Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mục 6: Chỉ Rõ Ý Nghĩa Tánh Thấy Không Phải Là Cái Thấy, Viên Mãn Bồ Đề

23/11/201217:05(Xem: 11034)
Mục 6: Chỉ Rõ Ý Nghĩa Tánh Thấy Không Phải Là Cái Thấy, Viên Mãn Bồ Đề

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

Mục 6: Chỉ Rõ Ý Nghĩa Tánh Thấy Không Phải Là Cái Thấy, Viên Mãn Bồ Đề

Kinh: “Anan, nay Ta đem hai việc ấy lui tới, kết hợp mà chỉ rõ.

“Anan, như cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp của chúng sanh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền cảnh mà thật ra là do bệnh nhặm của người ấy tạo thành. Nhặm thì mắt lòa, chẳng phải sắc tạo ra. Nhưng cái Thấy Được Bệnh Lòa vẫn không có lỗi lầm gì về sự thấy cả.

“So sánh với hiện giờ, ông dùng con mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sanh, đều là do cái Bệnh Thấy từ vô thủy tạo thành. Cái Thấy và Cái Được Thấy hình như hiện ra tiền cảnh, thật ra vốn chỉ là cái Bệnh Lòa, thấy có năng kiến và sở kiến ở trong cái Giác Minh mà thôi.

“Những sự Thấy, Biết đều là bệnh nhặm, còn cái Bổn Giác Minh Tâm thấu suốt các duyên vốn không có bệnh nhặm. Cái Biết và Cái Được Biết đều là bệnh nhặm, còn cái Bổn Giác thì không ở trong bệnh nhặm. Đó là cái Tánh Thấy Hằng Thấy, làm sao gọi được là sự Thấy, Nghe, Hay, Biết?

“Vậy nên, nay ông nhìn thấy Ta, nhìn thấy ông, cùng mười loại chúng sanh trong thế gian đều là cái Thấy Nhặm, mà chẳng phải là cái Thấy Chân Thật thấy được bệnh nhặm. Cái Tánh Thấy Chân Thật kia vốn chẳng hề nhặm, cho nên không gọi là Thấy nữa.

Thông rằng: Lấy cái bóng tròn mà so với Tiền Cảnh, lấy mắt nhặm mà so với cái Bệnh Thấy, lấy cái Thấy Lòa mà so với cái Giác Minh [A Lại Da Thức còn có nhiễm ô], lấy cái Thấy Được Bệnh Nhặm so với Tánh Bản Giác [A Lại Da Thức không còn nhiễm ô, gọi là Bạch Tịnh Thức.]thì không gì mà chẳng rõ. Dù văn nghĩa khúc mắc, nhưng không có chỗ nào không phát minh cái Thấy là bệnh nhặm, mà cái Tánh Thấy Hằng Thấy vốn chẳng hề nhặm. Cái Thấy và Cái Được Thấy, đó là Căn và Cảnh hòa hợp, mà hiện ra có núi sông, cõi nước và chúng sanh, cũng giống như sự hiện ra của Cảnh vật trước mắt, thật cũng chỉ như cái bóng tròn thấy nơi ngọn đèn. Bóng tròn chẳng do sắc tạo ra, thì các thứ trên cũng không phải do Cảnh tạo ra. Nguyên là cái Giác Minh của ta vọng thấy có chỗ duyên, như con mắt nhặm thì thành ra có bóng tròn.

Cái Giác Minh này vọng thấy, nhân ở Minh mà lập ra Cái Sở, rồi lại duyên bám theo ngoại cảnh, đó là bệnh nhặm. Còn cái Bổn Giác Minh Tâm nào rơi vào nơi chốn, thường giác các tướng sanh khởi của các duyên, chẳng đuổi theo các duyên mà trôi lăn, thì vốn chẳng hề nhặm. Vậy, nên biết do cái Giác Minh của ta duyên nơi tiền cảnh mà thành cái Sở Giác (Cái Được Biết). Cái Sở Giác là bệnh nhặm, mà cái Tánh Bổn Giác thật là cái Thường Biết. Cái Bổn Giác Minh Tâm đã thường tỏ biết cái nhặm, biết cái nhặm là bệnh, vốn tự tại, nào có sa vào chuyện nhặm ? Nói là “Cái Biết và Cái Được Biết đều là bệnh nhặm”, nghĩa là cái Giác Minh của ta thấy có chỗ duyên bèn là bệnh nhặm, lấy cái Biết và Được Biết ấy làm duyên mà có. Nói là “Cái Bổn Giác không ở trong bệnh nhặm”, là tương ưng với Cái Bổn Giác Minh Tâm thường rõ các Duyên, mà không có bệnh nhặm; ở nơi phù trần chưa khởi, chẳng sa vào cái nhặm của Thức Giới. Đây chẳng phải là cảnh giới của Thấy, Nghe, Hay, Biết cho nên nói “Đây thật là Tánh Thấy Hằng Thấy, sao gọi được là sự thấy, nghe, hay, biết?”

Nếu lấy cái sự thấy, nghe, hay, biết mà cho đó là Tánh, thì chẳng khác nào lấy con mắt nhặm mà cho là con mắt trong sạch, sao mà thông cho nổi?

Ngài Tam Bình có bài kệ :

“Chỉ Thấy, Nghe này chẳng phải Thấy, Nghe

Tuyệt không thanh, sắc để trình ông

Trong đây nếu rõ, toàn vô sự

Thể, Dụng nào cần phân, chẳng phân”.

(Chỉ thử kiến văn phi kiến văn

Vô dư Thanh, Sắc khả trình quân

Cá trung nhược liễu toàn vô sự

Thể, Dụng hà phòng phân, bất phân).

Tổ Vân Môn nêu ra: “Ngay “Chỉ Thấy, Nghe này chẳng phải Thấy, Nghe”: gọi cái gì là Thấy, Nghe? “Tuyệt không thanh, sắc để trình ông”: có thanh, sắc nào ở nơi miệng? “Trong đây nếu rõ, toàn vô sự”: có chuyện gì đâu? “Thể, Dụng nào cần phân, chẳng phân”: lời nói là Thể, hay Thể là lời nói?”

Ngài lại đưa cây trụ trượng lên mà nói: “Trụ trượng là Thể, đèn lồng là Dụng, thế là phân hay chẳng phân? Chẳng thấy nói “Nhất Thiết Trí Thanh Tịnh” ư?”

Sau, Ngài Bạch Vân Đoan nêu ra rằng: “Vân Môn chỉ hiểu y theo khuôn sáo mà vẽ chân mày, viên thông thì chẳng thế!”

“Ngay “Thấy, Nghe này chẳng phải Thấy, Nghe. Tuyệt không thanh, sắc để trình ông”: mắt là mắt, tai là tai!

““Trong đây nếu rõ, toàn vô sự. Thể, Dụng nào cần phân, chẳng phân”: Bốn, năm trăm cành hoa liễu (trong) ngõ. Hai ba ngàn chỗ xướng ca lầu”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Thật gặp nhau, chẳng giao thiệp

Sáu cửa mở toang, bốn đường tuyệt dấu

Khắp cõi là quang minh, suốt thân không sau trước

Sợi tơ chẳng bận chuyện con thoi

Hoa mỹ tung hoành riêng ý khác”.

Ngài Tam Bình riêng có một bài tụng:

“Thấy, Nghe, Hay, Biết vốn chẳng (nguyên) nhân

Đương Thể rỗng mầu, tuyệt vọng, chân

Thấy Tướng, chẳng sanh si ái nghiệp

Rỗng nhiên, toàn hết : Thích Ca Thân”.

Lại nữa, Tổ Huệ Siêu thượng đường dạy rằng: “Này các Thượng Tọa, Thấy, Nghe, Hay, Biết thì chẳng phải là Thấy, Nghe, Hay, Biết. Thể hội chăng? Cùng với các vị Thượng Tọa nói rõ lắm rồi đó, nhưng phải chờ chư vị ngôï mới được!”

Hợp các đoạn trên để chú giải đoạn kinh này.

Kinh: “Anan, cái Vọng Kiến Đồng Phận của chúng sanh kia so với cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp của một người thì một người đau mắt cũng đồng như một nước kia.

“Người đau mắt thấy bóng tròn là do mắt nhặm hư vọng sanh ra; còn trong một nước kia hiện ra các điềm xấu là do ác duyên đồng phận của chúng sanh tạo nên. Cả hai đều là do cái Thấy hư vọng từ vô thủy sanh ra.

“Suy ra, ba ngàn Châu trong cõi Diêm Phù Đề, cùng bốn biển lớn, Ta Bà thế giới, cho đến các cõi Hữu Lậu mười phương cùng các chúng sanh đồng ở trong Diệu Tâm Vô Lậu, nhưng do cái bệnh duyên hư vọng tạo thành Thấy, Nghe, Hay, Biết hòa hợp mà giả dối sanh ra, hòa hợp mà giả dối diệt mất. Nếu xa lìa các bệnh duyên hòa hợp và chẳng hòa hợp này, tức thì diệt trở lại được các nguyên nhân sanh tử, tròn đủ Thể Bồ Đề không sanh không diệt, đó là cái Bản Tâm Xưa Nay Trong Sạch, cái Vốn Giác Ngộ Thường Trụ Xưa Nay vậy.

Thông rằng: Lấy con mắt nhặm để hiển bày cái Vọng thì dễ, lấy cái điềm xấu mà hiển bày cái Vọng thì khó, cho nên lấy Biệt Nghiệp mà so với Đồng Phận vậy. Hơn nữa, cái Vọng là các điềm xấu trong Đồng Phận còn dễ biết, chứ cái Bệnh Duyên hư vọng là các cõi nước Hữu Lậu thì quả là khó tin. Cho nên lấy dễ mà suy ra khó vậy.

Chỗ thấy có núi sông, cõi nước cùng mười loại chúng sanh trong thế gian tuy thuộc hư vọng, nhưng đồng là cái Diệu Tâm Vô Lậu. Nói Diệu, tức là vật mà chẳng phải vật, tức là Cảnh mà chẳng phải Cảnh. Chỉ vì quay lưng lại với Giác mà hợp với Trần thì thành Hữu Lậu. Hữu Lậu thì bị vật chuyển, cùng với bệnh nhặm bèn đồng. Còn nếu trái với Trần, hợp với Giác thì vốn tự Vô Lậu. Vô Lậu thì chuyển được vật, tức đồng với không nhặm. Đồng một Giác Minh, mà Vô Lậu tức là Bổn Tâm Thanh Tịnh, Bổn Giác Thường Trụ; còn Hữu Lậu thì chẳng biết Chơn mà chạy theo Vọng, trôi lăn sanh tử, hòa hợp mà vọng sanh ra, hòa hợp mà vọng diệt mất. Tương ưng với đoạn trước: “Ngay trong đó mà lại phát sanh, do Nghiệp bèn chịu xoay vần”. Chơn, Vọng vốn hòa hiệp, mà nói riêng về Vọng bởi vì Chân Như đang ở trong phiền não vậy. Các tướng hòa hợp, tức là tại trong ba cõi mà lưu chuyển. Các tướng bất hòa hợp là cái kiến chấp chẳng sanh diệt, Tự Nhiên của ngoại đạo. Cả hai thứ duyên hòa hiệp và chẳng hòa hiệp này chính là gốc rễ, nguyên nhân của sanh tử, đều là cái vọng kiến điên đảo. Nếu cái Vọng Thấy mà tiêu tan, chỉ còn một Bổn Giác. Cũng như bệnh nhặm tiêu tan, thì chỉ còn một con mắt thuần túy sáng sạch. Há đó chẳng phải là Tánh Bồ Đề tròn đủ, bất sanh bất diệt sao? Đến trong cái Bồ Đề tròn đầy ấy rồi mới tin được “Thấy do lìa Thấy, Thấy ấy siêu việt” vậy.

Tổ Huyền Sa thượng đường dạy rằng: “Tôi nay hỏi các ông, các ông đang đảm đương chuyện gì vậy? Ở thế giới nào mà an thân lập mạng đây? Có thấy ra được không? Nếu chẳng nhìn ra được thì khác nào dụi mắt sanh ra hoa đốm, thấy toàn chuyện hư vọng. Có biết thế không? Như nay trước mắt thấy đủ núi sông, đất đai, sắc, không, sáng, tối, vô vàn sự vật đều là hoa đốm điên cuồng nhọc mệt. Phải gọi tất cả những thứ đó là tri kiến điên đảo.

“Phàm là người xuất gia, phải rõ Tâm, thấu đạt Cội Nguồn mới được gọi là Sa Môn. Nay các ông đã cạo đầu, khoác y làm nên hình tướng Sa Môn, tức là đã có phần tự lợi, lợi người mà nay chỉ thấy toàn là tối đen như mực, thì tự cứu còn chẳng xong huống là giải thoát cho người?

“Này các nhân giả, nhân duyên với Phật Pháp là sự lớn lao, chớ có dễ ngươi, xúm nhau mà nói tầm phào cho qua ngày qua buổi. Tháng ngày khó được, tiếc thay cho bậc đại trượng phu! Sao chẳng tự tỉnh sát, nhìn xem đó là vật gì? Chỉ như đây là Tông Thừa từ xưa, là dòng giống Phật Đảnh. Bởi vì các ông chẳng kham nhận lãnh, nên tôi mới phương tiện khuyên răn: Cần theo cửa Ca Diếp mà nối gót đốn siêu.

“Một cái cửa này vượt hẳn phàm Thánh, nhân quả, siêu việt thế giới Hải Diệu Trang Nghiêm của Phật Tỳ Lô, siêu việt các pháp môn phương tiện của Phật Thích Ca. Ngay đây là vĩnh kiếp: chẳng dạy cho các ông có được một vật gì để khởi lên nhãn kiến, sao chẳng tự mình gấp gấp nghiệm lấy? Để khỏi cần nói “Ta phải chờ hai, ba kiếp góp chứa nghiệp lành”.

“Này các nhân giả, Tông Thừa là cái việc gì mà chẳng thể do sự dụng công trang nghiêm của ông mới đắc, mà dù có tha tâm thông, túc mạng thông cũng không thể đắc? Hội chăng?

“Như Đức Thích Ca ra đời làm ra biết bao nhiêu trò biến hóa giỡn đùa, thuyết Mười Hai Thời Giáo như xối nước, làm nên một trường Phật Sự. Thế mà đối với pháp môn này thì một điểm dùng cũng chẳng được, dùng một chút nghề như mảy lông cũng chẳng được! Biết chăng? Như đồng trong việc mộng, thì có nói cũng là nói mớ thôi. Bậc Sa Môn chẳng có ra đời, không cùng việc mộng, bởi vì rõ biết. Các ông có biết không? Rõ được tức là người Đại Giải Thoát, Đại Triệt Ngộ. Bởi thế mà siêu phàm vượt Thánh, ra khỏi sanh, lìa khỏi tử, rời xa nhân quả, siêu Tỳ Lô, vượt Thích Ca, chẳng bị phàm Thánh, nhân quả dối lừa, chốn chốn nơi nơi không người biết được ông. Hiểu thế chăng?

“Đừng tham luyến hoài cái lưới ân ái sanh tử, bị nghiệp thiện, ác móc kéo lôi đi, chẳng có phần nào tự do. Dầu ông có luyện được cái thân, tâm giống như hư không chăng nữa, dù cho ông có đến được cái chỗ chẳng lay động của Tinh Minh trong trẻo đi nữa, thì cũng chẳng ra khỏi Thức Ấm. Cổ nhân gọi cái ấy như dòng nước chảy xiết, chảy xiết mà chẳng hay, nên lầm cho là yên tĩnh. Tu hành như đó mà đòi ra khỏi bờ cõi luân hồi thì không thể được, vẫn như trước mà bị luân hồi. Bởi thế, mới nói “Các Hành là vô thường”, ngay cả công quả của Tam Thừa, thấy thế cũng nên sợ hãi. Nếu không có Đạo Nhãn thì chẳng có gì là rốt ráo. Đâu bằng như nay kẻ bạc địa phàm phu, chẳng dùng một tơ hào công phu, liền đốn siêu tức khắc. Biết rõ chỗ đặt hết tâm lực chăng? Trở lại cầu muốn cái gì? Xin khuyên các ông! Ngay đây đang chờ các ông đó! Không dạy các ông gia công tu luyện! Như nay mà chẳng như vậy còn chờ đến khi nào? Được không?”

Rồi bèn xuống tòa.

Tổ Huyền Sa nhân đọc kinh Lăng Nghiêm mà phát minh Tâm Địa. Thốt lời, nhả khí mỗi mỗi đều hợp với kinh này. Ở nơi đấy mà tin nhập, liền ngay tròn đủ Bồ Đề Bổn Giác thường trụ, còn có vọng kiến nào là bệnh ư?

Kinh: “Anan, ông tuy đã ngộ cái Bản Giác Diệu Minh vốn chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên nhưng còn chưa rõ cái Bản Giác như thế không phải Hòa Hợp mà sanh, cũng không phải Không Hòa Hợp.

“Anan, nay tôi lại lấy tiền trần hỏi ông, bởi vì ông còn lấy hết thảy những tính Nhân Duyên Hòa Hợp của vọng tưởng thế gian mà tự nghi ngờ rằng chứng Tâm Bồ Đề cũng do Hòa Hợp mà phát khởi. Vậy thì hiện nay cái Thấy Mầu Sạch của ông là hòa với cái sáng? Là hòa với cái tối? Hòa với thông suốt Hay hòa với cái ngăn bít? Nếu hòa với cái sáng, mà nay ông đang thấy sáng, thì cái sáng hiện đó, ở chỗ nào xen lẫn với cái Thấy? Cái Thấy, cái sáng có thể nhận rõ, còn hình tượng xen lộn thì như thế nào? Nếu cái sáng chẳng phải là cái Thấy thì làm sao thấy được cái sáng? Nếu cái sáng tức là cái Thấy thì làm sao thấy được cái Thấy? Nếu cái Thấy cùng khắp thì còn chỗ nào để hòa được với cái sáng? Nếu cái sáng cùng khắp thì lẽ ra không Hòa được với cái Thấy. Cái Thấy đã khác với cái sáng thì khi xen lẫn tất phải làm mất tính cách của cái sáng. Cái Thấy xen vào làm mất tính chất của cái sáng, mà nói hòa với cái sáng thì không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít thì cũng như vậy.

“Lại nữa, Anan, hiện nay cái Thấy Mầu Sạch của ông hợp cùng cái sáng, hợp với cái tối, hợp với cái thông suốt hay hợp với cái ngăn bít? Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái Thấy đó không hợp với cái tối thì làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tối mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp với cái sáng, không thấy được cái sáng! Mà đã không thấy được sáng thì làm sao hợp với cái sáng và rõ biết cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như vậy.

Thông rằng: Cái Bổn Giác Diệu Minh chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên, Ông Anan trước đã tỏ ngộ sơ qua là nó hình như chẳng phải là Nhân Duyên hay Tự Nhiên, nhưng lại chấp rằng ba duyên ánh sáng của thế gian họp lại thì thành ra cái Thấy. Ông còn nghi rằng chứng Bồ Đề Tâm hẳn do Hòa Hợp mà phát khởi.

Cái Thấy của thế gian kia không những thấy cái sáng, mà còn thấy cả cái tối, thì rõ ràng là không phải nhờ các duyên vậy. Huống là cái Bồ Đề Bổn Giác vốn thường trụ, lìa ngoài mọi cái Thấy, há có thể gọi là Hòa Hợp sao?

Nói là Hòa, thì như nước hòa với đất, trộn lẫn không phân biệt được. Nay cái Thấy và cái sáng, cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít làm sao hòa được? Cái Thấy thuộc về Hữu Tình, cái Cảnh thuộc về Vô Tình, rõ ràng có thể biện biệt. Như hai cái đó hòa trộn lẫn nhau thì làm nên hình trạng gì? Cái Thấy thì thấy được cái sáng, nên hình như là trộn lẫn được. Nhưng cái sáng thì không thể tự thấy, mà chỉ có cái Thấy mới có thể thấy, thì hai cái hẳn không thể trộn lẫn. Nếu có thể trộn lẫn, ắt là phải có chỗ chẳng cùng khắp, mà nay cái Thấy là Kiến Phần và cái Bị Thấy là Tướng Phần, mỗi cái đều tròn vẹn, đầy khắp pháp giới, còn chỗ nào để mà hòa đây? Giả sử có thể trộn lẫn, thì cái Thấy đã trộn lẫn với cái Cảnh, vậy còn đâu là cái Thấy nữa? Và cái Cảnh Tướng đã trộn lẫn với cái Thấy, thì không thể gọi là Cảnh Tướng. Cái Thấy cùng với Tướng Bị Thấy phải khác nhau, chẳng thể hòa vậy.

Nói là Hợp, thì như cái nắp và cái hộp hợp với nhau, nương nhau mà chẳng lìa. Nay thì cái Thấy cùng với tiền cảnh là sáng, tối, thông, bít làm sao hợp được? Vì nếu cùng cái sáng hợp thì không thể thấy cái tối. Đã không hợp với cái tối, mà có thể thấy được cái tối thì cũng phải không hợp với cái sáng mới có thể thấy được cái sáng. Còn nếu hợp với cái sáng thì không thấy được cái sáng vậy! Đã không thể thấy sáng thì không thể gọi là hợp nhau, làm sao lại cùng với cái sáng hợp được! Biết rằng Sáng chẳng phải tối, thì cả hai cái thấy sáng và cái thấy tối đều không hợp nhau được. Cái thấy hẳn là khác với tiền cảnh, không thể hợp được.

Đã là cái Kiến Tinh này thì sáng, tối, thông, bít đều chẳng phải là cái Thấy, nên mới nói là Trong Sạch (Tịnh). Nhưng sáng, tối, thông, bít chẳng có cái nào không phải là cái Thấy, nên gọi là Diệu. Nói Kiến Tinh là Diệu Tịnh vì nó là cái Tịnh Sắc Căn, chẳng dính dáng với vọng trần, chẳng phải do Hòa Hợp mà sanh ra, huống là cái Tánh Thấy vốn là Giác Ngộ, trong sạch cực cùng, mầu nhiệm cực cùng, há lại do căn trần hòa hợp mà hiện hữu ư?

Tổ Chương Kính thượng đường, nói: “Tột Lý quên lời, người đời chẳng hiểu. Gượng ép tu tập việc ngoài, cho là công phu. Chẳng biết rằng Tự Tánh vốn không dính dáng đến trần cảnh, đó là cái pháp môn Vi Diệu Đại Giải Thoát. Vốn có cái gương hằng giác, không nhiễm ô, không ngăn ngại. Cái Quang Minh đó chưa từng mai một, vô thủy đến nay không hề đổi khác. Cũng như mặt trời, xa gần đều soi chiếu. Tuy đến các sắc tượng mà chẳng hòa hợp với tất cả, Linh Diệu Độc Sáng, chẳng nhờ rèn luyện. Chỉ vì chẳng biết nên đeo giữ hình tướng. Chẳng khác nào dụi mắt thấy Không-hoa, uổng tự nhọc nhằn, qua nhiều đời kiếp. Nếu liền phản chiếu thì không có được người thứ hai! Làm lụng bày biện này kia, nào chẳng kém hao Thật Tướng!”

Ngài Không Thất Đạo Nhân Trí Thông nhân xem cuốn Pháp Giới Quán liền tỏ ngộ, làm hai bài kệ:

Bài Một :

Mênh mông trần thế một Tánh Như

Dọc ngang xen lẫn ấn Tỳ Lô

Toàn sóng là nước, sóng chẳng là nước

Toàn nước thành sóng, nước tự mình!

(Hạo hạo trần trung thể Nhất Như

Tung hoành giao hỗ ấn Tỳ Lô

Toàn ba thị thủy, ba phi thủy

Toàn thủy thành ba, thủy tự thù).

Đây là nghĩa Chẳng Hòa Hợp.

Bài Hai :

Ta, Vật vốn không khác

Trùng trùng gương, bóng đồng

Sáng trong, siêu chủ bạn

Tỏ tỏ, triệt Chân Không

Một Thể trùm muôn pháp

Trong lưới báu nhập nhau

Trùng trùng, không cùng tận

Động, tĩnh vốn viên thông

(Vật ngã nguyên vô dị

Sum la cảnh tượng đồng

Minh minh siêu chủ bạn

Liễu liễu triệt Chơn Không

Nhất Thể hàm đa pháp

Giao tham đế võng trung

Trùng trùng vô tận xứ

Động tĩnh tất viên thông).

Đây lại là nghĩa Chẳng phải Không Hòa Hợp.

Kinh: Ông Anan bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, như chỗ tôi suy nghĩ: cái Tâm Tánh này đối với các trần cảnh và các tâm niệm không Hòa Hợp chăng?”

Phật dạy : “Nay ông lại nói Tánh Giác không Hòa Hợp, thì ta lại hỏi ông: Cái Thấy Mầu Nhiệm này mà gọi là chẳng Hòa Hợp đó, là không hòa với cái sáng, là không hòa với cái tối, là không hòa với sự thông suốt, hay là không hòa với sự ngăn bít? Nếu không hòa với cái sáng, thì giữa cái Thấy và cái sáng phải có ranh giới. Ông nay hãy xét kỹ: chỗ nào là cái sáng? Chỗ nào là cái Thấy? Nơi cái Thấy, nơi cái sáng thì lấy từ đâu làm ranh giới? Anan, nếu ở trong ranh giới của cái sáng chắc không có cái Thấy, hai cái không đến với nhau, cái Thấy tự chẳng biết được cái sáng ở đâu, thì ranh giới làm sao thành lập? Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như thế.

“Lại cái Thấy mà gọi là chẳng có hòa hợp đó, là không hợp với cái sáng, không hợp với cái tối, không hợp với cái thông suốt, hay không hợp với cái ngăn bít? Nếu không hợp với cái sáng, tức là cái Thấy và cái sáng tánh trái ngược nhau, cũng như lỗ tai với cái sáng hoàn toàn không liên quan gì nhau. Nếu vậy thì cái Thấy không biết được cái sáng ở đâu, làm sao mà phân biệt ra được cái lẽ Hợp hay Chẳng Hợp? Đối với cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít thì cũng như thế.

Thông rằng: Chỗ Không Hòa Hợp mà Ông Anan nghi ấy là hai pháp Chơn và Vọng, hình như chẳng có tương nhập, vì ông chưa có thể dung thông Chơn, Vọng làm một.

Tạm nói là Không Hòa, thì cái Thấy và cái sáng phải có ranh giới. Tạm nói là Không Hợp, thì cái Thấy và cái sáng, tánh tướng trái ngược nhau. Nay đều chẳng phải vậy, nên biết rằng chẳng phải Không Hòa Hợp.

Ở đoạn trước, Ông Anan nói “Không thể ở nơi hình tướng của muôn vật trước mặt mà phân tách ra được cái Thấy có riêng tự tánh, lìa ngoài mọi vật”, thì cũng tương tự chỗ này. Đã nói Không Hòa Hợp là từ nơi sự diệu tịnh của cái Thấy mà nói, tịnh cho nên chẳng dung chứa sự xen tạp. Lại nói Chẳng phải Không Hòa Hợp, là từ riêng sự Diệu của cái Thấy mà nói, Diệu thì không chỗ nào mà không có.

Cuốn Bách Môn Nghĩa Hải nói “Thấu đạt Vô Sanh là hiểu rằng Trần Cảnh là Duyên của Tâm, và Tâm là Nhân của Trần Cảnh. Nhân Duyên hòa hiệp thì các huyễn tướng mới sanh ra. Do từ Duyên sanh, nên Vô Tự Tánh. Tại sao thế ? Vì nay Trần chẳng thể tự duyên mà phải chờ có tâm. Tâm chẳng thể tự mình làm tâm, tất phải chờ có duyên Trần. Do nương nhau mà có, nên không thể định. Do đó, Duyên Sanh tức là Vô Sanh, chứ chẳng phải bỏ Duyên Sanh mà nói Vô Sanh”.

Tổ Thiệu Tiên thượng đường, nói : “Vo chẳng dính, đập chẳng tan, phơi nắng không khô, ngâm nước không thối. Một mực treo giữa Thái Hư, mặc người mắt lạnh cạnh bên nhìn”.

Hòa Thượng Bì Thọ đang hơ lửa.

Ngài Đạo Ngô hỏi: “Làm gì thế?”

Tổ Thọ nói: “Hòa hiệp”.

Đạo Ngô: “Như thế tức là ngay đó mà thoát ư?”

Tổ Thọ rằng: “Cách xa bao nhiêu thời gian rồi vậy?”

Ngài Đạo Ngô phất tay áo, bỏ đi.

Một hôm, Ngài Đạo Ngô ở ngoài về, Tổ Bì Thọ hỏi: “Từ đâu về đó?”

Ngài Đạo Ngô đáp: “Gần đây thôi”.

Tổ Thọ rằng: “Dùng sàng sảy hai miếng da đó làm gì?”

Ngài Ngô: “Mượn”.

Tổ Thọ rằng: “Kia có thì cho ông mượn, còn không thì làm sao?”

Đạo Ngô: “Chỉ vì có nên mới mượn”.

Xem chỗ cử xướng của chư tôn túc như thế, thì cái Diệu Giác Nguyên đó cùng các duyên trần và các tâm niệm là Hòa Hợp hay chẳng Hòa Hợp? Cần có mắt mới được!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]