Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Cách tham thiền

11/03/201109:33(Xem: 7186)
2. Cách tham thiền

PHÁP GIÁO NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

ĐÔI ĐIỀU VỀ THAM THIỀN

2. Cách tham thiền

Nói rằng tham thiền có phương cách phải tuân theo, e rằng cũng không đúng lắm. Như người đã thực hành thiền định lâu năm, tâm ý nhuần nhuyễn điều phục, cho dù có đi đứng nằm ngồi, đều là thiền cả. Bởi thiền vốn là do nơi tự tâm, chẳng bị hạn cuộc nơi hình tướng. Nhưng đối với những kẻ sơ cơ mới bước chân vào, nếu hiểu biết một đôi điều cơ bản thì việc tu tập đúng là có thể sẽ được dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, còn có thể tránh được những sai lệch theo như lời chỉ dạy của những hạng tà sư ngoại đạo.

Khởi sự tham thiền, việc điều phục tâm ý là quan trọng nhất. Đối với người xuất gia, có câu rằng: “Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật; ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền.” (五夏以前專精戒律, 五夏以後方乃聽教叅禪). Nghĩa là: “Trong năm năm đầu xuất gia, phải lo gắng hết sức mà thọ trì, giữ theo giới luật. Sau năm năm ấy rồi, mới có thể được dạy cho phép tham thiền.” Năm năm giữ giới chính là điều kiện tiên quyết để điều phục tâm ý. Bởi vì, nếu thân chưa yên thì tâm chẳng thể nào yên lắng được. Việc giữ giới chính là biện pháp tốt nhất để giúp điều phục tâm ý trong bước đầu. Cho nên mới nói: “Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ.” (因戒生定,因定發慧). Nghĩa là: “Do nơi giới mà sanh ra định, do nơi định mà phát khởi được huệ.”

Đó là nói về người xuất gia. Người tại gia muốn tu thiền cũng không ngoài lẽ đó. Tại gia cũng có giới luật của người tại gia, vậy trước khi muốn học tham thiền, phải kiên trì giữ theo giới luật ấy. Đó là Ngũ giới, hoặc Thập thiện... tùy theo nơi sự phát nguyện của mình. Nếu làm theo được trọn vẹn, tự nhiên thân tâm đều được yên tịnh một phần, bao nhiêu ác nghiệp, vọng tưởng đều phải dần dần lắng xuống.

Hiện nay có những người vọng truyền phép tham thiền. Bản thân họ chưa có sự chứng đắc mà chỉ dùng lối biện luận tà ngụy để mê hoặc kẻ khác. Họ bảo rằng tu theo pháp thiền của họ thì không cần giữ giới, không cần mất nhiều công sức, chỉ trong sớm tối có thể bước lên địa vị Phật Tổ. Những người ấy không biết rằng, việc “đốn ngộ” “kiến tánh thành Phật” của chư Tổ, vốn chỉ là tướng trạng thị hiện nơi cõi thế này. Để đạt được phút giây chứng ngộ ấy, các ngài thảy đều phải trải qua vô số kiếp tu hành, tích lũy thiện pháp. Chính như đức Phật Thích-ca Mâu-ni, ngài cũng tự nhận mình đã trải qua vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát, hành trì vô số pháp môn. Nay kẻ phàm tục ác nghiệp tích tụ lâu đời, mà muốn học lấy đạo “làm ít hưởng nhiều” quả là chuyện không thể nào tin được.

Tuy vậy, người phát tâm tin nhận và thực hành pháp môn thiền định, quả thật chỉ trong sớm tối có thể nhận biết kết quả tu tập đúng đắn của mình. Tâm ý được an định, yên vui, lòng sân hận có thể giảm nhẹ, những mối lo buồn nhất thời có thể không còn làm cho người tu chán nản, đau khổ nữa... Nếu đạt được ít nhiều những kết quả ấy, đó là việc tu tập đã đi đúng hướng. Với sự kiên trì thực hành, người tu tập chắc chắn sẽ nhận được những kết quả xứng đáng với lòng tin và sự nỗ lực của mình.

Sau khi đã dọn mình trong sạch qua một thời gian giữ giới, người tu tập mới có thể bắt đầu việc thực hành tham thiền, mà trước tiên hết là nên ngồi thiền. Bởi vì, ngồi là tư thế dễ dàng, thuận lợi nhất đối với người mới học.

Có thể chọn một cách trong hai cách ngồi sau đây:

1. Ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, nhưng lưng ghế không quá nghiêng ra sau, hai tay đặt nhẹ trên đầu gối, hai chân gần nhau và buông thỏng ở tư thế thật thoải mái. Ngồi thẳng, đầu giữ cho ngay, không ngửa ra sau cũng không gục xuống ngực, mắt hơi nhắm nhưng không nhắm hẳn, tốt nhất là nhìn xuống vào một điểm ở cách xa chừng vài mét, miệng ngậm lại, và luôn lưu ý giữ xương sống lưng cho thật thẳng.

2. Ngồi xếp chân trên một mặt phẳng, có thể là trên giường hoặc dưới đất, nhưng nên có đệm lót để không cứng quá, và nhất là không nên ngồi trực tiếp trên mặt đất ẩm. Hai chân xếp vào, có thể theo lối kiết già hoặc bán già. Ngồi kiết già thì lòng bàn chân trái ngửa lên, đặt trên bắp đùi chân phải, lòng bàn chân phải cũng ngửa lên, đặt trên bắp đùi chân trái, nghĩa là hai chân đan chéo với nhau, cách ngồi này ban đầu rất khó ngồi, đoài hỏi phải luyện tập một thời gian, nhưng nếu luyện được thì sẽ là một tư thế rất vững vàng, có thể ngồi được lâu mà không mỏi. Hoặc ngồi bán già thì lòng bàn chân trái ngửa lên, đặt trên bắp đùi chân mặt, lòng bàn chân mặt ngửa lên, đặt dưới bắp đùi chân trái, cách ngồi này dễ ngồi hơn, có thể áp dụng ngay lần đầu tiên. Dù ngồi theo cách nào, thì hai bàn tay cũng đều phải ngửa lên, bàn tay trái đặt trên bàn tay mặt. Lưng giữ thật thẳng, đầu hơi cúi về trước nhưng không thấp quá. Mắt chỉ mở chừng một phần ba, nhìn xuống về phía trước nhưng không để tâm chú ý vào vậy gì cả.

Quần áo phải thoáng rộng, không được chật chội, nhưng phải đủ giữ ấm, tránh để thân thể quá lạnh. Nơi tham thiền càng thoáng mát càng tốt, nhưng nêu ngồi lâu thì nên chọn nơi kín gió, hoặc thông thoáng vừa phải.

Không nên vội vã mà tự ý chọn công án để tham thiền ngay trong giai đoạn đầu. Hãy đơn giản hóa vấn đề, chỉ là tập luyện để tư thế ngồi được thuần thục. Mọi sự tiến bộ về tâm ý sẽ tự nhiên hiện đến, không nên gượng ép. Để nhiếp tâm, trong thời gian đầu chỉ nên tập trung vào sự hô hấp mà thôi. Khi thở ra, dùng hết sức tỉnh giác của mình để dõi theo hơi thở, và biết rõ ràng là mình đang thở ra. Khi thở vào cũng tỉnh giác biết mình đang thở vào. Lâu ngày, hơi thở vào ra liên tục thì sự tỉnh giác cũng tương tục không hề dứt đoạn, sẽ đạt được trạng thái an định sáng suốt.

Nhưng bước đầu rất khó giữ cho sự tỉnh giác không bị gián đoạn. Tùy theo nghiệp lực và căn cơ, trí tuệ của mỗi người, trở lực vấp phải có thể không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, hầu hết đều bị gián đoạn bởi ít nhiều các vọng niệm khởi lên. Ấy là trong khi đang theo dõi hơi thở, tâm ý bỗng tự nhiên duyên theo một ý nghĩ nào đó. Ý nghĩ này lôi kéo theo một ý nghĩ khác, rồi một ý nghĩ khác nữa... Những ý nghĩ không mời mà đến này được gọi chung là vọng niệm. Chúng sanh khởi liên tục nhau không có chỗ chấm dứt. Cứ như vậy, nếu người tu không kịp phát hiện ra, thì sẽ chìm lạc hẳn vào các vọng niệm mà không còn giữ được sự tỉnh giác nữa. Ngồi thiền mà mất sự tỉnh giác thì xem như thời gian ngồi ấy là vô ích, không có kết quả gì. Tuy nhiên, người tu không cần và không nên bận tâm đến việc làm sao cho các vọng niệm ấy mất đi. Chỉ cần luôn luôn tỉnh giác để có thể nhận ra được chúng ngay từ khi chúng vừa sanh khởi lên. Vì nhận biết vọng niệm, nên tâm ý liền quay về với sự chú ý vào hơi thở, và vọng niệm sẽ tự nhiên diệt mất.

Có nhiều cách để hỗ trợ thêm cho việc tu tập trong giai đoạn đầu. Người tu có thể kết hợp việc niệm Phật trong khi chú ý vào hơi thở. Lâu ngày thuần thục thì các vọng niệm sẽ dứt hết không thể sanh khởi xen vào việc niệm Phật. Lại cũng có thể dùng phương pháp đếm hơi thở, từ 1 đến 10, rồi quay lại từ 1 đến 10... cứ thế nối tiếp đều đặn nhau...

Những cách này đều là phương tiện. Nói chung thì mục đích của việc tu tập trong giai đoạn này là rèn luyện cho thân và tâm đều thuần thục. Thân thể phải quen dần với tư thế ngồi thiền, ngồi được lâu mà không thấy mỏi mệt, khó chịu. Muốn được vậy phải rèn luyện từ ít đến nhiều, từ mau đến lâu, không thể nhất thời mà đạt được. Tâm ý phải quen với việc tập trung chú ý, giữ được sự tỉnh giác trong suốt thời gian ngồi thiền. Dù có gián đoạn cũng không động tâm, không buồn bực, chỉ cần nhận biết vọng niệm và quay về với chánh niệm là được rồi. Lâu ngày thuần thục mới có thể dứt hết vọng niệm trong lúc ngồi thiền.

Mỗi khi ngồi thiền xong, muốn xả thiền mà đứng dậy thì phải làm một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Trước hết mở to mắt cho quen lại với ánh sáng chung quanh. Kế dùng tay xoa bóp dần dần hai chân để máu chạy đều. Nếu ngồi càng lâu thì nên xoa bóp càng nhiều. Tiếp đến từ từ duỗi thẳng hai chân rồi mới nhẹ nhàng mà đứng lên. Nếu có điều kiện thì sau đó nên đi bách bộ ít phút để thân tâm đều được thư giãn và hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường.

Việc tu tập tham thiền, bước đầu chỉ cần thuần thục theo đúng những điều nêu trên là có thể đạt được những kết quả lợi ích lớn lao rồi. Nếu muốn đi sâu, tiến cao hơn nữa, cần phải có bậc minh sư chỉ dạy, không nên tùy tiện nghe theo những kẻ bàng môn tả đạo, có khi phải gánh chịu tai hại khôn lường.

Người tu thiền nên giữ trai giới, nghĩa là ăn chay. Nếu không giữ được trường trai, thì ít nhất cũng phải ăn chay trong suốt thời gian tu thiền. Phải tránh rượu, thịt, hoặc các chất kích thích. Những điều này cũng là nói thêm cho rõ hơn, chứ thật ra nếu đã tinh trì Ngũ giới như nói ở đoạn đầu thì không cần phải nhắc lại nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/01/2011(Xem: 6975)
Biên tập từ các bài pháp thoại của ngài Thiền sư Ajahn Brahmavamso trong khóa thiền tích cực 9 ngày, vào tháng 12-1997, tại North Perth, Tây Úc. Nguyên tác Anh ngữ được ấn tống lần đầu tiên năm 1998, đến năm 2003 đã được tái bản 7 lần, tổng cộng 60 ngàn quyển. Ngoài ra, tập sách này cũng đã được dịch sang tiếng Sinhala và ấn tống ở Sri Lanka.
17/01/2011(Xem: 3705)
Kính thưa hành giả hôm qua tôi đã nói cho quý vị nghe về nơi chốn thích hợp cho việc hành thiền. Tối nay tôi xin nói về các chi tiết trong việc thực hành niệm hơi thở. Phương pháp đếm được sử dụng cho hành giả nào có quá nhiều phóng tâm, còn đối với những hành giả có ít phóng tâm và đã từng có những kinh nghiệm thiền tập trước đây thì họ không cần thực tập phương pháp đếm này.
16/01/2011(Xem: 17337)
Mục đích của quyển sách này là trình bày phương pháp thực hành thiền quán vipassana. Tôi lặp lại, phương pháp thực hành. Đây là một kim chỉ nam thiền tập...
15/01/2011(Xem: 19651)
Điều làm cho một người trở thành một Phật tử chân chính là người ấy tìm nơi nương tựa ở Đức Phật, Giáo pháp, và chư Thánh Tăng - gọi là Quy Y Tam Bảo.
14/01/2011(Xem: 9339)
Đây là một quyển sách căn bản dành cho người muốn tìm hạnh phúc và sự bình an trong cuộc sống qua con đường tâm linh. Con đường Đạo của Đức Phật rất đơn giản, thích hợp với mọi người.
12/01/2011(Xem: 8256)
Pháp Sư Thái Hư cũng như Hòa Thượng Thích Minh Châu đều dùng các từ Như Lai Thiền để chỉ Thiền Nguyên Thủy và Tổ Sư Thiền để chỉ các hình thức Thiền Phát Triển sau này do các Tổ Sư các Thiền phái nổi danh đề xướng và truyền lại cho các đệ tử của mình. Cũng có người dùng các từ Thiền Tiểu Giáo (tức Thiền Tiểu Thừa) và Thiền Đại Giáo (tức Thiền Đại Thừa) như Trần Thái Tôn trong bài "Tọa Thiền Luận " của Khóa Hư Lục.
12/01/2011(Xem: 6761)
Cuốn sách này là một bản dịch của Ban Dịch Thuật Nalanda về tác phẩm Bản Văn Bảy Điểm Tu Tâm của Chekawa Yeshe Dorje, với một bình giảng căn cứ trên những giảng dạy miệng do Chošgyam Trungpa Rinpoche trình bày.
10/01/2011(Xem: 4436)
Hành thiền giúp phát triển sự tỉnh thức và năng lực cần thiết để chuyển hóa các thói quen đã ăn sâu vào tâm ý. Một số người có vấn đề như buồn nản, sợ hãi vô lý hay có biểuhiện của bệnh tâm thần, họ nghĩ rằng thiền là một phương cách điều trị tức thời cho những vấn đề của họ.
07/01/2011(Xem: 7657)
Nếu bạn không suy nghĩ sự đau khổ của chu trình sinh tử, sự tan vỡ ảo tưởng với vòng sinh tử sẽ không sinh khởi.
05/01/2011(Xem: 2916)
Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua 5 năm lặn lội học đạo và 6 năm khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sinh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các Tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ngay ở cõi Trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng, cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]