Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luật học, mấy vấn đề nhìn lại

03/11/201516:45(Xem: 10972)
Luật học, mấy vấn đề nhìn lại

Phat va thanh chung

LUẬT  HỌC – MẤY VẤN ĐỀ NHÌN LẠI

 

Trong lời tựa của sách YẾT MA YẾU CHỈ, Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ đã viết: “Theo quan điểm Bộ phái Đàm Vô Đức, tức các vị thọ trì luật Tứ Phần, thì một trong các dấu hiệu về sự diệt tận của Chánh pháp là các pháp yết- ma hoàn toàn không được thực hiện, không có pháp yết- ma sẽ không có các Tỳ-kheo đắc giới  như pháp, bản thể của Tăng không thành tựu. Không có sự tồn tại của Tăng thì Chánh pháp mà Phật giảng dạy sẽ không có người tu và chứng. Như vậy có nghĩa là Chánh pháp sẽ không tồn tại. Cho nên, việc học hỏi các học xứ trong giới kinh và thông suốt các pháp yết-ma là phận sự hàng đầu của các Tỳ kheo trong suốt 5 năm đầu kể từ khi đắc giới Cụ túc. Đây là điều kiện căn bản tác thành tư cách bậc Thầy hàng Thượng tọa trong Tăng chúng. Nếu Tỳ-kheo không hoàn tất phận sự học hỏi nầy, thì không bao giờ được phép rời Y chỉ sư, dù cho tuổi đời 80 và tuổi hạ 60, nghĩa là luôn luôn phải sống nương tựa vào bậc Thượng tọa, không được phép thế độ người xuất gia. Đây là điều quy định trong tất cả Luật tạng, cần phải nghiêm túc chấp trì vì sự tồn tại bền vững của phật pháp”.

Những lời dạy đầy tâm huyết và quyết đoán trên đây của một vị Luật sư, bậc Thầy nổi tiếng của chúng ta đã khuất bóng cách đây chưa lâu, quả thật là một lời nhắc nhủ mà những vị Tỳ-kheo nào có ý thức và tinh thần tự trọng đều phải tự nhìn lại chính mình và phải để tâm vào Luật học. Thế nhưng việc chấp trì và xiển dương Luật học như thế nào để tạo được niềm tin cho đàn hậu học, mọi quyết nghị của Tăng phải có y cứ vào Luật tạng. Nếu không, khi thực hiện các Tăng sự, mỗi vị Luật sư tự ý thêm bớt hoặc thay đổi theo ý mình, khiến cho việc tác pháp Yết ma chỉ còn là chiếu lệ, không toát lên được cái uy lực của Tăng, từ đó cái không khí thiêng liêng, sinh động của Tăng sự cũng bị suy giảm. Dẫu biết rằng “phương tiện tùy nghi, vô thi bất khả”, nhưng tùy nghi mà không có cơ sở, e rằng sẽ không khỏi tạo nên một tiền lệ kéo theo những hệ quả khó lường, khi mà Luật học mỗi ngày càng bị lớp hậu sinh xao lãng, thực hành một cách lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc. Dưới đây là những chia sẻ trong dòng suy nghĩ ấy.

ondongminh
HT. Thích Đổng Minh 


I . Phải chăng ý nghĩa và giá trị của Tứ Thánh chủng không còn thiết thực nữa đối với đời sống của một vị Tỳ Kheo trong thời đại ngày nay ?

Căn cứ vào sách Đại Học Hoằng Giới Chi Thư, một quyển sách được xem như là cẩm nang cho các nghi tắc truyền giới của Tăng mà tôi thấy các Ngài Luật sư trước đây thường cầm trên tay, để trước mặt mỗi khi ngồi vào giới trường để truyền giới Cụ túc, thì sau khi bạch tứ Yết-ma thành tựu, các vị tân Tỳ-kheo sẽ được Giới sư truyền pháp Tứ khí, đến pháp Tứ y và sau đó mới truyền y, bát ngọa cụ v.v…Sách Yết-ma yếu chỉ (Hòa thượng Thích Trí Thủ giảng thuật, Tỳ kheo Thích Đổng Minh, Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng soạn tập), Luật Tứ phần (HT. Thích Đổng Minh việt dịch, TK. Thích Nguyên Chứng và Thích Đức Thắng hiệu đính & chú thích), Luật Ngũ Phần (HT. Thích Đổng Minh việt dịch),



 

                                                          - 1 -

htthichphuocson-2
HT. Thích Phước Sơn



Luật Học Tinh Yếu
(HT. Thích Phước Sơn)… tất cả đều thống nhất giống nhau một pháp thức như thế. Nhưng rất tiếc trong một số giới đàn gần đây, khi mà các vị Luật sư bậc thầy trên đây đã viên tịch, thì Pháp Tứ Y đã bị loại bỏ mà thay vào đó thì truyền Bốn pháp cần làm của Sa môn, đó là:

1)   Bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời, nếu có người mắng, quý vị không được mắng lại.

2)    Bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời, nếu có người giận, quý vị không được giận lại.

3)   Bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời, nếu có người đùa giễu, quý vị không nên đùa giễu lại.

4)   Bắt đầu từ ngày nay đến suốt đời, nếu có người đánh, quý vị không nên đánh lại.

Trong khi đó, theo các bộ luật trên đây, thì pháp Tứ Y là:

1)   Tỳ kheo sống nương tựa vào y phấn tảo; nương theo đó mà xuất gia, mà thọ Cụ túc giới, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều nầy. Trường hợp đặc biệt được phép thọ dụng y do đàn việt cúng dường, y đã được cắt rọc hay hoại sắc.

2)   Tỳ kheo sống nương tựa vào sự khất thực; nương theo đó mà xuất gia, mà thọ Cụ túc giới, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều nầy. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng, là Tăng sai thọ thực, hay đàn việt cung cấp các bữa ăn định kỳ mỗi tháng các ngày mồng một, mồng tám, ngày rằm, hoặc các bữa ăn thường của Tăng, hay đàn việt thỉnh mời.

3)   Tỳ kheo sống nương tựa vào dưới gốc cây mà ngủ nghỉ; nương theo đó mà xuất gia, mà thọ Cụ túc giới, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều nầy. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là một căn phòng riêng biệt, một ngôi nhà góc nhọn, một căn phòng nhỏ, một hang đá hay hai căn phòng có chung một cửa.

4)   Tỳ kheo sống nương tựa vào các loại thuốc hủ lạn; nương theo đó mà xuất gia, mà thọ Cụ túc giới, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều nầy. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là tô, sanh tô, đường phèn và mật

Khi được chia sẻ điều nầy, có nhiều vị đã nói rằng : “Bây giờ không có Tỳ kheo nào dùng y phấn tảo, cũng không có vị nào đi khất thực, không còn ai phải ngủ dưới gốc cây, cũng như khi đau ốm mà dùng hủ lạn dược, nên truyền bốn Pháp cần làm là thiết thực hơn”.

         Tôi thật sự phân vân, không hài lòng nếu không muốn nói là buồn man mác khi nghe cách giải thích như vậy! Đành rằng, ngày nay không còn ai phải đi lượm từng miếng giẻ rách về giặt, nhuộm và may thành y để mặc như các vị Tỳ-kheo dưới thời Phật còn tại thế, nhưng có nên chăng, vì có tín đồ cung phụng đầy đủ mà đã có không ít những vị Tỳ-kheo y hậu đụng đâu vất đấy, khi

 

                                                            - 2 -

rời khỏi trú xứ cũng chẳng mang theo y, nếu cần thì bây giờ có rất nhiều cửa hàng bán pháp phục Tăng Ni, bảo một tiếng là tín đồ chạy đi mua ngay, có sẵn. Hoặc đã có nhiều vị mua sắm hàng chục bộ y hậu gấm vóc đắt tiền, đủ màu đủ sắc để chưng trong tủ kính sang trọng với đầy vẻ tự hào…? Trong những trường hợp như thế, thiết nghĩ việc nhấn mạnh về điều căn bản của một vị Tỳ-kheo là phải trọn đời nương vào y phấn tảo, cũng là lời cảnh tỉnh để cho họ khởi tâm biết tàm quý, bớt sự phóng dật, thì đâu phải là điều vô ích !

Đành rằng, ngày nay Tu sĩ Bắc tông không còn ai phải trì bình đi khất thực, nhưng chí ít mỗi bữa ăn cũng còn phải biết duy trì phép tam đề, ngũ quán, để tự nhắc nhủ mình còn nặng nợ áo cơm của tín thí thập phương, để tự sách tấn tu tập, thì ý nghĩa y khất thực đối với một vị Tỳ-kheo đâu phải là vô bổ, không thiết thực!

Đành rằng, ngày nay không còn có vị Tỳ-kheo nào phải ngồi dưới gốc cây để ngủ nghỉ, nhưng nhắc lại phẩm chất Tỳ-kheo là phải y thọ hạ, ít ra cũng hạn chế được tình trạng những vị Tu sĩ mà sống quá xa hoa, phù phiếm, hưởng thụ những vật dụng, tiện nghi cá nhân một cách quá đáng, khiến cho thế nhân mỉa mai, ngoại đạo hủy báng…; đó không phải là điều thiết thực hay sao !

Còn điều y hủ lạn dược, tôi nghĩ, chính là để nhắc nhủ cho chúng ta, những người xuất gia đệ tử Phật, tuy biết rằng ngũ uẩn giai không nhưng khi tứ đại bất điều, thì cũng phải dùng thuốc chữa trị chứ không xem thường mạng sống. Ý nghĩa quan trọng hơn nữa, đó là tuy chữa bịnh trong hoàn cảnh y tế phát triển của xã hội ngày nay, nhưng đã là vị Tỳ-kheo thì cũng phải biết khiêm tốn, khắc kỷ, tri chỉ, tri túc; chứ không phải vì lắm bạc nhiều tiền mà học đòi vương giả, vào bịnh viện cũng tự cho mình là quan trọng hơn, mong được ưu tiên mọi thứ tiện ích như các đại gia, cán bộ cao cấp, hay những ông hoàng bà chúa đương thời; thật đáng hỗ thẹn nếu biết nhớ nghĩ lại những phẩm chất chân chính của một vị Tỳ kheo !

Do đó, Pháp tứ y còn được gọi là Tứ Thánh chủng, là những chất liệu cơ bản để nuôi lớn hạt giống Thánh, hay nói cách khác, đó chính là những yếu tố cơ bản để thành tựu phẩm hạnh một vị Tỳ-kheo, những người có khả năng nối tiếp dòng giống Phật. Vị Tỳ-kheo nào sống theo pháp Tứ y tức là có đời sống thanh tịnh, tức có chánh mạng; có đời sống ly dục. Chính bởi ý nghĩa nầy mà giới Tỳ-kheo còn được gọi là Cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn mẫu mực đời sống của một Thánh giả A la hán. Vì thế mà các vị Luật sư chân chính đều cho rằng : “Trong bất kỳ thời điểm nào, xã hội nào, chân dung của người Tu sĩ cũng vẫn là như thế. Bốn tiêu chuẩn được gọi là Tứ Thánh chủng nầy, bất kỳ một hành giả nào mang hoài bảo nhiếp độ hàm linh, thành tựu quả vị tối thượng, thì nhất định không được sống xa rời những tiêu chuẩn đó.” (trích Theo Dấu Chân Xưa – HT. Thích Minh Thông). Tiếc thay những ý nghĩa và giá trị cao quý nầy, ngày nay đang có dấu hiệu bị chối bỏ !

 

 HT Thich Minh Thong
HT. Thích Minh Thông


                                                  - 3 -

II – Việc chấp trì Bát Kỉnh Pháp

Kinh Luật ghi lại rằng, khi đức Thế Tôn còn tại thế, Bà Đại Ái Đạo cùng với 500 Xá di vì cảm mộ Phật pháp nên đã tự nguyện cạo tóc, đến đứng ngoài cửa, ngữa mặt chấp tay, ngưỡng trông tinh xá Kỳ Hoàn vô cùng thành khẩn, rồi nhờ Tôn giả A Nan ba phen cầu thỉnh, Đức Phật mới bằng lòng cho nữ giới xuất gia. Nhưng Ngài dạy rằng: Chánh pháp đáng lẽ truyền được 1.000 năm, thì do việc độ Ni sẽ bị giảm còn phân nửa. Tôn giả A Nan nghe vậy liền lo lắng, buồn khóc vì việc xin Phật cho nữ giới xuất gia. Đức Phật bèn dạy : Muốn Chánh pháp khỏi bị suy giảm, thì Ni giới phải tuân sùng Bát kỉnh, cung phụng Tam tôn. Rồi Ngài bảo A Nan truyền lại, bà Đại Ái Đạo liền cung kính cúi nghe và xin chân thành vâng giữ. Nguyên do Bát Kỉnh Pháp ra đời là từ đó.

Đã vậy mà ngay sau khi đức Thế Tôn thị tịch, Tôn giả A Nan còn bị Trưởng Lão Ca Diếp kết tội: Vì xin  Phật cho người nữ xuất gia nên phạm tội Đột cát la, phải sám hối.

Bát Kỉnh Pháp là tám pháp mà Tỳ kheo Ni phải suốt đời tuân kỉnh. Trong đó, điều thứ tư là: Thức Xoa  Ma Na học giới xong phải thỉnh cầu Tỳ kheo Tăng mà thọ giới Cụ túc.

HT. Thich Thien Hoa-2
Do đó, tất cả các bộ luật đều thống nhất ghi: Khi Thập sư Ni tác Bản pháp yết-ma xong, liền ngay trong ngày đó phải đưa các giới tử Ni đến giữa đại Tăng để cầu thọ đại giới, nếu trái tức phạm. Tác Bản pháp yết-ma là chỉ bạch tứ yết ma để hỏi Ni tăng có đều đồng ý cho Thức xoa ma na (tên là a, b …gì đó) thọ Cụ túc giới hay không, chứ không phải là đã trao y, truyền giới gì cả. Có lẽ vì sợ sau nầy sẽ có người nhầm lẫn chỗ đó, nên trong sách Giới Đàn Tăng, Cố HT. Thích Thiện Hòa có ghi mấy điều dặn dò, cụ thể là Vài điều cần yếu trong khi truyền giới Tỳ kheo Ni : Bên Ni tác Bản pháp yết-ma rồi,còn phải đến trong Tăng để cầu thọ Chánh pháp yết-ma, mới viên thành giới thể. Vì sao ? Nguyên vì Phật chế Chánh pháp quan hệ ở nơi Đại Tăng, nên biết rằng, giới pháp của Tỳ-kheo rất tôn quý, hay vì nhân thiên làm ruộng phúc tốt lành. Cho nên giới thể nầy quyết phải từ Đại tăng mà được. Thấy đó biết rằng, giới thể đã chưa thành thì giới tướng làm sao có được ! Thức-Xoa-ma-na khi được tác Bản pháp yết-ma xong, thì gọi là Bản pháp Ni, khi đến giữa Đại Tăng ba phen cầu xin giới pháp, Đại Tăng bạch tứ yết-ma, tức Chánh pháp yết-ma rồi, Giới sư mới tuyên bố: Bây giờ là mấy giờ.. các vị đã đắc giới Tỳ kheo Ni. Và lời giáo giới tiếp theo sẽ nói là : Nầy các vị Tân Tỳ-kheo Ni; mà không nói là : Thức-xoa-ma na, hay Bản pháp Ni hoặc là giới tử nữa.

Trong Yết-ma Yếu Chỉ (HT. Thích Trí Thủ giảng thuật, HT. Thích Đổng Minh, HT. Thích Nguyên Chứng soạn tập), quý Ngài còn nhấn mạnh rất rõ ràng: Cũng nên nhắc lại rằng, sau khi bạch tứ yết-ma là dứt phần Bản bộ yết-ma của Tỳ-kheo Ni tăng. Các tiết mục khác như: Truyền tám Ba-La-Di, các Pháp sở y và tám Pháp tôn kính, phải do Tăng trong phần Chánh pháp yết-ma làm. Trong                                                              

Bộ Luật Tứ Phần Tỳ-kheo Ni Sao của Tổ Đạo Tuyên trước thuật, HT. Thích Đôn Hậu dịch và giảng cũng dạy y như vậy.         


HT_Tri_Thu_3

HT. Thích Trí Thủ



                                                             

                                                               - 4 –

Lời Phật, ý Tổ còn rõ ràng như vậy, không hiểu vì sao trong các giới đàn gần đây, các vị Giới sư Ni đều làm tất tật hết, rồi cho các giới tử Ni đắp y Tỳ-kheo, bưng bình bát qua bên Đại Tăng để cầu giới. Thật khó hiểu là, vì sao các vị Ni đi cầu giới nầy, họ đã “đắc giới”, đã được trao giới tướng, đã khoát y Tỳ-kheo rồi, mà khi vào giữa Đại Tăng lại tự xưng là: Con, Thức-xoa-ma-na…?

Phải chăng, việc làm nầy cho thấy dấu hiệu: Bát Kỉnh Pháp đang dần dần bị bỏ qua, hoặc chỉ thực hành một cách chiếu lệ!

III – Giới Đàn Trang Nghiêm

Đã có một số người hiểu rằng giới đàn trang nghiêm là được trang hoàng công phu lộng lẫy. Điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ. Điều quan trọng hơn là khi tổ chức một Giới đàn để truyền giới, nhất là giới Cụ túc, thì một giới đàn trang nghiêm phải thành tựu trọn đủ bốn yếu tố: Giới thành tựu, Sự thành tựu, Tăng thành tựu và Yết-ma thành tựu.

1)   Giới thành tựu: Trước khi tiến hành nghi thức truyền giới, để khỏi mắ lỗi biệt chúng, khiến yết-ma bất thành, thì nhất định Tăng phải kết giới trường để truyền giới. Khi kết giới trường phải xác định rõ giới hạn, hay nói cách khác là phạm vi của giới trường như thế nào là đúng pháp. Cũng theo Yết Ma Yếu Chỉ: Thông thường, tại mỗi trú xứ của Tăng đều có giới trường trong phạm vi đại giới. Giới trường nầy thường là Chánh điện của già lam. Nhưng việc truyền giới là công việc của Tăng, do Tăng chủ trì, nên cần có sự phân biệt Phật và Tăng ở đây. Tức chỗ ngồi của các giới sư được bố trí như thế nào để có sự cách biệt Phật và Tăng thì Tăng pháp mới thành tựu.  Chính vì điều nầy mà các vị Luật sư bậc Thầy trước đây còn  dùng một bức màn, để khi đảnh lễ Tam Bảo xong, vị Dẫn thỉnh sẽ xướng: Cung thỉnh Giới sư tề nghệ giới trường, thì các vị Giới sư bước lùi lại mấy bước mới thăng tòa và ngay sau đó bức màn sẽ được kéo ngang qua, trước khi giới tử vào đảnh lễ Giới sư, chính là để  có sự cách biệt Phật và Tăng, để Tăng pháp được thành tựu. Thế nhưng, việc kết giới trường ngày nay rất tiếc là không được rạch ròi và thường hay lẫn lộn.

2)   Sự thành tựu : Sự ở đây là các già nạn. nghĩa là các giới tử phải được kiểm tra kỹ lưỡng các chướng nạn làm trở ngại cho việc thọ giới.

3)   Tăng thành tựu: Tăng phải đủ túc số là 10 vị Tỳ-kheo thanh tịnh, minh mẫn, thông hiểu giới luật, phải theo dõi sát các pháp thức yết-ma, ngồi không quá xa nhau đến độ vói tay không tới, không ngủ gục, không nhập định hay lần tràng hạt niệm Phật, không được bỏ ra ngoài trong khi Tăng đang tác pháp yết-ma, cho đến nếu có người có thần thông cũng không được bay lên khỏi mặt đất. Nếu không như thế thì yết-ma bất thành.

4)   Yết ma thành tựu: Thường thì vị Yết-ma sư phải là người thông hiểu giới luật, quán xuyến chúng Tăng, để khi tiến hành tác pháp không vấp phải các lỗi đến nỗi yết-ma bất thành. Yết-ma bất thành chính là tác phạm vậy. Uy lực của pháp yết-ma cao hay thấp là ở vị bỉnh pháp nầy.

                                                        

                                                       - 5 -

                                                  

 

Căn bản để giới đàn được trang nghiêm, thành tựu là như vậy. Nhưng  điều khó khăn ở đây là ngày nay các giới đàn tuyển chọn giới tử cốt là ở số lượng. không khảo hạch kỹ càng đúng như danh nghĩa “tuyển người làm Phật”. Giới tử thì yếu kém mà lại quá đông, trong khi các Giới sư tuy cao đức nhưng phần lớn là già yếu lại nhiều bịnh, ngồi lâu rất khó khăn, mệt mỏi; phần nhiều là tiến hành tác pháp từ 4 giờ sáng cho đến trưa, thậm chí quá trưa. Đã có nhiều vị Tôn chứng sư phải bỏ cuộc nửa chừng để đi giải lao, vị thì ngồi yểu xiểu…! Còn thầy Yết-ma thì vì áp lực thời gan nên làm nhanh, nhiều khi hỏi mà không đợi giới tử trả lời, việc quan trọng mà yết ma thì lại vắn tắc, như nói : Yết-ma lần thứ 2 cũng như trên có thành không? Yết-ma lần thứ 3 cũng như trên có thành không? v.v…

Tôi còn nhớ, các vị Luật sư trước đây thường dạy: Trước khi tiến hành tác pháp yết-ma, vị Bỉnh pháp phải đưa mắt nhìn khắp trong chúng để xem thử Tăng có dấu hiệu phi tướng hay không. Như Tăng đang ngồi tác pháp mà có một vị quỳ lên, đứng dậy, đi tới, đi lui, hay có người không phải trong túc số Tăng mà có mặt trong giới trường v. v…thì không tác pháp được.

Đến khi hỏi : Vị Trưởng lão nào chấp thuận, Tăng cho Sa-di….. thì im lặng, Ai không chấp thuận thì hãy nói ra . Đây là yết-ma lần thứ nhất. Khi ấy, vị Yết-ma phải dừng lại trong giây lát, đưa mắt nhìn khắp chúng tăng, ý là để xem thử trong Tăng có vị nào có ý kiến hay không, nếu thấy tất cả đều im lặng, khi ấy mới lấy biểu quyết: Yết-ma có thành không ? Cho đến lấy biểu quyết của Tăng lần thứ hai, rồi lần thứ ba cũng đều như thế. Đây là điểm sắc sảo, sinh động, uy nghiêm, như một vị quan tòa đưa ra phán quyết một cách rất cẩn thận và nghiêm minh. Mỗi một lần hỏi, vị thầy Yết-ma cất lên giọng nói sang sảng, rạch ròi, mạch lạc và dứt khoát; và tiếng đáp “thành” đồng loạt được vang lên từ chúng Tăng, kết thúc là tiếng thủ xích của vị thầy Yết-ma vỗ xuống, tất cả những âm thanh ấy, cảnh tượng ấy, như dội vào trong tâm thức của người giới tử đang chí thành cầu giới, khiến cho vô tác giới thể được sinh khởi trọn đầy. Tiếc thay, cái sinh khí trang nghiêm, sinh động và đầy uy lực ấy giờ đây hiếm thấy. Không phải vì các vị Luật sư bây giờ không biết, không làm được, mà chính là do áp lực thời gian quá lớn; phần vì sức khỏe của quý Ngài không có đủ để ngồi thực hiện một buổi lễ với thời gian dài như vậy. Suy nghĩ đến đây mới thấy băn khoăn rằng,  những người nắm giữ kỷ cương cho Luật học, rồi đây sẽ là một khoảng trống không nhỏ !

                                                     

                                               Chùa Long An, Tiết Lập Thu năm Ất mùi – 2015

                                                                Tỷ kheo Thích Hải Tạng



****

 

Kính mời xem bài khác của tác giả Thích Hải Tạng 

 
TT Hai Tang

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com