- Lời Giới Thiệu/ Lời Người Dịch
- Chương 1: Khoảng Lặng
- Chương 2: Hành Trình Về Thiền
- Chương 3: Ly Đã Bể
- Chương 4: Căn Bản Thiền
- Chương 5: Bình An và Tĩnh Lặng
- Chương 6: Bước Sen
- Chương 7: Nước và Sóng
- Chương 8: Tu Tập Giải Thoát
- Chương 9: Con Đường Chuyển Hóa
- Chương 10: Cánh Cửa Giải Thoát
- Chương 11: Khám Phá Ánh Sáng
- Chương 12: Phấn Đấu Đến Giải Thoát
- Chương 13: Thiền Và Hội Họa
- Chương 14: Hoa Tâm Thức
- Chương 15: Đôi Mắt Là Viên Ngọc Quý
- Chương 16: Ai Chữa Lành?
- Chương 17: Phật Pháp Trong Đời Sống Gia Đình
Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
PHẦN IV: HÀN GẮN THẾ GIỚI.
Chương 14: Hoa Tâm Thức
Jongmok Sunim
Jongmok Sunim, một nữ tu sĩ trẻ Hàn Quốc, rất đặc biệt; cô là người chọn nhạc cho đài phát thanh Phật giáo trong chương trình nhạc cổ điển. Ngoài ra cô còn tham gia chương trình giúp đỡ người khốn khó. Là một ca sĩ tài năng, thỉnh thoảng cô cũng tổ chức những buổi hòa nhạc, rất được ưa chuộng. Tôi được chứng kiến cô giới thiệu một chương trình nhạc buổi chiều và cô tỏ ra rất thông minh: dí dỏm đồng thời cũng đầy tâm linh.
ĐÀI PHÁT THANH PHẬT GIÁO
Ba năm nay, tôi là người quản lý chương trình nhạc ở đài phát thanh Phật giáo. Khi còn rất trẻ, tôi đã yêu thích âm nhạc, có năng khiếu sử dụng các nhạc khí và ca hát. Một khi đã bước chân vào ni viện, không còn cơ hội để sáng tác nhạc, nhưng khi đài phát thanh Phật giáo ra đời, tôi muốn truyền giáo pháp và giới thiệu âm nhạc đến mọi người.
Đối với tôi, âm nhạc được kết nối với các cảm xúc tôn giáo, không nhất thiết phải là một tôn giáo nào. Chúng ta đã được sinh ra, và đang sống. Vậy phải sống như thế nào? Sống làm sao để có thể thương yêu nhau? Tôi cố gắng chuyển tải những tình cảm, băn khoăn nầy qua âm nhạc. Tôi muốn làm một ngọn đèn nhỏ tỏa sáng, và tôi thấy âm nhạc là một phương tiện thiện xảo mà tôi có thể sử dụng để chuyển tải tình thương yêu, lòng từ bi đến với mọi người.
Thầy Bojo bảo rằng các kinh tụng Phật giáo là những bài kệ từ tâm thức sâu thẳm của Đức Phật. Đó không chỉ là những lời được lập đi lập lại. Đức Phật đã dạy rằng lời nói là hoa của tâm, và nhạc là trái của tâm. Ca hát là để bày tỏ rằng hoa đã rộ, và quả đang chín tới.
Các bản nhạc không phải chỉ là các âm thanh được cấu tạo bởi một ai đó. Tụng kinh là cách bày tỏ bằng âm thanh của cái tâm có ý hướng trở thành Phật.
GẶP PHẬT QUA ÂM NHẠC
Tôi tổ chức các buổi họp mặt âm nhạc trong sân chùa vì tôi muốn mang những âm nhạc tuyệt vời đến cho người yêu nhạc. Tôi muốn cho các cư sĩ tại gia thấy rằng bên trong các tu viện, nơi Đức Phật hiện hữu, không phải chỉ bằng cầu nguyện, đọc tụng họ mới được diện kiến Đức Phật mà còn bằng cả âm nhạc cổ điển. Đức Phật luôn xuất hiện trong trạng thái tâm an lạc, tự tại.
Tôi rất hài lòng với các buổi họp mặt âm nhạc; chúng giúp người ta cảm nhận được một niềm vui tràn đầy. Các Phật tử có thể học về âm nhạc; nhưng giữa các con số tôi cũng chen vào vài lời giải thích kinh điển.
Tôi cố gắng truyền đạt thông điệp của Đức Phật, không chỉ bằng các Phật ngôn, mà cả trong các lời nói của Chúa Jesus, Khổng Tử và Socrates. Đức Phật là một vị thầy đã sống 2500 năm trước ở Ấn độ, nhưng qua bao thời gian, đã có rất nhiều người đang cố gắng để sống như Phật. Theo gương họ, tôi cũng hy vọng được dấn bước trên con đường trí tuệ và từ bi ấy. Được nghe về các kinh nghiệm của họ, ta có thể suy gẫm về cuộc đời, cân nhắc để sống sao cho thật tốt đẹp.
Trong cuộc sống hằng ngày tôi muốn tặng cho mọi người một cái gì đó, có thể mang đến cho họ hạnh phúc, an vui, khiến họ muốn chia sẻ tình thương yêu với mọi người.
LÀN GIÓ MỚI
Trong sân vườn nhà tôi có một loại cây. Vào mùa đông lá cây cuộn lại, rơi xuống, cong queo. Quan sát việc nầy, tôi không hiểu tại sao lá cây lại héo rụng đi, và tôi đem việc ấy hỏi bà tôi. Bà tôi bảo tất cả những gì được sanh ra rồi sẽ chết. Tôi luôn cảm nhận được sự đau khổ của sanh tử, nhưng ở trường học người ta không dạy về những điều nầy khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi tìm kiếm một cách vô vọng cho đến một ngày tôi được gặp các vị ni sư, được trò chuyện với họ. Tôi cảm thấy như có một làn gió mới vừa thổi qua, nên tôi quyết định được giống họ, để trau dồi tâm thức và mang lại lợi ích cho người.
Tôi đã thành một tu sĩ 16 năm nay. Tôi xuất gia năm 16 tuổi, nên tôi làm thị giả cho một vị trưởng bối, là người điều hành thiền đường. Mỗi sáng, mỗi chiều, bà dạy tôi ngồi thiền. Bà hy vọng rằng tôi sẽ sống ở thế gian để truyền bá giáo pháp rộng rãi, và khuyến khích tôi giảng dạy cho giới cư sĩ ở khắp nơi trong nước.
Bước chân ra xã hội, tôi nhận thấy mình cần phải học về công tác xã hội, vì thế tôi vào đại học. Tôi rất thích công tác xã hội nhưng cũng tha thiết muốn được hành thiền. Nếu tôi bỏ thời gian ngồi yên lặng thiền định trong núi, chắc là tôi sẽ hiểu, chứng nghiệm về tự ngã của mình tốt hơn. Nhưng điều đó, dưới một khía cạnh nào đó, cũng là ái dục, vì thế tôi tự kiềm chế, dằn nén lòng ham muốn đó, để tự nhủ mình: ‘Hãy sống với một tâm thức luôn biết tu tập giữa những người khốn khó.’
GIỚI LÀ RÀO CHẮN
Giới luật trong Phật giáo giống như rào chắn vậy. Dạy người ta làm điều lành thì khó, nhưng sống ích kỷ thì không cần ai dạy. Ở trường học hay ở bất cứ môi trường giáo dục nào, người ta cũng luôn nhắc nhở bạn làm điều lành, nhưng dường như rất khó cho con người luôn hành xử tốt.
Đức Phật không bao giờ cho rằng giới luật là tuyệt đối; Ngài không đặt ra các giới luật như một mệnh lệnh: ‘Phải tuân theo giới luật bằng bất cứ giá nào!’ Nhưng có giới luật là để giúp chúng ta kiểm soát hành vi của mình. Giới luật khiến ta xem xét lại các hành vi của mình, để cải thiện chúng một cách tự nguyện, và ta có thể sử dụng giới luật như là một phương tiện giúp đỡ, hỗ trợ ta trong việc tu tập.
Nếu xét kỹ về giới luật (vinaya), ta có thể nhận thấy Đức Phật tựa như một người cha chu đáo, tử tế. Chúng ta có thể thật sự cảm nhận được lòng nhân đạo của Đức Phật, ngay trong lời dạy các ni ngồi trên bồ đoàn khi hành thiền. Mỗi giới luật được đặt ra là để chỉ cho ta biết, tuỳ theo hoàn cảnh, hành vi nào có hại cho mình và cho người. Đức Phật khuyên ta không thực hiện những hành vi gây đau khổ. Đấy là điều cơ bản của các giới luật: không gây đau khổ cho mình và cho người.
Đức Phật thuyết rằng âm nhạc liên quan đến các giác quan. Chúng ta có thể dễ dàng và nhanh chóng đánh mất bản thân trong các cảm xúc, các nhiễm ô, dẫn đến sự sao lãng. Vì thế Đức Phật dạy rằng các vị tăng và ni không nên ca hát, nhảy múa, không đến những nơi vui chơi hát xướng, nhảy múa, không đeo nữ trang hay xức dầu thơm. Ý của tôi không phải là để cho chúng ta hưởng thụ khoái lạc qua các giác quan, nhưng là để qua chúng, thực hành, chứng nghiệm tình thương yêu. Do đó âm nhạc không phải là mục đích, mà là một phương tiện để mang tình thương đến với tâm thức.
Trong kinh Phật cũng có dạy: ‘Các giới luật là để được chế ra và được bỏ đi’, vì vậy điều quan trọng là phải biết khi nào nên áp dụng giới luật và khi nào không. Chúng ta phải cẩn thận để đừng làm cho giới luật trở nên quá hẹp hòi, hoặc bất di bất dịch, nếu không thì chúng ta có thể rơi vào sự cứng ngắc. Mặt khác, giữ giới luật quá lỏng lẽo, hoặc hoàn toàn không giữ giới luật mà chỉ hành động theo ý muốn không cân nhắc, cũng không phải là đúng cách.
ĐỨC PHẬT TỪ BI
Có người hỏi một vị Đạt Lai Lạt Ma: ‘Làm thế nào một người bình thường biết được Ngài là một vị Phật sống?’ Vị ấy trã lời một cách dễ dàng: ‘Một vị Phật là một người luôn từ bi với tất cả mọi người.’ Một vị Phật không phải là người có những hành vi khác thường, có những phép thuật siêu phàm hoặc là người kiêu căng. Ngược lại, sống một cuộc sống rất bình thường, như một nông dân hoặc một người lao công, chúng ta cũng vẫn có thể luôn cố gắng tử tế với hàng xóm, láng giềng. Nếu ta có thể luôn biểu lộ được tâm từ bi thì ta đã được phú cho tâm và hành động của một vị Bồ Tát.
Đó là điều mà tôi muốn truyền đạt – lòng từ bi. Người ta thường nghĩ những lời dạy trong các tôn giáo thường rất ‘cao xa’ và khó hiểu. Tại sao vậy? Mỗi tôn giáo sử dụng một loại từ vựng đặc biệt, khó hiểu đối với người bình thường. Tuy nhiên, Đức Phật đã nói một cách dễ hiểu, sử dụng những từ đơn giản. Đức Phật đã nói bằng một cách khiến tất cả chúng sanh đều có thể hiểu được, và Phật đã dùng những chữ mà chúng sanh thường dùng.
Trong thiền, chúng ta thường nói “Không sanh, không diệt”, nhưng đó là ngoại lệ. Ai có thân cũng biết chắc rằng họ đã được sanh ra, và sẽ chết và có thể chứng nghiệm điều đó bằng chính mắt mình, do đó thật khó tin và khó hiểu đối với lời nói trên. Chỉ những ai đã từng hành thiền mới có thể hiểu ngay điều ấy.
Các vị đại sư đã nói đến ‘việc đạt ngay quả vị Phật bằng trực ngộ’. Đối với họ, không có con đường tiệm tiến. Nhưng với người bình thường, họ không hiểu cách nói nầy, vì thế chúng tôi phải giải thích ý nghĩa đó cho họ, giúp họ bước theo con đường của Phật.
KHÔNG CÓ GÌ LÀ DUY NHẤT VÀ VÔ SONG
Các tôn giáo cần cẩn thận khi tuyên bố chỉ có tôn giáo của mình mới là chân lý, là duy nhất. Có người cho rằng thiền là duy nhất và vô song; người khác nói giáo lý của Đức Phật là duy nhất và vô song. Nhưng không có gì là duy nhất và vô song cả. Tuỳ theo sự đồng cảm và nghiệp mà chúng ta đi theo một con đường nào đó, và tuỳ theo khả năng mà ta thực hành con đường Phật pháp. Từng bước từng bước, chúng ta dần tiến gần đến với Đức Phật.
Thường trong một vài tôn giáo, con số tín đồ được sử dụng như một chứng cứ cho chân lý của tôn giáo đó. Nếu một tôn giáo chỉ có vài tín đồ thì dường như là tôn giáo đó ít có hoặc không có chân lý gì. Đó là một điều hết sức buồn cười – chân lý không dựa vào con số tín đồ. Điều quan trọng là họ đã thực hành và chứng nghiệm giáo lý đó như thế nào.
Dưới ảnh hưởng của một số lãnh đạo tôn giáo, người ta từ bỏ mọi thứ. Vừa qua một vị nào đó tuyên bố đã đến ngày tận thế. Người ta tin tưởng vào ông và cầu nguyện để được cứu rỗi vào ngày đó, nhưng không có gì xảy ra hết! Vì thế, chúng ta có thể thấy tôn giáo có rất nhiều quyền năng để lừa bịp con người.
Nếu ánh sáng giác ngộ tỏa chiếu rực rỡ, thì tôn giáo giống như mặt trời soi sáng mọi vật, nhưng nếu chúng ta sai lầm, chúng ta giống như người mù có thể bị té chết trong hố thẳm vì mọi thứ đều đen tối.
Đôi khi tôn giáo làm cho người ta sợ hãi, bằng cách nói rằng họ cần phải tin vào Thượng đế hoặc tin vào Phật. Nhưng Đức Phật dạy rằng tin vào tôn giáo như thế là sai lầm. Lời dạy của Đức Phật bày tỏ và chuyển tải trực tiếp lòng từ bi, và Phật giáo là tôn giáo của lòng từ bi. Tôi kính ngưỡng Đức Phật, xem Ngài là vị Thầy của tôi, và tôi muốn sống theo lời dạy của Ngài về lòng từ.
KHÔNG LÀM ẾCH NGỒI ĐẤY GIẾNG
Đôi khi tôi trực đường dây điện thoại Phật giáo trực tuyến, gọi là Đường Dây Từ Bi. Trước đây chưa có dịch vụ điện thoại tư vấn cho Phật tử, vì điện thoại được xem là một cái máy khiến người ta liên tưởng đến vật chất, máy móc. Phật tử thường có khuynh hướng xem mình vượt trên vật chất tầm thường. Tuy nhiên, xã hội thay đổi, điện thoại trở thành một dụng cụ bình thường trong cuộc sống và chúng tôi nhận thấy tư vấn, tham vấn qua điện thoại rất ích lợi cho nhiều người.
Để sửa soạn cho việc tư vấn, tôi thực tập sáu tháng ở một đại học cộng đồng. Rồi sáu tháng tiếp theo, tôi thực hiện việc tư vấn qua điện thoại dưới sự giám sát từ 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Khi tư vấn qua điện thoại, tôi cảm nhận được nỗi đau khổ cùng cực mà người gọi phải trải qua. Tôi cảm nhận được những khó khăn mà họ phải đối mặt, và có những hoàn cảnh thật là hãi hùng.
Trước đây chủ yếu tôi chỉ liên lạc với giới cư sĩ Phật tử. Nhưng tôi muốn nhập thế giống như Đức Phật, tiếp xúc với bất cứ ai mà tôi gặp gở. Tôi cảm thấy rằng sống trong tu viện và chỉ tiếp xúc với các cư sĩ muốn tìm hiểu về Phật pháp thì cũng giống như chú ếch ngồi đáy giếng nghĩ rằng thế giới bằng với đáy giếng.
Việc tư vấn cũng khá ích lợi, nhưng tôi cảm thấy rất khổ đau, tôi đã khóc thật nhiều. Tại sao tôi khóc? Đôi khi tôi không hiểu tại sao tất cả chúng sanh không thể sống chung hoà bình, không có khổ đau? Tại sao con người không sống bằng tình thương tràn đầy trong tâm hồn đẹp đẽ của họ? Tại sao có quá nhiều người sống trong đau đớn, trải qua bao vấn đề trong cuộc sống? Trong lúc khấn nguyện trước Đức Phật, tôi suy gẫm về những thắc mắc nầy và tôi khóc.
Nhiệm vụ của người tư vấn không phải là áp dụng một giải pháp đóng khung, mà phải đặt mình vào hoàn cảnh của người. Chúng tôi phải trở thành như bạn của người ấy, một người có thể hiểu và chấp nhận họ hoàn toàn. Chúng tôi phải trở nên thân thiết đến độ không còn gì phải e dè với nhau. Nếu chúng ta nghĩ ở đầu dây bên kia là thân chủ, và bên nầy là người thầy hay người tư vấn, thì đó không phải là sự tư vấn thực sự và sẽ không thể thành công.
Tôi cũng quan tâm đến những người khiếm thính, muốn mang Phật pháp truyền đạt cho họ. Trong ba tháng, tôi học ngôn ngữ ra dấu và rất thích trao đổi với họ qua phương cách nầy, nhưng vì công việc ở đài phát thanh tôi phải dừng lại.
GIÚP LÁNG GIỀNG ĐANG GẶP KHÓ KHĂN
Mỗi thứ sáu trên đài phát thanh, có một tiếng đồng hồ chương trình ‘Giúp láng giềng đang gặp khó khăn’. Các tình nguyện viên tìm kiếm những người đang gặp khó khăn, tìm hiểu về hoàn cảnh của họ, rồi báo cáo lại trong chương trình nầy. Chúng tôi được nghe tiếng nói của người gặp khó khăn, khi họ kể lại hoàn cảnh cũng như yêu cầu được giúp đỡ của họ. Qua chương trình, những người muốn giúp đỡ gọi đến cho chúng tôi. Tiền cứu trợ được gửi đến và trong vòng một tuần tôi chuyển số tiền ấy cho người khó khăn. 18 tháng vừa qua, 70 gia đình đã được giúp đỡ. Gặp gỡ những gia đình khó khăn đó, tôi cảm thấy mình như là một sứ giả của các vị Bồ Tát.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là về một phụ nữ đã luống tuổi. Trong thời chiến tranh Hàn Quốc, bà phải vào miền Nam với đứa con trai nhỏ, nhưng chồng bà và con trai lớn bị kẹt lại ở miền Bắc. Bà đã nuôi con lớn và người con trai nầy học rất chăm chỉ ở đại học. Trước khi tốt nghiệp, anh gặp tai nạn, bị té, khiến cho đầu óc không còn tỉnh táo, và bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
Giờ người con trai đã 55 tuổi, đã ở trong viện tâm thần suốt 30 năm. Để đi thăm con, người mẹ phải có khoảng 20 bảng Anh để đi xe buýt và mua bánh trái, nhưng gần đây vì không có đủ tiền, bà đã không thể đi thăm con. Bà rất buồn, ngày nào cũng khóc. Hơn nữa, bà còn bị đau chân trái, không thể đi đứng bình thường. Là Phật tử, bà cầu nguyện mỗi ngày ở nhà, vì không thể đến chùa.
Qua chương trình “Giờ Giúp Đỡ” chúng tôi đã đến thăm và giúp đỡ bà. Có tài xế taxi đã đề nghị chở bà miễn phí, để bà có thể thỉnh thoảng đi thăm con. Và nhờ vào sự viếng thăm thường xuyên của bà mẹ, người con trai đã thuyên giảm bệnh.
Sau khi được giúp đỡ qua chương trình nầy, người mẹ đã nói với tôi: ‘Trên thế gian nầy, không có gì xảy ra mà không có lý do.’ Cần phải nhớ điều đó, nhất là đối với những người hay khi dễ kẻ khác hoặc không giúp đỡ người nghèo khó, đau khổ. Có cái gì, tôi muốn chia sẻ cái đó với người đang cần, những người khó khăn hơn tôi.
Khi người mẹ nầy nhận được một bát cơm hoặc thức ăn gì đó, bà liền chia xẻ với những người già khác trong xóm. Khi chúng tôi cho bà tiền, bà không giữ lấy cho riêng mình, mà cùng chia xẻ với người khác. Mỗi ngày bà đều dậy từ 3 giờ sáng, cầu nguyện Đức Phật và ngồi thiền. Khi được gặp những người giống như bà, tôi tràn đầy niềm vui, cảm thấy công việc của mình cũng có ích lợi. Tôi vui mừng vì cả hai chúng tôi đều có duyên lành với Đức Phật và duyên nghiệp ấy đã đưa chúng tôi đến với nhau.
LÀNG SEN
Một câu chuyện khác cũng gây nhiều xúc động cho tôi là câu chuyện về một người đàn ông khuyết tật rất nặng. Anh giờ đã 37 tuổi, bị bại liệt từ lúc 3 tuổi. Từ lâu anh đã không thể sử dụng phần thân dưới và chỉ có thể di chuyển trên một chiếc xe (cart) gỗ nhỏ. Cha mẹ anh đã qua đời, để lại anh và ba anh em nữa. Một người em khác cũng bị khuyết tật và đã chết. Hai người còn lại đã rời bỏ gia đình, từ đó anh không biết tin tức gì về họ.
Trong bao năm anh đã sống trong một khoảng không gian nhỏ bé chỉ vừa đủ để ngồi bán báo. Anh thường để dành cho đến khi có đủ một số tiền. Rồi anh gọi taxi, phải trả tiền gấp đôi vì sự khuyết tật của mình, đến thăm mộ mẹ, cúng ít thức ăn và cầu nguyện. Trước căn lều nhỏ của anh, có tiệm bán bánh của một cặp vợ chồng Phật tử trẻ. Tám năm nay, họ luôn giúp đỡ, chia xẻ thức ăn cho anh.
Rồi người ta quyết định làm đường lớn hơn, nghĩa là căn lều của anh phải bị tháo dở và anh không biết phải đi về đâu. Chúng tôi nghe được câu chuyện của anh, và sau khi kêu gọi giúp đỡ trên đài, chúng tôi nhận được 800 bảng Anh. Chúng tôi cố gắng tìm chỗ ở cho anh qua sở xã hội và các dịch vụ giúp người khuyết tật, nhưng không nơi nào nhận anh vì anh không có nguồn lợi tức thường xuyên và bị khuyết tật nặng.
Tuy nhiên, ở một tỉnh miền đông bắc có một nơi gọi là Làng Sen, do một vị sư Phật giáo thành lập để giúp đỡ mọi người - khuyết tật, vô gia cư và người bệnh tâm thần. Vị sư vừa là cha vừa là mẹ của tất cả họ. Cuối cùng, chúng tôi nhận được điện thoại của nhà sư bảo chúng tôi hãy đem anh đến và sư sẽ chăm lo cho anh ấy. Vào mùa thu hoạch, khi người Hàn Quốc đi tảo mộ tổ tiên, vị sư lại đưa anh từ Yechon đến Inchon (một chuyến đi xa) để anh cầu nguyện nơi mộ mẹ anh, sau đó lại đưa anh trở về chùa.
ÁNH SÁNG TRONG BÓNG TỐI
Mỗi sáng tôi thức dậy sớm, thực tập hít thở trong vòng 20 phút, rồi tụng kinh trước bàn thờ Phật. Sau đó tôi quán tưởng làm thế nào để nói lời chân thật, đúng sự thật bằng cách quán chiếu về ý nghĩa của các bài kinh. Trước khi kết thúc, tôi đọc một chương kinh Phật, vì tôi muốn truyền đạt, diển tả ý nghĩ và lời nói của Đức Phật hơn là ý nghĩ và lời nói của tôi.
7 giờ, tôi đến đài phát thanh. Một ngày làm việc của tôi luôn bận rộn, đôi khi tôi về trễ khoảng 8, 9 giờ tối. Dù rất mệt mỏi, mỗi tối tôi vẫn tụng kinh và lạy Phật, vị thầy của tôi. Sau đó tôi quán xét về những việc đã làm trong ngày, hành thiền, đếm hơi thở vào ra trong 20 phút trước khi đi vào giấc ngủ. Tôi sắp xếp việc hành thiền vào buổi sáng và buổi tối như một cách để nối cả một ngày cho việc thực hành tâm linh của mình.
Trong thế giới nầy giữa bao đau khổ chúng ta vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc giống như trong bóng tối ta vẫn có thể thấy ánh sáng. Trong những nỗi đau khổ cùng cực vẫn có nhiều người sẵn sàng chia sẻ hạnh phúc của họ. Nghĩ về các số tiền đã quyên góp được, tôi thấy nhiều người đóng góp không kể đến hoàn cảnh của họ, không phân biệt giữa họ và người.
Đối với tôi điều đó còn hơn cả bạc tiền; tôi thấy những sự đóng góp từ thiện nầy là do lòng chân thành và hảo tâm của con người. Đối với người không có nhà cửa, chúng tôi cố gắng tìm cho họ một chỗ ở; đối với người cần được phẩu thuật, chúng tôi giúp họ được giải phẫu; đối với trẻ mồ côi, chúng tôi giúp tiền học phí và cố gắng làm tròn bổn phận cha mẹ đối với chúng. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ những người khốn khó. Nếu Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng sẽ làm như thế.