Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Quán Cảm Thọ: Một Phương pháp Thiền

26/11/201017:27(Xem: 5177)
Chương 7: Quán Cảm Thọ: Một Phương pháp Thiền


Chương 7
Quán Cảm Thọ: Một Phương pháp Thiền

Tôi sẽ giải thích về mục đích, sự ích lợi, cách thức của phương pháp thiền này sau khi chúng ta đã thực hành với nhau. Chưa thực hành qua, chúng ta khó thể hiểu thấu đáo. Ngay lúc này, ta cần làm quen với một số điểm trên thân thể. Một là điểm hơi lõm trên đầu ta. Ở trẻ sơ sinh, đó là mỏ ác, là chỗ sau này xương sẽ tăng trưởng. Cách chân tóc khoảng ba ngón tay chụm lại. Một điểm khác nữa ở trên đỉnh đầu, kích cỡ khoảng đồng xu, ở chỗ xoáy tóc. Có người điểm nầy ở bên trái, người kia lại bên phải, kẻ thì ở chính giữa. Không quan trọng nó nằm ở đâu, chỉ cần có một điểm nào đó.

Bắt đầu bằng cách chú tâm vào cảm giác tạo ra bởi hơi thở ở mũi. Hãy chú tâm vào cảm giác đó trong giây lát.

Chuyển sựchú tâm lên mỏ ác. Buông bỏ tất cả, không theo dõi hơi thở nữa. Đặt tất cả chú tâm vào điểm ấy, để ý xem cảm giác gì xảy ra nơi đó: ngứa ngáy, nặng nề, cảm thấy có vật gì đè lên, co thắt, nóng lạnh, dễ chịu, khó chịu, động đậy, im lìm - bất cứ điều gì. Không cầøn phải biết chính xác đó là gì. Tôi chỉ đặt tên cho tiện vậy thôi.

Từ từ di chuyển sự chú ý từ mỏ ác lên chỗ xoáy tóc, đi dọc lên đầu, từng điểm từng điểm, chú tâm vào từng điểm. Nhận biết cảm giác ở từng điểm; rồi buông, di chuyển đến điểm kế. Tiếp tục như thế đến hết cả đỉnh đầu. Chú ý đến các cảm thọ dấy khởi, buông bỏ, rồi chú ý đến điểm kế tiếp: cảm giác cứng mềm, nhẹ nặng, ngứa ngáy, co giãn, nóng lạnh, khó chịu, dễ chịu. . . cảm giác trên da hay dưới da. Trên bề mặt hay bên trong. Điều quan trọng là sự nhận biết.

Giờ chú tâm vào chỗ vùng xoáy tóc. Chú tâm xem có cảm giác gì ở đó. Hãy trở về quán sát bản thân thật chăm chú, đến độ có thể cảm nhận rõ ràng mọi cảm giác.

Từ từ di chuyển sự chú tâm từ xoáy tóc xuống phía sau đầu đến gáy. Hoàn toàn chú tâm vào từng điểm, cảm nhận, rồi buông bỏ, di chuyển qua điểm khác.

Giờ hoàn toàn chú tâm vào phía bên trái đầu, từ từ di chuyển từ trên đỉnh đầu xuống đến hàm, từ chân tóc phía trước ra sau vành tai trái. Chú tâm vào từng điểm, chậm rãi di chuyển từ trên xuống, nhận biết các cảm thọ hay cảm giác. . . biết cứng, biết sự xúc chạm, sự thư giãn, sự căng thẳng, bất cứ dấy khởi nào. Hãy nhận biết, rồi buông bỏ, và di chuyển đến điểm kế tiếp.

Giờ chú tâm vào phía bên phải đầu, từ từ di chuyển từ trên đỉnh đầu xuống đến hàm, từ chân tóc phía trước ra sau vành tai phải. Chú tâm vào từng điểm khi di chuyển dần dần từ trên xuống, nhận biết các cảm giác, nhận biết các cảm thọ, bên ngoài da, dưới da, tận trong sâu thẳm hay ở bề mặt. Quan trọng là sự nhận biết.

Hãy chú tâm vào phía trên trán, chỗ chân tóc, chuyển dần xuống hết trán, đến chân mày, từng điểm từng điểm. Nhận biết sự có mặt bất cứ gì: cảm giác nặng nhẹ, động tịnh, khó chịu, dễ chịu.

Giờ chuyển sự chú tâm vào phía mắt trái. Tất cả những điểm quanh mắt -hốc mắt, con mắt, mí mắt- và nhận biết các cảm xúc, các cảm thọ: nặng nhẹ, tối sáng, động tĩnh.

Tiếp theo chuyển sự chú tâm vào phía mắt phải. Tất cả những điểm quanh mắt - hốc mắt, con mắt, mí mắt. Ghi nhận tất cả mọi cảm xúc, cảm thọ dấy khởi.

Chú tâm vào khoảng giữa hai chân mày. Di chuyển dần xuống đầu mũi, nhận biết từng điểm từng điểm: cứng mềm, ngứa nhột –hay bất cứ cảm xúc, cảm thọ nào mà ta nhận biết được.

Giờ chú tâm vào mũi. Dần di chuyển vào trong mũi, nhận biết các cảm giác: không khí, sự chuyển động, không gian, sự ngứa ngáy, khô ướt, sự xúc chạm.

Chú tâm vào môi trên, môi dưới. Nhận biết sự xúc chạm, sự đè ép, giãn nở, khô ướt, dễ chịu, khó chịu, bất cứ những gì dấy khởi.

Giờ chú tâm vào phía trong miệng. Ghi nhận mọi cảm giác, cảm thọ. Di chuyển từng điểm, hết cả vùng miệng.

Chú tâm vào cằm. Ghi nhận mọi cảm thọ dấy khởi.

Chuyển sự chú tâm vào vùng má phía bên trái, di chuyển dần dần từ mắt xuống đến quai hàm. Với sự chú tâm vào từng điểm, ghi nhận mọi cảm thọ, cảm giác; rồi buông bỏ, di chuyển đến điểm kế tiếp.

Chú tâm tiếp vào vùng má bên phải, di chuyển dần dần từ mắt xuống đến quai hàm, từng điểm từng điểm một. Ghi nhận mọi cảm thọ, cảm giác; rồi buông bỏ, di chuyển đến điểm kế tiếp. Các cảm thọ có thể mơ hồ hay rõ ràng, điều đó không quan trọng.

Giờ chú tâm vào vùng cổ phía trước mặt. Di chuyển dần từ hàm xuống chỗ tiếp giáp của cổ và thân, từng điểm từng điểm, bên trong lẫn bên ngoài, cảm nhận sự xúc chạm, sức ấm, lực cản, nặng nhẹ, nhịp độ.

Chuyển sự chú tâm ra vùng cổ phía sau, bắt đầu ở chân tóc, di chuyển dần xuống gáy, nơi cổ và thân gặp nhau. Ghi nhận ở từng điểm: sự căng thẳng, co giãn, cảm giác khó chịu, dễ chịu, nhói đau, nhột nhạt –bất cứ gì.

Chú tâm vào vai trái. Di chuyển dần từ cổ xuống dọc theo bả vai đến khủy vai trái. Ghi nhận ở từng điểm, nhận biết các cảm thọ, cảm giác: thư giãn, căng thẳng, nặng nhẹ, hay bất cứ dấy khởi nào, hãy ghi nhận, rồi buông bỏ, di chuyển đến điểm khác.

Giờ chuyển sự chú tâm vào bắp tay trái. Di chuyển dần từ vai xuống đến khủy tay (cùi chỏ), ghi nhận từng điểm khi di chuyển. Ghi nhận các cảm thọ,rồi buông bỏ, chuyển đến điểm kế tiếp. Ghi nhận sự xúc chạm, sự chuyển động, độ ấm, nặng nhẹ, co giãn.

Chú tâm vào khủy tay trái. Chỉ ở vùng nhỏ đó, buông bỏ hết mọi thứ khác. Buông bỏ hết mọi chú tâm ở những nơi khác trên thân, chỉ ở nơi khủy tay trái, và ghi nhận các cảm thọ.

Giờ chuyển sự chú tâm vào phần dưới cánh tay trái. Di chuyển dần dần từ khủy tay xuống đến cổ tay, quanh vùng đó, từng điểm từng điểm; ghi nhận, rồi buông bỏ, chuyển đến điểm kế tiếp, trên mặt da hay dưới da, bên ngoài hay sâu tận bên trong. Hãy tiếp cận với các cảm xúc của mình.

Chuyển sự chú tâm vào cổ tay trái, cả quanh vùng đó. Ghi nhận các nhịp đập, co giãn. 

Kế chú tâm vào lòng bàn tay trái, từ cổ tay đến chỗ các ngón tay. Chú tâm vào năm ngón bàn tay trái. Di chuyển dần dần từ cuối đến đầu năm ngón tay. Chú tâm hoàn toàn vào năm đầu ngón tay, rồi vươn tâm dài từ đó ra khỏi thân.

Chú tâm vào vai phải. Di chuyển dần từ cổ xuống dọc theo bả vai đến khủy vai phải. Ghi nhận ở từng điểm, nhận biết các cảm thọ: thư giãn, căng thẳng, nặng nhẹ, đau đớn, sân hận, hay bất cứ dấy khởi nào. Hãy ghi nhận, rồi buông bỏ, di chuyển đến điểm khác.

Chuyển sự chú tâm vào bắp tay phải. Di chuyển dần từ vai xuống đến khủy tay (cùi chỏ), quanh vùng đó. Từng điểm từng điểm, bên trong, bên ngoài: sự cứng mềm, ấm lạnh, tĩnh động.

Chú tâm vào khủy tay phải. Buông bỏ hết mọi thứ khác; chỉ chú tâm vào vùng nhỏ đó, ghi nhận các cảm thọ: nhột nhạt, co giãn.

Chuyển sự chú tâm vào phần dưới cánh tay phải. Di chuyển dần dần từ khủy tay xuống đến cổ tay, quanh vùng đó: mềm cứng, dễ chịu, nhột nhạt.

Chuyển tất cả sự chú tâm vào cổ tay phải, cả quanh vùng đó. Ghi nhận mọi thứ bên trong lẫn bên ngoài.

Kế chú tâm vào lòng bàn tay phải, từ cổ tay đến chỗ các ngón tay. Chú tâm vào năm ngón bàn tay phải. Di chuyển dần dần từ cuối đến đầu các ngón tay. Chú tâm hoàn toàn vào năm đầu ngón tay, rồi vươn tâm dài từ đó ra khỏi thân.

Đặt tất cả sự chú tâm vào bên trái thân trước. Di chuyển dần từ vai bên trái xuống đến thắt lưng, Di chuyển sự chú tâm theo từng điểm. Ghi nhận mọi cảm thọ dấy khởi: co giãn, đau nhức, nặng nhẹ, cứng mềm, âu lo, sợ hãi; bất cứ điều gì, ghi nhận rồi buông bỏ, chuyển đến điểm kế tiếp.

Chuyển sự chú tâm vào bên phải thân trước. Di chuyển dần từ vai bên phải xuống đến thắt lưng, Di chuyển sự chú tâm theo từng điểm. 

Đặt tất cả sự chú tâm vào thắt lưng thân trước. Ghi nhận các cảm giác: co thắt, lỏng lẻo. Di chuyển dần từ thắt lưng xuống phía dưới thân, từng điểm từng điểm một, cảm nhận mọi dấy khởi, buông bỏ, rồi chuyển đến điểm kế tiếp, để ý ở mỗi điểm cảm giác gì dấy khởi.

Giờ chú tâm vào lưng bên trái. Di chuyển dần từ vai xuống thắt lưng, chú ý vào từng điểm từng điểm một, cảm nhận mọi dấy khởi, buông bỏ, rồi chuyển đến điểm kế tiếp, ghi nhận những cảm thọ dấy khởi: căng thẳng, co thắt, lo âu, nặng nề, chuyển động, độ ấm, cứng mềm, nhột nhạt.

Đặt tất cả sự chú tâm vào lưng bên phải, di chuyển dần từ vai xuống thắt lưng từng điểm từng điểm một.

Đặt tất cả sự chú tâm vào thắt lưng phía sau lưng trái: co thắt, thư giãn, đau đớn. Bắt đầu từ thắt lưng di chuyển xuống qua mông, xuống đến háng. Ghi nhận mọi cảm thọ dấy khởi ở từng điểm từng điểm một, trên da, dưới da, bên trong, bên ngoài, cảm nhận mọi thứ. Ghi nhận, rồi buông bỏ, di chuyển đến điểm kế tiếp: cảm giác nặng nề, xúc chạm, đè ép.

Giờ chuyển đến thắt lưng phía sau lưng phải. Di chuyển dần xuống qua mông phải, đến chỗ tiếp nối với chân phải. Ghi nhận mọi cảm thọ dấy khởi ở từng điểm.

Giờ chú tâm vào đùi phải. Chuyển dần từ háng xuống đến đầu gối, từng điểm quanh vùng đó, ghi nhận mọi cảm giác nặng nhẹ, đè ép, khó chịu, đau đớn. Ghi nhận, buông bỏ, rồi chuyển đến điểm kế tiếp.

Chú tâm vào đầu gối phải, quang vùng đó, trong thân, ngoài thân.

Chú tâm vào bắp chân phải. Di chuyển dần dần từ đầu gối xuống mắt cá, quanh vùng đó, nhận biết các cảm thọ ở từng điểm.

Chú tâm vào mắt cá phải. Ghi nhận các cảm giác nặng nhẹ, đè ép, cứng mềm.

Đặt tất cả chú tâm vào gót chân phải, chỉ vùng đó. Buông bỏ hết mọi thứ, chỉ có mặt ngay tại đó.

Đặt tất cả chú tâm vào lòng bàn chân phải, từ gót chân tới chỗ nối với các ngón chân. Ghi nhận cảm giác ở mỗi điểm. Nhận biết các cảm xúc: mịn màng, thô ráp, ấm áp, nhói đau, trì kéo.

Giờ chú tâm đến mặt trên chân phải, từ mắt cá đến chỗ bắt đầu các ngón chân, từng điểm từng điểm, ghi nhận mọi cảm giác trong thân, ngoài thân. Đặt tất cả chú tâm vào các kẽ ngón chân phải. Chuyển dần chú tâm từ đó đến đầu các ngón chân. Chú tâm vào nặm đầu ngón chân rồi từ đó chuyển tâm ra khỏi thân.

Kế tiếp chuyển sự chú tâm vào đùi trái. Di chuyển dần từ háng xuống đầu gối, quanh vùng đó, từng điểm từng điểm. Ghi nhận, buông bỏ, rồi chuyển đến điểm kế tiếo”

Giờ chuyển sự chú tâm vào gối trái, quanh vùng đó, trong thân, ngoài thân, hoàn toàn chánh niệm về các cảm thọ của mình.

Chú tâm vào bắp chân trái. Di chuyển dần từ đầu gối đến mắt cá, tất cả quanh vùng đó. Ghi nhận các áp lực, sự nặng nề, chắc nịch, đau nhói, căng, nhột nhạt. Bất cứ là cảm thọ gì, hãy ghi nhận, rồi buông bỏ, di chuyển đến điểm kế tiếp.

Chú tâm vào mắt cá trái, quanh vùng đó. Ghi nhận các cảm giác nặng nhẹ, đè ép, cứng mềm.

Đặt tất cả chú tâm vào gót chân trái, chỉ vùng đó. Buông bỏ hết mọi thứ, chỉ có mặt ngay tại đó.

Đặt tất cả chú tâm vào lòng bàn chân trái. Di chuyển từ gót chân tới chỗ nối với các ngón chân. Ghi nhận cảm giác ở mỗi điểm. Nhận biết các cảm thọ: mịn màng, thô ráp, ấm áp, nhói đau, trì kéo.

Giờ chú tâm đến mặt trên chân trái, từ mắt cá đến chỗ bắt đầu các ngón chân, từng điểm từng điểm, ghi nhận mọi cảm giác trong thân, ngoài thân. Đặt tất cả chú tâm vào các kẽ ngón chân trái. Chuyển dần chú tâm từ đó đến đầu các ngón chân, rồi từ đó chuyển tâm ra khỏi thân.

Phương pháp thiền này được gọi là vipassana, nhưng cách gọi đó không chính xác, vì vipassana có nghĩa là 'tuệ giác". Một phương pháp không thể được coi là tuệ giác; tuệ giác chỉ có thể phát triển từ tâm thanh tịnh. Do đó, chúng tôi thường gọi phương pháp này là 'quét sạch", dầu ở đây không liên quan gì đến cây chỗi. "Cách quét sạch" chúng ta vừa thực hành được gọi là "từng phần từng phần".
Dưới một khía cạnh nào đó, đây là một phương pháp tẩy trần, thanh tịnh hóa. Vì tất cả con đường đạo của Đức Phật là để tẩy sạch uế nhiễm, bất cứ cách gì có thể giúp ta tiến bước trên con đường ấy đều được coi là một công cụ hữu ích. Phương pháp tẩy trần này rất chi tiết, và trở nên rõ ràng hơn khi ta nhớ rằng những phản ứng của thân đối với các cảm thọ luôn xảy ra tức thì, ta không thể nào dừng chúng lại. Nếu chúng ta cảm thọ hạnh phúc, ta thường rạng rỡ, cười vui. Trái lại, nếu đau khổ, ta thường khóc, hay có một vẻ mặt đau khổ, nhăn nhó. Nếu giận dữ, mặt ta đỏ lên, đanh lại. Nếu cảm thấy bồn chồn, như lúc kẹt xe, vai ta co thắt lại; rất ít người không bị đau nhức ở vai. Không quan trọng là cảm xúc nào liên quan đến bộ phận nào của thân.

Các phản ứng tình cảm của ta không có cách nào khác để biểu lộ ra ngoài hơn là qua thân. Từ lúc sơ sinh, ta đã phản ứng với các cảm thọ của mình như thế, hay đúng hơn là đã ‘phản ứng lệch lạc' như thế. Thân luôn phản ứng với các cảm thọ, dần dần các phản ứng này dồn ép lại khiến ta cảm thấy căng thẳng, bế tắc. Phương pháp thiền nầy có khả năng giải tỏa sự căng thẳng, bế tắc hay ít ra cũng hóa giải chúng phần nào, tùy vào sức mạnh thiền định, cũng như nghiệp của chúng ta.

Hãy tưởng tượng một số người đã sống hơn ba mươi năm trong căn phòng này, và chưa bao giờ dọn dẹp nó cả. Họ đã để rác rưởi, quần áo dơ bẩn, đồ ô uế, chén dĩa không rửa, và chưa bao giờ quét dọn sàn nhà. Giờ thì sự dơ bẩn, luộm thuộm đã chất chồng từ dưới sàn lên đến trần nhà. Rồi có một người bạn chợt đến, nói với người chủ phòng rằng: "Sao bạn không dọn dẹp ít nhất một góc phòng để có được một chỗ ngồi đàng hoàng!". Nghe vậy, họ dọn dẹp và cảm thấy rất thoải mái với góc phòng sạch sẽ này, dầu họ không thể hình dung ra điều đó trước khi dọn dẹp. Do đó họ càng có động lực để dọn dẹp cả căn phòng. Giờ họ có thể nhìn qua cửa sổ, cuộc sống trong phòng cũng dễ chịu hơn. Dĩ nhiên là nếu tình trạng căn phòng quá tệ, họ có thể chọn giải pháp là dọn đến một nơi khác để ở, nhưng chúng ta thì bị dính chặt với thân nầy. Không thể rời bỏ nó. Chúng ta có thể thay đổi chỗ ở nhiều lần trong cuộc sống -từ thành phố ra thôn quê, từ phòng trọ tới nhà riêng, từ sống chung với bạn bè đến ở một mình, từ xứ nầy qua xứ khác -nhưng thân lúc nào cũng theo ta. Nó là chỗ cư trú vĩnh viễn của ta cho đến lúc nó sụp đổ, hoại diệt, trở về với cát bụi. Vì thế khi còn có thân thì ta phải xử dụng nó sao cho tốt nhất, nếu không nó trở thành chướng ngại, cản trở việc hành thiền của ta. Nó sẽ làm những điều ta không muốn nó làm.

Khi tắm rửa, ta cũng chỉ có thể làm sạch da. Tất cả chúng ta đều biết con người mình không chỉ có lớp da này, nhưng ta chỉ làm sạch phần đó. Ngày qua ngày, chúng ta có tóc tai, da dẻ đẹp đẻ, sạch sẽ. Nhưng tất cả chỉ có thế. Ứng dụng đầu tiên của phương pháp thiền vipassana có thể coi như là một cách để tẩy rữa phần bên trong. Những gì tâm đã tạo ra qua các phản ứng, tâm sẽ tháo gỡ bằng cách buông xả.

Buông xả là một bí mật đã được phơi bày của thanh tịnh hóa. Khi chúng ta di chuyển từ một điểm trên thân đến một điểm khác, chúng ta đã buông bỏ được bất cứ điều gì đã phát khởi ở một điểm trước đó. Cuối cùng, chúng ta buông xả từ các đầu ngón tay, ngón chân ra bên ngoài, vì từ đó không còn phần thân nào để di chuyển tiếp đến. Như thế chúng ta đã tắm rữa, làm sạch tâm, phần bên trong, từ đó tháo gỡ phần nào những bế tắc của mình. Như thế không chỉ thân ta được ích lợi mà tâm cũng thấy dễ chịu hơn. Thân không còn nhiều bịnh, thì ta có thể xử dụng cái năng lực tâm linh không bị ảnh hưởng bởi tật bịnh.

Phương pháp này cũng có đặc tính chữa trị. Ai đã đạt được phầøn nào thiền định có thể dễ dàng trị được chứng nhức đầu, nhức lưng. Một số bịnh có gốc rễ sâu xa hơn thì khó trị hết, hoặc không thể chữa trị được. Nhưng những bịnh nhẹ, không phải bịnh mãn tính, thì trị được dễ dàng. Phương pháp nầy còn có nhiều khả năng khác nữa.

Một trong những khía cạnh quan trọng của phương pháp nầy là giúp cho ta buông bỏ các cảm thọ, vì thế ta sẽ không có phản ứng. Cảm thọ bao gồm cảm giác vật lý và tình cảm. Cánh cửa duy nhất trong lý duyên khởi thế gian giúp ta bước ra khỏi luân hồi (samsara) là không phản ứng theo các cảm xúc, do đó có thể buông bỏ ái dục. Ái dục có nghĩa là "muốn có" hay "muốn không có". Ở đây ta không cần phải hiểu ái dục theo nghĩa đắm luyến của thế gian; chỉ cần muốn có, muốn trở lại hay muốn diệt bỏ, muốn xua đuổi. Ở đây chúng ta có một phương pháp giúp ta thật sự nhận biết các cảm thọ của mình, mà không cần có phản ứng nào. Ngay nếu như sân khởi, đây là một trường hợp mà ta hiểu rõ ràng rằng không có ai gây ra cả. Nó đã dấy khởi, và có lẽ đấy là lần đầu tiên trong đời chúng ta nhận biết sân khởi không do một yếu tố bên ngoài nào tác động ra cả. Đối với lo âu, sợ hãi, tiếc nuối hay bất cứ cảm thọ nào cũng thế.

Phương pháp nầy cũng cho chúng ta cơ hội để nhận diện những cảm thọ đôi khi không được dễ chịu lắm. Nếu chúng ta có thể buông chúng, để chuyển sự chú tâm của ta đến một điểm khác trên thân, thì chúng ta cũng có thể thực hiện một hành động y hệt như thế -nghĩa là không phản ứng lại với những cảm giác khó chịu bằng cách buông bỏ sự chống đối. Chúng ta đã buông bỏ bằng cách chuyển sự chú tâm đến một chỗ khác.
Phương pháp này giúp chúng ta coi mọi cảm thọ đều như nhau. Chúng ta có thể tự nhủ mình bao nhiêu lần rằng đâøy là cách duy nhất để đối trị các cảm thọ, nhưng nếu không có huân tập, chúng ta sẽ không thể thực hiện được gì cả. Hiểu -một cảm nhận tri thức- là bước đầu tiên, nhưng nếu không thực hành, chúng ta không thể học được kỹ năng này hay bất cứ điều gì.

Tôi muốn so sánh các cảm thọ của ta với một món đồù chơi trẻ em, đó là jack-in-the-box, bao gồm một hình nộm được gắn lên một lò xo bỏ trong một cái hộp. Đứa bé chỉ cần chạm nhẹ lên mặt hộp, thì hình nộm lập tức phóng ra. Rồi nếu có ai đó lấy đi cái hình nộm thì khi đứa bé chạm vào nắp hộp, sẽ không có gì xảy ra cả. Đứa trẻ có thể dùng đến cả búa nện lên mặt hộp, cũng vẫn không có hình nộm nào nhảy ra. Đó cũng là những gì xảy ra bên trong chúng ta. Tất cả các cảm xúc đã được ươm mầøm sẵn trong ta. Chỉ cần một tác động nhỏ, một đụng chạm nhẹ, thì sân hận, sợ hãi hay luyến ái dấy khởi lên ngay. Khi tất cả những cảm thọ này đã biến mất, thì dù có dùng đến búa nện cũng không có gì xảy ra.

Chúng ta cầøn có một hướng đi để đạt được thanh tịnh. Dĩ nhiên là chúng ta có thể thực tập ngay trong đời sống hằng ngày nơi ta luôn phải đối mặt với các phản ứng tình cảm, nhưng có được một phương pháp hành thiền là một nguồn hỗ trợ lớn lao. Trước hết ta nhận thấy qua phương pháp trên là không có 'tác động' bên ngoài nào cả, nên rõ ràng tất cả các cảm thọ phát khởi đều là từ bên trong ta. Hơn nữa, trong những giây phút yên tĩnh, lắng động khi hành thiền, ta cũng dễ buông bỏ các phản ứng hơn là khi phải đối đầu trước mặt -như trong lúc đang tranh cãi quyết liệt, thí dụ như thế.

Ở đây, chúng ta cũng có một phương pháp để đạt được tuệ giác về nhiều mặt. Trong phần hướng dẫn thực hành ở trên, tôi có nói đến sự rắn chắc, nhiệt, sự chuyển động. Tất cả thân đều bao gồm bốn yếu tố chính, và ta có thể nhận biết chúng dễ dàng khi thực hành phương pháp thiền này. Những yếu tố đó là: đất, nước, gió và lửa. Đất là những yếu tố rắn chắc, cái rắn chắc ta có thể cảm thấy được khi chạm vào thân, hay khi thân xúc chạm với ghế, với gối, với sàn nhà. Yếu tố nước không chỉ ở trong nước miếng, nước tiểu, mồ hôi và máu, mà cũng ở trong những yếu tố có tính kết hợp. Khi ta lấy nước chế vào bột, chúng ta có được bột nhân. Đó là lý do tại sao khoảng bảy mươi tám phần trăm thân thể của ta là nước. Nếu không, tất cả các bộ phận của ta đều rời rạc. Có thể hình dạng chúng ta trông quái dị, nhưng ngược lại ta cũng không có cảm giác về một cái ngã mạnh mẽ như thế này nếu chúng ta có thể quan sát từng tế bào riêng lẻ trong thân. Chính nước kết hợp các yếu tố trong thân lại với nhau. Yếu tố lửa là thân nhiệt; thân cảm thấy ấm, lạnh, hay bình thường. Tiếp đến là hơi, là gió trong thân -hơi thở, và tất cả những chuyển động vật lý.

Khi chúng ta có thể cảm nhận được một hay tất cả các yếu tố nầy ở trong ta, ta sẽ có cơ hội để áp dụng những hiểu biết, kinh nghiệm đó đối với tất cả vạn pháp. Tất cả mọi hữu hình đều bao gồm bốn yếu tố đó, và mỗi yếu tố lại bao gồm ba yếu tố kia với những mức độ khác nhau. Thí dụ, nước cũng có tính chất rắn, nếu không, ta không thể lội hay chèo thuyền trên mặt nước. Với yếu tố gió (không khí) cũng thế, nếu không chim muông, phi cơ không thể bay trên đó. Nhận thức sâu xa được rằng tất cả chúng ta đều là do bốn yếu tố trên cấu tạo thành, giúp ta hiểu mình không khác gì vạn vật chung quanh. Nhìn ở đâu, quán sát chỗ nào, ta cũng thấy các yếu tố đất, nước, gió, lửa. Khi ta luôn tâm niệm về chân lý này, sự phân biệt, chia rẽ sẽ biến mất, giúp ta có cảm giác mình là một phần của mọi vận hành trong vũ trụ. Biết mình thuộc tổng thể nầy, ta không còn cảm thấy bị đe dọa bởi tha nhân, bởi thiên tai hay nhân tai. Chúng ta thuộc về tất cả, tất cả thuộc về ta; không có sự phân biệt, sai khác.

Chúng ta càng thể nhập thực tại nầy vào cuộc sống, thì càng dễ thanh tịnh hóa các cảm xúc bằng lòng từ bi. Khi ta không còn cảm thấy tách biệt với người, không còn thấy mình là một cá thể riêng biệt giữa bao cá thể khác, mà là một phần của vũ trụ, thì ta dễ dàng có được tâm từ bi đối với người, vì chung quy cũng là ta hướng tâm tữ bi đó đến cho chính bản thân. 

Khi chúng ta có thể quán sát mình bằng cái nhìn của tứ đại, ta có thể phần nào phá bỏ được ý thức về một cái ngã đã ăn sâu gốc rễ trong ta, mà nó cũng chính là nguyên nhân của tất cả mọi phiền não của ta. Thật khó mà tìm ra yếu tố của 'ngã' trong cái hỗn hợp của đất, nước, gió, lửa nầy. Do đó, quán tưởng về những khía cạnh nầy trong ta có thể đưa đến những kết quả không ngờ.

Tất cả chúng ta đều có ý thức về sự vô thường, và có lẽ đã nghe quá nhiều về danh từ nầy. Rất ít người có thể tranh luận gì về sự vô thường, dầu cho họ có theo một tôn giáo nào hay không. Chúng ta có thể hỏi người phát thư, bác bán hàng ở góc phố về tánh cách vô thường của vạn vật, có lẽ họ sẽ dễ dàng đồng ý như thế. Tất cả chúng ta đều đồng ý, nhưng cần phải thể nghiệm sự vô thường trước khi nó xảy ra cho ta, ngay như thế, đôi khi cũng còn chưa đủ. Nhưng ta càng kinh nghiệm sự vô thường, tâm ta càng dễ chuyển hoá từ những cách nghĩ thường tình đến cách nhìn theo Pháp, là một sự chuyển đổi 180 độ. Đó là lý do tại sao ta thường thấy rất khó nghĩ, khó hành theo Pháp. Nhưng dần dà, nếu ta có đủ kiên trì, đủ quyết tâm, lại có thêm chút ít hỗ trợ trên con đường đạo, thì ta có thể làm được. Khi ta đã không còn cái nhìn theo thế tục, thì vô thường trở thành một trong những tính cách nổi bật luôn có mặt trong mọi hành động của ta. Trong phương pháp thiền này, chúng ta chú tâm vào tánh cách vô thường của mọi cảm thọ, chú tâm vào sự phát sinh và hoại diệt của chúng.

Chúng ta không chỉ chứng nghiệm được tánh cách vô thường của các cảm thọ, ta còn nhận thức được rằng ta chỉ có thể biết những gì ta chú tâm vào. Nếu mang nhận thức này áp dụng vào đời sống hằng ngày, cuộc sống của ta sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ta biết rằng không nên đểù tâm vào những việc chỉ đem lại phiền não cho ta, khiến cuộc sống của ta thêm khó khăn. Khi gặp chuyện khổ đau, ta không cần phải giữ nó mãi trong lòng. Ta có quyền hướng sự chú tâm của mình vào những sự thật tuyệt đối, như là vô thường, khổ và vô ngã. Hoặc ta có thể hướng tâm mình đến những tình cảm thanh cao như tâm từ, tâm bi, tâm hỷ xả đối với mọi người. Muốn an trú tâm ở đâu hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Kết quả từ các công phu tu thiền giúp ta nhận thức được rằng ta có thể chọn những gì mình muốn suy nghĩ, là một phương thức mới, và hữu ích để kiểm soát các trạng thái tâm. Đây cũng là cách giúp ta dần chuyển tâm thức của mình sang tâm Pháp ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta sẽ huân tập để buông bỏ những suy nghĩ không dựa trên chân lý tuyệt đối.

Tính vô thường của các cảm thọ dấy khởi trong lúc tọa thiền sẽ giúp ta có được tri kiến về tính vô thường của thân tâm. Biết rằng cái thân xem có hình, có thể chắc chắn, nhưng chỉ là ảnh hiện của yếu tố đất, và thật đúng thế, nó không hơn gì là một ảo giác. Khi chúng ta kiểm nghiệm được rằng các cảm thọ hoàn toàn vô thường, rằng trong cuộc sống ta thường phản ứng theo chúng, thì ta có thể bắt đầu nhìn thấy mình bớt vững chắc hơn xưa, và có thể khiến ta bắt đầu tự hỏi làm sao’có thể tìm ra được 'cái tôi' trong khi vạn vật đều luôn chuyển đổi. Điều này giúp ta coi nhẹ sự quan trọng của các cảm xúc của mình, cũng giống như ta đã huân tập coi nhẹ các suy tưởng của mình khi ta đặt tên cho chúng trong lúc thiền quán, và nhận thấy chúng thật không có ích lợi gì -rằng chúng chính là khổ đau (dukkha), vì chúng luôn thay đổi, biến chuyển, trở ngại.

Đa số chúng ta phản ứng một cách vô thức theo cảm xúc của mình, rồi biện hộ rằng đơn giản đó chỉ là những cảm xúc của cá nhân mình. Tất cả chúng ta đều làm thế. Có nhiều chiếc xe ở Mỹ được dán các câu như: "Bất cứ điều gì đem lại cho ta sự thoải mái, thì điều đó hẳn là đúng". Nói như thế không những là dại mà còn nguy hiểm nữa.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy các cảm xúc đã được coi quan trọng như thế nào. Chừng nào tâm ta chưa trở thành tâm Pháp, tất cả chúng ta đều rơi vào cái bẫy đó. Giờ chúng ta có cơ hội thực hành một phương pháp mới. Các cảm xúc đều vô thường và tùy thuộc vào chỗ tâm trụ vào. Như thế thì chúng có tầm quan trọng gì ngoài việc dấy khởi và hoại diệt? Dĩ nhiên là không phải lúc nào ta cũng nhớ áp dụng phương pháp mới nầy, nhưng ít nhất chúng ta đã có được một phương cách mới để đối phó với các cảm xúc, để rồi dần dần nó sẽ trở thành một phần đời sống của ta. Khi không có gì xảy ra quanh ta, khi ta có thể ngồi im lặng, ta dễ đón nhận các phương pháp mới để quán sát bản thân. Thật ra không có gì khó, khi buông bỏ một cảm xúc nầy để chú tâm đến một cảm xúc khác. Nhưng chúng ta cần mang khả năng nầøy áp dụng ở công sở, ở nhà riêng, những nơi mà ta có thể bị trách mắng hay đòi hỏi ta phải tuân theo ý họ. Khi chúng ta đã có thể huân tập đi, huân tập lại khả năng này trong lúc hành thiền, thì nó cũng trở nên dễ dàng hơn ở các nơi chốn khác. Chúng ta sẽ không còn bị các cảm xúc và các phản ứng theo chúng chế ngự.

Thái độ này sẽ dẫn ta đến cánh cửa thoát ra khỏi luân hồi sinh tử trong quy trình duyên khởi: đó là sự thực tập buông xả các cảm xúc, thay vì 'cái thích' hay 'không thích' như thường lệ, hoặc đúng hơn là "tham" và "sân". Qua quán sát, chúng ta sẽ huân tập để có những sự chọn lựa thích hợp. Nếu chúng ta chọn Pháp, ta sẽ tìm thấy được sự an bình, thanh thản trong nội tâm.

THAM VẤN

Thiền Sinh (TS): Thưa có phải Ni Sư muốn nói rằng, nếu như con đang bị ngứa ở mắt, thí dụ vậy, mà con chuyển sự chú tâm đến mấy ngón tay, thì con sẽ không còn thấy ngứa ở mắt nữa?

Ayya Khema (AK): Nếu em có đủ chú tâm để buông cái ngứa mà hướng đến mấy ngón tay, thì vâng, đúng thế. Chúng ta vẫn thường làm thế trong khi hành thiền. Nếu có chỗ bị ngứa, và ta thấy là nó đang chiếm lĩnh đầu óc, thì ta có thể buông, không để ý đến nó nữa, mà trở lại chú tâm vào hơi thở. Nếu chúng ta có thể trụ nơi hơi thở, cái ngứa sẽ tự tan biến đi. Rõ ràng là tất cả chúng ta đều có khả năng làm như thế.

TS: Thưa Ni Sư, phương pháp thiền này phải thực hành theo thứ tự từ trên xuống, qua từng điểm từng điểm?

AK: Đúng vậy. Bắt đầu từ trên đầu đi xuống đến dưới chân theo tiến trình tự nhiên. Nhưng ta không cần phải nhớ là bắt đầu từ tay trái hay tay phải trước; điều đó không quan trọng.

TS: Thưa, Ni Sư đã dạy rằng khi tâm bất an, ta không thể hành thiền, vì thế tốt hơn là quán sát xem các cảm xúc đó từ đâu đến. Thí dụ như khi ta đang thực hành theo phương pháp nầy thì các cảm xúc dấy khởi; có phải ý Ni Sư nói rằng nếu ta cứ đi tới, thì sân (hay bất cứ tình cảm gì) sẽ bị bỏ lại sau lưng? Vì chú tâm đã không còn ở nơi đó nữa, thì cảm xúc đó cũng qua đi?

AK:Đúng, nó sẽ qua đi. Tuy nhiên, chúng ta thường phản ứng theo cảm xúc. Khi sân nổi lên, thì ta chỉ biết nghĩ về cảm xúc đó, nên khó thể buông xả. Chúng ta cần biết buông tất cả những tình cảm vướng mắc này, để chuyển sự chú tâm đến điểm khác. Buông bỏ, để nó qua đi, và có thể tình cảm đó sẽ không phát khởi trở lại lần nữa. Nhưng nếu cảm xúc đó đã ăn sâu vào tiềm thức của ta, thì nó có thể phát sinh trở lại. Trong trường hợp đó ta lập lại tâm hành buông xả. Lúc đó ta không cần bận tâm xét hỏi nó từ đâu đến. 

TS: Thưa Ni Sư, vậy phương pháp nầy là buông xả, rồi chuyển chú tâm đến điểm kế tiếp. Giữ tâm hành theo phương pháp nầy, như thế ta không chú tâm vào sân hay bất cứ cảm thọ nào khác?

AK: Chúng ta phải nhận thức rõ ràng về sự có mặt của sân, rồi buông xả, bước tới. Đôi khi ta cũng phải mất một thời gian mới có thể thực hành buông xả.

TS: Câu hỏi này có thể hơi lạc đề, thưa Ni Sư, nhưng nó liên quan đến các cảm xúc mãnh liệt. Thí dụ khi bàn về sân, con nhận thấy rằng, dầu ta có thể buông bỏ ý nghĩ đó để không còn phải chú tâm đến 'tác động' ấy nữa, tuy nhiên có thể nó vẫn còn lại những tàn dư khiến cảm xúc đó phát khởi trở lại. Giống như năng lực hay một cảm giác vật lý.

AK:Đó là những xáo trộn ở nội tâm; cảm xúc đã phát khởi mà ta chưa giải tỏa được. Ở đây ta cũng có thể áp dụng cùng phương pháp: đừng chú tâm đến cảm giác buồn giận đó nữa, thay vào đó hãy chuyển thành tâm từ đối với bản thân hay cho ai đó mà ta cảm thấy muốn ban phát từ tâm. Nói cách khác, hãy chuyển sự chú tâm. Nếu ta cứ trú tâm vào sự phiền não, thì ta lại sinh ra thêm giận hờn. Chúng ta cần nhận biết đó là tâm uế nhiễm để chuyển hóa.

TS: Giống như khi một đứa trẻ đang khóc, ta chỉ cần dỗ để đứa trẻ hướng đến cái gì khác, thì đứa trẻ quên ngay, không khóc nữa. Có phải Ni Sư ý bảo chúng ta cũng giống như thế?

AK: Đúng vậy.

TS: Dựa vào những gì đã giảng, Ni Sư nghĩ khía cạnh nào là hữu ích nhất cho cuộc sống hằng ngày, trong môi trường lao động của con. Tinh thần con rất căng thẳng, do phải làm nhiều việc lao động chân tay. Ni Sư có nghĩ là áp dụng phương pháp nầy sẽ giúp con giảm bớt căng thẳng.

AK: Có phải vì căng thẳng nơi tâm, sinh ra căng thẳng nơi thân?

TS: Thưa không, nhưng khi con cảm thấy căng thẳng ở tâm thì con thấy khó thư giãn hơn sau những lúc làm việc cực nhọc.

AK:Cách xử dụng phương pháp này tốt hơn hết là phải thực hành mỗi ngày; Sư khuyên mọi người nên thực hành phương pháp nầy ít nhất một lầøn trong ngày. Chúng ta cần thường xuyên thanh tịnh hóa nội tâm, giống như mỗi sáng ta đều tắm. Nếu ai cảm thấy với phương pháp nầy dễ trụ tâm hơn là theo dõi hơi thở, thì hãy áp dụng vào tất cả các thời tọa thiền. Phương pháp là phương pháp, và phương pháp nầy cũng đưa đến tâm định giống như phương pháp theo dõi hơi thở. 

Cảm thọ mà em gọi là căng thẳng, em có thể nhận diện nó khi nó phát khởi lên, rồi chuyển tâm đến các cảm xúc khác như lòng bi mẫn, hỷ xả đối với tha nhân, có nghĩa là em đã buông bỏ cảm giác căng thẳng. Nếu không áp dụng được cho bản thân, thì hãy hướng đến người nào mà em thật sự yêu quý, hoặc hoan hỷ với người may mắn, với người luôn cảm thông với nỗi đau khổ của mọi người.

Khi căng thẳng phát khởi, em cũng có thể truy tìm nguyên nhân của nó. Nguyên nhân thông thường nhất có lẽ là do sợ hãi. Khi đã biết nguyên nhân, ta có thể cố gắng diệt bỏ các lý do tiềm ẩn đó. Bằng công phu quán tưởng, không nhất thiết liên hệ với phương pháp nầy, nhưng cũng rất hữu ích.

TS: Xin Ni Sư cho biết nguồn gốc của phương pháp thiền nầy?

AK:Phương pháp nầøy có tên là vedananupassana, pháp quán cảm thọ, thuộc tứ niệm xứ. Đã được truyền đến chúng ta qua các vị thầy và các trung tâm thiền ở Miến Điện. Những phương pháp này tổng hợp các lời dạy của Đức Phật.

TS: Khi quán chiếu sâu xa các cảm xúc của mình, con không chấp nhận hay phản ứng theo chúng. Theo truyền thống Tây Tạng, người ta cho rằng tư tưởng và cảm xúc là một cách tự giải toả. Người ta không coi chúng là chướng ngại.

AK: Khi nhận biết các cảm thọ mà không phản ứng là đã tự giải rồi.

TS: Dạ đúng vậy. Có thể phải qua một thời gian trước khi đạt được đến đó, vì chúng ta có thể xao lãng, lạc hướng. Nói đến vipassana, là một phương pháp hành thiền hữu hiệu, giúp ta quán sát các cảm thọ, và nguyên do của chúng, đào xới đến tận các cội rễ sâu xa. Nhưng thực sự ra là ta đang thực hành chánh niệm. Con đang cố gắng làm rõ những chi tiết nầy trong truyền thống của Ni Sư với truyến thống (TâyTạng) của chúng con, để hiểu rõ hơn.

AK: Sư khuyên em hãy chấp nhận những gì em nghe ở đây và cố gắng thực hành. Sau khi đã thực hành, em sẽ không còn có những thắc mắc như hiện nay. Có lẽ sau vài ngày nữa, những điều giải thích của Sư sẽ rõ ràng hơn, vì em đã có kinh nghiệm thực hành. Sau nầy em có thể dễ dàng hoà hợp hai truyền thống lại với nhau.

Trong lần tọa thiền tới, tất cả có thể tự ứng dụng phương pháp này, rồi quý vị sẽ hiểu rõ hơn thế nào là nhận biết các cảm thọ của mình, và buông bỏ chúng. Thực hành quán thọ trên thân nhanh hay chậm tùy theo sức mình. Có ai hoàn toàn không có cảm xúc, cảm thọ gì không?

TS: Con bị đau. . . ở lưng, tức ngực; đau rất nhiều. Lúc nào cũng đau, nên dầu gì con cũng ý thức về chúng. 

AK:Vậy em có cảm giác ở môi miệng không?

TS: Dạ. Con ý thức về tất cả mọi phần trên thân, nhưng không có cảm xúc nào khác cả. Vì bị đau nhiều, con không thể cảm nhận được gì khác hơn là sự đau đớn.

AK: Em không thể buông bỏ sự đau đớn, dù chỉ trong giây lát?

TS: Con đã cố gắêùng suốt hai ngày nay.

AK:Đau không lúc nào dứt? Lúc đứng lên, cũng vẫn còn đau?

TS: Dạ, vẫn còn đó, nhưng càng ngồi lâu, càng đau nhiều hơn. Lúc nào cơn đau cũng hành hạ con.

AK:Khi em vừa ngồi xuống, có bị đau ngay không?

TS: Dạ, không phải ngay lập tức. Nhưng càng ngồi lâu, càng đau hơn.

AK: Vậy em nên thực tập phương pháp này vào buổi sáng sớm. Ngồi tới chừng nào không chịu nổi thì thôi. Nếu quá đau đớn, cũng không thể tập trung vào hơi thở đâu. Sư sẽ hướng dẫn cho em chi tiết hơn để được giảm đau hoặc là hết đau.

TS: Thưa Ni Sư, còn con, khi tập phương pháp này, bị nhức đầu.

AK:Có hai loại nhức đầu. Một loại do cố gắng quá sức, sinh ra căng thẳng. Loại nữa là do suy tưởng nhiều quá, chứ không phải do thiền.

TS: Con bị như thế đó. Con bị những cơn nhức đầu nhẹ vì muốn đốt giai đoạn, con tưởng nghĩ đến lưng hay lòng bàn tay. Và con chú tâm vào những điều con tưởng tượng ra, chứ không phải là bàn tay con thực sự.

AK:Đó là một quá trình không đơn giản.

TS: Dạ. Tự động con làm như vậy, dầu con biết là mình không nên làm như thế. Làm sao con dừng lại? Có lẽ tâm con hay phác họa, lúc nào chúng cũng sẵn sàng phát khởi.

AK: Vậy sao em không đặt tâm vọng tưởng đó vào ngay tay mình?

TS: Thỉnh thoảng con cũng làm thế, nhưng vọng tưởng lại hiện lên. Cứ đảo qua đảo lại từ các cảm thọ rồi . . . 

AK:Sư hiểu những khó khăn em phải trải qua, nhưng kinh nghiệm đó cũng khá đặc biệt, vì đa số với tâm hay vọng tưởng thì thường họ phải tưởng trước rồi cảm xúc mới phát sinh. Nhưng vì em không có cảm xúc gì, nên vọng tưởng lại trở về với tâm.

TS: Giống như điện -nó xảy ra chớp nhoáng. Ngay khi con vừa di chuyển tâm từ điểm này đến kia, thì lập tức những hình ảnh bật lên thay vì một điểm kế tiếp, vì thế lúc nào con cũng dựng lên các ảo ảnh.

AK:Em có thể tưởng tượng như thể mình đang vẽ từng phần của thân lên một khung vải không? Hãy thử làm như thế xem, và giữ tâm ở từng phần của thân để quán sát xem cảm thọ gì đã dấy khởi.

TS: Con nghĩ là con hiểu ý Sư. Con cũng đang thử nghiệm như thế, bằng cách đặt chính những phần của thân vào hình ảnh mà con tạo ra cho chúng. Nhưng đôi khi rồi cuối cùng con cũng lại chú tâm vào bàn tay của minh hay gì đó.

AK: Cách đó quá phức tạp. Hãy áp dụng một phương thức đơn giản hơn. Em đã biết các bộ phận của thân ở đâu, ra thế nào. Tâm em hay phác họa, vì thế hãy để tâm phác họa ra cánh tay như thật, rồi theo từng điểm trên cánh tay đó, ghi nhận các cảm giác. Em đang làm rối thêm việc hành thiền của mình một cách vô ích.

TS: Con có thể áp dụng phương pháp này khi nằm không?

AK: Như thể dễ ngủ lắm. Có lẽ khi thức giấc, em sẽ biết tại sao không nên làm thế!

TS: Trở ngại của con lại là khi con áp dụng phương pháp này, con thường bị vọng tâm. Các suy nghĩ cứ dẫn con đi. Con cố dừng chúng lại, rồi bắt đầu lại từ điểm khởi đầu, do đó khó khi nào con có thể hoàn tất cả thân.

AK:Khi em bị vọng tâm, muốn quay trở lại, thì trở lại ở khoảng gần nơi mình đã bị gián đoạn. Không phải bắt đầu trở lại từ điểm đầu tiên mỗi lần như thế.

TS: Thưa Ni Sư, có phải có một phương pháp trong Nguyên thủy, là thay vì chuyển sự chú tâm đến đối tượng khác, thì trụ tâm vào cảm thọ, dầu đó cái đau ở thân hay sự sân hận?

AK:Đức Phật dạy rằng trước hết chúng ta phải tập chuyển hóa tâm, đến khi không cần chuyển đổi nữa thì ta có thể buông sân hận, khổ đau ngay. Giai đoạn thứ ba là khi sân hận giảm dần đến độ ta không còn tâm sân hận nữa. Đầu tiên là chuyển hoá, kế tiếp là buông bỏ, sau là thanh tịnh hóa dần. Đức Phật cũng dạy rằng ta càng để cho mình dễ sinh nóng giận, thì gốc của sân càng sâu dày hơn trong tâm; như thế càng khó diệt bỏ vì gốc rễ của nó đã quá sâu dầy. Ngay giây phút tâm sân hận vừa khởi lên, ta cần phải tìm cách tốt nhất để đối phó với nó.

TS: Con thì lại không thể di chuyển từ điểm nầøy qua điểm khác. Con không thể chú tâm. Con chỉ có thể chú tâm đến hết phần đầu là nhiều nhất. Do đó con khởi sân vì sự yếu kém của mình, rồi sân hận trở thành điểm chú tâm của con.

AK:Vậy em có buông xả được tâm sân không?

TS: Thưa không.

AK: Em đã sân hận suốt cả buổi tọa thiền sao?

TS: Vâng, . . . có lẽ vậy. 

AK:Em có đổ lỗi cho ai, cho điều gì không?

TS: Con chỉ tự trách mình.

AK: Điều đó không tốt, cũng giống như đổ lỗi cho người khác. Vấn đề chính là em phải chấp nhận cảm xúc của mình, rồi thay thế nó bằng một tình cảm tốt đẹp hơn.

TS: Con đã không nghĩ ra điều đó.

AK:Một phương pháp chỉ hữu hiệu khi ta nhớ thực hành.

TS: Thưa Ni Sư, ngay giữa lúc đang thiền quán, có thể chuyển sang tâm từ sao?

AK: Đúng vậy. Khi ta không thể chuyển tâm trở về với đề mục thiền quán, thì phải thay thế tâm sân bằng tâm từ càng nhanh càng tốt. Muốn đạt được kết quả từ những lời dạy của Đức Phật, chúng ta phải trải qua ba giai đoạn. Trước hết phải học pháp, rồi ghi nhớ, cuối cùng là áp dụng. Làm được như thế rồi, ta sẽ đạt được tuệ giác từ sự thực hành.

Có ai cảm thấy buồn nôn trong buổi hướng dẫn tọa thiền này không? Đó là phản ứng mạnh nhất có thể xảy ra cho ta, và là kết quả của sự chú tâm rốt ráo.

TS: Con thực sự đã có cảm giác đó.

AK:Điều đó chưa bao giờ xảy ra cho ai, nhưng có cảm giác muốn nôn mửa là dấu hiệu của một sự tẫy uế rốt ráo, cũng như khi phải khiêng dọn bao rác rưới ra ngoài cùng một lúc. Cảm giác này thường không xuất hiện trở lại. Nó được coi là một dấu hiệu rõ ràng của sự thanh tịnh hóa. Có ai ngoài các cảm giác, còn có những cảm xúc tình cảm nữa?

TS: Con không cảm thấy sân, nhưng có cảm giác buồn bãû, trống trải.

AK: Rất tốt, vì những cảm thọ bị dồn nén càng được khơi tỏa, chúng càng tan biến vào hư không. Khi chúng còn tồn tại trong ta, chúng kết hợp lại thành phiền não. Chúng ta càng dọn sạch, càng thấy nhẹ nhàng, trống trải hơn.

TS: Con lại cảm thấy hai bên hông rất khác nhau -không hẳn là hai phần tách biệt, chỉ là khác. Một bên có cảm giác mênh mông, một bên thì trơ ra.

AK: Khi thực hành trở lại, em hãy lưu ý xem có cảm thấy gì có thể là rào cản không? Nếu có, Sư sẽ hướng dẫn em cách đối trị.

TS: Con cảm nhận khối lượng ở khắp nơi.

AK:Chúng ta cần phân biệt giữa ý nghĩ và cảm xúc. Làm sao em cảm thấy khối lượng? Chúng ta có thể cảm thấy cô đọng, dồn nén. Có thể cảm thấy sự rắn chắc, hay kích cỡ. Chúng ta có thể thực sự cảm nhận không gian. Có người không cảm thấy gì cả trên da; họ phải bắt đầu bằng sự xúc chạm, như là sự xúc chạm với áo quầøn. Rồi tới sự xúc chạm trên da; sau đó họ mới cảm thấy gì đó bên trong, như là sự mềm mại hay cứng rắn, hay gì đó. Khi chúng ta cảm nhận về kích thước, có một sự giới hạn.

TS: Con cứ qua lại giữa cảm giác và hình ảnh của con về cảm giác đó. Đó là chướng ngại của con. Con vừa cảm nhận cánh tay, vừa cảm nhận hình ảnh trong đầu con. Cứ đảo qua, đảo lại như thế.

AK:Tăng thêm sự chú tâm sẽ giải quyết vấn đề.

TS: Con thì không có kiên nhẫn. Con trông cho mau chấm dứt.

AK:Có lẽ em có ý niệm về một sự thành tựu, là điều cũng bình thường. Chúng ta cố gắng hết sức, có càng nhiều chánh niệm càng tốt, chỉ có thế. Không có gì để đạt được, không có gì để hoàn tất. Không có đúng sai; chỉ có sự biết.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]