Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Pháp Thứ Nhất: Tâm Hướng về Pháp

12/10/201203:51(Xem: 4870)
01. Pháp Thứ Nhất: Tâm Hướng về Pháp

BỐN PHÁP CỦA GAMPOPA

Tác giả: Dorje Chang Kalu Rinpoche

Thanh Liên chuyển ngữ

 

Pháp Thứ Nhất: Tâm Hướng về Pháp

Pháp thứ nhất bao gồm một sự thấu suốt về hoàn cảnh của chúng ta trong luân hồi sinh tử và những số phận khác nhau trong luân hồi, sáu trạng thái tái sinh: ba trạng thái thấp – các cõi địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh; và ba trạng thái cao – các cõi người, a tu la, và cõi trời. Qua giáo lý này, chúng ta nghiên cứu kết quả của các thiện hạnh và ác hạnh có khuynh hướng dẫn tới những tái sinh khác nhau này, và những đau khổ mà chúng sinh trong những cõi này phải chịu đựng. Chúng ta đi tới chỗ hiểu rằng mặc dù một tiến trình nghiệp đặc biệt có thể dẫn từ những tái sinh cao xuống những tái sinh thấp hơn hay từ những tái sinh thấp lên cao hơn, nhưng tự thân luân hồi sinh tử không mang lại phương tiện để thoát khỏi, và nếu chúng ta nương tựa vào nó thì có thể ta không tiến bộ trên đường hướng tới Giác ngộ. Vào lúc bắt đầu của Con Đường, sự hiểu biết này về luân hồi sinh tử rất cần thiết để hướng tâm về Pháp, và để thực hiện điều này chúng ta suy niệm Bốn Chuẩn bị Thông thường.

Chuẩn bị thứ nhất liên quan tới giá trị độc nhất vô nhị của đời người mà giờ đây ta đang kinh nghiệm. Nhờ sự gia hộ và uy lực của Tam Bảo trong những đời trước, ở một thời điểm nào đó, chúng ta đã phát triển một khuynh hướng đức hạnh dẫn đến việc được sinh ra làm người hiện tại của ta, với mọi cơ hội, thuận lợi và tự do để thực hành Pháp. Rất ít chúng sinh giữ gìn khuynh hướng đức hạnh này (bằng cách tránh những hành động, tư tưởng và lời nói tiêu cực và thực hành những điều tích cực), và rất ít chúng sinh thành tựu kết quả là được sinh ra làm người quý báu. Nếu chúng ta nghĩ về những vì sao trong bầu trời đêm như tượng trưng cho vô số chúng sinh trong sinh tử luân hồi, thì một vì sao vào ban ngày tượng trưng cho sự sinh ra làm người quý báu – đó là điều có thể được, nhưng rất ít khả năng xảy ra. Sinh ra làm người là một sự kiện vô cùng hy hữu.

Chuẩn bị thứ hai trong Bốn Chuẩn bị liên quan tới sự vô thường. Giờ đây là lúc chúng ta có cơ hội quý báu được sinh làm người, chúng ta nên tận dụng cơ hội ấy và thực sự nhận thức toàn bộ khả năng của việc được làm người. Nhờ những nỗ lực của ta, điều này có thể thành tựu để hoàn toàn siêu vượt luân hồi và đạt được Phật quả. Thêm vào đó, chúng ta phải hiểu rằng cái chết và sự vô thường là một bộ phận của hiện hữu của ta, và việc sinh ra làm người của ta - mà ta đã có được với bao khó khăn - sẽ mất đi. Mọi sự chúng ta kinh nghiệm đều biến đổi trong từng giây phút và không bền vững. Giống như ngọn lửa của một cây nến bị một cơn gió mạnh thổi tắt, hiện hữu làm người của ta cũng bị tiêu tan bất kỳ lúc nào; như một bọt nước trên mặt nước, có thể bất thần vỡ tan; như giọt sương mai trên ngọn cỏ, nhanh chóng bốc hơi.

Kế tiếp, để nhận thức toàn bộ khả năng của việc làm người, chúng ta phải khảo sát ý niệm nghiệp, tiến trình của nhân và quả, đặc biệt là mối liên hệ giữa những hành động của chúng ta và kết quả của chúng. Chúng ta cần hoàn toàn nhận ra mối liên hệ chắc chắn giữa những gì ta đang làm hiện nay và những gì ta sẽ kinh nghiệm sau này.

Suy niệm thứ tư chuyển tâm về Pháp đề cập tới bản chất khiếm khuyết và đau khổ của luân hồi sinh tử. Không có một nhận thức sâu sắc về lẽ vô thường và cái chết sắp xảy đến của chính ta, rất có thể là ta sẽ bị xao lãng bởi những lạc thú của thế gian và đắm chìm trong xung đột cảm xúc và sự vô minh. Khi điều đó xảy ra, chúng ta bị kiệt sức bởi cuộc đời ta đang sống và không nhận ra được đâu thực sự là vấn đề. Trên thực tế, chúng ta không nhận ra được điều gì đang thực sự xảy ra trong đời ta mà cũng không tận dụng được hoàn cảnh của ta.

Trước khi ta hiểu được điều đó thì cuộc đời ta chấm dứt và cái chết đến. Nếu ta không có một nền tảng thực hành vững chắc, ta sẽ chết một cách bất lực trong sợ hãi và đau khổ.

Nhờ suy niệm về những chuẩn bị này – khả năng của một hiện hữu làm người quý báu, lẽ vô thường và sự chắc chắn của cái chết, tiến trình nghiệp của nhân và quả, những đau khổ và giới hạn của sinh tử - chúng ta chuyển tâm ta về Pháp, và nhờ đó hoàn thành Giáo lý thứ nhất trong Bốn Giáo lý, hay Pháp, của Đức Gampopa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567