường mình đang đi, thì có ngày chúng ta sẽ thành tựu Phật quả.