Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IV: Đốn Ngộ Tu Chứng

25/01/201111:44(Xem: 6228)
Chương IV: Đốn Ngộ Tu Chứng

VẠN PHÁP QUI TÂM LỤC
Thiền Sư Tổ Nguyên
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Đắc Pháp

CHƯƠNG IV
ĐỐN NGỘ TU CHỨNG

Tăng hỏi: Thế nào là Tông?

Sư đáp: Muôn pháp đều qui về Tông. Tông tức là Tâm. Tâm nầy rỗng suốt mà mầu nhiệm, dung thông rộng lớn, vô trụ vô vị, không tu không chứng. Kinh nói: “Phật nói lấy tâm làm Tông, lấy cửa không làm cửa Pháp”. Từ Ấn Độ đến Trung Hoa, xưa nay chư Phật đã tao tay nhau, chư Tổ truyền thụ nhau chỉ một tâm nầy lập làm tông thể.

Thế nầy thanh tịnh vốn tự tròn sáng, theo dòng đời chẳng nhiễm ô, ngược dòng trở lại cũng chẳng tịnh, ở trong phàm chẳng giảm bớt, nơi thánh chẳng tăng thêm. Ở trong các loài tuy khác mà tâm kia chẳng hại. Trí huệ soi nó thì quang minh hiện. Phiền não che nó thì diệt thể ẩn. Nếu lìa tâm này mà tu cái gì khác, rốt lại chỉ thành tà ma ngoại đạo.

Tăng hỏi: Thế nào là giáo?

Sư đáp: Chư phật thuyết pháp, phương tiện mở ra ba thừa, năm tánh. Bồ tát tạo luận phát minh ra muôn pháp chỉ một Tâm. Người học đời sau nhơn giải bày mà được yếu chỉ, đoạn hoặc về chơn. Kẻ sơ cơ được thỏ quên dò, gia công tu tập để chứng lý.

HỎI: Hai môn Tông (thiền), Giáo (kinh điển) lý nó là đồng hay biệt?

ĐÁP: Tông tức là giáo không chữ (vô tư giáo). Giáo tức là tông có chữ (hữu tự tông).

HỎI: Hai môn Tông, Giáo lý kia vốn một. Vậy do đâu lại nói “giáo ngoại biệt truyền”?

ĐÁP: Giáo nhờ ngôn ngữ văn tự mới có thể hiểu lẽ màu. Tông (thiền) lìa ngôn ngữ văn tự, đốn ngộ nhứt tâm, nên nói “giáo ngoại biệt truyền” (truyền riêng ngoài giáo điển), lại gọi là “Tông chỉ hướng thượng”.

HỎI: Vậy sao nói sự truyền thụ có sâu cạn?

ĐÁP: Sâu cạn là do người, lý vốn không hai.

HỎI: Thế nào là lý không hai?

ĐÁP: Nghe giáo hiểu lý, phải gia công tu chứng, tự hiệp với đạo vô vi. Tông môn Đốn ngộ ắt phải mượn viên tu mới trở lại bổn tâm tịch chiếu.

Tăng hỏi: Kinh nói: “Phương tiện có nhiều cửa, trở lại nguồi tánh không hai”. Chưa biết cửa nào là cửa liễu thoát thẳng?

Sư đáp: Có hai nhơn trong ngoài có thể liễu thoát thẳng.

Tăng nói: Xin thầy chỉ thẳng hai nhơn trong ngoài ấy?

ĐÁP: Nhơn bên ngoài là phải đoạn tâm dục, sát sanh và trộm cắp. Nhơn bên trong cốt yếu là phải “Minh tâm kiến tánh”.

HỎI: Cớ sao nhơn bên ngoài phải đoạn dâm dục, sát sanh và trộm cắp?

ĐÁP: Chúng sanh do ý tưởng dâm dục, nên bị cột trói trong sanh tử. Sát sanh thì phải lần lượt thường mạng đã vay, nên có luân hồi. Trộm cắp thì phải trả lại cái lợi xưa, nên phải tái lai. Ba thứ nhơn nầy nếu trừ thì dòng luân hồi vĩnh viễn cắt đứt, không tiếp tục nữa.

HỎI: Nhơn bên trong là “Minh tâm kiến tánh” như thế nào?

ĐÁP: Minh tâm là rõ tâm vốn tịnh. Kiến tánh là thấy tánh vốn không.

HỎI: Thế nào là rõ tâm vốn tịnh?

ĐÁP: Tâm ở đây chẳng phải là trái tim máu thịt trong sắc thân. Tâm nầy cũng chẳng phải là vọng tâm sanh diệt, vuông chừng gang tấc ở bên trong. Trái lại, tâm nầy biến khắp pháp giới, thấu suốt mười phương, vượt ra ngoài đối đãi, dứt các hí luận chẳng diệt chẳng sanh, chẳng có chẳng không, mà rỗng suốt màu nhiệm chẳng mê, ứng vật tròn đầy khéo léo, cuốn lại hay buông ra đều chẳng ngại, ra vào ngang dọc, tuỳ duyên mà chẳng biến đổi. Đấy là chơn tâm thường trụ. Cho nên chư Phật quá khứ đều chứng tâm nầy. Hiện tại chư Bồ tát đồng học tâm nầy. Người học vị lai đều sáng tâm nầy. Chúng sanh ở trong mê là mê tâm nầy. Hành nhơn phát ngộ là ngộ tâm nầy. Một đại tang giáo chỉ làm hiển bày tâm nầy. Tâm nầy quá linh diệu khó đem ra mà nói cho hết, chỉ lược nêu ra một hai để người sau tin ngộ.

HỎI: Thế nào là thấy tánh vốn không?

ĐÁP: Chơn như tự tánh xưa nay vốn là không tịch, không hình không tướng, lặng trong như thái hư, chẳng động chẳng lai, ngưng nhiên thường trụ, gọi là “Bổn lai diện mục”, lại gọi là “Vô vi chon nhơn”. Tất cả sơn hà đại địa, có cây rừng bụi, sum la vạn tượng, các pháp nhiễm tịnh đều từ trong tánh nầy lưu xuất.

HỎI: Bản tánh và chơn tâm là một hay hai?

ĐÁP: Chẳng phải một, cũng chẳng phải hai.

HỎI: Thế nào chẳng phải một, chẳng phải hai?

ĐÁP: Bản tánh là thể, chơn tâm là dụng. Bản tánh như gương, chơn tâm như ánh sáng (của gương). Ánh sáng chẳng lìa gương, gương chẳng lìa ánh sáng. Cổ đức nói: “Tánh thì sáng mà mầu, ngưng đọng mà lặng trong, giống như thể của gương. Tâm thì từ mầu khởi sáng viên dung chiếu liễu, như ánh sáng của gương”. Ánh sáng và gương phân làm hai, nên chẳng phải một. Ánh sáng và gương vốn một nên chẳng phải hai.

HỎI: Ngài đã nói tâm tánh của Phật và chúng sanh thể chỉ có một. Do đâu Phật ở cõi thánh, còn chúng sanh nơi đất phàm?

ĐÁP: Phật và chúng sanh tánh thể vốn không. Bởi tâm có nhiễm tịnh nên gọi là thánh hay phàm.

HỎI: Tại sao tâm có nhiễm tịnh?

ĐÁP: Bổn tánh như gương tròn sáng không lặng. Các bậc thánh vô tâm ứng đối với sự vật, tới lui không nhiễm, gọi đó là ánh sáng tịnh (tịnh quang). Chúng sanh hữu tâm ứng đối với sự vật, phân biệt thủ xả, gọi đo là ánh sáng nhiễm (nhiễm quang). Nhiễm tịnh tuy khác nhau, nhưng thể nó không hai.

HỎI: Bản thể của tâm tánh có hạn lượng chăng?

ĐÁP: Có.

HỎI: Thể nó lớn lắm không?

ĐÁP: Gồm khắp thập hư, đầy khắp muôn cõi.

HỎI: Tâm tánh đã rộng lớn không ngần như vậy, do đâu lại ở trong nhục thân nầy?

ĐÁP: Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị cột trói, tù hãm trong thai ngục, bị cùm gông nơi nhục thân. Vọng chấp cứng ngắc, lầm cho cái tâm tánh rộng lớn ở trong thân, rồi đi nhận giặc làm con, như tù hãm trong ngục lớn, ngày nào mới được ra? Chẳng những người, trời mê lầm như vậy mà hàng tiểu thừa cũng còn như thế.

HỎI: Tâm tánh không ở trong thân tôi này hay suy nghĩ đó là gì?

ĐÁP: Ông nghi hỏi cái huyễn thức trong thân, hay suy nghĩ cho là tâm ta. Đấy là bóng dáng duyên theo sáu trần, làm mê hoặc chơn tánh ông. Ông vô cớ chấp cứng ở bên trong, khó thoát khỏi thai ngục. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phật bảo A-Nan! Đấy là tướng tiền trần vọng tưởng hư dối, làm mê hoặc chơn tánh ông. Từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc làm con, làm mất cái nguyên thường của ông, nên chịu luân chuyển”. Nếu hướng vào trong đây mà sáng tỏ được tâm suy nghĩ, như bóng trong gương, như hoa đốm trong hư không, như dối hiện vành xe trong không, vốn không có thực chất.

HỎI: Cái suy nghĩ, ở trong thân là do bóng dáng duyên theo sáu trần. Vậy thế nào là cái chơn tánh sáng suốt mầu nhiệm của tôi?

ĐÁP: Chúng sanh chẳng ngộ tâm tánh rộng lớn, không ở trong ngoài mà lại nhận bóng dáng của trần cảnh lầm cho là hư không bao nhục thân, nhục thân bao nhục tâm, nhục tâm bao chơn tánh, rồi bị nhiều lớp cột trói, và chấp cứng vào tham ái. Há chẳng biết, hư không đại địa, muôn vật thân tâm đều là những bóng dáng từ diệu minh chơn tánh của ta hiện ra. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Các duyên hội hợp lại dao động bên trong, rong ruổi bên ngoài, mờ mịt nhiễu loạn và tưởng nhiễu loạn. Tất cả cho là tâm tánh. Một khi lầm cho là tâm rồi thì nhất định cũng lầm cho bên trong sắc thân. Chẳng biết sự vật bên ngoài sắc thân cho đến núi sông, hư không, cõi đất… tất cả đều là vật trong diệu minh chơn tâm cả”.

Sợ e ông chưa ngộ, tôi xin nêu ra một thí dụ: Bản tánh như một chiếc gương lớn cùng tận pháp giới. chơn tâm mầu nhiệm chiếu soi như ánh sáng trong chiếc gương kia. Núi sông cõi đất, sum la vạn tượng, cho đến nhục thân cùng tâm thức, tất cả đều là bóng trong chiếc gương. Chúng sanh nhận bóng cho nên phải chìm đắm trong chín cõi, bốn loài. Nếu nhận gương thì trở về chơn tâm trong chớp mắt.

HỎI: Tâm tánh rộng lớn, nuôi khắp muôn loài, chẳng ở trong thân, tưởng ở ngoài thân và bao trùm nhục thân, lý nầy phải chăng?

ĐÁP: Chẳng phải!

HỎI: Bên trong chẳng thành, bên ngoài chẳng phải, lý nầy rất ngờ, xin thầy giải cho?

ĐÁP: Bản tánh là một cái không cùng khắp, không ở trong thân, không ở ngoài thân. Chơn tâm cô trụ chẳng tức là thân, cũng chẳng lìa thân. Cho nên ngài A Nan, trong Kinh Lăng Nghiêm, chấp cái vọng không bằng cứ, bảy nơi mờ mịt. Nhị Tổ Huệ Khả ngộ lẽ chơn vốn chẳng sanh, nên chỉ một lời khế hợp với Đạo. Ông nếu ngu độn tôi chỉ bày trở lại cho ông bằng một thí dụ:

Bản tánh như bể lớn, nước trong lặng. Chơn tâm như ánh sáng của nước trong ấy. Do gió khởi động bỗng thành bọt bể. Bọt bể là sắc thân, nước bể là pháp thân, chất ướt của bọt bể là thức tánh, chất ướt của nước bể là bổn tánh. Bọt bể ướt, nước biển ướt, tánh ướt vốn có một, cho nên chẳng phải trong ngoài. Nước biển ướt, bọt biển ướt, tánh ướt mỗi cái có một như có trong ngoài. Kẻ phàm phu mê chấp bọt biển, trở lại đi bỏ bể cả vô biên. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ví như trăm ngàn bể lớn trong lặng mà bỏ đi, rồi lại nhận một tí bọt bể cho là toàn cả nước thủy triều, đều gom trong hòn bọt ấy. Tất cả các ông là những người mê gấp bội hơn trong những người mê”. Người học đời sau nếu ngộ được nước bể và nước của bọt bể, tánh ướt vốn một thì làm gì có cái chấp nhất định rằng trong hay ngoài? Chẳng ngộ được bổn tánh thật đáng buồn vậy!

HỎI: Chất ướt của nước biển dụ cho pháp giới tánh. Chất ướt của bọt biển dụ cho thức ở trong thân. Tánh ướt không hai chẳng trong ngoài. Đã chẳng trong ngoài khi báo hết mạng chung, lìa đây sanh nơi kia hiện có ra vào... đã có ra vào sao nói chẳng trong ngoài?

ĐÁP: Như sự khai thị ở trên của tôi, ông không thể liễu ngộ mà trở lại tìm sự sanh diệt của những bông hoa chập chờn trong hư không, có thể bảo là kẻ ngu muội thái quá.

Bởi do ngay lúc đầu chẳng giữ tự tánh, một niệm vọng động nên bị trói buộc trong thai ngục, đời đời chấp cứng, nhất quyết là ở trong thân có ra có vào, có đến có đi. Trong ngoài đến đi như hoa trong hư không. Hoa tuy có sanh diệt nhưng hư không vốn bất động. Thần thức giống như có ra vào, nhưng tánh nó vốn chẳng động. Chỉ như hoa giữa hư không là huyễn, thần thức trong thân là vọng. Nay đem hoa huyễn trong không, để phát minh vọng thức trong thân, lý kia không hai, ông nên tư xét. Ông nếu chẳng ngộ xin dẫn kinh ra để dụ:

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thí như có người mang chiếc bình Tần già điểu, đậy kín hai miệng lại, bên trong đầy cả hư không, mang bình ấy đi xa ngàn dặm rồi dùng bình ấy tặng cho một nước khác. Nên biết thức ấm cũng lại giống như vậy. A Nan, hư không nầy chẳng phải từ phương trời kia lại, cũng không từ phương nầy vào. Như vậy A Nan, nếu từ phương trời kia lại thì ở trong bình đã có chứa hư không mang đi, và ở nơi quê hương của chiếc bình, lý ưng đã thiếu một khoảng hư không. Nếu từ phương nầy vào thì khi mở nút trút bình ra lý ưng thấy hư không rớt ra. Thế cho nên biết, thức ấm hư vọng vốn chẳng phải nhân duyên, cũng chẳng phải tự nhiên”.

Giải thích: Tần già điểu là tên của chiếc bình. Đậy hai miệng là dụ cho nghiệp thiện ác. Bình dụ cho nghiệp lựchay dẫn thức đi. Hư không trong bình là dụ cho thức theo nghiệp. Hư không ở bình và hư không ở ngoài, giống như có trong ngoài. Hư không không có hai thể, trong ngoài chỉ có một, nên chẳng phải trong ngoài. Hư không trong bình dụ cho thức vốn không, do nghiệp thiện ác mà dẫn thần thức đi, dụ như vác bình đi xa ngàn dặm. Dùng tặng nước khác dụ cho xả ở đây và thọ ở kia. Kinh nói: “A Nan! Hư không ấy chẳng phải từ phương trời kia lại, mà cũng chẳng từ phương nầy vào”. Đấy là dụ cho sự xả thân, như từ phương trời kia lại, nhưng mà thần thức của thân trước chưa từng thiếu. Sự thọ thân như từ phương nầy vào, nhưng mà thần thức của thân sau chưa từng đến. Thế nên biết, thân chết chẳng phải đi, trước khi chưa chết cũng chẳng riêng ở nơi đây. Thân sống chẳng phải đến, trước khi chưa sanh vốn cũng khắp cả nơi đây. Kẻ mê chẳng rõ cho là ở bên trong và có ra vào. Người ngộ hiểu rõ ràng thể vốn không đây kia, há lại có đến đi ư?

HỎI: Người ngộ rõ biết được thể vốn không đi không lại. Hiện nay có người chết đây sanh kia, tức là có tướng đi tướng lại?

ĐÁP: Các duyên hội hợp thì sanh, các duyên chia lìa thì diệt. Tuy có hiện ra tướng đến đi, nhưng mà cái “Viên minh bản nhiên” chẳng động. Kẻ phàm phu do bệnh mắt, lần nhận hoa đốm giữa hư không, có sanh có diệt theo duyên mà lưu chuyển. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nầy thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, điên đảo nhiều lớp. Giống như người lầm bốn hướng đổi chỗ. Lầm nhận tứ đại làm tướng của tự thân. Sáu trần duyên bóng làm tướng của tự tâm. Ví như người bệnh mắt, thấy hoa đốm trong hư không. Cho đến những hoa ấy diệt trong hư không, cũng không thể nói rằng quyết có chỗ diệt. Tại sao thể? – Vì là không sanh vậy. Tất cả chúng sanh ở trong không sanh mà lầm thấy có sanh diệt. Ấy cho nên gọi là lưu chuyển sanh tử”. Người học đời sau chẳng đốn ngộ được sự sanh diệt của huyễn thức, và tâm thể viên giác thường trụ chẳng động. Tổ Sư nói: “Hài cốt tuy có hợp có tan, nhưng có một vật màu nhiệm còn mãi” (hài cốt tuy hội tán, nhứt vật trấu trường linh). Nếu liễu đạt được tâm nầy thì có gì là sanh tử?

HỎI: Ngài khai thị quá rõ ràng không thể chẳng hiểu. Nhưng chẳng biết do đâu ngay lúc ban đầu lại có thân tâm của ta?

ĐÁP: Nguồn chơn trạm tịnh, biển giác lặng trong. Vốn không có đầu mối của năng sở, thì làm sao có dấu tích của danh tướng? Bởi ngay lúc ban đều chẳng giác ngộ, bỗng có động tâm, nhơn minh lập ra chiếu, theo chiếu lập ra trần. Do đó nên khiến phần bỗng chốc hưng khởi, rồi danh tướng bày khắp. giống như gương hiện tướng, thoắt khởi ra căn thân. Kế đó tuỳ theo tưởng mà thế giới thành sai khác. Về sau do yêu ghét mà chìm đắm trong ba cõi, dối thọ luân hồi không lúc ngơi nghỉ.

HỎI: Nếu thật như lời ngài nói ngay lúc ban đầu chẳng giác ngộ, chợt có động tâm, thoắt khởi ra căn thân. Cái huyễn thân này quả báo hết, bốn đại phân tán, cái huyễn thức trong thân đầu thai như thế nào?

ĐÁP: Kẻ phàm phu suốt ngày cứ chạy đuổi theo tình thức mà kết nghiệp hoặc thiện hoặc ác, rồi theo nhơn đã tạo mà cảm quả. Đến lúc lâm chung, cõi đất tối đen, lúc ấy thần thức gặp được chỗ có duyên, thấy một đốm sáng, chạy đến thấy cha mẹ hai tướng giao cấu, bèn khởi ra ý tưởng yêu ghét, dồn tưởng ấy rồi nhẩy vào hai giọt nước đỏ trắng, giống như đá nam châm hút sắt. Trong chớp mắt những khuấy động kia dừng lại, bây giờ ở trong thai lần lượt trải qua năm giai đoạn:

Bảy ngày đầu gọi là tạp uế. Bấy giờ tinh cha và huyết mẹ lắng lại như váng sữa mỏng, cùng hoà hợp với nhau gọi là Tạp, chẳng sạch gọi là uế. Bảy ngày thứ hai gọi là thương bào, giống như huyễn đậu. Hình dáng của thương bào như sữa gần đặc, nhưng mà chưa sanh ra máu. Bảy ngày thứ ba gọi là ngưng kết, lần đầu có dáng ngưng đọng lại, như có máu. Bảy ngày thứ tư gọi là ngưng hậu, lần lượt cứng chắc, năm tạng lần lần sanh. Bảy ngày thứ năm gọi là hình vị, lúc bấy giờ gió bên trong thổi nên sanh ra hình dáng của các căn: một thân mình và tứ chi sai khác, bảy ngày thứ năm ngũ căn đều đủ. Bảy ngày thứ sáu gọi là “phát trảo xỉ” (tóc răng đều mọc). Bảy ngày thứ bảy gọi là các cụ căn (các căn hoàn toàn đầy đủ), tất cả tạng phủ và ngũ căn đều xong xuôi. Đủ mười tháng ra khỏi thai làm người, ở trong sự ràng buộc của thức tình, phân thành sáu công dụng, thấy nghe hiểu biết tùy theo cảnh mà tạo nghiệp, sanh tử tiếp nối xoay vần không dừng.

HỎI: Thần thức lúc đầu thai có hình trạng chăng?

ĐÁP: Có

HỎI: Hình trạng như thế nào?

ĐÁP: Thần thức lúc đầu thai gọi trung hữu (trung ấm), là khoảng giữa của của tử hữu (tiền ấm) và sanh hữu (hậu ấm). Thân trung hữu của loài người hình trạng như lúc sống, hình trạng của nó chẳng hơn ba thước (thước tàu) lớn như đứa con nít năm sáu tuổi. Thân trung hữu của loài súc sanh hình trạng giống loài súc sanh, ngoài ra các loài khác cũng vậy. Tất cả đều như lúc còn đang sống. Hình trạng của thần thức tuy nhỏ, nhưng hay tạo tác các nghiệp. Đầu thai bên cha mẹ, rồi sanh niệm điên đảo yêu ghét. Người thường gọi là hồi ma.

HỎI: Ở đời có người chẳng đầu thai mà Đoạt xá là sao?

ĐÁP: Ở đời có những kẻ sĩ học Đạo, hoặc là người có phúc. Những người ấy chẳng nhập vào thai bào, đợi gặp chỗ có duyên, khi cha mẹ vừa sanh, chợt có tiếng động. Lúc bấy giờ điểm linh của thức quang xẹt thẳng vào thông môn, ép cho thần thức của thai dang ra, để chiếm nhà (đoạt xá) thành người. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bị, không thể dùng ý thức tạo tác mà có thể hiểu được.

HỎI: Chúng sanh ở thế gian khi báo hết mạng chung, tự đầu thai vào cha mẹ, hoặc đoạt xá. Như vậy, sự thọ tội nơi địa ngục, tôi nghĩ rằng chưa ắt là có thật?

ĐÁP: Địa ngục chẳng không nhơn tâm mà có. Tất cả chúng sanh, mười tập kết nghiệp, bởi do tập thành nên theo nghiệp thọ báo. Tâm hiện ra địa ngục, chớ không phải cảnh ngoài. Bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Nên quán tánh của pháp giới, hết thảy chỉ do tâm tạo”. Vậy nên biết, sự chịu báo ở địa ngục là do tự tâm mình hiện ra. Kinh Lăng Nghiêm nói” “A Nan! Đấy gọi là địa ngục mười nhơn sáu quả. Tất cả đều do sự mê vọng của chúng sanh mà gây ra”. Kẻ hậu học nên cẩn thận, chớ nghe nói địa ngục là hư huyễn mà khinh thường, mà chẳng dứt được ác nghiệp. Cứ đùa bỡn với tập nhơn mà phải theo nghiệp, lúc ấy tự tâm địa ngục chợt ở trước mắt. Muốn thoát khỏi cảnh địa ngục ấy, há chẳng khó sao?

Như người sanh ra ở đời, làm lành hoặc tạo ác lớn nhỏ chẳng đồng rồi tuỳ theo nhơn mà thọ quả báo. Người gieo điều lành lớn tự tâm cảm sanh lên thiên đườmg. kẻ tạo ác nhiều tự tâm cảm đoạ vào địa ngục. Người thiện ác quân bình tự đầu thai vào cha mẹ. Kẻ tội và phúc đều kém, chưa thọ sanh liền, bỗng nhiên có hình gọi là thân trung ấm: từ không mà chợt có, gọi đó là hoá sanh, có thân hình chừng ba thước (thước tàu), sáu căn lanh lợi, tới lui nhậm lẹ, không chỗ nào ngăn ngại, người khác xem như bóng mà thôi, bảy ngày chết rồi lại sanh, sống lâu không quá bốn mươi chín ngày, sống ngắn chừng hai ba thất liền thọ sanh. Thói thường gọi là hồn.

HỎI: Bản tánh rộng lốn, thể trùm thái hư. Chơn tâm vô trụ chẳng ở trong ngoài. Thức tâm trong thân, bị giam hãm cột trói nơi thai ngục. Xin hỏi rằng bên trong của thức tâm có chơn tâm, hay lìa ngoài thức tâm có chơn tâm riêng khác?

ĐÁP: Trong quặng có vàng, trong sóng có nước. Tạng thức tại triền che lấp chơn như. Người sơ học phải ngộ lẽ chơn và vọng. Nương vào chơn tâm thì mau chứng bồ đề, chạy theo vọng tâm thì phiêu lưu trong sanh tử.

HỎI: Chưa biết thức tâmở trong thân, cái nào là chơn, cái nào là vọng?

ĐÁP: Chơn tâm là Linh tri, lấy tịch và chiếu làm tâm. Vọng tâm là hữu tri, lấy phan duyên làm tâm.

HỎI: Thế nào là bảo vọng tâm là hữu tri, lấy phan duyên làm tâm?

ĐÁP: Vọng tâm vốn không, nhơn năng sở mà có, theo cảnh khởi phân biệt, yêu ghét thủ xả, niệm niệm phan duyên, tâm tâm loạn tưởng, duyên theo sáu trần chẳng thôi nghỉ, trụ loạn tưởng chẳng dừng. Thiên đường địa ngục vần xoay các nẻo. Chẳng sanh nhận là sanh, chẳng tử cho là tử. Như khi nhảy nhót trên cành, như ngựa giong ruổi trôi nổi trong ba cõi không có ngày dừng.

HỎI: Vọng tâm có biết (hữu trí) tại sao hư huyễn?

ĐÁP: Vọng tâm như trăng đáy nước, có biết như hoa đốm giữa hư không, từ năng sở mà sanh ra, nhơn phân biệt mà có, rồi phát thức dụng nơi phù căn (10), thành ra cái vọng biết của đối cảnh. Nếu lìa tiền trần thì tâm nầy không có cái Thể. Nhơn cảnh khởi ra chiếu soi, nếu cảnh diện sự chiếu soi cũng mất. Tuỳ theo niệm mà sanh trần, niệm không thì trần cũng tàn. Nếu đem hình ảnh của việc nầy mà làm chơn thể của Phật thì có thể gọi là cái nhơn hư vọng, lại cũng thành cái quả đoạn diệt. Hư huyễn như vậy, đâu có thể là chơn thật?

HỎI: Thế nào là chơn tâm linh tri lấy tịch chiếu làm tâm?

ĐÁP: Chơn tâm trạm nhiên, chiếu soi mà không theo cảnh. Tuỳ duyên bao hàm cùng khắp mà chưa từng tác ý, sáng tỏ chẳng mê, rõ ràng thường biết, trải ra không dấu, cuốn lại không vết. Như đầm nước lắng trong sáng. Giống như chiếc gương sáng treo trên hư không, muôn tượng sum la bỗng nhiên soi suốt. Chẳng ra chẳng vào chẳng có chẳng không. Đây là chỗ ngàn thánh thầm về, ba đời chư Phật thường trụ. Cũng gọi là “Thiên nhơn Phật tánh”, cũng gọi là “thanh tịnh pháp thân”. Lìa đây mà tu cái nào khác, rốt lại chỉ thành tà ma ngoại đạo.

HỎI: Chơn tâm linh tri tại sao chơn thật?

ĐÁP: Chơn tâm lặng lẽ mà chiếu soi, trong lặng không ngằn mé, khắp cõi không thể thấy, tà ma ngoại đạo không thể tìm. Dao bén không thể làm hại, kiếp hoả không thể đốt, núi thiết vi không thể hãm, luân hồi không thể chìm đắm. Vẻ đẹp từ xưa thường sáng rỡ ràng cho đến nay chẳng mê. Người ngộ được tâm tánh chơn thật nầy, thì sự thành Phật không ở tại kiếp số.

HỎI: Như thế nào dứt hữu tri để thành linh tri, chuyển vọng tâm để thành chơn tâm?

ĐÁP: Vọng từ sáu căn cột, chơn từ sáu căn mở.

HỎI: Thế nào là vọng từ sáu căn cột và nhơn từ sáu căn mở?

ĐÁP: Tròn sáng không lặng, vốn không thế giới và thân tâm. Chợt vọng tâm hưng khởi, theo căn trần bày khắp, rồi theo trần mà sanh yêu ghét, giống như con thiêu thân nhảy vào đèn. Giong ruổi theo tình thủ xả, như con tằm tự trói mình trong kén. Nếu căn trần chẳng dính nhau thì linh quang tự nhiên chiếu sáng một mình. Nếu vật vã ngã nhứt như sáu căn tự nhiên hỗ dụng. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ông chỉ không theo sự động, tịnh, hợp ly, điềm tịnh hay chuyển biến, thông suốt hay nghẽn bít, sanh, diệt, sáng tối… mười hai tướng hữu vi như vậy. Tuỳ theo cái nào nhổ một căn, thoát được cái niêm ngầm bên trong, thầm trở về nguyên chơn. (Lúc bấy giờ) cái minh diệu gốc phát khởi, cái diệu tánh phát sáng. Ngoài ra năm cái niêm khác cũng nhổ thoát xong. Chẳng cho tiền trần khởi tri kiến, cái sáng chẳng theo căn, nhờ căn mà cái sáng phát khởi. Do vậy nên sáu căn hỗ dụng”.

Lại nói: “A Nan! Nay các căn ông nếu nhổ xong xuôi rồi thì cái sáng suốt bên trong phát hiện. Như vậy các phù trần (11) và khí thế gian (12) cùng những tướng biến hoá. Tất cả như nước nóng làm chảy băng, liền đó nó biến thành tri giác cao tột”.

Ông nếu chưa ngộ tôi xin nói lại rõ ràng về chơn tâm và vọng tâm. Chơn tâm vọng tâm đều lấy cái biết làm thể. Vọng tâm lấy cái biết làm thể. Vọng tâm nương căn trần có biết mà biết (hữu tri nhi tri). Chơn tâm lìa căn trần không biết mà biết (vô tri nhi tri). Người mới học có lòng mộ đạo, phải ngộ chơn vọng cho rõ ràng, rồi hai thủ dụng công thì tự nhiên đốn chứng.

HỎI: Như ngài đã khai thị ở trên, tôi tuy được liễu ngộ, nhưng nghiệp tôi còn nặng, tâm tôi còn phù động không an, lại căn cơ kém nhỏ, chẳng thể đốn chừng. Như vậy phải làm sao?

ĐÁP: Tánh vốn không ngộ, nhơn mê mà có ngộ. Tâm vốn không tu, nhơn nhiễm mà có tu. Sở dĩ phiền não có sâu cạn, tập khí có dầy mỏng, nên mới bày ra phương tiện. Tu có đốn tiệm: Đốn tu khiến người cấu bẩn nhẹ chóng chứng viên thông. Tiệm tu khiến người chướng nặng lần lần trong bổn tánh. Nay giả nêu ra ba căn tánh để tuỳ cơ mà vào.

HỎI: Ba căn tánh thể nào?

ĐÁP: Người căn tánh bậc thượng thì đốn tu, bậc trung thì tiệm tu, bậc hạ thì gắng tu.

HỎI: Người căn tánh bậc thượng đốn tu như thế nào?

ĐÁP: Hàng căn tánh bậc thượng, căn cơ bén nhạy đã huân tập hạt giống đạo từ trước. Khi một lời buông ra thì tâm địa người ấy liền mở suốt. Tuỳ trường hợp mà bảo nhiệm hầu trừ sạch dòng lưu thức. Niệm động chẳng tiếp tục, niệm không chẳng giữ, một tâm bình thản lặng lẽ tự hết. Lúc bấy giờ chạm mắt gặp duyên đều là diệu dụng. Ngài Qui Sơn nói: “Ông chỉ tâm không gá vật, thì vật nào có thể ngại ngươi”. Lại nói: “Mỗi niệm phan duyên, nhưng tâm tâm hằng tịnh. Viên dung khắp pháp giới, đốn chứng vô sanh”. Nếu như căn cơ ngu độn lại bày phương tiện để lần hồi trở về.

HỎI: Người đốn ngộ tiệm tu, nhơn đâu chứng đạo quá mau?

ĐÁP: Thật có lý nầy, chẳng phải dối truyền. Thật vậy, nếu “trực hạ minh tâm”, một niệm viên tu đốn chứng, thì chẳng trải qua A tăng kỳ, đâu cần kiếp số? Kinh Đại Niết Bàn nói: “Ví như có người cỡi thuyền muốn vượt biển cả. Nếu thuận buồm xuôi gió thì chỉ trong chốc lát có thể vượt được vô lượng dặm. Còn trái lại tuy ở lâu vô lượng năm cũng không rời chỗ cũ. Lúc nào đó thuyền hư rã, chìm xuống nước mà chết. Chúng sinh cũng như vậy”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Như huyễn tam ma đề chỉ một khảy móng tay có thể vượt qua hàng vô học(13). Cho nên hàng tam thừa (14) không biết, hàng thập địa (15) thì sợ hãi. Một niệm thành Phật, thoắt vượt A tăng kỳ kiếp”.

HỎI: Người trung căn tiệm tu như thế nào?

ĐÁP: Bậc thượng căn đốn tu như gió thổi mây bay, hiện vầng trăng sáng rõ trên nền trời. Hàng trung cơ tiệm tu, giống như lau chiếc gương nhơ, khi bụi hết thì ánh sáng hiện. Như có người hậu học, liễu ngộ được bổn tâm, nhưng tập khí từ trước còn nồng hậu, trí thì kém, tâm lại phù động không an, nên suốt mười hai giờ động tịnh bên trong. Tất cả đều phóng hạ (buông bỏ), thiện ác chớ nghĩ, niệm khởi liền giác, giác rồi liền không. Người xưa nói: “Chẳng sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm”. Dụng tâm như vậy, lâu ngày không vọng khởi, phải tự đợi đến lúc người pháp đều mất, thì căn trần đốn thoát, chơn tâm riêng chiếu, trải ra hay cuốn lại đều vô ngại.

HỎI: Sự công phu của pháp tiệm tu, nên nghiêng về tịnh toạ, hay thông cả động tịnh cũng có thể tu chứng?

ĐÁP: Đốn ngộ tiệm tu tịnh nhiều dễ thành công, còn bậc thượng sĩ động tịnh đều thiền cả. Hàng căn cơ bậc trung bỏ sự nghiêng về lý, đúng như thế ngồi tập cho thuần thục, thì tự nhiên động tịnh đều vô ngại.

HỎI: Hạng căn cơ bậc hạ phải gắng tu như thế nào?

ĐÁP: Kẻ hạ căn ngu độn, tâm tư chậm chạp, hôn trầm dầy nặng, trạo cử lẫy lừng, khó làm cho sách phát. Đối với hàng nầy, phải y vào sự khai thị và dẫn dắt, nhỏ nhiệm chỉ bày, giúp cho căn cơ họ phát khởi. Hạng nầy phải có tín tâm, chớ lìa tòng tâm, thường theo bậc thiện tri thức chí thành nghe dạy dỗ. Chớ nhận cảnh ma, ngày ngày nhận sự rèn luyện, giờ giờ tự mài giũa, đối trước Phật sám hối tội nghiệp của mình. Ở trong Chúng phải hạ tâm. Sau khi được ngộ không thể lìa thầy. Đại khái phải quên trần thế, sâu bồi hậu dưỡng, lâu ngày tu tập như vậy mới được tương ưng.

HỎI: Kẻ hạ cơ ngộ tu, do đâu lại phí sức như vậy?

ĐÁP: Kẻ căn cơ trì độn, phiền não nồng hậu, hôn trầm trạo cử, tâm lại phù động, ngu muội che nặng, nếu không cần cù tu tập thì linh cơ khó phát. Người xưa nói: “Kẻ hạ căn dùng muôn ngàn thí dụ nói cho cũng không thể lãnh hội”. Kẻ nầy dù được một ít hiểu biết cũng cho là triệt ngộ, chẳng nhận dạy dỗ, ngã mạn khinh người. Bọn người như vậy phải sanh hổ thẹn, không như vậy thì điên cuồng và rơi vào đường tẻ.

HỎI: Người ngộ lý bảo dưỡng chắc chắn, làm thế nào biết chơn tâm hiện tiền?

ĐÁP: Người ngộ lý khi tập khí chưa hết gặp cảnh còn thất niệm, nên cần phải hậu dưỡng. Như người chăn trâu, dắt trâu đi chỗ nào cũng nghiềm roi, đợi cho tâm nó thuần thục, bước đi ổn thoả, không phạm đến lúa mạ mới có thể buông tay, chẳng cần chăn nữa. Nếu muốn thí nghiệm chơn tâm coi được thuần thục hay chưa, nên đem việc mà bình thường mình đã yêu hay đã ghét, tìm cho ở trước mắt, thấy nghe để thử nó. Nếu y như trước mà khởi tâm yêu hay ghét thì biết rằng Đạo chưa thuần thục. Nếu gặp cảnh thuận hay nghịch mà chẳng khởi tâm yêu ghét thì biết đã gần Đạo, và chơn tâm hiện vậy.

Nếu muốn thí nghiệm trở lại tâm yêu (ái), nên tưởng tượng cảnh yêu thích nào đó. Tâm yêu thích nầy hoàn toàn lặng lẽ chẳng khởi. Muốn thí nghiệm lại tâm ghét, nên tưởng cảnh giận ghét nào đó, tâm giận ghét hoàn toàn chẳng khới. Đến đây mới có thể tự tại tuỳ duyên, đối vật không ngại.

HỎI: Chơn tâm chưa hiện tiền, khi dụng công dứt vọng, đồng thời cũng làm các điều lành, hầu giúp cho đạo dễ thành công. Như vậy lý kia có nên không?

ĐÁP: Dứt vọng tâm là chánh tu, làm các điều lành là trợ tu. Nếu hữu tâm làm thiệnlại dính mắc vào thiện thì nấht định rơi vào phước báo cõi người, cõi trời. Nếu vô tâm tương ưng với các điều thiện, thì có thể bảo đó là một sợ trợ giúp cho việc tu hành. Kinh Bát Nhã nói: “Tu Bồ đề, Bồ tát nếu không trụ tướng bố thí, thì phước đức kia không thể nghĩ lường”. Nay thấy có người học, chấp nghiêng về một bên chẳng thấy toàn diện. Có chút ngộ lý liền tựa vào thiên chơn, chẳng làm các điều lành, nên phước kém mà ma lại mạnh.

HỎI: Muôn điều thiện hữu vi là phước đức. Kiến tánh vô vi là công đức. Tại sao lại gồm tu cả hữu vi lộn xộn như thế?

ĐÁP: Hữu vi mà dính vào hữu vi thì được quả báo trời người, hữu vi mà không nhiễm thì công phu ấy được hiển hiện tánh đức.

HỎI: Khi đã ngộ tâm chứng lý, liền có thần thông biến hoá. Thời nay người ngộ lý rất nhiều mà người đủ thần thông rất ít. Tại sao thế?

ĐÁP: Hiển hiện thần thông biến hoá là ngọn, cần phải đạt được cái gốc của nhất tâm. Khi gốc được thành lập thì Đạo sanh, lúc bấy giờ thần thông tự nhiên hiện. Nếu chuyên lấy cái thắng tướng của thần thông biến hoá làm đạo, thì thiên ma ngoại đạo, yêu mị thần long đều là Phật cả ? (vì thiên ma ngoại đạo cũng có đủ thần thông). Muốn được thần thông chơn thật cần phải chứng pháp nhất thừa. Pháp nhất thừa nầy hay phát ra diệu dụng Bát nhã. Ngay nơi trần lao mà thành chánh giác, hiện trong sanh tử mà chứng niết bàn. Chỉ khoảng một sát na mà bỏ phàm làm thánh. Trong chốc lát biến có trở về không. Thần biến như thế chẳng phải là pháp huyễn có thể làm được.

Cổ Đức nói: “Thông có năm loại: một là Đạo thông, hai là Thần thông, ba là Y thông, bốn là Báo thông, năm là Yêu thông. Gì là yêu thông? Loài hồ ly già biến hoá ra, tinh ba của cây đá hoá ra. Thần nương tựa vào người thông huệ kỳ lạ, đấy là yêu thông. Gì gọi là Báo thông? – Quỷ thần biết nghịch, chư thiên biến hoá, sự liễu sanh của thân trung ấm, sự ẩn hiện của thần long, đấy là báo thông. Gì gọi là Y thông? – Nương pháp mà biết, duyên nơi thân mà dùng, nương nơi đạo bùa mà tới lui, thuốc bổ mầu biến, đấy là y thông. Gì gọi là thần thông? – Tịnh tâm soi vật, túc mệnh ghi giữ, muôn ngàn phân biệt đều từ định lực, đấy là thần thông. Gì gọi là Đạo thông? – Vô tâm ứng vật, duyên biến hoá khắp vạn hữu, trăng đáy nước, hoa trong không, bóng hình không chủ, đấy là đạo thông”.

Chỉ Đạo thông nầy là chơn, ngoài ra các thông khác đều là tà nguỵ. Nguỵ thì chẳng chơn, tà thì chẳng chánh, làm cho tâm hoặc loạn sanh, và mê mờ bản tánh. Cho nên người học đạo chơn thật chẳng giữ thần thông sợ trái chơn lý.

Trong sách Phụ Hành Ký nói: “Người tu tam muội, chờ phát thần thông, phải mau trừ bỏ nó. Vì là pháp hữu lậu hư vọng vậy”.

Trong chỉ quán nói: “(Thần thông) hay làm chướng bát nhã. Kẻ hạ căn vọng cầu thần thông làm chánh đạo. Bậc trí quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy. Chỉ như bậc ứng hoá Bồ tát, chứng lý thánh hiền, rốt say bày hiện thần biến ắt chẳng ở đời. Nếu còn ở đời mà hiện thần thông để giáo hoá người, đây chẳng phải yêu thì cũng là ma mị”.

HỎI: Người chưa ngộ, mê mờ chơn lý, đuối theo vọng tình, tạo nhơn thiện ác, phải trả quả khổ vui, tuỳ theo nghiệp mà thọ sanh, lý kia chẳng còn nghi. Kẻ sĩ ngộ lý, nhanh chóng trở về chơn tâm, vượt các nhơn quả, dứt các đối đãi, điểm linh của thân sau, nương gá chỗ nào?

ĐÁP: Tất cả chúng sanh tuỳ theo nhơn mà thọ quả, lấy duyên làm chỗ sanh, nên bảo đấy là chỗ nương gá. Kẻ sĩ ngộ lý, người chứng Đạo, chẳng đồng vối phiêu linh lãng tử ở thế gian, như quỷ thú vô chủ cô hồn, trôi nổi không chỗ nương chỗ gởi. Nếu khế ngộ được bổn lý hiện tiền thì bốn phương trên dưới đều là chơn tâm. Đấy là toàn thân thọ dụng, không có chỗ nương gá nào riêng khác. Cổ Đức nói: “Suốt cõi đất là một mắt của sa môn”. Lại nói: “Suốt cõi đất là Già lan”.

Thượng Thơ Ôn Tháo hỏi ngài Khuê Phong rằng: “Người ngộ lý một phen tuổi thọ hết, phải nương gá chỗ nào? Khuê Phong đáp: Tất cả chúng sanh đều dó đầy đủ giác tánh linh minh, cùng Phật không khác. Nếu hay ngộ tánh nầy tức là pháp thân, thì vốn tự vô sanh có gì nương gá? (Tánh nầy là) cái sáng suốt màu nhiệm chẳng mê, rõ ràng thường biết, không từ đâu đến và cũng không trở về đâu. Chỉ lấy không tịch làm tự thể chớ nhận sắc thân. Lấy linh tri làm tự tâm, chớ nhận vọng niệm. Vọng niệm nếu khởi đều chẳng theo nó, thì khi lâm chung nghiệp không thể trói buộc. Tuy có thân trung ấm mà chỗ đến tự tại, cõi trời cõi người tuỳ ý gởi nương, tất cả những dòng trôi chảy nhỏ nhiệm đều rỗng cả, chỉ còn có viên giác đại trí soi sáng. Tuỳ cơ hoá độ chúng sanh có duyên, ngộ tâm chứng lý, đồng thành Phật đạo”

HỎI: Xưa có những bậc Cao Tăng, toàn thân ngồi hoá, lâu năm chẳng hư hoại, móng và tóc mọc dài ra, chưa biết việc nầy là đạo lý gì?

ĐÁP: Đấy là hàng Tiểu thừa thân trụ trong diệt định. Định nầy chỉ diệt đệ lục thức, còn đệ bát thức duy trì thân thể. Tất cả đều do chán hữu thích không, tạm mong dừng hơi thở. Tuy nhiên, nhập định nầy trải qua thời gian dài lâu mà hơi ấm chẳng diệt mất, về sau thức khởi đậy như rét cách ngày. Phải ngộ tánh định mới thoát khỏi luân hồi.

HỎI: Ngài Ca Diếp đắc diệt tận định, cùng với diệt định của Tiểu thừa là đồng hay khác?

ĐÁP: Đại thừa lý diệt, Tiểu thừa sự diệt. Diệt tận của đại thừa do đầy đủ năm uẩn, hai thức thứ bảy và thứ tám, hay dẫn oai nghi, định hay tán đều vô ngại, sự và lý đều chẳng bỏ. Hàng tiểu thừa tuy có sắc hành, tiền lục thức đã lặn mất, nhưng toàn thiếu oai nghi, định và tán chẳng viên mãn, bỏ sự nghiêng về tịch. Cho nên định chẳng đồng.






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]