III. Tưởng Uẩn (Saññākkhanhdha):
Chúng sanh tham ái dính mắc vào tưởng (tri giác) thì được gọi là satta. Có sáu nhóm tri giác:
1. Tri giác về vật thấy.
2. Tri giác về âm thanh.
3. Tri giác về ngửi.
4. Tri giác về vị.
5. Tri giác về xúc chạm.
6. Tri giác về các pháp (sự vật).
Chữ tri giác hay tưởng có nghĩa là: “sự thấy”, “sự nhận ra” (ôn lại quá khứ nhận ra đối tượng). Khi thấy một hình sắc, tri giác về sự thấy khởi sinh như sau: “Đây là một con người, đây là một người đàn bà (hay đàn ông), dáng vẻ như vầy, thời gian là vào thời điểm đó, địa điểm là địa điểm đó...”
Khi nghe một âm thanh tri giác cũng khởi sanh tương tự như vậy. Khi một người nhớ lại đối tượng theo cách này thì nhóm tri giác (hay tưởng uẩn) của họ giải thích sai lầm rằng: Đây là một thực thể con người. Sự giải thích sai lầm này khởi sinh do tham ái, dính mắc vào tưởng uẩn. Đức Phật ví tưởng hay tri giác như ảo ảnh, một hiện tượng không thật nhưng hiện ra giống như thật. Như thấy ảnh ảo nước trên sa mạc, chúng ta tưởng có một ốc đảo hay vũng nước nhỏ trên sa mạc. Khi lái xe trong một ngày nắng, nhìn con đường từ xa như có nước lụt. Ở Ấn Độ, những con nai bị ảo giác, thấy nước ảo trong sa mạc mà tưởng là nước thật nên cứ đi mãi cho đến chết khát. Thực ra hình ảnh nước chỉ là ảo giác. Cũng vậy, chúng sanh lầm tưởng hình sắc, âm thanh, mùi vị và các pháp là đàn ông, đàn bà, súc vật v.v... Do lầm lẫn như vậy nên họ tham ái dính mắc vào cái tưởng sai lầm này. Một cá nhân được gọi là “satta” nếu họ tham ái dính mắc một cách mạnh mẽ vào tưởng hay tri giác.
Để loại trừ kiến thức sai lầm này, thiền sinh phải chánh niệm vào tất cả các hiện tượng vật chất và tâm khởi sinh qua sáu cửa giác quan. Khi thiền sinh đạt được mức định tâm cao, trí tuệ phát triển, sẽ thấy rõ nhân quả cũng như sự tương quan giữa các hiện tượng vật chất và tâm.
Cuối cùng, khi thiền sinh đã ghi nhận tốt đẹp sự tương quan nhân quả của vật chất và tâm thì họ sẽ thấy được sự diệt mất của vật chất và tâm. Kết quả là, những gì mà trước đây họ cho là trường tồn, vĩnh viễn: đàn ông, đàn bà, linh hồn, tự ngã v.v... bây giờ họ hiểu ra rằng chúng chỉ là ảo giác. Thiền sinh thấy tất cả hiện tượng vật chất và tâm sinh diệt mau chóng, và từ đó thiền sinh thấy rõ đặc tính của vô thường, khổ, vô ngã.
***Sắc như phù mạc (hoa đốm trên không), thọ như thủy bào (bong bóng nước), tưởng như ảo ảnh (ảnh giả), hành như hương giá (vỏ cây chuối), thức như ảo thuật (trò ảo thuật).