Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương ba mươi hai

10/07/201103:30(Xem: 10564)
Chương ba mươi hai

KINH KIM CANG CHƯ GIA

KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA

CHƯƠNG BA MƯƠI HAI

158.ÂM:

Tu Bồ Đề! Nhược hữu nhơn dĩ mãn vô lượng a tăng kỳ thế giới thất bảo trì dụng bố thí, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn phát Bồ đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì đọc tụng, vị nhơn diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ.

NGHĨA:

Này Tu Bồ Đề! Bằng có người nào dùng bảy báu đầy vô lượng vô số thế giới, đem ra mà bố thí... Bằng lại có trai lành, gái tín nào phát tâm Bồ đề, giữ theo kinh này và những tứ cú kệ, mà thọ trì đọc tụng, rồi diễn thuyết lại cho người khác, thì phước đức này hơn phước đức kia".

Giải :Pháp Thường Mãn Như Lai giải: Theo cội gốc của kinh này thì dùng sự phá tướng làm tông chỉ, tỏ thấu cái lý "không" làm chủ nghĩa. Bằng chấp tánh mê mà bố thí, cũng không chứng đặng cái lý chơn, phải hiểu pháp môn. Tứ cú Niết bàn, diễn thuyết cái lý Pháp thân như như chẳng động, xem pháp hữu viđồng như mộng huyễn. Nếu dùng sự kiến giải ấy mà dạy bảo chúng sanh, thì đặng phước nhiều hơn người bố thí bảy báu kia.

Tụng:

Phá tướng thủ không giải rõ ràng;

Thọ trì Tứ cú có chi hơn!

Hữu vi cả thảy như bào ảnh;

Niệm niệm sao cho nhập Niết bàn.

Vương Nhựt Hưu giải: Vô lượng, bên Tây Trước dùng kêu một con số - A tăng kỳ là vô ương số, cũng là tên một con số; mà số cho thiệt nhiều thiệt lớn, mới đặng xứng hai số ấy.

Nói vô lượng vô ương số là vô lượng cái vô ương số, là từ một vô ương số cho đến mười, trăm, ngàn, muôn, ức vô ương số; thiệt nhiều như vậy, mới đặng kêu vô lượng vô ương số - Vậy thì vô lượng a tăng kỳ thế giới chẳng phải là như hằng hà sa số thế giới vậy đâu?

Phát bồ đề tâm là nói phát lòng quảng đại tế độ chúng sanh.

Trước kia nói bảy báu bằng hằng hà thế giới, đây lại nói bảy báu bằng vô lượng a tăng kỳ thế giới, thì trước nói còn ít, mà đây nói mới thiệt nhiều; bố thí nhiều như thế, cũng chẳng bằng cái phước thọ trì diễn thuyết kinh này. Bố thí là phước thế gian, có khi phải hết mà hạng người ấy, lại hay cậy có phước mà gây nghiệp dữ! Còn trì kinh là phước xuất thế gian càng ngày càng thêm, không bao giờ hết; lại hạng người ấy chẳng cậy có phước mà gây nghiệp dữ, cho nên nói: "Nhiều hơn phước bố thí vô lượng vô số kia".

Lý Văn Hội giải: Phát Bồ đề tâm là cái căn tánh của bực Đại thừa Tối thượng thừa.

Ông Lão Tử có nói: "Chẳng thấy sự đáng muốn, khiến cho lòng chẳng loạn", ấy là nói về lực lượng của bực Tiểu thừa. Bằng thấy sự đáng muốn, mà lòng cũng chẳng loạn, ấy mới là lực lượng của bựcĐại thừa cho.

Ông Sơ Sơn Như Thiền sư có làm lời tụng:

Một lượn sóng đùa sanh mấy lượn,

Trần hoàn chìm đắm, nào ai tưởng!

Tu Di kim cổ vẫn trơ trơ,

Dọc đất ngang trời do lực lượng.

Trì ư thử kinh v.v... là bảy báu có khi hết, còn Tứ cú kệ vốn không cùng. Tỏ thấu bổn tâm rồi, thì có chi đâu mà đặng. Cho nên phước đức trì kinh nhiều hơn phước đức bố thí bảy báu kia.

Ý KIẾN CỦA DỊCH GIẢ

Tứ cú kệ chư Tổ chú giải đã đủ điển cố thì không còn chi mà phải giải thêm nữa, chỉ bàn về các lời giải ấy mà thôi.

Chúng tôi thảy đều công nhận các lời giải ấy lắm, nhưng xét cho kỹ thì e cũng còn chưa xác đáng với cái mật nghĩa của Phật Tổ.

Theo ý kiến của chúng tôi thì Phật Tổ thuyết kinh này trước sau là 14 lần nói về Tứ cú kệ mà không chỉ ra cho đích xác còn mỗi khi nói Tứ cú kệ đều có nói thọ trì và trên có chữ nãi chí dưới có chữ đẳng.

Phải biết nghĩa chữ: thọ trì là tự mình dụng lực: Thọ lãnh trong lòng là thọ, ghi nhớ không quên là trì, nãi chí là cho đến, đẳng là cái bọn (số nhiều). Ấy là cái mật nghĩa của Ngài có ý muốn để cho chúng sanh tự mình tìm hiểu lấy mà thôi.

Mật nghĩa ví cũng như câu thai (xai) bài đố, nếu nói rõ ra thì chẳng những là hết cả cái mật ý của nó mà lại làm cho mất hết một phần chú ý của độc giả nữa.

Ngài thương cả thảy chúng sanh như mẹ thương con nên trong bốn mươi mấy năm thuyết pháp ba trăm ngoài độ, mỗi mỗi đều chỉ dạy cặn kẽ đinh ninh mà còn không tiếc huống chi là Tứ cú kệ. Sở dĩ chẳng nói rõ ra là cũng bởi cái nguyên nhân ấy.

Chúng tôi đã đọc Kim Cang lẽ cố nhiên dầu chưa thấu lý cho ráo rốt cũng có lẽ hiểu đặng một ít phần, nhưng chúng tôi là con nhà Phật, là đệ tử Phật, nên thể theo ý của Phật không dám chỉ rõ ra. Tuy vậy mà cũng rán thỏ thẻ đôi lời là giải nghĩa chữ: "Thọ trì, nãi chí và đẳng đó, đặng cho lộ cái tiêu tức mối mang của Tứ cú kệ một chút đó thôi".

Vậy thì người học đạo phải dụng tâm lực xét cầu nghiên cứu cho thấu đáo nghĩa lý của bộ kinh này hẳn thấy Tứ cú kệ hiện tướng rõ ràng trước mặt.

159.ÂM:

Vân hà vị nhơn diễn thuyết?

NGHĨA:

Còn thế nào là vì người mà diễn thuyết?.

Giải :Lý Văn Hội giải: Vân hà vị nhơn diễn thuyết là sắc thân tứ đại không biết nói pháp, cũng không biết nghe pháp.

Còn cái tinh minh chói chói sáng thấu mười phương ở trước mắt ngươi đó, hiểu thấu lý nói pháp, nghe pháp, thì cần chi phải dùng sự ngôn ngữ mà nói với nó? - Dầu cho thuyết pháp đến hoa trên trời đổ vãi xuống cái tâm chẳng hề thêm, mà không thuyết cũng chẳng hề bớt. Cầu chừng nào càng xa chừng nấy, học bao nhiêu thêm dốt bấy nhiêu; duy có thầm tỏ mà thôi. Kẻ giác ngộ tự biết lấy.

Xuyên Thiền sư giải: Muốn thuyết pháp có khó chi, bây giờ xin chăm chỉ lóng nghe.

Tụng:

Đi đứng nằm ngồi,

Hơn thua phải quấy.

Lúc giận khi mừng,

Không rời cái ấy.

Mà cái ấy, phải in vào trí.

Khuynh tâm sùng bái lúc sanh bình.

Tứ cú diệu môn đều thuyết phá.

Dầu có thuyết cho mấy vạn lời.

Ngộ rồi tợ tầm mây nhàn nhã.

160.ÂM:

Bất thủ ư tướng, như như bất động.

NGHĨA:

Không chấp tướng, như như chẳng động.

Giải :Lý Văn Hội giải: Bài này nói về người tỏ đặng cái lý "không có tâm, tướng chi mà chấp". Nếu có tâm không chấp tướng, tức là chấp tướng. Tâm vốn không, tướng vốn không, mà nhơn, pháp cũng vốn không, có chi đâu mà chấp.

Vương Nhựt Hưu giải: Phật tự hỏi: "Thế nào mà vì người diễn thuyết?". - Tự đáp: "Không chấp tướng; như như chẳng động" là chơn tánh không có hình tướng, duy có như như chẳng động vậy thôi.

Như như bất động; như là tự như, như như là hết sức tự như.

Trong chơn tánh muốn hiện làm Thiên nhơn thì làm Thiên nhơn, muốn hiện làm dị loại thì làm dị loại, ví như bóng hiện trong gương, không chi ngăn ngại. Ấy là cái nghĩa của hết sức tự như.

Tự như ấy, khắp cả hư không thế giới, thường trụ chẳng hề lay động, cho nên nói: "Chẳng động".

Ông Phật Giám Hòa Thượng dạy đại chúng, có dẫn lời của một ông Tăng hỏi Pháp Nhãn về câu: "Không chấp tướng như như chẳng động": "Thế nào là không chấp tướng, lại đặng cái pháp chẳng động?".

Đáp: "Sáng mọc phương Đông, tối lặn phương Tây".

Ông Tăng nghe rồi liền ngộ.

Nếu rõ sự ấy, mới biết đặng:

Trận gió trốc núi non, bổn lai thường tịnh.

Giọt nước đùa sông rạch, nguyên tánh chẳng trôi.

Vậy mà còn chưa hiểu, thì tôi chẳng khỏi phải khua môi múa mỏ:

Bầu trời xây, Quả đất trở;

Cổ vãng kim lai từng mấy độ.

Thỏ ngọc chạy, Ác vàng bay;

Mới chường ra bể cả, Lại lặn khuất non Đoài.

Giang Hà xao lấp nhấp, Hoài, Tể dợn bao la,

Biển cả, ngày đêm cứ chảy ra...

Rồi ông bèn cất tiếng nói lớn rằng: Hỡi các vị Thiền đức: Có thấy "Như như chẳng động" chăng?

Chơn Tịnh Văn Thiền sư giải:

Tụng:

Bằng không cả thảy tâm,

Thì tự nhiên nhầm đạo.

Vận dụng tại lâm thời,

Chớ rằng diệu chẳng diệu.

Như như bất động là người học đạo, nếu tự nói mình biết đặng, học đặng, tỏ ngộ đặng, giải thoát đặng, hiểu như thế thì có động tâm, tức phải sanh diệt. Bằng không tâm ấy thì cả thảy pháp đều chẳng động. Chẳng động thì trong ngoài đều như, cho nên nói: "Như như chẳng động".

Xuyên Thiền sư giải: Một câu rốt sau đó, mới vào đến ải chắc. Đến đổi chư Phật ba đời cũng lấy đôi mắt nhìn nhau. Tổ Sư sáu đời thối thân có phận. Đáng cho là: sông ngòi giá đọng, nước chảy chẳng thông, mãn mắc chông gai, khôn bề để bước. Đến chỗ ấy, thêm một mảy tơ, tợ gai đâm trong mắt, bớt một mảy tơ như khoét ghẻ nơi mình. Chẳng phải là dứt bến chận đường, bởi e những người hiểu đạo... Tuy vậy biết làm sao!!

Phật pháp là vậy đó, lẽ nào để cho mai một giữa trần hoàn, há có đuốc đèn nối bóng cho đặng?!

Xuyên Thượng tọa này, ngày nay, không khỏi, đến: miệng cọp dữ dành ăn, hàm rồng nanh đoạt báu. Rộng khai nẻo đạo của Thánh xưa, cho hậu học tấn thân có chỗ, mở bày chút ý, vả lại can chi! Nói ra thì rõ toàn pháp thể, nín đi thì tự lộ chơn thường, động thì chim bạc chòm mây, tịnh lại vững non trơ núi; tới, một bước tợ Tượng vương ngó ngoái, thối một bước như Sư tử hét gầm; đạo pháp nhà Phật nên làm theo, thì đạo pháp mới là tự tại.

Lại như rốt sau một câu đó, là nói cái gì? Hiểu đặng chăng?

Mây phủ đầu non bay phới phới,

Nước đùa lòng rạch chảy ào ào,

Tụng:

Phải phong lưu thế cũng phong lưu,

Mây tự cao bay, nước tự trôi.

Kim, cổ biết bao cơn sóng gió,

Chả hề nhận nổi chiếc thuyền câu.

161.ÂM:

Hà dĩ cố? "NHỨT THẾ HỮU VI PHÁP; NHƯ MỘNG, HUYỄN, PHAO , ẢNH; NHƯ LỘ DIỆC, NHƯ ĐIỂN; ƯNG TÁC NHƯ THỊ QUÁN".

NGHĨA:

Bởi cớ sao? NHỮNG PHÁP HỮU VI ẤY, NHƯ: CHIÊM BAO, HUYỄN MỊ. BỌT BÀO, BÓNG, CHỚP, MÙ; NÊN TƯỞNG ĐỀU NHƯ VẬY.

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Hà dĩ cố là Phật tự hỏi: "Bởi sao vì người diễn thuyết mà không chấp tướng, như như chẳng động?". Rồi tự đáp: "Cả thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn v.v..." là pháp hữu vi thì có tướng, mà động, nên như sáu thứ ấy, còn chơn tánh thì không tướng, mà chẳng động, nên khác hơn sáu thứ ấy.

Nói là pháp, là những cái chi mà hữu vi. Trên từ tạo hóa, dưới đến loài người, đều là pháp hữu vi cả. Dùng lục như mà lập pháp đặng giáo hóa, ấy là nói về việc đời.

Phật nói: Những chi mà không có hình tướng và vô vi là chơn tánh, còn có hình tướng và cả thảy hữu vi là hư vọng.

Còn nói: 1.Như chiêm bao là đương trong lúc ấy thì có, thức dậy thì không; 2.Như huyễn hoặc là pháp hữu vi chẳng phải chơn thiệt, ví như người huyễn thuật dùng cỏ cây làm ra xe ngựa kho tàng; 3. Như bọt nước là ngoài tuy có, mà trong vẫn không; 4. Như bóng là ánh vọi thì có, mà hết vọi thì không; 5. Như mù là không bền chặt; 6. Như chớp là không lâu dài.

Pháp hữu vi ấy, nên xem như vậy, thì hiểu là không, mới biết chơn tánh là thiệt. Chẳng nên không tỏ ngộ.

Trong kinh thường nói Tứ cú kệ, bốn câu trước thì nói về sự không hình tướng của chơn Phật, đây lại nói về sự không chơn thiệt của pháp hữu vi. Không luận phải kệ hay không phải kệ. Trong hai lẽ ấy mà hiểu đặng một, thì chẳng phải là dở đâu!

Phật, sở dĩ nói: Tứ cú kệ, là bất tất phải chuyện về kệ? Phàm diễn thuyết điều chi cũng đều là "kệ" cả. Huống chi kệ là một sự nói rất yếu lý!

Tăng Nhược Nột giải: Nhứt thế hữu vi pháp là cảnh giới chúng sanh đổi dời gây tạo thảy đều giả dối, rốt lại phải hư hoại như chiêm bao huyễn hoặc, vốn không chơn thiệt. Nên tưởng như vậy, thì đâu còn chi là sanh tử lưu động?

Trần Hùng giải: Phật nói cả thảy pháp là cái pháp không tướng của chơn không. Cả thảy Hiền, Thánh đều cho pháp vô vi là hữu vi, thì cái sự ví với chiêm bao, huyễn hoặc, bọt nước, bóng mù, chớp ấy há có quấy sao?

Duy có hạng tỏ đặng lý không tướng của chơn không, biết tưởng như thế mới hiểu thấu sự giả dối của lục như. - Thì hẳn phải lìa bỏ nó. - Mới chứng đặng cái lý như như chẳng động.

Ông Ưu Ba Ly nói với ông A Nan: "Các pháp hữu vi đều là vô thường". Tưởng lại, xem cái lý lục như thì hiểu đặng câu ấy.

Nhan Bính giải: Tứ cú kệ là nhãn mục của bộ kinh này, tuy chú giải đã mấy trăm tay, nhưng chưa có ai chỉ rõ chỗ căn cước (hạ lạc) đặng. Phần nhiều không tự hiểu Tứ cú kệ của mình, chỉ bo bo tìm tòi trong kinh sách. Dầu cho tìm đặng đi nữa, cũng là câu chết trong kinh, chớ đâu phải là câu sống? Câu sống là "bấy giờ" mới phải. Tuy vậy, cũng phải bổn thân thấy biết mới đặng.

Kinh Phật Nhãn có nói: "Ngàn lời muôn tiếng chẳng bằng tự mình gặp mặt". Dầu không nói cũng phân minh; cần phải tự mình xét lấy, quyết chẳng nên cỡi trâu mà tìm trâu.

Bằng đem bảy báu bao nhiêu mà bố thí, cũng chẳng bằng phát tâm Bồ đề, thọ trì Tứ cú kệ của mình, rồi vì người mà thuyết pháp, khiến cho cả thảy chúng sanh đều đặng thấy tánh thành Phật, thì phước này hơn phước kia.

Thế nào là vì người diễn thuyết mà không chấp tướng, như như chẳng động; trong lòng như hư không? Bởi cớ sao? Cũng vì cả thảy pháp hữu vi của thế gian đều như chiêm bao không chơn thiệt, như huyễn thuật giả dối, như bọt nước tạm thời, như bóng dáng dễ mất, như sương sớm chóng tan, như chớp nhoáng thoáng qua. Nên xem như vậy, nên lập cái pháp kiến tánh như vậy.

Tăng Ni Sư giải : Nói lý lục như đặng làm cho người tỏ thấu muôn pháp.

Như mộng :là ngủ thì có, mà thức thì không. Muôn pháp lúc mê tợ hồ có, ngộ đặng toàn là không, nên nói: như chiêm bao.

Kinh Tịnh Danh có nói: "Thân như chiêm bao vì hư vọng mà có".

Huyễn: là huyễn thuật; cắt giấy làm thỏ, bện cỏ làm ngựa, thể vốn không thiệt, muôn pháp bởi vọng tâm mà sanh, chớ không có thể chi, nên nói: như huyễn mị.

Kinh Tịnh Danh có nói: "Thân như huyễn mị bởi điên đảo mà khởi ra".

Phao (Bào): là gió chạt nước mà thành bọt, thể không bền vững. Muôn vật như bọt nước, không có thiệt, nên nói như bọt nước.

Kinh Tịnh Danh có nói: "Thân như bọt nước, chẳng đặng lâu dài".

Ảnh: là bóng trong gương, trong nước, mặt trời mặt trăng vọi vào vật mà sanh ra. Những thể giả dối đều như thế cả, nên nói: như bóng.

Kinh Tịnh Danh có nói: "Thân như bóng, bởi nghiệp duyên mà hiện ra".

Lộ :là sương mù buổi mai, có tạm liền tan. Muôn pháp cũng như thế, nên nói: như mù.

Điển: là chớp nháng, thoạt có thoạt không, niệm niệm vô thường. Muôn pháp cũng như chớp, sanh diệt trong sát na, nên nói: như chớp.

Kinh Tịnh Danh có nói: "Thân như chớp, niệm niệm chẳng trụ".

Lý Văn Hội giải: Nhứt thiết hữu vi pháp là: sống già, đau thác, giàu nghèo, sang hèn, sĩ, nông, công, thương, đỏ, trắng, xanh, vàng, thơm tho hôi hám, có không thiệt hư, cạn sâu, cao thấp, đều là cái pháp hữu vi của vọng tâm sanh diệt.

Như mộng huyễn phao (bào) ảnh v.v... là cả thảy pháp hữu vi. Thế gian muôn việc đều như chiêm bao, huyễn mị v.v.... không đặng lâu dài.

Mộng :là vọng tưởng. Huyễn: là huyễn thuật. Phao: là bọt nước, dễ sanh dễ diệt. Ảnh: là bóng, không thể nắm bắt đặng Lộ: là sương mù, không đặng lâu dài. Điển: là chớp nhoáng, sáng trong nháy mắt.

Phó Đại Sĩ có lời tụng:

Những: sao, đèn, mộng huyễn,

Đều vì lý vô thường,

Nghiệp lậu tu nhân quả,

Kìa ai đặng cửu trường.

Lẹ mau như chớp nhoáng,

Tan rã tợ mù sương,

Dầu có ngàn muôn kiếp,

Rốt rồi cũng diệt vương (vong).

Ưng tác như thị quán là hữu vi vô vi đều bởi tự mình, lòng thường vắng lặng rỗng rang thanh tịnh, không còn chút chi đình lưu quái ngại, tự nhiên vô tâm, như như chẳng động, nên nói: "Phải tưởng như thế".

Một ông Tăng hỏi ông Vân Môn Đại sư: "Thế nào là Phật?".

Đáp : "Đồ chùi đít (càn chỉ khuyết).

Ông Thái Bình Cổ Thiền sư có lời tụng:

Như Lai Phật đồ chùi đít,

Bình đẳng tùy cơ vì lợi ích.

Bắt bóng trong gương kẻ chấp mê,

Với từ nhan tợ không thân thích.

Ông Chiêm Thủ tọa hỏi ông Đồng Sơn: "Pháp thân Phật ví như hư không, ứng vật mà hiện hình, như trăng dưới nước, mà làm thế nào cho trúng với đạo lý ấy?".

- Như lừa dòm giếng.

- Thế nào mới là người mê nhận bóng?.

- Thủ tọa nói làm sao?.

- Sao không nói giếng dòm lừa?.

Có biết hay chăng?

Nếu còn hữu ý muôn hình có,

Biết đặng vô tâm các việc không

Xuyên Thiền sư giải: Đi thuyền cốt tại người coi lái.

Tụng:

Mò trăng dưới nước, Đùa gió vào bầu.

Khắc be tìm giáo, Cỡi trâu kiếm trâu.

Hoa không, lòa chói, Bọt nước, bóng, mù.

Đoạn bài dứt bút, Đến thôi phải thâu.

Đờn, rượu thú vui phường ruộng rẫy,

Chẳng phong lưu, ấy cũng phong lưu.

162.ÂM:

Phật thuyết thị kinh dĩ, Trưởng lão Tu Bồ Đề cập chư Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, nhứt thiết thế gian: Thiên, Nhơn, A tu la văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

NGHĨA:

Phật nói kinh này rồi, Trưởng lão Tu Bồ Đề cùng Tăng, Ni, thiện nam, tín nữ, cả thảy thế gian. Thiên, Nhơn, A tu la, nghe cái thuyết của Phật, đều rất hoan hỷ, tin chịu, phụng hành.

Giải :Nhan Bính giải: Thầy tu là Tỳ Khưu, cô vãi là Tỳ Khưu Ni, cư sĩ là Ưu bà tắc, (cận sự nam), đạo cô là Ưu bà di (Cận sự nữ).

Cả thảy thế gian: Thiên, Nhơn, A tu la nghe Phật thuyết pháp trong kinh này, đều sanh lòng đại hoan hỷ, tin tưởng vưng chịu, cung kỉnh phụng hành.

Lý Văn Hội giải: Chí lý không có nói, chơn không không có tướng, thảy đều vắng lặng, nhưng chẳng chấp theo lời nói và sự hiểu biết, thì tức là "không nói không tướng"; tông chỉ của bộ kinh Kim Cang này là thế ấy. Cho nên liền lập ra rồi liền bỏ, cũng bởi muốn cho mỗi người đều đến địa vị không có chút pháp chi mà đặng đó, mới khỏi bị cả thảy các cảnh nó mê hoặc. Bằng đặng tâm địa vắng lặng tức là Thanh tịnh tâm, cũng tức là: Bổn lai tâm, Đáo bỉ ngạn, Niết bàn, Giải thoát. - Lý cũng là một.

Đức Tứ Tổ có hỏi đức Tam Tổ:

- Thế nào là tâm của Cổ Phật?.

- Tâm của ngươi, là tâm gì?.

- Vô tâm.

- Người vô tâm, thì chư Phật lại có sao?.

Dứt lời liền tỏ ngộ - Ấy là cái biểu hiện của người học đạo vậy.

Kinh Pháp Hoa có nói: Những đồ để cần dùng về sự sanh hoạt đều thuận theo chánh pháp.

Trương Vô Tận giải: Ông Phó Đại Sĩ, ông Bàng Cư sĩ phải là không vợ con đâu!

Nếu vậy thì, thân tuy ở chốn trần lao mà lòng vẫn hằng thanh tịnh, cũng đặng đổi thức làm trí; như luyện đất ra vàng; cả thảy phiền não đều là Bồ đề, cả thảy thế pháp đều là Phật pháp. Bằng đặng như thế thì tức là Bồ Tát tại gia, phàm phu liền ngộ vậy - Há chẳng tốt sao?!

Bực thượng căn nghe một hiểu ngàn, làm một vị Đại tổng trì, thì có cần chi sự chỉ dạy như thế sao?

Sách Luận Ngữ có nói: "Học học mà tấn phát, không phải là đẹp sao?".

Kinh Pháp Hoa có nói: "Người không học tập thì không tỏ lý ấy".

Tiêu Diêu Ông giải: Trên nẻo Nhơn Thiên, làm phước là trước, trong biển sanh tử, hành đạo rất cần - Bằng muốn khoái lạc trên cõi Nhơn Thiên, mà chẳng chưỡng phước điền, muốn thoát khỏi vòng sanh tử, mà không rõ lý đạo, cũng như chim không cánh mà muốn bay, cây không gốc mà muốn tốt vậy. - Nào có đặng?

Lại nói: Vả chăng sĩ anh hùng, dầu tranh vương không đặng thì cũng làm bá: Giỏi nghề săn bắn, không bắt đặng nai, cũng bắt đặng thỏ; học cái thuyết Đại thừa, dầu chưa thành đạo cũng hơn cái phước Nhơn Thiên.

Cổ Đức có lời tụng:

Biết mấy lần có mấy lần,

Thân tâm lịch kiếp cứ tuần hườn.

Thân này chẳng tính mau mau độ.

Lại tính chừng nào độ lấy thân!

Khá tua gắng sức chớ nên lơ láo bỏ qua.

Xuyên Thiền sư giải: Hỏi người đời sau! Đừng hẳn Lão Tăng này nhé!!

Chẳng biết ai là người mang ơn đó?

Ơ, ờ, sao lại là không!

Khát đặng nước,

Đói đặng lương (cơm),

Bịnh đặng thuyên giảm;

Nóng đặng thanh lương.

Người nghèo gặp châu bửu,

Trẻ nhỏ gặp từ nương.

Thuyền xiêu tấp vào bực,

Khách xa về cố hương.

Hạn gặp chầu cam võ,

Nước trổ mặt trung lương.

Bốn phương đều thúc thủ,

Tám cõi thảy qui hàng.

Đầu đầu bày sộ sộ,

Vật vật hiện ràng ràng.

Trải cổ kim phàm Thánh.

Khắp địa ngục, thiên đường.

Cả Đông Tây Nam Bắc,

Khỏi để ý tư lương.

Sát trần sa giới trùng trùng phẩm,

Đồng nhập Kim Cang Đại đạo tràng.

TỪ KHẢO

A La Hán : (Arahan) - Sát tặc, Bất Sanh, Ứng Cúng, Ứng Chơn một quả trong bốn quả A La Hán.

A Na Hàm: (Anagamin) Bất hườn, Bất lai là không tái sanh lại cõi Dục giới nữa, một quả trong bốn quả.

A Nan: (Ananda) Cũng đọc là Át Nan. A Nàn Đà: Hoan hỷ, Khánh Hỷ con vua Hộc Phạn Vương, em của Đề Bà Bạt Đa, bà con chú bác với Phật Tổ, đa văn bực nhứt và tánh nhớ không quên, là một trong mười đại đệ tử của Phật.

A nậu đa la tam miệu tam bồ đề :cũng đọc là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (Anuttara samyak samibodhi) A: vô, nậu đa la: thượng, tâm: chánh, miệu: chẳng Bồ đề giác, là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nghĩa là hiểu đặng đúng bực chơn chánh không còn chi hơn, cũng dịch là Vô thượng Chánh biến tri, đọc tắt: A nậu Bồ đề. Vô thượng Bồ đề, Vô thượng giác, Vô thượng Chánh biến tri, Bồ đề. Giác cũng đều là chỉ cho Phật và quả vị của Phật cả.

A tăng kỳ kiếp: (Asamkhyeya kalpa): giai cấp tu hành của Bồ Tát có 50 địa vị chia làm ba kiếp A tăng kỳ: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, cộng 40 địa vị, ấy là kiếp thứ nhứt. Còn thập địa từ địa thứ nhứt đến địa thứ bảy là kiếp thứ hai, từ địa thứ tám đến địa thứ thứ mười là kiếp thứ ba. Tu địa thứ mười trọn rồi, mới đến quả Phật.

A tỳ :(Avici) Vô gián địa ngục là đời đời kiếp kiếp bị luân hồi vào địa ngục không dứt.

Ba cõi :Xem chữ Tam giới.

Ba đàn :Xem chữ Tam đàn.

Ba đời: Xem chữ Tam thế.

Ba la đề mộc xoa: (Pratimoksa), Biệt giải thoát là một giới trong ba giới luật.

Ba la mật (Pramita): Đáo bỉ ngạn là đến bờ kia.

Ba Tư Nặc :(Prasenajit): Thắng Quân, Thắng Quang, vua nước Xá Vệ.

Bát giải thoát :cũng kêu là Bát bối xả là dùng tám pháp thiền định mà giải thoát điều phiền não.

Bát Nhã : (Prajna): Trí huệ là sáng suốt.

Báo thân :Tức là cái thân chịu quả hiện báo nay.

Báo pháp :Xem chữ nhị thuyên.

Bất nhị pháp môn: Có một pháp môn mà thôi.

Bố thí: (Dana) là dùng của cải và đạo pháp mà làm việc phước lành.

Bồ đề :(Bodhi) là giác hiểu tánh.

Bồ Tát :(Bodhisattva) nói đủ là Bồ đề tát đoả: Đại đạo tâm chúng sanh, giác hữu tình, là chúng sanh có đạo tâm, rõ đặng sự hữu tình.

Bốn bực :Xem chữ Tứ đẳng.

Bốn loài :Xem chữ Tứ loại xuất gia.

Bốn ơn :Xem chữ Tứ ân.

Bốn quả :Xem chữ Tứ quả.

Cấp Cô Độc :Tu Đạt Na (Sudana) là tên người. Bởi hay bố thí cho kẻ cô độc nên kêu là Cấp Cô Độc.

Cưu Ma La Thập :(Kumarajiva): Đồng Thọ, người nước Thiên Trúc ở tại xứ Cưu Tư, một vị Pháp sư dịch kinh hơn 380 quyển.

Cửu địa :Cũng kêu là Cửu hữu: chín cõi. 1. Dục giới, ngũ thứ địa; 2. Ly sanh hỷ lạc địa; 3. Định sanh hỷ lạc địa; 4.Ly hỷ diệu lạc địa; 5.Xả niệm thanh tịnh địa; 6.Không vô biên xứ địa; 7.Thức vô biên xứ địa; 8.Vô sở hữu xứ địa. 9.Phi tưởng và phi phi tưởng xứ địa.

Cửu hữu :Xem chữ Cửu địa.

Chơn như: Bộ đa đa tha đa (Bhutatathata) chơn là chơn thiệt, như là như thường, tánh thể chơn thiệt không dối là chơn, thường trụ không biến là như.

Chúng sanh tướng :Xem chữ Tứ tướng.

Dao Tần: Là vua Dao Hưng đời Hậu Tần từ năm 383 đến năm 416 nhằm đời Lục triều nhà Tấn.

Diệt độ: (Nirvana) Niết bàn, là diệt khỏi sanh tử hay là diệt chướng độ khổ.

Dục giới :Xem chữ Tam giới.

Duyên Giác: Hạng người nghe Thập nhị nhân duyên mà hiểu đạo.

Đại tổng trì: Xem chữ Tổng trì.

Đao lợi :Tam thập tam thiên, kêu chung là Đao Lợi Thiên.

Đệ nhứt nghĩa :Cũng kêu là tối thượng là chơn lý ráo rốt.

Đệ nhứt thừa :Thừa thứ nhứt tức là Đại thừa.

Đốn giáo: Đốn: mau là mau hiểu giáo pháp, là vị Bồ Tát trí huệ đặc biệt.

Địa hạnh: Hạnh của Thập địa Bồ tát.

Giác tri :Sự hiểu biết.

Hậu ngũ bá tuế :Khi Phật diệt độ, sau năm trăm năm sau chót (kỳ thứ năm).

Hóa thân: Xem chữ Tam thân.

Hữu dư Niết Bàn :Dứt hết cả thảy phiền não và cái nhân sanh tử về đời vị lai nhưng mà còn dư quả báo đời này, cho nên nói Hữu dư Niết bàn (là còn sắc thân).

Hữu lậu :lậu: phiền não. Hữu lậu: còn sự phiền não.

Kiến văn :Sự nghe thấy.

Kiết già phu tọa :Pháp ngồi của nhà Phật. Cẳng trên cẳng dưới (bất luận cẳng nào) là bán già, trước dùng bàn cẳng mặt gác lên bắp vế trái rồi bàn cẳng trái mới gác lên bắp vế mặt là Hàng ma tọa, trái lại là Kiết tường tọa.

Kim Cang Bát Nhã Ba la mật :(Vajra Prajnaparamita - Sutra) Kim cang: dao thép bén. Bát Nhã: trí huệ, Ba la mật: đáo bỉ ngạn là đến bờ kia, nghĩa là: dùng cái dao có thép bén của trí huệ dứt hết cả thảy phiền não mà chứng thành Phật đạo.

Kỳ Đà Thái Tử :(Jetrijeta): Thắng; là Thái tử con vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ.

Không Như Lai Tạng :Thể tánh của Chơn như ráo rốt không tịch.

Liên Hoa Tạng thế giới: Tịnh độ của Báo thân Phật.

Lô Xá Na: Báo thân Phật.

Lục căn (sáu căn): Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mình và ý tứ.

Lục đạo (sáu đường): Thiên, Nhơn, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Lục độ (sáu độ) cũng kêu là lục Ba la mật 1. Bố thí, 2. Trì giới, 3. Nhẫn nhục, 4. Tinh tấn, 5. Thiền định, 6.Trí huệ.

Lục thông: 1. Thiên nhãn thông (ở đâu cũng thấy). 2. Thiên nhĩ thông (ở đâu cũng nghe). 3. Tha tâm thông (lòng của ai cũng biết). 4. Túc mạng thông (biết mấy kiếp trước). 5. Thần túc thông (cõi nào cũng tới đặng). 6. Lậu tận thông (hết sự phiền não).

Lục tặc: Sáu trần nó dắt dẫn sáu căn cướp giựt hết tài thí, pháp thí cho nên nói: Lục tặc (sáu tặc).

Lục trần :(sáu trần) sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp là hình sắc tiếng tăm, hơi hám, mùi vị, tình dục và phương pháp.

Ma ha ( Maha): Đại, Đa, Thắng là lớn, nhiều, hơn.

Ma ha tát: Đại tâm là lòng quảng đại.

Mạt kiếp: Xem chữ Tam thời.

Mười hai bộ kinh: Xem chữ Thập nhị bộ kinh.

Mười một Bồ Tát :Xem chữ Thập nhứt địa Bồ Tát.

Mười tám giới:Xem chữ Thập bát giới.

Năm uẩn: Xem chữ ngũ uẩn.

Năm trăm năm sau: Xem chữ hậu ngũ bá tuế.

Năng sở: Năng là mình hay làm, sở là vật dùng để mà làm.

Nê hoàn: Xem chữ Niết bàn.

Niết bàn: (Nirvana) (Pari nirvana) cũng kêu là Nê hoàn, Nê ban; Diệt độ, Tịch diệt, Bất sanh vô vi, An lạc, Giải thoát viên tịch là diệt hết cái nhân quả sanh tử, độ qua khỏi biển khổ sanh tử; những nghĩa dịch ấy đều là cái ý giải thoát đường sanh tử cả.

A. Hai thứ Niết bàn: 1. Hữu dư Niết bàn là đã hết nhân quả sanh tử nhưng còn dư cái khổ quả, khổ quả hữu lậu (trước khi còn sống) 2. Vô dư Niết bàn là đã dứt hết cái khổ quả hữu lậu không còn dư nữa. (Sau khi đã thác).

B. Bốn thứ Niết bàn: 1. Bổn lai tự tánh thanh tịnh Niết bàn : là tuy còn khách trần phiền não mà tự tánh thanh tịnh rỗng rang như hư không. 2. Hữu dư y Niết bàn : là đã dứt hết phiền não tuy còn dư cái thân hữu lậu mà lòng thường vắng lặng. 3. Vô dư y Niết bàn : là khỏi sự khổ sanh tử, dứt hết phiền não cũng như Hữu dư y Niết bàn mà lại khỏi cái khổ quả của y thân nữa. 4. Vô trụ xứ Niết bàn : là dứt hết sự ngăn ngại của cái sở tri. Phật đã dứt đặng sự ngăn ngại của cái sở tri đối với sanh tử Niết bàn không có vui chán, và dùng sự lợi lạc mà dứt cái hữu tình đời vị lai.

Nói tóm lại chỉ có hai thứ Niết bàn, Niết bàn. Niết bàn nghĩa là giải thoát viên mãn, người hành đạo giải thoát hết vọng tâm tà kiến không tạo nghiệp thì lúc còn sống ấy là Hữu dư Niết bàn còn sau khi thác là Vô dư Niết bàn.

Ngã tướng: Xem chữ tứ tướng.

Ngũ uẩn: Năm cái tích tụ là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, sắc là hình sắc, thọ là thọ lãnh, tưởng là tư tưởng, hành là làm lụng, thức là hiểu biết.

Nghĩa thứ nhứt: Xem chữ Đệ nhứt nghĩa.

Nhẫn nhục: Chịu nhục mà không sợ, là một độ trong lục độ

Nhị không: Nhơn không, pháp không, là không còn chấp nhơn, chấp pháp.

Nhị nghi: Âm dương.

Nhơn tướng: Xem chữ tứ tướng.

Nhơn thiên: Cõi Người, Cõi Trời.

Nhị thuyên :1. Cha thuyên, 2.Bảo thuyên. Cha thuyên là bỏ sự quấy. Bảo thuyên là rõ sự phải, như nói: "Muối không lạt là cha, nói muối mặn là bảo, nói: nước không nóng là cha, nói nước lạnh là bảo v.v...

Nhu hòa nhẫn nhục y: Áo để che lạnh ấm cũng như lòng ta nhu hòa nhẫn nhục thì trừ đặng cái điều giận dữ vậy.

Nhứt thừa: Xem chữ đệ nhứt thừa.

Phạm âm: Tiếng nước Thiên Trúc.

Pháp tánh tam muội: Chơn như pháp tánh.

Pháp thân: Chơn thân của Phật.

Pháp vương: Vua trong đạo pháp tức là Phật.

Phong quang: Bổn lai diện mục. Bổn địa phong quang (chơn tánh).

Sát na: (Ksana) Một thời gian rất ngắn hơn hết một cái khảy móng tay là 16 sát na.

Sáu căn: Xem chữ lục căn.

Sáu thức: Xem chữ lục thức.

Sáu trần: Xem chữ lục trần.

Sáu giới: Xem chữ tam giới.

Sơ thiền thiên: Một cõi Trời trong bốn cõi Trời Thiền Định.

Ta La: (Sala): Kiên cố, là chỗ Phật nhập diệt (cây Ta la).

Tà kiến: Sự nghe thấy không chánh.

Tam giới: 1. Dục giới là có điều dâm dục và sự ăn uống. Trên từ cõi trời lục dục giữa thì người ở bốn đại châu dưới từ vô gián địa ngục là Dục giới - 2. Sắc giới là có hình sắc mà không điều dâm dục và sự ăn uống cõi sắc giới này bởi tùy sự thiền định có thấp cao, chia làm bốn cấp, gọi là Tứ thiền thiên cũng kêu là Định lự. 3. Vô sắc giới: Cõi trời này, không còn vật chất chi hết không thân thể cung điện, quốc độ, duy có cái tâm thức thâm diệu của thiền định mà thôi.

Tam đàn: 1. Tư sanh đàn. 2. Vô úy đàn. 3.Pháp đàn. Bố thí, thuộc về Tư sanh đàn là hay sanh các thiện pháp. Trì giới nhẫn nhục thuộc về Vô úy đàn là không động tâm không kinh sợ - Tinh tấn thiền định, trí huệ thuộc về Pháp đàn, là bởi định sanh huệ, huệ sanh cả thảy pháp.

Tam nghiệp: Ba nghiệp của thân, khẩu, ý. Thân là tay chơn làm, khẩu là miệng biểu làm, ý là cái ý suy nghĩ đặng làm.

Tam thừa: 1. Thinh Văn thừa - 2. Duyên Giác thừa, 3 - Bồ Tát thừa.

Tam huệ: 1. Văn huệ là bởi sự văn kiến mà sanh trí huệ. 2. Tư huệ là bởi sự tư duy (suy nghĩ) mà sanh trí huệ. 3.Tu huệ là bởi tu hành mà sanh trí huệ.

Tam không: 1. Nhơn không, 2.Pháp không, 3. Không không là khi học đạo thì không nên chấp có ta là "nhơn không" mà đã hiểu đạo rồi cũng không nên chấp có pháp là "pháp không", không chấp nhơn không chấp pháp cũng hãy còn chấp không nên phải không chấp cái không là "không không" ấy mới đúng với lý đạo cho nên nói: Tam không.

Tam minh: 1. Túc mạng minh, 2.Thiên nhãn minh, 3.Lậu tận minh, là ba phần trong pháp lục thông.

Tam thế: Quá khứ, hiện tại, vị lai.

Tam thời sau khi Phật diệt độ: Thời thứ nhứt là Chánh pháp (pháp còn chánh 500 năm); thời thứ hai là Tượng pháp (pháp còn mường tượng) 1.000 năm, thời thứ ba là Mạt pháp (pháp đã suy giảm) 10.000 năm.

Tăng già lê: (Samghati): Trùng. Hiệp là áo bá nạp.

Tiếng Phạm :Xem chữ Phạm âm.

Tiểu thừa :(Hinayana) là xe nhỏ, quả vị của Bích Chi Phật; bốn quả A La Hán, Thinh Văn và Duyên Giác.

Tinh tấn: Sốt sắng, là một độ trong lục độ.

Tỳ bà xá na (Vipasyana): Quán là quán tưởng.

Tỳ Khưu (Bhiksu): Khất sĩ là người đi xin là trên xin pháp của chư Phật, dưới xin ăn của bá tánh, tức là Thầy tu.

Tỳ lư (Vairocana): Pháp thân Phật.

Tổng trì: Đà ra ni (Dharani) là gồm giữ đặng. Giữ điều lành không lỗi, giữ điều dữ không sanh.

Tu Bồ Đề :(Subhuti): Thiện Hiện, Thiện Kiết, là một trong mười đại đệ tử lớn của Phật.

Tu Đà Hoàn (Srota Apana) nhập lưu): đã vào bực Thánh là một quả trong bốn quả.

Tu Đạt Na (Sudana): Thiện Ái, Thiện Thí là tên của vị Thái tử tức tiền thân của Phật.

Tư huệ: Xem chữ tam huệ.

Tư Đà Hàm (Sakrdagami): Bất hoàn không trở lại thọ sanh nữa một quả trong bốn quả.

Tư huệ: Xem chữ tam huệ.

Tứ ân: 1. Ơn cha mẹ, 2. Ơn đàn na tín thí, chúng sanh 3. Ơn quốc vương thỉ thổ 4. Ơn Tam bảo.

Tứ đẳng: Từ, bi, hỷ, xả,

Tứ loại xuất gia: 1. Thân xuất gia mà tâm không xuất gia. 2. Thân tại gia mà tâm xuất gia, 3.Thân tâm đều xuất gia, 4. Thân tâm đều không xuất gia.

Tứ quả: 1. A La Hán 2. A Na Hàm 3. Tư Đà Hàm 4. Tu Đà Hoàn.

Tứ tướng :1. Ngã tướng là gọi mình tu hành có đạo đức. 2. Nhân tướng là chê người đạo đức không bằng mình. 3. Chúng sanh tướng là muốn đặng khỏi làm chúng sanh cực khổ. 4.Thọ giả tướng là muốn đặng sống hoài khỏi chết.

Từ, bi, hỷ, xả: Cho sự vui là Từ, trừ sự khổ là bi, Hỷ xả là tịnh xả tịnh thí, là ưa làm tài thí pháp thí.

Tượng pháp: Xem chữ tam thời.

Thập bát giới: Mười tám giới: lục căn, lục trần và lục thức.

Thập địa: Mười nhân địa: 1.Càn huệ địa, 2.Tánh địa, 3. Bát nhơn địa, 4. Kiến địa, 5.Bạc địa, 6.Ly dục địa, 7. Dĩ biện địa, 8.Chi Phật địa, 9. Bồ Tát địa, 10. Phật địa.

Thập nhị bộ kinh: Mười hai bộ kinh 1.Kinh Đa La (Sutra) là kinh Trường hàng, 2.Kinh Kỳ Dạ (Geya) là Tinh tụng, 3. Kinh Dà Dà (Gatha) là kinh Phúng tụng, theo tụng kệ không theo Trường hàng, 4.Kinh Ni Đà Na (Nidana) là kinh nói về nhân duyên thuyết pháp của Phật, 5.Kinh Y Đế Mục Đa (Itivrtaka) là kinh nói về nhân duyên quá khứ của đệ tử, 6.Kinh Xà Đa Dà (Jataka) là kinh nói về nhân duyên quá khứ của Phật, 7.Kinh A Phù Đạt Ma (Adbhuta - dharma) là kinh nói về thần lực không biết bao nhiêu của Phật, 8.A Ba Đà Na (Avanada) là kinh nói về ví dụ; 9. Kinh Ưu Bà Đề Xá (Upadesa) là kinh nói về vấn đáp, 10. Kinh Tỳ Phật Lược (vaipulya) là kinh nói về chơn lý rộng lớn. 11. Kinh Ưu Đà Na (Udana) là kinh Phật tự nói không có vấn đáp, 12. Kinh Hoa Dà La (Vyakarana) là kinh nói về thọ ký.

Thập nhị nhân duyên: 1. Vô minh (Avidya) là phiền não của đời quá khứ vô thỉ, 2.Hành (Samskara) bởi phiền não của đời quá khứ mà làm ra nghiệp lành dữ. 3.Thức (Vynama) bởi cái nghiệp của đời quá khứ mà thọ thai đời này. 4. Danh sắc (Narnarapa) thân tâm phát dục ở trong thai, 5.Lục xứ cũng kêu lục căn, lục nhập (Sadayatana), 6.Xúc (Sparsa) đã đủ hình tượng đủ sáu căn đối với sự vật chỉ muốn cảm xúc chớ chưa biết sướng khổ lúc lên hai lên ba tuổi, 7.Thọ (Vedana) đối với sự vật biết sướng khổ mà cảm thọ lúc 6-7 tuổi, 8.Ái (Trsua) sanh ra các thứ ái dục hăng hái lúc 14-15 tuổi, 9.Thủ (Upadana) dục ái đầy đủ nên bốn trục theo cái cảnh tham cầu sau khi thành nhơn, 10.Hữu (Bhava) bởi phiền não tham cầu mà gây ra các nghiệp hậu thân, 11. Sanh (Jàti) bởi nghiệp đời hiện tại mà thọ sanh về đời vị lai, 12. Lão tử (Jaramarana) là sự lão tử về đời vị lai.

Thập nhứt địa: Mười một địa là mười địa và địa Đẳng giác là mười một địa.

Tha tâm thông: Xem chữ lục thông.

Thập lực: Mười trí lực của Phật, 1. Biết lý của sự vật là không có lý chi, 2. Biết nghiệp báo ba đời, 3. Biết pháp thiền định giải thoát, 4.Biết căn khí của những chúng sanh, 5.Biết các thứ dục tâm của chúng sanh, 6.Biết các cảnh giới của chúng sanh không đồng nhau, 7. Biết cả thảy nẻo vào đạo, 8.Biết thiên nhãn không ngăn ngại, 9.Biết túc mạng thông và vô lậu, 10. Trừ dứt hết những tập quán.

Thiền định:Cũng kêu Tịnh lự là một trong lục độ.

Thiệt đế: Cũng kêu chơn pháp là pháp chơn thiệt.

Thinh Văn: Nghe lý Tứ diệu đế mà ngộ đạo.

Thọ giả tướng: Coi chữ tứ tướng.

Tri giải: Sự hiểu biết.

Trì giới: Giữ giới luật.

Ứng thân: (Nirmanakaya) Ứng theo cơ duyên mà hiện thân của Phật.

Ưu Ba: cũng kêu Ưu Ba Ly, Ưu Ba Ly (Upali) cân thủ, cận chấp là người giữ luật hơn hết trong bọn đệ tử của Phật.

Vô dư Niết bàn: Coi chữ Niết bàn.

Vô úy: Coi chữ Tam đàn.

Vô lậu: Lậu là phiền não, vô lậu là không còn phiền não nữa.

Vô sanh nhẫn: Trụ vào vô sanh vô diệt của địa Nhẫn (Phật).

Vô sắc giới: Xem chữ Tam giới

Vô minh: Xem chữ Thập nhị nhân duyên.

Xá Vệ Quốc: (Sravasti) Phong Đức, Háo Đạo là chỗ ưa đạo đức là tên một xứ bên nước Thiên Trúc.

Xa ma tha: (Samatha) chỉ là quán chỉ quán tưởng.

Y tha tâm: Là cái giả tâm của Phật Hóa thân.



[1]Âm pháp độc trá.

[2]Thọ: Thụ theo Âm pháp!

[3]Bá: Bách.

[4]Chước: Trước.

[5]Truyền: Hườn.

[6]Phản tư cật: Phạn thực ngật.

[7]Phu tọa: Phu tòa (tục hay đọc tòa).

[8]Khởi: Khỉ theo Âm pháp.

[9]A nậu đa la tam miệu tam bồ đề: A nộc đa la tam việu tam bồ đề.

[10]Trụ: Trộ Khương Hy Tự điển.

[11]Dủy: Duy hay là Dụy.

[12]Nhứt thiết: Nhứt thế (theo Âm pháp).

[13]Noãn sanh: Loãn sanh (Khương Hy Tự điển).

[14]Phú - phục: tục đọc phục hay phựa.

[15]Chúng - Chủng, Chưởng.

[16]Phiệt - phạt (theo Âm pháp).

[17]Si: Sai.

[18]Bảo: Bửu.

[19]Hoàn: Huờn.

[20]Ly dục: Ly dục.

[21]Hánh cũng đọc là Hạnh.

[22]Sơn: San (theo Âm pháp).

[23]Dường: Dưỡng (theo Âm pháp).

[24]Mạng: Mệnh (theo Âm pháp).

[25]Bá: Bách (theo Âm pháp).

[26]Bố: Phố.

[27]Thơ: Thư (theo Âm pháp).

[28]Nghì: Nghị.

[29]Hà: Hả (theo Âm pháp).

[30]Ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức là tà kiến, về Tứ tướng.

[31]Na do tha: Một con số lớn.

[32]Mạt pháp: Sau Phật diệt độ mười một ngàn năm trăm năm 11.500 năm.

[33]Luân: Loan.

[34]Thời: Thì.

[35]Tối: Tùy hay là toái.

[36]Bào: Phao theo Tự Điển Khương Hy.

[37]Bát Nhã vô tận chơn ngôn: diệc danh Bát Nhã tâm chơn ngôn, diệc danh Bát nhã nhãn chơn ngôn. Nhược nhơn trì tụng nhứt biến, như tụng thập nhị bộ kinh nhứt thiên biến.

[38]Kim Cang tâm đà ra ni chơn ngôn: Nhược nhơn chuyên tâm trì tụng thử chú nhứt biến, năng diệc bát thập kiếp sanh tử trọng tội.

[39]Chú Bát nhã vô tận: Cũng kêu là chú Bát nhã tâm, mà cũng kêu là chú Bát nhã nhãn. Như người nào trì tụng một biến, cũng bằng tụng 12 bộ kinh một ngàn biến.

[40]Chú Kim Cang tâm đà ra ni : Bằng người nào chuyên tâm trì tụng chú này một biến, thì hay dứt đặng tám mươi kiếp tội trọng trong đường sanh tử.

[41]Tâm kinh hiệu là Đại trí huệ đáo bỉ ngạn, nghĩa là trí huệ lớn qua bờ kia (dùng trí huệ mà thành đạo).

[42]Quán tưởng sự hữu tình không còn chi ngăn ngại.

[43]Bát nhã Ba la mật là Trí huệ qua đến bờ kia.

[44]Sắc, thọ, tưởng, hành thức, nghĩa là: hình tướng, chịu, tưởng, làm, biết.

[45]Xá Lợi Tử tức là Xá Lợi Phất con của bà Xá Lợi (Thu Lợi).

[46]Chỗ này là nói tóm tắt. Bằng nói rõ ra thì: sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; thọ chẳng khác không, không chẳng khác thọ, thọ tức là không, không tức là thọ, tưởng cũng như vậy, hành cũng như vậy, mà thức cũng như vậy.

[47]Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý (lục căn) nghĩa là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (sáu căn).

[48]Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (lục trần) nghĩa là hình sắc, tiếng tăm, hơi hám, mùi vị, cảm xúc, phương pháp.

[49]Sáu căn đối với sáu trần sanh ra sáu thức. Từ nhãn giới cho đến ý giới mỗi căn có ba giới. Tổng cộng là 18 giới: (sáu căn, sáu trấn và sáu thức)

[50]Vô minh: mê muội, là một cái nhân đầu trong 12 nhân duyên thập nhị nhân duyên: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Xem Tam thừa yếu luận hoặc Phật ngôn thiệt lục có giải rành.

[51]Không hết cái vô minh: có vô minh đâu mà hết.

[52]Lão tử: già chết là một cái nhân chót trong 12 nhân duyên.

[53]Không hết cái lão tử: có cái lão tử đâu mà hết.

[54]Khổ, tập, diệt, đạo: Tứ diệu đế. Xem Tam Thừa yếu luận hay Phật ngôn thiệt lục có giải rõ.

[55]Trí huệ mà thành đạo: Trí huệ đáo bỉ ngạn: Bát nhã ba la mật đa.

[56]Phật ba đời: Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai.

[57]Tiếng Phạn: Bát nhã Ba la mật đa bờ này tức là cõi Ta bà; Tàu: Trí huệ đáo bỉ ngạn bờ kia tức là cõi Phật Annam: Trí sáng suốt đến bờ kia Bồ Tát.

[58]

[59]Như lời giải trước.

[60]Phạn Tàu Nghĩa: Yết đế yết đế : <D>Độ khứ độ khứ Độ đi độ đi. <BI>Ba la yết đế: <D>Cứu cánh độ khứ ráo rốt độ đi. <BI>Ba la tăng yết đê<D>>: Cứu cánh chúng độ khứ Ráo rốt độ chúng ni. <BI>Bồ đề tát bà ha: <D>Giác ngộ tật tốc viên hành cho đặng giác ngộ chóng mau thành tựu.>

[61]Năm loài kim: vàng, đồng, bạc, sắt, chì.

[62]Tiếng Phạm, hay là Phạn, là tiếng Thiên Trước. Tiếng Tàu là tiếng Trung Hoa kể từ đoạn này sấp sau không lập lại tiếng Phạm tiếng Tàu nữa; chỗ nào có chữ Phạm dịch ra chữ Tàu thì thế vô cái dấu mà thôi.

[63]Ráo rốt: trong lòng không còn tam ác, tứ tướng, lục trần.

[64]Sáu đường là: Thiên, Nhơn, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

[65]Lục độ là sáu pháp độ sẽ có giải rõ ở sau.

[66]sáu căn: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý.

[67]Sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

[68]A Nan cũng đọc là Át Nan.

[69]Ưu Ba tức là Ưu Ba Ly.

[70]Tục đọc trước không trúng âm.

[71]25 điều là 25 miếng vải kết thành Đại y.

[72]Tục đọc: huờn chí bổn xứ phạn thực ngật: đều không trúng âm.

[73]Chỗ này đọc trước theo âm pháp.

[74]Ngày nọ Thánh Khổng Phu tử kêu thầy Tăng là môn đệ của Ngài mà bảo: Sâm Tăng tử này! Đạo ta chỉ có một lý, mà suốt thông bao quát tất cả". Thầy Tăng liền "dạ". Bởi thầy Tăng học đạo đã thâm thấu, nên nghe rồi liền hội ý, không đợi phải nói cho ráo lý. Ấy là Thánh Hiền dĩ đạo tương kỳ. Cái "dạ" của ông Tu Bồ Đề so với cái "dạ" này chẳng khác.

[75]Tam thắng hay là Tam thặng Tam thừa.

[76]Xủng động: xoản động.

[77]Phi hữu tưởng, Phi vô tưởng chung một cõi Trời.

[78]Tam đồ là ba đường: Nước, lửa, gươm đao.

[79]Tập khí: thói quen.

[80]Cái nghĩa bực nhứt: chơn lý ráo rốt.

[81]Bổn lai hay là bổn lai diện mục, tức là tự tánh.

[82]Ba đường khổ (tam đồ khổ) là cái khổ của lửa, đao và huyết.

[83]Lục thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

[84]Lục đạo: thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

[85]Đoạn này ông Nhan Bính giải gộp, trọn cả đệ thứ ba.

[86]Thân điền là cái thân hay sanh những nghiệp lành dữ.

[87]Vô vị Chơn nhơn cũng kêu là Bổn lai diện mục, tức là Bổn tánh Chơn nhơn.

[88]Nhứt thừa là giáo pháp có một. Thừa (thắng) là xe, giáo pháp của Phật ví như xe chở người đến bờ Niết bàn.

[89]Hai thừa (Nhị thừa) là Thanh Văn và Duyên Giác.

[90]Bố thí: hành đạo. Hành đạo là vì đạo tâm Chơn lý, chớ không nên chấp trước, hành đạo để mong cầu cho đời này, hoặc đời vị lai sẽ đồng hưởng sự ích lợi tốt đẹp của các điều, hình sắc, thinh âm, hơi hám, mùi vị, cảm xúc và phương pháp.

[91]Sâm là sao Sâm, Thần là sao Thần cũng kêu là sao Thương tục gọi là sao Hôm, sao Mai.

[92]Ly Cấu Địa là một địa trong Thập địa.

[93]Thành Càn là thành Càn thát bà, thoạt có liền mất

[94]Ba kiếp đại tăng kỳ: Bồ Tát tu trọn kiếp a tăng kỳ là Sơ địa. Sơ địa có mười bực. Tu mãn hai kiếp đại a tăng kỳ thì tới quả Phật.

[95]Nhị không là nhơn không, pháp không.

[96]Tam muội là chánh định, chánh thọ, chánh tri.

[97]Sau năm trăm năm sau: Sau năm lần năm trăm năm nhằm đời mạt pháp, tức là sau Phật diệt độ hai ngàn năm trăm năm.

[98]Chúng: Chủng, chưởng.

[99]Nhứt niệm: Một thời kỳ rất ít.

[100]Bất khả tư nghì : Con số lớn trong Phật giáo.

[101]Nếu buông ra không nắm nữa thì trở lại làm bàn tay. Nắm và bàn tay cũng ví như sóng với nước, hễ sóng êm thì trở làm nước vậy.

[102]Phiệt: Phạt (theo âm pháp).

[103]Phiệt : Phạt (Theo âm pháp )

[104]Tỳ Da thành: Chỗ ở của Duy Ma cư sĩ.

[105]Bất nhị: Thiết lý (Như như bình đẳng).

[106]Bảo: Bửu.

[107]Sở đắc: Sự làm đặng - Trí giải là hiểu rõ.

[108]Hoàn: Huờn.

[109]Hánh: Âm pháp thuộc về khứ thinh, chữ Quốc ngữ thì dấu sắc.

[110]Giã can là con chồn.

[111]Bài thi này là Cổ thi nói về con hạc.

[112]San: Sơn.

[113]Oai Âm: Phật

[114]Mả yên kiều là xương lừa, xương lừa giống in yên ngựa, nên người hay nhận lầm.

[115]Nhan Hồi học trò đức Khổng Tử; Cừ Bá Ngọc đồng thời với đức Khổng Tử. Hai ông này hay xét mình mà cải lỗi.

[116]Mạng: Mệnh (theo Âm pháp).

[117]Sư Tử Tôn giả là Tổ thứ 24 bên Thiên Trúc.

[118]Bố: Phổ.

[119]Tuyết sách là sự tư tưởng.

[120]Sân cũng đọc chẩn.

[121]Khi: khinh khi. Báng: phỉ báng.

[122]Thừa: thằng hay thắng theo Âm pháp: tục đọc thừa hay thặng.

[123]Hóa tục đọc họa.

[124]Ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức là tà kiến, về tứ tướng.

[125]Tuyệt học là dùng chánh tri mà chứng ngộ cái thiệt lý. Tuyệt học vô ưu. Xuất Đạo đức kinh (Lão Tử).

[126]Chứng đắc là tỏ thấu hết không cần chi mà học.

[127]Lãng châu, Lễ châu.

[128]Âm pháp đọc dường.

[129]Na do tha: một con số lớn.

[130]Mạt pháp: Sau Phật diệt độ mười một ngàn năm trăm năm (11.500) năm.

[131]Tạ Tăng Phước khi đương làm nghề câu cá ở tại Nam Đài thì đã phát tâm sau lại bỏ nghề câu mà đi tu. Xuất trong sách "Truyền Đăng Lục".

[132]Ký bất năng lịnh, hựu bất thọ mạng thị tuyệt vật dã : Nếu không ra lịnh đặng mà cũng không thọ mạng ấy là tuyệt vật (tuyệt hẳn không giao tiếp với ai) xuất sách Mạnh Tử.

[133]Lân tích cũng kêu là "lân hư" là bụi trần thiệt nhỏ, gần bằng hư không, mà còn bẻ tét ra làm bảy phần nữa. (Xuất trong kinh Lăng Nghiêm).

[134]Điệp thu cũng kêu điệp sơ, là con bướm mới sanh trong mùa thu cái cánh thiệt mỏng nhẹ.

[135]Nhơn vô ngã, Pháp vô ngã tức là Nhơn không, Pháp không.

[136]Quán Âm Bồ Tát tức là Phật Chuẩn Đề.

[137]Thiên, nhơn, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ.

[138]Ngồi đó mà quên có ta.

[139]Chá cô là tên con chim tánh sợ lạnh, đến mùa thu thì kêu, mà kêu thì tự xưng tên: Chá cô Chá cô.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]