Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vấn đề Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu & giới sát sanh

10/04/201316:20(Xem: 6421)
Vấn đề Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu & giới sát sanh

Giới thiệu bài mới

Vấn đề Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu & giới sát sanh

Thích Hạnh Bình

Nguồn: www.quangduc.com

botatquangduc-3a












1. Dẫn luận

Đạo Phật xuất hiện tại nước Ấn độ vào khoảng thế kỷ thứ VI TTL, sau đó được vua A Dục (Asoka) tín ngưỡng, đem đạo Phật truyền bá đi khắp mọi miền nước Ấn độ và ngay cả truyền sang các nước lân cận, và từ đó dần dần truyền đi khắp thế giới. Đạo Phật được phát triển mạnh ở những nước Châu á, như Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài loan…cho đến nay Phật giáo cũng đang phát triển ở những nước Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc.
Theo các nhà nghiên cứu sử cho rằng, đạo Phật được truyền đến Việt nam rất sớm, vào khoảng đầu thế kỷ thứ II STL, bằng 2 ngã đường thuỷ và đường bộ. Phật giáo Việt nam theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc cả về mặt nội dung tư tưởng lẫn hình thức tu tập.
Phật giáo là một tôn giáo, nhưng rất chú trọng đến mặt nhận thức, với mục đích giáo dục con người từ bỏ việc ác, làm các hạnh lành, và thành hướng đến mục tiêu giác ngộ và giải thoát, với phương châm lấy trí tuệ làm kim chỉ nam, lấy tinh thần từ bi hỷ xả làm phương châm hành động.
Thế nhưng qua thời gian đổi thay, không gian biến đổi, do vậy, lời Phật dạy cũng theo đó có nhận thức và lý giải khác nhau hình thành các Tông các phái, nổi bật là hai phái Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ hay từ chúng ta thường dung là Đại thừa và Tiểu thừa. Ngang qua quá trình lịch sử diễn biến của Phật giáo, chúng ta có thể đi đến xác định, Phật giáo Việt nam thuộc Phật giáo Đại thừa. Nhưng, Phật giáo Đại thừa ở Việt nam có điểm đặc thù gì so với Phật giáo Ấn độ ? Đây là điểm chúng ta cần nghiên cứu và lý giải, trước khi thảo luận đến sự kiện tự thiêu của HT. Quảng Đức.
Đất nước Việt nam có địa hình cong như chữ S, phía bắc giáp với Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, phía đông là một bờ biển chạy dài từ Bắc đến Nam, đất đai phì nhiêu và nhiều rừng núi, dân cư đông đúc cần cù lại thông minh. Từ địa hình và đặc tính con người của nước này, các nhà chính trị của những đất nước lớn và có đầu óc xâm lược không thể không nghĩ đến Việt nam trong sứ mệnh quốc tế, nhất là khu vực Đông nam á. Đây chính là lý do tại sao đất nước Việt nam luôn luôn rơi vào chiến tranh, nền độc lập dân tộc bị ham dọa. Cũng chính vì vậy, trong quá trình giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt nam luôn luôn bị đe doạ bỡi kẻ bành trướng, nhưng không vì thế, nhân dân Việt nam chịu khuất phục trước kẻ thù. Khi nền độc lập dân tộc bị nguy cơ, bất luận là thành phần nào trong xã hội, là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, dân hay quân, thậm chí người làm công tác Tôn giáo cũng cầm gươm giết giặt, chống ngoại xâm. Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt nam đã hùng hồn chứng minh điều đó. Có thể nói, đó là tính đặc thù của dân tộc, là niềm kiêu hảnh của dân tộc Việt nam.
Do vì, bối cảnh và tính đặc thù của dân tộc như vậy, Phật giáo tuy lấy tinh thần từ bi làm phương châm hành động, nhưng muốn tồn tại và phát triển ở đất nước này, tinh thần hoà nhập và tôn trọng nền độc lập dân tộc, chung vai sát cánh gánh vát trách nhiệm với dân tộc là điều không thể thiếu trong Phật giáo. Tinh thần Bồ tát hạnh của Phật giáo Đại thừa được triển khai ở đây là phù họp, không bị chướng ngại, bất cứ ở đâu có người dân đau khổ, cần Phật giáo giúp đỡ thì nơi ấy có Bồ tát là tinh thần của “Kinh Pháp Hoa”. Theo tôi đây là điểm đặc thù của Phật giáo Việt nam.
Xuất phát từ tinh thần này, sau khi đạo Phật được truyền nhập vào Việt nam, được nhân dân Việt nam đón nhận, không những chỉ có thế mà dần dần phát triển, và đã trở thành một tôn giáo chính của dân tộc. Sự đón nhận đó, không phải tự nhiên mà có, nó xuất phát từ hai phía, dân tộc Việt nam có lòng hiếu khách và sự cởi mở. Ngược lại về phía Phật giáo có hệ thống triết lý trong sáng, làm nền tảng cho xã hội phát triển, có lòng bao dung, biết trách nhiệm, đề cao vai trò trí tuệ, nhất là tinh thần nhập thế của Phật giáo Đại thừa đã thể hiện một cách nhuần nhuyễn, mạnh dạn xem sự thịnh suy của đạo pháp gắng liền với sự tồn vong của nền độc lập dân tộc, và ngược lại, sự tồn vong của đạo pháp biểu thị sự mất hay còn truyền thống văn hoá của dân tộc VN. Đó là lý do tại sao Phật giáo luôn luôn là một Tôn giáo chính của dân tộc.
Sự kiện HT. Thích Quảng Đức[1] tự thiêu năm 1963, là sự kiện lớn trong lịch sử Phật giáo Việt nam, mang tính tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh giữ gìn nền độc lập, giữ gìn nền văn hóa truyền thống của dân tộc và gìn giữ đạo pháp, nó được thể hiện ở một vị tăng sĩ Việt nam, là người mang hai trách nhiệm đạo pháp và dân tộc. Vì sự nghiệp cao cả này, Hoà thượng với tư cách là một vị tu sĩ Phật giáo Việt nam, lại vừa là một công dân Việt nam, trong tay không một tấc sắt, lấy nhục thân và trái tim vì dân vì nước, vì văn hóa vì Phật giáo của chính mình, làm ngọn đuốc soi sáng nhân gian, kêu gọi sự đoàn kết của toàn dân tộc, cùng đứng lên yêu cầu một chính quyền tay sai tàn bạo của gia đình Ngô Đình Diệm, hãy trả lại quyền tự do tôn giáo, bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, chấm dứt chính sách độc tài vong bản và phi nhân. Kết quả của sự kiện lịch sử đó đã kêu gọi được sự đoàn kết của dân tộc, giành lại quyền tự do tôn giáo và truyền thống văn hoá của dân tộc. Một điều đáng tiếc ở đây, sau sự kiện này mãi cho đến nay, về phía Phật giáo cũng như mặt nhà nước chưa thấy có một tiếng nói chân chính nào về sự hy sinh cao cả của Ngài.
Trước sự kiện tự thiêu này, có người đặt câu hỏi: Sự kiện tự thiêu của HT. Quảng Đức có mâu thuẫn với giới ‘không được sát sanh’ của đức Phật không ? Để lý giải vấn đề này, nội dung bài viết này sẽ thảo luận đến những vấn đề như sau: 1. Tinh thần giáo dục của Phật giáo, 2. Giới luật và tinh thần giới luật, 3. Tinh thần Bồ tát đạo, 4. Đạo Phật Việt nam và bối cảnh của nó, 5. Ý nghĩa việc tự thiêu của HT. Quảng Đức. Đây là toàn bộ nội dung thảo luận trong bài viết này.
2. Tinh thần giáo dục của Phật giáo
2.1. Mục đích giáo dục
Như chúng ta biết, Phật giáo là một Tôn giáo có chiều dài lịch sử rất lâu đời. Sự phát triển của Đạo Phật cũng khá phức tạp, từ Phật giáo nguyên thủy (tính từ Phật thành đạo đến sau khi Phật nhập diệt vào khoản 100 năm) phát triển đến Phật giáo Bộ phái; Từ Bộ phái phát triển đến Đại thừa. Mặt dầu mỗi giai đoạn lịch sử, Phật giáo có những quan điểm và hình thức sinh hoạt khác nhau, nhưng nhìn chung mục đích giáo dục của Phật giáo có điểm chung là, giải quyết những vấn đề khổ đau cho tự thân mình gia đình mình và xã hội. Quan điểm này được các kinh điển Tiểu thừa cũng như Đại thừa ghi như sau. Trước hết là Kinh Nikaya.
“… vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người.”[2]
Không những chỉ có kinh điển Phật giáo Nguyên thủy mà ngay cả Kinh điển Đại thừa “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”[3] đức Phật cũng nói lên mục đích và ý nghĩa này.như sau:
“Vị nhứt đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế, khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.” ( Lý do duy nhất mà đức Phật ra đời là làm thế nào để cho tất cả chúng sanh đều có thể thành đạt tri kiến của Phật.)
Qua 2 nguồn tư liệu của Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa, nóchứng minh cho chúng ta thấy rằng, mục đích giáo dục Phật giáo là làm thế nào để cho chính mình và mọi người đạt đến mục tiêu giác ngộ và giải thoát. Nói nột cách dễ hiểu hơn, lời giảng thuyết của đức Phật đều có mục đích chung là hướng dẫn cho mọi người, làm thế nào để chấm dứt những những khổ đau trong cuộc sống để có đời sống an vui và hạnh phúc.
2. 2. Phương pháp giáo dục
Căn cứ tinh thần và mục đích giáo dục của đức Phật như vừa trình bày, phương pháp giáo dục của đạo Phật rất đa dạng, không có một hình thức cố định nào, tất cả đều tùy thuộc vào đối tượng cụ thể, lý do chính của nó là, vì trình độ và sự hiểu biết của chúng sanh không đồng, hơn nữa hoàn cảnh sống của mọi chúng sanh cũng không giống nhau, do đó khi đức Phật trình bày một vấn đề gì đều căn cứ vào sự hiểu biết của đối tượng, đó là lý do tại sao trong kinh điển Phật giáo Đại thừa, tư tưởng ‘phương tiện’ được thiết lập và đề cao, vì không có tư tưởng phương tiện, thì lời Phật dạy khó có thể phục vụ con người và xã hội. Để làm sáng tỏ vấn đề, ở đây chúng ta có thể trích dẫn một vài kinh để minh chứng.
Trong “Kinh Tương Ưng Bộ” Tập V, ‘Tương Ưng hơi thở vô ra’. Kinh này đức Phật trình bày, một số đông Tỷ kheo tu tập pháp môn bất tịnh, họ cảm thấy nhàm chán cuộc sống này, muốn tự tử. Đức Phật biết được việc này, khuyên họ không nên tiếp tục tu tập pháp môn quán bất tịnh nên tu tập pháp môn quán sổ tức, tức làniệm hơi thở vô hơi thở ra. Các vị Tỷ kheo đã làm y theo lời đức Phật chỉ dạy, đều mang lại kết quả tốt đẹp và chứng được thánh quả. Cùng đề cập vấn đề này, trong “Thanh Tịnh Đạo Luận”, Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) giải thích:
“Khi một người tu tập một pháp môn không thích hợp thì khó tiến bộ, lâu đắc thánh quả, khi tu tập một pháp môn thích hợp thì đễ tiến mau đắc”[4]
Nội dung và ý nghĩa hai đoạn kinh, luận vừa trích dẫn, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rõ, ý nghĩa về phương pháp giáo dục của đức Phật luôn luôn thay đổi tùy theo đối tượng, không cố chấp, không có một hình thức giáo dục cố định nào có thể làm nguyên tắc chung cho mọi người mọi đối tượng. Cũng vậy, công việc hoằng dương Phật pháp ở mỗi thời đại khác nhau, không nên lấy một hình thức nào làm cái gọi là tiêu chuẩn, cho mọi con người và mọi thời đại khác nhau, lý do chính đáng vì trình độ hiểu biết của mỗi người trong xã hội không giống nhau, kẻ thông minh người ám độn, vả lại cuộc sống của từng địa phương không giống nhau, tín ngưỡng, phong tục tập quán lại không đồng, do đó lời giảng dạy của đức Phật cũng phải uyển chuyển theo căn cơ và trình độ của chúng sanh mà thiết lập giáo pháp. Tinh thần phóng khoáng này đã được Phật giáo Đại thừa vận dụng một cách nhuần nhuyễn. Phẩm ‘Phương tiện’ trong “Kinh Pháp Hoa” là một điển hình cụ thể.
Xuất phát từ những tinh thần cơ bản này, chúng ta có thể hình dung lý giải tại sao trong Phật giáo có sự tranh luận về ‘5 việc của Đại thiện’ hay ‘Thập sự phi pháp’. Điều đó biểu thị quá trình diễn biến của đạo Phật đã phát sinh giữa hai dòng tư tưởng một bên là bảo thủ và một bên là canh tân. Kết quả của sự tranh luận này đã không có điểm đồng nhất, cho nên nội bộ Phật giáo đã chia thành hai phái là Đại thừa và Tiểu thừa. Xét cho cùng, cho dù là Đại thừa hay Tiểu thừa, Phật giáo phát triển cho đến nay, hình thức sinh hoạt của từng phái vẫn bị thay đổi theo thời gian và không gian, tư tưởng cũng có khá nhiều điểm them vào, không còn như xưa nữa. Đây là sự thật lịch sử phát triển của Phật giáo, không ai phủ nhận.
Căn cứ tinh thần ‘Phương tiện’ trong hai hệ kinh điển của Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa, cho phép chúng ta nghiên cứu đến vấn đề ‘giới luật’. Giới luật có phải chăng là những qui định không thay đổi, mọi người xuất gia phải triệt để thi hành ? Nếu như quan điểm này là đúng, thì vấn đề được đặc ra là, trong giới luật của Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni có khá nhiều giới điều không còn phù họp nữa, ngoài những giới đã được ghi rõ trong luật, hiện nay có nhiều vấn đề là người xuất gia không nên làm, nhưng lại không được qui định cụ thể trong giới luật, thế thì người xuất gia có thể sử dụng được không ? Nếu như không được thì chúng ta căn cứ từ đâu ? Đây chính là vấn đề giới luật và tinh thần giới luật sẽ được thảo luận ở phần dưới đây. Nó chính là yếu tố cơ bản để lý giải vấn đề ‘tự thiêu’ của Hòa thượng Quảng Đức và giới ‘không sát sinh’ trong đạo Phật.
3. Giới luật và tinh thần giới luật
Thánh điển của Phật giáo bao gồm Kinh Luật và Luận tạng. Luật là những qui định cụ thể, là nguyên tắc sống cho các hang đệ tử xuất gia và tại gia. Hiện nay luật tạng còn để lại là những bộ luật của các bộ phái, được kiết tập sau khi đức Phật nhập diệt. Theo tôi, thật ra trong thời kỳ Phật còn tại thế không có sự phân chia tách biệt thành từng bộ, gọi là kinh luật và luận. Trong lời Phật dạy (kinh) đã ẩn chứa trong đó tinh thần giới luật, từ tinh thần nay về sau, căn cứ từng đoàn thể xuất gia sống theo từng địa phương, hình thành những qui định cụ thể, nhằm gìn giữ nếp sống tu tập cho Tăng đoàn cố định nào đó, cũng từ đó những bộ luật hình thành.. Tính chất và mục đích của giới luật như thế nào như đã được liệt kê trong “Luật Ma ha Tăng kỳ”[5]. Quan điểm này đã được HT. Ấn Thuận giải thích như sau:
“Sau khi đức Thế Tôn thành chánh giác, Ngài đã tuyên dương giáo pháp. Giáo pháp mà đã được đức Phật trình bày chỉ là những điều Ngài chứng ngộ, do vậy Pháp là tất cả Phật pháp. Đức Phật là một vị xuất gia, Ngài thuyết pháp độ sanh bèn có người theo ngài xuất gia. Chúng đệ tử theo ngài xuất gia càng ngày càng nhiều, không thể không có tổ chức, do vậy, y cứ theo chánh pháp để hoá nhiếp tăng già (Y pháp nhiếp tăng) mà hình thành chế độ Tăng già…Nói đến, chế độ nhiếp tăng, nôi dung không giống nhau, nhưng chủ yếu vấn đề là chế độ của một đoàn thể. (1) Vì có một số người xuất gia, có những hành vi không đạo đức, với mục đích tìm cầu kinh tế, điều đó không những làm chướng ngại việc tu chứng cá nhân người đó, còn phá hoại cho đoàn thể Tăng già, do đó đức Phật chế định giới luật, là những qui định mà những người xuất gia cần phải tuân giữ;… (4) Cùng là những người xuất gia trong Phật pháp, cần chế độ thống nhất về những hành vi của tăng già, như những vấn đề đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, khấc thực…”[6]
Tóm lại, mục đích đức Phật thiết lập giới luật không ngoài 2 nhiệm vụ chính là bảo vệ cộng đồng Tăng già sống trong sự hoà họp thanh tịnh bình đẳng và hướng đến giác ngộ và giải thoát. Do vậy, giới luật trong đạo Phật có ý nghĩa cụ thể và thật tế, không phải là những giới điều suông và không có giá trị trên thật tế. Ví dụ, điều thứ 27 trong 30 điều Ni tát kỳ Ba dật đề qui định về việc mặc y tắm mưa, cũng như điều thứ 89 của pháp Ba dật đề qui định về việc làm y tắm mưa.. Điều này không còn giá trị ở xã hội chúng ta, vì đời sống tăng ni của xã hội ngày nay là cuộc sống định cư, mỗi nơi cư trú cho tăng ni đều có phòng tắm, không một tỷ kheo tỷ kheo ni nào đi tắm mưa, không giống như tăng già sống vào thời đức Phật, có cuộc sống di cư, nay chỗ này mai chỗ khác, không có nhà tắm, nhân dịp trời mưa các Tỷ kheo đi tắm mưa, do đó mà có qui định về việc may áo mưa và tắm mưa. Qui định này chỉ có giá trị, khi tăng già sống đời sống di cư, sống trong rừng núi, nó sẽ không có gia trị khi đời sống tăng già đã thay đổi, xã hội thay đổi. Hoàn cảnh xã hội thay đổi thì qui định sống cũng sẽ phải thay đổi. Thế thì cái gì là cái không bị thay đổi ? Theo tôi đó là tinh thần của giới luật. Cái gì gọi là tinh thần giới luật ? Ở đây chúng ta có thể vay mượn một bài kệ số 183 trong “Kinh Pháp cú”[7] lý giải về nghi vấn này.
Không làm các điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch.
Đó là lời chư Phật dạy.
Nội dung và ý nghĩa bài kệ này, đức Phật khuyên chúng ta không nên làm những điều ác, hãy làm những việc lành. Vì theo đức Phật, làm những điều ác là nguyên nhân của khổ đau, là nguồn gốc sanh tử luân hồi, đưa đẩy chúng sanh lặn hụp trong sáu cõi. Đó là ý nghĩa và mục đích giáo dục của đức Phật, cũng là tinh thần đạo đức của Phật giáo. Như vậy, cái gì là ‘điều ác’ ? là những việc sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói lời không thật, uống rượu… là những hành vicụ thể của điều ác; Ngược lại, những gì là việc ‘lành’ ? Đó là từ bỏ những hành vi vừa đề cập. Như vậy, giới luật cơ bản của đức Phật là: (1). Không được sát sanh, (2). Không được trộm cắp, (3). Không được tà dâm (xuất gia không được dâm dục), (4) không được nói láo, (5) Không được uống rượu. Tthế nhưng, nếu như chúng ta có một loại bịnh nào cần đến rượu mới chữa khỏi, người Phật tử có nên uống không ? Theo nhà Phật không phài là vấn đề uống hay không uống, giết hại hay không giết hại, chủ yếu vấn đề là mục dđích hya động cơ của việc uống rượu đó là gì ? mang tâm thiện hay tâm ác ? Đây chính là ý nghĩa được giải thích trong “Kinh Chánh Kiến”[8]

“Chư hiền ! thế nào là bất thiện ? Thế nào là căn bổn bất thiện ? Thế nào là thiện ? Thế nào là căn bổn thiện ? Chư hiền, sát sanh…là ‘bất thiện’ như vậy gọI là bất thiện. Chư hiền, thế nào gọi là ‘căn bổn bất thiện’ ? Tham lam, sân hận và ngu si là căn bổn bất thiện, như vậy gọi là căn bổn bất thiện; Chư hiền, thế nào là ‘thiện ? Từ bỏ sát sanh…là thiện, như vậy gọi là thiện; Chư hiền, thế nào gọi là căn bổn thiện ? Chư hiền, không tham lam, không sân hận và không ngu si là căn bổn thiện, như vậy được gọi là căn bổn thiện.”
Đoạn kinh vừa dẫn trên, đức Phật giải thích 4 vấn đề cơ bản là bất thiện và căn bổn bất thiện, thiện và căn bổn thiện. Ý nghĩa này phân tích cho chúng ta hiểu rõ rằng, nguồn gốc của hành vi bất thiện là lòng tham lam, sân hận và ngu si, cũng vậy nguồn gốc của việc lành chính là lòng không không tham lam, sân hận và si mê. Hay nói một cách khác động cơ dẫn đến hành động mang tính bất thiện được biểu hiện bên ngoài, chính là tham, sân và si và ngược lại hành vi thiện được thể hiện ra bên ngoài nó xuất phát từ lòng không tham lam, sân hận và ngu si. Điều đó cũng gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, đôi lúc có những hành vi biểu hiện bên ngoài mang tính thiện, nhưng thật chất với một ý đồ của tâm rất xấu xa và đen tối, những hành vi này theo sự phân tính của đạo Phật cũng không được xem là việc lành, không phù họp lời dạy của đức Phật. Ví dụ có người vay mượn. Phật pháp để làm những việc bất chính, Phật pháp là cái hay cái đẹp, nhưng với tâm của người vay mượn đó thì quá xấu xa, Phật pháp cũng trở thành xấu. Ngược lại, có những hành vi được thể hiện bên ngoài không mấy tốt đẹp, nhưng người làm với tâm trong sạch và sáng suốt, thì hành vi này vẫn được xem là hành vi thiện. Như vậy, tính không tham không sân hận và không ngu si là tinh thần của giới luật. Bất cứ hành vi nào dù đó là hành vi bất chính, nhưng nó lien kết với lòng không tham sân và si thì hành vi đó đước định nghĩa là ‘thiện’. Có thể nói đây là tinh thần cơ bản của giới luật trong Phật giáo.
Giới luật mà đức Phật thiết lập, nó luôn luôn dựa vào tinh thần giác ngộ và giải thoát, điều kiện để được giác ngộ giải thoát, nó luôn luôn gắng liền với đặc tính không tham lam, sân hận và ngu si. Rời bỏ 3 đặc tính này mà thiết lập hay hành trì giới luật đều là ‘phi Phật pháp’.
Căn cứ vào tinh thần này, chúng ta có thể lý giải được sự kiện HT. Quảng Đức tự thiêu và giói ‘Không sát sanh’ trong nhà Phật không bị mâu thuẫn. Lý do vì, Bồ tát Quảng đức tự thiêu không phải lòng tham lam quyền lực, hay bất cứ địa vị danh vọng nào, cũng không phải vì lòng sân hận, càng không phải là hành động si mê, mà ngược lại Ngài rất sáng suốt tỉnh táo, với trái tim muốn được bảo tồn nền văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ, tôn giáo được bình đẳng. Với tâm lòng và ý chí đó Ngài đã tự mình đốt thân với mục đích kêu gọi làm thức tỉnh chính quyền kỳ thị tôn giáo và tay sai cho nước ngoài của chính quyền Ngô đình Diệm. Hành vi tự thiêu này, theo đức Phật không khuyến khích, nhưng nó không vi phạm đến tinh thần giới luật của Phật giáo.
4. Bồ tát đạo
4. 1. Tinh thần Bồ Tát đạo
Bồ tát là từ viết tắc và dịch âm từ tiếng Phạm là ‘bodhi-sattva’. Bodhi (bồ đề) có nghĩa là ‘giác ngộ’, sattva (tát đoả) nghĩa là ‘hữu tình’, chỉ cho những loài chúng sanh có tình thức; hai từ này ghép lại dịch âm là ‘Bồ đề tát đoả’, có nghĩa là giác hữu tình, tức là Bồ tát không những tự mình đã giác ngộ (tự giác) mà còn đem những điều giác ngộ đó làm lợi ích cho chúng sanh, như vậy được gọi là Bồ tát.
Sự hình thành tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo Đại thừa, có thể nói được xuất phát từ “Kinh Bổn Sanh” (jataka), là một bộ kinh tường thuật tỉ mỉ về tiền thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ, Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu tập, không giới hạn chỉ dưới hình thức của một người xuất gia mà thể hiện qua nhiều hình tướng, có thể một vị vua Chuyển luân thánh vương, Bà La môn, Sát đế lợi, Thủ đà la, một vị cư sĩ, một Công chúa…vớI ý nghĩa đề cao tinh thần vị tha cứu giúp chúng sanh của Ngài. Đức Phật thích Ca sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni và thành Phật tại Bồ đề đạo tràng chỉ là một sự kiện thị hiện của đức Phật, vì ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp trong quá khứ, mỗi một lần thị hiện với một hình thức là một vị Bồ Tát với một hạnh nguyện làm lợi lạc cho quần sanh, đáp ứng tất cả những gi chúng sanh yêu cầu, miễn sao chúng sanh được vui sướng là ngài mãn nguyện, cho dù việc làm đó có ảnh hưởng không tốt đối với cuộc sống của ngài, đôi lúc ngài hy sinh cả tính mạng, vợ con, tài sản…Ngài đều vui lòng cam chịu tất cả[9].
Tư tưởng Bồ Tát trong “Kinh Bổn Sanh” là cơ sở để phát triển và hình thành tinh thần Bồ Tát đạo theo hệ tư tưởng của kinh điển ĐạI thừa. Quá trình phát triển tư tưởng này khá phức tạp.Thật ra, Ở thời kỳ “Kinh Tạp A hàm”, “Kinh Trung A hàm” hoặc “Kinh Tương Ưng Bộ”,“kinh Trung Bộ” khái niệm Bồ tát cũng đã được đề cập, nhưng với ý nghĩa rất đơn thuần, khái niệm Bồ tát chỉ cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi chưa xuất gia còn là một vị cư sĩ, chưa thành đẳng chánh giác. Như trong ‘Kinh Bồ Đề Vương Tử’ đức Phật nói: ‘Ta trước khi giác ngộ, thành bậc chánh đẳng giác, khi còn là vị Bồ tát’[10].Câu kinh này biểu thị ý nghĩa đức thích Ca Mâu Ni khi chua thành Phật, nhưng từ Kinh A hàm đến thời đại của “Kinh Bổn Sanh” thì khái niệm về Bồ Tát hoàn toàn đổi khác, nhất là đến giai đoạn Phật giáo Đại thừa, khái niệm Bồ tát chỉ cho những vị đã giác ngộ, chỉ vì muốn thực hành chí nguyện độ sanh mà ở ngôi vị Bồ tát[11].
4. 2. Thực hành Bồ tát đạo (Sáu ba la mật)
Hạnh nguyện của Bồ tát lấy việc độ sanh làm mục đích, do vậy cần có tinh thần lăng xả thể nhập vào xã hội, tiếp cận quần chúng, tùy thuận chúng sanh thực hiện bản nguyện độ sanh của mình. Quan điểm này trái với tinh thần tu tập của Phật giáo nguyên thủy, đức Phật luôn luôn khuyên các vị Tỷ kheo tìm một nơi an tịnh vắng vẻ, như trong rừng núi…tránh xa làng xóm, để tu tập thiền định. Như chúng ta thấy xã hội là nơi rất phức tạp, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống nhậu nhẹt…đều ở trong đó, tất nhiên nó không phù họp cho người mới xuất gia học đạo, công tu tập hcu7a dày, kinh nghiệm chưa có, rất dễ bị cám dỗ, vì chúng có sức quyến rủ cực mạnh. Do vậy, Bồ tát muốn hội nhập xã hội để độ sanh điều kiện tiên quyết phải có tinh thần ‘vô ngã vị tha’ và lòng ‘từ bi’. Vô ngã là không còn có khái niệm tự ngã, vì có tự ngã sẽ có ngã sở, có ngã sở tức có sự chấp trước về ‘của mình’ và ‘của người’, như vậy sẽ không có tâm bình đẳng khi thực thi hạnh nguyện độ sanh, do vậy cần có tinh thần ‘vô ngã vị tha’. Tinh thần vô ngã vị tha không phải tự nhiên mà có, phải dày công tu học Phật pháp, giác ngộ chân lý; hay nói đúng hơn là phải có trí tuệ. Trí tuệ mới có chức năng chặt đứt mọi chấp trước và phiền não. Điều kiện thứ hai là Bồ tát phải có lòng ‘từ bi’. Tại sao phải có điều kiện này ? vì xã hội là một nơi rất phức tạp, đủ mọi hạng người ở trong đó, do vậy khi gặp chướng duyên, nếu không có lòng từ bi Bồ tát dễ sanh tâm hận thù và thối chí độ sanh, lòng từ bi có chức năng làm lắng diệu tất cả sự không bằng lòng, tăng thêm nghị lực độ sanh. Đây là hai điều kiện cơ bản cho Bồ tát thự hành chí nguyện độ sanh.
Dựa vào tinh thần cơ bản này, Phật giáo Đại thừa lấy 6 ba la mật (pràmita) làm phương tiện độ sanh cho người thực thi tinh thần Bồ tát hạnh. Như trong “Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật đa” đức Phật giải thích:
“Sáu Ba la mật là con đường của Bồ tát, là ánh sáng, là bó đuốc, là trí tuệ…”[12]
Đồng thời, trong “Kinh Đại Bát Niết bàn” đức Phật cũng giải thích như sau:

“Này Thiện nam tử, Bồ tát ma ha tát cần phải tu tập sáu Ba la mật, nhưng không cầu kết quả của việc tu tập sáu Ba la mật. Khi tu tập pháp vô thượng Ba la mật nên phát nguyện rằng: Ta nay lấy pháp sáu Ba la mật này vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, chúng sanh được sự phục vụ của ta, chỉ mong rằng tất cả chúng đều được chứng nhập A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Trong khi tu tập pháp Sáu Ba la mật này, nguyện cam chịu tất cả những loại khổ não, trong khi khổ não ta quyết không thối tâm Bồ đề.”[13]
Có thể nói, Sáu ba la mật là con đường thực thi tinh thần Bồ tát đạo, ứng dụng tinh thần độ sanh của Bồ tát vào cuộc đời, như tình cảm của người mẹ nuôi con, không có một thoáng suy nghĩ tư lợi, trục lợi cho chính bản thân mình, sẵn lòng cam chịu tất cả khổ nhọc, và còn hơn thế nữa, Bồ tát có thể hy sinh tánh mạng của mình để mưu cần hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh. Tinh thần đó đã được thể hiện rất rõ nét ngang qua ‘Phẩm Bồ tát Thường Bất Khinh’ trong “Kinh Pháo Hoa”. Ở đây, được miêu tả Bồ tát có thể cam chịu tất cả những lời chưởi mắng khinh khi, đánh đập, thậm chí cho đến sự hy sinh tính mạng của chính mình, chỉ vì mục đích cầu Phật đạo và cứu độ chúng sanh.
Không còn nghi nghờ gì nữa, HT. Thích Quảng Đức tiếp nối tinh thần này, bằng trái tim thương dân mến nước, yêu chuộng hòa bình và chế độ bình đẳng, Ngài đã lấy nhục thân của chính mình làm ngọn đuốc soi đường thức tỉnh cho một chính phủ vong bản đương thời, chỉ vì mục đích mong cầu chính phủ đương thời có chính sách bình đẳng Tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Tinh thần đó đáng được ca ngợi tán dương, và cho dù dưới hình thức nào nó vẫn luôn sống với những người con Phật và những người có ý thức cao độ về dân tộc.
Sáu ba la mật bao gồm: 1. Bố thí, 2. Trì giới, 3. Nhẫn nhục, 4. Tinh tấn, 5. Thiền định, 6. Trí tuệ. 1.Bố thí, tiếng Phạn gọi là dana, nghĩa là thí xả. Từ bố thí trong Phật giáo Đại thừa hàm chứa ý nghĩa rất rộng, không giới hạn chỉ bố thí vật chất và pháp thí mà còn mang ý nghĩa bố thí vơ con và ngay cả thân mạng của chính mình. Chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca lấy thân mình để cứu một con cọp đói là một ví dụ điển hình. Đây là loại văn hóa đề cao tính hi sinh của các nước thuộc vùng Trung Đông được Phật giáo hấp thu, khi Phật giáo truyền qua vùng lãnh thổ này…Quan điểm này có ảnh hưởng đến những vấn đề xả thân vì đạo của Phật giáo, 2. Trì giới, tiếng phạn gọi là sila, nghĩa là những giới điều có khả năng ngăn chận những hành vi bất thiện. Giới gồm có giới của người tại gia và giới của người xuất gia. Nhưng đặc biệt giới của Bồ tát không giới hạn chỉ có người xuất gia mà người tại gia cũng được thọ trì. Giữ giới không mang ý nghĩa tiêu cực chỉ không làm các việc ác, mà còn mang ý nghĩa phát huy việc lành. GiớI thể của Bồ tát chính là lòng không tham không si, 3. Nhẫn nhục, tiếng Phạn gọi là Ksantipar, có nghĩa là sự nhẫn nhục, khi Bồ tát gặp hoàn cảnh không thuận lợi bị người nhiếc mắng, phỉ nhổ…Bồ tát cần phải có lòng nhẫn nhục để chịu đựng, mới có thể tiếp tục sự nghiệp hoá độ chúng sanh; 4. Tinh tấn, tiếng Phạn gọi là virya, có nghĩa là siêng năng tinh tấn, nó là cái đối trị tính lười biếng, nó có chức năng thúc đẩy, khích lệ Bồ tát hành đạo không biết mỏi mệt, kích thích những việc thiện nào chưa sanh được sanh, những việc thiện nào đã sanh được tăng trưởng, đó là chức năng của tinh tấn; 5. Thiền định, tiếng Phạn gọi là Dhyana, nghĩa là tịnh lự. thiền định có chức năng khiến cho hành giả thân thể được khinh an, tâm được định tĩnh, không tạp loạn; 6. Trí tuệ, tiếng Phạn gọi là prajna, nghĩa là trí tuệ. Khái niệm trí tuệ trong Phật giáo định nghĩa không tương đồng với sự thông minh hiểu biết của thế gian. Chúng ta có thể định nghĩa từ trí tuệ bằng một từ khác là ‘như thật tuệ tri’ hay ‘như lý tác ý’ là sự hiểu biết đúng như sự thật, không phải là sự tưởng tượng hay trạng thái ảo tưởng. Khái niệm này được trong “Kinh pháp Hoa” mô tả la ‘thập như thị’, vì trí tuệ là sự hiểu biết đúng như sự thật, cho nên trí tuệ có khả năng đoạn trừ phiền não, chặt đứt con đường dẫn đến khổ đau, trong khi đó sự thông minh hiểu biết của thế gian không làm được trách nhiệm này, đó là lý do tại sao khái niệm trí tuệ không đồng nghĩa với từ hiểu biết của thế gian.
Trong sáu ba la mật này, Bồ tát lấy Bố thí làm mục tiêu hành động, lấy trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn làm phương tiện độ sanh, lấy định và tuệ làm ngọn đuốc soi đường. Như vậy, sáu Ba la mật là một phương pháp độ sanh toàn hảo, không rơi vào sự sai lầm, và Bồ tát sẽ không bị cám dỗ, khi lăng xã hoà nhập vào xã hội thực thi công việc độ sanh. Đó là nội dung và ý nghĩa của tinh thần Bồ tát đạo trong hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa..
Nếu như 6 Ba la mật là phương tiện cho Bồ tát độ sinh thì việc vi tự thiêu của Hòa thượng là hành vi của Bồ tát trong thời hiện tại. Ngài lấy thân mình làm ngọn đuốc bố thí cho dân tộc, đó là Bố thí Ba la mật; Ngài luôn kiên trì giữ cho thạn và tâm mình không bị rơi vào con đường danh lợi, đó là sự trì giới giữ giới Ba la mật; Ngài chấp nhận mọi sự nguyền rủa phỉ bán của đối phương của những người chà đạp văn hóa dân tộc, đó là thái độ nhẫn nhục Ba la mật của Hòa thường; Ngài luôn luôn nổ lực và giữ tâm chân chánh đối với sự nghiệp kêu gọi tự do và bình đẳng Tôn giáo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó là sự tinh tấn Ba la mật; Trong lúc ngọn lửa đốt cháy thân mình mà Ngài vẫn an nhiên, đó là thiền định Ba la mật; Suy tư của Ngài luôn luôn luôn vì tôn giáo vì văn hóa của dân tộc, đó là một tâm hồn với trí tuệ Ba la mật. Như vậy, sự kiện tự thiêu của HT. Quảng Đức là hành vi của một vị Bồ tát hóa thân.
5. Đạo Phật Việt nam và bối cảnh của nó
Nếu như Phật giáo được truyền vào Việt nam vào đầu thế kỷ thứ II SCN, tính cho đến nay, thì Phật giáo Việt nam đã có chiều dài lịch sử gần 2000 năm cộng tồn với dân tộc. Điều đó nó gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, Phật giáo và dân tộc có mối quan hệ rất thiết thân và ôn hòa. Cho đến nay, trong lịch sử Phật giáo Việt nam và lịch sử dân tộc Việt nam vẫn chưa một lần nào ghi sự bất hòa giữa Phật giáo và dân tộc, chỉ có ghi rắng, Phật giáo đã đóng góp khá nhiều cho nền văn háo dân tộc, nhất là công cuộc gìn giữ bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo Phật giáo và đất nước cần chú ý và phát huy sự đóng góp cao đẹp đó.
Nghiên cứu tính đặc thù của Phật giáo Việt nam, chúng ta không thể không nghiên cứu đến bối cảnh đất nước mà bản thân Phật giáo đang sinh tồn. Có nghĩa là người nghiên cứu cần phải phân tích và đánh giá tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội…của đất nước Việt nam, vì nó không nhiều thì ít có ảnh hưởng trực tiếp đến cách tư duy và hành động cụ thể của Phật giáo ở Việt nam. Nói cách khác, Phật giáo muốn hoằng dương Phật pháp cho ai và ở đâu, phải căn cứ vào cách suy nghĩ và nhu cầu thực tế của người dân ở đó mới thiệp lập một phương pháp thích nghi để đáp ứng cho con người đó và địa phương đó. Thế thì bối cảnh hay điểm đặt thù của Việt nam là gì ? Theo tôi có hai đặc điểm: Trước nhất là nền kinh tế nông nghiệp không phát triển. Trên thực tế nền kinh tế chủ yếu của Việt nam là nông nghiệp. Hầu hết người Việt nam sống bằng nghề nông, bám vào thửa ruộng mảnh vườn, cày cấy trồng trọt làm phương tiện sống qua ngày, đời sống người dân thật lam lũ. Đó chính là lý do chính đáng để lý giải tại sao người dân Việt nam có thói quen sống trong tinh thần ‘làng’ ‘xóm’. Thật ra ‘làng’ ‘xóm’ là khái niệm tập thể, nhiều nhà nhiều gia đình chung nhau mà sống. Tinh thần ‘làng’ xóm’ là tinh thần ‘tương thân tương ái’, ‘lá lành đùm lá rách’. Điều đó nói lên rằng, về mặt nhà nước không đủ sức giải vấn đề công việc, đời sống cho người dân, người dân phải tự giải quyết. Người dân lại quá nghèo khổ, không tự nuôi bản thân nổi, ai cũng khó khăn, gia đình nào cũng thiếu hụt cho nên phải cần, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Cuộc sống đã nghèo đã khổ cho nên cần phải nương tựa vào nhau, chia bùi xẻ ngọt với nhau mà sống, ai cũng nghèo cả, nhưng khi trong xóm có người hoạn nạn, thì hãy nhín một chút giúp cho nhau qua cơn hoạn nạn, và cứ thế duy trì cuộc sống.
Đời sống của người dân Việt nam đã như thế thì Phật giáo Việt nam không thể là một tầng lớp quí tộc ăn trên ngồi trước, cuộc sống xa hoa, ngôi chùa không phải là cung điện nguy nga lộng lẫy, mà là nơi thờ lễ bái, giữ gìn giềng mối đạo đức văn hóa truyền thống của dân tộc, nhà sư cũng không phải là những nhà triết học thông thái, với những lý luận triết lý siêu hình, mà là những nhà tu chơn chất mộc mạt bình dị, sống cuộc đời tương chao dưa muối, với phương pháp giáo dục đơn giản nhẹ nhàn, khuyên dân nên làm việc lành lánh điều dữ, với phương pháp tu tập ngồi thiền tụng kinh hay niệm Phật, không đi vào triết lý sâu xa. Không chỉ có thế, Phật giáo còn phải đảm đương những công việc như là chữa bịnh, lo các ma chay cho dân làng, dân có bịnh có điều buồn phiền thì đến chùa lạy Phật lạy Bồ tát cầu được gia hộ, sau đó nhà sư cho mấy viên thuốc nam về uống. Tình cảm giữa thầy và trò rất thâm tình như thế, đạo Phật Việt nam trong quá khứ đến với dân với nước là thế. Có lẽ đó là lý do tại sao tục ngữ dân gian Việt nam có câu: Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tiên’.
Ngoài yếu tố này, còn có một yếu tố không kém phần quan trọng, nó có ảnh hưởng đến nền kinh tế…đạo Phật Việt nam, đó là ‘chiến tranh’. Có thế nói. Đất nước Việt nam nghèo khổ, kinh tế Việt nam không phát triển, cần được liên hệ đế yếu tố này, Một thời gian dài trong quá khứ, Việt nam luôn luôn ở trong tình thế sẵn sàng chiến tranh chống ngoại xâm, gần 1000 năm chống Ta2ui, rồi 100 chống Pháp, rồi lại đến cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đạo lý ở đâu có lẽ tùy theo lập trường của mọi người, tôi không can thiệp vào ý kiến cá nhân, nhưng ở đây tôi chỉ đề cập đến vấn đề là Phật giáo Việt nam gánh chịu hậu quả xấu từ những cuộc chiến không ít. Đất nước đang bị ngoại dâm đe dọa nền độc lập, vô lý Phật giáo lại ngồi trong đại điện tụng kinh niệm Phật, vô lý truyền thống văn hóa dân tộc đang bị ngoại bang và những người tiếp tay ngoại bang chà đạp, Phật giáo lại mặc nhiên phó thác cho vận mệnh ? Trước tình thế ấy, Phật giáo đã nhận chân và ý thức rằng, dân tộc còn thì Phật giáo còn, văn hóa truyền thống dân tộc mất thì Phật giáo cũng mất theo, đất nước độc lập thì Phật giáo có cơ may phát triển. Đó là những lý do chính đáng mà Phật giáo cùng vai sát cánh cùng dân tộc ngăn chận những ý đồ đen tối của ngoại xâm. Chính hai yếu tố này Phật giáo Việt nam đã hình thành tư tưởng và phương pháp hành đạo cho Phật giáo Việt nam, nó luôn luôn gắng liền với bối cảnh xã hội.
Qua đó chúng ta thấy, Lịch sử đất nước Việt nam là một lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Đất nước Việt nam tuy nhỏ nhưng không nhỏ về mặt tinh thần đoàn kết, nhân dân Việt nam tuy nghèo nhưng không nghèo tinh thần chiến đấu’ Phật giáo Việt nam tuy đơn sơ, nhưng không đơn sơ tinh thần nhập thế,
Phật giáo là một tôn giáo lấy sự giác ngộ và giải thoát làm mục tiêu hay nói một cách nôn na là một Tôn giáo diệt khổ. Một trong những nổi khổ của con người, đó là nổi khổ về về đất nước bị ngoại xâm, văn hóa truyền thống bị phá hoại. Nổi khổ này chính đức Phật là người có kinh nghiệm hơn ai hết vì đất nước của Ngài bị đe dọa bỡi nước láng giềng là Kiều Tát La hùng mạnh, Ngài tự nhận thấy rằng, nước Ca tỳ la vệ không thể đương đầu với một nước như Câu Tát La, nên Ngài đã chọn con đường chuyển luân pháp vương để cứu đất nước khỏi nạn đạo binh, điều chọn lựa của Ngài đúng như dự đón, khi Ngài trở thành bậc chánh đẳng chánh giác, Ngài đã hóa độ nhà vua nước Câu Tát La, nhà vua trở thành đệ tử của Ngài, do vậy Ca tỳ la vệ không rơi vào con đường chinh chiến. Sự kiện này, nói lên một điều, chính đức Phật là người rất quan tâm đến vấn đề tồn vong của đất nước, chúng ta là đệ tử của Ngài lại không quan tâm đất nước khi lâm nguy sao ? Theo tôi là một nhà tu sĩ Phật giáo tinh thần bảo vệ tổ quốc là một nhiệm vụ, vì đất nước có bình yên thì việc tu tập mới thuận duyên, không thể ngồi tu hành trong khi đất nước lâm nguy dân tộc rối loạn Đó là lý do tại sao khi Phật giáo truyền đến Việt nam, Phật giáo lấy nổi lo của dân tộc làm nổi lo của mình, trong các phong trào chống ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập dân tộc, Phật giáo luôn luôn kề vai sát cánh với dân tộc, làm tất cả những gì mình có thể.
Dẫu rằng Phật giáo chủ trương một xã hội hoà bình, nhưng không mang ý nghĩa làm ngơ trước sự bất công của xã hội, dẫu Phật giáo lấy tinh thần từ bi bác ái làm phương châm hành động, nhưng không chấp nhận một quan điểm ‘ỷ mạnh hiếp yếu’, dẫu Phật giáo là một tôn giáo xuất phát từ Ấn độ, nhưng quan điểm của Phật giáo không có biên giới về lãnh thổ, không có phân biệt giữa người với người, Phật giáo ở đâu thì ở đấy là quê hương, là đất nước của mình, cần phải được bảo vệ đất nước đó, Phật giáo chưa từng có ý thức muốn thay đổi văn hóa Việt nam thành văn hóa Ấn độ, Phật giáo đến Việt nam, lấy văn hóa Việt nam làm gốc, chẳng qua Phật giáo chỉ giúp cho dân tộc đó nhận thức được nguyên tắc sống, giúp cho dân tộc đó biết đâu là thiện đâu là ác, đâu là khổ đau, đâu là hạnh phúc. Đó là tinh thần của Phật giáo, tinh thần đó được truyền vào Việt nam được nhân dân Việt nam hoan nghênh và chào đón, nó giống như viên thuốc bổ trợ lực cho dân tộc, nhất là tinh thần Bồ tát đạo là tinh thần hoà nhập xã hội của Phật giáo đại thừa. C thể nói,đây là điểm đặc thù của Phật giáo Việt nam.
6. Ý nghĩa việc tự thiêu của HT. Quảng Đức
Mỗi quốc gia có một lãnh thổ riêng, có một truyền thống văn hoá riêng, một ngôn ngữ riêng, có một tình cảm và một niềm tin riêng. Sự khác biệt này, nói lên tính đặc thù biểu tượng của nền văn hóa của một dân tộc. Văn hóa đó là con thân yêu, được dân tộc đó nuôi nấng vun bồi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó đẹp hay xấu đúng hay sai, chúng ta không thể đứng từ góc độ của một dân tộc khác đánh giá về nó, và thật sự cũng không cần ai khen hay chê, xấu hay tốt cũng là văn hóa của dân tộc, không thể thay đi được. Ai là đứa con từ nền văn háo đó sinh ra thì mới cảm nhận hết cái cảm giác thân thương của nó, là người mẹ sinh ra mình, mình mới thấy người mẹ mình thật dễ thương, tất nhiên không ai chấp nhập thay người mẹ của mình bằng người mẹ khác, thay văn hóa dân tộc của mình bằng loại văn hóa khác. Cũng vậy, Việt nam là một nước độc lập tự chủ, có một nền văn hóa riêng, có niềm tin tín ngưỡng riêng, không ai có quyền thay đổi văn hóa , niềm tin của dân tộc Việt nam. Thế mà gia đình Ngô Đình Diệm lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, cấu kết với ngoại xâm, thông đồng với Vatican với ý đồ đen tối bành trướng thế lực chính trị, cũng cố địa vị cho gia đình, biến Việt nam thành một nước của Chúa, dùng quyền lực của mình đã thực thi nhiều chính sách đàn áp Phật giáo, là một tôn giáo chính của dân tộc. Đó là nguyên nhân tại sao có phong trào đấu tranh vào năm 1963, bắt nguồn từ ngọn đuốc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức. Dẫu rằng cuộc đấu tranh này dưới ngọn cờ của Phật giáo, nhưng thật chất nó là cuộc đấu tranh của dân tộc, vì mục đích muốn bảo vệ Phật giáo, bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc.
Như chúng ta đã biết Phật giáo đã cùng dân tộc Việt nam chung sống trong mái ấm Tổ quốc gần 2000 năm lịch sử. Trong thời gian cộng tồn chung sống đó, Phật giáo và dân tộc hòa quyện với nhau như nước với sữa, cùng cam cộng khổ, nhĩa tình khắn khít…trang sử văn hóa dân tộc Việt nam có biết bao công trình văn hóa góp phần xây dựng nền văn hóa chung cho đất nước cho dân tộc, bao gồm cả mặt văn học, nghệ thuật, kiến trúc, hội hoạ …ngay cả mặt đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Không những chỉ có thế, ngay cả mặt giáo dục đạo đức, cách suy nghĩ trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân cũng đã chịu ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo. Có thể nói tình cảm đó, sự đóng góp đó, nếu là một người dân Việt nam, yêu văn hóa dân tộc, thì không ai lại chấp nhận thay thế Phật giáo bằng một bất cứ một tôn giáo nào khác, vì văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc quyện chặt với nhau. Loại khỏi Phật giáo ra khỏi dân tộc Việt nam, điều đó có nghĩa là phủ nhận văn hóa truyền thống của dân tộc. Nói đến văn hóa truyền thống của dân tộc, chúng ta không thể thay thế chùa Một cột bằng nhà thờ Đức Bà, chúng ta cũng không thể thay thế nhà thơ Nguyên Du bằng một nhà thơ nào đó…Chùa Một cột tuy nhỏ hơn nhà thờ Đức Bà nhưng đó là kiến trúc đặc thù đại diện cho kiến trúc cổ Việt nam…
Sự kiện đạo Thiên Chúa đến Việt nam, không chỉ là việc đơn đơn thuần đem đạo Thiên chúa truyền đến Việt nam, bên sau đó mang cả ý đồ chính trị muốn thôn tính Việt nam, phá hoại nền văn háo truyền thống dân tộc, tiêu diệt Phật giáo. Đây là điều không một người dân yêu nước yêu dân tộc nào chấp nhận và tha thứ.
Sự kiện HT. Quảng Đức tự thiêu chỉ là một giọt nước tràng của ly nước, mang tính đại diện không chỉ có Phật giáo mà cả dân tộc, nhằm mục đích đánh tiếng chuông báo động, thức tỉnh giòng họ Ngô, chấm dứt hành vi tàn bạo vong bản, đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời là tiêng chuông hiệu triệu toàn dân cùng nắm tay nhau bảo vệ văn hoá truyền thống của dân tộc, lời kêu gọi tất cả những người con Phật đồng lòng bảo vệ chánh Pháp, bảo vệ một Tôn giáo lớn của dân tộc.
Thật ra, người dân Việt nam không phải là hạng người bảo thủ và cố chấp, ngược lại rất hiền hòa và giàu lòng bao dung, sẵn sàng đón nhận những văn hóa khác, tôn giáo khác, nhưng điều đó không đồng nghĩa, dân tộc Việt nam cũng sẽ chấp nhận sự kỳ thị chà đạp lên nền văn hóa của dân tộc. Ngô đình Điệm hay nói đúng hơn đạo Thiên Chúa đến Việt nam đã vấp phải sự sai lầm này. Cứ tưởng rằng, với sức mạnh của quyền lực và vũ lực có thể làm tất cả những gì mình muốn. Thế nhưng từ thực tế cho thấy, Phật giáo không một tất sắc, dân tộc Việt nam rất hiền, nhưng sức mạnh của chính nghĩa và lòng đoàn kết của toàn dân đã làm sụp đổ chế độc độc tài Ngô đình Diệm. Không chỉ có sự kiện năm 1963 mà cả quá trình đấu tranh cống ngoại xâm của dân tộc, đều có chung một đáp số này. Đây là một bài học đáng quí mà các nhà lãnh đạo cần nên rút kinh nghiệm.
7. Sự tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức không mâu thuẫn với giới không sát sanh
Mục đích đức Phật chế định giới điều ‘không sát sanh’ trong đó bao hàm ý nghĩa ‘không được tự sát’, nhằm mục đích phát triển lòng từ bi đến với mọi loài chúng sanh, bảo vệ và tôn trọng sự sống của các loài động vật, nhưng riêng về vấn đề tự sát, được đức Phật ngăn cấm là những hành vi tiêu cực, như cuộc sống quá khổ đau, không đủ sức giải quyết vấn đề, nên giải quyết bằng cách tự sát. Nhưng việc ‘tự sát’ hay nói đúng hơn là sự ‘hy sinh’ mang ý nghĩa cao đẹp, trong thánh điển Phật giáo vẫn được đề cao. Như trong “Bổn sanh’ đã tường thuật một cách tỉ mỉ những câu chuyện tiền thân của đức Phật, đây là một chứng minh cụ thể, vì chính hành vi hy sinh này, đều mang ý nghĩa giác ngộ chân lý, thấy rõ được tính duyên khởi, vô thường, vô ngã, và hẳn nhiên vị ấy không còn chấp trước đối với thân ngũ uẩn, có nghĩa là một vị Bồ tát ở trong trạng thái giác ngộ, do đó việc hy sinh tánh mạng không có ảnh hưởng gì đến sự giác ngộ. Sự hiện hữu (sống) hay tan rã (chết) của thân ngũ uẩn là một qui luật tự nhiên, bất cứ ai cũng không tránh khỏi, cho dù đó là Phật, điều mà đức Phật giáo dục con người là không nên chấp trước, vì chấp trước là nguồn gốc của khổ đau. Ý nghĩa của chấp trước là không chấp nhận qui luật chuyển biến của vạn vật, do vậy sanh ra khổ.
Cũng vậy, hành vi tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức không phải là hành vi trốn chạy cuộc sống, không vì lòng tham lam, sân hận và ngu si mà ngược lại cử chỉ đó thể hiện lòng từ bi và trí tuệ. Lòng từ bi của Ngài chính là không dùng bạo lực giải quyết vấn đề, vì dù muốn dù không cũng sẽ giết hại bao nhiêu sinh mạng, chỉ lấy thân mình làm ngọn đuốc để thức tỉnh cho kẻ mê mờ của giòng họ Ngô. Trí tuệ của Ngài chính là người thấy được chân lý duyên khởi, không còn chấp trước tự ngã, hành vi của Ngài thể hiện tinh thần vô ngã và lòng vị tha của Phật giáo Đại thừa. ‘Vô ngã’ là xem nhẹ sự sống chết của tự thân; ‘vị tha’ là hành vi không bị tư lợi, vì người khác phục vụ, Ngài tự thiêu là sinh sinh sự sống của mình để bảo tồn Phật pháp nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Trong tinh thần hy sinh như vậy, dựa vào kinh điển của Phật giáo, chúng ta thấy giữa giới ‘không được sát sanh’ và sự kiện ‘tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức’ không mâu thuẫn, ngược lại rất hợp lý.
8. Kết luận
Việt nam là một nước tự chủ độc lập, có nền văn hóa và tín ngưỡng riêng. Văn hóa đó qua nhiều thế hệ của dân tộc tạo nên, là đứa con đẻ của dân tộc Việt nam, không ai có quyền hủy hoại nó.
Phật giáo là Tôn giáo xuất phát từ Ấn độ, nhưng trải qua 2000 năm lịch sử Phật giáo đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Sự tồn tại đó không phải tự nhiên mà có, xuất phát từ những yếu tố tích cực từ hai phía, dân tộc Việt nam sẵn có tấm lòng nhân hậu và bao dung, còn Phật giáo có một triết lý xây dựng cuộc sống, không có tư tưởng phân biệt chủng tộc, phá hoại văn hóa khác, với tinh thần Bồ tát làm lợi mình và lợi người, bắt nguồn từ những yếu tố này dân tộc Việt nam chấp nhận và xem Phật giáo như là tôn giáo của mình, Phật giáo cũng lấy mảnh đất này như là quê hương xứ sở của chính mình, cả hai phía cùng nhau vun bồi cho nên mới có Phật giáo trong lòng quê hương trong lòng dân tộc Việt nam như ngày nay. Văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc quyện với nhau như nước với sữa, không thể tách rời. Điều đó có nghĩa rằng, ai kỳ thị Phật giáo Việt nam có nghĩa là kỳ thị văn hóa truyền thống dân tộc. Ai không tôn trọng chủ quyền độc lập và thống nhất của Việt nam, Phật giáo Việt nam có bổn phận và trách nhiệm ngăn chận.
Sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào năm 1963 nói lên ý nghĩa này. Người Việt nam có lòng bao dung, bất cứ một tôn giáo nào có chính nghĩa cũng có thể đến Việt nam truyền đạo, nhưng không vì lợi ích cho Tôn giáo mình chà đạp phá hoại nền văn hóa dân tộc, nhất là bằng con đường truyền giáo mang theo những yếu tố chính trị, phá hoại sự thống nhất và nền độc lập của dân tộc. Dẫu rằng Phật giáo Việt nam hoan nghênh những tôn giáo khác đến mảnh đất Việt nam hoạt động, nhưng điều đó không đồng nghĩa Phật giáo Việt nam chấp nhận thái độ hèn mọn nương cập quyền lực hà hiếp Phật giáo, dung sức mạnh kinh tế để dụ dỗ nhân dân. Đạo Thiên chúa đến Việt nam đã vi phạm hai yếu tố cơ bản đó, hình thành cuộc đấu tranh của toàn Phật giáo toàn nhân dân Việt nam chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của Ngô đình Diệm, cao trào là sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức.
Sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức không trái với tinh thần giới luật của Phật giáo Đại thừa, có nghĩa là không vi phạm giới ‘không sát sinh’. Vì tinh thần giới ‘không sát sinh’ bao hàm cả việc tự sát của Phật giáo nhằm bảo vệ sinh mạng và nuôi dưỡng lòng từ bi của chính mình. Thật ra hành vi sát sinh hay tự sát, nếu đứng về mặt hình thức thì đó là hành vi bất thiện, nhưng nếu xét về mặt động cơ của việc sát hại, thì hành vi đó chưa chắc gì là bất thiện. ví dụ một con cọp say đang sát hại dân làng, người Phật tử giết con cọp đó để cứu dân làng, hành vi sát đó trên hình thức vi phạm giới sát, nhưng căn cứ vào tâm thì không vi phạm, vì người đó giết cọp vì lòng thương dân làng. Cũng vậy, nếu chúng ta căn cứ ý nghĩa việc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức thì chúng ta thấy rằng, tâm của Ngài rất trong sáng, vì lợi ích của Phật giáo, vì quốc gia vì dân tộc không phải vì danh lợi của cá nhân. Hành vi vì lợi lạc cho người khác là hành vi thiện, với tâm quên mình vì người khác phục vụ là tâm của Bồ tát, là người đã giác ngộ giải thoát, không phải tâm của người phàm phu. Sự tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức không phải là hành vi trốn chạy sự sống, như người tự sát vì tình. Ngược lại sự tự thiêu của Ngài nói lên chính nghĩa, biểu thị thái độ ôn hòa nhưng rất cương quyết, buột đối phương phải trả lại quyền tự do tín ngưỡng, quyền bảo vệ văn hóa dân tộc.
Sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự thiêu năm 1963 là một sự kiện lịch sử của dân tộc, nó mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, với tư cách là người dân Việt nam, đại diện cho nhân dân Việt nam, lấy thân mình làm ánh đuốc kêu gọi kẻ cầm quyền phi dân tộc chấm dứt chính sách phá hoại truyền thống văn hoá của dân tộc; Thứ hai là với tư cách là một vị tu sĩ Phật giáo, lấy nhục thân làm ngọn đuốc kêu gọi nhà cầm quyền giòng họ Ngô thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo. Đó là ý nghĩa mà Bồ tát Quảng Đức tự thiêu.
Tinh thần tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức là tinh thần ‘vô ngã vị tha’ của Bồ tát đạo. Nó xuất phát từ ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi, không phải là lòng tị hiềm nhỏ nhoi thường tình. Sự an nhiên trong ngọn lửa biểu hiện sự thoát tục của Ngài, không phải ai cũng làm được.
Sự xả thân tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức mang một ý nghĩa rất vĩ đại, nó không chỉ là tấm gương sáng cho giới Phật giáo, mà còn là một biểu tượng trong sáng cao cả cho dân tộc việt nam, trong sự nghiệp bảo vệ truyền thống văn hoá của dân tộc.

________________________________________CHÚ THÍCH:
[1] Bồ tát Thích Quảng Đức thế danh Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ ông Lâm Hũu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương. Lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho xuất gia học Phật. Ngài thụ giáo với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm là cậu ruột và được Hòa thượng nhận làm con đổi tên là Nguyễn Văn Khiết.
[2] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” Tập I, trang 234. Viện NCPHVN ấn hành.
[3] HT. Trí Tịch dịch, “Kinh Diệ Pháp Liên Hoa”.
[4] Trí HảI dịch, “Thanh Tịnh Đạo Luận” tập I, trang 140, NXB Tôn giáo, 2001.
[5] Phật Đà Bạt đà la và Pháp Hiển dịch, “Ma ha Tăng Kỳ Luật”, Quyển 1, trang 228 (Đ C 28).
[6] Ấn Thuận, “Sơ kỳ ĐạI thừa Phật giáo chi khởI nguyên dữ tập thành” trang 175-176, NXB Chánh Văn.
[7] Cần tra cứu nguồn gốc câu kệ này.
[8] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập I, trang 83-84 (Trường CCPHVN ấn hành, 1986).
[9] Xin tham khảo “Kinh Bổn sanh” và “Kinh Hiền Ngu”.
[10] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập II, trang 403 (TCCPHVN ấn hành, năm, 1986).
[11] Tham khảo, Ấn Thuận, “Sơ kỳ ĐạI thừa Phật giáo chi khởI nguyên dữ khai triển” trang 125-168, (NXB Chánh Văn).
[12] “Kinh Ma ha Bát nh ã Ba la mật đa” Quyển 18 (ĐT 08, trang 353c).
[13] “Kinh ĐạI bát Niết bàn” Quyển 30 (ĐT 12, trang 804b).


Thạnh Lộc mùa xuân năm 2003
Thích Hạnh Bình



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]