Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Trúc Lâm

28/10/201009:32(Xem: 7180)
Thiền Trúc Lâm

truc-lam-yen-tu

DẪN KHỞI

Thiền học, trước hết là một nỗ lực tư duy trên đường tìm kiếm thực tính của thực tại. Nỗ lực đó đặt người học Thiền ở vào thế sống chết với chính mình trên chiếc cầu nối liền hai bờ Mê và Ngộ. Chính trên chiếc cầu này, người học Thiền thực hiện một cơn chết lớn, đi vào chỗ quyết định, phá hủy tất cả và thành tựu tất cả để sống dậy giữa đời trong một phong thái đặc biệt, bằng một nhãn quan "Kiến tính" đến triết đế, không còn bị trói buộc trong bất cứ một hình thái sai biệt nào của thế giới hiện tượng không ngừng sinh thành và hoại diệt mà thong dong tự tại như gió thổi, nước trôi. Nơi những con người đã đi qua cầu, đã trải qua cơn chết lớn này, ta có thể bắt gặp những khuôn mặt lạnh lùng đến tàn nhẫn, những thái độ đến cao ngạo đến ngông cuồng, những hành động khác thường đến kỳ quặc; những ngôn ngữ hiểm hóc đến kỳ bí….; hay cũng có thể, ngược lại hoàn toàn những gì vừa nói. Thiền Tông Trung Hoa cung cấp cho ta khá nhiều dữ kiện cho những hình ảnh loại này. Và Thiền tông Việt Nam cũng không phải là không có.

Đứng trên lập trường luận lý, dưới cái nhìn của con mắt thịt, những hình ảnh như thế có thể là vô nghĩa và vô lý. Nhưng đứng trên lập trường "Kiến tính" của Thiền học, ở vào cái thế mặt đối mặt, tâm đối tâm, những hình ảnh đó phải được nhìn trong sự tác động của nó đối với tâm trí mê ngủ. Ơû đây, chúng trở thành những đầu đề khá quyến rũ cho nỗ lực tư duy. Chính cái hấp lực khá quyến rủ này đã là động cơ thức đẩy chúng tôi tìm hiểu nguồn suối Thiền.

Nhưng, một trào lưu tư tưởng không thể thành hình bên ngoài những điều kiện bức bách của đời sống. Hay nói khác hơn, chính những điều kiện bức bách của đời sống đã là cái yêu cầu chân chính cho một trào lưu tư tưởng xuất hiện kể từ đó, mở ra những chân trời mới cho khát vọng của con người. Thiềnhọc dù không hẳn là một trào lưu tư tưởng thuần túy cũng không có ngoại lệ. Huống chi, chủ yếu của Thiền là đánh thức dậy, dựng đứng dậy cái con người mê ngủ từ bấy lâu nay bằng tất cả mọi phương tiện có thể được, miển sao thích hợp với cơ cấu tâm lý và vật lý của đối tượng. Như thế, theo những điều kiện của đời sống, của cơ cấu tâm lý và vật lý của con người Việt Nam và với khát vọng của nó, Thiền học Việt Nam phải thích hợp với con người ở đây, phải có riêng cho nó những nét độc đáo để giải quyết thỏa đáng những mâu thuẩn nội tại của con người và cộng đồng dân tộc Việt Nam, để thoả mãn những yêu cầu, khát vọng của nó. Đây là cái ý thức dẫn đạo cho chúng tôi, trong khi tìm hiểu Thiền, đã chú tâm học hỏi và tìm hiểu Thiền học Việt Nam

Hẳn nhiên, trên con đường học hỏi và tìm hiểu này, chúng tôi không thể không nghĩ đến, dòng Thiền Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, những dòng Thiền đã mở ra những chiều hướng khá đặc biệt cho truyền thống Thiền học Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đã chọn Thiền học Trúc Lâm Yên Tử làm đối tượng cho sự học hỏi và tìm hiểu của mình. Điều đó không phải là không có lý do:

-Trước hết, trên phương diện lịch sử, Trúc Lâm Yên Tử là một phái Thiền mà người mở đường cho nó, Trần Thái Tông vừa là người khai sáng ra triều đại nhà Trần, một triều đại thịnh trị đặc biệt về mọi mặt, nhất là về đường sáng tạo của tư tưởng và về cái tinh thần Thiền học đặc biệt của nó. Một người vừa là Thiền sư, vừa là một bậc đế vương, nắm giữ vận mệnh của đất nước, thực là một sự kiện hy hữu torng lịch sử Thiền học mà chúng ta phải thấy bằng tất cả sự nghiêm cẩn.

-Sau nữa, trên phương diện tư tưởng và hành trì; Trúc Lâm Yên Tử đã là phái Thiền qui kết, thống hợp được mọi trào lưu tưởng lưu lộ từ trước và đương thời, làm nổi bật được cái tính chất toàn thể và Nhất quán trong truyền thống tư tưởng Việt Nam; dung hòa một cách vô cùng tốt đẹp giữa lý tưởng quốc gia và lý tưởng tôn giáo, giữa đời và đạo, giữa cánhân và tập thể, hay nói cách khác, giữa khát vọng của tâm linh mình với cái khát vọng chung của tập thể mà đời sống của Trần Thái Tông, người mở đường cũng như của Tam Tổ đã là những thể hiện viên mãn. Từ đó, Thiền Trúc Lâm thực đã mở ra một con đường thích hợp cho hậu thế thấy đâu là cái ý nghĩa sống còn của cá nhân trong sự sống còn của tập thể. Đồng thời, Thiền Trúc Lâm với phương pháp Thiền Bái sám trong khi vẫn không chối bỏ Thiền Công án là một sắc thái đặc biệt khác, không phải là không đáng nói đến.

Thêm vào đó, trên phương diện tín ngưỡng dân gian và trong lãnh vực văn học, Thiền Trúc Lâm đã có những đóng góp khá lớn lao để xây dựng một nếp tín ngưỡng dân tộc, một phong thái bút pháp văn học đặc biệt, thích hợp với cái cảm quan đa diện và nếp sống khốn khó mọi bề của con người Việt Nam.

Trên đây là những đặc trưng của Thiền Trúc Lâm mà chúng tôi cho đó cũng là những đặc trưng của đạo Phật và còn của tinh thần dân tộc Việt Nam. Sự tìm hiểu về Thiền Trúc Lâm, vì thế là một cố gắng đi tìm trở lại cái bản sắc đặc biệt của Đạo Phật và của tinh thần dân tộc Việt Nam trong chính cao điểm thành tựu của nó là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hẳn nhiên, đây chỉ là một cố gắng khiêm tốn của một khả năng giới hạn nhỏ bé. Con đường trước mặt còn chờ đợi nhiều khai phá từ những đầu óc bậc thầy khác mà chúng tôi tin tưởng sẽ có. Để từ đó, khả dĩ mở ra chân trời giải thoát cho cơn bế tắc khủng hoảng về tinh thần hiện nay của dân tộc ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]