Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Vấn Ðề Tâm Vật Trong Ðạo Phật

15/11/201009:00(Xem: 8664)
6. Vấn Ðề Tâm Vật Trong Ðạo Phật


Vấn Đề Tâm Vật Trong Đạo Phật

Đạo Phật chủ trương nhất nguyên hay đa nguyên, duy tâm hay duy vật?
Đứng ngoài đạo Phật thì "vọng tưởng" rằng đạo Phật là nhất nguyên, là đa nguyên, là duy tâm hoặc là duy vật. Nhưng bước vào trong đạo Phật, trong rừng giáo lý -- để quan sát, người ta sẽ thấy một hiện tượng kỳ lạ. Là khi đứng về hướng nầy, người ta thấy đạo Phật chủ trương nhất nguyên, nhưng khi đứng qua hướng kia, lại thấy rỏ ràng đạo Phật chủ trương đa nguyên.
Rồi đứng trên miếng đất nầy, người ta thấy đạo Phật chủ trương duy tâm, nhưng đứng sang miếng đất khác, thì rỏ ràng là đạo Phật chủ trương duy vật.

Quả thật là một sự kỳ lạ. Kẻ nóng tính nghe như thế sẽ bực mình và sẽ cho đó là một lối chủ trương ba phải. Nhưng không. Đứng về phương diện triết học, đạo Phật có những hệ thống lý thuyết rất phong phú, mà tất cả đều đi đến một sự nhất trí vô cùng hoàn mỹ.

Nhiều người nghe câu kinh "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" liền chỉ ngay đạo Phật mà bảo rằng: Ấy đấy, đạo Phật duy tâm rõ ràng, còn chối cãi gì nữa. Thực ra, đạo Phật có chối cãi đâu. Đạo Phật chỉ giảng giải rằng chữ Tâm của đạo Phật không phải như chữ Tâm của thế gian, của triết học. Phật học là một môn Tâm học. Nhưng tâm ở đây không phải là linh hồn, là tất cả những hiện tượng tâm lý, và "tâm học" của đạo Phật rất khác xa "tâm lý học" của triết học vậy.

Cũng có kẻ thấy đạo Phật chủ trương bác bỏ thuyết linh hồn tồn tại độc lập (điểm này có thể làm nhiều bạn giật mình), không công nhận tạo hóa, thì lại chỉ vào đạo Phật mà bảo rằng: Ấy đấy, đạo Phật duy vật rỏ ràng, còn chối cãi gì nữa. Thực ra, đạo Phật có chối cãi đâu. Đạo Phật chỉ giảng giải rằng cái mà người ta gọi là linh hồn ấy, đạo Phật gọi ý và thức, và khi xác thân tiêu hoại, ý và thức ấy không còn tác dụng nữa, nghĩa là không sinh hoạt như một hồn ma bóng quế như giới ít học hiểu lầm.

Chủ nghĩa duy vật là một chủ nghĩa cho rằng thực tại chỉ là vật chất. Vũ trụ, nhân loại và sinh vật đều là vật chất, nói một cách tinh vi hơn, đều có một nền tảng chung là vật chất. Cả đến phần tinh ba nhất của loài động vật là tư tưởng, là cảm tình cũng đều do nền tảng vật chất mà có. Những tư tưởng và tình cảm ấy không thể phát hiện nếu không có vật chất. Tinh thần cũng là sản phẩm thượng hạng của vật chất, duy có tinh tế hơn những sản phẩm khác như đường, như mật, như sinh tố, như thần kinh hệ... mà thôi.

Người chủ trương duy vật thường lý luận rằng: chỗ nào không có vật chất thì không thể có tinh thần, do đó tinh thần là do vật chật mà có, tinh thần là một thuộc tính của vật chất.

Ta không cần phải mất thì giờ để bác bẻ cái quan niệm nông cạn và thiên lệch này trong khi mọi người đã thấy cái vô lý của nó rồi. Tuy nhiên cũng cần nói rằng duy vật luận chỉ chú trọng đến phần ngoại giới, xao lãng hẳn phần nội giới phong phú sâu xa mà ở đây nhà khoa học chỉ có thể rọi vào những tia sáng ngắn ngủi nhất. Mà dù người duy vật có để ý đến nội giới đi nữa thì vẫn xem nội giới như một đối tượng tầm thường như bao nhiêu đối tượng vật chất khác, dù nhà duy vật cho nó là "một hình thức tinh tế nhất của vật chất". Tinh thần tự đối tượng hóa đã là một việc khó làm, mà tinh thần tự cho mình là thuộc tính của vật chất lại là chuyện khó nghe. Đời thuở nào lại có một thứ thuộc tính kỳ quái có thể "biết" mình là thuộc tính của vật chất!

Còn bảo rằng "chỗ nào không có vật chất thì không có linh hồn" cũng thật lạ lùng. Làm như tai mắt người có thể "thấy" được thứ tinh thần tồn tại độc lập vậy. Tai mắt ta chỉ nhận được sự hiện hữu của tinh thần nhờ những dấu hiệu vật chất. Tinh thần vẫn hiện hữu, nhưng ta không nhận được sự hiện hữu đó nếu ta không nhờ một vài dấu hiệu vật chất, cũng như lúc nào cũng có làn sóng điện, và những âm thanh chở trên các làn sóng điện ấy, nhưng ta chỉ nhận được sự hiện hữu của các âm thanh được chở trên các làn sóng kia nếu ta có một chiếc máy thu thanh.

Vậy thì nhà duy vật đừng bắt ta đi tìm tinh thần ở chỗ không có vật chất. Nhưng nói thì nói thế thôi, chứ đạo Phật cũng không nhận rằng có thể có cái "hiểu biết" (cái mà thế gian gọi là cái hồn) tồn tại ngoài xác thân loài động vật. Lát nữa ta sẽ hiểu điểm này.

Chủ nghĩa duy tâm chủ trương ngược lại rằng vật chất không phải thực có, vật chất không tồn tại ngoài ý thức chủ quan của con người. Chỉ có ý thức chủ quan là thực tại, còn bao nhiêu cái khác đều là sản phẩm của ý thức chủ quan, đều là những biểu tượng của ý thức, gọi tắc là những "ý tượng". Duy tâm luận chủ trương ngoài tâm lý của mình không còn gì cả; vũ trụ, thế giới, những người khác và chính tâm ý của những người khác cũng không thực tại.

Người duy tâm cũng như những người duy vật cố tình phủ nhận một mặt của sự thực; người duy tâm cố tình là ngơ không nhận những ảnh hưởng và những tác động của vật chất của sinh lý trên tư tưởng và tâm lý của mình. Những loài hữu tình sống xung quanh ta cũng có những cảm tình, những tư tưởng, nói tóm lại, một tâm lý chủ quan của họ. Trong sinh hoạt thường nhật ai không nhận rỏ điều đó. Ta không thể chỉ công nhận có sự tồn tại của tâm ý riêng ta.

Đạo Phật không vướng vào duy tâm, không vướng vào duy vật, nhưng cũng không phải một nhị nguyên thuyết. Duy thức học đạo Phật chủ trương rằng ngũ uẩn tức là toàn thể những hiện tượng vật lý, tâm lý (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), đều là những thứ phát hiện của "chủng tử" tiềm lại trong A Lại Gia Thức (Alaya - vinnana) mà thôi.

Những hiện tượng tinh thần hay vật chất (sắc pháp hay tâm pháp) đều là đứng về thế hiển phát. Khi chưa hiển phát, chúng đứng về thế tiềm tàng. Đứng về thế tiềm tàng, chúng gọi là "chủng tử" (danh từ của duy thức học). Đứng về thế hiển phát chúng gọi là hiện hành. Chủng tử sinh hiện hành, hiện hành trở về chủng tử, chủng tử là hiện hành, hiện hành là chủng tử, sự phát hiện nầy được tiếp diễn không ngừng.

Điểm này đòi hỏi chúng ta nhiều kiến thức về duy tâm học. Ở đây chúng ta chỉ lược qua đại cương. Chủng tử là một thứ "năng lực" làm bản chất cho tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý, nghĩa là cho mọi hiện hành. Mà toàn thể chủng tử nằm gọn trong A Lại Gia Thức, hoặc nói một cách khác, toàn thể chủng tử là A Lại Gia Thức. Vậy A Lại Gia Thức là căn bản cho mọi hiện tượng tâm và vật .

Mỗi hiện tượng (tâm lý hay vật lý cũng vậy) khi tàn hoại thì trở về chủng tử để rồi phát sinh hiện hành khác. Nói thế cho dể hiểu, kỳ thực vì mỗi hiện hành sinh diệt trong từng giây phút, nên hiện hành luôn luôn trở về chủng tử và chủng tử luôn luôn trở về hiện hành. Sự liên tục mau chóng quá đến nổi ta không nhận ra kịp đó thôi.

Các hiện hành sinh khởi cách nào? Sinh khởi theo luật tương quan tương duyên (loi d’interdépendance). Ví dụ: ý thức, lý trí, tình cảm sinh khởi nhờ nương vào các hiện tượng sinh lý vật lý. Nương vào để được phát sinh mà thôi, chứ không phải các hiện tượng sinh lý vật lý "sinh ra" các hiện tượng tâm lý. Hiểu như thế, ta không còn cho tâm sinh lý, hay vật sinh tâm nữa. Chúng nương vào nhau mà tương thân tương thành, và do chủng tử ở A Lại Gia. Chủng tử là "thân nhân duyên" nghĩa là những nhân chính, còn các hiện tượng giúp chúng phát sinh thì gọi là "tăng thượng duyên" nghĩa là các điều kiện thuận lợi giúp cho sự phát sinh ấy.

Nguyên nhân chính của mọi hiện tượng, như thế, tức là chủng tử. Nhưng gọi là nguyên nhân cũng không đúng hẳn; phải gọi là bản chất. Vậy chủng tử trong duy thức học được xem như là một thứ "năng lực" làm nền tảng cho cả hai loại hiện tượng tâm và vật.

Tất cả chủng tử, hiện hành gom góp chung lại gọi là A Lại Gia.

Sau khi thân xác tiêu hoại, thiếu điều kiện để "hiện hành", các hiện tượng tâm lý trở về tiềm thức nơi A Lại Gia. Như thế, không có một linh hồn tồn tại ngoài thể xác. Cái tác dụng tinh thần kia, sự hiểu biết phân biệt yêu ghét kia không hiện hành nữa, thì sao gọi là có linh hồn được. Tuy nhiên A Lại Gia Thức sẽ biến chuyển, chín muồi, để đem tất cả năng lực chủng tử mà phát hiện ra một thế giới mới, một hoàn cảnh mới, một sinh mệnh mới.

Nghe nói thế, có người sẽ cho rằng đạo Phật đã rơi vào duy tâm. Nhưng không, không có một A Lại Gia tồn tại độc lập. Mà có nhiều A Lại Gia của nhiều chúng sinh. A Lại Gia này tồn nhờ sự hiện tồn của A Lại Gia khác, và các A Lại Gia khác cũng tồn tại nhờ A Lại Gia này. Tất cả đều vâng theo luật tương quan tương duyên mầu nhiệm.

Ý thức chủ quan của ta nằm gọn trong A Lại Gia ta. Thế giới khách quan tồn tại ngoài ý thức ấy, nhưng không phải chỉ là một thế giới hiện hành của riêng A Lại Gia ta, mà là một thế giới hiện hành do vô số A Lại Gia cọng đồng kiến tạo. Điểm này ta sẽ thấy rỏ ràng trong giáo lý tự biến cọng biến của duy nghiệp luận. Chỉ khi nào A Lại Gia trong sạch, sáng suốt do công phu tinh luyện mà trở thành Đại Viên Cảnh Trí, nó mới tách rời ra khỏi sự cọng đồng ấy và thể nhập về biển Bản Thể vô cùng rộng lớn thanh tịnh và sáng suốt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]