Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I- Ý nghĩa thiền tập

25/04/201105:57(Xem: 4872)
I- Ý nghĩa thiền tập

THIỀN TRONG ĐỜI THƯỜNG
Thích Thông Huệ

Chương 2
CON ĐƯỜNG THIỀN TẬP

Theo lời Phật dạy, tất cả chúng sanh vốn sống trong bình an muôn thuở, nhưng hốt niệm vô minh, tạo nghiệp thiện ác rồi lưu lạc khắp sáu đường ba cõi. Những cõi sống khác nhau biểu hiện nghiệp lực do riêng mình tự tạo, nhưng chúng ta lại giống nhau ở một điểm: đều là những kẻ quên cội quên nguồn. Hình ảnh gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa là hình ảnh sống động và trung thực nhất diễn tả thân phận chúng sanh. Là con vị trưởng giả kho báu đầy dẫy mà đi ăn xin, thì khờ dại biết ngần nào. Giờ đây may mắn gặp Phật pháp, bàng hoàng chợt tỉnh, dừng bước phiêu du; và Con đường Thiền tập là lộ trình đưa ta trở về quê hương, về bản thể của chính mình. Trên đường đi, có nhiều lúc hầm hố chướng ngại khiến ta vấp ngã, cũng có khi cảnh đẹp làm ta ưa thích; nhưng nếu ta luôn luôn tâm niệm phải trở về, thì dù bao nhiêu khó khăn hay cám dỗ, dù hy sinh cả tính mạng, ta vẫn vững lòng đi tới. Bằng lập trường vững chắc và ý chí kiên cường, công phu Thiền tập của chúng ta mới mong có kết quả.

I- Ý NGHĨA THIỀN TẬP:

1-Tự do ngay nơi thân năm uẩn:

Con người ngày nay quen sống trong tiện nghi vật chất nên mất nhiều thời giờ, công sức tạo dựng cho mình và gia đình một đời sống đầy đủ. Nhưng sự ước muốn không cùng tận, đã có càng mong có nhiều hơn, ít ai thỏa mãn với hoàn cảnh hiện tại của mình. Từ đó bị ràng buộc vào vòng danh lợi như bị cuốn vào guồng máy lớn, không bao giờ thoát khỏi.

Chính đời sống thiền tập giúp ta quán chiếu tính chất hư giả của thân ngũ uẩn. Vì thân do tứ đại kết hợp, đủ duyên thành thân, hết duyên thì tan rã; dù là một kẻ bần cùng mạt hạng hay một quốc vương hùng mạnh nhất thế giới, rốt cuộc cũng chỉ là một thây chết như nhau. Vì tâm suy nghĩ lăng xăng cũng nương vào pháp trần mà sinh, nhìn lại thì không thấy đâu, sinh sinh diệt diệt không ngừng thì làm sao thật có? Thân tâm không thật thì những sở hữu cũng không thật, có gì tồn tại bên mình suốt đời suốt kiếp mà cố chấp để sinh ra xung đột oán thù? Quán chiếu sâu sắc như thế, chúng ta từng bước cởi bỏ những ràng buộc của ngã và ngã sở, có tinh thần thiểu dục tri túc. Thiểu dục là ít ham muốn, Tri túc là biết đủ. Do ít ham muốn nên biết đủ, và vì biết đâu là đủ nên ít ham muốn. Có người cho rằng, phải hạn định một mức sống tối thiểu nào đó hoặc gò ép mình vào một khuôn khổ mới gọi là tri túc. Thật ra, tri túc là thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình, ta có hoàn cảnh phước nghiệp nào thì thỏa lòng ở đó. Tri túc như vậy chủ yếu ở ngay nơi tâm chứ không định gá nơi cảnh, vì nếu y nơi cảnh sẽ không bao giờ ta bằng lòng với hiện tại.

Nhà Thiền chủ trương, tự do đích thực nghĩa là siêu việt mọi nhận thức lưỡng phân. “Thiền” cũng là một từ ngữ khác của tự do, bởi vì người đạt Thiền là người đạt tới tâm thái tự do, tức đã vượt thoát mọi ràng buộc, mọi mâu thuẫn, mọi khuôn sáo trong cuộc sống. Có lần Đức Phật đã dõng dạc tuyên bố: “Này các tỳ kheo! Ngay nơi thân năm uẩn gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nầy, Như –Lai tuyên bố thế giới, sự tập khởi của thế giới, sự đoạn diệt của thế giới, và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới!”. Theo đây, cơ thể năm uẩn của chúng ta là một toà thiên nhiên đẹp đẽ mầu nhiệm nhất, vì trong tự thân của mỗi người đã có sẵn tiềm năng vô tận; và chúng ta có thể vươn tới chân trời tự do thánh thiện bằng chính đôi chân vững chãi của mình. Có thể nói, trở về với tâm thái tự do là cuộc đấu tranh vĩ đại cuối cùng của đời người, và an thân lập mệnh nơi tâm thái tự do ấy chính là sống Thiền.

Nhiều khi Thiền gia nói đến sự từ khước, nhưng đó không có nghĩa là từ khước thế gian, mà từ khước mọi đắm say thế gian. Có khi Thiền gia nói đến sự xa lìa, không phải xa lìa mọi hiện trạng cuộc sống, mà xa lìa mọi bám víu vào cuộc sống. Tinh thần từ khước và xa lìa phải được thực hiện ngay trong tâm hành giả, bất cứ lúc nào và ở đâu trong sinh hoạt đời thường.

Mọi sự khốn khổ của con người đều do nhận thức chủ quan sai lạc đối với các pháp. Khi tiếp xúc với mọi vật, lập tức ta có sự phân biệt giữa mình là chủ thể nhận thức hay năng duyên, với sự vật là đối tượng nhận thức hay sở duyên. Không những thế, ta còn áp đặt cái thấy biết phiến diện của mình trên đối tượng, mà không nhận ra bản chất thật của nó. Duy thức học nêu rõ ba loại đối tượng nhận thức do thức Alaya biểu hiện ra. Một là thế giới tánh cảnh tức bản chất thật của vạn pháp, là thực tại tự thân của thế giới, mà tri giác của chúng ta không thể đạt đến. Thứ hai là Đới chất cảnh, cảnh tượng do con người tạo ra. Cảnh này mang một ít tính chất của Thế giới tánh cảnh, được vẽ vời thêm từ nhận định chủ quan của mỗi người. Thứ ba là Độc ảnh cảnh, những hình ảnh khơi lại trong trí nhớ hay thấy trong giấc mơ.

Qua phân tích này, rõ ràng thế giới chúng ta đang sống, đang nhận thức, đang hiểu biết đây chỉ là những biểu hiện từ tâm, khi sáu căn duyên với sáu trần. Nói khác đi, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều là sản phẩm của thập bát giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức). Chúng ta không thật có cũng chẳng thật không. Không thật có vì chúng do các duyên hợp lại mà thành, không có tự thể cố định. Chúng chẳng thật không vì con người có thể nhận biết và sử dụng chúng. Vì thế, tánh của các pháp là không, nhờ nhân duyên tụ hội nên tạm có. Chính vì liễu hội bản chất Không của các pháp nên các bậc ngộ đạo luôn nhấn mạnh sự từ khước và xả ly. Tuy từ khước nhưng các Ngài thương yêu cuộc đời hơn ai hết; tuy xả ly mà các Ngài luôn hòa mình với cuộc sống, làm lợi ích cho mọi người. Chính do không ham muốn ngũ dục, không dính mắc với trần cảnh, không chấp ngã, chấp pháp, nên các Ngài hoàn toàn tự do nơi thân năm uẩn.

2-Không miễn cưỡng mong cầu:

Chúng ta tu Thiền thường xem giác ngộ giải thoát như một mục tiêu để theo đuổi, để hướng về. Nhưng nếu có một mục tiêu nhắm đến, thì mục tiêu ấy đã ở ngoài mình, đã được đặt ở thì tương lai, có phân chia người đến nơi đến tức có ngã có pháp rõ ràng. Như thế không còn là Thiền nữa, vì Thiền không bị hạn cuộc, không bị định vị, không bị phân chia năng sở; và đời sống Thiền là mênh mông bát ngát.

Chúng ta thường cố gò bó mình vào một khuôn khổ đạo đức. Đây là điều cần thiết cho những bước đầu của đời tu, nhưng sự chủ ý khiên cưỡng ấy khiến trong ta có niệm gắng gượng làm mất sự hồn nhiên tự tại của Thiền. Khi thiền hành dưới hàng cây râm mát, tai nghe tiếng rì rào qua đám lá, tiếng chim ríu rít trên cành, ta biết mình đang đi đang nghe một cách tự nhiên an lạc mà không khởi một ý niệm nào, không cần nghĩ mình sẽ đi đâu; thì ngay dưới những bước chân thảnh thơi ấy, mảnh đất Ta- bà đã trở thành Tịnh độ, mục đích giải thoát và phương tiện thiền hành đã không hai không khác.

Thường độc hành thường độc bộ
Đạt giả đồng du Niết-bàn lộ.

Thiền sư Vĩnh Gia đã diễn tả sự cô liêu của một người đạt đạo. Các Ngài vẫn ở trong trần thế, vẫn tiếp xúc với muôn pháp để làm mọi việc giúp người giúp đời nhưng không vướng bận một pháp nào, không dính mắc một việc gì. Tâm hồn các Ngài rộng mở thênh thang, tất cả các pháp đều biểu hiện một cách vi diệu, nên bước độc hành trên đất khổ đau cũng là dạo chơi ở cõi Niết-bàn!

Thường chúng ta tưởng tượng có một cõi Niết-bàn ở một thế giới xa xôi lý tưởng, gắng công tu hành để khi rời khỏi thân nầy có thể trở về đó như đứa con lưu lạc lâu ngày trở về quê mẹ. Con người luôn luôn cảm thấy bất an, trống vắng, thiếu thốn một cái gì, mà suốt đời mãi đi tìm để bù đắp vào. Cũng có lúc ta thấy mình đầy tội lỗi, đâm ra chán chường thất vọng, muốn có một nguồn an ủi nương tựa. Phật-Trời và các vị thần linh chính là nguồn an ủi ấy; ta tìm đến các Người như tìm một dòng suối trong mát để gột rửa hết cáu bẩn từ thể xác đến tâm hồn. Rồi khi hồi tỉnh, ta lại thấy mình đủ trong sạch, đủ sức lực để quay về lăn lộn nơi trần thế, lại chuốc lấy nhơ bẩn lên người. Cứ thế, con người qua lại giữa Bồ-tát và Dạ xoa như bị lôi kéo giữa hai thế lực hướng thượng và hướng hạ, mà không thể chủ động quyết định số phận cho mình .

Thật ra, chúng ta bất an chính vì chúng ta mãi tìm cầu một sự an lạc từ bên ngoài, mãi hy vọng nơi một thế lực siêu nhiên ban cho mình sự giải thoát. Ta không hiểu rằng, Niết-bàn chính là trạng thái thanh tịnh của tâm khi vắng bặt mọi phiền não. Ví như bệnh ghẻ làm ngứa ngáy khó chịu khiến ta phải gãi. Lúc đầu gãi rất đã ngứa, nhưng sau đó thì đau rát nếu cứ gãi hoài. Cảm thọ ngứa- đã ngứa –đau rát ta thấy rất rõ, trong đó “đã ngứa” là cảm giác khoái lạc thích thú vô cùng. Sự hưởng thụ ngũ dục cũng thế, cái khoái lạc do ngũ dục chỉ có trong nhất thời, sau đó là những tác hại về tinh thần và thể chất nếu hưởng thụ quá mức. Ăn ngon mặc đẹp là ước muốn của mọi người, nhưng ăn quá độ làm bệnh tật phát sinh, mặc quá sang thì phải ra sức làm việc, kể cả việc ác cũng không từ. Mặt khác, vì có ghẻ ngứa nên mới gãi, nhưng ta nên chấp nhận có ghẻ để gãi hay muốn da mình lành lặn? Dĩ nhiên, ai cũng muốn mình không có ghẻ, nhưng khi da ở tình trạng bình thường thì đâu có cảm giác gì? Ta không còn để ý đến da nữa, nhưng thật sự đó mới là trạng thái bình ổn, là hạnh phúc chân thật. Niết-bàn cũng là trạng thái lặng lẽ tịch tịnh như thế, khi tâm ta vắng bặt mọi vọng tưởng miễn cưỡng mong cầu.

3-Chuyển nghiệp và dừng nghiệp.

Nghiệp là thói quen huân tập trong thời gian dài, xuất phát từ thân miệng ý. Ý khởi tư tưởng, dẫn đầu cho miệng nói thân làm, nên ý là chủ tạo nghiệp. Nghiệp trở lại chi phối hoàn cảnh chánh báo và y báo của mỗi đương sự, theo đúng tiến trình nhân quả không sai một mảy may. Không một đấng quyền năng nào có thể sửa đổi tiến trình ấy; ngay cả Đức Phật, bậc thầy tối cao của Trời người vẫn không thể ban phước hay giáng hoạ cho ai. Chiùnh vì thế, mỗi người là chủ nhân của nghiệp và cũng là đối tượng thọ nhận những kết quả do nghiệp mình gây ra.

Những gì ta nghĩ, nói hay làm đều gieo những hạt giống vào mảnh đất tâm thức, mà Duy thức học gọi là Lạc tạ ảnh tử. Tùy hạt giống ta gieo là thiện hay ác mà quả trổ ra là hạnh phúc hay đau khổ, khi đủ thời tiết nhân duyên. Nhiều khi ta không định nói hay làm một điều gì đó, nhưng như có ma lực thúc đẩy ta phải thực hiện, dù sau đó nhớ lại, ta cảm thấy ân hận vô cùng. Đó là sức mạnh của thói quen ta huân tập từ trước, mà nguồn gốc là những hạt giống rơi rớt trong mảnh đất tâm ta. Chính những thói quen đã tạo nên phong cách riêng của từng người, và chúng ta khổ chỉ vì do mình tập nhiễm những thói quen xấu, lại còn vung vãi những hạt giống không lành mạnh ấy cho những người xung quanh.

Bước đầu thiền tập là nhìn lại mình, suy xét những gì mình đã tạo từ thân miệng ý, sửa đổi những điều xấu ác, huân tập nghiệp thiện lành. Đây là ý nghĩa của sự chuyển nghiệp, từ nghiệp ác thành nghiệp thiện. Người tu thiền chú trọng nhất nơi tâm ý, giai đoạn đầu chưa sạch vọng tưởng nhưng biết buông bỏ những ý nghĩ bất thiện, ý luôn nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân làm việc lành. Những phước đức hữu vi này không giúp ta thoát khỏi sanh tử, nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho đời tu của ta. Khi gặp nghịch cảnh chướng duyên, người có phước báo cũng dễ dàng qua khỏi. Do vậy, dù theo pháp môn nào, người con Phật cũng nhớ phước-huệ song tu, như con chim có đủ hai cánh mới bay cao bay xa được.

Tiến thêm một bước, nhờ công phu thiền định, chúng ta dần dần buông bỏ tập khí, kiến chấp; tuy sống trong hoàn cảnh cũ nhưng đã có niềm vui thanh thản. Tuy vẫn tiếp duyên xúc cảnh nhưng tâm không dính mắc, không khởi vọng niệm. Ý không khởi niệm tức không còn tạo nghiệp. Đây là tinh thần dừng nghiệp, yếu chỉ của sự giải thoát sinh tử.

Hiểu theo lý thuyết thì việc tu hành có vẻ đơn giản dễ làm, nhưng khi hành trì ta mới thấy thiên nan vạn nan. Trải qua vô lượng kiếp, chúng ta đã huân tập bao nhiêu thói quen xấu, ý thức lại suy tính nghĩ tưởng có lúc nào yên, ví như mây đen cứ cuồn cuộn che phủ cả bầu trời. Bài Trữ từ tự răn của Tuệ Trung Thượng Sĩ có câu:

Còn mảy tình tam đồ báo ứng
Tơ hào niệm lục đạo tiếp nhân.

Còn một mảy may tình cảm là còn chịu báo ứng trong ba cõi, còn tơ hào niệm là nhân trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Ngài nói thế để cảnh tỉnh những người quá vội vàng, mới hiểu Thiền qua khái niệm, biết mình có tánh giác sẵn đủ, đã vội cho mình chứng đắc, có thể sánh vai cùng chư Phật Bồ-Tát. Chúng ta thận trọng trong nhận thức trong công phu, nhưng vẫn tinh chuyên hành trì với lòng tin vững chắc vào Tam bảo tự tâm và Tam bảo tha lực. Những giờ phút thiền tập là những lúc ta có thể tiếp xúc với Niết-bàn, khi ý thức vắng mặt, tâm tĩnh lặng mà thường rõ biết. Có những lúc vì tập khí lôi dẫn, ta thấy mình yếu đuối khốn khổ, mất lòng tin vào mình và vào pháp tu. Nhưng những cơn khủng hoảng ấy cũng qua đi, ta lại trở về với niềm an lạc thanh lương nếu cứ kiên trì tu tập. Đây là giai đoạn sơ cơ, tâm ta còn lại qua liên miên với lục đạo; lúc hiền thiện như nhơn thiên, lúc sân hận như A-tu-la, khi độc ác tham lam hay si mê u tối như chúng sanh trong ba đường ác. Nhưng khi đạt đến quả Dự lưu (Tu-đà hoàn) là bước đầu vào dòng Thánh, người tu thuận dòng chảy vào biển chân như, là địa vị kiến đạo kiến tánh bất thối chuyển. Các Ngài đã có chỗ định vị, có nơi nương tựa vững chắc làm kế chung thân, cho dù bao phen lên xuống trong cuộc đời, cho dù có khi vấp ngã, cũng vẫn có thể đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình thiên lý.

4-Tinh thần vong ngã:

Con người làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, đều có ý thức mình là người làm hoặc làm việc ấy cho mình. Ngay trong sự tu hành, tuy cái ngã thô được nhận diện và buông bỏ, nhưng cái ngã tế vẫn thầm ẩn hiện, mà nếu ta không chánh niệm tỉnh giác, không miên mật hành trì thì khó kiểm soát nổi. Có thể nói, ý thức chấp ngã là một bệnh thâm căn cố đế, khó điều trị và lại dễ tái phát. Vì sao như thế? Bởi vì, chúng ta mê lầm cho thân tâm nầy là thật có, là mình.Vì thấy thân thật nên làm mọi việc cốt phụng sự thân, cốt thỏa mãn những đòi hỏi dù quá đáng của nó; ai khen nó thì ưa thích, ai chê là sinh bực bội thù ghét. Vì thấy tâm thật nên luôn cho ý kiến của mình là hay là đúng, không chấp nhận ai nói ngược làm ngược với ý mình. Người tu thì cho pháp tu của mình là cao nhất, vị Giáo chủ của mình vĩ đại nhất, không biết tôn trọng pháp tu khác, tôn giáo khác. Đây là nguồn gốc của những cuộc tranh cãi bất đồng và những cuộc chiến tranh mang những tên hoa mỹ như Thánh chiến, Thập tự chinh...

Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa, vua Lương Võ Đế thỉnh Ngài về Kim Lăng (kinh đô nhà Lương). Gặp Ngài, Vua hỏi:

-Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì không?

Ngài đáp:

- Đều không có công đức.

- Tại sao không có công đức?

- Bởi vì những việc ấy là nhơn hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi trời cõi người, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

-Thế nào là công đức chơn thật?

- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.(4)

Người tu làm nhiều Phật sự, nếu không thận trọng rất dễ phát sinh ngã chấp. Càng đóng góp nhiều cho Tam bảo, sự chấp ngã càng lớn, càng thấy mình quan trọng hơn, có ích hơn người khác. Nhưng phước báo nhơn thiên chỉ là hữu vi sinh diệt, như bóng như vang, như mũi tên bắn hết đà rơi xuống. Do chấp vào kết quả của việc làm, chấp vào ta - người nên không dính dáng với công đức của tự tánh là vô vi vô tác, không phải là công đức chân thật và không giúp ta thoát khỏi trần lao sinh tử.

Trên đây là những cái chấp ngã thô phù dễ thấy, người tu nhờ quán chiếu sự duyên sinh giả hợp của thân tâm, có thể từng bước hoá giải. Đến cái chấp ngã tế vi thì khó nhận biết và khó giải trừ vô cùng, mà nhà Phật gọi là hết phàm tình vẫn còn Thánh giải, hết ngã phàm lại còn ngã Thánh. Đó là chấp vào sự chứng đắc trong công phu của người đã có một trình độ tâm chứng nào đó. Thấy ta đạt đạo là còn ý niệm sở đắc; còn sở đắc là còn nguyên tứ tướng Ngã-Nhơn-Chúng sanh-Thọ giả. Ngay cả hy vọng cao nhất “Thành Phật” cũng còn bóng dáng cái ngã, làm chướng ngại rất nhiều trên đường đạo. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy rằng: “Nếu có pháp Như Lai được vô thượng chánh đẳng chánh giác thì Đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta”. Đây là tinh thần vong ngã, điều quan yếu của đạo Phật. Tu thế nào không có mục đích mà vẫn đến chỗ cuối cùng? - Điều này có nghĩa, hành giả không tác ý khi dụng công, không thấy thật có mình là người tu, thật có pháp để tu, thật có quả để chứng đắc. Có thể nói, đạo Phật là đạo duy nhất xương minh thuyết vô ngã, và người tu đạo Phật dùng đạo đứùc vô ngã làm thước đo định lực của chính mình.

Tinh thần vong ngã trước tiên biểu hiện ở cách đối nhân xử thế hàng ngày. Đối xử với người khác một cách chân thành bao dung, giúp đỡ người nhưng không có vẻ ban ơn cầu báo; làm mọi việc lớn nhỏ đều tỉ mỉ chu đáo, hoàn thành tốt những công tác được giao mà không mong lợi dưỡng; trước cảnh thuận hay nghịch đều bình tĩnh giải quyết êm đẹp, không vướng mắc, không tranh đua ... Đây là phong cách của người có chứng nghiệm Thiền. Đối với đời trọn vẹn thì trong đạo mới hoàn toàn. Không ai sống tệ bạc với người đời, xa lạ với đồng loại, quay lưng với nỗi khổ của thế gian mà là người tu đắc đạo được.

Con người là sinh vật mang tính xã hội rất cao, có sự liên đới trách nhiệm, có đời sống tập quần. Như một bộ phận trong cơ thể, tuy có chức năng riêng nhưng vẫn liên hệ chặt chẽ và hỗ tương với những bộ phận khác; mỗi người là một phần tử trong xã hội, chịu ảnh hưởng của mọi người trong tập thể và ngược lại, cũng ảnh hưởng đến toàn bộ loài người. Đối với môi trường thiên nhiên cũng thế, không có một hành vi nào tàn hại môi trường mà không chi phối đến sức khoẻ con người. Vô số thiên tai bệnh họa xảy ra trong thời gian gần đây đều là hậu quả của những nạn phá rừng, những tác động trực tiếp và gián tiếp của con người làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Khi quán chiếu về sự tương tức tương nhập của các pháp trong vũ trụ, chúng ta thấy rõ tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đều ràng buộc lẫn nhau, đều liên quan mật thiết với nhau và hơn nữa, ĐỀU LÀ NHAU. Thiên nhiên này chính là ta, vũ trụ vạn hữu là thân ta chứ không ai khác, và tàn phá thiên nhiên cũng chính là tàn phá ngay bản thân mình.

Khi công phu tích cực, ý thức chấp ngã tạm dừng, tâm như mặt hồ lặng sóng mênh mông, ta cảm nhận một niềm an lạc vô biên vô tận. Tâm thanh tịnh phát sinh sự minh triết; sự minh triết lại là điều kiện để tình thương chân thật nẩy mầm.Hư không không hình tướng nên rỗng rang thênh thang;tâm người tu lúc nào cũng thênh thang như thế, dung nhiếp tất cả muôn loài. Ta muốn trải lòng ra hòa điệu với mọi chúng sanh, tình thương của ta không còn nhuốm màu vị kỷ chiếm hữu mà trở nên bình đẳng không hạn cuộc, như ánh nắng mặt trời chan hòa khắp thái dương hệ

Chúng ta học đạo là muốn tìm sự bình an vĩnh cửu, một hạnh phúc chân thật, một trạng thái siêu việt của tâm linh. Mục đích ấy không dễ dàng đạt được, phải đánh đổi bằng tất cả tâm trí sức lực, thậm chí toàn bộ cuộc đời mình. Nhưng nếu khi nào ta còn quan niệm “đi tìm”, thì bình an hạnh phúc có được cũng chỉ là tạm bợ phù du. Chỉ khi nào không còn dấu vết của ngã chấp dù thô hay tế, hạnh phúc chân thật ấy, bình an vĩnh cửu ấy, Niết-bàn Bảo Sở ấy mới hiện bày. Mặt khác, không phải đợi đến đích cuối cùng ta mới có an lạc hạnh phúc, mà trong công phu thiền tập, khi tâm vắng bặt mọi vọng tưởng đảo điên, ta cũng được đôi lần cảm nhận. Vài giọt nước cam lồ là phần thưởng cao quý khuyến khích ta hăng say dấn bước trên đường đạo, vượt qua mọi thử thách cam go. Đến khi sạch bụi phiền não, ngã chấp pháp chấp đều không, gương tâm sẽ phô bày toàn bộ tính trong sáng và chiếu soi vốn có, như hai câu kệ của Thiền sư Vĩnh Gia:

Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện
Tâm pháp song vong tánh tức chân

Nghĩa:
Khi nào bụi hết gương trong lại
Tâm pháp đều quên tánh tức chân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2012(Xem: 9403)
Ngộ được các tướng không, tâm tự vô niệm; niệm khởi tức giác, giác biết tức vô. Muốn tu hành pháp môn vi diệu, duy chỉ có con đường này.
18/06/2012(Xem: 13135)
Từ thời Phật giáo Nguyên Thủy đến Phật giáo Phát Triển cho tới ngày nay, đạo Phật luôn lấy Tâm làm gốc mà tu hành. Đạo Phật là đạo giải thoát, giải thoát cái gì? Giải thoát khổ đau, phiền nảo, giải thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử, hay cứu cánh là giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
18/06/2012(Xem: 9339)
Nhìn từ một chiều khác của Thiền, thường được nhấn mạnh trong Tổ Sư Thiền, là “hãy giữ lấy tâm không biết.” Nghĩa là, lấy cái “tâm không biết” để đối trị các pháp.
02/05/2012(Xem: 5635)
Chúng tôi được đưa vào một phòng rộng. Những gối ngồi thiền và một giỏ đồ chơi được bày ra, cũng như những cái bàn nhỏ...
17/04/2012(Xem: 5914)
Tôi là một người tha hương đang sống nhờ ở đậu trên xứ người. Tôi có thể nói được tiếng nước người, thích ứng được vào cuộc sống nước người, và đi lại bình thường như một người bình thường trên đất nước người. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, vẫn có một cái gì đó không bình thường, một thứ tiếng gì đó không vỡ nghĩa, một nỗi đau nào đó không rõ tên, như những đợt sóng ngầm, bất kỳ lúc nào, có thể bất thần dâng lên như mưa lũ gió cuồng, xô tôi vào thế giới của hụt hẫng và mộng mị.
13/04/2012(Xem: 11347)
Thi ca là sự trở mình của cảm xúc, công án bằng thi ca là sự đánh động, chạm thẳng vào tâm thức, tạo thành một thứ năng lượng cho giác ngộ vụt khởi.
15/03/2012(Xem: 21177)
Pháp hành thiền không chỉ dành riêng cho người Ấn Độ hay cho những người trong thời Đức Phật còn tại thế, mà là cho cả nhân loại vào tất cả mọi thời đại và ở khắp mọi nơi.
04/03/2012(Xem: 7542)
Khi chúng ta đã quán chiếu thông khắp những bước trước, nhận ra tất cả chúng sinh như những thân hữu hay người nuôi dưỡng qua sự tương tục của những kiếp sống và đánh giá đúng những sự ân cần có chủ tâm và vô tư, chúng ta sẽ thật sự thấy rằng chúng ta phải đáp lại sự ân cần tử tế của họ. Nhưng chúng ta hổ trợ họ như thế nào? Bất kể loại phồn vinh nào chúng ta có thể đem lại cho họ trong vòng xoay sinh, già, bệnh, và chết, nó sẽ chỉ là tạm thời và nông cạn.
03/03/2012(Xem: 5145)
Khi quán xét tâm và thân hầu như không có sự can thiệp nào của tưởng (suy nghĩ). Và chúng ta có hai mức độ để quán xét. Mức độ thứ nhất là dùng tư tưởng và lý trí để nhìn sự vật, với cách này bạn chỉ cảm nhận hời hợt bên trên mặt của sự trải nghiệm...
21/02/2012(Xem: 10912)
Các chính quyền bây giờ sử dụng những kỷ thuật phức tạp để truy tầm các kẻ có thể gây ra rắc rối, nhưng những kẻ khủng bố vẫn tiếp diễn. Bất kể kỷ thuật là phức tạp như thế nào, phía đối kháng vẫn đáp ứng được. Sự phòng vệ hiệu quả chỉ có thể là bên trong. Điều này có thể nghe như ngu ngơ, nhưng phương thức duy nhất để chấm dứt khủng bố là lòng vị tha. Vị tha có nghĩa là có một sự quan tâm căn bản đến người khác và hiểu rõ giá trị của người khác, là điều đến từ việc nhận ra lòng ân cần tử tế của họ đối với chúng ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]