Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới Luật - Cơ sở của đạo đức Phật Giáo

22/09/201015:08(Xem: 5639)
Giới Luật - Cơ sở của đạo đức Phật Giáo

Phat_Thich_Ca_10 

Giới Luật - Cơ Sở Của Đạo Đức Phật Giáo

Thích Viên Giác

Mục tiêu của đạo đức:

Các tiêu chuẩn đạo đức và các hành vi đạo đức nhằm mục đích đem đến cho con người và xã hội một cuộc sống hạnh phúc. Ban zeladze, một tư tưởng gia phương Tây, viết: "Vấn đề lý tưởng tối cao và ý nghĩa của cuộc sống thực chất là vấn đề hạnh phúc. Con người là giá trị cao nhất, là cơ sở, là ngọn nguồn của mọi giá trị, mọi thứ đều là phương tiện cho con người và cuộc sống của con người" (Đạo đức học - Nxb Hà Nội).

Những quan điểm và hành vi đạo đức nếu không đáp ứng được mục tiêu hạnh phúc cho con người thì không thể coi là đạo đức được; đồng thời không thể chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức mà đưa đến sự áp bức, hãm hại, bất công và đau khổ. Như vậy, mục tiêu của đạo đức là hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Một vấn đề khá phức tạp. Có người quan niệm rằng hạnh phúc đến từ vật chất như có tài sản, sắc đẹp, danh vọng hoặc đến từ sức khỏe của thân thể; đến từ tình yêu, hoặc đến từ cảm thụ thẩm mỹ nghệ thuật hoặc sự ân sủng của Thượng đế

Mặc dù quan niệm về hạnh phúc khác nhau nhưng có một kinh nghiệm chung về hạnh phúc, đó là một cảm thọ có điều kiện, nghĩa là cảm giác thoải mái, sung sướng, vui tươi do các điều kiện phù hợp có mặt. Những cảm giác ấy đạo Phật gọi là lạc thọ, đó là một trong ba cảm giác : lạc, khổ, và trung tính. Và đã là cảm thọ thì nó vô thường. Vì vậy có những cảm thọ thoáng qua nhanh, có những cảm thọ tồn tại lâu dài, có những cảm giác hạnh phúc nhưng nó lại là nguyên nhân của cảm giác khổ đau, có những cảm giác hạnh phúc là nền tảng cho những cảm giác hạnh phúc cao hơn. Nhìn chung thì hạnh phúc đến từ yếu tố tinh thần được nhiều người chấp nhận hơn, ít người cho rằng hạnh phúc đến từ vật chất. Aristote, triết gia cổ đại Hy Lạp, cho rằng : "Mặc dù tiện nghi vật chất cần thiết cho đời sống hạnh phúc nhưng yếu tố chính là sự sáng suốt của tâm hồn. Những khoái lạc giác quan không phải là chìa khoá của hạnh phúc. Hạnh phúc phải là sự khoái lạc của tâm trí" (Câu chuyện triết học). Ông công nhận giá trị vật chất nhưng coi hạnh phúc thuộc giá trị tinh thần cao hơn, đây là cái nhìn được nhiều triết gia chia sẻ. Ban zeladze viết :"Trong lãnh vực khoái cảm vật chất, khoái cảm càng mạnh thì càng ngắn ngủi. Cường độ khoái cảm tỷ lệ nghịch với độ dài thời gian của nó"; trong lãnh vực những khoái cảm về tinh thần, nhân tố thời gian có một vai trò hoàn toàn khác, thời gian tác động có lợi cho con người. Ở đây, không có quy luật tỷ lệ nghịch ngược lại cường độ khoái cảm càng cao trong lãnh vực này thì nó càng kéo dài" (Thích Chơn Thiện - Đạo đức Phật giáo).

Đức Phật có lần so sánh hạnh phúc của vua Bimbisara và hạnh phúc của Ngài. Ngài dạy rằng hạnh phúc mà vua Bimbisara hưởng thụ không kéo dài trong một ngày một đêm, còn hạnh phúc mà Ngài hưởng thụ một cách thuần túy kéo dài 7 ngày 7 đêm vì đó là hạnh phúc của tâm linh (thiền định) (Kinh Tiểu khổ uẩn - Trung Bộ I). Đức Phật thường dạy đệ tử phải biết rõ bản chất của lạc thọ (cảm giác hạnh phúc), sau khi biết rõ hãy an trú vào nội lạc (hạnh phúc tâm linh).

Đề cập đến hạnh phúc của một con người bình thường trong xã hội, Đức Phật dạy có 4 loại hạnh phúc :

Hạnh phúc khi có được tài sản sở hữu hợp pháp.
Hạnh phúc của sự hưởng thụ hợp lý tài sản ấy.
Hạnh phúc của sự không vướng mắc nợ nần của ai.
Hạnh phúc của sự không có tội lỗi (tâm hồn trong sáng, thanh thản) (Kinh Tăng Chi, chương 4 pháp).

Hạnh phúc thứ 4 được coi là căn bản và cao nhất, nếu hạnh phúc tinh thần này không có mặt thì 3 loại hạnh phúc trên trở nên vô nghĩa. Một người có nhiều tội lỗi không thể sống hạnh phúc được, ngược lại một người không có gây tạo tội lỗi thì có thể sống hạnh phúc, nghĩa là tâm hồn thanh thản, lương tâm trong sạch không có lo âu sợ hãi, ân hậnỢ Một người như vậy phải là một người sống có đạo đức, sống không bị sự chi phối, thúc bách bởi tham lam, sân hận và tà kiến.

Quan niệm hạnh phúc theo Phật giáo đồng nghĩa với giải thoát. Như vậy, toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo nói chung và hệ thống giới luật nói riêng đều là con đường đi vào đạo đức và hạnh phúc. Sự giải thoát hay hạnh phúc của một người nhiều hay ít, cao hay thấp tùy thuộc vào hành vi đạo đức của người ấy, nghĩa là tùy thuộc vào sự chế ngự dục vọng nhiều hay ít, nhất thời hay triệt để. Người Phật tử xuất gia hay tại gia không phải sống hai lối sống khác nhau, mà chính là sống trên một lộ trình giải thoát khỏi dục vọng và đau khổ, tùy theo điều kiện và cấp độ tu tập mà có sự khác nhau giữa hai đời sống xuất gia và tại gia.

Giới luật là cơ sở xây dựng đạo đức:

Mục tiêu của đạo đức là hạnh phúc, hay nói cách khác, muốn sống có hạnh phúc thì phải sống có đạo đức. Đạo đức phải được xây dựng trên cơ sở những tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn của con người và hoàn cảnh xã hội mà con người đang sống. Có những tiêu chuẩn được coi là đạo đức nhưng nó không thực sự cần thiết và thực sự phù hợp với quy luật hạnh phúc. Có những tiêu chuẩn đạo đức chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nào đó. Tóm lại, nó không có tính phổ quát, không đạt chuẩn mực đạo đức toàn diện.

Vì vậy, thiết lập nền tảng đạo đức phải mang tính phổ quát, phù hợp với chân lý và thực tiễn đời sống con người. Đạo Phật có thể cung cấp một hệ thống đạo đức như vậy.

Một người muốn trở thành một Phật tử, tự nguyện đặt mình vào kỷ luật để nuôi dưỡng đời sống tâm linh mà Đức Phật đã thiết lập, họ phải tuân thủ 5 giới, 10 giới, hay nhiều hơn nữa như 250 giới của Tỳ kheo, 48 giới của Bồ tát. Những giới luật ấy là những nguyên tắc hành trì, để sống có phẩm chất hơn, có tác dụng hướng thượng và hướng thiện tâm lý và hành vi của con người chứ không phải những nguyên tắc bất di bất dịch hoặc cứng nhắc, giáo điều. Giới luật ấy giúp con người nhận ra được một cách sâu sắc hơn về bản chất của cuộc sống và rút ra được hệ quả đạo đức, nuôi dưỡng được niềm tin vào cuộc sống hiện tại và hướng đi của tương lai.

Nếu một người hành trì các nguyên tắc đạo đức hay những giới luật này mà họ không cảm thấy một sự bình an, thanh thản nào thì họ đã không hiểu và hành trì đúng. Trong thực tế, có những Phật tự tuân thủ các nguyên tắc của giới nhưng đời sống của họ vẫn thiếu đạo đức, mối tương hệ của họ với tha nhân bất ổn, các mối quan hệ khác bị khủng hoảng, Đức Phật dạy đấy là rơi vào giới cấm thủ - một trong những kiết sử tạo nên những ức chế tâm lý.

Nguyên tắc hành trì mà Đức Phật thiết lập cho các đệ tử khép mình vào đó để làm đình chỉ dục vọng có thể nói đó là những nguyên tắc khách quan và phổ quát. Đó là năm giới của người Phật tử :

Không giết hại,
Không trộm cắp,
Không quan hệ tình dục phi pháp (tà dâm),
Không dối gạt hại người, và
Không rượu chè say sưa.

Một nhà tri thức phương Tây nhận định : "Năm giới này cho thấy 5 hướng chính mà người Phật tử tự mình kiểm soát để hành trì (tri hành). Đó là giới thứ nhất răn người Phật tử kiềm chế nóng giận, giới thứ hai kiềm chế tham đắm vật chất, giới thứ ba kiềm chế nhục dục, giới thứ tư kiềm chế sự khiếp nhược và ác ý (nguyên nhân không chân thật) và giới thứ năm kiềm chế lòng ham muốn các sự kích thích nhơ bẩn" (Edmond - Homes - Tín điều của Đức Phật). dù Phật tử hay không là Phật tử, các nguyên tắc đạo đức này cần phải được thực hành, dù trong điều kiện thời gian hay không gian nào, nếu không muốn có hậu quả xấu. Đức Phật xác định rằng một người nếu có hành vi sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói dối và đắm say các chất gây nghiện ngập thì sẽ có một cuộc sống sợ hãi và hận thù, đồng thời cõi ác đau khổ đang chờ đợi họ; ngược lại một người (Phật tử) từ bỏ sát sanh thì cuộc sống không có sợ hãi, hận thù và cõi thiện đang chờ đợi họ. Giá trị của một người không phải được đánh giá qua tài sản, thân tướng, dòng họ, địa vị mà được đánh giá qua đời sống mà chuẩn mực được thể hiện qua 5 nguyên tắc đạo đức trên. Đức Phật dạy thêm rằng :"Một người mà hành vi của họ được bảo vệ bởi 5 nguyên tắc (giới) trên thì người ấy có thể thành tựu một cách nhanh chóng bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú" (Tăng Chi III).

Đi sâu hơn các nguyên tắc căn bản trên, Đức Phật thiết lập 10 giới (10 điều thiện) nhằm nâng cao hơn nữa hành vi và tâm lý đạo đức của con người, 10 điều ấy được thiết lập trên cơ sở hành vi, ngôn ngữ và tâm ý.

Hành vi gồm có:

Không sát sanh,
Không trộm cắp,
Không quan hệ tình dục phi pháp.

Ngôn ngữ gồm có :

Không nói dối,
Không nói hai lưỡi,
Không nói lời độc ác,
Không nói lời phù phiếm ba hoa.

Tâm ý gồm có :

Không tham lam,
Không sân hận,
Không si mê tà kiến.

10 giời điều này thực sự bước vào lộ trình của giải thoát, đây là giới căn bản cho cả tại gia và xuất gia, khác với năm giới là bước đầu chỉ quy định trong phạm vi, hành vi và ngôn ngữ là những biểu hiện đạo đức cụ thể gây hậu quả trực tiếp, tuy vậy vẫn chưa thể hiện được nguồn gốc, động cơ bên trong. Luật pháp của xã hội cũng chỉ giới hạn ở mức độ hành vi và ngôn ngữ mà thôi. Đức Phật dạy rằng, một người thực hành 10 điều bất thiện thì cuộc sống của họ là phi đạo đức, đồng thời không đạt được mục tiêu hạnh phúc: "Này các Tỳ kheo, sát sanh, lấy của không cho, tà hành trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận và tà kiến, đây gọi là phi pháp và phi mục đích" (Kinh Tăng Chi III). Ngài khuyên mọi người nên sống đúng theo 10 điều thiện, như vậy phù hợp với nguyên tắc đạo đức và quy luật của hạnh phúc.

Trong 10 điều thiện phân làm 3 lãnh vực: thân, miệng, ý - Theo Phật giáo lãnh vực tâm lý rất quan trọng, những hành vi của thân, miệng, ý, đều có động cơ từ ý thức. Những hành vi bất thiện chỉ là những biểu hiện của động lực bên trong: tham, sân hay tà kiến. Vì vậy, đạo Phật thường coi trọng tu tâm hay tu tướng, nếu lòng tham không được nhận diện và tu tập để chế ngự chúng thì tội ác sẽ phát sinh, thiện pháp sẽ tổn giảm. Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, do nhân tham, sân, si mà có sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Như vậy, tham là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi, sân là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi, si là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi; ngược lại tham sân si đoạn diệt thì nghiệp đoạn diệt" (Kinh Tăng Chi III). Sự phát triển giới điều trong các sinh hoạt của Tăng chúng cũng chỉ khai triển sâu và rộng hơn 3 cái động lực thiện và bất thiện bên trong tâm ý này. Tham lam là gốc nhưng tham có nhiều loại : tham sắc, tham tài, tham danh, chấp ngã. Sự mở rộng giới luật chính là để tương ứng với nhiều sắc thái khác nhau của ba
tâm bất thiện này. Những nguyên tắc giới luật vừa để chế ngự, đình chỉ 10 ác nghiệp nhưng đồng thời cũng để phát triển 10 thiện nghiệp, trong luật gọi tính chất hai mặt này của giới : chi trì và tác trì.

Đạo Phật chú trọng vào động cơ tâm ý, hay ý nghiệp, điều đó không có nghĩa là coi thường hành vi của thân, miệng và kết quả của đối tượng. Ví dụ giới sát :"Cố ý tự tay mình làm dứt sinh mạng con người hoặc cầm dao đưa người khác giết, hoặc khen ngợi sự chết hoặc khích lệ cho chết. Người kia vì các điều trên mà chết thì phạm tội giết người phải bị trục xuất" (Giới Tỳ kheo). Một giới nếu vi phạm phải có tác ý, hay cố ý làm căn bản nhưng để thành một hành vi phi đạo đức phải có biểu hiện thân, miệng và kết quả của đối tượng. Có trường hợp thân miệng, hành động có hậu quả cho đối tượng nhưng không cố ý, không tác ý thì không phạm tội hay tội rất nhẹ. Đó là lý do đạo đức Phật giáo thường đi sâu vào động lực tâm ý của con người. Những động lực tâm ý ấy trở thành giới luật có tác dụng phòng ngừa và làm cho con người trở nên thánh thiện.

Đối với người xuất gia, giới luật rất nhiều và chi tiết : Tỳ kheo 250 giới, Tỳ kheo Ni 348 giới, Bồ tát 48 giới nhưng cũng chỉ phát triển từ sự đoạn trừ các động lực bất thiện của tâm ý là tham, sân và si. Nếu một người không có tham, sân, si thì đạo đức đã hoàn thiện, không còn giữ các giới điều trên làm gì. Vì vậy, đức tính của một Tỳ kheo được Đức Phật dạy bao gồm các thiện tâm mà nguồn gốc là vô tham , vô sân, vô si diễn ra như sau :"Người có tâm xấu hổ (tàm quí) sẽ đưa đến không tâm sợ hãi các tội lỗi, đưa đến không phóng dật, đưa đến biết khiêm cung, đưa đến nghe lời dạy bảo, đưa đến ưa gần người hiền, đưa đến có lòng tin vào chánh pháp, đưa đến lòng vị tha, đưa đến tinh cần trong thiện pháp, đưa đến chế ngự các dục vọng, đưa đến thiện giới được tuân thủ, đưa đến gần gũi bậc Thánh hiền, người trí tuệ, đưa đến ưa nghe pháp, đưa đến không quan tâm chỉ trích kẻ khác, đưa đến chánh niệm tỉnh giác, đưa đến tâm định tỉnh, đưa đến tác ý hợp chân lý, đưa đến không lầm theo tà đạo, đưa đến tâm tỉnh bén nhạy, tích cực, đưa đến đoạn trừ thân kiến, giới cấm thủ và nghi, đưa đến đoạn trừ tham sân si để thành tựu đạo đức hoàn toàn vô tham, vô sân, vô si". (Kinh Tăng Chi III).

Tóm lại, đạo đức Phật giáo được xây dựng trên cơ sở giới luật và những giới luật ấy là những nguyên tắc nếu được tuân thủ sẽ đem đến hiệu quả chế ngự dục vọng bản năng, thiết lập các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên một cách hoà điệu; xa hơn nữa, có thể tịnh hóa tâm thức thoát ly các chướng ngại và ức chế tâm lý để sống một đời sống hạnh phúc chân thật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]