Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Kết luận

08/04/201115:23(Xem: 9679)
9. Kết luận

BỒ TÁT VÀ TÁNH KHÔNG
TRONG KINH TẠNG PALI VÀ ĐẠI THỪA

Luận án Tiến Sĩ của Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Giới Hương

KẾT LUẬN

Tính Đồng Nhất trong Kinh tạng Pali và Đại Thừa

Sự khác nhau giữa khái niệm Bồ-tát (Bodhisatta / Bodhisattva,菩薩) và Tánh-không (Suññatā / Śūnyatā, 空性) trong kinh tạng Pali (杷厘經藏) và Đại-thừa (大乘經典) không chỉ bằng ngôn ngữ mà cả trong tu tập. Trong kinh tạng Pali, Phật giáo được trình bày trong một phương cách đơn giản khiến mọi người dễ hiểu. Ngược lại, trong Đại-thừa diễn tả trong chi tiết và ngôn từ hoa mỹ, có tính chất lập luận triết lý khó hiểu và hình thức không phổ biến cho Phật tử phổ thông. Những cách đơn giản của kinh tạng Pali dường như rất gần với phương pháp truyền khẩu trong thời kỳ sơ khởi của Phật giáo. Vấn đề đáng quan tâm là liệu kinh điển Pali có gần gũi hơn với những pháp thoại nguyên thủy của Đức Phật?

Nhưng rõ ràng những tác phẩm Đại-thừa là thuộc giai đoạn phát triển sau này với những lý luận siêu hình được nói đến rất nhiều. Sự mô tả phủ định của Tánh-không (Śūnyatā) trong văn học Bát-nhã Ba-la-mật (Prajñā-Pāramitā, 般若波羅密經) và các học thuyết khác trong văn học Đại-thừa đã tạo ra một loại kinh điển sâu sắc hơn với những biện luận theo cách thức triết lý và làm nền tảng cho các trường phái tư tưởng phát triển sau này.

Tuy nhiên, mặt khác nói chung cũng có nhiều sự đồng nhất trong kinh tạng Pali và Đại thừa như sau:

- Pháp thoại (法話) trong các kinh điển Đại-thừa, cùng với kinh điển Pali về cơ bản được xem là giống nguồn gốc (同原), bản chất (同本質) và mục đích (同目的) bởi vì những gì thường được nói trong các kinh Bát-nhã Ba-la-mật (Prajñā pāramitā, 般若波羅密經), kinh Diệu-pháp Liên-hoa (Saddharma-Puṇḍarīka, 妙法蓮花經), kinh Lăng-già (Laṅkāvatara, 楞伽經), kinh Thần-thông Du-hí (Lalitavistara, 神通遊戲經), kinh Tam-muội-vương (Samādhirāja, 三妹王經), kinh Thập-địa (Daśabhūmi, 十地經), kinh Vô-lượng-thọ (Sukhāvatī, 無量壽 經), kinh Duy-ma-cật (Vimalakīrti, 維摩詰經)... cũng thường được thấy trong kinh tạng Pali.

- Học thuyết Tánh-không (Śūnyāta, 空性) trong Đại-thừa thật sự có hạt giống của ‘không’ (Suññatā, 空) trong kinh tạng Pali và ‘không’ là bài học căn bản đầu tiên về Vô-ngã (anātman, 無我) và lý Duyên-khởi (Pratītya-samutpāda, 緣 起). Vì thế, ‘không’ nghĩa là Vô-ngã, Duyên-khởi, Tứ-đế (四諦) và Giới-định-tuệ (戒定慧) là những điều rất căn bản và là nguồn gốc cho tất cả các pháp thoại khác trong Phật-giáo. Tất cả những lý tưởng Phật giáo khác xuất phát hoặc phát triển từ học thuyết này đều bởi lẽ để thích ứng với căn cơ, tính khí của tất cả chúng sanh và bối cảnh lịch sử tôn giáo lúc đó.

- Vô-ngã và Duyên-khởi trong kinh tạng Pali là biểu thị cho thật tại của tất cả hiện tượng trong kinh điển Đại-thừa.

- Phương pháp Bồ-tát tu tập mười ba-la-mật (十波羅密) trong Đại-thừa tương đối giống với mười ba-la-mật trong kinh điển Pali. Nói cách khác, sáu ba-la-mật (六波羅密) của Bồ-tát hạnh (菩薩行) mà hầu hết các kinh Đại-thừa đề cập và chủ trương thì không gì hơn là phương pháp truyền thống giới-định-tuệ với ba mươi bảy phẩm trợ đạo (三十七助道) trong kinh Pali.

- Khái niệm mười địa (十地) của Đại-thừa là có tương quan với tiến trình phát triển tâm linh của chín thiền (九禪) trong kinh Pali.

Nguồn gốc của các học thuyết Đại-thừa chủ yếu nằm trong kinh điển Pali. Vì thế, không đúng để khẳng định rằng Bồ-tát thừa (菩薩乘) là cao hơn hay siêu việt hơn Thanh-văn-thừa. Sự so sánh khuynh hướng giải thoát mở rộng trong Đại-thừa với sự giải thoát cá nhân ích kỷ của Thanh-văn-thừa (聲聞乘) là nên loại bỏ tức khắc. Những gì được chấp nhận là pháp thoại của Đức Phật là tùy theo khả năng, căn cơ và tính khí của từng cá nhân mà thu nhận có khác. Ngài không bao giờ xếp tất cả với nhau vào một loại trí tuệ đặc thù nào đó. Và điều này đã không để lại sự hoài nghi trong ý nghĩa cao thượng của hai ý thức hệ Tiểu và Đại-thừa. Kinh điển Đại-thừa thâm sâu và trong sáng cũng giống như triết lý giải thoát trong kinh điển Pali.

Thật ra, pháp thoại được giảng bởi đức Thế-tôn thì không phải là giáo nghĩa của triết lý, hay không là gì tất cả, mà pháp chỉ như một dụng cụ chữa bịnh để rửa sạch cấu uế thô tế bên trong chúng ta. Cũng giống như bịnh nhân được chữa bịnh, khi bịnh lành thì thuốc mất tác dụng; khi chúng ta giải thoát khỏi phiền não, thì pháp trở thành vô dụng và bỏ lại đằng sau như chiếc bè thả trôi, sau khi người đã đến bờ:

"Giống như chiếc bè, sau khi do nhiều cỏ, gậy, nhánh và lá kết thành, phục vụ để đưa người qua bờ kia rồi bỏ lại. Cũng thế pháp là những phương tiện để vượt qua bờ sanh và tử. Khi đến bờ niết-bàn bên kia rồi thì không còn gì theo chúng ta, tất cả đều để lại phía sau."

"Này các tỳ kheo, nên biết pháp thoại do Như lai thuyết cũng giống như chiếc bè. Ngay cả pháp còn phải bỏ, huống chi phi pháp." (汝等毘丘! 知我說法, 如箋喻者, 法常應捨, 何況非法).727

Thế nên, dù Đại-thừa hay Tiểu-thừa chỉ là những phương pháp trị bịnh, phương tiện (Upāya-kauśalya, 方便) để phát triển tinh thần đến tuệ giác cao nhất và tất cả pháp thoại của Đức Phật chỉ có một mục đích giải thoát duy nhất như biển cả rộng lớn bao la chỉ có một vị duy nhất là vị mặn, nên không có gì thấp hơn hay cao hơn. Trong mối liên quan này, chúng tôi cũng mạo muội đề nghị rằng nên chăng trong giới học thuật Phật giáo đổi thuật từ ‘Tiểu-thừa’ (Hīnayāna, 小乘) và ‘Đại-thừa’ (Mahā-yāna, 大乘) trở thành ‘Truyền thống Phật giáo thời kỳ đầu’ (初期傳統佛教) và ‘Truyền thống Phật giáo Phát triển’ (後期/發展傳統佛教).

Ứng Dụng Khái Niệm Bồ Tát

1. Bồ-tát trong sự Cải thiện Cá nhân và Xã hội

Mẫu hình chung của Bồ-tát trong kinh tạng Pali và Đại-thừa là tánh cách cao thượng, nỗ lực nâng đỡ và giúp người khác sống có ý nghĩa. Nguyện vọng cao cả của cả hai hệ thống là cùng ý tưởng, Bồ-tát phải tự nương tựa chính mình, tự kiểm soát, tự thức tỉnh và tự trách nhiệm. Tinh tấn hành Bồ-tát hạnh, thuần thành, sâu sắc và từ bi, lân mẫn đến tất cả chúng sanh.

Lý tưởng Bồ-tát hiện hữu liên tục và làm sống động các hạnh nghiệp của Bồ-tát cho đến khi đạt được mục đích tuệ giác. Chính lý tưởng đã tạo một sức mạnh tinh thần và giác tỉnh để Bồ-tát vượt qua bể khổ.

Bồ-tát là bậc từ bi vô lượng. Ngài dạy chúng ta phải tăng trưởng lòng tốt và vị tha, bởi tập khí lâu đời của con người là ích kỷ, vô minh và tính tự phụ đã phá huỷ sự thánh thiện trong lòng mỗi người. Chính vì không hiểu phương cách gỡ rối tự mình khỏi vũng bùn của phiền não, vọng tưởng khiến chúng ta ngả quỵ thành nạn nhân và nhiều lần chúng ta trở thành vô dụng trong việc tự giải thoát mình khỏi trạng thái khổ đau và phiền não. Nếu chúng ta thấm nhuần lý tưởng Bồ-tát trong đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ thức tỉnh năng lực ẩn tàng bên trong, nỗ lực thăng tiếân tâm linh. Chính chúng ta là người có thể tự điều ngự tâm, vận dụng diệu dụng của tâm Bồ tát để hiện tại và tương lai chúng ta và mọi người đồng giải thoát an lạc.

2. Học thuyết Bồ-tát trong sự nghiệp Hoằng pháp

Hiểu biết về kinh tạng Pali và Đại thừa cần thiết nhiều trong việc nâng cao lý tưởng Bồ-tát, cũng như nghĩa lý Đại-thừa bát-nhã ba-la-mật là rất thâm sâu, một nghiên cứu đơn giản không thể đáp ứng được nhu cầu người tham học. Chúng ta có thể nghiên cứu những chủ đề Bồ-tát và Tánh-không này từ mọi phía của phân tích ngữ nghĩa, biểu tượng và thâm nhập chứng nghiệm (tri hành hợp nhất). Điều này đòi hỏi Bồ-tát phải dấn mình vào sự nghiệp hoằng pháp và đồng sự.

Ứng dụng Học thuyết Tánh-Không

1. Học thuyết Tánh-không và Quan điểm Cá nhân cũng như Xã hội

Pháp thoại Tánh-không do Đức Phật dạy nằm ở học thuyết Vô ngã và Duyên khởi. Điều này đã cho chúng ta một quan điểm hoàn hảo về cá nhân và thế giới. Vì thế, một sự thật không thể phủ nhận được là Phật giáo không bao giờ bi quan và yếm thế ở bất cứ thời đại nào, chế độ nào dù quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, trong văn hoá phương tây hay châu á.

Theo học thuyết Tánh-không, Phật giáo luôn mở con đường giải thoát. Phật giáo không hứa đưa con người lên cõi trời hoặc thăng hoa thiên đàng hay đoạ xuống cảnh giới địa ngục. Phật giáo không chỉ hướng dẫn con người biết rõ chính mình là ai, tại sao vị ấy đau khổ mà còn chỉ ra con đường giải thoát nếu vị ấy muốn đi. Theo Phật giáo, giải thoát không có nghĩa là giúp con người trốn khỏi cuộc đời này mà là hướng dẫn con người đối mặt với đời sống hàng ngày, đối mặt với vị ấy, với năm uẩn phản chiếu và đối mặt với hình tướng của thật tại như thị. Điều này có nghĩa là giải thoát được xây dựng trên tuệ giác và sự thấu hiểu của trí tuệ chân thật. Với tuệ giác như vậy, Bồ-tát thoát khỏi các trói buộc, đạt được bồ đề kiên cố, nỗ lực, thành tâm tu tập và phụng sự nhân loại không mong cầu, ước muốn sự đền ơn.

Đứng về mặt tiến bộ của văn minh vật chất, con người có thể bay lên mặt trăng, sao hoả hoặc chìm dưới đáy đại dương, sáng tạo ra bom nguyên tử, kỹ thuật khoa học, kỹ thuật vệ tinh nhân tạo... Càng nhiều thành đạt đạt được trong thế giới này, thì càng nhiều khủng hoảng mà con người phải đối mặt.

Chính lịch sử nhân loại là lịch sử truy tìm đối tượng của chân lý an lạc và hạnh phúc, thì học thuyết Tánh-không chính là đối tượng cho mục đích cao thượng đó.

Tin tưởng vững chắc học thuyết Tánh-không là nền tảng, không chỉ cho thế kỷ XXI mà còn ở những thế kỷ kế tiếp với mục đích xây dựng, thăng hoa và cải thiện con người và xã hội cũng như ngược lại con người và xã hội phải xây dựng, thăng hoa và cải thiện những gì mà vô tình hay cố ý họ làm mất đi.

Tánh-không là cánh cửa cho chúng ta hành động đúng với bản chất chân thật.

2. Học thuyết Tánh-không và Khoa học

Cũng thật thú vị chú ý rằng những nghiên cứu pháp thoại Tánh-không trong Phật giáo, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng Tánh-không là tương ứng với khoa học, bởi cả hai khoa học và Tánh-không có nhiều điểm tương đồng.728

Người ta nói rằng những nhà khoa học nguyên tử đã khám phá ra nguyên lý rằng vật chất được khai thác thành năng lượng và năng lượng cùng vật chất đó xuất hiện như hai, nhưng thật ra chúng chỉ là một đơn vị giống như chân lý theo Phật giáo là Tánh-không. Đó là chứng minh của sự vô thường.

Nghiên cứu so sánh học thuyết Tánh-không và một vài sắc thái đặc thù của khoa học đã chứng tỏ những điểm nổi bật giống nhau. Đây là thành công lớn của nhà khoa học hiện đại đã đối phó phong trào và thay đổi để tiến hoá nguyên lý trao đổi vật chất thành năng lượng. Điều này giống như sự khẳng định của Tâm kinh (Hṛdaya Sūtra) đã phân tích nguyên nhân ‘sắc’ không khác với ‘vô sắc’ hoặc ‘không’; sắc và không thì đồng nhau như sau: "Sắc chẳng khác với không và không chẳng khác với sắc. Sắc đồng với không và không đồng với sắc." (色不異空, 空不異色.色即是空, 空即是色).729

Khoa học hiện đại chấp nhận ‘sắc’ như ‘năng lượng’ và ‘năng lượng’ nghĩa là ‘sắc’. Đây là minh hoạ bằng phép ẩn dụ trong ví dụ năng lượng của thác nước chạy tua-bin730để sản xuất điện. Điện cung cấp một số năng lượng cho động cơ ứng dụng điện. Nguyên lý này trong thành ngữ Phật giáo đã chứng minh mạnh mẽ rằng một cách tự nhiên nhờ thực tại của Tánh-không, chúng ta hàm ơn sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới này như ngài Long-thọ đã khẳng định:

"Với Tánh-không, tất cả có thể sanh; không có Tánh-không, tất cả không thể sanh."731

Đại-thừa cho rằng tất cả hiện tượng có hai: 1) bên trong 2) bên ngoài. Bên ngoài mở cho năm căn bên trong. Giác quan thứ sáu phơi bày tính chất bên trong. Khuynh hướng và sự đa dạng bao la trong phạm vi thế giới có bản chất cố hữu của thực tại chân như (Tathātā). Khi chúng ta ứng dụng điều này trong sự tương tác của điện, chúng ta thấy trong bản chất căn bản không có xuất hiện cũng không có biến mất, nhưng vẫn xuất hiện và biến mất tương quan theo nguyên lý Duyên khởi.

Những giai đoạn kế tiếp trong tiến trình khoa học từ thời đại của Anaxagoras, thì trong kinh Phật đã mô tả sinh động vô số các ngôi sao và hệ thống vũ trụ. Khoa học mới đã đồng ý khái niệm động lực của vật chất dựa trên luật tĩnh của vật lý học cổ điển xa xưa. Quan điểm thuyết sức sống trong khoa học đối ngược lại với giả thuyết của Darwin đi đến chủ trương rằng tất cả những tiến trình thuyết tiến hóa đi từ giai đoạn thấp nhất đến cao nhất đã minh họa sự mở ra từ từ trong thế giới giác quan có năng lực tồn tại trước đó của tâm.732

3. Học thuyết Tánh-không trong sự Trao đổi lẫn nhau giữa các Tôn giáo

Tất cả tôn giáo thần học đều cho là có thực thể tối hậu trong Thượng-đế, Chúa trời...Trong Do-thái gọi là đấng Yahweh; trong đạo Hồi gọi là đấng Allah; trong đạo Hindu gọi là thần Śiva, Viṣu và Phạm-thiên. Thiên chúa giáo gọi là Thượng đế hay Chúa-trời. Đây là những điều bắt nguồn từ Đức Phật Nguyên thủy hoặc nguyên lý nền tảng của đời sống (báo thân đạt được Thực tại tối hậu).

Điều này đã thừa nhận rằng chân lý tuyệt đối trong tất cả quy luật tôn giáo trong vũ trụ này được định danh bởi những tên khác nhau trong hệ thống của họ là vô sắc, vô hạn không có màu sắc hoặc Tánh-không (Śūnyatā).

Nghiên cứu những hệ thống thần học đa dạng và pháp thoại Tánh-không, như trong Phật giáo Đại-thừa đã giúp chúng ta hiểu nền tảng chung của tánh đồng nhất sống động của đa tôn giáo ngay cả không loại bỏ chủ nghĩa tuyệt đối (chúa trời) trong mỗi hệ thống tôn giáo đa thần.

Tánh-không tuyệt đối chẳng những không phủ định mà còn cho phép mỗi tôn giáo tuyên bố đấng tối thượng dưới dạng chúa trời. Điều này đã trả lời rằng đa tôn giáo sẽ thấu triệt hiểu nhau hơn khi có sự hiểu hiện của Tánh-không tuyệt đối phơi bày.

Phương cách thật dễ để phá vỡ nền tảng chấp thủ vào hình thức truyền thống của một đấng Sáng tạo duy nhất – Thượng đế của sự đồng nhất vũ trụ sống động của tất cả tôn giáo là chúng ta nên chấp nhận Tánh-không như một nguyên lý nhất thể ẩn tàng dưới đời sống của các bậc như Phạm thiên, Thượng đế... Thay vì tranh nhau về chủ nghĩa hình thức, thì chúng ta phải có lý trí biết rằng cần phải phát triển và thăng hoa sự hiểu biết về văn hoá và lịch sử để đánh tan những mâu thuẫn giữa các tôn giáo.

Học thuyết Tam thân Phật đã đưa ra một lời đề nghị về nguyên lý Tánh-không tuyệt đối như pháp thân, phát triển lý tánh này sẽ thật sự giúp ích trong sự hiểu biết hỗ tương giữa các tôn giáo.

Triết học Phật giáo ngày nay có khuynh hướng giúp tất cả chúng ta nhận thức để giải quyết những khác biệt bề ngoài của đa tôn giáo, hình thức chủ nghĩa truyền thống và chia sẻ quan điểm tương đối của thực thể bên trong và biểu hiện hình thức bên ngoài để đẩy mạnh sự đoàn kết tinh thần và sự hiểu biết tốt hơn trên trái đất này.

*

GHI CHÚ:

727 金剛般若波羅密經, 佛學業書, 台鸞, 一九九八, trang 113-4.

728 Xem Buddhism and Science, Buddhasa P. Kirthisinghe ed., Delhi: Motilal Banarsidass, Rpt. 1996, trang 8-11, 17, 40, 92, 103 & 146 trở đi.

729 般若波羅密多心經, 佛學業書, 台鸞, 一九九八, trang 134.

730 Máy hoặc động cơ chạy bằng bánh xe quay bởi dòng nước, hơi nước, không khí hoặc hơi.

731 The Middle Treatise (T 1564 tập 30 do ngài Cưu-ma-la-thập [Kumārajīva] dịch năm 409), xxiv: 14; Nāgārjuna’s Twelve Gate Treatise, viii, Boston: D. Reidel Publishing Company, 1982; cũng xem Empty Logic, Hsueh Li Cheng, Delhi: Motilal Banarsidass, 1991, trang 43.

732 C. Egerton, Buddhism and Science, Sarnath, 1959, trang 9.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]