Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Chỉ Ra Không Có Cái Gì Ra Ngoài Tánh Thấy

23/11/201217:05(Xem: 11650)
03. Chỉ Ra Không Có Cái Gì Ra Ngoài Tánh Thấy

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM


Mục 3: Phật Nêu Ra Tánh Thấy Ngoài Các Nghĩa “Phải” Và “Chẳng Phải”

III. CHỈ RA KHÔNG CÓ CÁI GÌ RA NGOÀI TÁNH THẤY

Phật lại bảo Ông Anan: “Như lời ông nói: Không có cái Thấy mà lìa ngoài tất cả vật lại riêng có tự tánh, do đó trong tất cả các vật chỉ ra được, không có cái gì là cái Thấy cả. Nay ta lại bảo ông: Ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ Đà, lại xem vườn rừng cho đến mặt trời, mặt trăng, đủ thứ hình tượng khác nhau, chắc không có cái Thấy cho ông chỉ ra được. Vậy ông hãy phát minh trong các vật đó, cái gì chẳng phải là cái Thấy?”

Ông Anan bạch: “Quả thật, tôi nhìn khắp rừng Kỳ Đà này chẳng biết trong đó có cái gì không phải là cái Thấy. Tại sao thế? Nếu cái cây chẳng phải là cái Thấy thì làm sao thấy được cây? Còn nếu cái cây là cái Thấy thì sao lại là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải là cái Thấy, thì làm sao thấy hư không. Nếu hư không tức là cái Thấy, thì sao lại là hư không? Tôi lại suy nghĩ: trong muôn vật đó, phát minh cho kỹ lưỡng, thật không có cái gì chẳng phải là cái Thấy cả”.

Phật nói: “Đúng thế, đúng thế!”

Thông rằng: Ông Anan đã biết “Cái chỉ được đều là vật, không có cái gì là cái Thấy” thì thân tâm ta cho đến núi sông bên ngoài, không có Tánh Thấy riêng biệt có thể chỉ ra được, mà sao lại nói “Nay cái Diệu Tánh ấy hiện bày trước mặt tôi”? Hơn nữa, đã biết “Trong muôn tượng, không có cái gì chẳng phải là cái Thấy”; tức thân tâm ta cho đến núi sông bên ngoài không có cái gì chẳng phải là Tánh Thấy, sao lại còn hỏi “Tánh Thấy thật là tôi, mà thân chẳng phải là tôi”?

Đức Thế Tôn bèn khiến ông tự phát huy, khiến cái nghi ngờ từ trước được giải tan ngay.

Xưa, thầy Thủ Tòa Tử Chiêu hỏi Hòa Thượng Pháp Nhãn: “Hòa Thượng khai đường kế pháp người nào?”

Tổ Nhãn rằng : “Ngài Địa Tạng”.

Thầy Chiêu nói: “Rất phụ phàng Tiên Sư Trường Khánh!”

Tổ Nhãn: “Tôi chẳng hiểu một lời chuyển ngữ của Ngài Trường Khánh”.

Thầy Chiêu nói : “Sao không hỏi?”

Tổ Nhãn : ““Ở trong muôn tượng, lộ riêng thân [Vạn tượng chi trung độc lộ thân]” ý là sao?”

Thầy Chiêu bèn dựng đứng cây phất tử.

Tổ Nhãn : “Đó là cái học được ở chỗ Ngài Trường Khánh, còn riêng Thủ Tòa thì sao?”

Thấy Chiêu không nói được.

Tổ Nhãn nói : “Chỉ như Ở trong muôn tượng, lộ riêng thân, đó là bác bỏ muôn tượng hay không bác bỏ muôn tượng?”

Thầy Chiêu đáp : “Chẳng bác bỏ”.

Tổ Nhãn nói : “Hai cái!”

Hỏi những người chung quanh, đều nói : “Bác bỏ muôn tượng”.

Tổ Nhãn nói: “Ở trong muôn tượng, lộ riêng thân, cái Phù trừ quỉ!”.

Về sau, Thượng Tọa Tử Phương cũng từ Trường Khánh đến.

Tổ Nhãn lại đưa ra câu nói ấy. Thầy Tử Phương cũng dựng phất tử.

Tổ Nhãn nói: “Như thế này thì lại tranh cãi được!”

Thầy Phương nói: “Tôn ý của Hòa Thượng như thế nào?”

Tổ Nhãn đáp: “Kêu cái gì làm muôn tượng?”

Thầy Phương: “Người xưa chẳng bác bỏ muôn tượng!”

Tổ Nhãn nói: “Ở trong muôn tượng, lộ riêng thân. Nói gì bác, chẳng bác?”

Thầy Tử Phương bỗng tỏ ngộ lời nói trước của Tổ Pháp Nhãn.

Cái loại cơ duyên này vốn từ chỗ Ngài Địa Tạng mà đắc, làm sao chẳng phải nói pháp Ngài Địa Tạng!

Mới đầu, Tổ Pháp Nhãn cùng với thầy Thiệu Tu, Pháp Tấn ba người đi đến Ngài Địa Tạng. Ngồi sưởi mà bàn về bộ Triệu Luận. Đến câu “Trời đất cùng ta đồng gốc”, Ngài Địa Tạng hỏi: “Núi sông, đất đai với tự kỷ của Thượng Tọa là đồng hay khác?”

Ngài Pháp Nhãn đáp: “Khác”.

Tổ Tạng đưa lên hai ngón tay.

Ngài Nhãn nói: “Đồng”.

Tổ Tạng lại đưa lên hai ngón tay, rồi đứng lên bỏ đi.

Tuyết ngưng, ba người từ giã ra về.

Tổ Tạng đưa tiễn ra cửa, rồi nói: “Bình thường, Thượng Tọa hay nói “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Bèn chỉ phiến đá ngoài sân, hỏi: “Hãy thử nói phiến đá kia là ở trong tâm hay ở ngoài tâm?”

Ngài Pháp Nhãn nói: “Ở trong tâm”.

Tổ Tạng nói: “Người hành cước vì lý do nào mà lại để phiến đá ở trong tâm?”

Ngài Pháp Nhãn cùng quẫn, không sao đáp được, bèn ném áo xuống chiếu, ở lại để cầu quyết trạch. Hơn một tháng, ngày kia Ngài trình kiến giải, nói cái lý đạo.

Tổ Tạng nói: “Phật Pháp chẳng phải như thế”.

Ngài Pháp Nhãn nói : “Tôi đã hết lời, tuyệt lý rồi”.

Tổ Tạng nói: “Nếu luận Phật Pháp, thì hết thảy hiện thành”.

Ngài Pháp Nhãn, ngay dưới câu nói đại ngộ. Mới tin rằng chỗ học được với Ngài Trường Khánh là chưa tới.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Lìa niệm: thấy Phật

Dẹp trần: ra kinh

Hiện thành gia pháp

Nào lập môn đình?

Trăng cùng thuyền lướt, sông trong vắng

Xuân theo ngọn cỏ ngấn tươi xanh

Bác, chẳng bác - Nghe cho kỹ!

Ba đường hoang trống về liền được

Tùng cúc thuở xưa hương vẫn thơm”.

(Ly niệm kiến Phật

Phá trần xuất kinh

Hiện thành gia pháp

Thùy lập môn đình

Nguyệt trục chu hành giang luyện tịnh

Xuân thùy thảo thượng thiên ngấn thanh

Bác, bất bác thinh đinh ninh

Tam kính tựu hoang quy tiện đắc

Cựu thời tùng cúc thượng phương hình).

Hãy lấy tắc công án này cùng với đoạn kinh trên, lật đi lật lại cho rõ ràng mùi mẻ, thì chẳng biết là Ông Quách Tượng [Nhà chú giải Trang Tử Nam Hoa Kinh] giải thích Trang Tử, hay Trang Tử giải thích Quách Tượng?

Kinh: Khi ấy, trong đại chúng những vị chưa chứng quả Vô Học nghe Phật nói thế, mờ mịt chẳng biết nghĩa ấy đầu đuôi thế nào, nên đồng thời sợ hãi, mất chỗ bám níu.

Như Lai biết đại chúng tâm niệm rối loạn, sanh lòng thương xót, an ủi Ông Anan và đại chúng rằng: “Này các trai lành, bậc Vô Thượng Pháp Vương, thật là Chân Thật Ngữ: như tánh Chân Như mà nói, không dối, không vọng, không phải là bốn thứ nghị luận càn dở Bất Tử của nhóm Mạt Già Lê. Ông hãy suy nghĩ chín chắn, chớ phụ lòng thương mến của Ta”.

Thông rằng: “Mờ mịt chẳng biết nghĩa ấy trước sau thế nào?” Trước là, “Cái Thấy chẳng phải là vật”. Sau là, “Cái Thấy chẳng phải là không phải vật”. Cái trước tức là “Chân Tánh hiện tiền”, cái sau tức là “Không thể chỉ ra được”. Cho nên mờ mịt mất chỗ bám níu vậy.

Chân Thật Ngữ v.v... tức là năm lời nói trong Kim Cang Bát Nhã:

- Phật Chân Ngữ thì chung với Nhị Thừa;

- Phật Thật Ngữ thì chung đồng với hàng Bồ Tát;

- Phật Như Ngữ thì không chung với Bồ Tát hay Nhị Thừa;

- Phật Vô Thật Ngữ;

- Phật Vô Hư Ngữ.

Vô Hư nên không là lời lừa dối, Vô Thật nên chẳng có khác lời. Chỗ thấy chưa dứt khoát cho nên nói “Chẳng khác”. Đây chỉ để nói tóm là không vọng ngữ.

Trong Luận Bà Sa: “Ngoại đạo cho trời là thường trụ, gọi là Bất Tử, cho rằng đáp lời mà chẳng rối loạn thì sanh về cõi trời kia. Nếu thật chẳng biết mà vội trả lời, thì sợ thành Kiểu Loạn [Dối trá, lộn xộn]. Nên khi hỏi thì đáp những lời bí mật, không cần phải nói ra đây. Hoặc là đáp một cách bất định. Phật quở rằng : Đó thật là kiểu loạn ”.

Đức Thế Tôn, nhân có ngoại đạo hỏi: “Hôm qua Ngài thuyết pháp gì ?”

Phật đáp : “Thuyết định pháp”.

Ngoại đạo lại hỏi: “Hôm nay thuyết pháp gì?”

Ngài đáp: “Bất định pháp”.

Ngoại đạo nói: “Hôm qua giảng định pháp, hôm nay sao lại giảng bất định pháp?”

Đức Phật nói: “Hôm qua định, hôm nay chẳng định”.

Hãy nói xem lời nói này của Thế Tôn là như Tánh Chân Như mà nói hay là kiểu loạn? Hãy tham!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]