(THE WHEEL OF LIFE)
Thích Nữ Giới Hương
VÒNG 12 NHÂN DUYÊN
2. HÀNH
Trong kinh Pháp Cú, Đức phật dạy: nếu mình nói hay hành động với tâm thanh tịnh hay ô nhiễm thì an vui hay khổ não sẽ theo liền với mình như bóng theo hình hay như bánh xe lăn theo dấu chân con bò.
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Ta nói hay hành động
Khổ não sẽ theo ta
Như bánh xe lăn theo
Bước chân của con bò.” [26]
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Ta nói hay hành động
An vui sẽ theo ta
Như bóng chẳng rời hình.”[27]
Như anh thợ gốm đang nắn chiếc bình. Nắn khéo thì bình đẹp (thanh tịnh). Vụng thì bình méo (ô nhiễm).
Hãy nắn cẩn thận tức là chính thân miệng ý hiện tại đang tô điểm hoặc bóp méo tương lai của chúng ta. Lành thiện thì cuộc đời mai sau sẽ huy hoàng. Mê dại xấu ác thì thảm hại đáng thương đang chờ đợi, tức hành vi hiện tại đem quả báo mai sau nên Hành duyên Thức, nghĩa là những hành vi hiện tại có năng lực tiềm ẩn, điều khiển thúc đẩy tâm thức trong chiều sâu, để dẫn dắt hữu tình đi đến tương lai. Nghiệp thường xuyên thay đổi theo tâm biến hoá của mình như người thợ tùy sở thích mà nắn vạn hình thiên kiểu.
Nương lời dạy của Đức Phật, biết rõ hành uẩn duyên sanh, vô thường vô ngã, nhờ định lực, hành vô hành, đắc vô đắc, có thể dừng bước trên con đường sanh tử vô tận.
Kinh Tương Ưng III, Phẩm Tham Luyến[28] , Đức Phật dạy:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.”
Đức Phật dạy sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư là tâm suy nghĩ về sắc thanh hương vị xúc pháp, 6 trần gọi là Hành. Tư là động lực đưa đến tái sanh, tức là tùy bàn tay khéo vụng mà thành bình đẹp xấu.
Ý nghiệp là căn bản sanh tử. Tâm trong sạch là gốc giải thoát. Ý thanh khiết là nền tảng tiến hóa. Ý nghiệp niệm niệm phan duyên, kích động sáu căn, dung thông khắp cơ thể. Bao nhiêu nghiệp thiện ác nặng nhẹ, ý đều làm chủ. Ý nghiệp vi tế rất khó khăn cho chú mục đồng chăn giữ. Chúng ta phải tự điều phục tâm mình như kinh Pháp Cú dạy:
“Người dẫn thủy, dẫn nước;
Kẻ làm cung, nắn tên;
Người thợ mộc, uốn ván;
Bậc chí thiện, tự điều.”[29]
Tâm ta như một dòng sông. Sự chuyển động của dòng sông là tổng hợp của tất cả những chuyển động từng giọt nước. Cũng thế, tâm chúng ta là một chuỗi thiện ác, vui buồn yêu ghét. Sự liên tục xê dịch, đổi dời, triền miên chuyển động biến hóa này là Hành ấm. Rời các niệm tưởng suy nghĩ không có hành ấm nên nói hành vô ngã.