Thức Thứ Tám hay A Lại Ya là thức chủ trong 8 thức. Thức nầy có nhiều cách gọi khác nhau để chỉ về nhiệm vụ của mình. Tựu chung thức nầy có 3 việc chính là: Năng tàng, Sở tàng và Ngã ái chấp tàng. Có nghĩa là: Hay chứa, thuộc về chỗ chứa và chứa ngã chấp từ sự yêu thích.
Điều ấy có nghĩa là thức nầy chứa cả thiện và ác. Các ác pháp khi được các chủng tử huân tập ở bên ngoài kích thích và khởi lên, cuối cùng vẫn tàng chứa nơi thức nầy và đồng thời cũng do bên ngoài kích thích mà tạo cho các thiện pháp cũng khởi lên, rồi huân tập vào bên trong. Rồi cả 2 thiện ác ấy dầu là chứa một cách tự nhiên hay chứa một cách có điều kiện, cũng là nơi căn bản để giữ lại sự hiểu biết từ bên ngoài đưa đến. Khi một sự việc đã xảy ra, thức nầy tự chấp vào cái đúng, cái sai ấy; nên thuộc về ngã ái chấp tàng.
Thức Thứ Tám cũng còn gọi là Tâm vương, là ông vua của tâm. Có nghĩa là thức có quyền năng nhiều nhất trong 7 thức kia. Chính thức nầy nếu tu hành giác ngộ sẽ biến thành Đại Viên Cảnh Trí. Còn thức thứ bảy (Mạt Na Thức = Thức chấp giữ) sẽ biến thành Bình Đẳng Tánh Trí. Thức thứ sáu sẽ chuyển thành Diệu Quan Sát Trí và năm thức còn lại là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức sẽ biến thành Thành Sở Tác Trí. Có tu hành giác ngộ thì tất cả thức ấy đều biến thành 4 trí tuệ siêu việt thế gian nầy. Còn nếu chúng ta không chịu khơi dậy chủng tử thiện trong thức thứ tám nầy mà cứ mãi gìn giữ chủng tử ác và tà kiến thì thức nầy cứ mãi là thức ác; một hạt mầm không tốt và cứ thế lấn mãi nơi mảnh đất thứ tám nầy thì cái thiện sẽ không có chỗ ngự trị. Nếu ta mê thì mình mãi mãi vẫn là phàm phu. Nếu ta tỉnh thì ta sẽ thành A La Hán, Bồ Tát và Phật. Phật, Bồ Tát, A La Hán tự tánh vốn không khác với chúng sanh; nhưng tự tánh của Bồ Tát luôn luôn sáng sủa; còn tự tánh của chúng ta luôn bị mây mù che phủ. Do vậy chúng ta chỉ cần vén bức màn vô minh sanh tử nầy bằng cách đẩy lùi đám mây đang che khuất mặt trời trí tuệ ấy là được. Xin mời quý vị hãy sẵn sàng dụng công vậy.
Suốt gần 10 năm nay Tiến Sĩ Lâm Như Tạng đã cố gắng hết sức mình để biên soạn "Thức Thứ Tám" nầy. Đa phần đã được đăng trên báo Viên Giác xuất bản ở Đức và báo Pháp Bảo xuất bản ở Úc, đã được nhiều độc giả lưu tâm. Tuy chữ nghĩa rất khô khan. Vì đây là phần siêu triết học của Phật Giáo, chẻ tâm ra hằng trăm mảnh để cho tỏ rõ ngọn ngành của sanh tử. Do vậy mà người đọc phải hết sức tinh tế lắm mới có thể lãnh hội được hết những gì mà tác giả muốn trình bày.
Nay thì tác phẩm đã thành hình và tác giả gợi ý muốn xuất bản thành sách. Do vậy nhân mùa Phật Đản và Vu Lan năm 2549 (2005) nầy chùa Viên Giác - Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã gởi thư kêu gọi ấn tống gởi đến quý Đạo Hữu xa gần và đã được nhiều đồng hương nhiệt tình ủng hộ. Xin đa tạ tấm thạnh tình nầy của quý Phật Tử gần xa, đã vì sự tích phước, tích đức mà làm công việc ấn tống nầy.
Trong kinh Kim Cang Phật dạy: Nếu có một người thật giàu có, cứ mỗi ngày ba lượt sáng, trưa và chiều tối đem tất cả vàng bạc ngọc ngà châu báu nhiều như núi Tu Di đem ra bố thí cúng dường suốt năm nầy tháng nọ, cũng không bằng người thọ trì 4 câu kệ trong kinh Kim Cang; hoặc giả khuyên bảo người khác thọ trì, thì công đức của người sau nầy nhiều gấp trăm ngàn lần của người trước. Như vậy ta đủ thấy bố thí cúng dường tài sản của cải tuy được phước đức đó; nhưng vẫn chưa bằng bố thí in ấn kinh sách để tạo điều kiện cho mọi người hiểu biết, tu học để được giải thoát, thì công đức ấy có giá trị gấp nhiều lần hơn.
Đi từ lời dạy của chư Phật và chư Tổ trong quá khứ; nên mỗi năm chùa Viên Giác và Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam tại Đức cố gắng mang đến những món ăn tinh thần đầy sáng tạo và có giá trị miên viễn với thời gian cũng như không gian nhằm trang trải tấm lòng của mình cho tâm thức vọng về trong khoảng tâm vô tận ấy.
Xin quý vị mở sách ra và bắt đầu đi vào từng trạng thái biến hiện của tâm thức mình.
Nhân mùa An Cư Kiết Hạ
Phật lịch 2549 - 2005 (Ất Dậu) tại chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
Thích Như Điểnkính giới thiệu
---o0o---
Vi tính: Ngọc Bích, Như Uyên
Trình bày: Nhị Tường