Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bồ Tát Hạnh

06/11/201015:26(Xem: 18367)
Bồ Tát Hạnh



BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)

Santideva (Tịch Thiên)
Thích Trí Siêu dịch
botathanh_thichtrisieu

Tịch Thiên(zh. 寂天, sa. śāntideva, bo. zhi ba lhaཞི་བ་ལྷ་), là một vị Đại sư kiêm thi hào Ấn Độ thuộc phái Trung quán
sống vào khoảng thế kỉ thứ 7-8 Công nguyên.

Cơ duyên & tư tưởng chủ đạo

Các nguồn tài liệu về cuộc đời Tịch Thiên được ghi rõ và đối chiếu trong chuyên luận của A. Pezzali. Nhìn chung thì chúng phần lớn mang tính chất thần thoại, chứa rất ít những gì cụ thể lịch sử. Tuy nhiên, các học giả đều nhất trí về việc Sư là vương tử (có lẽ con vua xứ Surāṣṭra), từ khước ngai vàng, đến học viện Na-lan-đà(hoặc Madhyadeśa) gia nhập Tăng-già. Thần thể(sa. iṣṭadevatā) trong quá trình tu tập của Sư là Văn-thù-sư-lợi(sa. mañjuśrī) và Đà-la(sa. tārā).

Về thời hoằng pháp của Tịch Thiên ta cũng không thấy sự nhất trí trong giới nghiên cứu. Phần lớn các chuyên gia nương vào tên của những vương triều thời đó được ghi lại qua sử sách Tây Tạng để xác định, với kết quả là Sư sống vào khoảng 650-700 sau CN. A. Pezzali cho rằng sư hoằng pháp sau thời gian nêu trên với dẫn chứng là Nghĩa Tịnh(rời Ấn Độ 695) — nếu lúc đó Tịch Thiên đã nổi danh như sử sách ghi lại — đã phải ghi lại một vài thông tin về sư. Tuy nhiên, thầy của Tịch Thiên là Thắng Thiên (sa. jayadeva) cũng không được Nghĩa Tịnh nhắc đến trong kí sự của mình. Thời điểm cuối ta có thể xác định được là chuyến đi Tây Tạng đầu tiên của Tịch Hộ(zh. 寂護, sa. śāntirakita) vào năm 763, bởi vì Tịch Hộ trích dẫn Tịch Thiên trong tác phẩm Thành chân thật luận(sa. tattvasiddhi).

Tịch Thiên chủ trương học thuyết Quy mậu luận chứng(zh. 歸謬論証, sa. prāsaga) — cũng được gọi là Cụ duyên hoặc Ứng thành — của tông Trung quán(sa. mādhyamika). Tương truyền thầy của Sư là Thắng Thiên, một đại sư giảng dạy tại học viện Na-lan-đà. Ngoài Sư ra thì Thắng Thiên có một đệ tử khác là Virūpa. Về tư tưởng thì Sư thuộc về hàng hậu thế trong tông Trung quán và chính vì vậy mà có thể dùng tất cả những phương tiện mà các vị tiền bối đã phát triển. Về quan điểm triết học thì Sư lại gần Nguyệt Xứng. Trong khi vị này được miêu tả như một triết gia thuần tuý thì Tịch Thiên lại có khuynh hướng phối hợp quan điểm triết học và thực hành thiền định một cách hài hoà. Vì truyền thống Trung quán không lưu lại tài liệu hướng dẫn thực hành cụ thể nên Sư phải diễn dẫn quan điểm của những trường phái khác, những quan điểm được trình bày trong các bộ kinh Hoa Nghiêm, Bảo Tíchhoặc những bài kinh Đại thừađộc lập khác. Và Sư cũng chẳng ngần ngại trích dẫn kinh điển "tiền đại thừa", diễn giảng chúng theo cách của mình, theo quan điểm Đại thừa.

Tác phẩm

Sư là tác giả của hai tác phẩm quan trọng là (Đại thừa) Tập Bồ Tát học luận(sa. śikāsamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận(sa. bodhicaryāvatāra). Một tác phẩm thứ ba cũng thường được nhắc đến là Tập kinh luận(sa. sūtrasamuccaya) đã thất truyền (theo Thánh Nghiêm thì được dịch ra Hán ngữ dưới tên Đại thừa thật yếu nghĩa luận). Nhập bồ-đề hành luậnrất thông dụng trong Phật giáo Tây Tạng, là kinh điển giáo khoa.

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%8Bch_Thi%C3%AAn

Kính dâng sách này lên
Hòa Thượng Bổn Sư thượng Huyền hạ Vi
và Lama Guendune Rinpoché

Lời Tựa

Mục đích chung của người tu Phật là cầu giác ngộ giải thoát, nhưng đối với người theo Phật giáo Đại Thừa thì mục đích chính là phải cầu thành Phật.

A La Hán cũng giác ngộ giải thoát, Bích Chi Phật cũng giác ngộ giải thoát, chư Tổ Thiền cũng giác ngộ giải thoát, nhưng các Ngài vẫn chưa phải là Phật. Nhưng tại sao lại phải cầu thành Phật chứ? Được giác ngộ giải thoát chưa đủ sao?

- Chưa đủ! Đủ làm sao được đối với người đã hiểu, đã thấy tất cả chúng sinh chính là mình, mình chẳng khác với chúng sinh; cái khổ của chúng sinh chính là cái khổ của mình và sự giải thoát của chúng sinh cũng là sự giải thoát của mình. Nếu chưa hiểu được vậy thì ít nhất cũng phải suy nghĩ, từ vô thỉ đến nay, trôi lăn trong sinh tử luân hồi tất cả chúng sinh đều đã ít nhất một lần làm cha mẹ ta, đã nuôi nấng, thương yêu, chăm sóc ta chẳng quản khó nhọc, nhiều khi còn phải hy sinh tánh mạng vì ta. Như thế, ta nỡ lòng nào cầu giác ngộ giải thoát một mình? Nhưng chúng sinh đông quá làm sao độ cho hết? Đại A La Hán kia như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên còn chỉ độ được vài trăm đệ tử, nói chi ta đây là kẻ phàm phu? Đành rằng các vị A La Hán là những người giác ngộ giải thoát, nhờ chuyên tu thiền định, diệt trừ phiền não, song từ những kiếp xa xưa, các ngài không lập những thệ nguyện rộng lớn vì chúng sinh, không dám xả thí thân mạng, tài sản, vợ con, không biết gần gũi, thân cận, cúng dường chư Phật, Bồ Tát, Thiện tri thức. Do đó các ngài chưa có đủ công đức, trí huệ, hùng lực như chư Phật. Chỉ có Phật mới đầy đủ khả năng giáo hóa, cứu độ chúng sanh vô lượng. Ngoài ra trong kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, đức Phật đã khai thị rõ về Phật tánh, khuyên nhắc chúng sinh cầu Phật quả. Chúng ta là con Phật (Phật tử) thì phải cố gắng được như cha của mình chứ! Bước đầu tiên là chúng ta phải phát nguyện cầu thành Phật để cứu độ chúng sinh. Sự phát nguyện (hay tâm niệm) đó gọi là Bồ Đề Tâm (Bodhicitta). Khi vừa phát tâm như vậy thì chúng ta liền trở thành một Bồ Tát (Sơ phát tâm). Chư Phật ba đời cũng đều phát xuất từ chư Bồ Tát, do đó trong kinh Bảo Tích Đức Phật đã không ngớt khen ngợi và đề cao hàng Sơ phát tâm Bồ Tát: "Hàng Sơ phát tâm Bồ Tát, tuy căn tánh Bồ Tát chưa đầy đủ, đức tướng Bồ Tát chưa trọn vẹn hiển bày cho mọi người thấy được, nhưng các Thiện Thần Vương hết lòng tôn trọng đến hộ vệ... Bồ Tát Sơ phát tâm chưa có công đức gì, nhưng đem so với A La Hán vẫn còn cao hơn ... Này Ca Diếp! Thí như hạt châu lưu ly nhỏ mà giá trị hơn là khối thủy tinh lớn như núi Tu Di. Bồ Tát cũng như vậy, ngay từ khi phát tâm cũng đã hơn hàng Thanh Văn, Bích Chi (tr 142, kinh Bảo Tích do T.T. Đức Niệm dịch). Do đó, khi vừa phát tâm Bồ Đề thì liền trở thành Bồ Tát, không cứ phải đến các Đại Giới Đàn thọ Bồ Tát giới mới được xem là Bồ Tát. Nói như vậy không có nghĩa là bác bỏ việc thọ giới, ngược lại hành giả Đại Thừa rất nên cầu thọ giới pháp, vì thọ (hay truyền) giới trong sự trang nghiêm, đúng phép rất có lợi ích, nó có khả năng tác động mạnh vào tâm khảm của giới tử, và nếu giới tử thanh tịnh thành khẩn thì được xem là đắc giới. Nhưng thọ Bồ Tát giới và chỉ lo giữ giới Bồ Tát không chưa đủ để được xem là Bồ Tát. Bồ Tát giới chỉ là hàng rào ngăn chặn giúp hành giả Bồ Tát không bị sa đọa, đó là phần tiêu cực.

Hành giả Bồ Tát phải tích cực hành Bồ Tát hạnh, nghĩa là mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh. Khi tụng một thời kinh thì trên cúng dường chư Phật, dưới cầu cho pháp âm tỏa khắp pháp giới làm lợi ích chúng sinh. Ngồi thiền dù chỉ năm phút cũng cầu giác ngộ bổn tánh. Để làm gì? Để cứu độ chúng sinh. Niệm Phật dù chỉ mười câu cũng không quên hồi hướng công đức cho chúng sinh. Được như thế mới xứng đáng là Bồ Tát, là trưởng tử của Như Lai. Đâu cứ phải làm chùa to, tượng lớn mới gọi là Bồ Tát. Nói như vậy không có nghĩa là đả kích việc làm chùa to, tượng lớn, vì chùa to, tượng lớn cũng chỉ là vật vô tri, tự nó đâu có lỗi lầm gì, chẳng qua tùy thuộc nơi người làm, nếu làm với tinh thần vô ngã, bất vụ lợi, vì lợi ích chúng sinh thì rất được xưng tán, cúng dường.

Sau khi phát tâm Bồ Đề (còn gọi là Bồ Đề Tâm nguyện), hành giả Bồ Tát cần phải noi theo gương của chư Bồ Tát quá khứ, hiện tại, vị lai, hành Bồ Tát Hạnh (còn gọi là Bồ Đề Tâm Hạnh). Bồ Tát Hạnh được nói nhiều trong kinh Hoa Nghiêm và Đại Bát Nhã, nhưng lời kinh quá thâm diệu và chư Bồ Tát nhất là trong kinh Hoa Nghiêm đều là những bậc Đại Sĩ Bồ Tát đã phát tâm Bồ Đề và thực hành Bồ Tát Hạnh từ quá khứ vô lượng vô biên kiếp hải. Do đó chúng ta, hàng Sơ phát tâm Bồ Tát chỉ biết đảnh lễ hoặc lắc đầu thè lưỡi, không dám hoặc không biết làm sao noi theo. Hạnh của Bồ Tát tuy nhiều vô lượng vô biên nhưng tóm lại không nằm ngoài Thập Ba La Mật hay Lục Ba La Mật, và như thế chúng ta có thể bắt đầu học hỏi và tu tập Lục Ba La Mật, còn gọi là Lục Độ.

Người học Đạo nên có tinh thần như của Thiện Tài Đồng Tử, tức là không bao giờ cho sự hiểu biết đạo lý hay chứng đắc của mình là đủ, luôn luôn tìm thầy hoặc thiện tri thức tham vấn học hỏi. Nếu không có duyên gặp được thầy lành bạn tốt thì ít nhất cũng phải nương theo Kinh, Luật, Luận vạch cho mình một hướng đi áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Vào cuối hạ năm 89, tôi có dịp gặp Guéshé Tengyé, Viện Trưởng Tu Viện Vajrayogini ở Lavaur, thấy ngài đọc một quyển sách. Hỏi ra, tôi được biết đó là Bodhicaryàvatàra (Bồ Tát Hạnh) và cũng là kinh nhật tụng của ngài. Rồi ngài hỏi lại tôi: "Có là Bồ Tát không, nếu là Bồ Tát thì phải đọc Bồ Tát Hạnh". Thế là từ đó trở về, tôi tìm đọc và nghiên cứu Bồ Tát Hạnh. Mãi đến năm nay, gặp nhân duyên và được khuyến khích nên tôi mạo muội dịch tập sách này vì thấy những hạnh Bồ Tát nằm trong đó có vẻ gần gũi với chúng ta (hàng Sơ phát tâm Bồ Tát) hơn là trong các kinh như Hoa Nghiêm, Bát Nhã... Tuy có học được một chút Tạng ngữ, nhưng tự thấy chưa đủ để có thể dịch hoàn toàn từ Tạng văn ra Việt văn nên cuối cùng tôi nương vào 3 tài liệu sau:

1. Byang.chub.sems.dpai'.spyod.pa.la.'jug.pa: bản Tạng văn.
2. La marche à la lumière: bản Pháp văn dịch từ Phạn văn của Louis Finot.
3. A guide to the Bodhisattva's way of life: bản Anh văn dịch từ Tạng văn của Stephen Batchelor.

Bồ Tát Hạnh nguyên bản Phạn văn là một loại thi ca, viết theo văn vần, gồm 913 bài kệ, chia làm 10 chương. Bản Tạng văn cũng được dịch theo văn vần. Nhưng ở đây, trước hết vì không phải là thi sĩ, sau nữa tôi noi theo các bản dịch đã có trước bằng Anh và Pháp văn, viết theo văn xuôi dễ hiểu cho người đọc.

Tác giả tập Bồ Tát Hạnh là Tôn Giả Santideva (Bình Thiên) người Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỷ thứ 7 (xin xem tiểu sử ở chương sau). Trong tập sách này tôn giả đi từ Xưng tán Bồ Đề Tâm, Sám hối, Lục Độ và sau cùng đến Hồi Hướng công đức. Bạn đọc có thể ngạc nhiên không thấy nói về Bố Thí, nhưng phát Bồ Đề Tâm và hành Bồ Tát Hạnh đã là một sự bố thí cao thượng lắm rồi, ngoài ra Bố Thí được bàng bạc nói đến trong các chương sau. Riêng trong phẩm Thiền Định, tôn giả nhấn mạnh tới lối sống ẩn dật nơi rừng núi, hoặc những nơi thanh vắng để tu tập quán chiếu về Vô Ngã. Trong phẩm Trí Huệ, tôn giả Santideva (thuộc trường phái Trung quán) lập cuộc đối thoại tranh luận giữa ngài và các trường phái khác, cốt để xiển dương Tánh Không. Có nhiều đoạn quá xúc tích nên tôi thêm vào những chú thích ở cuối trang giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.

Rất mong Bồ Tát Hạnh sẽ bổ túc cho Bồ Tát Giới. Bạn đọc có thể học thuộc lòng vài phẩm, vài đoạn hoặc đọc tụng, cũng như các thiền sinh thuở trước học thuộc Quy Sơn Cảnh Sách, hoặc như tu sĩ Nam Tông thuộc làu kinh Pháp Cú vậy. Đọc tụng để những tư tưởng Bồ Tát thâm nhập vào tâm và từ đó sẽ khởi ra hiện hành hướng dẫn ta trong từng ý nghĩ, từng lời nói, từng hành động đúng theo hạnh mà chư Bồ Tát đã làm.

Sau cùng tôi xin ghi ơn Dagpo Rinpoché, giáo sư Phật học và Tạng ngữ tại đại học INALCO Paris Dauphine, đã giảng dạy và giải đáp nhiều thắc mắc cho tôi, Jenny Tcheuden đã cung cấp cho tôi tài liệu, Thérésa Scott-Carroll và phật tử Chúc Tịnh đã khuyến khích tôi soạn dịch tập sách này. Tuy vậy, bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót, vụng về, trách nhiệm đó hoàn toàn về du tăng. Rất mong sau này sẽ có các bậc cao minh giảo chính lại cho hoàn hảo hơn.

Xin hồi hướng công đức này cầu cho tất cả chúng sinh ý thức được sự vô thường, đau khổ của cuộc đời, đồng phát tâm Bồ Đề và đồng sanh Tây phương Cực Lạc.

Thanh Sơn Lộ, tháng 7 năm 1990.
Thích Trí Siêu.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]