Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 22: Đà la ni

22/05/201313:42(Xem: 11348)
Phẩm 22: Đà la ni

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 22: Đà la ni

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Lúc bấy giờ Bồ tát Dược Vương chắp tay bạch Phật rằng nếu có người thọ trì kinh Pháp Hoa hoặc đọc tụng, thông hiểu, biên chép, họ được bao nhiêu công đức. Đức Phật dạy nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa, đúng như pháp tu hành, dù chỉ là một bài kệ bốn câu của kinh này, công đức của họ nhiều hơn công đức của người cúng dường 800 muôn ức hằng hà sa Phật.
Lúc đó, Bồ tát Dược Vương bạch Phật Ngài sẽ cho người nói Pháp Hoa thần chú để giữ gìn họ, thần chú này là của 62 ức hằng hà sa Phật nói. Ai xâm hủy vị Pháp sư này là xâm hủy các Đức Phật. Sau khi Bồ tát Dược Vương đọc chú Đà la ni, Phật khen ngợi Dược Vương Bồ tát vì thương xót, ủng hộ vị Pháp sư mà nói thần chú, ông giúp ích rất nhiều cho chúng sanh.
Tiếp theo Bồ Tát Dũng Thí bạch Phật xin nói Đà La Ni để ủng hộ người đọc tụng, thọ trì Kinh Pháp Hoa. Được chú này, Pháp Sư sẽ không bị Dạ Xoa, La Sát, ngạ quỷ v.v… rình tìm chỗ dở. Thần chú này của hằng hà sa Phật nói, ai xâm phạm các Pháp Sư là xâm phạm các Đức Phật.
Kế đến, Tỳ Sa Môn Thiên vương bạch Phật Ngài cũng nói chú Đà La Ni ủng hộ Pháp Sư và xin ủng hộ người trì kinh, giúp họ thoát khỏi tai nạn trong khoảng 100 do tuần. Và Trì Quốc Thiên vương cùng với vô số Càn Thát Bà ở trong pháp hội cũng chắp tay bạch Phật xin dùng thần chú Đà La Ni ủng hộ người trì Kinh Pháp Hoa. Thần chú này của 42 ức Phật nói, ai xâm phạm Pháp Sư là xâm hủy các Đức Phật.
Sau cùng 10 quỷ La Sát đồng bạch Phật rằng : họ cũng muốn ủng hộ và trừ sự khổ hoạn cho người thọ trì Kinh Pháp Hoa. Nếu có người rình tìm chỗ dở của Pháp Sư liền khiến cho họ không thấy. Đức Phật ngợi khen công đức của La Sát Nữ.
Lúc Phật nói phẩm Đà La Ni, sáu muôn tám ngàn người được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

II. GIẢI THÍCH

Bản kinh Pháp Hoa của Ngài Cưu Ma La Thập dịch đặt phần chúc lụy ở phẩm 22 và phẩm Đà La Ni thuộc phẩm thứ 26. Tuy nhiên, theo bản Chánh Pháp Hoa kinh của Ngài Trúc Pháp Hộ dịch thời nhà Tấn, bản Phạn ngữ Népal, bản Pháp Hoa ở Ưu Điền cùng bản Pháp Hoa ở Kashmir, cả bốn bản này đều đặt phẩm Chúc lụy ở phẩm 28 cuối kinh và phẩm 22 là phẩm Đà La Ni.
Có thể bản kinh Pháp Hoa mà Ngài Cưu Ma La Thập mang từ Ấn Độ về Kucha (hay Quy Tư, ngày nay là Liên Xô) và từ Kucha mang sang Trung Quốc, vì đường xa và phương tiện di chuyển khó khăn thô sơ ở thời đó, nên dễ bị xảy ra những sơ suất làm đảo lộn thứ tự, nếu đem so với các bản kinh Pháp Hoa khác được mang trực tiếp từ Ấn Độ đi thẳng sang Trung Hoa.
Theo tôi, đặt thứ tự phẩm 21 Như Lai Thần Lực, 22 Đà La Ni, 23 Dược Vương, 24 Diệu Âm, 25 Phổ Môn, 26 Diệu Trang Nghiêm Bổn Sự, 27 Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát, 28 Chúc Lụy như trong đa số các bản kinh Pháp Hoa mà bản Chánh Pháp Hoa kinh của Ngài Trúc Pháp Hộ tiêu biểu, sẽ hợp lý hơn. Vì lý giải ý nghĩa kinh theo thứ tự này sẽ liên tục ăn khớp hơn.
Thật vậy, Phật nói kinh Pháp Hoa và cuối cùng phú chúc cho các Bồ tát giữ gìn hoằng truyền là điều tất yếu. Nếu Phật đã chúc lụy xong, tức pháp hội tan rồi, tại sao Ngài nói một loạt sáu phẩm sau kế tiếp như bản của Ngài Cưu Ma La Thập đã ghi. Chúng ta phải lý giải ý nghĩa này như thế nào ?
Ngoài ra, từ phẩm Như Lai Thần Lực, Phật hiển bày thần lực phú chúc pháp chân thật cho Bồ tát tùng địa dũng xuất ở mặt siêu hình giữ gìn. Đứng ở góc độ siêu hình cao nhất, tương ứng với pháp của Phật Oai Âm Vương, mà đại chúng không thể nắm bắt được gợi cho Bồ tát Dược Vương khởi lên ý nghĩ đưa thần lực Như Lai trở về thực tế cho chúng hội hiểu được. Nói cách khác, Dược Vương cụ thể hóa pháp chân thật của Như Lai phú chúc cho Bồ tát tùng địa dũng xuất bằng ngôn ngữ mà các Đức Phật sử dụng gọi là mật ngữ hay Đà la ni hoặc thần chú. Đó là ý nghĩa của phẩm Đà la ni nối liền với phẩm Như Lai thần lực.
Sự kiện Dược Vương Bồ tát, Dũng Thí Bồ tát, Tỳ Sa Môn Thiên vương, Trì Quốc Thiên vương cho đến La sát nữ cũng cho thần chú ủng hộ người trì kinh Pháp Hoa, làm cho chúng hội nghi ngờ và Tú Vương Hoa Bồ tát đại diện xin Phật giải đáp. Phật trả lời chúng hội nguyên nhân vì sao các vị này có thể sử dụng được thần chú của các Đức Phật, bằng cách kể lại tiền thân của Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Diệu Âm tu hành như thế nào để chuyển mạch từ Đà la ni sang phẩm 23 Dược Vương Bồ tát bổn sự, phẩm 24 Diệu Âm Bồ tát kế tiếp.
Qua phần trình bày sơ lược trên, chúng tôi đã đơn cử vài nét về ý nghĩa của thứ tự sắp xếp phẩm Như Lai thần lực đến phẩm Đà la ni, Dược Vương, Diệu Âm v.v… theo bản Chánh Pháp Hoa kinh của Ngài Trúc Pháp Hộ.
Trở lại vấn đề ý nghĩa của Đà la ni hay thần chú, theo tôi, đây là việc rất quan trọng đối với người tu hành, không thể trình bày bằng ngôn ngữ, lý luận suông để hiểu, mà phải thể hiện bằng việc làm và sở đắc của mình. Riêng bản thân tôi chưa chứng đắc, nên không biết cách nào để diễn tả mật ngữ. Người nào chứng được pháp Đà la ni mới hiểu. Và việc truyền trao Đà la ni cho người khác không đơn giản. Tùy mức độ tu hành cảm được sự vi diệu và có tác dụng khác nhau. Vì vậy, những gì tôi trình bày ở đây chỉ là mượn ngôn ngữ để diễn tả cảm nhận của mình trên bước đường tu hành mà thôi.
Đà la ni nghĩa là tổng trì hay thủ hộ có công năng giữ gìn được tất cả công đức lành của chúng ta. Hành giả Pháp Hoa trên lộ trình tiến tu không lo tạo công đức nhiều, nhưng vấn đề chính yếu là cần giữ gìn công đức đã tu tạo làm hạt nhân tích lũy cho sinh mạng tu hành đời sau, không để cho mất.
Trên con đường đến bảo sở, chúng ta tạo được công đức đã khó, mà giữ không cho mất càng khó hơn. Thông thường chúng ta hay vấp phải sai lầm, chỉ lo tạo mà không chịu lo giữ gìn. Tuy nhiên, công đức của hành giả Pháp Hoa thuộc về vô lậu, chúng ta không biết nó ở đâu, thì làm thế nào giữ gìn. Chính vì nhìn thấy khó khăn này, các Bồ tát lớn thành xong Vô thượng đẳng giác thương nhân gian sanh lại, tạo điều kiện giúp hành giả giữ gìn công đức. Trong số các Bồ tát này có Bồ tát Dược Vương ở Ta bà dưới dạng vô hình, phát nguyện thủ hộ công đức lành cho chúng ta. Bồ tát Dược Vương tiêu biểu cho Bồ tát từ chơn tánh trở ra hiện tượng, mới hiểu thần lực của Như Lai, hiểu kinh Pháp Hoa không bằng ngôn ngữ. Ngài trực nhận được pháp chân thật của Phật phú chúc cho các Bồ tát tùng địa dũng xuất, mới phát nguyện cho chú Đà la ni thủ hộ người trì kinh Pháp Hoa. Thần chú này cũng là pháp bí yếu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Đức Phật.
Đà la ni hay thần chú là một loại tín hiệu của chư Phật mà Bồ tát lớn chứng được, còn chúng sanh hoàn toàn tuyệt phần. Những người không có niềm tin tôn giáo hoặc ở trình độ thấp xem đây là huyền thoại. Tuy nhiên, các bác học trên thế giới chuyên nghiên cứu về Đà la ni xác định rằng có những ngôn ngữ, tín hiệu của thế giới tu chứng mà loài người không biết được nhưng nó có tác dụng.
Ngày nay, qua kinh nghiệm khoa học, chúng ta có thể tạm hiểu được ngôn ngữ của thần chú hay Đà la ni ví như đài thiên văn bắt được các tín hiệu từ những hành tinh khác tới địa cầu, nhưng chúng ta không thể hiểu được, giải được. Hoặc tuy cùng ở trong thế giới loài người, dù ta có bắt được tín hiệu của Liên Xô đánh đi, ta vẫn chẳng hiểu gì nếu chúng ta chưa hề biết giải mã. Huống gì Đà la ni là Phật ngữ hay pháp ngữ, không phải ngôn ngữ của loài người.
Nếu không nhờ thần lực thủ hộ của Bồ tát, hành giả khó vượt qua được những chướng ngại giăng đầy trên cuộc đời. Bồ tát Dược Vương dạy hành giả trì tụng thủ hộ thần chú của Ngài, tà ma ngoại đạo sẽ không xâm hại được. Chẳng những khuấy phá của ác ma bên ngoài bị Bồ tát Dược Vương chận đứng, mà cả nghiệp ác từ bao đời trong thâm tâm hành giả cũng không bộc phát được. Thù trong giặc ngoài đều bị thần chú Bồ tát phá tan, để bảo quản công đức lành của hành giả.
Đà la ni có công năng trấn át nghiệp bên trong là vấn đề quan trọng. Vì giặc bên ngoài có ác độc khuấy nhiễu thế nào, tâm hành giả vẫn bình ổn. Nhờ vậy chúng ta mới giữ gìn được công đức lành đã dày công tu tạo. Vì vậy thủ hộ này là thủ hộ từ nội tâm, giúp chúng ta bình tĩnh, sáng suốt đối phó với hoàn cảnh khó khăn bên ngoài.
Thủ hộ của Dược Vương Bồ tát được Phật xác định là của hằng hà sa Phật sử dụng, nên ai xâm phạm người trì chú Dược Vương, coi như xâm phạm các Đức Phật. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý trên thực tế, có nhiều người siêng năng trì chú, nhưng tại sao khó khăn vẫn đến với họ.
Thần chú là mật ngữ, là tín hiệu mà Phật truyền trao cho Bồ tát, cho người trì kinh Pháp Hoa để giữ gìn, bảo vệ người trì kinh Pháp Hoa, không phải cho phàm phu. Như vậy muốn được Đà la ni hộ trì không đơn giản, vì hành giả phải hội đủ tư cách của người trì kinh Pháp Hoa quy định trong phẩm Pháp sư. Đó là người giữ gìn được pháp Phật trong thân tâm, nên thân tâm hành giả biến thành thân tâm Phật và việc làm của hành giả phải là việc làm của Phật.
Theo tôi, muốn trì chú có kết quả phải đứng ở dạng Phật thừa để trì, chỉ có thể nghiệm trì chú bằng bản tâm thanh tịnh mới tương ứng với bản tâm thanh tịnh của chư Phật mười phương và có hiệu lực. Ngược lại, trì chú mà tâm hành giả còn nhiều ham muốn, nhiều giao động, thuộc về vọng tâm, không phải Phật tâm. Như vậy, sử dụng Phật ngữ với tâm tham lam, độc ác, giao động sẽ gây tác hại nhiều hơn.
Trì dưới dạng chơn tâm hay trở về bản tâm thanh tịnh, hành giả thường có cảm nghĩ trên cuộc đời không có gì đáng cho chúng ta quan tâm sợ hãi. Hành giả an trụ pháp KHÔNG của chư Phật mà từ đó phát lên mật ngữ hay Đà la ni. Bấy giờ giặc phiền não bên trong ngũ ấm thân và ác ma bên ngoài thuộc ngũ ấm thế gian, cả hai đều không tác động gì đến chơn tâm hành giả. Tâm hành giả đang tương ưng cùng mười phương Phật, mới trực nhận sự hộ niệm của các Ngài. Hành giả sống dưới dạng này, tà ma ngoại đạo không tác hại được, thể hiện mẫu người trì chú dưới dạng Bồ tát. Và Bồ tát Dược Vương trao cho hành giả thần chú ở dạng bản thể vậy.
Thần chú Dược Vương linh nghiệm, nhưng khó hành trì cho có kết quả. Nếu không trì đúng pháp, hành giả không bắt gặp được mật ngữ của Phật. Chúng ta đừng lầm thần chú của Dược Vương Bồ tát với thần chú của Ấn Độ giáo hay của phù thủy.
Thần chú hay Đà la ni có tác dụng khi tâm hành giả dứt sạch mọi tham vọng xấu ác trên cuộc đời. Trên bước đường tu, từng phần chứng được pháp Đà la ni của Phật, tâm trí hành giả theo đó chuyển đổi; tuy sống bình thường nhưng làm được nhiều việc, khác với trước kia muốn làm việc lớn mà việc nhỏ nhất cũng không làm nổi. Tâm tham càng lớn, càng khổ với sự thất thoát của giặc năm nhà. Khi nhận được Phật lực gia bị, hành giả trì chú Dược Vương, mọi khó khăn trên bước đường hành đạo tự động bị đánh bạt. Không cần đối phó với thế lực nào, nhưng việc tự tốt để giúp hành giả tiến tu. Thân tâm hành giả theo đó sáng ra và hiện nét từ bi. Nếu đọc bùa chú của phù thủy là của người ác luyện nên kết quả trái ngược. Họ không hiện tướng giải thoát phước báo, mà hiện tướng ác quỷ.
Đọc thần chú của Bồ tát Dược Vương phát xuất từ tâm từ bi, hành giả cảm thấy mát mẻ như uống nước cam lồ, thấy ấm áp như người con đi lạc gặp lại mẹ hiền. Nếu không có tác dụng này mà trì chú chỉ tăng thêm nóng nảy, sân hận, ác độc là hành giả đã lạc vào pháp thuật của tà ma ngoại đạo.
Ngoài Bồ tát Dược Vương, còn có Bồ tát Dũng Thí phát nguyện hộ trì hành giả Pháp Hoa. Trên bước đường tu, hành giả gặp khó khăn hoặc tạo được công đức lành thường hay thay đổi tâm niệm. Vì vậy, Bồ tát Dũng Thí gia trì cho hành giả vững tâm, vững lòng làm việc. Hành giả cần thuốc men, tiền bạc hay bất cứ phương tiện gì, niệm thần chú của Bồ tát Dũng Thí, mọi nhu cầu tự động được giải quyết tốt đẹp. Thành tựu công đức như vậy, hành giả đã gặp Bồ tát Dũng Thí hiện thân trên cuộc đời sống dưới dạng hữu tình.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý hiệu nghiệm của thần chú Dũng Thí chỉ đến với những hành giả phát tâm hoằng truyền Pháp Hoa thực dạ tu hành, một lòng vì đạo không tiếc thân mạng. Trái lại, nếu chúng ta niệm thần chú bằng lòng tham, đòi hỏi đủ thứ, thì lời van xin của chúng ta hoàn toàn vô ích, chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.
Trong các đệ tử Phật, có một nhân vật điển hình là ông Cấp Cô Độc nhận được lực gia bị của Bồ tát Dũng Thí. Ông cúng dường bố thí thật nhiều mà kho báu vẫn tràn đầy. Lịch sử có ghi ông lót vàng trong vườn Thượng uyển dâng cúng Phật. Từ đó đến nay, không ai làm được như Cấp Cô Độc. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta thấy rõ những người quyết tâm tu hành hầu như thành tựu nhiều việc Phật sự lớn lao dù họ không có tiền. Tiền tự động có khi chúng ta thực hành tâm bố thí giống như Bồ tát Dũng Thí.
Tỳ Sa Môn Thiên vương thống lãnh chư thần, đặc biệt là loại thần Càn thát bà, thuộc về thần huyễn hóa, thần âm nhạc, khi ẩn khi hiện làm đạo tùy nhân duyên, không có ý niệm trụ ở nơi nào lâu dài bền chắc. Hành giả nào tu hành mang tâm niệm làm đẹp cuộc đời mà bước chân du hóa không bao giờ dừng lại, là đã tương ưng với Tỳ Sa Môn Thiên vương. Nếu cầu nguyện, trì tụng thần chú của Ngài, sẽ nhận được sự hộ niệm.
Trì Quốc Thiên vương cũng cho thần chú bảo vệ chúng ta tu hành. Nhưng Trì Quốc Thiên vương khác với Tỳ Sa Môn Thiên vương. Tỳ Sa Môn Thiên vương đến rồi đi, trong khi Trì Quốc Thiên vương ở đâu bám trụ nơi đó, với tâm niệm phát triển mãi mãi, không phải là huyễn hóa, không dừng lại. Hành giả Pháp Hoa mang hết tâm lực phụng sự Phật đạo, tu hành ở Ta bà, không đi nơi khác, tương ưng với hạnh nguyện của Trì Quốc Thiên vương, mới nhận được gia bị của Ngài.
Cuối cùng những việc lặt vặt sẽ có 10 quỷ La sát và 100 quỷ tử mẫu giải quyết cho hành giả. Quỷ La sát chỉ cho các loài quỷ linh cũng phát nguyện giữ gìn người trì kinh Pháp Hoa. Hành giả nào trì chú thủ hộ của La sát cũng tìm thấy an lành trong môi trường không an lành. Hành giả không cần bận tâm đến người ác, sẽ có người dữ xấu ác hơn trị họ. Hành giả lo giữ gìn tư cách của một hành giả Pháp Hoa cho tròn, mọi việc đã có Bồ tát, Thiên vương, quỷ thần phát nguyện giữ gìn.
Trên thực tế, tôi thấy rõ có những người rất hung dữ, nhưng họ lại rất tốt với người tu. Chúng ta có thể xếp những người này vào hàng quỷ La sát hay các loại thần linh đã phát nguyện thủ hộ người trì kinh Pháp Hoa sống đúng khuôn mẫu Phật dạy để duy trì Phật pháp tồn tại trên thế gian.
Như vậy hai vị Bồ tát, hai vị Thiên vương và quỷ La sát đều cho thần chú thủ hộ hành giả Pháp Hoa. Nhưng các vị này đồng loạt xác định rằng thần chú đó của Phật, không phải của riêng họ. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ tuy thần chú đó của Phật, không phải của các Ngài. Nhưng các Ngài sử dụng được, chứng tỏ các vị này là Bồ tát lớn hiện thân lại cuộc đời, mới sử dụng được mật ngữ của Phật dưới nhiều dạng hình khác nhau, để đóng các vai hiền dữ khác nhau, che chở cho hành giả Pháp Hoa trong mọi tình huống.
Theo tôi, chúng ta tồn tại an lành trên bước đường tiến tu đạo hạnh, phải nói nhờ nương theo thần lực của thần linh mật tá bảo vệ. Sự thực riêng bản thân chúng ta chẳng làm được gì, nếu không có gia trì lực của các Bồ tát, Thiên vương, nhất là Bồ tát tùng địa dũng xuất lãnh thọ pháp ấn của Phật. Có người phê phán, xem đây là không tưởng. Thiết nghĩ với tư cách con người, chúng ta còn nhiều vấn đề chưa thông hiểu được về con người, huống chi những việc nằm ngoài phạm vi con người.
Trì chú có kết quả hay không, tùy thuộc vào tư cách và việc làm của hành giả. Mật ngữ của Phật, Bồ tát, thiện Thần hứa sẽ giúp đỡ, nếu hành giả đúng như pháp tu hành, mang tâm niệm của Phật, làm việc của Bồ tát. Không như vậy, thì dù trì chú suốt đời cũng không thể nào tương ưng với thế giới thánh thiện của chư Phật, chư Bồ tát. Và đối với Thánh ngữ của các Ngài, chắc chắn chúng ta chỉ là kẻ điếc, hoàn toàn tuyệt phần trong việc tiếp nhận Đà la ni hay tín hiệu của các Ngài truyền trao.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]