Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Pháp Thứ Hai: Pháp Trở thành Con Đường

12/10/201203:51(Xem: 5375)
02. Pháp Thứ Hai: Pháp Trở thành Con Đường

BỐN PHÁP CỦA GAMPOPA

Tác giả: Dorje Chang Kalu Rinpoche

Thanh Liên chuyển ngữ

 

Pháp Thứ Hai: Pháp Trở thành Con Đường

Một khi để hết tâm trí vào giáo lý, chúng ta đi tới Pháp thứ hai trong Bốn Pháp: các giáo lý của Pháp trở thành cách sống của ta, con đường của ta. Thái độ của ta đối với những gì cao trọng hơn ta – Tam Bảo – bắt đầu thay đổi, và ta cũng thay đổi thái độ đối với chúng sinh trong sinh tử ngang bằng ta hay thấp kém hơn ta. Thái độ thứ nhất được biểu lộ khi chúng ta Quy y Phật, Pháp và Tăng đoàn với niềm tin, lòng sùng mộ và sự tôn kính. Chúng ta nhận ra rằng trong Phật quả, chư Phật toàn trí hiện diện khắp nơi và có những khả năng vô tận. Chúng ta thấy rằng các giáo lý của Pháp xuất phát từ trạng thái giác ngộ này, là Con Đường mà mỗi chúng sinh có thể đi theo để đạt được Giác ngộ. Chúng ta nhận ra rằng Tăng đoàn, hay tập hội các hành giả chứng ngộ và truyền dạy các giáo lý, là những bạn đồng hành hay người dẫn dắt có thể chỉ cho ta Con Đường. Trong truyền thống Kim Cương thừa, ngoài Tam Bảo, chúng ta thêm vào Ba Gốc – Lạt ma, Bổn tôn, và Hộ Pháp – là những suối nguồn của sự Quy y.

Khi Pháp trở thành Con Đường của ta, chúng ta phát triển thái độ thứ hai, là thái độ bi mẫn. Bằng cách suy niệm về những chúng sinh ở trong sinh tử với ta, chúng ta suy xét rằng không gian bao la vô tận, tràn ngập muôn phương, và cõi giới của chúng sinh cũng trải rộng như không gian. Ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, mỗi một người trong vô số chúng sinh này đã từng là mẹ hay cha của ta. Trải qua vô số chu kỳ cuộc đời, chúng ta đã phát triển một sự nối kết về nghiệp vô cùng thân thiết với mỗi một chúng sinh đó. Khi lòng bi mẫn phát triển, chúng ta nhận thấy rằng mọi cuộc đời đều giống nhau, và mỗi một chúng sinh đều ước muốn hạnh phúc: trong mỗi hình thức của cuộc sống, một cuộc tìm kiếm căn bản truy tìm hạnh phúc luôn được tiếp diễn – nhưng bằng một cách thế mâu thuẫn và làm tiêu tan mục đích của cuộc tìm kiếm này. Một ít chúng sinh hiểu rằng hạnh phúc thực sự là kết quả của thiện hạnh. Nhiều chúng sinh đắm mình trong việc thực sự hủy diệt những cơ hội đạt được hạnh phúc của họ bằng những hành động và tư tưởng lầm lạc và có hại.

Khi nhận ra điều này, chúng ta phát triển lòng thương yêu và bi mẫn thực sự đối với chúng sinh. Lòng bi mẫn vô hạn này đối với mọi hình thức của cuộc sống là thái độ thứ hai cần phải có để làm cho giáo lý trở thành Con Đường. Bằng niềm tin và lòng bi mẫn, giáo lý đã hấp dẫn chúng ta trở thành toàn bộ lối sống.

Phát triển lòng Bi mẫn

Mặc dù chúng ta nhận ra được sự cần thiết phải làm việc không chỉ vì lợi ích của riêng ta mà còn vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh, ta cần phải thành thật về những giới hạn của bản thân ta và nhận ra rằng chúng ta có ít năng lực hay khả năng để công cuộc giúp đỡ chúng sinh được giải thoát thực sự có hiệu quả. Để trở nên hữu hiệu trong việc giúp đỡ này, ta phải thành tựu Phật quả hay ít nhất, đạt được quả địa Bồ Tát nào đó. Ở những cấp độ cao cấp này chúng ta đạt được khả năng hiển lộ để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi màn vô minh của họ.

Thái độ vị tha được gọi là Bồ đề tâm Tương đối; khát nguyện phát triển Bồ đề tâm này là nền tảng của thực hành Đại thừa và là Pháp khí cho mọi đức hạnh.

Một phương pháp để phát triển Bồ đề tâm được gọi là Tong len, có nghĩa đen là “cho và nhận.” Thái độ ở đây là: mỗi người trong chúng ta chỉ là một chúng sinh, trong khi chúng sinh trong vũ trụ thì vô số. Nếu như một chúng sinh có thể nhận lãnh mọi nỗi khổ của mọi chúng sinh trong vũ trụ và giải thoát mỗi một và mọi chúng sinh khỏi đau khổ thì đó không phải là một mục tiêu xứng đáng hay sao? Vì thế chúng ta kiên quyết nhận vào mình toàn bộ nỗi khổ này để cất đi nỗi khổ của tất cả chúng sinh, thậm chí nỗi khổ mới chớm hay tiềm tàng của họ, và mọi nguyên nhân của những nỗi khổ đó. Đồng thời chúng ta phát triển thái độ hiến tặng cho chúng sinh mọi đức hạnh, hạnh phúc, sức khỏe, của cải và khả năng để được trường thọ của ta. Mọi sự chúng ta vui hưởng, mọi điều cao quý hay xứng đáng, tích cực hay hạnh phúc trong hoàn cảnh của ta, ta hiến tặng một cách vô vị kỷ cho mỗi một chúng sinh. Vì thế pháp thiền định về điều này là tự nguyện nhận vào mình mọi khuynh hướng tiêu cực bám chấp vào những gì ta mong muốn cho bản thân và không để ý tới người khác.

Chúng ta phát triển một sự cảm thông sâu xa với mọi sinh loài. Phương pháp cho và nhận là một phương cách hữu hiệu nhất để phát triển động lực của Bồ Tát.

Cho tới nay, loại bi mẫn mà ta đã mô tả được gọi là “lòng bi mẫn có liên quan tới chúng sinh.” Tuy nhiên, một thái độ nhị nguyên vẫn còn vướng vất ở đây, bởi ta vẫn bị mắc kẹt bởi ba ý niệm (1) bản thân ta kinh nghiệm lòng bi mẫn, (2) chúng sinh là các đối tượng của lòng bi mẫn, và (3) hành vi thực sự của việc cảm thấy bi mẫn nhờ hiểu biết hay nhận thức về nỗi khổ của chúng sinh.

Khuôn khổ này chuẩn bị con đường của chúng ta trong Đại thừa. Một khi loại bi mẫn này được thiết lập, chúng ta đi tới một hiểu biết thứ hai: Sự nhận thức bắt đầu phát triển rằng bản ngã đang cảm nhận lòng bi mẫn, những đối tượng của lòng bi mẫn, và tự thân lòng bi mẫn, tất cả đều có một ý nghĩa huyễn hóa nào đó. Ta thấy rằng ba phương diện này thuộc vào một thực tại quy ước, không tuyệt đối. Tự thân chúng không là gì hết, mà chỉ là những ảo tưởng tạo nên hình tướng của một khuôn khổ nhị nguyên. Việc nhận thức những ảo tưởng này và bằng cách đó thấu hiểu tánh Không đích thực của mọi hiện tượng và kinh nghiệm là điều chúng ta gọi là “lòng bi mẫn liên quan tới mọi hiện tượng.” Đây là con đường chính yếu của thực hành Đại thừa.

Từ loại bi mẫn thứ hai này, loại bi mẫn thứ ba “lòng bi mẫn không-có sự liên quan” (không quy chiếu) phát triển. Ở đây chúng ta hoàn toàn vượt lên bất kỳ mối quan tâm nào liên quan tới chủ thể/đối tượng. Chính kinh nghiệm tối hậu dẫn tới Phật quả. Tất cả ba cấp độ bi mẫn này được nối kết, vì thế nếu chúng ta bắt đầu với cấp độ nền tảng bằng cách phát triển lòng từ và bi đối với mọi sinh loài thì chúng ta đặt được nền móng bảo đảm rằng con đường của chúng ta sẽ dẫn thẳng tới Giác ngộ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]