Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Tôn giáo của Bát-nhã

28/12/201115:18(Xem: 6847)
03. Tôn giáo của Bát-nhã

THIỀN VÀ BÁT NHÃ

Daisetz Teitaro Suzuki

Bản dịch Việt: Tuệ Sỹ

---o0o---

THIỀNLUẬN SÁU

TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO TRONG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

III.TÔN GIÁO CỦA BÁT-NHÃ

1. Môi trường hoạt dụng của Bát-nhã

Có thể nói Bát-nhã đứng trên đường thẳng chia tồn sinh thànhhai mặt tuyệt đối và tương đối. Đây là một đường thẳng hình học vừa vạch ragiới hạn, đồng thời không có chiều kích. Dù vậy, chúng ta cũng đừng cho rằngBát-nhã như đang nhìn mặt này hay mặt nọ khi nó muốn chiêm nghiệm hai lãnh vựccủa tồn sinh. Nếu Bát-nhã chỉ kể riêng Không (śūnyatā)mà không Bất Không (aśūnyatā), hoặc riêng Bất Khôngmà không Không, sẽ hết còn là Bát-nhã. Để biểu tượng sự kiện đó, các thần linhẤn độ được vẽ thêm một con mắt vạch đứng giữa hai con mắt bình thường. Đây làcon mắt Bát-nhã – Tuệ nhãn. Nhờ con mắt thứ ba này mà bậc giác ngộ có thể trựcnhận Thực tại Như thực (yathābhūta), không xẻ nó ralàm đôi để rồi hợp nhất chúng, vì phân đôi và hợp nhất là công tác suy tư trừutượng. Tuệ nhãn, khi lập cước trên giới tuyến giữa Nhất thể và Đa thù, giữaKhông và Bất Không, giữa Bồ đề và Phiền não, giữa Trí và Bi, giữa Phật và Chúngsinh, giữa Giác ngộ và Vô minh, giữa Chính định và Nghiệp, rọi thẳng vào haithế giới đó coi như là một Thực tại duy nhất. “Trí Bát-nhã không ở bên này haybên kia, cũng không ở quãng giữa; khi lệ thuộc phân biệt, Bát-nhã bị xa lìa,Bát-nhã không còn đó nữa.”[156]

Trí năng tượng hình Bát-nhã như đang ngồi dang chân trên hailãnh vực của hiện hữu, nhưng nếu Bát-nhã thực thụ được xét đến, nó không lưutâm về lối phân chia như thế, nó dong duỗi theo kinh nghiệm riêng của chính nó.Tính Không không hình dung như là tách biệt với Luân hồi (saṁsāra), và Luân hồi không khác với tính Không.Khi Bát-nhã lộ diện, tính Không và Luân hồi cùng được kéo lên trong một đườngdây. Cho đến đây, chúng đã nói quá nhiều trừu tượng, Bát-nhã bị tô màu quánhạt, và kết quả là chúng ta gán cho toàn diện vũ trụ một khuôn mặt quá hờ hững– có lẽ thế vẫn chưa đủ thỏa mãn những yêu sách của trái tim chúng ta. Khiphong cảnh được vẽ bằng một điểm Không (śūnyatā) màchẳng còn gì là núi, là sông, là hốc đá, là hoa cúc, v.v.. trong tấm lụa vũtrụ. Nếu trường hợp xảy ra như thế, lỗi ở tại chúng ta, không phải ở Bát-nhã.

Khi muốn cho các ý tưởng trở thành dễ lãnh hội hơn, chúng tathường phiên chuyển chúng thành những quan hệ không gian. Và rồi chúng ta coinhững quan hệ này là những thực tại, quên rằng những tượng hình không gian lànhững biểu tượng. Nắn nót các biểu tượng mô phỏng không giống như nắm nguyênbản của nó. Phải gỡ Bát-nhã ra khỏi mớ cấu kết trơ lì bất động này. Không đượcphép cắt rời cõi Không ra khỏi thế giới vạn tượng; vì cắt rời chỉ là để dễ dãicho trí năng phân tích. Khi nó đã làm xong vai trò hữu ích của nó, nên gác nósang một bên càng sớm càng hay. Một trong những lý do tại sao kinh Bát-nhã thường lặp đi lặp lại, là cốt gây cho độc giả ấntượng rằng tính Không không phải là một cái trừu tượng; nó là kinh nghiệm, haylà một hành vi hoạt động ở nơi không có không gian thời gian. Khi tuyên bố rằngtính Không và hết thảy mọi thứ khác chỉ là giả danh, nó phải được lãnh hội đúngmức như thế.

Thêm nữa, hết thảy mọi hoạt động nhân sinh, tâm lý và vật lý,đều được diễn ra trong thời gian; hay ít ra, khi chúng ta cố miêu tả chúng, tấtcả đều được lồng trong khung thời gian. Ngay khi chúng ta nói tới vĩnh cửu hayvô thủy, ý niệm đó vẫn lấy thời gian làm hậu cứ. Rất khó mà thải loại cái hìnhthái tư tưởng ấy, nhất là trong trường hợp muốn thấu hiểu chính xác Bát-nhã.Vấn đề dưới đây chắc chắn gợi lên từ khái niệm cho rằng Bát-nhã hay Giác ngộ làcon đẻ của thời gian, trong khi thực tình thời gian dấy lên từ sự thức tỉnh củaBát-nhã, và Bát-nhã ở đâu thì ở đó chẳng có thời gian hay không gian.

“Tu-bồ-đề: Chính đẳng Chính giác được chứng đắc do phát khởitâm niệm đi trước hay do phát khởi tâm niệm đi sau? Nếu do tâm trước, tâm nàykhông đồng hành với tâm sau. Nếu do tâm sau, tâm này không đồng hành với tâmtrước. Vậy, lúc nào cả hai tâm đồng hành, làm sao để có thể tăng trưởng côngđức? [Và làm sao để chứng đắc Chính đẳng Chính giác?]”[157]

Theo ngài Tu-bồ-đề, cái mà chúng gọi là tâm, là một chuỗi tiếpnối của các tư tưởng; người ta có thể cắt ra làm nhiều tâm niệm và phối trí vàotrong hình thái thời gian, tức trong những hạn cuộc trước và sau. Khi cho rằngcác tư tưởng tiếp nối nhau trong tiến trình thời gian, cái gì nối liền hai tâmniệm lại cho chúng có thể đồng hành (samavahita)với nhau? Nếu không đồng hành, làm thế nào mà một tâm niệm độc nhất về giác ngộcó thể được dựng lên để chi phối toàn bộ liên tục của các tư tưởng mà theo địnhnghĩa đó là tâm? Đó là tâm điểm trong câu hỏi của Tu-bồ-đề.

Phật thí dụ bằng ngọn lửa. Ngài nói: Cháy không phải do ngọnlửa trước hay ngọn lửa sau; cũng không phải tách riêng cả hai ra. Cháy diễn rasuốt trong sự tiếp nối của các ngọn lửa. Tự nó không có sự cháy. Nếu chia cắtthành từng ngọn lửa, cũng không thể thấy có dòng tiếp nối của sự cháy. Nhưngquả có sự cháy như thế thực. Khi kinh nghiệm được miêu tả trong những giới hạncủa sống và chết, của hiện đến và mất đi, đi trước và theo sau, kinh nghiệmkhông còn đó nữa, Chân như của vạn hữu vuột khỏi tầm bắt.

Như thế, Bát-nhã thoát ly những nỗ lực của trí năng chúng tamuốn ghi dấu nó trong khung cửi thời gian. Phải lật ngược tiến trình nếu muốnhướng đi đúng đích. Thay vì đặt nó nơi nào đó trong cơ đồ kiến trúc của tưtưởng chúng ta; phải bắt đầu với chính Bát-nhã, lấy đó làm khởi điểm cho tất cảmọi tư duy và hành động của chúng ta. Toàn bộ kinh văn Bát-nhã ba-la-mật sẽ trởnên dễ hiểu. Những tổ hợp thời không khởi lên từ Bát-nhã nhưng trong Bát-nhãkhông có thời gian và không gian. Chúng ta thực sự sống khi Bát-nhã thức tỉnh,và một thế giới thiên sai vạn biệt tự vén mở trước các vấn đề của nó trước mắtchúng ta.

Những nhận định sơ khởi đó có lẽ sẽ giúp chúng ta bước sangphần thứ hai của thiên luận này, trong đó sẽ thảo luận về ý nghĩa của chữ Upāya trong thuật ngữ của các triết gia Đại thừa.

2. Upāya, Phương tiện Thiện xảo

Nếu hạn cuộc tầm mắt của mình vào khía cạnh tuyệt đối củaBát-nhã ba-la-mật, chúng ta dừng lại đây, không cách nào tiến tới được. Trongtrường hợp đó, Phật giáo Đại thừa cũng không và Bồ-tát đạo cũng không có nốt.Nếu hết thảy vạn hữu đều như huyễn (māyā), và nếukhông có thực tại gì hết nơi vạn hữu, người ta có thể bắt bẻ rằng, làm thế nàoBồ-tát có thể tiến bước hướng tới chỗ chứng đạt Nhất thiết trí (sarvajñatā)? Làm thế nào để thiết lập được bản tính củaNhất thiết trí? Làm thế nào để có thể hồi hướng công đức cho chứng ngộ Nhấtthiết trí? Đấy là những câu hỏi đương nhiên phải được đặt ra với những ai lãnhhội Bát-nhã ba-la-mật đóng khung trong khung khổ khái niệm thời gian. Xá-lợi-Phất(Śāriputra) trả lời như sau:[158]

“Nếu hết thảy các pháp không là như sự huyễn, và chúng cóthực, thì các Bồ-tát hoàn toàn không thể hồi hướng tới Nhất thiết trí trí,không thể tiến bước hướng tới chỗ chứng đắc giác ngộ. Chính bởi vì hết thảy cácpháp không một chút có thực, giống như sự huyễn, cho nên Bồ-tát có thể hồihướng công đức về chỗ thành tựu Nhất thiết trí và tiến bước hướng tới chứngngộ; chính vì Bồ-tát biết rõ các pháp phi thực, như huyễn, cho nên mới có thểnỗ lực kham năng, nỗ lực thực hành tinh tiến ba-la-mật không mệt mỏi.”

Bởi đâu có sự kham năng, có sự tinh cần không mỏi mệt đó?

“Do bởi tác nghiệp của phương tiện thiện xảo (upāya-kauśalya), sinh ra từ đại bi tâm của Bồ-tát đối vớihết thảy chúng sinh. Do phương tiện thiện xảo mà Bồ-tát biết hết thảy các phápđều là Không; và cũng do phương tiện thiện xảo đó mà Bồ-tát không cố ý an trụtrong chân lý của tuyệt đối tịch tĩnh.[159] Cũng như một người đang nắm chặttrong đôi tay cái tàn lọng rộng lớn, đứng trên chóp đỉnh núi cao. Y có thểnghiêng mình nhìn xuống hố thẳm hiểm tuyệt bên dưới triền núi, không có ý nghĩkinh khiếp, run sợ bị chôn vùi trong lòng đất; vì y có tàn lọng trong tay, nhờsức gió giữ cho khỏi bị rơi xuống. Cũng vậy, do Bát-nhã soi thấy tự tính củahết thảy các pháp, do tâm đại bi hộ trì giữa đám quần sinh trong thế giới hỗnloạn này, Bồ-tát tu tập tất cả các Ba-la-mật, lần hồi tiến tới Nhất thiết trí,để rồi cuối cùng có thể giáo hóa thành tựu chúng sinh, đem lại lợi ích và anlạc cho hết thảy chúng sinh, và thiết lập quốc độ của Phật.”

“Phương tiện thiện xảo” (upāyakauśalya),hay nói gọn, “phương tiện” (upāya), có một ý nghĩađặc biệt trong giáo pháp của Đại thừa. Nó là sự sáng tạo của tâm đại bi màBồ-tát sở hữu. Khi Bồ-tát thấy quần sinh trôi lăn trong biển sống chết vì vôminh và phiền não mà bám chặt vào thế giới sai biệt này, Bồ-tát phát khởi tấmlòng yêu thương đối với chúng và thiết lập hết thảy mọi phương tiện để cứu vớtchúng, giáo hóa thành tựu chúng cho đón nhận chân lý rốt ráo. “Phương tiện”xuất phát từ tri kiến minh hiển của Bồ-tát về đạo lý tính Không, mặc dù khôngphải phát xuất từ chính tính Không. Tự thân của chân lý bao giờ cũng vô lực; nóphải đi ngang qua tâm thức của Bồ-tát; bởi vì hàng Nhị thừa, Thanh văn và Độcgiác, không bận tâm đến hạnh nguyện lợi tha. Họ tự mãn với kiến giải biện biệtvề chân lý, họ an trụ trong chân lý của tất cánh tịch tĩnh, họ không phiêu lưura ngoài vỏ tự mãn. Do đó, không có “phương tiện” gì ở nơi họ. “Phương tiện”cùng ở chung với tuệ giác Bát-nhã trong tâm của Bồ-tát. Nó gần như là trực kiếncủa trí năng, soi thấy bản tính của vạn hữu là phi thực, là như huyễn, là“không”, nhưng cái thấy của Bồ-tát vượt xa trực kiến đó, vượt xa trí năng, vượtxa cái nhìn lạnh lùng ném vào thế giới điêu linh thống khổ từ quan điểm tịchtĩnh tuyệt đối, hay an lạc vĩnh cửu. Vì Bồ-tát nhận thấy thế giới sai biệt vốn nhưhuyễn, nên không bị đắm trước vào đó; nhưng biết rằng thế gian đang ở ngaytrước mắt đó, bởi vì đó là môi trường thực thi tất cả các công hạnh của mình,nghĩa là, nơi đó tất cả đám quần sinh vô minh và ngã ái thực sự đang chịu thốngkhổ bức bách đến cùng cực. Do đó Phương tiện phát Bát-nhã.

Chuỗi dây nối kết Trí (prajñā), Bi (karuṇā)và Phương tiện (upāya) quán xuyến tất cả các hệ thống của Đại thừa Phậtgiáo. Sự nối kết này là sắc thái độc đáo của Đại thừa. Cho nên kinh Bát-nhã nói:[160] “Sáu Ba-la-mật là bản sắc củaĐại thừa. Sáu Ba-la-mật được phát khởi tương ứng với Nhất thiết trí trí, lấyđại bi làm đầu, lấy vô sở đắc (anupalambha) làmphương tiện (upāya), tự xả bỏ hết thảy những gì làsở hữu nội hay ngoại để hướng dẫn hết thảy chúng sinh hướng tới Nhất thiết trítrí. Và thiện căn do sự xả bỏ này không chỉ tự mình thực hiện mà còn khuyên kẻkhác cùng thực hiện….”

Chủ đề của Bát-nhã là phải chứngthực trí Bát-nhã trước tất cả lý giải tinh thần của Đại thừa, lấy đó mà thiếtlập sinh hoạt của Bồ-tát (bodhisattvacaryā: Bồ-táthạnh). Khi tâm niệm (cittahay manasikāra) của Bồ-tát ngày và đêm hoàn toàn tương ứng (pratiyukta) với Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát là bậc đáng tônkính (dakṣinīyata)của hết thảy chúng sinh; vì đã phát khởi từ tâm biến mãn (maitrisahagatamcittam) hướng đến hết thảy chúng sinh. Với trực kiến thấu suốt rọi vàotự tính của Bát-nhã, Bồ-tát nhận thấy rằng hết thảy chúng sinh đang bị buộctrói không tự chủ, tâm đại bi (mahākaruṇā) trỗi dậy. Bằng con mắt huệ đã có như thế,Bồ-tát nhận thấy hết thảy chúng sinh chịu thống khổ vì ác nghiệp chúng đã tựtạo trong màng lưới tà kiến. Ngài xúc động mãnh liệt trước những sự kiện này vàquyết chí làm thế nào để là một người hộ trì và là nơi nương tựa cho thế gian,giải thoát thế gian ra khỏi ràng buộc của vô minh và phiền não.[161]

Như thế chúng ta có thể thấy rằng, có một mối quan hệ tất yếugiữa Nhất thiết trí (sarvajñatā), Bát-nhã (prajñā), Đại bi (karuṇā), Phương tiện (upāya)và Chính giác (sambodhi) hay Giải thoát (mokṣa). Theo lý thuyết mà nói,Nhất thiết trí là thành quả hay nội dung của Chính giác (sambodhi) vốnđược thể hiện bởi Bát-nhã; nhưng tự thân của Bát-nhã thì không thể thành tựumột kết quả thực tiễn nào, nó hoạt dụng ngang qua Phương tiện sinh ra từ Đạibi. Bát-nhã phác họa những quan hệ này bằng các thídụ như sau:[162]

“Này Tu-bồ-đề; như một người vào biển, bỗng nhiên thuyền bịđắm. Nếu y không nắm chặt lấy phao, một khúc gỗ hay một tấm ván, chắc chắn yphải chết chìm trước khi vào đến bờ. Tu-bồ-đề, cũng vậy, Bồ-tát có thể, đối vớiVô thượng Chính đẳng Chính giác (anuttara-samyak sambodhi),đã có tín tâm, có nhẫn thọ, có hâm mộ, có khát khao, có kiến giải, có thựchành, có hỉ, có lạc, có xả, có tinh tiến, có tôn trọng, có thâm tâm, có tịnhtâm, không buông trôi, không tán loạn. Tuy có đủ các công đức đó, Bồ-tát vẫnkhông thể đạt tới Nhất thiết trí nếu không được hộ niệm bởi Bát-nhã và Phươngtiện. Bởi vì nhất định sẽ bị thoái chuyển ở giữa đường sự nghiệp. ‘Giữa đườngsự nghiệp’ tức là Thanh văn thừa và Độc giác thừa. Thoái chuyển tức là lạc mấtdấu Nhất thiết trí.”

“Lại nữa, như người giữa chặt phao, một khúc gỗ hay một tấmván khi thuyền bị đắm, y sẽ an toàn sang tới bờ bên kia. Bồ-tát cũng vậy, bằngtất cả những công đức do có tín tâm, có nhẫn thọ, v.v…, đối với Vô thượng Chínhđẳng Chính giác, được hộ trì bởi Bát-nhã và phương tiện; Bồ-tát đó sẽ đạt tớiNhất thiết trí mà không bị thoái chuyển giữa đường nơi Thanh văn thừa và Độcgiác thừa.”

Cho một thí dụ khác: Giả sử có một người 120 tuổi; vì bị đủmọi thứ bịnh hoạn bức bách, nên nằm yên trên giường mà nhẫn nại chịu đựng đauđớn; y không cách nào mộng tưởng được rằng có thể đứng dậy và đi chừng vài dặmthôi, chứ đừng nói đến chuyện đi dài hơn. Bỗng có hai người lực lưỡng đến đỡ ydậy, dìu y đi đến bất cứ nơi nào ưa thích. Y đi theo họ. Mặc dù yếu đuối, cuốicùng vẫn có thể đi đến đích.

Cũng như vậy, dù có tín, có nhẫn, v.v… đối với Vô thượngChính đẳng Chính giác, Bồ-tát vẫn không thể sang tới bờ bên kia Nhất thiết trí,nếu không được hộ trì bởi hai người lực lưỡng, là Bát-nhã và Phương tiện; vì đólà những kẻ hộ trì của Bồ-tát trong quá trình hành đạo hướng đến đích của đờisống mình; nếu không có chúng, nhất định Bồ-tát bị lùi lại giữa đường, và rơivào trình độ Thanh văn và Độc giác. “Tại sao? Vì đó là thực tính của vạn hữu.”[163]

3. Bồ-tát và Thanh văn

Như đã từng nói ở trên, cái đặc sắc cho Bồ-tát khác biệt Thanhvăn (Śrāvaka) và Độc giác (Pratyekabuddha) là ở chỗ, Bồ-tát chuyên hành cứu tế,về tâm linh cũng như vật chất, cho hết thảy chúng sinh, còn Thanh văn và Độcgiác hài lòng với giác ngộ và giải thoát của riêng họ; họ thu mình trong tư duykhông dao động, không đi ra khỏi khung cửa kín của mình, cho nên không thể thựchiện công trình cởi mở nghiệp, vô minh và thống khổ cho đồng loại. Tinh thần vịkỷ đó rất trái ngược với những động lực hy sinh xả kỷ của Bồ-tát. Nói tới giácngộ, Bồ-tát hay Thanh văn có thể cùng một trật tự như nhau, nhưng Bồ-tát lúcnào cũng sẵn sàng bước xuống khỏi vị trí cao đẳng của mình để lăn lộn với cácchúng sinh đang mê muội, ô nhiễm, nghiệp chướng, sống đời sống của chúng, nếucó cơ hội làm lợi ích cho chúng bằng cách này hay bằng cách khác. Do đó, Bồ-tátthường hay từ giã cuộc đời của một nhà khổ tu, một tăng sĩ, hay một ẩn sĩ, để ởtrong thế gian, sống với thế gian, chịu đựng những thống khổ của thế gian, mongđưa thế gian đến chỗ giác ngộ cứu cánh. Sống trong thế giới sai biệt đầy nhữngphiền não, và tuân theo những định luật chi phối thế gian (nghĩa là không mêmuội nhân quả”), đó là lối sống của Bồ-tát, đó là “được hộ trì bởi Bát-nhã vàPhương tiện”, Nhất thiết trí sinh ra từ chỗ đó.

Vì lý do này, chúng ta đọc thấy Bát-nhã lúcnào cũng nói rằng động cơ thúc đẩy Bồ-tát thể nghiệm từ bên trong chính mìnhgiác ngộ tối thượng không phải là vì ích lợi riêng tư mà vì hết thảy chúngsinh. Bồ-tát muốn dựng chúng dậy khỏi ràng buộc của nghiệp và vô minh để cuốicùng chúng an trụ trong Đại Bát-niết-bàn (pari­nirvāṇa). Đấy là công trình hết sức gian nan, nhất làđối với Bồ-tát sống trong cõi sống và chết (saṁsāra). Cho nên Bồ-tát được cảnh giác là đừng xaolãng, đừng kinh sợ.

Khát vọng của Bồ-tát là làm lợi ích thế gian (lokahita), đem lại hạnh phúc cho thế gian (lokasukha), phát khởi tâm nguyện đại bi vì thế gian (lokānukampā).

Do đó, Bồ-tát khi thể nghiệm giác ngộ tối thượng, thệ nguyệnphải trở thành bậc đại thủ hộ cho thế gian, làm nơi qui hướng cho thế gian, làmngôi nhà trú ngụ cho thế gian, làm con đường cùng đích cho thế gian, làm hònđảo lớn, là ngọn đèn lớn, làm người hướng đạo, và làm chỗ đến chân thật cho thếgian.[164]

Như thế thì, Bồ-tát không phải là một tâm hồn tiêu cực, lẫntránh, lúc nào cũng mong trốn khỏi thế gian tìm sự toàn thiện và giác ngộ choriêng mình. Ngài là một người cứu tế thế gian hết sức hăng hái; tích cực hoạtđộng trên thế gian bằng giao tiếp hăng hái để thành tựu kết quả mong ước. Lòngtự nguyện của Bồ-tát là do phát khởi tâm bình đẳng (samaṃ cittaṃutpadya), không khởi tâm phân biệt (viṣamacitta, tâm bất bình đẳng) đối với hết thảychúng sinh, giữ vững tâm từ (maitracitta), tâm lợiích (hitao), tâm thiện tri thức (kalyāṇao), tâm khôngchướng ngại (nihatamānao), tâm khiêm hạ(apratihatao), tâm không tổn não (avihe­thanāo), tâm bất hại (avihimsāo). Bồ-tát cũng coi hết thảy chúngsinh như là cha, như là mẹ, như là con cái.[165]Từ (maitrīo), bi (karuṇāo), ai mẫn (anukampāo),và các từ khác, là những từ chúng ta thường gặp trong tất cả các kinh Đại thừa.Vì đem các tâm niệm đó mà đối đãi với hết thảy chúng sinh là một ước nguyện (praṇidhāna) mà hết thảy cácBồ-tát phải nhiệt tình hoài bão.

Đoạn đối thoại dưới đây, giữa Mãn Từ Tử (Pūrṇamai-trāyanīputra)và Xá-lợi-phất (Śariputra) trích trong Đại Bát-nhã,[166]cho chúng ta ý niệm về lý do tại sao Bồ-tát khởi tâm thương xót hướng đến hếtthảy các loại hữu tình còn đang mê muội. Trong tình cảm thương yêu đồng loại,không có tư tưởng cống cao, ngã mạn, độc đoán; những thứ tạo cho người ta tưcách cố chấp xa cách kẻ khác. Bồ-tát, dù khác biệt Thanh văn, Độc giác, khácbiệt môn học, động lực, giới luật, thành đạt, và minh huệ, nhưng vẫn không cótâm niệm cống cao. Bồ-tát không hề nảy ý nghĩ coi nhẹ kẻ khác; giữ thái độ kínhtrọng đối với hết thảy chúng sinh cũng như với Phật và Như Lai.

“Mãn Từ Tử hỏi Xá-lợi-phất: Phải chăng Bồ-tát chỉ kính trọngcác Bồ-tát khác mà thôi, không kính trọng chúng sinh nào khác?”

“Xá-lợi-phất: Bồ-tát phải kính trọng hết thảy chúng sinh cũngy như kính trọng Như Lai. Bồ-tát phải kính trọng hết thảy các Bồ-tát và hếtthảy chúng sinh mà không phân biệt. Bởi vì Bồ-tát phải học tập bồi dưỡng tìnhcảm khiêm cung và kính trọng đối với hết thảy chúng sinh, không nhìn chúng bằngcon mắt ngạo mạn. Bồ-tát phải thực sự kính trọng chúng cũng y như cử chỉ cungkính đối với các Như Lai.”

“Bồ-tát nên nghĩ như thế này: Khi ta chứng đắc vô thượng chínhgiác, ta sẽ giáo hóa hết thảy hữu tình bằng pháp yếu sâu xa khiến chúng đoạntuyệt những phiền não, chứng đắc Niết-bàn, hay đạt cứu cánh an lạc của bồ-đề,hay hoàn toàn giải thoát khỏi thống khổ của các con đường dữ.”

“Bồ-tát như thế phải làm trỗi dậy tâm đại bi đối với hết thảychúng sinh, gìn giữ tâm mình không để mắc phải cống cao ngã mạn, tự thị. Bồ-táthãy suy nghĩ như thế này: Ta hãy tu học hết thảy các phương tiện thiện xảo (upāyakauśalya) để làm cho chúng sinh thể nghiệm Phật tính(buddhatā) trong tự tính sâu thẳm nhất của mình. Nhờ thể nghiệm được nhưthế, tất cả đều thành Phật, và ta sẽ bằng phương tiện thiện xảo dẫn chúng đếnchỗ thể nghiệm rốt ráo này, dẫn dắt lên hàng địa vị Pháp Vương (Dharmarāja).Pháp Vương là địa vị cao thượng nhất và tôn xưng nhất, vì ở đây người ta trởthành là chủ tể của vạn pháp (dharma).”

“Do đó, Bồ-tát hãy kính trọng hết thảy chúng sinh, hãy rải tâmđại bi cùng khắp không phân biệt; vì Pháp thân của Như Lai cùng khắp trong hếtthảy pháp…”

4. Quán Không bất chứng

Bây giờ chúng ta biết rằng tập hợp Bát-nhã, Đại bi và Phươngtiện dựng lên công hạnh của Bồ-tát. Nhưng ở đây là chỗ kỳ cùng căn để bí nhiệmcủa nhân sinh, nó sâu thẳm ngoài mức thăm dò của trí năng. Tôi muốn nói cái bínhiệm bao hàm những mâu thuẫn mà các triết gia đã không sao hóa giải được. Dođó, nỗ lực của tác giả của Bát-nhã là không đề ramột mẫu mực luận lý cho các kinh nghiệm của mình, mà chỉ kể lại chúng trongnhững từ hết sức giản dị tùy khả năng. Nếu có sự tình tiềm ẩn trong những tườngthuật của ông, cái đó do bản chất tiềm ẩn của kinh nghiệm, và bổn phận chúng talà phải nỗ lực thấu triệt chúng bằng cách nhìn thẳng vào những chỗ uyên áo nhấtcủa tâm thức riêng của mình. Nghĩa là, phải đọc Bát-nhã quađời sống và kinh nghiệm cá biệt của chúng ta, đừng đọc bằng trí năng. Khi chúngta cảnh giác những hoạt động của tâm hồn mình, cảnh giác một cách khẩn thiết,thâm sâu và kiên nhẫn chúng ta thấy kinh phơi bày nội dung của nó trước mắt.Bất cứ khó khăn nào mà chúng ta đã gặp phải trước kia đến đây sẽ hoàn toàn tiêutan hết. Đây không còn những ràng buộc rối rắm của luận lý, không còn nhữngkhúc mắc khó hiểu của trí năng. Y như đang thấy rõ trái táo là trái táo. Tráitáo nằm trước mắt, thấy nó, cầm lấy nó, chúng ta có thể ăn và thưởng thức vịngọt của nó, tìm thấy sự thỏa mãn hài lòng. Nhà hóa học, thực vật học, khoa họcy thuật, chuyên gia nông học v.v.., có thể tìm thấy nơi trái táo nhiều vấn đềchưa giải quyết, nên vẫn tiếp tục thảo luận, thí nghiệm. Nhưng một người thựctế của thế gian hài lòng với tính hiện thực của sự vật mà y tự mình xác chứng,không dựa vào bất cứ ai khác, không theo một quá trình phân tích và trừu tượngnào, những thứ luôn luôn cản trở tính chất trực thị của tri giác và tình cảm.

Những đoạn dưới đây, trích từ phẩm “Phương tiện” trong Bátthiên tụng (aṣṭasāhasrikā),đầy những khúc mắc phức tạp, bắt buộc phải vận dụng óc tưởng tượng của chúng tađến kỳ cùng mới mong vén mở nổi chúng. Tuy nhiên, vì chúng dựng lên tinh thểcủa Bồ-tát hạnh, nên được trích ra ở đây.

Phật nói: “Nếu Bồ-tát muốn thực hành Bát-nhã ba-la-mật, hãyquán (pratyavekṣitavyam).Hết thảy các pháp[167] là Không, phải đem tâm không tánloạn (avikṣiptayācittasantatyā) mà soi vào tự tính của chúng. Tuy quán pháp tính Khôngnhư vậy, nhưng không nên ở nơi đó mà thực chứng Không.”[168]

Theo lề lối suy tư thông thường của chúng ta, tình trạng nàykhông thể có: nhìn vạn hữu là Không, an trụ trong Chính định (samādhi) của tính Không, nhưng không thực chứng Không.Làm thế nào có thể?

Phật trả lời: “Khi Bồ-tát quán thấy (pratyavekṣate) rằng hết thảy các pháp đều có đủ lý tínhcủa Không; dù học Không nhưng ở trong đó không lấy Không làm (đối tượng) chứngnghiệm, vì biết rằng, đây chỉ là thời học, không phải thời chứng.”[169]Như thế Bồ-tát dừng lại ngay trước sát na gặt hái kết quả đích thực của Khôngtam-ma-địa mà không toàn nhiên đắm mình giữa lòng tính Không. Được hộ vệ bởicông năng của Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát khi chứng Không không xao lãng thựchành các yếu tố giác ngộ (các Bồ đề phần); và đã diệt tận tất cả các tham dục,mà vẫn không trụ trong tịch diệt tuyệt đối. Chính bởi lý do đó, Bồ-tát, khithực hành môn giải thoát Không tam-ma-địa (tức Chính quán về Không), mà khôngthủ chứng Không; khi thực hành môn giải thoát Vô tướng tam-ma-địa (animittasamādhi) mà không thủ chứng vô tướng, không trụhữu tướng. Trí tuệ sâu sắc, thiện căn đầy đủ, được hộ trì bởi Bát-nhãba-la-mật, Bồ-tát thấy rằng đời sống của mình lúc bấy giờ là thời gian học,không phải là thời gian chứng. Như thế, tuy quán Không mà không thủ chứng Thựctế (bhūta­koṭi).

Giải thích đó hình như chưa đủ để gây xác tín nơi kẻ phàm phu.Do đó, thí dụ sau đây, trong đó minh thị chí nguyện và tri kiến của Bồ-tát.

Ở đây, giả sử có một người hình nghi tuấn tú, sức lực dũngmãnh, hăng hái và chuyên cần; với tư cách một chiến sĩ, y thông thạo tất cả cácnghệ thuật chiến đấu; với tư cách một thân sĩ, y thông minh, đức hạnh, và lãoluyện trong mọi môi trường của cuộc sống; do thế y được hết thảy những ngườiquen biết ngưỡng mộ vô cùng. Một ngày nọ, y có công vụ phải giao dịch ở mộtvùng xa; muốn đi tới đây, phải vượt qua những khu rừng núi man dại, chỗ ẩn thâncủa đám trộm cướp và bọn sống ngoài vòng pháp luật. Cha mẹ, vợ, con và những kẻtùy tùng đi theo y đều sợ hãi một cuộc tấn công của đám trộm cướp hung hãn kia.Nhưng y là một người đầy đủ trí và dũng, bảo họ đừng mang những lo sợ đối vớicuộc đi của mình, vì y biết cách dùng cơ mưu thủ thắng bọn cường đạo đó và đưađồng bạn mình an toàn và ổn thỏa vượt qua núi rừng và xuyên qua những chốnhoang dã. Họ cảm thấy thoải mái với những lời đoan quyết của y. Cuối cùng họqua khỏi vùng hiểm tuyệt, và an nhiên tới đích. Đấy hoàn toàn là do sự thôngminh, tài trí, đởm lược cũng như quyết tâm vô song của y.[170]

Cũng vậy, tâm đại bi của Bồ-tát hằng rải lên khắp cả quầnsinh; Ngài luôn luôn sẵn sàng thực hành từ, bi, hỉ, xả, bình đẳng đối với hếtthảy mọi loài; Ngài được hộ trì bởi năng lực của Bát-nhã ba-la-mật (prajñā-pāramitayā parighita); Ngài được trang bị bằngcác phương tiện thiện xảo; hồi hướng công đức đến sự chứng đạt Nhất thiết trí.Vì lý do đó, Bồ-tát, khi tu tập pháp Không (śūnya),Vô tướng (animitta), Vô nguyện (apraṇihita), mà không chứng nhậpThực tế ngay.[171]Trong phương diện này, Bồ-tát không như các hàng Thanh văn và Độc giác.[172] Vì tâm Bồ-tát hằng mong làm lợi ích chohết thảy mọi loài, mong cầu hết thảy chứng đắc giác ngộ tối thượng của Phậtđạo.

Cũng như cánh chim bay giữa bầu trời, tuy đi giữa hư không màkhông nương tựa vào hư không, không rơi xuống mặt đất.[173]Bồ-tát tuy hành Không, học Không, mà không thủ chứng Thực tế của Không, vì muốnthực hành hết thảy Phật pháp để làm lợi cho hết thảy chúng sinh, và chỉ hưởngthọ công hạnh của mình khi nào đúng lúc.

Lại cũng như tay bắn lão luyện, thuật bắn đã tinh thục mà xảodiệu, bắn lên hư không mũi tên này tiếp theo mũi tên khác có thể khiến cho mỗimũi tên sau nâng giữ mũi tên trước, tất cả các mũi tên đều ở mãi giữa hư không.[174]Bồ-tát mong cầu giác ngộ tối thượng, được hộ trì bởi năng lực của Bát-nhãba-la-mật, mà không thủ chứng không Vô tác của Thực tế (bhūtakoṭi). Bồ-tát đợi cho đến lúc nào hết thảy các côngtrình của mình đều được thành tựu, mặc dù trực kiến sâu xa xuyên thấu cõi Khôngcủa vạn hữu. Tâm đại bi của Bồ-tát đối với hết thảy chúng sinh đang đi trongtăm tối, tìm cầu đạo lý để giải thoát chúng ra khỏi vô minh và khổ lụy; phươngtiện thiện xảo của Bồ-tát được nảy sinh từ tình thương bao dung và giữ vữngBồ-tát đi trọn con đường Bát-nhã ba-la-mật hạnh (prajñāpāramitācaryā)trường kỳ và tân khổ - đấy là những công năng, xác định Bồ-tát đạo.

Tuy nhiên như thế, hiển nhiên đây là một trong những huyền bílớn nhất trong đời sống tâm linh của nhà Đại thừa - hành trong Không, trụ trongKhông, đạt tam-muội của Không, nhưng không thủ chứng Thực tế của Không. Phậtđích thân công nhận rằng nó là một công trình tối đại gian nan, một công trìnhtuyệt đối phi phàm.[175] Quả thực, những tâm nguyện dị kỳcủa Bồ-tát rằng không bao giờ xả bỏ quần sinh, rằng sẽ giải thoát chúng ra khỏivô minh và khổ lụy, đó là cái huyền vi ẩn mật. Tất cả những ẩn mật và khó thấutriệt trong đời sống của đạo Phật có thể thấy nơi sự trỗi dậy của khát vọnggiải thoát toàn diện đó. Khi tâm của Bồ-tát đã được xác lập vững chãi như thế,người ta nói Bồ-tát đã đạt tới địa vị Bất thoái chuyển (avinivartanīya).

Nhân đó, điều khá hứng thú khi thấy ra đâu là những phẩm tínhđặc sắc của Bồ-tát, lúc Bồ-tát đã đạt tới địa vị học Phật này; bởi vì ở đây nêulên khá rõ tâm lý học về mộng trong sự xác định về tâm trạng của Bồ-tát. Sựthực, không chỉ riêng tâm lý gia mới đọc sâu vào vô thức. Tâm linh cũng hành sựngang qua vô thức từ cội nguồn sâu và xa hơn.

“Phật nói với Tu-bồ-đề: Nếu Bồ-tát, cho đến trong giấc mộngcũng không hề ưa thích địa vị Thanh văn và Độc giác, cũng không nảy sinh tâmniệm thác sinh vào những thế giới của Thanh văn và Độc giác, như thế là Bồ-tátđạt tới địa vị Bất thoái chuyển…”

“Nếu Bồ-tát trong giấc mộng, thấy mình đang ngồi giữa hưkhông, thuyết pháp cho mọi người, và thấy tự thân phóng đại quang minh, hóahiện hình tướng Tỷ khưu, đến trong các cõi Phật phương khác, thi hành các Phậtsự, như thuyết pháp, v.v.. đó là Bồ-tát đạt tới địa vị Bất thoái chuyển….”

“Nếu Bồ-tát, trong giấc mộng, thấy những hoạt cảnh của địangục ở đó hết thảy mọi loài đang chịu đủ mọi hình thức thống khổ; thấy như thế,Bồ-tát phát tâm mong thành tựu giác ngộ tối thượng, do thành tựu như thế, làmthanh tịnh cõi Phật sạch hết mọi cấu nhiễm và phiền não, ngay đến cái tên địangục cũng không còn nghe trong cõi này; đó là Bồ-tát đạt tới địa vị Bất thoáichuyển…”[176]

Những câu hỏi thường xuyên được gợi lên trong khi đọc Bát-nhã: Làm thế nào mà Trí Bát-nhã, vốn là soi vào khíacạnh tuyệt đối của vạn hữu tức tính Không, lại có thể từ đó nảy sinh Đại bi (karuṇā) và Phương tiện Thiện xảo(upāyakauśalya), vốn chỉ có ý nghĩa trong thế giớisai biệt mà thôi? Làm thế nào Bồ-tát, với đôi cánh luôn luôn lượn cao trên cõiNhất thiết trí, lại có thể từ đó vỗ cánh quanh mặt đất đầy những thống khổ, bấtcông, cuồng dại? Hơn thế nữa, làm thế nào Bồ-tát có thể dừng lại chuyến baycuối cùng, chuyến bay đưa ngài đến mục tiêu tối hậu của cuộc hành đạo, vì tráitim ngài được kêu gọi trở lui để cứu trợ hết thảy chúng sinh không muốn vứt bỏchúng lại với những nghiệp chướng? Làm thế nào huệ nhãn lại có thể nhìn vào haichiều hướng ngược nhau cùng lúc? Theo Bát-nhã,Bồ-tát thành tựu bí nhiệm này chính bởi ngài hằng khát khao Bát-nhã trí và Nhấtthiết trí, và tu tập theo đó.

“Đây không phải là chỗ khó khăn”, như lời của Tu-bồ-đề, mặcdù nơi khác đã có lời tuyên bố là nó quá khó. “Cái khó nhất là dẫn hết thảy vôsố chúng sinh đưa chúng đến an trụ trong Đại Bát-niết-bàn (Parinirvāṇa).Bồ-tát khoác áo giáp tinh tiến. Nhưng chúng sinh (sarvasattva)vốn tịch tĩnh (viviktatva) như hư không, vô sở đắc(anupaladhatā), tuyệt đối vô sở liễu tri.[177] Dù vậy, Bồ-tát không sợ hãi họctập, không thối lui, không chút bị áp đảo, hay bị nhụt chí; vì Bồ-tát đang tutập Bát-nhã ba-la-mật… Với những ai thực hành Bát-nhã, ma quỷ sẽ không có cơhội chen vào công trình của mình, nếu người đó quán sát hai sự kiện: 1: Thấychân lý rằng vạn hữu đều là Không, và 2. Không lìa bỏ hết thảy chúng sinh.”Đương nhiên không có cách nào nối kết mâu thuẫn đó trừ phi kiên quyết nhảyxuống hố thẳm của chính tính Không.

5. Một vài Đối nghịch quan trọng

Như thế Bát-nhã cung cấp chúng tamột bộ gồm những đối nghịch mà chúng ta phải kéo ra một tổng đề cao hơn từ đó,không phải bằng tính cách minh nhiên của luận lý, nhưng bằng sinh hoạt hiệnthực của đời sống Bồ-tát, người đi trên đường về Nhất thiết trí. Một vài đốinghịch có ý nghĩa có thể đúc kết như sau:

a. Bát-nhã trí hay Nhất thiết trí đối Đại bi hay Phương tiện.

Đây là nghịch đề căn bản trong Bát-nhã vàcũng trong tất cả các giáo nghĩa khác của Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, sựtương phản chỉ có tính cách khái niệm, do đó, phù phiếm, như trong tất cả mọitrường hợp khác; bởi trong đời sống hiện thực của Bồ-tát, đối nghịch này khôngthấy có và không gây trở ngại nào cho việc thi hành hết thảy Phật sự. Hoặcchúng ta có thể nói rằng một người trở thành một Bồ-tát khi nào những khái niệmcó vẻ mâu thuẫn biến mất khỏi đạo tâm của mình. Chẳng hạn, chúng ta đọc trongkinh:[178]

“Bồ-tát học Thực hành Bát-nhã là học Nhất thiết trí. Học Nhấtthiết trí là chứng Chân như. Bởi vì danh hiệu “Như Lai” (tathāgata) cónghĩa là vị đã chứng Chân như. Và trong Chân như đó, không có diệt tận (kṣaya), không có hiện khởi (utpāda), không có biến mất (nirodha),không có sinh xuất (janaka), không có thị hiện (vibhāvana), không nhiễm (raja), không ly nhiễm,không hiện hữu, như hư không, không sở y. Nhưng do học Bát-nhã ba-la-mật màBồ-tát thành tựu các công hạnh của mình, làm nơi nương tựa cho kẻ khác, và thựchiện tất cả những gì phát xuất từ tấm lòng lân mẫn yêu thương, một tâm tìnhhoan lạc, thương xót bao la đối với hết thảy chúng sinh. Không những thế,Bồ-tát còn giúp kẻ khác tự tu tập trong đạo giải thoát, và gìn giữ gia tộc NhưLai luôn luôn hưng thịnh…”

b Tu Thiền định (dhyāna) không thọ quả Thiền[179]

“Bồ-tát tu tập Bát-nhã, tuy thực hành các Thiền định, nhưngkhông chịu thác sinh vào cõi trời phước báo của Thiền định. Ấy là do phươngtiện thiện xảo (upāya­kauśalya) vô sinh củaBát-nhã, chính do phương tiện đó mà Bồ-tát khi thực hành các Thiền định khôngtùy theo đó mà thác sinh vào các cõi trời của Thiền định thong dong thọ hưởngtất cả những thứ khoái lạc ly dục. Nhưng Bồ-tát không hề muốn rời khỏi thế giankhổ lụy này, nơi các quần sinh đang bị giam hãm ràng buộc. Ở nơi thế gian,nhưng không bị nhiễm ô bởi thế gian, đấy là sự tu tập của Bồ-tát. Dù sống đờisống thế gian, Bồ-tát vẫn đầy đủ thanh tịnh.

“Tu-bồ-đề hỏi: Nếu hết thảy các pháp, tự tính bản lai thanhtịnh, không ô nhiễm – vì là Phật pháp thanh tịnh – vậy làm thế nào trong một ýnghĩa nào đó, mà Bồ-tát chứng đắc các pháp thanh tịnh, làm như bản lai Bồ-tátvốn không thanh tịnh?”

“Phật đáp: Đúng vậy, đúng như lời ông nói, hết thảy các phápbản lai thanh tịnh, và Bồ-tát ở trong hết thảy các pháp bản lai tự tính thanhtịnh đó mà như lý tu học Bát-nhã. Đấy là phương tiện sẵn có trong Bát-nhã vàphát sinh từ Bát-nhã. Bồ-tát soi thấy thực tại đó, và xa lìa mọi kinh hãi vàkhiếp đảm.”

c. Bồ-tát đối Thanh văn

Trong tất cả các kinh điển Đại thừa, đối nghịch này quantrọng nhất, bởi vì đời sống của Bồ-tát nghịch hẳn lại đời sống của Thanh văn.Hàng Thanh văn sẵn sàng lìa bỏ thế gian vì giác ngộ và giải thoát riêng mình,sẵn sàng trải tai ra nghe khuyến cáo của Ma Cám dỗ; nó thường nói: “Những lạcthú trên các cõi trời quả thật vô cùng tuyệt diệu và siêu phàm; những lạc thútrần gian này không sao sánh nổi, vì chúng là những tướng trạng của vô thường,khổ, không, bại hoại. Ngài phải tự mình tu tập để hưởng thọ những quả báo củahạnh sa-môn, để không còn chịu đựng nghiệp quả tái sinh nữa.” Tuy nhiên, khóatrình của Bồ-tát lại nhắm đến chỗ khác, Ngài muốn vẫn ở lại với chúng ta, làmcác việc ích lợi cho chúng ta. Tự mình học tập Bát-nhã, Bồ-tát tiếp nhận mọitiến bộ tâm linh thành tựu từ đời sống của Thanh văn, nhưng dẹp bỏ ý tưởng trụmãi nơi những kết quả của đời sống đó. Bồ-tát biết rằng Bát-nhã là mẹ của hếtthảy chư Phật và Bồ-tát, và biết rằng cái thiết lập lý tính của Phật đạo làNhất thiết trí, và thêm nữa, Nhất thiết trí là Bát-nhã trí và Bát-nhã trí làNhất thiết trí vì hỗ tương sinh khởi.[180] Khi biết như thế, Ngài tinh cầnhọc tập Bát-nhã. Nhưng Ngài không hề nghĩ riêng đến mình khi học tập Bát-nhã,cũng không nghĩ rằng mình học tập Bát-nhã cho riêng mình để chứng đắc Bát-nhã.Hạnh Bát-nhã của Bồ-tát không phải là chỉ thấy, nghe, nghĩ, biết về Bát-nhã;bởi vì đây đích thực hành Bát-nhã, học Bát-nhã, và tu Bát-nhã.

Tại sao? Vì khi các bạn nghĩ rằng: “Đây là tâm ta”, “Đây làthức ta”, “Ta kiên tâm”, v.v… thì Bát-nhã không còn đó, vì Bát-nhã là vô tâm (acitta).[181]

d. Thực đối huyễn

Nhìn thoáng qua, Bát-nhã hình nhưphủ nhận các thực tại, tuyên bố chúng là những hiện hữu như huyễn; rồi Không vànhư huyễn được dùng như đồng nghĩa. Trong việc thấu hiểu kinh Bát-nhã, đây có lẽ là một trong những điểm khó nhất, nhưthường xuyên được nêu ra.

Theo kinh,[182]hết thảy pháp đều như huyễn, năm uẩnnhư huyễn, vì hết thảy các pháp không có chướng ngại, nghĩa là không có tự thể.Không chỉ hết thảy các pháp là như huyễn, Phật pháp cũng như huyễn, Niết-bàncũng như huyễn, cho đến có cái gì cao hơn Niết-bàn, cái đó cũng là như huyễn;vì Niết-bàn và như huyễn, không có phân biệt. Tuy nhiên như thế, đừng hiểu nhưhuyễn theo nghĩa đó là ảo tưởng hay bất thực như khi chúng ta nói rằng tất cảlà mộng. Theo nghĩa của đạo Phật, như huyễn có nghĩa rằng Bát-nhã trí không ởnơi năm uẩn cũng không lìa năm uẩn, và phải tìm Bát-nhã “nơi nào Tu-bồ-đề đanghồi chuyển.”[183]Chừng nào người ta còn nhìn thế giới trong mặt tĩnh, không có thực tại nào đằngsau nó, nó là như huyễn; phải nắm thế giới y như nó “đang hồi chuyển”, như đangbiến hành, đang trải qua từng trạng thái của hữu. Khi vận hành đó bị dừng lại,bấy giờ là một tử thi. Khi vận hành được coi như là cái khác với chính nó và ởngoài những sự thể biểu thị hiện hữu của nó, nó không còn ý nghĩa gì hết. Hiểunhư thế, Như thực tri kiến (yathābhūta), tức làBát-nhã.

Người ta ai cũng sợ hãi khi nghe nói rằng thế giới là một ảogiác, và tưởng tượng rằng nếu vậy thì đời sống của mình không có giá trị và rồihọ có thể làm bất cứ thứ gì tùy sở thích mà khỏi chịu trách nhiệm về các hànhvi của mình. Đây là một trong những giải thích lệch lạc về thuyết như huyễn (māyā-vāda). Khi các nhà Đại thừa nói lên điều đó, khôngphải họ không biết tới một số định luật nào đó đang điều động như huyễn. Dù chotất cả như huyễn, vẫn có những định luật trong đó, và không thứ gì trốn khỏicác định luật này. Tất cả phải phù hợp với chúng. Thuyết như huyễn không giảiphóng một ai đang ở trong đó thoát ra khỏi sự kiểm soát của chúng. Chỉ những aiđã tìm ra một cõi thực nào đó trong như huyễn, dù vậy vẫn không bị tác động,mới có thể chế ngự nó và những định luật của nó. Chỉ những ai đã thấy được chânlý như vậy mới có thể tuyên bố rằng tất cả đều như huyễn.

Cho nên, các nhà Đại thừa là những người tùy thuận chân lýtính Không, trụ trong Bát-nhã, từ chối không tìm gốc rễ của mình trong sắc,thọ, tưởng, hành và thức, cũng không tìm trong thế giới hữu vi, hay vô vi. Trụxứ đó được gọi là trụ xứ vô sở trụ. Vì lý do này, trụ trong Bát-nhã tức làkhông trụ trong Bát-nhã; trụ trong Bát-nhã theo bất cứ ý nghĩa nào khác, đều làtrụ nơi chấp thủ và cái đó phải tránh nếu người ta muốn tự mình tác chủ. Khi cótrụ điểm cố định, ở đâu đó, dù ở trong Bát-nhã, đấy là một kết quả nó trói buộcchúng ta, và chúng ta không còn độc lập trong tri thức, đạo đức hay tâm linh. Bát-nhã như thế dạy chúng ta quét sạch mọi trụ điểm cốđịnh có thể có, hay quét sạch mọi vọng tưởng, đấy là vô trụ xứ, hay trụ trongtính Không. Phật hay Bồ-tát nói ra giáo pháp của mình từ chỗ vô trụ xứ đó; chonên, trong đó, không có người thuyết, không có pháp được thuyết cũng không cóngười nghe thuyết. Đấy là ý nghĩa của như huyễn.[184]

e. Bát-nhã đối phân biệt

Ngay khi một tư duy phân biệt vừa khởi lên (saṁjñā­syate), chúng ta bỏ lạiBát-nhã đằng sau, dứt mình ra khỏi Bát-nhã.[185]Phân biệt (vikalpa) hay móng tâm là yếu tố phá hoạiBát-nhã, nó chận đứng dòng thắng lợi của Bát-nhã. Phân biệt cố nhiên phát sinhtừ Bát-nhã, bởi vì nếu không, sẽ không thể có vọng tưởng (saṁjñā). Nhưng vọng tưởng lại choán chỗ củaBát-nhã, thế mới tai hại. Nó không đếm xỉa đến Bát-nhã, bất chấp hoạt dụng củanó mà có là do Bát-nhã. Thiên chấp này bộc lộ khá rõ nơi tưởng (saṁjñā) khiến cho nó luôn luônđứng đối nghịch với Bát-nhã, và tạo ra thủ trước (saṅga) để gây ảnh hưởng độc hại của nó trên toànthể môi trường của tâm thức. Phân biệt thật ra vô hại, nhưng khi nó đi đôi vớichấp trước, cố chấp – và cặp này không dễ gì vắng bóng trong tất cả mọi tâmthức – nó gây ra nguy hại lớn. Cho nên kinh nói: “Vì có danh (nāma) nên có thủ trước; vì có tướng (nimitta) nên có thủ trước.” Danh, gọi tên, là phân biệt,do đó nhận ra tướng dạng, và thủ trước hay chấp trước hay cố chấp khởi lên từgọi tên và nhận tướng dạng đó. Trí năng và phán đoán luôn luôn đi đôi.

“Khi nói sắc tức Không, đấy là thủ trước (saṅga). Khi nói thọ, tưởng,hành và thức là không, đó là thủ trước. Khi nói các pháp trong quá khứ hiệntại, và vị lai như là có thực trong quá khứ, hiện tại và vị lai đó là thủtrước. Khi tự nhận mình là một Bồ-tát vừa mới phát tâm cầu vô thượng giác ngộvà do đó đã tích tụ rất nhiều công đức, đó là thủ trước. Khi tự nhận mình làmột Bồ-tát đã dày công tu tập tích tụ rất nhiều công đức, đó là thủ trước.”[186]

Vì vậy, hành Bát-nhã có nghĩa là không hành theo sắc, thọ,tưởng, hành và thức; nhưng cứ theo chỗ không hành mà hành. Hành, nhưng không hềcó sở hành: đấy là Phương tiện nảy sinh từ Bát-nhã là cách miêu tả Bồ-tát hạnhcủa các nhà Đại thừa như là “sasaṁgatā ca saṁgatā,”có nghĩa: chấp trước và không chấp trước. Khi đạt tới tâm trạng trong đó khôngcòn có sự phân biệt và chấp trước, chiều sâu của Bát-nhã được nói là đã hoàntoàn thấu triệt.

Vì lý do đó, bắt buộc người ta phải định nghĩa Bát-nhã bằngnhững từ ngữ tự mâu thuẫn, và cuối cùng tuyên bố nó vượt ngoài môi trường củatri thức tương đối, đối đãi. Sau đây là một vài từ ngữ chúng ta thường gặp bấtkỳ đâu trong kinh điển Bát-nhã, tất cả những chứngtỏ rằng có một hố cách sâu giữa trí năng và kinh nghiệm Bát-nhã: 1) Bất khả tưnghì (acintyā); 2) Nan giải (duranubodhā);3) Viễn ly, lìa xa mọi nhận thức (viviktā); 4) Bấtkhả liễu tri, hoàn toàn không thể hiểu thấu (na kaścidabhisambudhyate); 5) Phi tâm sở tri, phi tâm sở hành, không thể nhậnthức bằng trí năng, không thể đạt tới bằng trí năng (nacittena jñātavyā, nacitagamanīyā); 6) Phi sở tác tính, không là vật bịtạo tác (akṛta);bởi vì tác giả vốn là bất khả đắc (kārakānupalabdhita);7) Bản tính phi bản tính (prakṛti-aprakṛiti), và phi bản tính bản tính (aprakṛti-prakṛti); 8) Nhất tướng vô tướng (ekalakṣaṇa-alakṣaṇa),bản tướng của vạn hữu là một Tướng nên Không Tướng.

Một đoạn trích từ kinh Đại Bát-nhã[187] sẽ kết thúc phần này:

“Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật,phải chăng hành pháp kiên cố (sāra) hay hành phápkhông kiên cố?”

“Tu-bồ-đề nói: Bồ-tát không hành pháp kiên cố, cũng không hànhpháp không kiên cố. Tại sao? Bởi vì trong Bát-nhã ba-la-mật cũng như trong Nhấtthiết pháp (sarvadharma) không có pháp kiên cố. Tại sao? Bởi vì khiBồ-tát Ma-ha-tát (Bodhisattva-Mahāsattva) thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa,không nhận thấy trong Bát-nhã cũng như trong Nhất thiết pháp có pháp nào làkhông kiên cố, hà huống là pháp kiên cố và khả đắc.”

“Ngay lúc đó có vô số các thiên thần từ cõi trời Dục và từ cõiSắc giới hiện đến, họ nghĩ: Những chúng sinh nào ở trong Bồ-tát thừa, phát tâmvô thượng giác ngộ, chúng thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa không ước lượngnổi. Tuy hành như thế, nhưng họ không tự mình thủ chứng thực tế, (bhūtakoṭi),do đó, họ lìa bỏ cảnh giới của Thanh văn và Độc giác. Vì lý do đó, chư Bồ-tátlà những hàng kỳ diệu, hay hành được những công việc khó hành. Hãy nên kínhtrọng sâu xa các Ngài. Tại sao? Bởi vì mặc dù họ thực hành hết thảy pháp tínhnhưng không thủ chứng thực tế.”

“Khi biết tâm niệm của các thiên thần này, Tu-bồ-đề nói: Bảorằng những ai theo Bồ-tát thừa không tự mình thủ chứng thực tế nên không rơivào địa vị của Thanh Văn và Độc giác, cái đó chưa có gì là kỳ diệu và khó làm.”

“Cái kỳ diệu nhất là khó làm nhất đối với Bồ-tát là thế này:dù biết rằng hết thảy pháp và hết thảy chúng sinh, trong tự tính của chúng,không có gì là hữu và sở đắc, các Ngài phát Bồ đề tâm vì ích lợi cho vô lượngvô số chúng sinh; và, khi mặc khôi giáp tinh tấn (vīrya),các Ngài kiệt tận nỗ lực hướng tới sự giải thoát cho hết thảy chúng sinh khiếncho chúng cuối cùng được dẫn tới Niết-bàn.”

“Bồ-tát học như vậy là như bắt hư không mà học. Tại sao? Bởivì tính của hư không là viễn ly (vivikta), là không(śūnya), là phi kiên cố (asāra),và phi sở hữu (na samvidyate); hết thảy chúng sinhcũng vậy, tính là viễn ly, là không, là phi kiên cố, là phi sở hữu. NhưngBồ-tát nỗ lực giáo hóa chúng sinh, dẫn chúng đến cứu cánh Niết-bàn.”

“Các Ngài mặc khôi giáp đại nguyện (mahāpraṇidhāna) để làm lợi ích hết thảy chúng sinh, giáohóa hết thảy chúng sinh. Nhưng các Ngài thấy rõ chân thật rằng tự tính củachúng sinh và nguyện cũng là viễn ly, là không, là phi kiên cố, là phi sở hữu.Nhận thức như thế, các Ngài hoàn toàn không kinh, không nhát, không sợ. Cácngài thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa như thế…”

---o0o---

Tựa tái bản

Tập sách Thiền và Bát-nhã này là phần trích Luận Năm và Luận Sáu, trong bộền luận, tập hạ, của D. T. Suzuki. Tập này gồm các thiên luận vềộđược xuất bản lầnđầu do An tiêm, năm 1972. Sởĩản toàn bộ, vì người dịch thấy cần phảiđọc lại bản dịch trướcđó,đểửa chữa và bổững sai lầm và thiếu sót nhấtđịnh phải có; mà công việc này chưa gặpđược thuận duyênđểực hiện. Vì vậy, chúng tôi sẽửa chữa từng phần, từng thiên luận, và sẽản dần.Thi Hoa nghiêm và Bát-nhã. Toàn bd không tái b s túc nh th s tái b

Nhân dịpđọc lại và sửa chữa, chúng tôi cũng thêm vào khá nhiều văn bản, tưệu liên quan đến Tâm kinh Bát-nhã. Các văn bản tưệu này giúp các độc giảơởđểựưệm những ý nghĩa tiềmẩn của Tâm kinh Bát-nhã mà các bản luận giải không thểếđểận thứcđược. Các tưệuđược cung cấp trongđây cũng chỉởừng mức có tính cách gợi ý. Vì nền văn học Bát-nhã, riêng trong Hán tạng, gồm các bản dịch và chú giải, quảật vô cùng đồộ, mà trong điều kiện hiện tại của trình độứu Phật học Việt nam thì công trình phiên dịch khó có thểực hiện chođầyđủươngđối chính xácđược. Dođó, người dịch mong độc giảếu cảm thấy cóđôi chút hứng thú với các tưệuđược cung cấpởđây, thì cũng chỉứng thú trong chừng mực vừa phải với nhận thức văn tự, ngoài ra thì tựưếu,đểượt qua giới hạn ngôn ngữ,đạtđược cho mình nhữngđiều ý tại ngôn ngoại.li li có thêm c st mình t duy và chiêm nghi thay thnh lich th s nghiên c th và t n linên h mình t duy quán chi v

Phật lịch 2547

Quảng Hương Già-lam

Tuệ S

cẩn chí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]