Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Pháp Bất Định

14/05/201312:07(Xem: 9518)
Chương 3: Pháp Bất Định

Hiệp Chú

Chương 3: Pháp Bất Định

Hòa thượng Thích Trí Thủ

Nguồn: Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch

I. TỔNG TIÊU:

A. CHÁNH VĂN:
Thưa các Đại đức, đây là hai pháp bất định xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Gọi là bất định pháp, vì trong ba thiên tội, hoặc ba la di, hoặc tăng già bà thi sa, hoặc ba dật đề, khi cử tội, chưa thể dứt khoát xác định nó thuộc thiên nào. Sở dĩ có tính cách bất định như vậy là vì ở đây Tăng căn cứ vào báo cáo của một Ưu bà di trụ tín. Nhưng vì là cư sĩ, Ưu bà di ấy không biết rõ tội danh, mà chỉ thấy Tỳ kheo có hành vi được coi là phi pháp, nên báo cáo cho Tăng biết để xử trị. Đây là trường hợp duy nhất mà một Phật tử tại gia có quyền cử tội một Tỳ kheo. Nhưng không phải rằng bất cứ Phật tử tại gia nào cũng có thể nêu tội Tỳ kheo và Tăng căn cứ theo đó mà xử trị. Theo Luật quy định, đây phải là một trụ tín Ưu bà di, nghĩa là một nữ cư sĩ đã thành bốn chứng tịnh, cũng gọi là bốn bất hoại tín. Một vị đã thành tựu bốn chứng tịnh này đương nhiên đã chứng Sơ quả là thấp nhất. Và cao nhất ở đây là A na hàm. Vì nếu chứng quả A la hán đương nhiên là người xuất gia, tức Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni. Với sự thành tựu bốn chứng tịnh, vị ấy dù mất sinh mạng cũng không bao giờ nói sai sự thực. Vả lại, do tín tâm bất động đối với Phật, với Pháp, với Tăng và với Thánh giới, cho nên, khi một trụ tín Ưu bà di nêu tội một Tỳ kheo trước Tăng, thì hành vi này tất nhiên không do sự tị hiềm, thiên vị, và các Tỳ kheo đều biết rõ điều đó; như vậy, sự việc mới không dẫn đến tranh luận và chia rẽ giữa các Tỳ kheo trong khi luận tội.

Dù có lời báo cáo của Ưu bà di trụ tín, nhưng khi luận tội, để kết luận tội danh và tội chủng, Tăng phải căn cứ trên sự tự nhận của Tỳ kheo bị nêu tội. Trong Luật quy định, không bao giờ Tăng được phép buộc tội một Tỳ kheo mà không có sự tự nhận của vị ấy. Trong trường hợp này, đối với Tăng, sự báo cáo của vị Ưu bà di trụ tín là đáng tin cậy, nhưng nếu vị Tỳ kheo bị nêu tội từ chối không xác nhận tội phạm của mình, Tăng phải có biện pháp xử lý. Các bộ Tăng kỳ 7, Thập tụng 4, Căn bản tỳ nại da 16, đều quy định rõ rằng, nếu Tỳ kheo bị nêu tội không chịu tự xác nhận, Tăng cần tác pháp mích tội tướng là điều thứ 5 trong bảy pháp diệt tránh sẽ được nói trong Chương bảy pháp diệt tránh ở sau.

Riêng Tứ phần 5 nói hơi khác các bộ kể trên. Theo đây, nếu Tỳ kheo bị nêu tội từ chối không chịu nhận, Tăng xử trị theo lời của Ưu bà di báo cáo ấy. Nhưng sự kiện này có lẽ do văn tối nghĩa, hoặc dịch giả dịch sai lạc nguyên bản.

Nói tóm lại, sở dĩ bất định, là vì người cử tội không biết rõ tội danh, tội chủng, chứ không phải bất định trong sự xử trị.

II. GIỚI TƯỚNG:

ĐIỀU I. Bình xứ tọa.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, cùng một người nữ một mình ngồi tại chỗ khuất, chỗ kín, chỗ có thể hành dâm, nói lời phi pháp. Có vị Ưu bà di trụ tín nói một trong ba pháp, hoặc ba la di, hoặc tăng già bà thi sa, hoặc ba dật đề, và Tỳ kheo ngồi ấy tự xác nhận: "Tôi phạm tội ấy", vậy cần xử trị một trong ba pháp, hoặc ba la di, hoặc tăng già bà thi sa, hoặc ba dật đề, đúng như lời của vị Ưu bà di trụ tín. Cần phải như pháp xử trị Tỳ kheo. Đây gọi là pháp bất định.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Nếu Tỳ kheo… có vị, trụ tín Ưu bà di: theo sự giải thích của Luật nhiếp 5, đoạn văn này bao gồm 4 yếu tố cơ sở của pháp bất định: 1. Sự, Tỳ kheo một mình ngồi chung với một nữ. 2. Xứ, ngồi tại chỗ khuất, chỗ kín. 3. Tình, có thể hành dâm. 4. Chứng, có sự chứng kiến của vị Ưu bà di trụ tín. Đây là giải thích y trên Luật Căn bản, nhưng chánh văn trong bộ này không nói đến yếu tố nói lời phi pháp như trong Tứ phần. Vậy, theo Luật Tứ phần, có thể có 5 yếu tố:

+ Nói một trong ba pháp: nêu rõ ý nghĩa bất định. Đây không phải là vị trụ tín Ưu bà di ấy có thể nêu rõ tội danh và tội chủng, mà vị ấy chỉ báo cáo sự việc xảy ra và Tăng căn cứ trên đó để xác định hành vi của Tỳ kheo ngồi ấy là hành vi thuộc ba la di, hay thâu lan giá của ba la di, hoặc đó là hành vi thuộc tăng già bà thi sa v.v…

+ Và Tỳ kheo ngồi ấy tự xác nhận… đúng như lời của vị Ưu bà di trụ tín: sự luận tội của Tăng dựa trên hai cơ sở: lời báo cáo của Ưu bà di trụ tín và lời xác nhận của Tỳ kheo bị nêu tội. Nếu cả hai phù hợp, bấy giờ Tăng mới có thể kết luận tội danh và tội chủng.

+ Cần phải như pháp xử trị: Lời báo cáo của vị Ưu bà di trụ tín chỉ là sự cử tội, chứ không thể là lời kết tội, xử trị như pháp là phải căn cứ trên sự tự xác nhận của Tỳ kheo bị nêu tội.

Tứ phần 5 giải thích biện pháp xử trị như sau: Nếu Tỳ kheo ấy tự xác nhận có đến chỗ đó, có ngồi hoặc nằm tại chỗ đó, và có làm sự việc đó; thì căn cứ theo lời xác nhận này mà xử trị với tội tướng phù hợp. Nếu Tỳ kheo chỉ xác nhận có đi, có ngồi hoặc có nằm nhưng không có làm sự việc đó, trong khi theo lời báo cáo của Ưu bà di trụ tín thì Tỳ kheo ấy có làm sự việc đó; vậy, căn cứ theo lời của Ưu bà di trụ tín mà xử trị… Đoạn văn giải thích này cần bổ túc bằng các bộ Tăng kỳ 7, Thập tụng 5 và Căn bản tỳ nại da 16 như đã dẫn trên. Nghĩa là, Tăng cần tác pháp mích tội tướng, cho đến khi nào lời xác nhận của Tỳ kheo ấy phù hợp với lời báo cáo của vị Ưu bà di trụ tín, bấy giờ mới kết luận tội danh để xử trị.

2. PHẠM TƯỚNG:

Do tính cách bất định, nên các yếu tố vi phạm tùy theo từng điều khoản của 4 ba la di, hoặc 13 tăng già bà thi sa, hoặc 90 ba dật đề. Thiên này không có phạm tướng riêng biệt, mà chỉ có 4 hoặc 5 yếu tố cơ sở để nêu tội như đã nêu trên mà thôi.

3. DUYÊN KHỞI:

Tứ phần 5: Phật tại Xá Vệ. Ca Lưu Đà Di ngồi chung với Trai Ưu bà di trong chỗ khuất. Bà Tỳ Xá Khư, một nữ cư sĩ đã thành tựu bốn chứng tịnh, có việc đến nhà Trai Ưu bà di. Từ xa, nghe trong nhà có tiếng nói của Ca Lưu Đà Di, ngỡ là đang thuyết pháp, nên đến dựa vào vách để nghe, nhưng chỉ nghe những lời phi pháp. Bà đem sự việc này trình với Phật, với thiện ý là Phật cấm các Tỳ kheo có hành vi như vậy, để tránh những đàm tiếu của các tục gia đối với các Tỳ kheo. Phật do đó kết giới này.

Đại khái các bộ khác cũng tường thuật duyên khởi là do bà Tỳ Xá Khư bạch Phật về việc Ca Lưu Đà Di. Những chi tiết khác nhau không đáng kể, do đó đây không dẫn hết.

ĐIỀU 2. Lộ xứ tọa.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, cùng một người nữ ngồi tại chỗ trống, chỗ không thể hành dâm, nói lời thô tục. Có vị Ưu bà di trụ tín nói một trong hai pháp, hoặc tăng già bà thi sa, hoặc ba dật đề, và Tỳ kheo ngồi ấy tự xác nhận: "Tôi phạm tội ấy"; vậy cần xử trị một trong hai pháp tăng già bà thi sa, hoặc ba dật đề, đúng như lời của vị Ưu bà di trụ tín. Cần phải như pháp xử trị Tỳ kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định.

B. LƯỢC GIẢI:

Nội dung điều học này, và duyên khởi của nó, cũng giống như điều 1 trên. Điểm khác biệt ở đây là, Tỳ kheo không ngồi tại chỗ kín, chỗ khuất, chỗ có thể hành dâm, mà ngồi ở chỗ trống. Vì tại chỗ đó không thể hành dâm được, nên không thể phạm ba la di, do đó chỉ có sự bất định giữa một trong hai pháp: hoặc tăng già bà thi sa, hoặc ba dật đề. Biện pháp xử trị cũng giống như điều 1.

III. KẾT THUYẾT:

A. CHÁNH VĂN:

Các Đại đức, tôi đã tụng xong hai pháp bất định.

Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không?

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

B. LƯỢC GIẢI:

Không như hai thiên trên, trong phần kết thuyết có nêu tổng quát các nguyên tắc xử trị phạt căn bản. Chương này không có phạm tướng riêng biệt, nên chỉ kết và hỏi thanh tịnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]