Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III

29/10/201016:09(Xem: 5875)
Chương III


CHƯƠNG III

Ngả tâm linh

Có nhiều ngườiđi chùa nhưng họ đến để tìm một cái gì đó không liên quan đến việc tỉnh thức tâm linh.

Người Tàu đến chùa cúng Phật rất nhiều, để cầu buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt hoặc xin xâm xin quẻ, nếu được quẻ tốt thì mừng cúng Phật nhiều, nếu gặp quẻ xấu thì buồn bã bỏ về. Đến chùa khấn vái xin xỏ như thế thì chùa có khác gì đình miếu. Nhưng khổ nỗi chính những hạng "Phật tử" như thế mới giúp cho chùa khá giả. Người Việt Nam hiểu Đạo hơn nên "Tu" cũng khá hơn, đến chùa tụng kinh lễ Phật, học Đạo nghe pháp, làm công quả.

Tụng kinh nhiều thì cho là mình tu nhiều, tu khá, hết tụng kinh bổn đến tụng kinh bộ, hết bộ này đến bộ khác. Lạy Phật thì lạy xong ngũ bách danh, đến tam thiên rồi vạn Phật, cho rằng lạy nhiều chừng nào thì tiêu tội chừng nấy.

Học Đạo nghe pháp cốt để áp dụng tu tâm sửa tánh, nhưng không như thế mà lại dùng kiến thức để phân biệt Thầy này hay Thầy kia dở.

Thay vì làm công quả để học hạnh xả thí, lại làm công quả để kiếm điểm với Thầy trụ trì.

Khá hơn là những bậc xuất gia, từ bỏ nhà cửa vợ con đi tu. Nhưng một thời gian sau lại bám víu vào ngôi vị đạo đức của mình. Nói đến đây tôi nhớ lại chuyện của Tổ Huệ Khả. Trong 33 vị Tổ Thiền Tông, tôi thán phục nhất vị Tổ này, dám xả thí thân mạng, chặt tay cầu Đạo. Là người kế thừa Tổ Đạt Ma, sau cùng dám xả luôn ngôi chùa, bỏ luôn chức Tổ, chức Hoà Thượng, lăn xả vào chợ, đi vào cuộc đời để tự thử thách mình, tự chứng nghiệm và độ một tầng lớp khác.

Người tu không khéo thường hay mắc phải bệnh "ngã tâm linh" (égo spirituel). Mới biết tu một chút cho là mình đạo đức. Tu hành chăm chỉ, được bao nhiêu công đức đều bị cái ngã hốt hết.

Tuy là một tu sĩ nhưng tôi không ưa chữ tu chút nào. Tôi đã một lần bày tỏ trong quyển Bố thí ba la mật. Tu đâu phải là làm những điều hình thức bên ngoài, đâu phải tính năm cộng tháng vào chùa. Khoác áo cà sa mà không hiểu bài học thương yêu, giảng nói từ bi mà chỉ biết ích kỷ củng cố địa vị đạo đức của mình. Ngạn ngữ có câu: "Chiếc áo không làm nên Thầy tu" kia mà! Đối với tôi, tu là tập sống với tâm linh. Chữ tâm linh (spirituel) khác với vật chất (matériel). Tâm linh là tánh linh thiêng của con người, có thể gọi đó là Thượng Đế, Phật tánh hay Chân ngã... điều đó không quan trọng. Điều quan trọng đầu tiên là ta có biết đến tâm linh của mình hay không? Biết sống thật với tình cảm, nội kết của mình hay không? Hay là chỉ thích đóng kịch, mượn danh nghĩa chữ tu để khoe khoang mình là người đạo đức.

Tôi tu vì tôi không phải là người đạo đức. Tôi tu vì tôi còn nhiều nội kết chưa được giải tỏa, còn nhiều bài học ở đời mà tôi chưa hiểu. Tôi tu vì tôi hãy còn phân biệt tốt xấu, ưa ghét. Hơn nữa bây giờ tôi không chắc là tôi còn tu theo ý nghĩa phổ thông nữa không, nhưng tôi biết là tôi muốn sống thật. Sống thật với chính mình, với cả tâm hồn và thể xác của mình. Tôi không muốn làm Thầy ai cả, nếu muốn thì chỉ làm Thầy chính mình mà thôi.

Có nhiều người chỉ thích đóng vai Thầy và muốn học trò hay đệ tử đóng mãi vai học trò đệ tử. Nhưng Thầy nào trò nấy, cũng có người thích đi tìm một vị Thầy, một đấng tôn sư bên ngoài để thờ phụng tôn kính.

Theo tôi, một vị Thầy thật (chân Sư) là người dạy cho đệ tử nhận ra ông Thầy của chính mình bên trong (le maître intérieur). Đức Phật là một chân Sư, ngài thành Phật và dạy cho chúng ta khai triển Phật tánh của mình để thành Phật như ngài. Đức Phật đâu có muốn bị đúc tượng ngồi yên trên bàn thờ cho chúng ta hì hụp lạy ở dưới.

Nhân Quả

Luật nhân quả là một thuyết khá quen thuộc đối với người Việt, nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến một cái nhìn khác.

Tới bây giờ, nhân quả thường được hiểu như một luật thưởng phạt công bình: "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ" hoặc "gieo gió gặt bão" v.v... Bởi thế nhiều người đâm ra sợ luật nhân quả và nhờ đó mà họ không dám làm ác, vì làm ác sẽ bị quả báo xấu mai sau. Hoặc ngược lại, có người cúng dường bố thí thật nhiều để mai sau thọ hưởng phước báo.

Luật nhân quả đúng là gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy, nhưng theo tôi nó không phải chỉ là luật thưởng phạt mà là một luật cần thiết cho sự tiến hoá của con người.

Đức Phật có nói: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật thọ ký cho các đệ tử sau này ai sẽ thành Phật hiệu là gì, ở cõi nào v.v... Như vậy ta thấy không những đệ tử của Phật sẽ thành Phật mà tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật, dù phải trải qua vô lượng số kiếp.

Cuộc đời là một trường học lớn (Đại học đường), gồm đủ mọi lớp từ thấp lên lao, từ mẫu giáo, tiểu học, trung học lên đến đại học. Con người cũng đủ mọi tầng lớp: giàu có, nghèo khổ, hiền lành, hung ác, thông minh, đần độn, v.v... Sinh ra ở đời tức là đã ghi tên và được nhận vào Trường Đời rồi. Bổn phận của học sinh là phải học giỏi, hiểu nhanh để lên lớp. Nếu lười học, trốn học rong chơi, tâm trí u độn thì sẽ bị ở lại lớp, học đi học lại bài cũ nhiều lần đến khi nào hiểu thì mới được lên lớp.

Khi đã học hết tất cả lớp của Trường Đời rồi thì không cần phải ghi tên học lại làm gì nữa. Đó là trường hợp của bậc thánh nhân như Phật, Chúa và các vị Đạo Sư.

Mục đích chân chính của người đời là phải học hỏi để hiểu và tiến hoá đến mức toàn thiện. Bài học cao quý nhất cần phải hiểu là bài học "thương yêu". Thương yêu chính mình và kẻ khác. Danh từ trong Đạo gọi là từ bi. Nhưng thương yêu cũng phải biết cách, không nên thương yêu theo kiểu ái luyến ích kỷ thường tình. Vì vậy cần phải học thêm bài học "hiểu biết" mà danh từ Đạo Phật gọi là trí huệ.

Hiểu biết để thương yêu, thương yêu để có hạnh phúc. Hiểu biết ở đây không phải là loại trí khôn biết về chính trị, kinh tế, thương mại, kỹ thuật, v.v... Có nhiều người học giỏi, đậu bằng cấp cao về những bộ môn trên, nhưng để làm gì chứ? Để đi làm kiếm ăn, nuôi gia đình hay dùng nó vào việc ích kỷ hại nhân.

Ở đời, dù giàu hay nghèo, khôn hay dại, ai ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc. Quả thì muốn mà nhân thì không biết gieo. Hoặc gieo nhân ác mà cứ muốn quả lành. Tìm hạnh phúc mãi không thấy, chỉ thấy khổ đau. Khổ quá bèn tìm đến Đạo. Đạo dạy gì? Dạy luật nhân quả: gieo nhân nào thì gặt quả nấy.

Ta đau khổ thất tình vì bị người yêu ruồng bỏ, ta đâu có ngờ trong nhiều kiếp trước vì không biết thương yêu ta đã ruồng bỏ người. Là nạn nhân của chiến tranh, nhà tan cửa nát, vợ con thất lạc, ta hận đối phương tàn ác dã man. Ta đâu có nhớ trong nhiều kiếp trước vì không biết thương yêu ta đã tàn sát kẻ địch không gớm tay.

Trong kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, bài kệ thứ nhất nói:

Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tác tạo
Nếu với tâm ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.

Nguyên nhân đưa đến khổ đau, không phải hoàn cảnh, không phải người khác, mà chính tự nơi mình. Vì mải chạy theo vật chất, bỏ quên tâm linh, không biết luật nhân quả, không học sống thương yêu. Do đó phải chìm nổi lênh đênh trong biển khổ luân hồi, trở đi trở lại Trường Đời để học đi học lại bài học nhân quả, bài học thương yêu.

Có nhiều bậc cha mẹ thương con nhưng không biết dạy con, nuông chiều thả lỏng con cái. Đưa con đến trường phó mặc cho giáo sư dạy dỗ. Nhưng ở trường học thời nay, người ta chỉ dạy cho có bằng cấp, có nghề trong tay để ra đi làm kiếm ăn. Chỉ trong Trường Đời với những bài học sống, bài học cay đắng, bệnh hoạn, tai nạn, khổ đau mới có thể làm con người thức tỉnh về luật nhân quả.

Ngày nay trong giới trí thức khoa học Âu Mỹ có nhiều người để tâm nghiên cứu về hiện tượng luân hồi tái sinh. Nổi tiếng là bác sĩ Ian Stevenson ở Đại Học Charlottesville, tiểu bang Virginia. Qua nhiều năm khảo cứu, điều tra nhiều nước trên thế giới, ông ta đặc biệt để ý đến những dấu vết bẩm sinh trên thân thể con người. Thí dụ trường hợp của cậu bé Witjeratna Hami ở Tích Lan, khi mới sinh ra đã có một bàn tay tàn tật. Vào tuổi biết nói, cậu tiết lộ: "Tôi đã giết vợ tôi với bàn tay này trước khi tái sinh ở đây".

Người Âu Mỹ không tin hoặc khó tin chuyện luân hồi nên những sách như của Stevenson thích hợp với họ vì nó có tính cách khoa học khảo cứu chứng minh luân hồi có thật. Nhưng đối với người Á Đông thì thuyết luân hồi không cần phải được chứng minh nữa, vấn đề cần được nói tới là luân hồi hay tái sinh giúp ta hiểu được cái gì? Rút tỉa được bài học gì?

Bài học nhân quả dạy ta phải có trách nhiệm trong sự sống của mình qua hành động, lời nói và suy nghĩ. Nếu ta sống vô ý thức, vô trách nhiệm, chỉ biết ích kỷ hại nhân thì phải trở lại Trường Đời học bài học luân hồi.

Nếu nói về luân hồi với sự ích lợi của nó thì ta phải kể đến Edgar Cayce (1877-1956), sinh trưởng ở tiểu bang Kentucky. Ông ta có tài soi kiếp cho bệnh nhân. Sau khi đi vào giấc ngủ thôi miên, ông đến cõi Trung giới (monde astral) nơi đó có một chỗ ghi chép tất cả số kiếp của loài người trên trái đất (annales akashiques). Chỉ cần đọc trong đó, Cayce biết được và nói cho bệnh nhân hiểu lý do nào trong quá khứ đã đưa đến căn bệnh hiện nay. Đây cũng tương tựa như túc mạng thông trong Đạo Phật. Không những nói rõ nguyên nhân căn bệnh, Cayce còn chỉ cho bệnh nhân cách chữa trị và phần lớn các bệnh nhân đều lành bệnh. Những hồ sơ bệnh án của Cayce, trên 14.000 trường hợp, được tồn trữ tại ARE (Association for Research and Enlightenment) ở Virginia Beach. Thí dụ trường hợp của một phụ nữ bị điếc. Cayce cho hay trong kiếp quá khứ, cô ta đã bịt tai làm ngơ trước lời cầu cứu của kẻ khác. Do vậy trong kiếp này, với bệnh điếc, cô phải tập hiểu nỗi khổ của kẻ khác, không còn bịt tai đóng cửa lòng với những ai đau khổ cầu cứu. Bạn có thể tìm đọc quyển "Những bí ẩn của cuộc đời" do Nguyễn Hữu Kiệt dịch, nói rõ về những loại nghiệp báo.

Có đau răng, ta mới hiểu nỗi khổ của kẻ đau răng. Có những người mạnh khỏe, chưa bao giờ bị bệnh nên thấy người khác bệnh thì làm ngơ xem thường. Những người này trong tương lai sẽ bị bệnh tật để cảm nghiệm nỗi khổ của người bệnh. Hiểu được vậy để thương mình và kẻ khác, nhờ đó nghiệp khổ được tiêu trừ. Nhưng nếu không hiểu như thế mà cứ đi chùa cầu an cho hết bệnh thì bài học về bệnh khổ vẫn chưa hiểu và đương nhiên sẽ phải học lại.

Bệnh khổ là một bài học cần phải hiểu. Không phải chỉ hiểu trên phương diện nghiệp báo thôi mà phải học nghe nữa. Con người có hai phần: thể xác và tâm hồn. Do đó phải học nghe tiếng nói của thể xác và của tâm hồn. Phật tử thường chúc quý Thầy pháp thể khinh an, hoặc tứ đại thường hòa. Thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) đâu phải tự nhiên mà hòa thuận, phần nào ít quá hoặc nhiều quá thì sẽ sinh bệnh.Tu là tập làm chủ thân tâm. Nếu không biết nghe tiếng nói của thân làm sao điều hòa tứ đại? Nếu không biết nghe tiếng nói của tim (tâm) thì làm sao hóa giải nội kết? Tứ đại bất hòa, nội kết không giải thì làm sao pháp thể khinh an, thân tâm an lạc được?

Đồng ý bệnh khổ là một nghiệp báo, nhưng ai đã tạo ra nghiệp đó, nếu không phải là chính ta?

Tình thương

Như đã nói ở vài trang trước, sau một thời gian đi tu, tim tôi hình như khô cằn lại. Dù hai chữ từ bi tôi vẫn thường đọc, thường nhớ nhưng nó chỉ là khái niệm tri thức. Tôi đã quán chiếu nhiều về tình thương ngay từ lúc còn ở Trung học. Tôi thấy những đôi nam nữ yêu nhau đắm đuối nhưng không lâu bền. Do đó mặc dù tôi cũng có bạn gái hồi còn học lớp 10 (đệ tam) nhưng không dám yêu hết mình vì nếu yêu thật nhiều mà lỡ người kia bỏ mình thì sao? Chắc chắn sẽ khổ nhiều. Thôi thì đành yêu nửa chừng, lỡ người kia có bỏ thì mình cũng chỉ khổ phân nửa thôi.

Lên Đại Học, tôi thấy các cô gái Việt Nam con nhà nho giáo, thấm nhuần quan niệm môn đăng hộ đối, đi chơi với bạn trai chỉ tìm những người có bằng cấp bác sĩ, kỹ sư... Như thế đâu còn tình nghĩa gì nữa! Nếu cố gượng yêu nhau thì đó là một thứ tình yêu điều kiện, tiếng Pháp gọi là amour conditionnel. Tôi yêu anh vì anh có bằng bác sĩ, kỹ sư, vì anh sẽ thỏa mãn những ước muốn của tôi. Thêm quan niệm cổ hủ của nho giáo, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, trai gái cưới nhau vì tiền, vì danh, vì lợi, đâu phải vì tình. Những cuộc hôn nhân như vậy, dùng lý trí tính toán hơn thiệt, bóp chết con tim đâu còn cơ hội cho tình thương hồn nhiên phát triển.

Ngẫm thấy tình thương không có thật, con người sống với nhau chỉ vì ích kỷ lợi mình, nên tôi không thương nữa, nếu có thì chỉ còn thương hại mà thôi.

Đến khi vào Đạo tôi được học hai chữ từ bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Có nhiều Thầy muốn đề cao Đạo Phật, dạy rằng từ bi bao la rộng lớn hơn chữ bác ái của Đạo Chúa, vì bác ái chỉ là lòng thương người thôi, không cứu khổ rốt ráo như Đạo Phật.

Nhưng phải có thương thì mới ban vui cứu khổ được chứ! Cha mẹ có thương con thì mới mua đồ chơi cho con vui, thấy con buồn khóc thì âu yếm dỗ dành.

Nếu tôi không thương bạn mà bị bắt phải ban vui cho bạn thì hơi khó làm. Nếu có làm chăng nữa thì đó là sự ban vui cưỡng ép, đâu phải phát xuất từ tấm lòng (quả tim). Nhiều lúc tôi rất ghét bạn nhưng cũng phải đối xử từ bi, vì nếu không người ta sẽ bảo rằng tôi không phải là người tu hành. Như thế là từ bi bất đắc dĩ.

Dịch từ bi là ban vui cứu khổ nghe xuôi tai và đơn giản nhưng làm mất ý nghĩa của tình thương .

Từ bi thường đi cùng với hỷ xả. Từ bi hỷ xả là bốn đức tính cao đẹp mà danh từ Đạo Phật gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Tiếng sanskrit là Brahma-Vihara, có nghĩa là nơi ở của Phạm thiên, hoặc Apramana là vô lượng.

Từ (maitri): tình thương yêu.
Bi (karuna): lòng thương xót.
Hỷ (mudita): mừng lây với cái vui của kẻ khác.
Xả (upeksha): bình đẳng đối với mọi người dù thân hay thù.

Tại sao gọi là vô lượng? Bởi vì chúng sinh vô lượng nên bốn đức tính này cần phải tỏa đến khắp chúng sinh. Không phải chỉ thương yêu vài người thân trong gia đình bạn bè quyến thuộc mà phải thương yêu tất cả chúng sinh. Không phải chỉ thương xót một nhóm người hay một quốc gia mà phải thương xót tất cả mọi loài trên trái đất.

Trên lý thuyết thì bao la như thế, nhưng thực tế nhiều khi một người tôi còn không thương nổi làm sao thương hết chúng sinh. Người đầu tiên mà tôi cần thương yêu đó chính là bản thân tôi. Nếu tôi không biết thương yêu tôi thì làm sao tôi có thể thương yêu kẻ khác được? Thương tôi ở đây không phải là thương cái ngã (égo) của tôi, mà là thương hết toàn thân tâm tôi (tout mon être). Không nên lầm lẫn giữa cái ngã (égo) và con người (être). Thí dụ tôi chỉ cao 1m50, so với người khác thì hơi lùn thấp nên tôi phải đi giầy cao gót để người ta khỏi thấy tôi lùn. Cái ngã của tôi muốn thấy tôi cao 1m60, nhưng con người thật của tôi chỉ cao 1m50. Khi mang gót cao soi gương, tôi thấy tôi đẹp hơn và tôi yêu tôi hơn, đó là tôi đang yêu cái ngã của tôi. Khi bỏ giầy gót ra, nhìn gương thấy mình lùn nên tôi không yêu con người của tôi nữa. Nếu tôi biết thương tôi thì tôi đón nhận tất cả cao thấp, đẹp xấu, đó gọi là bình đẳng. Có nhiều người chỉ thích người khác khen mình đẹp tốt, đạo đức, không thích nghe nói đến tính hư tật xấu của mình. Đó là ái ngã, yêu cái ngã của mình. Ngã là một khái niệm, ý niệm về cái ta không đúng với sự thật.

Tôi là một Thầy tu, tôi cho rằng tôi đạo đức, thông hiểu kinh điển, tu hành thanh tịnh, v.v... Đó là tôi đang đúc kết một cái Ta (ngã) về tôi, cái Ta này tôi chỉ muốn thấy nó đẹp tốt và tôi từ chối ngoảnh mặt làm ngơ với những phần xấu dở trong tôi. Như vậy tôi đâu có biết thương toàn thể con người của tôi. Nếu tôi chỉ thấy mình là người đạo đức thông kinh điển thì tôi đâu cần tu hành làm gì nữa và cái ngã của tôi sẽ thấy tôi xứng đáng làm Thầy thiên hạ. Nếu tôi không thấy không thương những phần xấu dở trong tôi thì tôi cần gì phải tu nữa vì tu là sửa tánh hư tật xấu. Chính những phần xấu dở trong tôi, niềm đau nỗi khổ của tôi mới cần tình thương, cần được chuyển hóa và cứu độ. Nếu tôi không biết thương yêu những phần này mà chỉ thích ngắm nghía yêu mến cái ngã tốt đẹp của tôi thì còn gì là từ bi nữa?

Trước khi nói đến từ bi cứu độ chúng sinh, ta cần phải xét lại xem ta đã biết thương chính con người của ta chưa? Hay là ta chỉ biết thương cái ngã, thương những khái niệm về ngã. Cái ngã của tôi muốn tôi có một ngôi chùa to nhất nên tôi phải hăng say vận động, tích cực gom góp tài chánh, quên ăn bỏ ngủ đến khi nào xong ngôi chùa mới hài lòng. Như thế tôi đâu có biết thương thân tâm của tôi cần ăn ngủ điều độ, tôi chỉ lo phục vụ cho cái ngã của tôi thôi.

Trở về Tứ Vô Lượng Tâm, tuy có bốn nhưng chỉ cần một là đủ, đó là tình thương (maitri). Có thương thì đương nhiên sẽ có xót. Bạn thương con bạn thì khi nó khổ chắc chắn bạn sẽ xót xa tìm cách cứu giúp nó. Có thương thì mới có sự thông cảm, có thông cảm thì mới có thể chia mừng được với người khác. Bạn thương con bạn, khi thấy nó thi đậu bạn cũng mừng lây. Có thương thì mới có thể đối xử bình đẳng được. Bởi vậy chỉ cần làm sao khơi dậy và làm tăng trưởng tình thương thì ba đức tính kia sẽ đầy đủ.

Nhưng làm sao khơi dậy tình thương? Tôn giáo nào cũng rao giảng tình thương, nhưng sao con người vẫn chưa biết thương yêu nhau? Không những thế mà lại còn nhân danh tôn giáo để chém giết nhau.

Tôn giáo dạy người ta tình thương để phục vụ tôn giáo, dạy tình thương với những giáo điều. Những vị giáo chủ ra đời để phục vụ chúng sinh, lấy tình thương cảm hóa con người, nhưng đệ tử nối tiếp đời sau không có khả năng thương yêu rộng lớn như các ngài nên bắt buộc phải hệ thống hóa giáo lý và vô tình dần dần đóng khung tình thương. Nếu thương Phật thương Chúa thì phải làm thế này thế nọ, phải hy sinh tánh mạng bảo vệ tôn giáo, nhiều khi sùng tín quá khích sẵn sàng chém giết vì tôn giáo.

Tôn giáo ra đời để phục vụ tình thương chứ không phải lấy tình thương để phục vụ tôn giáo.

Tình thương không thể tìm thấy trong những buổi lễ cầu kinh, trong sự nghiên cứu kinh điển hay nghe giảng giáo lý mà tìm thấy ngay trong sự sống, trong sự tiếp xúc hằng ngày. Tình thương cần được biểu lộ và thể nghiệm qua ba cửa: thân, khẩu, ý và phát xuất từ tấm lòng (quả tim) chứ không phải từ trí óc.

Tình thương mà tôi muốn nói ở đây không phải là thứ tình yêu nam nữ, tình bạn hoặc tình thương cha mẹ con cái. Đương nhiên những thứ tình kia cũng là một thứ tình khá đẹp, một phần nhỏ của tình thương và là một đề tài bất tận cho những thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ.

Tôi có thể nói quanh nói quẩn về tình thương nhưng tốt hơn hết bạn hãy theo tôi vào một công viên hoặc một khu rừng, một cánh đồng rồi bạn hãy nằm úp mặt xuống đất, dang hai tay ra như đang ôm quả đất và nói thầm với quả đất rằng bạn thương quả đất, biết ơn và cảm ơn quả đất. Sau đó bạn đứng dậy đi tìm một cây nào khá to lớn, cành lá sum sê, và bạn hãy dang hai tay ôm thân cây vào lòng, hít thở nhẹ nhàng lắng nghe tiếng nói của cây. Nếu tâm bạn lắng và cây kia cảm nhận được tình thương của bạn nó sẽ trả lời.

Nếu tim bạn đang khô héo vì bị loài người vô tình hất hủi từ khước, bạn hãy hướng tình thương của bạn đến thiên nhiên đi. Thiên nhiên và vũ trụ rất cần tình thương của bạn. Tình thương vô điều kiện (amour inconditionnel). Bạn hãy thương cỏ, thương cây, thương mây, thương gió đi. Tình thương là một năng lượng cần được lưu chuyển và trao đổi. Xin nhớ tình thương không phải là một khái niệm mà là một kinh nghiệm.

Đạo Gì?

Đọc đến đây bạn có thấy tôi còn là một Thầy tu Phật Giáo chánh tông nữa không hay là đã bị nhiễm nhiều thứ "ngoại đạo"? Nhiễm như vậy là tốt hay xấu?

Tôi xuất thân từ Đại Thừa, tu tập thiền Tiểu Thừa, sau theo Kim cang thừa và bây giờ tôi đang theo "Đạo gì"? Đạo gì vì cho nó tên gì cũng được, cái đó không quan trọng. Quan trọng ở chỗ tôi có sống thực được với chính mình hay không, có vượt qua được những khái niệm chấp trước nhị biên của tôn giáo hay không?

Theo "Đạo gì" thì không có gì tốt hay xấu, chỉ có những kinh nghiệm khổ đau hay sung sướng để tiến hóa. Có người cần kinh nghiệm khổ đau để trưởng thành, có người cần kinh nghiệm sung sướng để nghỉ xả hơi trên quãng đường luân hồi bất tận.

Đạo Chúa phát xuất từ nước Do Thái, nhưng ngày nay dân Do Thái đâu có theo Đạo Chúa mà theo Đạo Do Thái (Judaisme). Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ nhưng hiện nay đa số dân Ấn theo Ấn Độ Giáo (Hindouisme) chỉ có khoảng ba phần trăm theo Phật Giáo. Như vậy Đạo nào hay nhất?

Nhiều năm về trước, khi mới ra làm giảng sư tôi hăng say biện luận cho Đạo Phật là Đạo hay nhất. Đó chỉ vì tôi chưa được học về những Đạo khác. Gần đây, sau khi ra thất được đọc quyển "Hành trình về phương Đông" do Nguyên Phong dịch, tôi như bừng tỉnh sung sướng thấy được những chân trời mới. Thấy chân lý không phải là sở hữu của riêng một tôn giáo nào. Chẳng cần tham vọng nói đến chân lý, tôi chỉ muốn tập sống với thương yêu, hiểu biết, thông cảm và tha thứ.

Sau đây tôi xin trích dịch một bài trong báo Prema số 28 nói về "Đạo hay nhất" của Sathya Sai Baba, một đạo sư Ấn Độ hiện đại.

Thuở xưa có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả có mặt đầy đủ, vua nói:

- Thưa các vị giáo chủ, hôm nay ta mời các vị tới đây bàn luận vì ta muốn chọn một Đạo trong các Đạo để tôn lên làm quốc giáo. Ta đặt niềm tin nơi các vị, với sự minh triết xin các vị hội thảo bàn luận với nhau để tìm cho ta một Đạo nào hay nhất, đáng được hưởng ân phúc của hoàng gia. Đạo nào cũng được miễn sao mọi người đều đồng ý kính phục, không ai có thể bắt bẻ hay chối cãi.

Trải qua nhiều năm mà vua vẫn chưa được trả lời, bởi vì ai cũng cho Đạo của mình là hay nhất, nhưng người khác lại không chịu. Cứ thế mà tranh luận giằng co từ năm này sang năm khác. Rồi một hôm, có một hiền giả du phương ghé qua nước của nhà vua nọ. Sau khi nghe chuyện nhà vua tìm một Đạo hay nhất mà chưa ra, bèn đến xin yết kiến nhà vua:

- Tâu bệ hạ, tôi có thể chỉ cho bệ hạ một Đạo hay nhất mà không ai có thể bắt bẻ hay chối cãi được.

Vua nghe qua rất đỗi vui mừng vì hy vọng của mình sắp được toại nguyện sau bao năm dài trông đợi.

- Thật vậy sao! Xin hiền giả hãy nói cho ta nghe ngay lập tức. Ta đã chờ giờ phút này quá lâu rồi!

- Xin bệ hạ kiên nhẫn một chút. Tôi sẽ tiết lộ cho bệ hạ tên của Đạo này ở một nơi thật yên tĩnh vắng vẻ. Đúng trưa mai xin hẹn bệ hạ ở bờ sông Hằng, chúng ta sẽ vượt sông qua bờ bên kia và ở đó tôi sẽ nói cho bệ hạ biết tên của Đạo này.

Sang ngày mai, đúng hẹn, vua và vị hiền giả gặp nhau tại bờ sông Hằng. Vua ra lệnh cho một chiếc thuyền đến gần để chở hai người sang bờ bên kia. Khi chiếc thuyền đến gần, vua sửa soạn bước lên thì hiền giả chặn lại, nói rằng ông ta muốn khám xét lại chiếc thuyền coi có tốt và bảo đảm không.

- Chiếc thuyền này không được vì có một miếng ván bị nứt ở dưới đáy, nước có thể tràn vào. Hiền giả thưa.

Vua lại gọi chiếc thuyền khác đến. Sau khi khám xét, vị hiền giả tìm thấy vài miếng ván bên hông thuyền hơi lỏng vì thiếu đinh. Nhà vua lại gọi một chiếc khác đến. Sau khi khám xét kỹ càng, hiền giả lại từ chối vì lý do nước sơn của thuyền đã bị tróc.

Cứ như thế, vua gọi hết chiếc thuyền này đến chiếc thuyền khác, chiếc nào hiền giả cũng moi ra được khuyết điểm. Dần dần nhà vua mất kiên nhẫn, chiều đã qua, hoàng hôn sắp đến. Sau cùng vua không nhịn được nữa:

- Thưa hiền giả! Từ trưa tới bây giờ, ta đã gọi biết bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc nào ngài cũng từ chối hết. Xin hỏi ngài, thuyền tróc sơn một chút hoặc thiếu vài ba cái đinh thì đã có sao? Nó vẫn có thể đưa mình qua sông được kia mà! Sao ngài lại để ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt như vậy.

Lúc bấy giờ vị hiền giả nhìn vua mỉm cười nói:

- Bệ hạ đã tự mình nhận thấy rằng dù có vài ba khuyết điểm nhưng tất cả những chiếc thuyền kia đều có thể đưa mình qua sông được. Cũng thế, tất cả Đạo trong nước của bệ hạ đều giống như những chiếc thuyền kia. Đạo nào cũng có thể đưa bệ hạ đến sự thể nhập với Thượng đế. Đi tìm khuyết điểm của nhiều Đạo khác nhau là một điều vô ích, thiếu sáng suốt. Bệ hạ hãy trở về lo việc triều đình, tiếp tục lấy đức trị dân và hãy bình đẳng kính trọng các Đạo giáo xem Đạo nào cũng như Đạo của chính mình vậy.

Nghe xong, vua liền phục xuống chân vị hiền giả đảnh lễ. Và khi ngẩng lên, vua sung sướng cảm thấy mình thực sự thấm nhuần sự minh triết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567