Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

51. Nho Giáo

24/02/201116:04(Xem: 10061)
51. Nho Giáo

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng

51. Nho Giáo

Nho giáo hay còn được gọi là Khổng giáo đã được khai sinh vào thời Xuân Thu bởi Đức Khổng Tử, hoặc Khổng Phu Tử. Đức Khổng Tử sanh năm 551 trước Tây lịch tại tỉnh Sơn Đông (miền Đông Bắc nước Tàu) và là dòng dõi của Vi Tử Điền từ đời nhà Thương (1775 năm trước Tây lịch). Đến đời tổ thứ sáu của Ngài thì được vua ban cho họ Khổng và sau đó gia đình Ngài tới định cư tại nước Lổ (miền Tây Nam nước Tàu).

Vì không có con để nối dõi tông đường, nên Phụ mẫu của Ngài lên núi Ni Khưu để cầu tự. Sau đó thân mẫu của Ngài nằm mộng thấy một con kỳ lân đến trước mặt bà, nhìn bà rồi quỳ xuống nhả ra một cây thước bằng ngọc trên có đề mấy chữ: “Thủy tinh chi tử, kế suy Châu vi tố vương” có nghĩa là con của vì sao Thủy tinh, đến nối truyền cho nhà Châu đã suy vong mà làm vua không ngôi. Khi Ngài mới sinh ra thì có rồng bay đến bao quanh nhà. Để nhớ lại Ngài là con cầu tự ở núi Ni Khưu nên Ngài được đặt tên là Trọng Ni. Tướng mạo của Ngài thì lạ thường: môi Ngài như môi trâu, bàn tay như bàn tay cọp, vai như vai chim uyên và xương sống như xương sống rùa. Vì thế người đời nói Ngài có tướng ngũ lộ: mặt lớn, răng hô, tai to, mũi rộng và hàm lộ.

Khi Đức Khổng Tử lên ba thì thân phụ của Ngài qua đời thành thử Ngài lớn lên trong sự nhọc nhằn nuôi nấng của mẹ. Tuy nhiên Ngài là người rất hiếu học cho nên khi mới lên 15 tuổi thì Ngài đã nổi tiếng trong ngành văn học. Đến năm 20 tuổi thì Ngài đã bước chân vào chốn quan trường. Vì sanh vào thời Xuân Thu nên đây là giai đoạn có Ngũ Bá tranh hùng đã làm cho dân tình khốn khổ và đạo đức càng thêm bại hoại. Chính Đức Khổng Tử đã giúp cho vua Lổ Định Công xây dựng một nước Lổ được cường thịnh. Đối với Ngài thì mỗi việc đều dùng lễ mà trị. Ngay cả đến việc dạy dân trị nước, nếu thiếu lễ là dân yếu nước hèn. Sau khi bỏ nước Lổ, Ngài đi chu du khắp thiên hạ từ nước chư hầu nầy sang nước kia để tìm cách giúp đời. Môn đệ theo Ngài thì càng ngày càng nhiều nhưng nổi tiếng hơn cả là thầy Tăng Sâm. Ngài Tăng Sâm sau lại truyền cho Khổng Cáp và Khổng Cáp truyền lại cho Mạnh Tử. Thầy Mạnh Tử là một nhà hiền triết của nước Tàu. Chính ông đã làm sách Mạnh Tử để bàn về sự trọng nhân nghĩa, khinh công lợi và cho rằng bản tính con người vốn làm lành do đó ai cũng có thể trở thành Nghiêu Thuấn (hai vị vua hiền từ đức hạnh, thương dân như thương mình) được.

Với tất cả tài ba lỗi lạc của Ngài, chỉ cần Ngài nói một câu thì tiền tài, danh vọng sẽ đem đến dâng cho Ngài. Nhưng Ngài vẫn giữ chữ thanh bần cho tròn Nhân, Nghĩa, Tín, Thành. Ngài thường nói:”Mặc dầu cơm lạt nước trong, lấy tay làm gối mà ta vẫn có niềm vui. Còn tiền tài, của cải và danh vọng có được bởi sự bất chánh, đối với ta, cũng như mây bay gió thoảng”. Ngài lấy tam cương ngũ thường làm chuẩn để dạy con người cách ăn ở với nhau trong đời. Đến lúc già, Ngài trở về nước Lổ và soạn ra những bộ Ngũ Kinh và Tứ Thư.

Ngũ kinh thì gồm: kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Thư, kinh Thi và kinh Xuân Thu.

Tứ Thư thì có: bộ Luận ngữ, Trung Dung, Đại học và Mạnh Tử.

Ngài mất vào đời Châu Kinh Vương tức năm 479 trước Tây lịch, thọ 72 tuổi.

Chủ trương của Ngài là chỉ lấy những điều hợp với bản tính của con người mà dạy người chứ không dạy những điều u uẩn huyền diệu khác với đạo thường. Vì thế Ngài nói rằng: ”Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả di vi đạo” có nghĩa là ”Đạo không xa cái bản tính của con người. Hễ đạo mà xa cái bản tính ấy, thì không phải là đạo”.

Tôn chỉ của Nho giáo là lấy chữ Hiếu, Để, Trung, Thư làn gốc và lấy sự sửa mình để làm căn bản mà dạy người. Ngài chỉ dạy người về sự thực tế hiện tại còn những điều viễn vông ngoài những sự sinh hoạt của trần thế thì Ngài không bàn đến. Còn nói đến sự sống chết thì Ngài bảo rằng:”Vi trí sinh, yên trí tử” có nghĩa là “Chưa biết hết được sự sống, làm sao biết được việc chết”.

Đạo của Ngài thật là cao siêu nhưng về đường thực tế thì chỉ chú trọng ở luân thường đạo lý. Cái đạo lý mà có thể truyền từ đời nầy sang đời khác và làm cái căn bản cho một xã hội yên vui trật tự và thái bình. Còn đối với người thì Ngài dạy: ”Kỳ sở bất dục, vật thi ư nhân” tạm dịch là “Điều gì mà mình không muốn người ta làm cho mình thì mình đừng làm cho họ”.

Khi Nho giáo được phát triển mạnh ở bên Tàu thì tại đất Giao Châu chúng ta vẫn còn lệ thuộc nước Tàu cho nên người mình cũng vì thế mà ảnh hưởng theo. Nhưng có lẽ Nho giáo thịnh hành nhất bắt đầu từ đời nhà Trần (1225-1400) trở đi trong khi Phật giáo thì thịnh từ đời nhà Đinh (968-980), nhà tiền Lê (980-1009) và đặc biệt là nhà Lý (1010-1225).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]