Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Tánh Biết Vọng

09/05/201111:33(Xem: 3207)
3. Tánh Biết Vọng

THIỀN LÀ GÌ?
Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2002

CHƯƠNG BA: TRI VỌNG

III. TÁNH BIẾT VỌNG

Phần trên, chúng ta đã khảo sát về pháp Biết vọng. Gọi là “pháp” vì vẫn còn có phương pháp hành trì, vẫn còn thứ lớp và diễn tiến từ từ. Ở đó vẫn còn có cái vọng bị biết và cái tâm hay biết, nghĩa là còn phân ranh năng sở chủ khách trong công phu. Pháp Biết vọng được xem là giai đoạn đầu của pháp môn Tri vọng.

Những thiền sinh tu tập nhiều năm, hoặc có căn cơ nhạy bén, nên khéo đi vào tinh thần Bất nhị.Khi chim hót, ta nghe có tiếng chim; khi chim không hót nữa, ta nghe không có tiếng chim. Rõ ràng cái nghekhông bao giờ vắng mặt, dù có tiếng hay không có tiếng. Có vọng hay không vọng cũng thế, chỉ là hai tình huống đắp đổi thay phiên nhau, còn cái biết luôn luôn hiện hữu. Trong ánh sáng chánh niệm, các trạng huống luân phiên ấy không hai không khác. Và cái quán triệt tất cả mọi hoàn cảnh tình huống ấy, cái ánh sáng chánh niệm hằng tỉnh hằng giác ấy, không bao giờ thiếu vắng, dù đang ở thời điểm nào, nơi chốn nào. Đây là Tánh biết vọng.

Chúng ta cùng xem qua một số ví dụ sau đây, minh họa cho phần này:

1/ Ví dụ 1

Kinh Lăng- Nghiêm có đoạn mô tả cảnh Đức Phật bảo La-Hầu-La đánh một tiếng chuông, nhân đó Ngài giảng cho đại chúng về tánh nghe. Tiếng chuông lúc có lúc không, nhưng tánh nghe luôn luôn có mặt. Cũng vậy, các tâm niệm lăng xăng khi khởi khi diệt, nhưng có một cái gì luôn quán xuyến chúng. Trong kinh Niệm-Xứ, Phật dạy tuệ tri 16 loại tâm hành, cũng trong ý nghĩa này. Cái quán xuyến tuệ tri được tất cả tâm sinh diệt, đó là Tánh biết vọng.

2/ Ví dụ 2

Một đoạn khác trong kinh Lăng-Nghiêm, lúc Đức Phật đưa cánh tay lên, tôn giả A-Nan thấy có tay. Nhưng khi Phật bỏ tay xuống, Tôn giả thưa rằng không thấy. Thật ra, lúc ấy Tôn giả thấy không có tay chứ không thể nói không thấy. Nếu cái thấy không còn, làm sao Tôn giả biết không có tay ? Cho nên, giống trường hợp tánh nghe ở trên, có vật hay không vật là chuyện bên ngoài, còn thấy nghe là chuyện của mình, không lúc nào vắng thiếu. Tánh biết vọng cũng như thế.

3/ Ví dụ 3

Người bị nhặm mắt thấy hoa đốm loạn xạ trong hư không. Vì sao có hoa đốm?- Vì mắt bệnh. Hoa đốm sanh ra đối với người bệnh mắt, còn không sanh với người có mắt bình thường. Như thế, hoa đốm không thật sanh; do không thật sanh nên cũng không thật diệt.

Hoa đốm thật ra không có sanh và diệt, bởi vì nó không thật có. Vọng cũng như vậy. Ý thức dấy khởi khi căn trần giao thoa. Căn và trần đều do duyên sinh không thật, nên thức khởi cũng chỉ là vọng tưởng. Chúng ta tọa thiền, những hình ảnh lưu trong tàng thức được dịp trổi dậy với đủ mọi hình thái. Nếu cho đó là thật, bị nó dẫn dắt là phàm phu; nếu đè ép diệt trừ nó là tu chưa đúng pháp. Tọa thiền chỉ cần luôn luôn tỉnh giác, bao nhiêu vọng tưởng sinh diệt đều biết rõ, thế là đủ. Lục Tổ dạy: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Giác chậm nghĩa là không kịp thời phản tỉnh ngay khi vọng vừa sinh, không theo dõi suốt quá trình sinh khởi, tồn tại và đoạn diệt của vọng, cũng như không thấu suốt tính hư ảo huyễn mộng của chúng. Nhận chân được tiến trình của vọng cũng như thấu triệt bản chất hư huyễn ấy, chính làTánh biết vọng.

4/ Ví dụ 4

Một đóa hoa được đưa ra trước mắt. Đóa hoa là một vật có hình tướng rõ ràng. Vật có hình tướng nằm trong hư không chẳng hình chẳng tướng, vật ấy cách hư không bao xa? Mặt khác, đóa hoa được tạo nên từ nhiều yếu tố nên nó không đồng nhất, không có chủ tể, vì thế tánh nó là Không. Tự tánh không nhưng hình tướng giả có: Chúng ta đi vào tinh thần “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, ngôn ngữ Bất nhị của Phật môn.

Hiểu tường tận hai vấn đề trên, ta trực nhận ra rằng: Hoa là vật thể hư vọng đổi dời nhưng không rời khỏi hư không chẳng hề dời đổi; hoa là hiện tượng sinh diệt trong bản thể hư không bất diệt. Lúc đủ duyên, hoa thành hiện tượng; khi hết duyên, nó trở về bản thể hư không. Rõ ràng, hiện tượng và bản thể không hai không khác. Tương tự, vọng tức là chơn, chơn tức là vọng. Nếu cho vọng là cái phải trừ diệt, chơn là cái cần thủ đắc, ta đã rơi vào trạng thái thủ xả nhị biên.

Kinh Duy-Ma nói: “Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi”. Bồ Tát không dẹp trừ hết hữu vi và cũng không an trụ vào vô vi, không thấy Ta-bà đáng chán bỏ và Tịnh-Độ đáng ưa thích, không diệt tận phiền não cũng không thủ chứng Bồ-Đề. “Bồ-Tát thương chúng sanh, không nỡ dẹp trừ hết vọng tưởng”,vì như vậy sẽ không còn trở lại cõi Ta-Bà làm lợi lạc quần sinh. Đối với các Ngài, phiền não tức Bồ-đề, sinh tử tức Niết-bàn. Đây là tinh thần Bất nhịTánh biết vọng.độc đáo của Phật giáo Đại thừa và Tối thượng thừa Thiền, cũng là tinh thần của

5/ Ví dụ 5

Trên biển có muôn ngàn đợt sóng. Sóng là hiện tượng có sinh có diệt, còn bản thể nước thì chưa từng sinh diệt bao giờ. Lại nữa, sóng dù sinh hay diệt cũng không ra khỏi nước, cho nên sóng và nước không hai.

Phiền não là những đợt sóng. Muôn ngàn đợt sóng phiền não dù biến dù hiện cũng không khi nào rời khỏi biển chân-như. Tại sao ta thấy sóng phiền não là đáng sợ mà biển chân như là miền đất hứa? Bỏ phiền não rồi, liệu ta tìm được chân-như chăng?

Thân năm uẩn khi còn khi mất cũng là đợt sóng lúc sinh lúc diệt. Sóng năm uẩn là hình tướng, biển tự tánh là bản thể, sóng và biển không hai. Tại sao ta không ngay nơi sóng mà khéo thầm nhận biển, ngay vọng tưởng biến thiên mà nhận ra tánh biết thường hằng?

Một điều khác, thân ta là sóng thì thân người khác có phải là sóng không ? Rõ ràng tất cả chúng sanh đều là những đợt sóng, dù hình thái khác nhau nhưng cùng có bản chất là nước. Thấu triệt điều này, ta cảm nhận một sự hòa điệu tột cùng với tất cả mọi loài chúng sanh, nỗi khổ niềm vui của kẻ khác cũng chính là khổ vui của chính mình. Tự nhiên ta sẽ có ý nguyện dâng hiến trọn vẹn cho tha nhân, xa lìa ngã tướng; và tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”mới được thực hiện với đầy đủ ý nghĩa cao quí của nó.

Lại nữa, chúng sanh là những đợt sóng còn chìm đắm nổi trôi trong giòng sinh tử, do quên bản thể của mình. Đức Phật là bậc giác ngộ, trở về với tự tánh thường nhiên nên Ngài là nước. Nước không khác sóng nên Phật nào khác chúng sanh, chỉ vì có ngộ có mê nên nghìn trùng sai biệt. Điều này khiến cho ta phát khởi một niềm tin mãnh liệt, rằng tất cả mọi chúng sanh đều có chánh nhân thành Phật. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có nắm vững pháp tu và có tinh cần công phu theo chánh pháp hay không.

6/ Ví dụ 6

Khi đèn bật sáng, mọi vật trong phòng hiện bày rõ ràng. Khi tắt đèn, phòng tối om, mọi vật đều không được nhìn thấy. Có ánh sáng, ta thấy vật; không có ánh sáng, ta thấy tối. Điều này chứng tỏ:

1. Cái thấy không khi nào vắng mặt, do đủ duyên (có ánh sáng) thì thấy vật, không đủ duyên thì thấy tối. Như vậy, sáng và tối là hai mặt đắp đổi cho nhau, tùy duyên mà hiện tướng, còn thể tánh hư không chỉ có một. Sáng và tối không hai, vọng và chơn cũng thế. Do tối mới lập bày ra sáng, do vọng mới nói đến chơn, còn tánh thấy hay tánh biết luôn luôn hiện hữu.

2. Khi đèn sáng, ta thấy mọi vật được sắp xếp thứ tự. Lúc tắt đèn, mọi vật vẫn ở nguyên đó chứ không biến mất. Cũng vậy, khi Đức Phật giác ngộ, trong ánh quang minh Ngài thấy toàn bộ vũ trụ vạn hữu đều là Phật pháp, mười phương thế giới đều là Tịnh độ. Còn chúng ta, do vô minh tăm tối, nên nhìn đâu cũng thấy phiền não khổ đau, thế giới là cõi Ta-bà uế trược. Cùng một thế giới mà thấy biết khác nhau, đó là do người nhìn đã giác hay còn mê. Thế thì chúng ta có phải lặn suối trèo non để tìm cõi Phật, hay đã thấm thía câu “Phật pháp tại thế gian” của Lục Tổ Tào-Khê?

7/ Ví dụ 7

Mái nhà có lỗ hổng, ánh sáng mặt trời xuyên qua tạo một vùng sáng. Trong vùng sáng này, ta thấy vô số hạt bụi bay lượn; tùy có gió mạnh hay yếu mà bụi bay nhiều hay ít.

1. Bụi bay là động, ánh sáng là tĩnh. Bụi nhiều hay ít đều nằm trong vùng sáng, vì ngoài vùng này ta không thấy có bụi bay. Cũng vậy, vọng tưởng sinh diệt dù nhiều hay ít đều không thoát khỏi tự tánh hằng tri. Đây là tinh thần của Tánh biết vọng, quán xuyến tất cả mọi tình huống, dù có vọng hay không.

2.Còn ánh sáng, ta còn thấy bụi; khi mặt trời lặn, ta hết thấy bụi bay. Thật sự lúc ấy có bụi không? Trong công phu, có lúc ta lầm lẫn tương tự như thế. Do bị lôi cuốn bởi trần cảnh nên ta không nhận ra các trạng thái của tâm, tưởng mình không còn vọng tưởng. Ví như khi chăm chú thưởng thức một bản nhạc hay, ta tưởng mình hoàn toàn vắng lặng, thật ra mình đang bị lôi cuốn theo tiếng nhạc nên quên mất mảnh đất thực tại của tâm mình.

3.Bụi bay nhiều hay không là do gió mạnh hay không có gió. Những hiện tượng này không ra khỏi hư không, và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hư không. Bụi bay là động, là biến đổi; hư không là thể tánh bất động thường hằng. Nhận được thể tánh hư không bất động thì phải khéo nhận tinh thần Tánh biết vọng.

8/ Ví dụ 8

Người chủ nhà tiếp khách. Khi khách đến đông, chủ nhà biết có khách nhiều; khách về bớt, chủ nhà biết khách còn ít; khách về hết, chủ biết không còn khách. Nhà không còn khách nhưng chủ nhà luôn luôn có mặt. Khách nhiều, khách ít, không khách là ba tình huống của khách, không dính dáng đến chủ nhà. Khách là đối tượng nhận thức, chủ nhà là chủ thể nhận thức.

Tương tự trong công phu, có vọng nhiều, vọng thưa hay hết vọng đều là những trạng huống của đối tượng nhận thức. Còn cái biết được, xuyên suốt được cả ba trạng huống ấy là chủ thể nhận thức. Đối tượng thì biến đổi, khi loạn động, khi lặng lẽ; còn chủ thể thì chẳng chuyển dời mà luôn tỉnh biết. Sao ta không khéo nhảy thẳng vào chỗ đó để lập thân, mà cứ mãi băn khoăn về vọng sinh vọng diệt?

Những ví dụ trên đây phần nào giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về các pháp thế gian và xuất thế. Vọng và chơn chỉ là hai mặt của một thực thể, do có vọng mới lập bày ra chơn, lập bày một cách ước lệ theo qui ước pháp thế gian. Thật sự, vọng và chơn không hai không khác: đây là tinh thần “Liễu vọng” tức Tánh biết vọng. Hiểu được bản chất của vọng, chúng ta không cần đè nén đàn áp vọng tưởng; vì dùng bạo lực trên vọng thì có lúc vọng tạm ngủ yên, nhưng sau đó nó vùng dậy càng mạnh mẽ lẫy lừng hơn trước. Điều nầy giải thích tại sao nhà Thiền thường nói “Cực tĩnh sinh động”. Lối dùng đá đè cỏ này không phù hợp với Thiền tông. Chúng ta cũng không sợ vọng khởi, vì khi liễu được vọng tức chơn, lập tức những đám mây vọng tưởng không còn có thể che lấp bầu trời tự tánh, mà ngược lại còn tô điểm cho nền trời. Như sóng và biển, cả hai cùng bản chất là nước, muốn tìm nước cứ ngay sóng mà tìm. Sóng biển có nổi có chìm, nhưng nước không bao giờ sinh diệt. Vọng tưởng lúc khởi lên khi lặng xuống, nhưng không thể nào rời khỏi biển chân như. Cho nên, nếu sợ vọng là đem tâm sợ cái tâm, nghĩa là nước mà sợ sóng, không đúng với lẽ thật.

Chúng ta bị trói buộc trong thân năm uẩn, thấy mình yếu đuối nhỏ nhoi trước vũ trụ bao la, và cách biệt với thế giới bên ngoài; do vậy nảy sinh vọng chấp vào bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Cũng như một túi nước thả xuống biển, khi túi còn nguyên vẹn thì nước trong túi còn cách biệt với nước ngoài biển cả. Nhưng khi túi bị thủng, nước bên trong và bên ngoài hòa nhập làm một. Đi sâu hơn, ta thấy nước trong túi và nước ngoài biển đã từng đồng thể tánh nước, không đợi đến khi túi bị thủng. Cũng vậy, chúng ta là phàm phu, nhưng vẫn có sẵn Phật chất đồng với chư Phật Bồ-Tát. Không phải khi ngộ mới là chân như, mà lúc còn vô minh ta đã chân như rồi! Chỉ vì chúng ta còn u tối, chưa biết mình có tự tánh hằng tri. Chúng sanh sống bằng thức giác, chư Phật sống bằng trí giác; nhưng kỳ thực, thức và trí không hai, chỉ vì thức như bóng tối còn trí như ánh sáng vậy thôi. Đây là lý do vì sao kinh Niết-bàn dạy rõ: “Chúng sanh đã là Phật”!

Hiểu sâu sắc ý nghĩa lời kinh, đời tu chúng ta rất vui vì mình có mục đích rõ ràng và một niềm tin kiên cố. Ta cũng nên ôm niềm thao thức “Mình có trí giác như các Ngài, sao mình không nhận ra?”. Đây là mối nghi tối cần của người tu, canh cánh trong lòng không sao quên được. Một lúc nào đó, đủ thời tiết nhân duyên, vấn đề này đột nhiên bùng vỡ. Hành giả giải quyết xong việc đại sự cho chính mình.

Như vậy, trong tinh thần Tánh biết vọng, ta phải ngay nơi động mà nhận ra cái bất động, ngay nơi vọng mà khéo nhận chân thể thường hằng. Thiền tông chủ trương tu ngay nơi động, chứ không thừa nhận trạng thái lặng lẽ của Thiền tịch mặc hay trầm không trệ tịch. Vì Thiền là chủ động, nên khi nhận ra thể tánh bất sinh, thì ở mọi tư thế, mọi hoàn cảnh, hành giả đều sống được với nó. Do đó, Lục Tổ không chủ trương tọa thiền, nhằm phá chấp cho những người thường đồng hóa Thiềntọa. Nói thế không phải là bài bác việc tọa thiền. Khi tâm ta còn loạn động, dễ duyên theo trần cảnh, tọa thiền là tư thế thù thắng nhất để định tâm. Nhưng nếu cứ một bề nghĩ rằng chỉ tọa thiền mới là tu, vô tình ta đã xa rời tinh thần sống động tùy duyên của Thiền. Cho nên, xem thường, bài bác việc tọa thiền là một cực đoan; quá tôn sùng, cho tọa thiền là cứu cánh cũng là một cực đoan khác. Cả hai đều không đúng với đường lốiTrung đạocủa nhà Phật.

Trở lại vấn đề Liễu vọng,có thể nói rằng hành giả đến đây là đã đi được nửa đường, nghĩa là đã thấy đường về nhà nhưng chưa đến nhà. Nhà Thiền gọi là Đốn ngộ tiệm tuhayKiến tánh khởi tu.Người có duyên sâu dày với Phật pháp, nghe giảng hay đọc kinh lục, tự nhiên nhận ra tánh biết thường hằng, qua một trong sáu căn. Ở đây, chúng ta tu trên vọng là tu theo ý căn, gọi là cửa Phổ-Hiền. Các Thiền sư ngày xưa, tùy đương cơ mà dùng nhiều thủ thuật khác nhau để chỉ bày chân tánh qua các cửa tương ứng với sáu căn. Chúng ta sẽ khảo sát kỹ các phương tiện khai thị này trong chương “Thuật tác động thẳng”.

Nương ý căn ngộ nhập Phật tánh cũng là pháp an tâm của Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma dạy Ngài Thần Quang thuở trước. Sau khi chặt tay cầu đạo, Ngài xin Tổ dạy pháp an tâm. Đây là vấn nạn lớn của Ngài, vì lâu nay thấy tâm mình không an, tham vấn nhiều nơi mà chưa tìm ra lối thoát. Khi nghe Tổ bảo một câu đơn giản “Đem tâm ra ta an cho!”, thì như làn chớp giật, Ngài chợt thấy rõ ràng sự thật: Xưa nay cái bất an mà mình cho là tâm, chỉ là bóng dáng không thật của tiền trần. Do chạy theo cái bất an, cho tâm bất an này là thật mình, đem cái tâm này sợ cái tâm kia, nên có sự mâu thuẫn dằng co trong nội tâm, lớp này chồng lên lớp khác, gây đau khổ triền miên. Bây giờ nhìn thẳng vào nó, Ngài chợt thấy nó chỉ là vọng tưởng hư dối, do đây thầm nhận bản tánh hằng tri, nên được Tổ đổi tên là Huệ Khả.

Sau khi kiến tánh, còn phải dày công bảo nhậm, bào mòn tập khí, gọi là “khởi tu”. Bởi vì, tuy đã giác ngộ là đồng với chư Phật, nhưng “Đa sanh tập khí thâm”, nhiều đời tập khí đã chồng chất rất sâu rất dày. Tập khí là những thói quen huân tập từ vô lượng kiếp, là nghiệp nhân lôi chúng ta trầm luân trong sinh tử. Vọng tưởng cũng là tập khí, nên dù thấy rõ lý đạo nhưng vẫn còn thất niệm, phải mất nhiều thời gian công phu tinh cần, tâm mới thành một khối. Quốc sư Huệ Trung sau khi được tâm ấn nơi Lục Tổ, phải mất 40 năm tu hành ở cốc Đảng Tử trên núi Bạch Nhai. Thiền sư Đại An trải qua 30 năm sống cùng “Ông chủ” ở núi Qui mới thấy “con trâu trắng sờ sờ trước mắt”.

Gọi là “tu hành”, nhưng ở giai đoạn này thì các Ngài không phải khổ công tu luyện, mà là vô công dụng hạnh. Tu mà không có pháp để tu, nên không thấy mình chứng đắc. Các Ngài chỉ một bề, hoặc luôn tỉnh giác quan sát tâm mình để trong không chạy theo vọng tình, ngoài không dính mắc với trần cảnh, gọi là “Giác ngộ vô niệm”;hoặc luôn sống với bản tâm chân thật thanh tịnh của chính mình, gọi là “Giác ngộ tri hữu”. Các Ngài không khởi vọng niệm như phàm phu, cũng không trừ vọng tâm như Nhị thừa. Làm sao được như thế?- Đây là công việc riêng của mỗi người, mà nếu nắm được bí yếu của nó, đời tu của chúng ta mới nhẹ nhàng và có ý nghĩa. Ta cũng sẽ quán triệt lời dạy của Lục Tổ “Đối cảnh tâm thường sanh, Bồ-đề làm gì lớn!”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2011(Xem: 8404)
Hôm nay chúng tôi giảng về Sự tương quan giữa Bát-nhã và Thiền tông. Đề tài này hơi cao, quí vị chịu khó lắng nghe kỹ mới thấy giá trị của đạo Phật. CácThiền viện của chúng tôi trước khi sám hối phải tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Sau khi xả thiền cũng tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Nhiều người hỏi tại sao không tụng kinh khác mà lại tụng Bát-nhã Tâm Kinh. Bởi vì Bát-nhã Tâm Kinh là một bài kinh rất thiết yếu cho người tu Phật, chẳng những tu Thiền mà tu Tịnh, tu Mật đều quí cả.
02/10/2011(Xem: 6864)
Bạn thực hành các tư tưởng tích cực thật nhiều lần, và khi bạn có thể dần dần loại bỏ các tư tưởng tiêu cực thì điều này sẽ tạo ra các thực chứng.
13/09/2011(Xem: 8125)
Thiền - dù trải qua bao thế hệ thời đại theo thời gian và không gian, với quan niệm tu tập trong mọi tôn giáo có khác nhau - cũng chỉ là phương pháp thực hành để đến đích của đạo mình, nên gọi đồng tên thiền kèm theo đạo hoặc môn phái riêng và có nhiều tên đặt không giống nhau, ngay cả trong Phật giáo cũng có nhiều loại thiền. Tổ Sư Thiền có lẽ bắt đầu từ thời Trừng Quán (738-839), Tứ tổ Hoa nghiêm tông của Phật giáo Trung Hoa, sư Khuê Phong Mật Tông (780-842).
25/07/2011(Xem: 3485)
Người học về thiền này không nghỉ, không ngưng lại, luôn luôn quán sát hơi thở ra vào thì hộ trì được ba nghiệp thân, miệng, ý, gọi là giới học và định, tuệ.
25/07/2011(Xem: 4832)
Quyển "THIỀN QUÁN - Tiếng Chuông Vượt Thời Gian" là một chuyên đề đặc biệt giới thiệu về truyền thống tu tập thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin.
23/07/2011(Xem: 3890)
Thiền Tiệm Ngộ là pháp hành từ tập trung trí và thức gom vào một đề mục duy nhất, hoặc dùng một đối tượng đặt ra do tư tưởng định trước.
23/07/2011(Xem: 5911)
Khi chấp nhận thực hành thiền, chúng ta phải có niềm tin sâu sắc vào khả năng của tâm chúng ta ngay từ lúc khởi đầu, và phải duy trì niềm tin ấy...
22/07/2011(Xem: 5022)
Ngày nay, Thiền tông đang phát triển nhanh ở nước Mỹ; ở những quốc gia phương Tây khác, thiền cũng được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, dù có nhiều người cảm thấy thích thú đối với thiền ngay từ lúc đầu, nhưng chỉ có một số ít người theo đuổi cho đến mục đích cuối cùng. Tại sao như vậy? Tại vì sự quan tâm của họ không được xây dựng trên nền tảng vững chắc, nhiều người đã từ bỏ sự theo đuổi đối với thiền giữa chừng. Sự quan tâm của họ chỉ đơn thuần là sự tò mò, đến rồi đi, vào rồi lại ra một cách dễ dàng như là sự thay đổi áo quần vậy. Để kiên trì theo con đường của thiền, thì ngay từ đầu cần phải biết và rèn luyện ba nhân tố cốt lõi của thiền tập.
21/07/2011(Xem: 8954)
Tuy lớn lên trong gia đình Công Giáo, nhưng ‘nhà Chúa’ và ‘nhà Chùa’ không xa nhau và không tách biệt đối với tôi từ thưở nhỏ. Ở xóm tôi, thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, nhà Chúa chỉ cách nhà Chùa có năm phút đi bộ. Chuông công phu và chuông nhà thờ ngân vang cả vùng, gửi qua bao tầng không gian những thông điệp hòa bình và tin yêu giữa một xã hội túng bấn cả hai.
17/07/2011(Xem: 3670)
Khuôn mặt chính của tông phái tiên phong nầy là Thiên Thai Trí Khải (538-597), người đã được nhìn nhận như một triết gia vĩ đại trong những triết gia Phật giáo ở Trung Hoa, có một chỗ đứng ngang hàng với Thomas Aquinas và Al-Ghazali, là những người đã lập thành hệ thống lề lối tư tưởng và phương pháp hành trì tôn giáo trong lịch sử thế giới. (Tiến sĩ David W. Chappell – Đại học Hawaii, Manoa)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]