Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Bát kỉnh pháp - Tầm quan trọng và những vấn đề

15/11/201116:25(Xem: 5964)
04. Bát kỉnh pháp - Tầm quan trọng và những vấn đề

BÁT KÍNH PHÁP:
TẦM QUAN TRỌNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ 

Ven. Maha Narin Sea Liu và Chatsumarn Kabilsingh
Thích Nữ Liên Hiếu dịch

Lời người dịch: Nhân đọc bài viết Ni Giới Đài Loan Vận Động Bỏ Bát Kính Phápcủa Đại Đức Thích Giải Hiền được đăng trên mạng Đạo Phật Ngày Nay, chúng tôi cố gắng dịch một vài bài có chủ đề Bát Kính Pháp trong một số tạp chí, nhằm phản ánh hết những quan điểm và những nỗi bức xúc, nguyện vọng, suy tư của một số chư Ni trên thế giới để các độc giả rộng đường trao đổi.

Chúng tôi cũng xin trình bày vài ý nhỏ của mình: Các học giả ngày nay đã minh chứng được Bát Kính Pháp không phải do đức Phật chế định, cụ thể qua bài khảo cứu Quan Điểm Phật Giáo về Nữ Giới: So Sánh Luật Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni Dựa Trên Bản Giới Bổn Tiếng Hoa, của Sư Cô In Young Chung cũng như bài viết ngắn này và nhiều bài viết khác chưa được dịch sang Việt ngữ.

Có nhiều điều luật trong Bát Kính Pháp, ví dụ như điều luật đầu tiên làm cho mọi người cảm thấy tinh thần bình đẳng dựa trên trí tuệ và quả vị giác ngộ của đạo Phật không được tôn trọng. Nếu bảo rằng vì mục đích hạn chế sự ngã mạn cống cao của chư Tỳ-kheo-ni, thì chính điều luật này làm chỗ dựa cho các tân Tỳ-kheo ỷ lại, ngã mạn cũng không kém. Vẫn biết rằng, mục tiêu tranh đấu của người xuất gia là kẻ thù tham, sân, si và các thuộc tính của các tâm sở bất thiện này chứ không phải vị trí lớn nhỏ trong xã hội hay trong tôn giáo. Chúng tôi cũng tin rằng lời Phật dạy phải đầy minh triết, đầy trí tuệ, không thể có những sơ hở để những người như chúng ta đặt vấn đề được. Tuy nhiên theo thiển ý của chúng tôi vào lúc Kinh Tạng và Luật Tạng được kết tập, vị trí của nữ giới trong bối cảnh xã hội của Ấn Độ thời đó rất thấp thỏi, và có thể đời sống chư Ni chưa được nâng cao, phần lớn phải nhờ vào chư Tăng, nên các bậc kiết tập kinh điển đã quyền biến ghi là Bát Kính Pháp do đức Phật chế định.

Luật thứ 6 trong Bát Kính Pháp là đầu mối sơ hở để chúng ta có thể kết luận một cách mạnh mẽ rằng Bát Kính Pháp không phải do đức Phật chế định. Quá trình để dẫn đến luật một phụ nữ muốn thọ cụ túc giới phải qua hai năm Thức-xoa-ma-na là một tiến trình lịch sử do phát sinh sau này như trong bài viết này đề cập, nên khi bảo điều luật này do đức Phật chế định cho di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề là điều khó chấp nhận được.

Trong tám điều luật, hầu như 2 điều quá phi lý, các điều còn lại đều bao gồm trong các giới của tụ Ba-dật-đề. Do đó, Bát Kính Pháp rất khó thuyết phục người khác tuân thủ một cách nghiêm cẩn được.

Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, dầu sao Bát Kính Pháp cũng hỗ trợ một phần nào ổn định đời sống của cả hai bộ Tăng Ni trong các sinh hoạt. Nhờ khoảng cách khá lớn giữa chư Tăng và chư Ni như theo luật định, chư Tăng và chư Ni hạn chế bớt những tệ đoan có thể phát sinh như trong Luật ghi lại. Lại nữa, nhờ Bát Kính Pháp mà chư Ni được sự giúp đỡ của chư Tăng về trú xứ, như khi xây dựng, hoặc tổ chức an cư, tự tứ, giáo giới, hướng dẫn tu học hoặc các lễ lạc khác. Chư Tăng có thể là người cố vấn cho những sinh hoạt về mặt xã hội và tâm linh, vì theo kinh nghiệm cho thấy phần lớn chư Tăng có sở trường về mặt giao tế thuộc xã hội. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay ít có vị Ni chứng được các quả vị giác ngộ như các vị thánh Ni ở thời đức Phật, trí tuệ thiện xảo của chư Ni nhìn chung không bằng chư Tăng, sức khoẻ để độc cư tu tập hay sống trong cộng đồng cũng không bằng chư Tăng, các tâm sở bất thiện có phần trội hơn so với chư Tăng. Chính vì những lý do này, chư Tỳ-kheo-ni nên tuân thủ Bát Kính Pháp để thiết lập cho đời sống cộng đồng được ổn định hơn. Xin xem thêm bài viết Bát Kính Pháprất có sức thuyết phục của TT. Minh Thông.

Sự phân hoá nội bộ Tăng Ni là một thảm hoạ cho Phật giáo. Thảm hoạ bắt nguồn từ sự ngạo mạn, thiếu tương kính và dẫn đến thái độ “mặc kệ”, không hề quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau, điều đó về lâu sẽ tạo nên sự không thông cảm và mất tinh thần “lục hoà”. Nếu chư Tăng và Ni sống tương trợ lẫn nhau trong học và tu cũng như hoằng pháp lợi sinh, không những thể hiện tinh thần lục hoà cộng trú của chư Tăng Ni mà còn giúp cho hai giới thiện nam tín nữ đặt trọn niềm tin đối với Tăng Bảo (trong đó có cả chư Tăng và chư Ni), nhờ đó việc tu tập của người xuất gia và cư sĩ tại gia được thăng hoa.

Bản dịch dưới đây, nguyên tác tiếng Anh: Garudharma: Its Importance and Problemsdo Maha Narin Sea Liu và Sư Cô Chatsumarn Kabilsingh viết, được đăng trong tạp chí Yasodhara (Newsletter on International Buddhist Women’s Activities) Vol. 15, No. 1 (no.57), October December, 1998 do chính Sư Cô biên tập. Sư Cô Chatsumarn Kabilsingh khi chưa thọ giới Tỳ-kheo-ni đã từng theo khoá học tiến sĩ Phật học ở Canada và đã dự nhiều hội thảo ở nhiều nơi trên thế giới. Thân mẫu của Sư Cô Chatsumarn Kabilsingh là vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên của Thái Lan, một đất nước Phật giáo không muốn cho phụ nữ thọ giới Tỳ-kheo-ni. Được sống trong một ngôi chùa dưới sự chăm sóc của một người mẹ đồng thời cũng là một nữ tu, Sư Cô rất hiểu nỗi khó khăn, những trở ngại trong đời sống tu học, và những giới điều mà một vị Ni phải tuân thủ nghiêm cẩn cũng như những lợi ích của việc tuân thủ những giới luật đó như thế nào. Dưới đây xin chuyển ngữ quan điểm và cách tiếp cận của Sư Cô về Bát Kính Pháp.


Khi Đức Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn, Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajàpàtì Gotami) trở thành vị Ni đầu tiên và bà đã chấp nhận Bát Kính Pháp như là điều kiện tiên quyết để được xuất gia.

Hiện nay, một vấn đề đang gây tranh luận là nội dung Bát Kính Pháp[1] được ghi lại trong Tam Tạng có giống với nội dung Bát Kính Pháp mà Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã thọ nhận hay không. Tuy nhiên, nhìn chung chúng ta có thể xem Bát Kính Pháp như là một cách bảo vệ trực tiếp cho chư Tỳ-kheo-ni, và là sự bảo hộ gián tiếp cho Tăng đoàn trong giai đoạn phôi thai. Chúng ta hãy nghiên cứu lại mỗi điều luật trong Bát Kính Pháp và cố gắng hiểu Bát Kính Pháp được chế định trong bối cảnh lịch sử xã hội như thế nào.

1. Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi hạ cũng phải đảnh lễ một vị Tăng vừa mới thọ giới một ngày.

Điều luật này nói lên Phật giáo là một hệ thống gia trưởng với bản chất miệt thị phụ nữ. Nhưng trên thực tế, điều luật này đem đến sự lợi ích trực tiếp cho Tỳ-kheo-ni, giúp họ làm nhỏ bé dần bản chất chấp ngã (atta) của họ. Lại nữa, Ni đoàn được thành lập sau Tăng đoàn, và đức Phật trông cậy vào chư Tỳ-kheo thông thái để giúp Ngài dạy dỗ các vị Tỳ-kheo-ni mới thọ giới. Theo luật, các vị Tỳ-kheo-ni phải cung kính Tỳ-kheo là điều hết sức hợp lý. Đức Phật không muốn chế định những điều luật mới và Ngài cũng không muốn đi ngược lại với dòng chảy của xã hội khi điều luật này cũng không có gì trái với tinh thần căn bản của Phật giáo.

Lại nữa, đức Phật không phải là một pháp gia, Ngài luôn mở ra những biệt lệ cho các đệ tử (khai). Có một nhóm Tỳ-kheo ứng xử thiếu tư cách đối với Tỳ-kheo-ni, Ngài cho phép chư Tỳ-kheo-ni không cung kính các vị Tăng này[2].

2. Tỳ-kheo-ni không được an cư ở một trú xứ không có chư Tăng.

Trong xã hội Ấn Độ, nữ giới luôn luôn được nam giới trong gia đình bảo vệ. Cũng vậy trong Tăng đoàn, chư Tỳ-kheo như những người anh phải bảo vệ cho Tỳ-kheo-ni như những đứa em gái của họ. Điều luật này được chế định là vì lợi ích trực tiếp cho Tỳ-kheo-ni.

Tuy nhiên, ở Đài Loan do hoàn cảnh xã hội khác biệt, chư Tỳ-kheo-ni đã sống tách biệt với Tăng đoàn. Chư Tỳ-kheo-ni không có nhu cầu bảo vệ của chư Tỳ-kheo.

Thật ra, Ni đoàn ở Đài Loan được thành lập vững mạnh trước đó rồi chư Tăng từ đại lục Trung Hoa mới đến Đài Loan, sau khi Trung Hoa chuyển sang chế độ Cộng Sản.

3. Chư Tỳ-kheo-ni nên cầu xin ngày nào là ngày Bố-tát và cầu giáo giới từ chư Tăng trong mỗi nửa tháng.

Thông thường các nghi thức Phật giáo được tổ chức theo ngày âm lịch. Tăng đoàn thường hội họp để làm lễ yết-ma (Sanghakamma) vào mỗi nửa tháng. Để hợp lệ cho nhị bộ Tăng yết-ma trong cùng một ngày, chư Tỳ-kheo-ni phải luôn luôn thưa hỏi để biết chắc ngày cử hành lễ cho nhất quán.

Về giáo thọ sư, chỉ có một số vị Tăng nào đó được chọn làm giáo thọ để đi đến Ni đoàn giáo giới. Chư Ni phải đi đến cầu xin giáo thọ là một việc hợp lý cần phải thực hiện.

4. Sau mùa an cư chư Tỳ-kheo-ni phải đến cầu xin tự tứ (trình 3 việc: thấy, nghe, nghi) với nhị bộ Tăng Ni.

Tự tứ là một phương cách dân chủ trong Tăng đoàn. Chư Tăng và chư Ni có thể nhắc lại những hành vi sai lầm để người làm sai có thể sửa đổi, tiến bộ và để giữ cho Tăng đoàn cộng trú trong sự hoà hợp và thịnh đạt cho Tăng đoàn. Điều này vô cùng lợi ích cho chư Ni. Một số vấn đề chư Ni đòi hỏi phải đối trước nhị bộ Tăng Ni sám hối hoặc cầu xin thọ giới, trong khi đó chư Tăng thì không đòi hỏi vấn đề này. Điều này cũng có giá trị xuất phát từ bối cảnh xã hội và lịch sử vì chư Tăng phải bảo vệ, khuyến tấn và dạy dỗ chư Ni. Điều này cũng không thích hợp cho chư Ni tham dự vào việc cử tội chư Tăng trong đó có một số vị thầy giáo thọ của họ.

5. Vị Ni phạm trọng tội phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin hành pháp Ma-na-đoả trong nửa tháng.

Điều luật này đề cập đến cách sám hối để phục hồi sự thanh tịnh của một người phạm tội, cho phép vị ấy trở lại Tăng đoàn. Điều này rất quan trọng, vì các vị giáo thọ trong Tăng đoàn có thể hướng dẫn và truyền trao kiến thức cho Ni đoàn.

6. Thức-xoa-ma-na tuân giữ 6 giới trong 2 năm, muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin.

Giai đoạn 2 năm tu tập là một phương tiện để cho một người nữ chuẩn bị thọ giới ở cấp độ cao hơn, đó là Tỳ-kheo-ni giới. Điều này trở thành điều kiện tiên quyết và cũng là điều chướng ngại cho những người muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni mà trong nhiều nước theo truyền thống Theravāda hiện nay không có Ni đoàn.

Nguyên nhân đầu tiên của giới này được chế định là để biết chắc rằng người nữ được thọ giới Tỳ-kheo-ni là người có đủ tiêu chuẩn được thọ giới. Một trường hợp được ghi lại trong Luật Tạng là một phụ nữ gia nhập Tăng đoàn mà cô không biết là cô đang bị có thai. Do trường hợp đặc biệt của cô, cô được phép vẫn giữ nếp sống của một Tỳ-kheo-ni để sinh con. Nhưng thật sự sinh hoạt của một người mẹ rất trở ngại cho cuộc sống của một nữ khất sĩ. Trong trường hợp đặc biệt trên, sau này đứa bé được cho người khác dưỡng nuôi. Do đó, người nữ, chứ không phải là người nam, cần phải tuân giữ một giai đoạn tu tập gọi là Thức-xoa-ma-na.

7. Vị Ni không được phép chửi rủa hay sỉ vả vị Tăng trong bất cứ trường hợp nào.

Điều này có lợi ích cho đời sống cộng trú hoà hợp giữa nhị bộ Tăng Ni, đặc biệt khi Tăng đoàn thành lập trước Ni đoàn và Ni đoàn phải nhờ chư Tỳ-kheo dạy dỗ.

8. Chư Ni không được phép quở trách chư Tăng, chư Tăng được quyền quở trách chư Ni.

Điều luật này được phát sinh từ điều luật thứ nhất nhấn mạnh đến giá trị xã hội trong một giai đoạn thể hiện sự tôn kính Tăng đoàn là điều cần thiết và đem lại lợi ích cá nhân cho chư Ni.

Bây giờ chúng ta hãy bước vào một số vấn đề gây tranh luận trong Bát Kính Pháp. Người ta tin rằng đức Phật đã chế định Bát Kính Pháp cho Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề như là những điều luật đặc biệt. Thông thường những điều luật này cũng được Ni đoàn tuân giữ. Nhưng nếu nghiên cứu một cách tỉ mỉ chúng ta thấy rằng Bát Kính Pháp chỉ áp dụng cho Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề. Vì sau này 500 thể nữ thuộc dòng họ Thích-ca được các vị Tăng trưởng thượng truyền giới còn Di mẫu thì không có thọ giới từ các vị Trưởng Lão này. Chính Di mẫu đặt ra vấn đề, những điều luật Di mẫu thọ nhận có giống với những gì các thể nữ dòng họ Thích-ca hay đã thọ hay không. Di mẫu được trả lời là bà đã được truyền giới rồi qua sự tuân giữ Bát Kính Pháp[3].

Một vấn đề khác, nếu Bát Kính Pháp thật sự được chế định vào lúc đầu tiên Ni đoàn vừa mới thành lập, vì sau này Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề thưa đức Phật rằng chư Tăng Ni có thể lễ bái tôn kính nhau theo tuổi đạo được hay không, đức Phật không chấp nhận. Sự việc này chắc hẳn xảy ra rất lâu sau khi Bát Kính Pháp đã được chế định. Nhưng Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã tuân giữ Bát Kính Pháp trước đó rồi thì yêu sách chư Tăng Ni phải lễ bái và tôn kính theo tuổi đạo không còn là vấn đề nữa (Điều 1 trong Bát Kính Pháp). Sự kiện này có thể chứng minh rằng Bát Kính Pháp được hình thành rất lâu trong một tiến trình lịch sử.

Nghiên cứu nội dung của điều luật 2 trong Bát Kính Pháp, chúng ta thấy điều luật này giống với giới thứ 56 trong tụ Ba-dật-đề nói về trú xứ (Arama Vagga) trong Giới Bổn Ni. Nếu thật sự chư Ni đã tuân giữ Bát Kính Pháp rồi thì tại sao đức Phật lại chế ra một giới trong tụ Ba-dật-đề giống như nội dung của điều luật này trong Bát Kính Pháp. Tại sao điều luật này lại được lập lại như vậy?

Trong một ngữ cảnh khác, việc xuất gia của Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề có thể so sánh với việc xuất gia của tôn giả Đại Ca-diếp (Maha Kassapa). Tôn giả Đại Ca-diếp phát nguyện giữ 3 lời nguyện (Ovada), trong khi đó Di mẫu chấp nhận tuân giữ Bát Kính Pháp. Nhưng người ta có thể đưa ra một vấn đề khác sau khi khảo sát ba điều luật mà tôn giả Đại Ca-diếp tuân thủ, các điều luật này chỉ là nguyên tắc đặc biệt áp dụng dành riêng cho cá nhân tôn giả Đại Ca-diếp. Ba lời nguyện của Ngài Đại Ca-diếp được tóm tắt như sau:

1. Tôi nguyện sẽ tôn kính chư Tỳ-kheo dù tuổi đạo lớn hay nhỏ.

2. Tôi nguyện sẽ chú tâm lắng nghe thiện pháp.

3. Tôi nguyện sẽ không màng đến thân thể.

Ba lời nguyện này được cá nhân tôn giả Đại Ca-diếp thực hành khi xuất gia và tu tập suốt đời của tôn giả, nhưng Bát Kính Pháp lại được áp dụng cho toàn thể Ni đoàn. Bát Kính Pháp tự thân nó không có một bằng chứng về quá trình hiện hữu, điều đó cho chúng ta một ý khác có thể có một Bát Kính Pháp khác mà tám điều luật này là những nguyên tắc hướng dẫn cho cách tu tập của Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề.

Điều luật thứ 6 của Bát Kính Pháp thật sự tạo ra một vấn đề liên hệ đến tiến trình lịch sử. Thượng Toạ Khantipalo (cựu trụ trì của Wat Buddharama ở Úc) là người đầu tiên chỉ ra sự khác biệt này. Theo Thượng Toạ, lần đầu tiên người nữ xin xuất gia tất cả họ được thọ giới Tỳ-kheo-ni liền. Không thể nào nói rằng đức Phật lại đặt điều kiện phải thọ Thức-xoa-ma-na trong khi Ni đoàn chưa được thành lập.

Cấp độ thọ giới Thức-xoa-ma-na được chế định sau này khi có sự kiện một người nữ bị có thai như đã được trình bày ở trên. Đức Phật không phải là một nhà lập pháp, Ngài chưa từng chế định một giới nào mà không có sự kiện xảy ra, mỗi giới được chế định ra là do các sự cố trong Tăng đoàn.

Vào giai đoạn mới thành lập Tăng đoàn, tôn giả Xá-lợi-phất bạch đức Phật nên chế định giới luật cho chư Tăng tuân theo. Đức Phật đã từ chối vì trong thời gian ấy chưa cần thiết phải chế định ra bất cứ một giới nào và vì hầu hết chư Tăng đều là các bậc giác ngộ. Một giới được ra đời là khi có chư Tăng phạm, do đó đức Phật mới chế định để giúp chư Tăng tránh những lỗi như vậy.

Lại nữa, mỗi điều luật tự thân của nó không bao giờ hoàn hảo, nó luôn được sửa đổi và điều chỉnh nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của con người. Giới luật phải được hiểu theo tinh thần của nó để chúng ta có thể sống đúng với Luật như đức Phật muốn nhắn nhủ.

[1] Cullavagga(Tiểu Phẩm), chương X; Sacred Book of East, XX, p. 354.

[2] Sự kiện này chúng tôi chưa tìm được trong Luật Tạng hoặc trong Kinh Tạng. Nếu các độc giả tìm được dẫn chứng này trong Kinh, xin chỉ giúp (chú thích của người dịch).

[3] Sự kiện lịch sử này được ghi lại trong chương X của Cullavagga (Tiểu Phẩm)khác hẳn. Theo sử liệu này, bà cùng năm trăm thể nữ cùng quyết chí xuất gia đã đi bộ từ Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly cầu xin đức Phật chấp nhận cho được xuất gia. Đức Phật đã đưa điều kiện là phải tuân thủ Bát Kính Pháp, Bà đại diện cho 500 thể nữ chấp nhận điều kiện của Phật đưa ra, lập tức Bà và 500 thể nữ được xuất gia (chú thích của người dịch).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]