Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phương Pháp Tu Tại Thiền Lâm Pa-Auk

30/10/201003:12(Xem: 4285)
Phương Pháp Tu Tại Thiền Lâm Pa-Auk
meditation_buddha1
PHƯƠNG PHÁP TU TẠI THIỀN LÂM PA-AUK
Thích Giác Hoàng

Người viết ghé thiền lâm này tu hai lần. Lần nào cũng ngắn ngủi, không đủ thời gian để lãnh hội và thẩm thấu hết lộ trình tu tập của truyền thống thiền quán này. Ai cũng có thể đọc trong sách vở, hoặc nghe vị khác nói lại về tông chỉ của nó là như vầy, như vầy, nhưng tất cả những điều đó quả thật không thể so sánh được với những gì mình tự thể nghiệm từ sự tu tập của chính mình.

I. HOÀ THƯỢNG THIỀN CHỦ

Hoà thượng (HT) pháp danh Āciṇṇa, thông thường được nhiều người biết đến với pháp hiệu là Hoà thượng Pa-Auk (Pa-Auk Sayādaw). Sayādaw, tiếng Miến, là một tôn xưng đối với những vị Thầy đức hạnh, được nhiều người cung kính, trọng vọng. Trong một số trường hợp trịnh trọng hơn, nhiều vị tôn xưng là HT Thiền Chủ Thiền Lâm Pa-Auk (Venerable Pa-Auk Tawya Sayādaw). Tawya, nghĩa là “tùng lâm” hoặc “rừng”.

Hoà thượng sinh năm 1934 tại làng Leigh-Chaung, thị trấn Hinthada, thuộc vùng châu thổ khoảng một trăm dặm về phía Tây Bắc thủ đô Yangon.

Lúc Ngài 10 tuổi (năm 1944), thọ Sa-di giới tại một tu viện nơi làng Ngài ở. Thời gian đó, Ngài theo đuổi sự nghiệp học thuật, chuyên tâm nghiên cứu Tam Tạng Thánh điển Pāli, dưới sự hướng dẫn của nhiều bậc Thầy khác nhau. Trong thời gian còn Sa-di Ngài đã qua được ba kỳ khảo hạch về ngôn ngữ Pāli.

Hoà thượng thọ cụ túc giới năm 1954 khi Ngài vừa tròn 20 tuổi. Cũng trong thời gian này, Ngài tiếp tục nghiên cứu Thánh điển Pāli dưới sự hướng dẫn của nhiều bậc danh Tăng khác.

Năm 1956 Ngài đỗ bằng Pháp Sư (Dhammācariya) và được tấn phong là “Pháp Sư”. Văn bằng này lúc trước tương đương với văn bằng cử nhân PāliPhật học đối với một số nước.

Khoảng 8 năm sau đó, Ngài vẫn tiếp tục nghiên tầm giáo pháp, chu du khắp Miến Điện để thọ học Pháp bảo từ nhiều bậc danh Tăng thạc đức.

Năm 1964, vào mùa an cư thứ 10, Ngài đổi hướng, bắt đầu độc cư núi rừng (đây là một trong 13 khổ hạnh mà Đức Phật cho phép các Tỳ-kheo thực hành), và chuyên tu tập thiền định. Mặc dầu vậy, Ngài vẫn để tâm đến văn học Pāli, song song tu tập dưới sự hướng dẫn của nhiều Thiền Sư thời bấy giờ.

Kể từ ấy cho tới 16 năm sau, Ngài hoàn toàn ở núi rừng trong nhiều khu vực khác nhau thuộc phía Nam Miến Điện. Ba (3) năm đầu ở huyện Mudon, phía Nam của Mawlamyine (Tiếng Miến đọc: Mô-lăm-nhai). Mười ba (13) năm kế tiếp ở thị trấn Ye. Khoảng thời gian này, Ngài vừa học Thánh điển, vừa tu tập thiền định, và sống một đời sống vô cùng đơn giản.

Năm 1981, cố HT Aggapañña – viện chủ thiền viện Pa-Auk lúc bấy giờ sắp thị tịch, nên mời HT Āciṇṇa về trú trì. Năm ngày sau, cố HT Aggapañña xả bỏ báo thân, và kể từ lúc đó, HT. Āciṇṇa chính thức trở thành HT trụ trì thiền lâm Pa-Auk (Pa-Auk Tawya Sayādaw). Mặc dầu với công tác quản lý một tu viện mới, HT vẫn độc cư thiền định trong một tịnh thất nhỏ bằng tre nứa ở thượng phần của khu vực rừng. Đây là một khu vực hoàn toàn vắng vẻ, yên tịnh bao bọc bởi những dãy đồi vòng quanh dãy núi Taung Nyo. Khu vực này bây giờ đã trở thành thượng phần của thiền viện.

Từ năm 1983, chư Tăng Miến các nơi bắt đầu đến. Mãi cho đến năm 1990, chư Tăng ngoại quốc mới tìm đến và tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài. Và cũng kể từ đó, nhiều người biết đến Ngài, và chẳng bao lâu từ một am thất nhỏ bằng tre nứa với một vài đệ tử đã trở thành một đại thiền lâm có tầm cỡ nhất nhì ở Miến ngày nay.

Năm 1997, HT xuất bản 5 tập nghiên cứu về thiền học bằng tiếng Miến, với tựa đề là “Đạo Lộ Đến Niết Bàn” (The Way to Nibbāna), giải thích chi tiết về lộ trình tu tập thiền định. Các đệ tử và thiền sinh đang lần lượt dịch sang tiếng Anh.

Vào ngày 04 tháng 01 năm 1999, Ngài được chính phủ Miến truy tặng tôn hiệu là “Agga Mahā Kammaṭṭhānācariya“, nghĩa là “Thượng Thủ Đề Mục Định Đại Sư.” Để đáp ứng nhu cầu truyền đạt kinh nghiệm tu tập cho hành giả ngoại quốc, hoặc để giúp họ tháo gỡ những trục trặc trong quá trình tu, nên trước thời gian tiếp Tăng ngoại quốc chẳng bao lâu, Ngài học tiếng Anh. Hiện nay tiếng Anh của Ngài đủ để thực hiện những gì Ngài mong ước. Ngài đã được mời tổ chức các khoá thiền ở Đài Loan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Tích Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, và Mỹ Quốc.

Hiện nay thiền sinh đến học thiền với Ngài rất đông, kể cả trong nước và ngoài nước. Thời gian người viết ở đó, có khoảng 500 – 700 thiền sinh, bao gồm gần như đủ các nước: Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, v.v… Các nước khối Đông Nam Châu Á gần như đủ, ngoại trừ Thái Lan. Vào mùa an cư, trung bình hàng năm có khoảng 600 – 700 thiền sinh. Vào dịp lễ Đức Phật Đản Sanh, Thành Đạo, Nhập Niết Bàn (Lễ Tam Hợp) cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia của Miến, cũng có thể nói là ngày Tết của họ, rất nhiều người tu gieo duyên, số lượng thiền sinh đôi khi lên tới cả 1.000.

Năm nay (2006), Ngài đã 72 tuổi, nhưng sức khoẻ vẫn tốt. Khả năng làm việc cũng gần giống như thời trung niên. Mỗi ngày đều xuống Trung Phần thiền viện dẫn chúng khất thực (nhận thực phẩm tại thiền viện), đi giám sát các Phật sự khi cần thiết.

Tiểu sử của HT tôi viết ở đây là dựa theo bản tiếng Anh được các vị ở đó cho trước khi về. Chương trình hoằng pháp của HT và các thông tin khác về tu viện, các vị có thể tham khảo thêm tại: www.paauk.org.

II.PHƯƠNG PHÁP

1. Cách ngồi: Ngồi kiết già, bán già hoặc hai chân để dưới đất hết đều được. Phần lớn đều có bồ đoàn. Cũng tuỳ theo từng vị mà chọn bồ đoàn mình cao hay thấp. Có nhiều vị còn lót nhiều miếng bồ đoàn mỏng dưới hai bên chân cho êm và thăng bằng. Các thiền sư ở Miến hầu như không chú trọng ngồi kiết già hay bán già. Phần lớn đều ngồi hai chân để dưới đất, miễn làm sao lưng thẳng và ngồi lâu là ổn. Hai tay để theo thế nào cũng được, trái để trên, phải để trên, hay hai tai để ngữa trên hai bắp đùi cũng không sao. Các bắp cơ phải được thư giãn hoàn toàn. Hai mắt nhắm lại và thở đều đặn, bình thường.

Cách ngồi ở Miến có lẽ nhiều vị Việt Nam và Trung Hoa, Đài Loan sẽ dị ứng. Nhiều vị ngồi nghiêng một bên trái, hoặc ngồi nghiêng bên phải, nhất là sau khoảng một giờ. Nhiều vị để cả hai chân dưới mông. Dĩ nhiên, cũng có nhiều vị thiền sinh ngồi rất tốt, ngồi liên tục một lúc từ 3- 4 tiếng đồng hồ mà vẫn giữ thế kiết già, lưng vẫn thẳng, mặt vẫn thảnh thơi, không thấy dấu hiệu gì đau đớn nơi thân. Và dĩ nhiên, cũng có một số vị ráng chịu đựng, đối phó với cơn đau của mình nhưng vẫn giữ thế kiết già và cho đến khi chuông đồng hồ reo lên.

Có một số vị khi thiền toạ đem một tượng Phật nhỏ để trước mặt để quán tưởng ân đức của Đức Phật cho dễ. Có một số vị thiền trụ (đứng yên lặng) cả nửa tiếng đồng hồ, tôi cũng không biết cụ thể vì lý do gì, có thể vì bệnh hôn trầm nên phải đứng chăng? Có một số vị lấy khăn bịt cả mắt lại khi ngồi, hoặc đứng trong thời thiền.

Mặc dầu trong thời khoá biểu có đề cập đến thiền hành, nhưng trên thực tế phần lớn đều thiền toạ cả. Nếu có thiền hành thì gần như là việc tu tập cá nhân. Các vị ở đây đi đứng sinh hoạt bình thường, chứ không có thiền hành thật chậm như các trường thiền khác ở Miến. Một vài vị ở đó tu cũng lâu rồi, cho rằng, với công phu thiền toạ từ một tiếng rưỡi đến 2 tiếng một thời như vậy trong thời gian dài, thì dầu có đi nhanh hoặc làm nhanh trong các Phật sự, vị ấy vẫn không thất niệm, nên thiền hành thật chậm không cần thiết.

Ở đây, vì toàn bộ là chư Tăng và cư sĩ nam, nên vị Tăng nào cảm thấy nóng bức có thể giải y thượng ra cho mát. Chính vì vậy trong thiền đường chúng ta thấy đủ kiểu, đủ thế: ngồi, đứng, bịt mắt, mở mắt, quấn y, giải y, hoặc lấy cái gì đó quấn sơ thân. Cũng nên biết thêm là các nhà Sư Miến không có y trung như các Sư Khất Sĩ, nên một khi giải y thượng ra thì các Sư phải kiếm cái gì đó che đỡ thân phần ở trên, hoặc để trần như vậy, và dĩ nhiên cũng có một số Sư cũng có áo như các Sư Thái Lan hoặc các Sư Nam Tông Việt Nam thường mặc. Một số vị cho rằng như vậy mất trang nghiêm trước tôn tượng Bổn Sư, nhưng một số vị cho rằng cũng hay hay, vì giống các pho tượng A-la-hán trong các chùa. Cách giải y thượng trên như vậy, một vài thiền viện cũng tại Miến, có lẽ vì cộng tu có cả Tăng Ni, cư sĩ, nên không cho phép !

Trong thời gian tu ở đó, người viết ngồi gần một vị Sư Malaysia. Có một giai đoạn vị ấy lấy sách ra đọc, dò tới dò lui những pháp số rất chi chít trong sách, rồi thỉnh thoảng đóng sách, quán chiếu như vậy thời gian cả tuần! Sự thật, tôi chưa hiểu hết các cách tu tập ở đây cho lắm, chỉ trình bày những gì thấy nghe mà thôi.

Trong thiền đường có 2 sọ người, không biết là bằng cao su hay sọ người thật. Có những vị chuyên quán sọ người như vậy trong một thời gian quán niệm tử thi. Ở hạ phần thiền viện, trên đường vô phía bên trong dành cho chư Tăng, có một nơi dành để hoả táng, do đó tại đó có một số mộ của những vị quá cố. Gần đó, có một bộ xương người đứng lồng trong kính, cũng rất ấn tượng cho thiền sinh khi vừa vào tới thiền lâm.

2. Khởi Đầu Tu Tập

Đối với một hành giả mới bắt đầu vào thiền lâm Pa-Auk, pháp môn chủ yếu và hàng đầu vẫn là chánh niệm về hơi thở (ānāpānasati) như trong Kinh Tứ Niệm Xứtrình bày.

Nhiều thiền sinh không theo dõi hơi thở được rõ ràng và điều đặn, Ngài bổ sung bằng cách đếm hơi thở: hơi thở ra vào đếm một, hơi thở ra vào đếm hai, cứ như vậy cho đến 8 rồi quay trở lại một. Số 8 chỉ là số để nhớ đến Bát Thánh Đạo mà thôi. Tại sao không đếm tới 100, 1000, v.v… không thấy giải thích tại sao.

Tôi nghe vị khác kể lại, có một cư sĩ từ Việt Nam qua tu gieo duyên, bởi vì là một cư sĩ nên có nhiều mối lo toan trong đời, phải tính toán, làm ăn, v.v… nên vào tu định rất khó. Ông không biết cách nào để hàng phục vọng tâm, cho nên ông sáng tạo cách đếm thay vì đếm tới 8, ông đếm từ 1 cho đến khi nào có một vọng tưởng khởi lên, ông liền ghi nhận vọng tưởng khởi lên vào số mấy, và tiếp tục đếm tiếp. Nếu vọng tưởng quá nhiều, không nhớ nữa thì bỏ, đếm lại từ một. Đấy cũng là cách sáng tạo trong tu tập. Điểm ưu và điểm khuyết của nó như thế nào, chúng tôi không dám lạm bàn ở đây.

Từ nền tảng chánh niệm về hơi thở vị ấy từng bước điều tâm, chế tâm, hạn chế các vọng tưởng điên đảo, và nhờ đó vị ấy đạt được định (samādhi). Dấu hiệu để ghi nhận sự thành tựu của vị ấy về pháp quán niệm hơi thở là các thiền tướng (nimitta) xuất hiện. Trong một thời gian dài đã nỗ lực thiền tập mà không thành tựu, một vài thiền sinh xin đổi hướng tu, bằng cách quán tứ đại. Cũng có trường hợp, sau khi quán tứ đại không thành tựu rồi, thiền sinh xin quán niệm lại hơi thở.

Sự thật, tu hành để đạt ngộ không phải là đơn giản như chúng ta thường nghĩ. Việc tu hành có đắc được các tầng định hay trí huệ mau hay chậm còn tuỳ thuộc vào các Ba-la-mật (pāramī)đã gieo tạo trong nhiều đời nhiều kiếp nữa. Có một số vị tu trong thời gian rất ngắn, có thể từ 10 đến 15 ngày, thiền tướng xuất hiện và tiến thẳng vào các giai đoạn sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, và từ đó tu tập các lộ trình khác. Cũng có nhiều vị tu 2 năm, 3 năm vẫn không thấy thiền tướng xuất hiện, thậm chí mệt mỏi và xin rời trường thiền, đi tham học kinh điển. Sau đó, tu tập lại thì thiền tướng xuất hiện! Cho nên, kết quả đến nhanh hay chậm không thể đoán trước được. Không thể nói tu 2 năm là nắm được yếu chỉ của thiền học hoặc các lộ trình tu tập đều đã đi qua, hoặc có thể nói là tu nhiều năm rồi các kinh nghiệm tâm linh đều có !

3. Trình Pháp

Những thiền sinh mới tới phải trình pháp mỗi ngày, sáng hoặc chiều tuỳ mình chọn cho thích hợp. Dĩ nhiên là thiền sinh phải thành thật và thành khẩn, thì may ra thiền sư mới chỉ cách tháo gỡ được phần nào sự rối ren, tối đen của tâm thức. Khi tu lâu hơn, từ 5 – 6 tháng hoặc khoảng một năm, thiền sinh có thể trình pháp một tuần hai lần. Những vị tu một năm trở lên có thể trình pháp một tuần một lần.

Thời gian trình pháp không giới hạn, tuỳ vào nghi vấn của thiền sinh và giải đáp của Thiền Sư. Có khi chỉ 3 – 5 phút, có khi cả 20 phút. Nhất là những thiền sinh trình pháp với HT viện chủ thì rất ngắn, bởi vì HT không có thời gian nên nói rất vắn tắt. Ví dụ, Ngài hỏi: định được bao lâu ? Nghĩa là trong lúc ngồi thiền từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ, mình định được mấy phút. Câu trả lời tuỳ theo sự tu tập của mình. Có thể Ngài khuyên là quán tưởng ân đức của Đức Phật, hoặc niệm “chết” (chết đang đến, chết đến từng sát na), hoặc cũng có thể là quán bất tịnh trong thân. Nói tóm lại, việc trình pháp hằng ngày giúp thiền sinh rất nhiều trong việc tu tập. Ngũ căn hoặc Thất Bồ-đề phần được Thiền Sư khéo léo hỏi để cân bằng các chi ấy.

Phải nói là Ngài khá bận vì số lượng thiền sinh quá đông, nên không thể trả lời những câu hỏi mang tính lý thuyết, hay pháp tu cụ thể như thế nào, thế nào. Một số thuật ngữ Pāli Ngài dùng, đặc biệt về các pháp môn như là quán niệm 32 thể trược, quán niệm tử thi, quán niệm chết, quán niệm ân Đức Phật, v.v… bằng tiếng Pāli cả, nếu mình không có căn bản Pāli khó mà theo kịp. Vì lúc nào thiền sinh cũng sắp hàng dài chờ sự hướng dẫn của Ngài nên thiền sinh phải về tự học hỏi lấy. Sự thật, cách trình pháp và hướng dẫn ngắn gọn cũng có cái hay của nó làm cho thiền sinh không bị lạc dẫn vào những lý thuyết không quan trọng mà trường thiền khác tại Miến bị vấp phải.

4. Lộ Trình Tu Tập

Như tôi đã nói ở trên, nếu thiền sinh không xác định được căn tánh của mình, mà thiền sư cũng không biết rõ căn tính của mình loại nào, thì đề mục thiền sư cho để mình tập trung tư tưởng quán chiếu là đề mục hơi thở (ānapāna). Nếu hành giả không thành công với đề mục này thì thiền sư có thể đổi đề mục khác, bằng cách cho quán niệm một trong tứ đại (mahābhūta): đất, nước, gió, lửa. Có thể nói, truyền thống thiền này là do Thiền Sư Pa-Auk tự nghiên cứu và tu tập lấy, có cả Chỉ (Samatha) lẫn Quán (Vipassanā) dựa trên nền tảng của Thanh Tịnh Đạo Luận(Visuddhimagga) của Ngài Buddhaghosa (Phật Minh / Phật Âm). Đối với một tân thiền sinh, Chỉ (thiền Vắng Lặng) là nền tảng tối quan trọng để tu Quán (Tuệ Minh Sát). Tu cho hết lộ trình thất tịnh này, tuỳ theo căn tánh của hành giả, nhưng với kinh nghiệm của vị phụ trách thiền sinh nước ngoài, nói rằng một hành giả căn tánh ổn định, phải mất vài năm. Truyền thống thiền này không giống với truyền thống thiền của Thiền sư Mahāsī và các vị đệ tử kế thừa của Ngài hiện nay, chủ trương Chỉ Quán Song Tu, nhưng phần lớn các Ngài đều nhấn mạnh đến Quán. Chi tiết của thất tịnh như sau:

1. Giới Tịnh (Sīlavissuddhi): Thiền sinh phải giữ tròn 5 giới, 8 giới, 10 giới, 227 giới, (theo truyền thống Nam truyền, giới Bổn của Tỳ-kheo chỉ có 227 giới). Ở đây, có thể thêm vô 250 giới của truyền thống Bắc truyền). Vì ở Miến không có Ni đoàn, chỉ có nữ tu, tiếng Miến gọi là Sa-già-lê (người giữ giới) - giữ 10 giới, nên không thấy đề cập đến 311 giới của Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Nguyên Thuỷ hoặc 348 giới theo truyền thống Bắc truyền. Mặc dầu nhiều vị Bắc truyền từ Đài Loan, Malaysia, Singapore hoặc Tỳ-kheo-ni từ Việt Nam đến tu, nhưng cũng đồng hoá như các vị Sa-già-lê ở Miến vậy.

Đối với chư Tăng, chư Ni đều phải thực hành “Tứ Thanh Tịnh Giới” của truyền thống Nguyên Thuỷ.

(1) Giới Bổn Phòng Ngự Giới (Pātimokkha-saṃvara-sīla): Giới bổn cho chư Tăng là 227 giới, 10 giới và 75 học pháp cho Sa-di, 10 giới cho chư Ni, 8 hoặc 5 giới dành cho nam nữ cư sĩ.

(2) Căn Môn Phòng Ngự Giới (Indriya-saṃvara-sīla): Điều phục các căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

(3) Sinh Kế Thanh Tịnh Giới (Ājīvapā-vissudhi-sīla): Nuôi mạng sống đúng đắn. Trong trường hợp ở thiền lâm, thiền sinh khất thực mỗi ngày, không được dùng thực phẩm phi thời.

(4) Lộc Dụng Hệ Cư Giới (paccaya-sannissita-sīla): Sử dụng thực phẩm, phòng cốc, thuốc men, và y phục đúng cách.

Lưu ý, chư Tăng Ni ở đây không được giữ tiền dưới bất kỳ hình thức nào, như money order, cheque, vàng, bạc, thẻ tín dụng. Nếu còn đang giữ thì phải xả. Nếu xả đúng pháp thì mình không có quyền lấy lại. Tốt nhất, là nhờ ai đó ở Yangon giữ giúp, hoặc nhờ các vị cư sĩ hộ đạo (các vị Miến hay sử dụng từ Kappiya (káp-pi-yá)) ở đó giữ giúp trước khi gặp HT thiền chủ. Ngay cả cư sĩ muốn tu gieo duyên một thời gian ngắn, có thể một tuần hoặc một tháng đến 3 tháng, cũng phải sắp xếp nhờ ai đó giữ giúp trước khi xuống tóc.

2. Tâm Tịnh (Cittavissudhi): Để tâm tại nhân trung theo dõi hơi thở ra vào (ānāpānassati) một cách thuần thục. Giai đoạn này định mà hành giả đạt được gọi là Đẳng Phần Định (Sadisūpacāra). Với sự nỗ lực của hành giả tiếp tục niệm hơi thở ra vào một cách thuần thục hơn, các phiền não một phần nào lắng dần thì 3 thiền tướng (nimitta)sau đây xuất hiện: (1) Biến tác tướng (Parikamma-nimitta): hành giả sẽ thấy những sợi khói có màu lam nhạt xuất hiện trước mặt. (2) Thủ tướng (Uggaha-nimitta): màu trắng, (3) Tợ tướng (Paṭibhāga-nimitta): màu sáng hoặc một khối trong suốt như viên ngọc. Một khi 3 thiền tướng trên xuất hiện, có thể nói hành giả bắt đầu vào được Cận Định (Upacāra-samādhi). Đây là giai đoạn hơi khó khăn và mất thời gian đối với một số hành giả, đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì của hành giả rất nhiều. Nếu thành tựu được giai đoạn này rồi thì các giai đoạn kế tiếp có thể đi nhanh hơn.

Tiếp đến hành giả được hướng dẫn thiền tập bốn trạng thái thiền Sắc giới. HT thiền chủ là vị hướng dẫn rất thành tựu về bốn trạng thái thiền này. Có một vị Sa-di khoảng 10-12 tuổi đang ở đó, được HT ấn chứng là xuất nhập sơ thiền đến tứ thiền tự tại. Nghe nói, nhiều vị tu ở đó khoảng 5 – 6 tháng đều thành tựu bốn thiền sắc giới này cả.

Qua được tứ thiền, hành giả được hướng dẫn quán niệm 32 thể trược (ṭṭhāsa) trong thân, Quán niệm xương trắng (Aṭṭhikōṭṭhāsa), Quán niệm Ka-si-na màu trắng (Ōdātakasiṇa).

Qua được giai đoạn trên, hành giả được dạy 4 trạng thái thiền Vô sắc giới (Arūpa-jhāna). Trong một số trường hợp Tứ thiền Vô Sắc không cần thiết dạy cho thiền sinh, nên trong hoạ đồ của HT không thấy đề cập tới, nhưng trong thực tế Ngài có dạy cho một số thiền sinh tại thiền viện.

Qua Tứ Thiền Sắc Giới, các phép quán niệm như: Từ Bi Quán Niệm (Metta Kammatṭṭhāna), Ân Phật Quán Niệm (Buddhānussati kammaṭṭhāna), Bất Tịnh Quán Niệm (Asubha kammaṭṭhāna), Tử Quán Niệm (Maranānussati kammaṭṭhāna) đều được hướng dẫn. Bốn phép quán niệm trên được gọi là bốn phép Quán Niệm Phòng Hộ (Caturārakkha kammaṭṭhāna), các vị độc cư núi rừng cần phải học, đôi khi còn học trước cả các phép quán niệm khác.

Từ giai đoạn tập nhập sơ thiền đến giai đoạn an trụ tâm trên tứ đại để quán chiếu, hành giả có thể rơi vào hai trạng thái định: An Chỉ Định (Appanā Samādhi) và Cận Hành Định (Upacāra Samādhi).

Đỉnh cao của phép quán này trong giai đoạn này là quán niệm Giới Đề Mục (Dhātukammaṭṭhāna), Bốn đại (Mahābhūta) và các đặc tính, tướng trạng (Lakkhaṇa) của nó.

Đây là hướng tổng quát của lộ trình tu tập, nhưng không nhất thiết hành giả nào cũng đi rập khuôn. Có vị được hướng dẫn chọn một trong 4 đại, ví dụ quán Kasiṇa trắng (Ōdātakasiṇa) ngay khi đạt được tứ thiền. Có trường hợp từ Tam thiền hành giả được dạy Từ Bi Quán Niệm (Metta Kammaṭṭhāna), và cũng có thể học cách quán 3 tâm vô lượng khác nữa. Điều này tuỳ thuộc vào căn tính của thiền sinh và sự linh động uyển chuyển của Thiền Sư. Nói tóm lại, các đề mục trong 7 phần của thiền định đều được hướng dẫn: (1) mười đề mục trước mặt (kasiṇa), (2) mười đề tử thi (asubha), (3) mười đề tưởng nhớ (anussati), (4) bốn đề vô lượng tâm (brahma-vihāra), (5) bốn đề vô sắc (ārupa), (6) một đề thực phẩm nhơ bẩn (āhāre-paṭikūla-saññā), (7) một đề liễu tri tứ đại (catudhātu-vavatthāna). Và dĩ nhiên lộ trình đó không nhất thiết phải đi hết một cách chi tiết. Ví dụ, hành giả được hướng dẫn chọn một trong 4 đại quán niệm, khi quán niệm thành công, các đại khác có thể được giản lược.

Như đã nói ở trên, đôi lúc thiền sinh không thành tựu khi khởi động bằng quán niệm hơi thở thì thiền sinh chọn lộ trình thứ hai như sau:

Chọn một trong 4 đại để quán các tướng trạng của nó. Khi 3 thiền tướng xuất hiện thì các phép quán 32 thể trược trong thân (thirty-two kōṭṭhāsas), quán xương trắng (Aṭṭhikōṭṭhāsa), Ka-si-na trắng (Ōdātakasiṇa) được dạy tiếp. Sau đó qua 4 thiền sắc giới (rūpa-jhāna), rồi qua 4 pháp quán niệm phòng hộ (Caturārakkha kammaṭṭhāna).

3. Kiến Tịnh (Diṭṭhi-vissuddhi)

Nhờ sự thành tựu của Tâm Thanh Tịnh, hành giả có thể tiếp tục quán sát danh sắc và thành tựu bốn trí: (1) Sắc Nhiếp Thọ Trí (Rūpa pariggaha-ñāṇa), (2) Danh Nhiếp Thọ Trí (Nāma pariggaha-ñāṇa), (3) Danh Sắc Nhiếp Thọ Trí (Nāmarūpa pariggaha-ñāṇa), (4) Danh Sắc Sai Biệt Trí (Nāmarūpa vavatthāna-ñāṇa). Bốn loại trí này gọi tổng quát là “Danh Sắc Thức Biệt Trí” (Nāmarūpa pariccheda-ñāṇa)[1].[1]Đây là Trí đầu tiên hành giả đạt được trong 16 loại trí từ Kiến Thanh Tịnh cho đến hết lộ trình của nó. Hành giả trong giai đoạn này có thể nhận chân và phân biệt thế nào là danh và sắc một cách tường tận, nghĩa là quán chiếu sự sanh sanh diệt diệt của danh sắc một cách rõ ràng. Một số vị gọi là tách được danh ra khỏi sắc và từ đó làm chủ một phần nào thân tâm của mình.

4. Đoạn Nghi Tịnh (Kaṅkhāvitaraṇa-vissuddhi)

Trong lộ trình này, hành giả được hướng dẫn Quán Thập Nhị Nhân Duyên. Hai phương pháp được chọn để quán đó là Phép Quán Thứ Nhất và Phép Quán Thứ Năm. Tôi nghe những vị tu lâu năm ở đó nói lại, thành tựu hai phép quán này, hành giả có thể nhìn thấu được một kiếp, hai kiếp hoặc 3 kiếp trong quá khứ của mình. Thành tựu hai phép quán này, hành giả đạt được Duyên Nhiếp Thọ Trí (Paccayapariggaha-ñāṇa) [2]. Đây là trí thứ 2 trong 16 loại trí trong lộ trình Thất Tịnh – Thập Lục Quán Trí. Tri kiến đạt được của hai giai đoạn 3 và 4 được gọi là Tri Biến Tri (Ñāta-pariññā).

5. Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh (Maggāmaggañāṇa-dassanavissuddhi)

Trong giai đoạn này hành giả đạt được hai loại trí, đó là: Tư Duy Trí (Sammasana-ñāṇa) [3] và Sinh Diệt Tuỳ Quán Trí (Udayababaya-ñāṇa) [4]. Hai trí trên cũng có thể gọi tắt lại là Độ Biến Tri (Tīraṇa-pariññā). Trong giai đoạn này hành giả thật sự đi vào lộ trình Minh Sát Chiếu Kiến (Vipassanā-kammaṭṭhāna). Đặc tính (lakkhaṇa), tác dụng (rasa), hiện trạng (paccupaṭṭhāna), và cận nhân (padaṭṭhāna) của các sự vật hiện tượng được nhìn đúng như bản chất, tướng trạng của chúng.

6. Hành Đạo Tri Kiến Tịnh (Paṭipadāñāṇadassana-vissuddhi)

Ở giai đoạn này hành giả đạt được 9 loại trí kế tiếp, đó là: Hoại Diệt Tuỳ Quán Trí (Bhaṅga-ñāṇa) [5], Bố Uý Hiện Khởi Trí (bhaya-ñāṇa) [6], Quá Hoạn Tuỳ Quán Trí (Ādinava-ñāṇa) [7], Yểm Ly Tuỳ Quán Trí (Nibbidā-ñāṇa) [8], Dục Giải Thoát Trí (Muñcitukamyatā-ñāṇa) [9], Thẩm Sát Tuỳ Quán Trí (Paṭisaṅkhā-ñāṇa) [10], Hành Xả Trí (Saṅkhārupekkhā-ñāṇa) [11], Tuỳ Thuận Trí (Anuloma-ñāṇa) [12], Chủng Sanh Trí (Gotrabhu-ñāṇa) [13].

7. Tri Kiến Tịnh (Ñāṇadassana-vissuddhi)

Tới giai đoạn này nghĩa là hành giả đã vô được 4 Đạo (Magga). Trong giai đoạn này, 3 trí sau sẽ hiện khởi: Đạo Trí (Magga-ñāṇa)[14], Quả Trí (Phala-ñāṇa) [15], và cuối cùng là Tỉnh Sát Trí (Paccavekkhaṇa-ñāṇa) [16].

Mười ba (13) loại trí từ giai đoạn thứ 6 đến thứ 7 có thể gọi tắt lại là Đoạn Biến Trí (Pahāna-pariññā). Tới đây, đối với một hành giả, ” sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn trở lui đời sống này nữa.”

********************************

Đây là lộ trình căn bản mà HT và các vị giáo thọ ở thiền viện hướng dẫn thiền sinh tu tập. Vì thoả mãn tính tò mò nghiên cứu, và cũng để giúp cho những vị không biết tiếng Anh (tôi đã gặp ở Miến và ở vài nơi khác) bất đắc dĩ trình bày tóm tắt lộ trình tu trên.


[1]Tôi sẽ đánh số [1] cho đến [16] để tiện theo dõi 16 loại trí trong hệ thống thất tịnh thập lục quán trí này.

Nguồn:http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/tuthien_tai_Pa-auk.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/12/2012(Xem: 15052)
Nguyên tác Hoa ngữ của “66 cầuthiền ngữ” này là “Lục thập lục điều kinhđiển thiền ngữ” (六十六條經典禪語),có nghĩa là “66 câu thiền ngữ trong Kinhđiển [Phật giáo]”, được phổ biếntrên internet vào khoảng năm 2004. Bản dịch tiếng Việt được phổ biến năm 2010,có tựa đề là “66 cầu làm chấn động thiền ngữ thế giới” hoặc “66 câu Phật họclàm chấn động thiền ngữ” đều không chuẩn với nguyên tác Hoa ngữ, đồng thời, đãthêm cụm từ “chấn động thế giới” và tỉnh lược từ “kinh điển”.
17/11/2012(Xem: 4135)
Thân người có ba chứng bệnh là bệnh thuộc về phong, bệnh thuộc về hàn và bệnh thuộc về nhiệt, nhưng ba chứng bệnh này gây họa không lớn, chỉ khổ trong một đời. Tâm cũng có ba nhóm bệnh, nhưng ba bệnh này gây họa thật nghiêm trọng, khiến con người phải chịu khổ đau vô lượng kiếp. Chỉ có Đức Phật, một đại lương y mới có thể ban thuốc chữa trị. Người tu hành trong vô lượng thế giới mãi bị các căn bệnh hiểm nghèo này, hôm nay mới có cơ hội tu dưỡng đức hạnh. Thế nên phải có ý chí kiên định, siêng năng tu tập, không tiếc thân mạng. Như một chiến tướng xông trận, nếu lòng không kiên định thì không thể phá giặc, phá giặc loạn tưởng
03/10/2012(Xem: 6281)
Con đường hướng về sự nhẹ nhàng, chẳng lẽ không là hướng mở đúng đắn giữa một nhịp sống chẳng “nhẹ” chút nào, giữa bao nhiêu lực tấn công từ mọi phía...
30/09/2012(Xem: 9263)
Từ xưa, Phật giáo Trung Hoa cho hệ thống những người chuyên tâm tọa thiền là Thiền tông bao gồm cả hai hệ thống Thiên Thai và Tam Luận chớ không nhất thiết chỉcó Đạt Ma tông. Nhưng từ đời Đường về sau, Đạt Ma tông trở nên hưng thịnh vì thế từ ngữ Thiền tông liền chuyển sang để chỉ cho Đạt Ma tông.
01/08/2012(Xem: 16094)
Kinh là lời Phật, Thiền là Tâm Phật. Lời Phật chỉ là phương tiện dẫn lối, đưa người vào ngôi nhà Chánh giác, giống như ngón tay chỉ trăng. Tâm Phật mới là cứu cánh của Chân lý bất nhị. Cho nên Phật dạy Tâm là tông chỉ, cửa Không là cửa Pháp. Đã là cửa Không, thì tại sao bày chi Mười cổng? Há chẳng nghe người xưa bảo, “Từ cửa mà vào thì không phải là của báu trong nhà. Nhờ duyên mà thành tựu tất phải có vay mượn bên ngoài.” Nói như vậy thật chẳng khác gì đất bằng dậy sóng, thịt da đang lành lặn lại đem ra cắt mổ đớn đau. Đã là tự tánh thì ai cũng vốn sẵn có đầy đủ, xưa chẳng bớt, nay chẳng thêm. Nhưng vì vô minh phủ lấp, hể còn sống trong đối đãi thì phải dùng pháp đối trị để ngăn ngừa vọng tâm điên đảo: Sáng đối với tối, Tịnh đối với nhiễm, Giới Định Huệ đối với Tham sân si v.v…
30/07/2012(Xem: 14446)
Nói về Giáo, trong Kinh Trung A Hàm (Bahuvedaniya-Majjhima Nikaya) số 57, đức Phật đã chỉ dẫn Mười loại Hạnh phúc Tối thượng, sắp xếp thứ tự do kết quả tu chứng, trong đó có: Đoạn thứ 6. “ Này Anandà. Nơi đây vượt hẳn lên khỏi mọi tri giác và hình thể (Sắc), không còn phản ứng của giác quan, hoàn toàn không chú tâm đến mọi sự khác nhau của tri giác ….” Đoạn thứ 10. “Nơi đây vượt hẳn lên khỏi cảnh giới Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng (Chẳng Phải Tưởng, Chẳng Phải Chẳng Có Tưởng), đạt đến sự chấm dứt mọi Tri giác và Cảm giác (Sãnnavedayita Niroda).”
28/07/2012(Xem: 8807)
Cổ đức bảo: “Kinh là lời Phật, Thiền là Tâm Phật”. Trên lộ trình Giác ngộ, hành giả cần phải thực hành cả hai mặt: Thấu ngữvà Đạt tâm. Do đó, chư Phật, chư Tổ ứng cơ thị hiện, tiếp dẫn độ sanh, nhằm mục đích tạo cho con người có một cuộc sống an bình tự tại. Phương tiện thì nhiều, nhưng cứu cánh chỉ có một. Nếu chúng ta biết tự chủ, nỗ lực tinh tiến dũng mãnh không chi chẳng thành tựu. Tinh tiến ít thì đạt kết quả ít, tinh tiến nhiều thì đạt kết quả nhiều. Tinh tiến rốt ráo thì kết quả viên mãn.
26/07/2012(Xem: 12513)
Giáo pháp Thiền giống như một cánh cửa sổ. Trước nhất chúng ta mới nhìn vào chỉ thấy bề mặt phản ánh lờ mờ. Nhưng khi chúng ta tu hành thì khả năng nhìn thấy trở nên rõ ràng.
25/07/2012(Xem: 15323)
Thiền (Zen) nghĩa là nhận biết Tự tánh (True Sefl). “ Ta là gì ?” (What am I?) Đó là câu hỏi rất quan trọng. Nhất thể trong sạch sáng suốt là gì? Nếu thấu hiểu, quý vị sẽ được tự do tự tại trong sanh tử. Làm thế nào đạt được tự do tự tại trong sanh tử? Trước hết, điều cần thiết là hướng đi phải rõ ràng.
09/07/2012(Xem: 3417)
Thiền và cảm xúc có một mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình tu tập, chuyển hoá tâm cho đến khi đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]