Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Thuyết diễn xuất

08/08/201102:48(Xem: 10405)
9. Thuyết diễn xuất

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI
Nhà xuất bản Phương Đông 2011

Phần II. PHÂN BIỆT, NGÔN NGỮ, VÀ TU CHỨNG

9. Thuyết diễn xuất

Biết ta biết.

Phái cổ điển của nhận thức luận tin tưởng rằng thực tại là đối tượng khách quan nhận thức có thể nắm bắt và ngôn ngữ có thể chỉ thị và biểu hiệu. Đối với phái này, “tri giác chân chính” phải thỏa mãn hai điều kiện, độc lập đối với chủ thể nhận thức và biểu tượng một thế giới “vật tự thân” một cách trung thực. Mặc dầu từ xưa đến nay rất nhiều kiến giải dùng luận lý chứng minh rằng hai điều kiện ấy không thể thực hiện, phần đông khoanh tay tự giới hạn trong sự quan sát tri giác tuyệt đối là bất khả đắc. Chỉ có một số rất ít khoa học gia và triết gia tìm cách giải tỏa khái niệm tri giác khỏi những ràng buộc ấy để có thể áp dụng nó cho những gì có thể tri nhận trong cảnh giới kinh nghiệm của chủ thể nhận thức. Số này thiết lập những mô hình tánh biết giải thích tri giác của sinh vật tùy thuộc sinh vật và hơn nữa là sản phẩm của các mạch biến dịch khép kín trong cấu trúc của sinh vật.

Trong sự tìm hiểu ta biết như thế nào, Maturana và Varela kể một thí nghiệm cho thấy ta không thể tách rời lịch sử các hoạt dụng của ta và cách thế thế giới hiện ra theo lối ta nhìn. Hãy cho hai nguồn sáng khác màu, một trắng (dùng bỏng đèn điện cực sáng) và một đỏ (dùng giấy bóng kính đỏ làm kính lọc), chiếu hai chùm tia sáng xuyên qua nhau. Đặt một vật, bàn tay của ta chẳng hạn, trong vùng chung của hai chùm và nhìn bóng của nó trên vách. Điều gây ngạc nhiên là màu của cái bóng ấy không trắng, không đỏ, không trộn lẫn trắng đỏ thành hồng như ta tưởng, mà xanh lục! Nếu bảo rằng màu là một phẩm tính của vật và của ánh sáng vật phản chiếu, thời khi thấy màu xanh tất nhiên ta nghĩ đó là do một tia sáng xanh xuyên qua mắt ta, một tia sáng có một độ dài sóng ta đo được. Nhưng khi đo các độ dài sóng trong quang phổ nhìn thấy trên vách, thời không thấy sự nổi bật nào của độ dài sóng màu xanh hay màu lục, mà chỉ thấy sự phân bố thường ứng với ánh sáng trắng. Nếu hỏi một nhà chuyên môn tại sao như vậy thời được biết rằng kinh nghiệm bóng màu xanh lục là một ảo sắc (chromatic illusion) vì thực tình không có bóng xanh lục mặc dầu ta thấy nó rõ ràng trước mắt.

Khi một quan sát viên nhìn một sinh vật tương tác với môi trường của nó, quan sát viên nhận thấy hành động của nó thích đáng hầu đáp ứng những nhiễu loạn môi trường áp đặt trên nó qua mỗi tương tác. Quan sát viên mô tả tánh thích đáng của hành động như là kết quả sinh vật thu nhiếp vài đặc sắc của môi trường, như thông tin chẳng hạn, rồi nương vào mà tính toán những thay đổi thích đáng hầu bảo trì tánh tự tạo tự sinh. Một quá trình như vậy quan sát viên gọi là quá trình nhận thức. Trên phương diện vận hành khép kín của một tổ chức tự trị, mô tả như vậy là không đúng và thông hiểu nhận thức như thế là sai lạc, bởi vì sinh vật là một mạng lưới tự trị, tương tác với môi trường không có tính cách nhận chỉ thị thay đổi từ bên ngoài. Trên quan điểm nhận thức sai lầm đó, khi các hành động của sinh vật được nhận thấy diễn ra trong tình huống không có nhiễu loạn hữu lực của môi trường, thời quan sát viên cho rằng những hành động nhận thấy là kết quả của một ảo giác.

Thực ra, sinh vật và hệ thần kinh của nó trong quá trình vận hành không thể có sự phân biệt giữa ảo giác và nhận thức. Bởi tại một mạng lưới neuron khép kín không thể phân biệt những thay đổi nào trong hoạt động tương đối của các neuron là do kích khởi từ bên ngoài hay từ bên trong. Sự phân biệt đó hoàn toàn thuộc cảnh giới mô tả trong đó quan sát viên định nghĩa một ngoại giới và một nội giới đối với sinh vật và hệ thần kinh của nó. Trong thực tế, đối với một động vật, hình trạng cấu trúc của môi trường có thể cấu thành những nhiễu loạn cảm giác và quá trình biến chuyển nội tại của các trạng thái được xác định như là kết quả của một tương tác riêng biệt giữa nó với môi trường, không phải bởi cấu trúc của môi trường mà chính bởi cấu trúc hệ thần kinh của nó và cấu trúc của nó xem như một cơ thể hoàn chỉnh.

Hơn nữa, vì những cấu trúc ấy là kết quả của móc nối cấu trúc giữa động vật và môi trường, sự vận hành khép kín của tổ chức của hệ thần kinh và của động vật phát sinh nhận thức, một xuất khởi biểu hiện sự móc nối cấu trúc giữa động vật và môi trường. Không phân biệt được những khái niệm qui ước xã hội mệnh danh là nhận thức hay ảo giác là do tánh bất lực bản hữu của tổ chức vận hành khép kín chứ không phải do trạng thái tri giác của ta hiện nay bị giới hạn. Do đó sự phân biệt giữa nhận thức và ảo giác chỉ có thể thực hiện trong cảnh giới các hiện tượng xã hội mà thôi. Bởi vậy luôn luôn nên đặt câu hỏi về tánh xác thực của bất kỳ tri nhận nào.

Mỗi lần mô tả, minh bạch hay ngầm kín trỏ vàomột sự vật tức là chỉ định một tiêu chuẩn phân biệt, thực hành một ngôn ngữ phân biệt(linguistic distinction). Ngôn ngữ phân biệt tách riêng cái được trỏ vào với bối cảnh của nó. Nói cách khác, ngôn ngữ phân biệt khu biệt một đơn vị A với cái không-A và định nghĩa A là khiển trừ không-A. Vật A được dựng khởi (định nghĩa A) khi thực hiện một ngôn ngữ phân biệt (khiển trừ không-A) của một ngôn ngữ phân biệt (khu biệt A với không-A). Như vậy, một đơn vị là do một ngôn ngữ phân biệt của một ngôn ngữ phân biệt dựng khởi. Ngược lại, mọi khi mô tả, một quan sát viên trỏ vào một đơn vị, thời sự trỏ vào có nghĩa là thực hành một ngôn ngữ phân biệt của một ngôn ngữ phân biệt nhằm dựng khởi và định nghĩa đơn vị đó. Tưởng nên nhắc lại đây sự cần thiết đừng lẫn lộn sự vận hành của sinh vật với sự mô tả tập tính của nó.

Quan sát viên có thể tri nhận một đơn vị trong nhiều cảnh giới khác nhau tùy theo cách phân biệt. Một mặt, nếu chú trọng đến cảnh giới vận hành của các thành phần của một đơn vị, cảnh giới các trạng thái nội tại và thay đổi cấu trúc, thời môi trường xem như không có. Mặt khác, nếu chú trọng đến cảnh giới vận hành của đơn vị tương tác với môi trường và mô tả lịch sử tương tác của nó, thời quan sát viên có thể thi thiết những quan hệ giữa một số tính chất của môi trường và tập tính của đơn vị và bỏ lơ nội động lực của đơn vị. Hai diện mô tả hai cảnh giới không tương ứng nhau, nhưng bổ sung nhau đưa đến một sự thông hiểu đầy đủ về đơn vị. Đứng ở ngoài, quan sát viên tìm cách kết nối hai diện ấy lại.

Nếu đơn vị là một sinh vật có hệ thần kinh, thời nói đến tập tính tức nói đến những thay đổi vị trí hay thái độ của sinh vật mà một quan sát viên mô tả như là những chuyển động hay hành động trong một môi trường nào đó. Quan sát viên có thể mô tả bất kỳ tập tính hay hành động nào cũng có mục đích, hoặc tác dụng hoặc hàm nghĩa, do quan sát viên gán ghép tương hợp với tánh tự tạo tự sinh của sinh vật. Nhưng vì hệ thần kinh vận hành khép kín, nên quan sát viên nhìn nhận cấu trúc của sinh vật xác định những tương tác bằng cách chỉ định hình dạng nào của môi trường kích khởi sự thay đổi cấu trúc của nó. Chính quan sát viên nhìn nhận môi trường không chỉ định hay điều khiển những thay đổi cấu trúc của sinh vật. Vì vậy tác dụng hay ý nghĩa mà quan sát viên qui cho tập tính không liên can gì đến sự thay đổi cấu trúc của sinh vật.

Để biện minh không ý nghĩa nào ẩn tàng trong những thay đổi cấu trúc kích khởi bởi tương tác, Maturana đưa ra thí dụ quá trình chế tạo một cặp thấu kính, một lồi một lõm, bằng cách sử dụng một phép quay thích đáng mài hai mẫu thủy tinh với nhau. Ta có thể bảo hai thấu kính ấy hoặc hợp thích nhau hoặc cái lõm là để chứa cái lồi.

Tuy nhiên, sự qui ý nghĩa hay mục đích như vậy không phải là một đặc tính của sự tương ưng hình học. Sự kiện cụ thể là những thay đổi cấu trúc tùy thuận những tương tác liên tục tái diễn. Sở dĩ Maturana nhất thiết bằng vào sự thay đổi cấu trúc để mô tả tánh tự tạo tự sinh là vì ông muốn gạt bỏ mọi kiến giải sử dụng khái niệm thông tin hay biểu tượng. Lập trường cứng rắn của ông về sau được Varela bổ túc cho rằng khả năng nhận thức của con người chưa thỏa mãn cho đến khi nào kiến giải của Maturana được bổ sung bởi những lời giải thích sử dụng thông tin và biểu tượng một cách cẩn trọng.

Động vật và môi trường tương hợp biến chuyển. Cả hai thay đổi cấu trúc và hình dạng để hợp thích lẫn nhau, cùng nhau trôi giạt. Chữ trôi giạt dùng ở đây là để ví với sự trôi giạt của một chiếc thuyền trên biển cả, không bánh lái, không tay chèo. Hành trình trôi giạt được xác định từng lúc, từng lúc, tùy thuộc sự tương tác liên tục tái diễn giữa thuyền với sóng và gió. Hành trình này diễn biến không có lựa chọn, trôi giạt chừng nào thuyền còn trôi nổi trên mặt nước (bảo trì tánh thích nghi) và còn giữ nguyên hình dạng (bảo toàn tổ chức). Giống như thuyền trôi giạt, sự phát triển cá thể(ontogeny) tức lịch sử thay đổi cấu trúc với sự bảo toàn tổ chức và tánh thích nghi cùng với sự đổi chỗ của động vật trong môi trường là quá trình cấu trúc trôi giạtcủa động vật.

Bây giờ thay vì quan sát một hệ sống có hệ thần kinh móc nối cấu trúc với môi trường, hãy tìm hiểu những gì xảy ra khi hệ sống này móc nối cấu trúc với những hệ sống khác. Maturana thường dùng cụm từ ‘tánh gắn bó sinh học’ (biological stickiness) để mô tả tình trạng hai hệ sống tồn tại gần nhau, hợp thích nhau, và tương tác liên tục tái diễn.

Nhìn từ hệ sống này, hệ sống kia là một nguồn nhiễu loạn không phân biệt được với những nhiễu loạn đến từ môi trường không sống. Do tánh gắn bó sinh học, hệ sống này chia xẻ một môi trường chung với hệ sống kia, hệ này trở thành một phần của cảnh giới tồn tại của hệ kia. Những tương tác liên tục tái diễngiữa hai hệ gắn bó nhau tạo điều kiện hiện thành một hợp tác phát triển cá thể(co-ontogeny). Trong hợp tác phát triển cá thể các hệ sống hợp thích nhau cùng vận hành theo một quá trình cấu trúc trôi giạt, hệ nào bảo toàn tổ chức và tánh thích nghi của hệ nấy. Các hệ sống đồng trôi dạt phát khởi một cảnh giới hiện tượng mới, hiện tượng xã hội, và tạo ra một đơn vị xã hộitrong đó chúng trở thành những thành viên.

Với tư cách quan sát viên, ta có thể mô tả các hỗ tương móc nối cấu trúc trong quá trình cấu trúc trôi giạt như là một thỏa hiệp phối hợp tập tínhgiữa những thành viên của một đơn vị xã hội. Những thỏa hiệp phối hợp tập tính hỗ tương kích khởi giữa những thành viên xã hội được gọi là ‘truyền thông’ (communication). Như vậy theo Maturana, ‘truyền thông’ không có nghĩa là một sự vận chuyển thông tin mà là những thỏa hiệp phối hợp tập tính giữa các thành viên xuyên qua hỗ tương móc nối cấu trúc trong một đơn vị xã hội. Thỏa hiệp phối hợp tập tính là đặc tính then chốt của truyền thông đối với hết thảy mọi sinh vật, có hay không có hệ thần kinh. Tuy nhiên, hệ thần kinh càng phức hợp thời thỏa hiệp phối hợp tập tính trở nên càng tinh tế và càng phức tạp.

Thỏa hiệp phối hợp tập tính có thể tự nhiên (natural behavior) hay hoạch đắc (acquired behavior). Tự nhiên nếu tập tính là kết quả của những thay đổi cấu trúc độc lập với sự phát triển cá thể riêng của sinh vật. Hoạch đắc nếu tùy thuộc sự phát triển cá thể riêng của sinh vật và ngẫu duyên phụ thuộc lịch sử tương tác giữa sinh vật với các thành viên khác trong đơn vị xã hội. Trong trường hợp này, quan sát viên có thể qui ý nghĩa cho các thỏa hiệp phối hợp tập tính và giải thích ý nghĩa đó hiện khởi trong sự phát triển cá thể và ngẫu duyên phụ thuộc lịch sử cộng tồn của các thành viên trong đơn vị xã hội. Maturana gọi thỏa hiệp phối hợp tập tính hoạch đắc là ngôn ngữ tập tính(linguistic behavior). Ngôn ngữ tập tính rất dễ nhận thấy giữa người với chó, mèo nuôi trong nhà. Chẳng hạn, con mèo thường cào cửa đòi chủ mở cửa để ra ngoài, con chó vẫy đuôi mừng chủ đi xa về. Những ngôn ngữ tập tính ấy xuất hiện bởi tại hợp tác phát triển cá thể, bởi tại sống gần nhau.

Một quan sát viên có thể mô tả những ngôn ngữ tập tính như là một sự trao đổi thông tin có ý nghĩa. Thí dụ nói “con mèo đang nói với chủ rằng nó muốn ra ngoài”. Nhưng theo Maturana, đó chỉ là một phóng chiếu từ quan sát viên chứ ngôn ngữ tập tính không bao hàm ý nghĩa nào cả. Sự cố chỉ là tác dụng kích khởi lẫn nhau những thay đổi cấu trúc hợp thích giữa hai hệ sống, người và mèo.

Ngôn ngữ tập tínhchưa phải là ngôn ngữ. Theo Maturana, ngôn ngữ(language) là một hiện tượng sinh học phát khởi từ sự vận hành của các sinh vật liên tục tái diễn tương tác bảo toàn tổ chức và tánh thích nghi theo quá trình cấu trúc trôi giạt trong hợp tác phát triển cá thể. Hiện tượng ngôn ngữ sinh khởi khi có “truyền thông về truyền thông”. Hay: Quá trình sinh khởi ngôn ngữ, còn gọi là ‘cấu trúc ngôn ngữ’ (languaging), diễn ra khi một phản thân tác động (reflexive action) thực hiện một ngôn ngữ phân biệt của ngôn ngữ phân biệt trong tương quan với môi trường, hay thỏa hiệp phối hợp các thỏa hiệp phối hợp tập tính trong tương quan với các thành viên xã hội khác.

Thí dụ sau đây sẽ giúp hiểu thế nào là cấu trúc ngôn ngữ. Giả thử mỗi buổi sáng con mèo của tôi kêu meo meo và chạy về phía tủ lạnh. Tôi theo nó, mở tủ lấy sữa đổ vào một cái chén, và đưa nó hớp hết. Đó là truyền thông, một phối hợp tập tính xuyên qua những tái diễn tương tác, hay hỗ tương móc nối cấu trúc. Bây giờ giả thử một buổi sáng nọ, tôi không đi theo nó vì tôi biết không còn sữa cho nó. Nếu con mèo có cách gì đó biết truyền thông cho tôi hay đại khái như “Ông chủ ơi, tôi đã meo meo ba lần rồi; sữa của tôi đâu?” thời đó là ngôn ngữ. Mèo không biết sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa của Maturana nhưng theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học Hoa kỳ, giống tinh tinh (chimpanzee) chẳng những có khả năng học hỏi một số ký hiệu ngôn ngữ mà còn biết tổ hợp dấu hiệu thành nhiều cách diễn đạt mới.

Một thí dụ khác về ngôn ngữ: Khi đứng bên lề đường ta khoa tay làm dấu nhằm kích khởi sự lưu ý của một tài xế taxi, thời đó là một phối hợp tập tính. Khi ta lấy tay vẽ một vòng tròn hàm ý muốn ông tài xế quay xe một vòng chữ U, thời đó là phối hợp sự phối hợp. Và như vậy là phát khởi truyền thông bằng ngôn ngữ mức sơ cấp. Vòng tròn trở thành một dấu hiệu, hiển thị một tâm lý biểu tượng về quỹ đạo của chiếc taxi. Thí dụ này cho thấy ngôn ngữ là một hệ thống truyền thông bằng dấu hiệu. Những dấu hiệu như tiếng, chữ, hay cử chỉ biểu hiệu ngôn ngữ tập tính hay phân biệt. Ngôn ngữ phân biệt của ngôn ngữ phân biệt dựng khởi các đối tượng (A là khiển trừ không-A) và dấu hiệu (tên gọi A) trở thành liên hợp với tâm lý biểu tượng của các đối tượng ấy.

Nhà nhân chủng học Gordon Hewes vào thập niên 70 xướng lên thuyết ngôn ngữ sinh khởi từ khi giống linh trưởng (primates; người khỉ cổ đại) biết sử dụng tay một cách chính xác để làm dấu hiệu truyền thông và tạo dụng cụ. Sau một thời gian tiến hóa, chúng có khả năng theo dõi những chuỗi mẫu hình phức hợp khi tạo dụng cụ, làm điệu bộ, và ra dấu hiệu và từ đó phát sinh nói thành tiếng. Roger Fouts trong tập sách Next to Kin (Tối cận thân) của ông quảng diễn thuyết của Hewes sau khi khảo sát cách truyền thông của giống tinh tinh. Giống này biết sử dụng những dấu hiệu và tỷ dụ, nắm bắt được cách xếp loại, và hiểu biết những qui tắc văn phạm đơn giản. Chúng có khả năng kết hợp các dấu hiệu theo thứ tự trước sau để gợi ý nghĩa. Chúng sáng tạo thêm nhiều chữ mới bằng cách kết hợp các dấu hiệu theo kiểu mới.

Ý tưởng ngôn ngữ bắt nguồn từ cử chỉ và điệu bộ thật ra không có gì mới mẻ vì từ xưa ai cũng biết trẻ thơ trải qua một thời gian làm điệu bộ và cử chỉ trước khi bắt đầu nói. Những người không rành ngôn ngữ của địa phương mình thăm viếng thường phải ‘nói’ bằng tay. Vấn đề khoa học tìm hiểu là làm thế nào tiếng nói phát sinh từ cử chỉ. Làm thế nào tổ tiên người khỉ chúng ta bắc được nhịp cầu vượt qua cái hố ngăn cách cử động của tay và dòng tiếng nói phát ra từ miệng?

Vấn đề này được nhà thần kinh học Doreen Kimura giải quyết do sự khám phá tiếng nói và chuyển động chính xác của tay đều do cùng chung một vùng vận động của não chi phối. Do đó Fouts mới nghĩ ra rằng thủ ngữ (sign language) hay tiếng nói (spoken language) cả hai đều là cử động: “Thủ ngữ là cử động của tay; tiếng nói là cử động của lưỡi. Lưỡi cử động chính xác, ngưng lại những nơi xác định trong miệng để chúng ta phát ra tiếng nói. Tay và ngón tay ngưng lại đúng những nơi chung quanh thân thể để tạo ra những dấu hiệu.” Những cử động chính xác của tay tiến hóa đến độ kích khởi cử động chính xác của lưỡi và sự tiến hóa cử chỉ phát sinh hai hậu quả: một, khả năng tạo ra và sử dụng những dụng cụ càng lúc càng phức tạp và hai, khả năng phát âm thành tiếng nói càng lúc càng khó hiểu. Sau hàng trăm ngàn năm tiến hóa tiếng nói được sử dụng nhiều hơn thủ ngữ và trở nên hình thức truyền thông phổ dụng hiện nay. Tuy thế, theo Fouts, “cử chỉ vẫn còn được sử dụng như ‘ngôn ngữ thứ hai’ (second language) của mọi văn hóa.”

Khi đối tượng được tác thành bởi ngôn ngữ phân biệt của những ngôn ngữ phân biệt, chúng trở thành cơ sở của những phối hợp khác tạo thêm nhiều khái niệm trừu tượng về tính chất của chúng, và về những tương quan giữa các đối tượng. Chẳng hạn, nếu đối tượng là cái bàn, những khái niệm tạo thêm có thể là chiều cao hay vị trí của cái bàn, bằng cách tác động phân biệt những phân biệt của những phân biệt. Quá trình quan sát, theo Maturana, bao gồm những phân biệt của phân biệt như vậy. Quan sát viên, một đối tượng như những đối tượng khác, hiện khởi khi ta phân biệt những tác động quan sát, và cuối cùng tự tri (self-awareness) là quan sát quan sát viên khi ta sử dụng khái niệm đối tượng và những khái niệm trừu tượng liên hợp để mô tả chính ta.

Thật vậy, quan sát viên và cấu trúc ngôn ngữ đồng thời câu khởi. Mọi hoạt dụng diễn đạt hay cấu trúc ngôn ngữ đều phát sinh trong kinh nghiệm sống. Cấu trúc ngôn ngữ không có nghĩa là chuyển đạt tin tức hay bất kỳ ‘thông tin’ nào, mà trỏ vào một hoạt dụng xã hội sinh khởi từ những phối hợp hành động về phối hợp hành động. Không có phối hợp hành động như vậy thời không có cấu trúc ngôn ngữ để mô tả, và tác động phân biệt của quan sát viên không làm sao được ý thức.

Quan sát là nhận biết phân biệt. Do đó, tự quan sát thấy mình là tác viên phân biệt tức là phân biệt được tự thân. Maturana diễn tả vòng kín ấy như sau: “... nếu chúng ta chấp nhận những gì chúng ta phân biệt tùy thuận những gì chúng ta làm, như khoa học vật lý hiện đại chấp nhận, thời chúng ta, quan sát viên, hoạt động với giả thiết ngầm là, chúng ta bẩm thụ lý trí, và điều này không cần hay không thể giải thích. Tuy vậy, nếu chúng ta, quan sát viên, suy gẫm về kinh nghiệm của chúng ta thời chúng ta khám phá ra kinh nghiệm của chúng ta là tìm thấy chúng ta đang quan sát, đang nói, hay đang tác động, và bất kỳ giải thích hay mô tả nào về những gì chúng ta làm đều suy ra từ kinh nghiệm chúng ta tìm thấy chúng ta đang làm những gì chúng ta làm.” (... if we accept that what we distinguish depends on what we do, as modern physics does, we operate under the implicit assumption that, as observers, we are endowed with rationality, and that this need not or cannot be explained. Yet, if we reflect upon our experience as observers, we discover that our experience is that we find ourselves observing, talking, or acting, and that any explanation or description of what we do is secondary to our experience of finding ourselves in the doing of what we do.)

Điểm nổi bật trong cái vòng kín ấy là đối tượng quan sát không phải là sự vật, tính chất, hay những mối tương quan của một thế giới ‘như thị’, mà là những kết quả của những phân biệt do chính quan sát viên tác thành. Bởi vậy, không làm sao có được những kết quả của phân biệt nếu không có ai đó tác động phân biệt. Như thế, quan sát viên sinh khởi từ cách thức và phương tiện mô tả của chính nó, nghĩa là bằng cách phân biệt chính nó. Tác dụng căn bản của phân biệt dẫn đến sự phân biệt ly cách quan sát viên với đối tượng quan sát.

Hãy nhìn lại bức hình Tay vẽ tay của họa sĩ M. C. Escher. Ta nhận ngay ra ẩn núp đằng sau là bàn tay của họa sĩ vẽ cả hai tay, trái và phải. Cũng vậy, ta có thể giải thích tay vẽ tay là vòng kín tác động phân biệt của tác động phân biệt, và đằng sau là quan sát viên phân biệt với cái vòng kín ấy.

Những điều trình bày trên làm tưởng nhớ đến Descartes. Nhằm bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi (skepticism), Descartes sử dụng hoài nghi như một lợi khí để tách riêng tất cả những gì khả nghi với những sự thật còn lại. Cuối cùng điều duy nhất ông nhận thấy và có thể tin chắc là điều chính ông đang trầm tư trong hoài nghi. Vì sự trầm tư của ông nhằm thấu đạt một thực thể, trái ngược với chủ trương của chủ nghĩa hoài nghi, cho nên ông phát biểu sự tin chắc về tư tưởng hoài nghi của ông như một nguyên lý thực thể học: cogito ergo sum (Tôi suy nghĩ, như vậy là tôi thực hữu). Maturana không chấp nhận lời phát biểu ấy vì chữ ‘sum’ xác nhận một bản thể có thật. Thật ra, tư tưởng hoài nghi mà ông tin chắc, Descartes không thấy rõ nó phải y cứ trên những phân biệt mà ông là tác viên trong cái thế giới kinh nghiệm của chính ông chứ không trên bất kỳ một thực thể nào cả. Nếu thấy rõ thời chắc ông đã hô lớn: “Do phân biệt, tôi tạo tôi thành quan sát viên.”

Ngôn ngữ phân biệt không cô lập mà ở trong mạng lưới móc nối cấu trúc, mạng lưới ta không ngừng đan kết bằng cấu trúc ngôn ngữ. Ý nghĩa phát khởi như một mẫu hình các quan hệ giữa các ngôn ngữ phân biệt. Như thế, chúng ta tồn tại trong một ‘cảnh giới ý nghĩa’ do chúng ta sử dụng ngôn ngữ dựng thành. Khi ta sử dụng khái niệm đối tượng và những khái niệm trừu tượng liên hợp để mô tả chính ta thời tự tri sinh khởi. Maturana nhận xét: “Vì biết (nhận thức) là hành động có hiệu quả cho nên biết không liên can đến đối tượng và khi biết chúng ta biết như thế nào, chúng ta dựng khởi ngay chính chúng ta”. Cảnh giới ngôn ngữ của con người mở rộng để bao hàm suy tưởng và tự tri.

Theo trên, tự tri (self-awareness) dính liền ngôn ngữ phân biệt và vấn đề thông hiểu ngôn ngữ phân biệt được tiếp cận xuyên qua một sự phân tích kỹ lưỡng về vấn đề truyền thông. Kết quả cho thấy cá thể tồn tại chỉ trong ngôn ngữ, tự ngã tồn tại chỉ trong ngôn ngữ, và tự ý thức (self-consciousness) xem như một hiện tượng tự phân biệt phát sinh chỉ trong ngôn ngữ. Hơn nữa, vì ngôn ngữ, cảnh giới các thỏa hiệp phối hợp hành động, là một hiện tượng xã hội, cho nên tự ý thức là một hiện tượng xã hội.

Là người, chúng ta tồn tại trong ngôn ngữ. Duy nhất con người mới có khả năng liên tục đan kết mạng lưới ngôn ngữ mà nó trầm mình trong đó. Bằng ngôn ngữ chúng ta phối hợp tập tính của chúng ta và cùng nhau dựng khởi thế giới của chúng ta. Thế giới này bao hàm thế giới nội tâm của chúng ta, gồm những tư tưởng, khái niệm, tín ngưỡng, tâm lý biểu tượng, ý hướng, và tự tri. Như vậy, tâm hành phát sinh trong ngôn ngữ, do đó chỉ phát sinh trong cảnh giới xã hội. Thuyết diễn xuất của Maturana và Varela khác xa các thuyết tánh biết khác vì đặt trọng tâm vào ngôn ngữ và truyền thông. Theo Maturana, các hiện tượng tâm ý là hiện tượng xã hội nên chỉ thông đạt được qua ngôn ngữ và qua toàn thể cảnh huống xã hội bao hàm chúng trong đó.

Nhìn lại từ đầu, ta thấy thuyết diễn xuất giải thích nhận thức như một hiện tượng sinh học, và nhân đó thuyết minh sự sinh khởi của ngôn ngữ. Tuy là một thuyết khoa học căn cứ trên sinh học, nhưng thuyết diễn xuất giải thích những kinh nghiệm sống có ý thức thay vì một thế giới hiện thực như nhiều thuyết về tánh biết hiện nay. Maturana và Varela sử dụng tánh biết và ngôn ngữ thường ngày vẽ một vòng kín kết nối hành động và kinh nghiệm nhằm cắt nghĩa biết là biết như thế nào và đâu là căn nguyên của ngôn ngữ. Những trật tự có qui củ được dẫn ra theo thứ lớp từ tổ chức tự tạo tự sinh, quá trình cấu trúc trôi giạt, hợp tác phát triển cá thể, đến cảnh giới các hiện tượng xã hội, truyền thông, ngôn ngữ tập tính hay ngôn ngữ phân biệt.

Giống như cơ chế móc nối cấu trúc của loại côn trùng xã hội, loài kiến chẳng hạn, phát sinh xuyên qua sự liên tục trao đổi hóa chất (trophallaxis), cơ chế móc nối cấu trúc giữa người với người phát sinh xuyên qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ không phải là một lợi khí để hiển thị một thế giới bên ngoài mà thật ra bằng cấu trúc ngôn ngữ, nhận thức tác dụng dựng khởi một thế giới. Cuộc sống của chúng ta diễn ra qua hỗ tương móc nối ngôn ngữ không phải vì ngôn ngữ để chúng ta tự xuất hiện mà bởi tại thể trạng của chúng ta bằng ngôn ngữ thường xuyên đang được chính ta và đồng loại dựng thành. Những nét đặc trưng hoạt tính của con người nêu ra trong thuyết diễn xuất áp dụng vào hết thảy mọi mặt trong đời sống hằng ngày.

Một điều khá lý thú là những gì trên đây tác giả cố gắng đem sở học trình bày thuyết diễn xuất của Maturana và Varela tuồng như tìm thấy được trong lời văn có tính cách triết lý tôn giáo và đôi khi văn nghệ của bài “Mười huyền môn: Trật tự của thế giới trong tương quan vô tận” của Thầy Tuệ Sỹ. Tác giả chỉ trích dẫn ra đây một số ít đoạn chứ thật ra toàn bài hầu như không có đoạn nào là không liên can đến thuyết diễn xuất của Maturana và Varela. Đối với tác giả, cụm từ ‘sự phản chiếu’ Thầy dùng trong bài có ý nghĩa tương đương với cụm từ ‘sự tương tác liên tục tái diễn’ mà tác giả sử dụng mô tả quan hệ giữa các hệ sống với nhau và với môi trường bao quanh chúng. Trong ngành khảo cứu khoa học những quan hệ đó được mô tả chính xác bằng các hệ thống động lực, toán học về các hệ thống phức hợp hay mạng lưới tự tổ chức. Sau phần trích dẫn, tác giả sẽ lược trình khái niệm tự quy chiếu (self-reference) và phép đệ qui (recursion) là thứ ngôn ngữ diễn tả ‘sự phản chiếu’ hay ‘sự tương tác liên tục tái diễn’ rất cần thiết trong vấn đề tìm hiểu bản chất trùng trùng duyên khởi của mọi sự vật trong vũ trụ.

Trước hết, về nhân quả đồng thời, có đoạn:

“Trong khi lập thuyết, người ta phải tuân theo một trật tự cố định. Nhưng ý nghĩa đạt được thì luôn luôn vượt ngoài trật tự này. Thí dụ, khi diễn tả bằng văn tự, người ta phải tuân theo một qui ước: hoặc viết theo hàng ngang hoặc viết theo hàng dọc, và trong đó các chữ phải được sắp theo một thứ tự nào đó. Nhưng ở lãnh hội, tất cả những qui ước và hình thức diễn tả của văn tự đều biến mất. Chúng biến mất bởi vì cái ý nghĩa mà chúng ta đạt được nó xuất hiện trong tác dụng đồng thời của tất cả các phương tiện diễn đạt. Dù vậy, mọi sự thể vẫn giữ nguyên vị trí của nó trong trật tự cộng đồng.

Tính cách đồng thời vừa nói chính là nhân quả đồng thời, nhưng không xét theo tự thể mà chỉ xét theo tác động. Không xét theo tự thể, tức là không nói sự thể này đã sinh ra sự thể kia như thế nào. Nói tác động là nói sự phản chiếu, và là phản chiếu trong toàn diện. Trong cái chủ động, phản chiếu toàn diện cái bị tác động, và ngược lại. sự phản chiếu ấy lập nên nhân quả đồng thời.

Từ lý luận trên, người ta nói, khi một sự thể tự biểu lộ toàn diện của nó, đồng thời biểu lộ toàn diện tất cả sự thể khác. Đến lượt mỗi sự thể trong cũng tự biểu lộ và biểu lộ tất cả. Như vậy mọi sự thể xuất hiện trong tương quan, và vì tương quan ấy là tương tại và tương thị nên trở thành tương quan vô tận; trật tự nhân quả vẫn không rối loạn.”

Tương tại được giải thích: “Thế nào là tương tại? Đó là sự phản chiếu lẫn nhau của các sự thể, trong thế giới cộng đồng. Nói một cách giản lược, đó là sự phản chiếu của cá biệt và toàn thể, giống như hình ảnh của một biển lớn được phản chiếu trọn vẹn trong một làn sóng và ngược lại. Theo nghĩa đó, cái lớn ở trong cái nhỏ và cái nhỏ ở trong cái lớn. Bởi vì, trong tức là phản chiếu toàn diện, do đó nói rằng cái này ở trong cái kia có nghĩa rằng cái này chính là cái kia: tương tại tức là tương thị.”

Những hình ảnh tương tợ là những thí dụ rất quan trọng trong việc diễn tả các quá trình, chẳng hạn như quá trình cấu trúc trôi giạt hay hợp tác phát triển cá thể được định nghĩa tương tợ như sự trôi giạt của một chiếc thuyền trên biển cả, không bánh lái, không tay chèo. Thầy Tuệ Sỹ đề cập một cách rất khoa học đến giá trị ước lệ của thí dụ như sau: “Tạo ra một thí dụ, người ta chỉ cần biết thế nào là những cái tương đồng, theo cách loại suy. Sau đó, phải làm thế nào mà xóa được thí dụ một cách dễ dàng, thì sự diễn đạt mới được thấu đáo. Như vậy, giữa cái được ám chỉ bằng thí dụ và bản thân của thí dụ cần có một khoảng trống. Tiên khởi, vì có khoảng trống nên mới có thể bỏ qua thí dụ để nhân ra cái được thí dụ. Cũng như khi đặt một ngón tay lên môi mà nói: "giống cái này"; nói thế, khó phân biệt cái này là cái nào, là ngón tay hay môi miệng. Cũng vậy, sự thí dụ phải diễn tiến từ chỗ tạp loạn, cái này cũng giống cái kia, rồi đi đến chỗ phân biệt nghiêm xác. Giống nhau tức là đồng loại, đồng hành. Nghĩa là, trên tổng quát thì người ta nói: "cái này cũng vậy", chúng đồng loại, vì cũng xuất hiện trong một môi trường. Chúng đồng hành,vì cùng vận chyển trong môi trường đó. Cùng xuất hiện và vận chuyển trong một môi trường chung, nhưng mỗi cái có một vị trí riêng biệt; vì thế, cái này đối với cái kia chỉ giống như chứ không thực sự như vậy.

Người ta thường nói, thí dụ chỉ có giá trị rất ước lệ. Bởi vì những cái mà người ta dùng để thí dụ phải giới hạn trong phạm vi thông tục của kinh nghiệm thường thức. Lấy cái đã biết để đẫn khởi cái chưa biết. Nếu cái chưa biết vĩnh viễn không xuất hiện thì thí dụ sẽ bao hàm tính chất độc đoán.”

Nói về những tương tác liên tục tái diễn, tánh xuất khởi, và sự sinh khởi của ngôn ngữ, xin trích dẫn toàn đoạn giải thích huyền môn thứ ba: Bí mật ẩn hiển câu thành:

“Phản chiếu là tác dụng của định luật duyên khởi. Từ trên định luật này, người ta suy diễn được hai khả năng thành tựu: sự thành tựu của cá thể và sự thành tựu của toàn thể. Đối với cá thể, sự thành tựu đó có nghĩa sự xuất hiện của nó trong một vị trí cố định. Người ta sẽ qui định mọi thể cách tương quan hiện hữu bằng vị trí này. Định được một vị trí là định được tất cả vị trí khác. Như vậy, khi khởi lên tác dụng trong một thế giới cộng đồng, người ta thấy ngay đã có ở đó một trật tự an bài. Bởi vì trật tự được đặt trên nền tảng duyên khởi, do đó sự thiết lập là tác dụng của chính mỗi sự thể cá biệt. Khái niệm về lý duyên khởi vẫn là: "Không có tác giả, không thọ giả, chỉ có tác nghiệp". Không có một thế lực biên khởi, không có một tự thể quyết định thúc đẩy mọi tác dụng. Tự thể được coi như xuất hiện và tồn tại bằng tác dụng; nghĩa là, không có tự thể ờ đằng sau tác dụng. Nói rằng cá thể cố thủ lấy vị trí cố định của nó, không phải vì vậy mà cá thể ấy tự hữu như một tự thể tuyệt đối. Tuy nhiên, đã nói là cố định trong một vị trí, thế thì bằng cách nào mà khởi lên được tác dụng? Ở đây, chỉ có một tác dụng căn bản là sự phản chiếu. Toàn thể được phản chiếu trong cá biệt; do phản chiếu như vậy, sự thể cá biệt được coi như có vị trí cố định.

Thế nào là ý nghĩa của một lời nói? Đó là khởi điểm của Hoa nghiêm tông. Nó khởi lên từ cái đống hỗn mang mờ mịt của vạn hữu. Một khi lời nói đã thành hình, người ta muốn cho ý nghĩa của nó phải kéo lôi mớ bòng bong của vạn hữu ra khỏi sự tạp loạn của chúng để trở thành một trật tự có qui củ. Tiên khởi, chắc chắn là người ta không thể tìm thấy trật tự này trong chính bản thân của vạn hữu. Nhưng bản thân của vạn hữu lại chính là Pháp thân của Phật. Như vậy, thay vì lần dò theo lời nói phát ra từ chính mình, người ta phải bắt đầu bằng cách nghe lại từ lời nói của Phật. Chính lời nói ấy nói rằng những gì được nói lên, đều nói theo sự phản chiếu của vạn hữu. Vạn hữu phản chiếu lẫn nhau để trở thành những biểu tượng danh ngôn như vậy. Đây là lời nói của kinh Hoa Nghiêm: "Pháp như vậy là như vậy: không có tác giả, không có thành giả. Như vậy, bậc Ứng cúng, Đẳng chánh giác cũng như vậy". Nơi khác kinh nói: "Phật không có xuất hiện thế gian, cũng không có nhập niết bàn. Vì sức mạnh của đại nguyện mà hiển hiện pháp tự tại".

Những lời ấy muốn nói gì? Nghe được lời của Phật là nghe tiếng nói thầm lặng của vạn hữu. Nhưng làm sao để nghe? Vậy trước hết, hiểu cách nói của Phật. Cách nói ấy được coi như tùy tiện, và tùy thuận theo cơ cảm. Cách nói phản chiếu từ cách nghe. Cách nghe phản chiếu lại cách nói. Nói và nghe ràng buộc với nhau như trong thế giới cộng đồng của tác dụng. Sự ràng buộc ấy trở nên chặt chẽ, giống như bóng tối ràng buộc lẫn nhau trong thầm kín sâu xa. Đó là bên trong. Mặt ngoài chúng vẫn hiện ra trên một trật tự có qui củ. Từ đó suy diễn ra, vạn hữu phản chiếu lẫn nhau sẽ được coi như có hai phần, điển hình bằng thí dụ: sự phản chiếu của bóng tối với bóng tối. Đó là phản chiếu trong một trật tự không có trật tự. Kế đến, sự phản chiếu của ánh sáng với ánh sáng. Điển hình thứ ba và thứ tư: phản chiếu giữa ánh sáng và bóng tối. Qui định và phân phối tính cách phản chiếu này trong thế giới cộng đồng, ta sẽ tìm thấy vị trí cố định của cá thể.

Lời nói sẽ được coi như là sự phản chiếu của ý nghĩa; và ngược lại. Ở đây, ý nghĩa cũng được coi như là sự phản chiếu của vạn hữu; và ngược lại. Vậy trật tự của vạn hữu sẽ được phối trí một cách tùy tiện, và tùy thuận với lời nói. Chúng ta tự phối trí lấy trật tự lời nói của chính mình. Người nói và người nghe là một. Bởi thế, chỉ có tác dụng của nghe và nói mà không có tác giả. Khi được nói, ta đẩy lui những lời khác vào cõi miền u tịch thầm lặng. Toàn thể được hiển hiện. Khi toàn thể hiển hiện, cá biệt tự lẫn vào căn cơ thầm kín. Căn cơ này ở nơi chính nó và ở trong cả toàn thể. Ta nói để riêng ta nghe. Tự nghe những lời tự nói. Như thế, thế giới tự tác thành thế giới, bởi vì vạn hữu được tác thành bởi chính ta. Ta là thế giới. Nhưng thế giới không tự hủy bản sắc của nó để trở thành thế giới là ta. Ta và thế giới vừa có giới hạn phân biệt, vừa bao dung lẫn nhau bằng phản chiếu vô tận. Bấy giờ, tự thành lại có nghĩa là tương thành, cùng đồng với thành tựu.

Nếu nghe ra được những chiều hướng tác động của lời nói từ ta nói lên, ta sẽ thấy niềm tương ứng, trong đó cả thế giới loài người, loài vật, cây cỏ, cùng nói và cùng nghe. Nghe một lời và nói lên trong sự hiển hiện của âm thanh và ánh sáng, là cùng lúc nghe ra những lời thầm lặng không nói trong sự ẩn mật tương ứng.

Chúng ta đi từ trật tự lý trí phân biệt, ở đó phân biệt giới hạn nghiêm khốc của những cá biệt, rồi tiến tới căn cơ của chúng, là niềm tương ứng được mệnh danh là chân tánh hư không. Nghĩa là từ duyên khởi mà suy diễn ra Tánh Không. Bởi vì, đó là niềm tương ứng nên chúng ta phát hiện được sự phản chiếu vô tận. Sau đó là sự thành tựu của ngôn ngữ, thành tựu từ phân biệt ở trong cái không phân biệt. Nói và không nói, chúng tự thành. Ẩn và hiển là tính cách tự thành và tương thành của vạn hữu.”

Sau đây là phần giải thích huyền môn thứ tư: Vi tế tương dung an lập, dùng phép đệ qui (recursion) ‘tác dụng kết hợp tự kết hợp lấy chính nó’ diễn tả khả năng tự thành và tương thành của vạn hữu. Đoạn này cũng bàn đến bản tính phân biệt của tâm thức và ngôn ngữ, sự vận hành khép kín (phân biệt bằng kết hợp) của cá thể, và ngôn ngữ tập tính (phân biệt bằng mô tả).

“Phản chiếu vô tận; đấy là một lối diễn tả gợi hình. Khả năng của thí dụ là gợi hình. Khả năng tự thành và tương thành của vạn hữu lại là khả năng phản chiếu. Vì là sự phản chiếu đồng thời; vì là sự tương ứng đồng khởi vừa ẩn hiện; do đó, tất cả những cái rời rạc, vụn vặt, nhỏ nhiệm được kết hợp bằng chính tác dụng cá biệt. Chúng ta vẫn có thể nhắc lại một lần nữa, rằng: không có tác giả; chỉ có tác nghiệp. Không có tác giả, như một chủ thể tuyệt đối, của sự kết hợp. Cũng không có thọ giả, cái thừa hưởng hậu quả của sự kết hợp. Tác dụng kết hợp tự kết họp lấy chính nó. Bằng một lối diễn tả tương tợ, người ta nói không có tác giả của tác giả đời sống, không có cái thừa hưởng hậu quả của đời sống. Đời sống tự tác thành bằng chính tác dụng của nó. Như vậy, chúng ta phải nỗ lực để trực nhận bản tính hiện hữu và tồn tại của vạn hữu bằng chính tác dụng kết hợp. Chúng ta hãy quảng diễn về tác dụng kết hợp này. Nếu nói một cách giản lược, chúng ta có thể có câu hỏi: những cái rời rạc và vụn vặt của vạn hữu đã được ràng buộc với nhau như thế nào để thêu dệt thành mộ tthế giới? Nói như thế tức là ám chỉ rằng mỗi sự thể là một nút thắt được phân phối có trật tự trong một màng lưới không giới hạn của thế giới. Khi một nút thắt được tháo ra, toàn thể màng lưới cũng tan rã theo. Và khi một nút thắt di chuyển, toàn thể màng lưới cũng di chuyển theo. Lối diễn tả như vậy là chỉ nói về sự kết hợp theo chiều ngang, và hàm ý rằng chiều ngang là ngoại tại và chiều dọc sẽ là nội tại. Ngoại tại là thế giới của cộng đồng tác dụng; nội tại là thế giới của tự hữu. Kết quả, sự phản chiếu chỉ là tác dụng liên khởi, và chỉ diễn ra ở mặt ngoài. Cũng như tấm gương này phải ở ngoài tấm gương kia mới phản chiếu lẫn nhau được. Kết quả này quả quyết rằng phản chiếu không phải là tự chiếu. Thí dụ, nói đối diện tức là đối diện với một hình bóng trong gương. Từ đây lại nảy ra một kết quả khác, ngược với những gì mà ta mong muốn từ đầu, theo đó vạn hữu vừa tự thành vừa tương thành. Bởi vì phản chiếu thì có mà tự chiếu thì không, do đó có tương thành nhưng không có tự thành.

Thực sự, ngay từ khởi đầu, chúng ta chỉ muốn rằng cái bản tính phân biệt của tâm thức và ngôn ngữ hằng gây nên một ảnh hưởng quyết định trong đời sống của mình, để cho đời sống ấy được mở rộng như hư không. Thế nhưng, luôn luôn chúng ta lại phải khởi đầu bằng bản tính phân biệt. Để đối trị bản tính đó mà chúng ta nỗ lực, bằng mọi phương tiện vốn có theo căn cơ, đẩy cái bản tính phân biệt đi vào cõi vô phân biệt. Vì vậy, chúng ta đã nỗ lực chiêm ngưỡng thế giới như là một thế giới của phản chiếu vô tận; không phải chỉ phản chiếu trong chiều ngang mà còn là phản chiếu cả trong chiều dọc, tức là tự chiếu.

Trước ý định ấy, ta phải thực hiện như thế nào, bằng bản tính cố hữu là phân biệt? Chúng ta sẽ có hai chiều hướng phân biệt: trong chiều ngang, phân biệt bằng mô tả; trong chiều dọc, phân biệt bằng kết hợp.

Đối với phân biệt bằng mô tả trong chiều ngang, chúng ta nói rằng thế giới xuất hiện như một trật tự đã an bài ở đó. Với tư cách là một chủ thể di động, ta thực hiện một lữ hành trên trật tự này. Những gì chúng ta bắt gặp, chúng phản chiếu thành trật tự của tâm thức. Bởi vì trật tự của tâm thức không trải dài thành chiều ngang, do đó khi thế giới được phản chiếu trong tâm thức, bấy giờ trật tự của thế giới không an bài như bất động mà liên tục biến động theo dòng thác đổ của tâm thức. Trật tự của dòng vận chuyển này được qui định bằng tương quan nhân quả. Khởi lên và biến mất một cách liên tục, đó là tương quan nhân quả, được chứng thật bằng tác động của tâm thức. Có trật tự vận chuyển của tâm thức cho nên có tương quan nhân quả, có tương quan nhân quả cho nên ta nhận ra trật tự an bài của thế giới. Như vậy, khi nắm vững được mối quan hệ nhân quả của vạn hữu, ta có thể mô tả bản sắc và bản tính hiện hữu của toàn thể thế giới: ở nơi này hay ở nơi khác, vạn hữu đã khởi lên như thế nào, tồn tại như thế nào và sẽ hủy diệt như thế nào. Từ sự mô tả được coi như là trung thành ấy mà khởi lên hoạt động thì có thể tiên liệu được chiều hướng và hậu quả sẽ đạt được. Tuy nhiên, cái hậu quả đạt đựợc ấy trái với mong muốn của ta. Thực vậy, chúng ta muốn gì? Nói một cách văn nghệ, chúng ta muốn sống trong kinh nghiệm về sự chết và chết trong kinh nghiệm về sự sống, sao cho sống và chết thêu dệt thành định mệnh lịch sử của mình. Rồi lấy cái định mệnh lịch sử ấy làm cõi miền tương ứng. Như thế là ta sẽ sống và chết với loài người, loài vật, với cả trời đất trong một cảnh giới an nhiên vĩnh viễn. Cho tới lúc ta cảm giác một cách sâu xa là đạt đến chỗ đó, rồi qua trung gian của ngôn ngữ trong thế giới sinh hoạt cộng đồng, bất chợt thấy ra rằng đấy không phải là tương ứng, mà là tương nhượng. Vì tương nhượng, ta chỉ có thể hé mở một nửa cái tàng ẩn, che kín lại một nửa cái biểu lộ, ẩn và hiển vĩnh viễn ly xa cách, không bao giờ tương ứng.

Chúng ta thử xoay sang một chiều hướng khác. Trong chiều này, chúng ta không mong mô tả một thế giới tương ứng; mà tiên khởi, cho rằng cái trật tự an bài của thế giới chẳng khác nào trật tự của hoa đốm giữa hư không. Như vậy, mở đầu trong chiều dọc phân biệt bằng kết hợp, chúng ta khai triển khả năng phủ định; tức là mở đầu bằng công tác hủy diệt. Hủy diệt thế giới thành hư kh6ng; hủy diệt hư không thành hư vô hoảng hốt. Làm thế để từ chối trách nhiệm về những cái ta nói ra, tức là qui chiếu trách nhiệm ấy vào hư vô: chính hư vô đã nói vậy, đã làm như vậy; vân vân. Từ chối trách nhiệm, chúng ta cố tình không nhận bất cứ một hậu quả sẽ đến nào cả. Tuy nhiên, chính hư vô đã làm nảy ra một ý tưởng phi lý như vậy; không phải do ta.

Thực hiện sự hủy diệt kể trên như thế nào? Trong tiết II, ở đoạn nói về khả tính và khả năng của thí dụ, chúng ta đả dẫn dụng thí dụ của Hiền Thủ quốc sư, toát yếu mười chủ điểm của Hoa Nghiêm tông. Nơi đây, có thể bắt đầu lại từ điểm một đến điểm nười. Nghĩa là bắt đầu từ điểm một bằng cách phân biệt duyên khởi để qui chiếu tất cả trách nhiệm về tác thành và hủy diệt thế giới cho hư không. Đến điểm thứ mười, ta qui định rằng thể tánh của trí tuệ là Như, là Đại Niết Bàn: Ngôn ngử đạo đoạn, tâm hành diệc ngật, bất sinh bất diệt, Pháp như Niết bàn.Phân tán vạn hữu thành muôn mảnh vụn vặt là do tánh không; và kết hợp chúng cũng do tánh không. Nói một cách tượng hình, tánh không tức là hư không: chư Pháp vô biến dịch, tánh không vô tác cố, ly cấu vô nhiệm ô, kỳ tánh như hư không.Như thế, chân tánh của vạn hữu là chân không, chân không không có giới hạn, không có phần vị sai biệt. Vạn hữu là muôn mảnh vụn vặt. Bởi tánh không tán vụn chúng ra như vậy. Chúng ta tìm thấy tánh không ngay ở từng mảnh vụn sai biệt này. Mỗi mảnh vụn, dù nhỏ nhặt vẫn dung chứa toàn vẹn cái tánh không vô hạn. Tánh không là một. Các mảnh vụn thì nhiều vô số. Cái Một thì vô hạn nên Lớn. Cái vô số thì hữu hạn nên Nhỏ. Như thế, cái thật Lơn được chứa đựng không dư không thiếu trong cái thật Nhỏ.

Chúng ta suy luận tiếp. Tánh không là Lý tánh tuyệt đối; vạn hữu là những Sự thể cụ thể. Lý tánh không ở ngoài sự thể. Bởi vì đó là Lý của Sự. Giới từ "của" không phát biểu một ý niệm sở hữu, mà được hiểu theo nghĩa "bao dung lẫn nhau"; như nói: "mây" của trời, hay nói rõ hơn: "màu xanh của trời"; vì màu của trời là màu xanh. Vậy "của" diễn tả sự bao dung theo nghĩa tương tại và tương thị. Từ chỗ tương dung của Lý và Sự, của cái Lớn vô hạn và cái Nhỏ hữu hạn, bởi vì Lý Tức Sự và Sự tức Lý, do đó chúng ta tiến đến chỗ tương dung của vạn hữu. Nhìn theo chiều ngang, sự tương dung ấy được diễn tả như là tương thị: cái này đích thị là cái kia vì phản chiếu nội tại. Như vậy, tánh không phân tán vạn hữu thành từng mảnh vụn nhỏ nhặt, vì trong sự phân tán đó nó làm bộc lộ tánh cách vừa tự nhiên vừa phản chiếu lẫn nhau của vạn hữu. Chúng ta gặp ý tưởng được nêu lên từ đầu: không có tác giả, không có thọ giả, chỉ có tác nghiệp.

Thế là chúng ta đạt được viễn tượng tương dung của vạn hữu. Chính vạn hữu tự kết hợp thành niềm tương ứng. Ta lấy đó làm lý tưởng cứu cánh của mình và qui chiếu tất cả mọi hoạt động vào chiều hướng duy nhất đó. Như vậy chỉ có một con đường độc nhất phải đi. Kinh Pháp Hoa nói: “Tất cả các bậc giác ngộ trong mười phương thế giới, suốt từ quá khứ, hiện tại đến vị lai, công bố chỉ có một con đường duy nhất. Nhưng ta – Phật Thích ca – lại nói với các ngươi là có ba con đường. Vậy ta có lừa dối các ngươi không? Thưa không. Vì sao?” Trả lời gián tiếp bằng trích dẫn từ đoạn khác: “Các đấng Giác ngộ, đã thành tựu trọn vẹn trí tuệ và công hạnh tối thượng, biết rằng bản tính của vạn hữu là vô tính; hạt giống Giác ngộ được nảy mầm do tương quan. Bởi vậy, các ngài công bố chỉ có con đường độc nhất.”

Cuối cùng, phần giải thích huyền môn thứ mười: Thác sự hiển pháp sanh giải, nhấn mạnh đến khát vọng thúc đẩy nỗ lực thiết lập trật tự của ngôn ngữ, của tâm hành, và của thế giới, thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa chúng, mặc dầu biết tất cả kinh nghiệm sống thực của chúng ta chỉ là những thí dụ điển hình: không có sự thực và biên tế của sự thực nào ở trong đó cả.

“Tất cả những phân biệt của chúng ta chỉ có tính cách tượng trưng. Trước một yêu sách tuyệt đối; chúng ta phải nỗ lực đi cho tận cùng biên tế của ngôn ngữ, của tâm hành và của thế giới. Càng lúc ta càng bị lôi cuốn vào một nơi đầy những chi tiết vụn vặt. Dù không muốn sự phân tích trở thành tạp loạn và rời rạc; tất cả những hình ảnh đạt được không biểu lộ cho một ý nghĩa nào hết, ngoài sự biểu lộ một ước vọng, một chủ đích đã được nêu lên từ trước. Chủ đích đó là muốn thấy và hiểu những gì thầm kín nhất tàng ẩn trong ta. Gọi chúng là những năng lực tiềm tàng; năng lực biến hư vô thành tựu sự hữu; thành tựu tất cả sự hữu từ hư vô. Ảo tưởng và sự thật không còn một giới hạn phân biệt nào nữa. Ảo tưởng và sự thật được phân phối có điều độ, và được sử dụng như là phương tiện xảo diệu: nỗ lực để thấy và hiểu ý nghĩa cứu cánh ngay trong giới hạn thông tục của sự thật.

Từ lúc khởi đầu, những gì ta muốn thấy và hiểu đều mang đầy tính chất dự tưởng, và nhất định là ảo tưởng. Bởi vì không một sự thật nào trong tri kiến thông tục của chúng ta khả dĩ minh chứng. Nói năng và suy nghĩ như đếm dấu chân của một đàn chim vừa bay ngang qua hư không. Quả thật, chúng ta đã tạo ra một hình ảnh của thế giới, rồi sau đó phân tích, phân loại, phân phối trật tự, với cảm tưởng rằng thế giới đó như vậy, trong giới hạn thực tế của nó. Về sau, lại kiểm chứng hiệu lực của những điều đã thực hiện được. Tất cả mọi việc xảy ra đối với ta có vẻ sự thực hiển nhiên là như vậy.

Dù vậy, ít ra chúng ta cũng hiểu từ đâu thôi thúc. Đây là sự quyến rủ của mặt biển mênh mông vô hạn: Làm thế nào để thấy trọn vẹn cái vô hạn này như thấy một trái xoài trong tay? Đây là tiếng đổ ầm trong những đêm tối: nó mang ẩn nghĩa nào của thế giới? Trên những ngàn cao, cọng cỏ non đang ra sức chống trả nạn bão: đâu là giới hạn của sức mạnh?

Thấy và hiểu là bước khởi đầu của khát vọng thầm kín trong ta. Những bước kế tiếp là thực hiện tất cả sự thấy và hiểu đó; thực hiện trong nỗ lực thiết lập trật tự của ngôn ngữ, của tâm hành, và của thế giới; thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa chúng. Ta hy vọng là tìm thấy khát vọng nào đó trong những thiết lập như vậy. Tìm thấy để đối trị hoặc thỏa mãn. Như thế, tất cả kinh nghiệm sống thực của chúng ta chỉ là những thí dụ điển hình: không có sự thực và biên tế của sự thực nào ở trong đó cả. Mặt biển là thí dụ điển hình của vô hạn. Ngọn thác từ trên cao đổ xuống là thí dụ điển hình cho sự suy sụp của thế giới.

Như vậy, căn cứ trên dị thể và đồng thể, tác dụng của tâm hành lấy thực tại kinh nghiệm làm nội dung cụ thể, rồi từ đó thiết lập trật tự của ngôn ngữ. Trật tự này phản chiếu trên các tác dụng của tâm hành. Trật tự của thế giới được ghi nhận theo các tác dụng này. Đó là khả tính, khả năng của thí dụ. Ta có thí dụ, sự diễn tả của ngôn ngữ càng có thế lực. Nơi đây là chỗ thiết lập qui ước cho mọi tác dụng trong thế giới sinh hoạt cộng đồng.

Sa môn Tịnh Nguyên, trong bản giải thích Kim sư tử chươngcủa Hiền Thủ quốc sư, mở đầu viết: "Chánh pháp mà không có thí dụ thì không tỏ rõ. Thí dụ không y theo Chánh pháp thì không thể có. Vì vậy bậc chí nhân thấy rạng bản tánh Nhất chân không có chút nào sai khác; ngài đem con sư tử bằng vàng ra mà mô tả. Thấy phẩm chất của quần sinh không đồng đều, ngài lập chương mục của chánh pháp để hướng dẫn."

Kinh nói: “Hết thảy mọi pháp giới trong vô số thế giới như hư không, thảy đều dùng đầu của một sợi lông mà đo lường khắp. Mỗi một đầu của sợi lông ở ngay trong một niệm, hóa ra vô số thân nhiều như vi trần bất khả thuyết bất khả thuyết...”

Đoạn kinh này mô tả năng lực thiết lập Chánh pháp của Phật. Chánh pháp được biểu lộ ngay nơi các sự vật như trên đầu sợi lông, trong mỗi hạt bụi. Tùy theo căn tánh, sự tiếp thu của chúng sanh trở nên bất đồng.

Hình ảnh của một thế giới như đã mô tả chỉ có thể mô tả và bằng vào dự tưởng, được gợi hứng từ khát vọng nào? Người ta phải trở lại thế giới thường nhật để tìm thấy sự thúc đẩy của nó.

Một cánh nhạn đang bay giữa bầu trời bát ngát:
Hứa đa cảnh giới hà lai khứ
Vạn lý thiên biên nhất nhạn phi.
(Phật Quốc Thiền Sư).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]